Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 22 Thường Niên, Năm C

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 22 Thường Niên, Năm C

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết rằng thái độ sống khiêm nhường thực sự sẽ dẫn đến việc chia sẻ rộng rãi với những người nghèo, đó là bổn phận của một Kitô hữu đích thực. Các bài đọc cũng cảnh báo chúng ta chống lại mọi hình thức tự kiêu và tự tôn vinh mình. Bài Tin Mừng dạy chúng ta phải hành động với sự khiêm tốn và xem mình là người phục vụ cộng đồng hơn là những người mà cộng đồng phải phục vụ.

 

BÀI ĐỌC 1: Hc 3,17-20, 28-29

Đừng kiêu căng

Các bài đọc từ cuốn sách của Ben Sira (hay Huấn ca) chỉ có khoảng sáu lần vào các ngày Chúa nhật của chu kỳ ba năm. Đây có lẽ là cuốn sách cổ nhất trong số các sách Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, được viết bằng tiếng Hipri bởi một người ghi chép có nhiều kinh nghiệm tại Giêrusalem vài thế kỷ trước Công nguyên. Phiên bản chúng ta hiện có được dịch sang tiếng Hy Lạp cho người Do Thái ở Alexandria bởi người cháu của tác giả. Cuốn sách chứa đầy những lời khuyên dạy khôn ngoan đời thường cũng như huấn dụ thiêng liêng; nó cũng đưa ra những đánh giá thực tế về bản tính con người. Những lời khuyên bảo đôi khi rất khô khan. Ở đây, tác giả nhắc nhở chúng ta rằng lòng kiêu hãnh thường là sự che đậy cho sự bất an. Người thực sự vĩ đại không cần phải tạo ấn tượng, họ luôn cởi mở, cảm thông và sẵn sàng học hỏi từ những người khác. Sự cởi mở như vậy luôn lôi cuốn và chiếm hữu được lòng người. Quan trọng hơn, nó mang lại sự vững chắc và tính xác thực khiến chúng ta cũng mở lòng đón nhận lời thinh lặng của Chúa. “Chúa bày tỏ những bí mật của Ngài cho những kẻ khiêm nhường”. Đây là đức tính của Chúa Giêsu, một người “hiền lành và khiêm nhường”, Đấng đã lên thành Giêrusalem không phải trên một con ngựa chiến mà trên một con lừa.

 

ĐÁP CA: Tv 68:3-6, 9-10

Thiên Chúa che chở

Các câu Thánh vịnh trong phần đáp ca hôm nay phác họa hai hình ảnh khác nhau về Thiên Chúa. Hình ảnh thứ nhất trình bày một Thiên Chúa luôn che chở và bảo vệ những người yếu đuối; hình ảnh thứ hai, Thiên Chúa là cội nguồn sự sống trong vũ trụ. Tổng hợp lại, hai hình ảnh nói lên quyền năng của Thiên Chúa trong lịch sử và trong thế giới thụ tạo.

Các câu 4-5 công bố lời kêu gọi ngợi khen Thiên Chúa và tôn kính Ngài. Ngài là Đấng bảo vệ kẻ yếu thế (nghĩa đen là “kẻ mồ côi cha”) và bênh vực những người góa bụa (câu 5 và GLHTCG 238). Dân Israel gọi Thiên Chúa là “Cha” vì Ngài là Đấng tạo dựng thế giới. Tuy nhiên, Thiên Chúa là “Cha” duy nhất đối với Israel vì mối dây của Giao ước Sinai và sự ban tặng Lề Luật Thiên Chúa, qua đó Israel trở thành “con đầu lòng” của Ngài giữa các dân tộc khác trên trái đất (Xh 4,22). Đức Chúa cũng được gọi là “Cha” của các vua nhà Đavít (2 Sm 7,14).

Các câu 10-11 đề cập đến các chủ đề trong sách Xuất hành và lời hứa bảo vệ Đất Hứa của Thiên Chúa nếu dân Israel tuân giữ lề luật của Ngài và trung thành với giao ước đã ký kết (x. Lv 26, 3-13; Đnl 28,1-14 ).

 

BÀI ĐỌC 2: Hr 12,18-19.22-24

Thành đô của Thiên Chúa hằng sống

Bài đọc cuối cùng của thư Hipri tập hợp hai chủ đề chính của thư: tính ưu việt của chức tư tế của Chúa Kitô so với của Luật cũ, và cuộc hành hương đang hướng về mục tiêu của nó. Cũng giống như dân Israel trong cuộc xuất hành nơi sa mạc, Giáo hội vẫn là một Giáo hội lữ hành, đang tiến bước tới cùng đích của mình. Để xoa dịu nỗi nhớ của các tư tế Hipri, những người vẫn khao khát những nghi thức cũ của Đền Thờ, tác giả so sánh hai cuộc hành hương của Cựu Ước và Tân Ước, và chỉ ra tính ưu việt của mục tiêu của cuộc hành hương Tân Ước. Cuộc hành hương của Luật cũ là đến Sinai và ở đó người ta trải nghiệm sự sợ hãi kinh khủng về một Thiên Chúa ở trên núi. Mục tiêu của cuộc hành hương Kitô giáo là Giêrusalem trên trời, nơi tất cả là hòa bình và sự hoàn hảo. Có sự tương phản giữa hai giao ước, giao ước được lập trên Sinai thì bị phá vỡ nhiều lần trong suốt lịch sử của Dân được chọn, và giao ước mới vĩnh cửu do chức tư tế của Chúa Kitô làm trung gian, được thiết lập để duy trì mãi mãi như một bảo đảm về mối quan hệ dưỡng tử và thừa kế của chúng ta.

