Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 20 Thường Niên, Năm C

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 20 Thường Niên, Năm C

Các bài đọc Chúa nhật này trình bày cho chúng ta một cơ hội để tiếp tục suy tư về các khía cạnh khác nhau của chủ đề làm môn đệ đã bắt đầu vào tuần trước. Tuần này, chúng ta cùng nhìn lại cái giá của việc làm môn đệ. Điều này dẫn chúng ta đến nhận thức rằng chỉ khi chúng ta được Chúa nâng đỡ, chúng ta mới có thể trả giá. Cuối cùng, chúng ta nhận ra rằng tư cách môn đệ được sống trong bối cảnh của cộng đoàn.

 

BÀI ĐỌC 1: Gr 38,4-6, 8-10

Giêrêmia bị bỏ xuống giếng

Tiên tri Giêrêmia là một người hòa bình, ông có sứ mệnh cảnh báo người dân thành Giêrusalem về sự hủy diệt bởi sức mạnh của quân đội Babylon đang đến gần. Hy vọng duy nhất của dân không nằm ở hiệu quả và sức mạnh quân sự hay liên minh với các nước ngoài, mà là sự trung thành với Chúa. Đây không phải là sứ điệp duy nhất mà ông phải đưa ra, vì ông cũng báo trước rằng Cuộc Lưu đày sẽ mang lại một giao ước mới và ơn tha thứ tội lỗi khi họ thống hối sự bất trung của mình trong cuộc sống lưu vong và trở về với Chúa. Tuy nhiên, ông muốn tránh khỏi nhiệm vụ này bằng cách giả vờ với Chúa rằng ông bị nói lắp, nhưng Chúa bảo ông hãy thôi giả vờ và bắt đầu sứ vụ. Nhà vua gạt bỏ những lời tiên tri của Giêrêmia một cách có hệ thống khi nó được đọc ra, nhưng đồng thời ông có cảm giác áy náy và nghi ngại rằng Giêrêmia đã đúng. Ở đây, Lời Thiên Chúa được vị tiên tri công bố đã xung khắc với chính sách của quốc gia. Và quân nhân của vua đã khống chế vị tiên tri và khiến Giêrêmia phải im lặng bằng cách bỏ ông xuống bùn ở đáy một bể chứa nước. Bài đọc này được chọn để kết hợp với bài đọc Tin Mừng, để dạy rằng sứ điệp về lòng trung thành với Thiên Chúa nhất định phải là một dấu hiệu gây nên sự mâu thuẫn và chống đối.

 

ĐÁP CA: Tv 40,2- 4, 18

Cảm tạ Chúa

Những câu 2-13 là những lời tạ ơn. Tác giả Thánh vịnh diễn tả việc ông được giải thoát bằng những từ ngữ và hình ảnh chỉ không gian vật lí, như một người được kéo ra khỏi từ vũng lầy sang miền đất khô. Dù lâm cảnh khó khăn tuyệt vọng ông vẫn cứ cậy trông. Câu 4 cho thấy, việc dâng lời tạ ơn Chúa không phải chỉ là một công việc người ta cần làm để đáp trả ơn Chúa vì đã được cứu thoát, nhưng tự nó chính là một hành vi tạ ơn rồi. Bởi vì nó biểu tỏ cho người khác biết lòng thương xót của Chúa (c. 4b). Những câu kế tiếp nối kết việc giải thoát cá nhân với những kì công Thiên Chúa đã thực hiện để cứu thoát Israel trong lịch sử.

Cc. 7-9 có một sự chuyển đổi ý tưởng, nhưng chủ ý nói tới điều này: người được giải thoát muốn dâng lễ tạ ơn, nhưng ông nghĩ rằng việc tuân phục luật Chúa có giá trị hơn. Điều này nhắc đến những lời của ngôn sứ Samuel cho ông Saun trong 1 Sm 15,22: “Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hi lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hi lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu”. Câu 8 “Này con xin đến” mang một ý nghĩa huyền nhiệm, có thể tái tạo một hình ảnh tương tự như trong Tv 118,19: “Xin mở cửa công chính cho tôi, để tôi vào tạ ơn Đức Chúa”. Tác giả sẽ vào đền thờ để tạ ơn không phải bằng lễ toàn thiêu của các con vật, nhưng với bài ca mới và tâm tình tuân phục lề luật Chúa.