 

TIN MỪNG: Lc 14,1,7-14

Sống khiêm hạ

Các sự kiện được mô tả trong bài đọc Tin Mừng Chúa nhật này diễn ra vào ngày Sabát trong bữa tối tại nhà của một trong những thủ lãnh người Pharisêu. Tất cả những chi tiết này đều quan trọng đối với những bài học mà Chúa Giêsu sẽ dạy. Bữa tối ngày Sabát là dịp để mời những vị khách không phải là thành viên trong gia đình. Điều này giải thích tại sao Chúa Giêsu hiện diện ở đó. Hơn nữa, những cuộc tụ họp như vậy là thời gian để thảo luận về các vấn đề tôn giáo và, trong trường hợp của Chúa Giêsu, là cơ hội để các nhà lãnh đạo tôn giáo thử thách lập trường chính thống của Người. Cuối cùng, câu nói mà bài đọc kết thúc sẽ được những người Pharisêu rất quan tâm, những người tin vào sự sống lại.

Bản văn nói rằng Chúa Giêsu đã được những người khách khác dò xét trong bữa ăn tối. Tuy nhiên, Chúa Giêsu là người tìm ra lỗi lầm của họ, và đưa ra hai chỉ thị đạo đức, một chỉ thị dành cho khách và một dành cho chủ nhà. Trước tiên Người kể một câu chuyện dụ ngôn đề cập đến vị trí thích hợp trong các bữa tiệc. Đây là một vấn đề quan trọng đối với một xã hội như Israel thời đó, bận tâm đến những vấn đề về danh dự và đẳng cấp. Vị trí của một người trên bàn tiệc biểu thị mức độ danh dự mà chủ nhà dành cho khách. Câu chuyện cho thấy hành động nực cười trong việc đặt nặng tầm quan trọng trong một bữa tiệc công cộng. Có thể là một vị khách khác sẽ đến và được đặt vào một vị trí cao hơn, và vì thế vị khách này sẽ phải xấu hổ khi đến một chỗ ngồi ít quan trọng hơn.

Chúa Giêsu không chỉ trích cách thực hành này. Thay vào đó, Người thấy thái độ kiêu ngạo của những người nghĩ rằng họ quan trọng hơn thực tế, là lỗi lầm. Dường như Người muốn duy trì thông lệ này, khi khuyên các khách mời hãy ngồi ở những ghế ở cuối để họ được vinh dự trước công chúng khi được mời đến những nơi danh dự hơn. Đây là xã hội mà Người là một thành viên, và Người sử dụng các thực tiễn xã hội của nó để đưa ra quan điểm của mình. Phần đầu của khuyến dụ này kết thúc với một lời nhắc nhở dường như làm đảo lộn các ưu tiên. Các xã hội được thúc đẩy bởi những vấn đề về địa vị hiếm khi ủng hộ việc hạ mình. Trong thực tế, điều ngược lại thường đúng: họ hạ thấp người khác để nâng cao bản thân. Những gì Chúa Giêsu chủ trương hoàn toàn ngược lại. Người mời gọi mọi người hạ mình xuống và không tự đề cao bản thân để họ có thể được Thiên Chúa, chứ không phải người khác tôn lên.

Quay sang chủ nhà, Chúa Giêsu chỉ trích thói quen chỉ mời những người có khả năng đáp lại bằng một bữa tiệc tương tự. Không có lòng quảng đại khi trao tặng những người có thể trả ơn. Thay vào đó, hãy phân phát cho những người nghèo và những người cần giúp đỡ, những người không có địa vị và danh dự, và không thể đáp trả. Mời những người túng thiếu sẽ cho thấy lòng quảng đại của một người xuất phát từ thái độ cởi mở đối với người khác mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Những người Pharisêu có thể không đồng ý với lời khuyên cụ thể này của Chúa Giêsu, nhưng họ sẽ hiểu lời tuyên bố của Người về phần thưởng sẽ đến vào thời điểm phục sinh. Không giống như nhóm Sađusêu, những người chỉ chấp nhận những gì được viết trong Kinh Thánh, người Pharisêu tin vào sự sống lại. Đề cập đến sự phục sinh của người công chính không có nghĩa là sẽ không có sự phục sinh cho kẻ ác. Tuyên bố có thể được đưa ra như thế bởi vì hành vi được mô tả là bảo đảm phần thưởng chứ không phải hình phạt.

Cả hai phần giáo huấn của Chúa Giêsu trong trình thuật này đều thách thức các nguyên tắc phổ biến về danh dự và địa vị. Trước tiên, Chúa Giêsu định nghĩa lại thế nào là hành vi được tôn vinh, và sau đó Người xác định lại ai là những khách mời được tôn vinh. Khi nhấn mạnh đến hành vi mà Người ủng hộ sẽ được khen thưởng vào lúc phục sinh ngụ ý rằng địa vị của một người được Thiên Chúa xác định, chứ không phải bởi một số quy ước xã hội thường hay thiên vị. Những người đồng bàn hiện diện đã theo dõi Chúa Giêsu một cách chăm chú. Bài đọc không cho chúng ta biết họ đã đáp lại lời dạy của Người như thế nào.

—-

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 525-526 : Nhập Thể, mầu nhiệm của lòng tự hạ

+ GLHTCG 2535-2540 : Sự xáo trộn của các dục vọng

+ GLHTCG 2546, 2559, 2631, 2713 : Việc cầu nguyện đưa dẫn chúng ta tới sự khiêm tốn tự nguyện và nghèo khó trong tâm hồn

+ GLHTCG 1090, 1137-1139 : Sự tham dự của chúng ta vào phụng vụ thiên quốc

+ GLHTCG 2188 : Thánh lễ Chúa nhật làm cho chúng ta được tham dự vào hội vui trên trời

Lm Giuse Ngô Quang Trung