9 “Con thích làm theo thánh ý”. Tác giả thư Hípri đã đặt những lời này vào môi miệng của Chúa Giêsu để cho thấy Người hoàn toàn tuân phục ý Chúa Cha (Hr 10,5-7). Khi kết hợp ý muốn con người với ý Thiên Chúa, Chúa Kitô đã thực hiện ý Chúa Cha một cách hoàn hảo. (x. GLHTCG 150, 462, 2657, 2824)

(Các câu 14-18 gần giống với Tv 70.) Giọng điệu của Thánh vịnh chuyển từ lòng biết ơn sang lời cầu nguyện tiếp tục được giải cứu. Tình yêu giao ước được theo sau bởi một đặc tính của giao ước thứ hai: lòng thương xót. Trong tiếng Hipri, từ này bắt nguồn từ cùng một gốc với từ “dạ con”, ngụ ý rằng lòng thương xót có liên quan đến sự gắn bó mà người mẹ có đối với đứa trẻ trong bụng mình hoặc giữa những cá nhân được sinh ra từ cùng một bụng mẹ. Những câu cuối cùng của Thánh vịnh này đưa ra những lời tuyên xưng với lòng tin tưởng mạnh mẽ của một người đã cảm nghiệm được ơn Chúa giải thoát.

 

BÀI ĐỌC 2: Hr 12,1-4

Đấng Khai mở và Kiện toàn Đức tin

Bài đọc từ thư Hipri vào Chúa nhật tuần trước đã trình bày một loạt các nhân vật trong Cựu Ước, những người đã được đức tin của họ nâng đỡ để vượt qua những khó khăn và thất vọng. “Đám đông nhân chứng lớn lao” này đã giữ vững đức tin của họ một cách anh dũng trong cuộc hành hương hướng tới mục tiêu. Tất nhiên, nhân vật tối cao là Chúa Giêsu, Đấng đã coi thường sự ô nhục của Thập giá, và vì vậy đã được đặt vào ngai Thiên Chúa. Với Chúa Giêsu, một chiều kích đức tin hoàn toàn mới bắt đầu. Hai từ được dịch là “Đấng Khai mở” và “Đấng Kiện toàn” được lựa chọn cẩn thận để diễn tả sự khởi đầu và sự hoàn thành đức tin của chúng ta. Danh hiệu trước có nghĩa là Người khởi động và tiến lên phía trước, không chỉ đơn thuần là một nhà lãnh đạo mà là một Đấng khởi xướng, nếu không có Người thì điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. “Đấng kiện toàn” có nghĩa là gì? Chúa Giêsu đã đưa tất cả  đến hoàn thành. Đó là một từ giống với lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá trong Gioan: “Mọi sự đã hoàn tất.” Điều gì là hoàn tất? Có phải cuộc đời của Chúa Giêsu? Công việc của chính Chúa Giêsu? Cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, được hình thành từ Đức Maria và người Môn đệ Yêu dấu? Kế hoạch của Chúa? Hay lời hứa trong Sách Thánh? Không điều nào trong số này có thể bị loại trừ, vì trong mỗi nghĩa này, Chúa Giêsu là Đấng hoàn tất.

 

TIN MỪNG: Lc 12,49-53

Ngọn lửa bùng lên

Hình ảnh Chúa Giêsu đưa ra về chính mình trong đoạn Tin Mừng này sẽ gây băn khoăn nếu chúng ta nghĩ về Người chỉ đơn thuần là một Đấng Messia dịu dàng đã đến để truyền bá hòa bình trên khắp thế giới. Ở đây, Người khẳng định rằng việc Người đến có thể so sánh với một cuộc viếng thăm ấn tượng mang tính tiên tri. Người nói rằng Người đã đến để ném lửa vào mặt đất, Người phải chịu phép rửa và gây ra sự chia rẽ ngay trong một gia đình. Không phải Chúa Giêsu khắc khoải chờ đợi những xáo trộn này diễn ra nơi chính họ. Đúng hơn, bản thân Người bùng cháy lên lòng nhiệt thành đối với việc hoàn thành sứ mệnh dương thế của mình, mà trong việc mời gọi thay đổi triệt để, chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả như vậy.

Khi đề cập đến việc ném lửa vào mặt đất, điều đó có lẽ biểu thị sự xét xử nghiêm khắc, cũng giống như một hành động tương tự của tiên tri Êlia (x. 2 V 1,10-14). Một số nhà chú giải cho rằng đây là một ám chỉ đến Thần Khí, Đấng sẽ ngự đến trong lửa. Tuy nhiên, giọng điệu tiêu cực của đoạn văn này gợi ý khác. Nhiều khả năng nó ám chỉ đến ngọn lửa của thợ luyện kim mà tiên tri Malakhi đã nói tới (Ml 3: 2). Cùng với ngọn lửa thanh tẩy trái đất này, Chúa Giêsu nói về phép rửa mà Người sẽ phải trải qua. Rõ ràng là Người muốn nói về sự đau khổ và cái chết mà Người sẽ phải chịu. Trong khi sợ hãi, Người sẽ đón nhận, vì Người biết đó là con đường mà qua đó Người sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình.

Điểm cốt lõi để kết hợp tất cả các yếu tố của diễn ngôn này là vấn đề phức tạp của sự chia rẽ. Trong khi chính Chúa Giêsu là một Hoàng tử của hòa bình, sứ điệp mà Người loan báo rõ ràng đã gây chia rẽ. Nhiều tuyên bố trong giáo huấn mà Người đưa ra đã cắt đứt nền móng phong tục và quan niệm xã hội cũng như thực hành tôn giáo của thời bấy giờ. Người đưa ra những yêu cầu thách thức chính hiện hữu của con người. Người nhấn mạnh rằng cam kết với Người và với sứ điệp của Người phải được ưu tiên hơn bất kỳ sự trung thành chính trị và thậm chí là quan hệ họ hàng nào. Đây là nguyên nhân của sự chia rẽ được mô tả trong đoạn văn. Những người mà lúc đầu gắn kết với nhau bằng mối quan hệ thân thiết nhất của con người, đã bị phân cách bởi lòng trung thành với Người. Một số người đón nhận Chúa Giêsu và giáo huấn của Người thậm chí còn bị khai trừ bởi những người không chấp nhận. Sự thù oán  mà Chúa Giêsu tạo ra cũng là nguyên nhân dẫn đến sự khước từ chính Người cũng như đau khổ và cái chết cuối cùng.

Giáo huấn này được trình bày theo quan điểm của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, từ quan điểm của một người lắng nghe lời dạy đó, nó diễn ra theo cách sau đây. Giáo huấn của Chúa Giêsu và những đòi hỏi của Người gây ra sự chia rẽ và chống đối, dẫn đến cái chết của Người. Cái chết của Người là phép rửa mà Người đã được định sẵn để chịu. Ngọn lửa xét xử mà Người thổi bùng lên là hệ quả tất yếu của sự lựa chọn được đưa ra đối với Người. Ngọn lửa thanh tẩy ấy đã tách những người đón nhận Chúa Giêsu khỏi những ai không đón nhận Người. Không có kết luận an ủi nào cho diễn từ này. Ở đây Chúa Giêsu đã mô tả những ảnh hưởng mà giáo huấn của Người sẽ tạo ra mọi người. Chính cho những ai nghe sứ điệp này sẽ phải quyết định sẽ chọn hành động nào.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 575-576 : Đức Kitô, dấu chỉ sự chống báng

+ GLHTCG 1816 : Môn đệ phải là một chứng nhân đức tin mạnh mẽ

+ GLHTCG 2471-2474 : Làm chứng cho chân lý

+ GLHTCG 946-957, 1370, 2683-2684 : Chúng ta hiệp thông với các thánh

+ GLHTCG 1161 : Ảnh tượng thánh diễn tả cho chúng ta về “đám mây nhân chứng”

Lm Giuse Ngô Quang Trung