Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 23 Thường Niên, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 23 Thường Niên, Năm A

Chủ đề chung của các bài đọc hôm nay là mệnh lệnh của Thiên Chúa liên quan đến trách nhiệm thiêng liêng và cá nhân của chúng ta đối với những người khác: nhất là những người gần gũi chúng ta trong gia đình, giáo xứ và cộng đoàn. Trách nhiệm này xuất phát từ ơn gọi của chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Vì vậy, với tư cách là anh chị em trong Chúa Kitô, chúng ta trở thành những người “gìn giữ cho nhau” và gánh lấy trách nhiệm của nhau.

 

BÀI ĐỌC 1: Ed 33,7-9

Người canh gác của Israel

Tại sao Giáo hội lại chọn đoạn Kinh Thánh này, về vị ngôn sứ cảnh báo tội nhân, để ghép với bài Tin Mừng về sự hòa giải?- Một phần vì tội lỗi hay vấp ngã của mỗi người đều ảnh hưởng đến toàn thể Giáo hội. Nếu tôi thất bại trong bổn phận đối với anh chị em hoặc vợ /chồng hoặc con cái hoặc những người phụ thuộc vào tôi, thì điều này sẽ làm tổn hại đến sự thánh thiện của toàn thể Giáo hội. Tôi không thể nhún vai vì cho rằng tội của ai đó không liên quan đến mình: “Tôi không thể bị làm phiền”, “tôi quá bận,” “dù sao đi nữa không có việc gì mắc míu đối với tôi,”. Tất nhiên, ngôn sứ Êdêkien chỉ ra lỗi lầm của người khác là điều rất tốt: vì đó là sứ vụ của một vị ngôn sứ. Điều này là để cho người đó đối diện với Chúa; họ thấy Thiên Chúa nhìn họ như thế nào. Nhưng Chúa không cho phép tôi đi nói với mọi người lỗi lầm của một ai khác! Ngược lại, chỉ thỉnh thoảng tôi có thể học được một số sự thật về bản thân khi ai đó buông lời tức giận xả hết bực tức về tôi. Đó chính là lúc để lắng nghe và học hỏi! Chúa Giêsu không tố cáo tội nhân: Người lại còn dùng bữa với họ. Quả thật, có nhiều người mà chúng ta gặp trong những hoàn cảnh khác nhau mà một lời nói động viên, một cái chạm tay khích lệ của họ có thể khởi đầu một quá trình chữa lành các vết thương sâu kín. Và Quả thật chỉ có tình yêu và sự cảm thông mới đem đến sự chữa lành đích thực, bởi vì nó được kín múc từ tình thương bao la của Thiên Chúa (x. Bài đọc 2).

 

ĐÁP CA: Tv  95:1-2, 6-7, 8-9

Lời mời gọi chúc tụng Thiên Chúa

Các Thánh vịnh 93, 95-100 đều nói rõ về vương quyền của Đức Chúa theo một cách diễn đạt tương tự. Trong những Thánh vịnh này, Đức Chúa được tôn vinh như là Đấng hiển trị. Ở Cận Đông cổ đại, các nước đều theo đa thần, ngoại trừ Israel chỉ tôn thờ một Đức Chúa, vị thần được ca ngợi là có sức mạnh hơn các vị thần khác vì một hành động quyền năng hiển minh. Hành động vĩ đại nhất là sự sáng tạo, Ngài tạo dựng thế giới con người, nam và nữ, và cho Israel như một dân tộc an cư trước mặt Đức Chúa trong thánh địa. Đền thờ và các nghi lễ nổi bật trong các Thánh vịnh này. Mọi người hân hoan được nhận vào thánh điện, nơi họ tung hô và nhìn nhận chiến thắng vĩ đại của Đức Chúa đã khiến họ trở thành đoàn dân của Ngài.

Các câu 1-5 và 6-7 song song với nhau (mười dòng của phần một, năm dòng ở phần hai). Mỗi câu mời gọi mọi người đến đền thờ, nơi duy nhất quyền năng của Đức Chúa được thể hiện trong công trình xây dựng và trong các nghi lễ. Trong các câu 3-5, quyền tối thượng của Đức Chúa trên mọi quyền lực trên trời được thể hiện qua sự sắp xếp các yếu tố ghép đôi tạo nên thế giới con người: vực sâu của đất và núi, biển cả và đất liền. Sau lời mời thứ hai trong câu 6, bước thứ hai trong công trình sáng tạo được đề cập: việc tạo dựng nên Israel như một đàn chiên đặc biệt của Đức Chúa (c.7). Trong câu 7c, đàn chiên được bất ngờ nói tới: Liệu họ có vâng lời như đàn chiên đích thực của Đức Chúa không? Mọi người phải được nhận vào trong một buổi lễ đi qua cổng, giống như những gì được miêu tả trong Thánh vịnh 15 và 24. Họ đã được hỏi: “Hành vi của bạn có thực sự thể hiện bạn là dân của Thiên Chúa không?”. Thánh vịnh này kết thúc với một sự xem xét kỹ lưỡng như vậy. Câu hỏi không chỉ đơn giản là một quy ước. Thế hệ đầu tiên của Israel đã không bao giờ được nhận vào đất thánh, bởi vì họ đã chống lại Đức Chúa. Dân của Đức Chúa phải sống theo lời của Ngài.

 

BÀI ĐỌC 2: Rm 13,8-10

Yêu mến là chu toàn Lề luật

Phaolô đã mô tả tiến trình cứu ơn chuộc giành cho chúng ta nhờ sự vâng phục đầy yêu thương của Chúa Kitô đối với Chúa Cha. Và giờ đây ngài đưa ra những chỉ dẫn của mình về cách thế chúng ta sống với tư cách là một Kitô hữu. Ngài chỉ dựa trên mệnh lệnh căn bản của đạo Do Thái: yêu người thân cận như chính mình. Mỗi điều răn tiêu cực mà ngài đề cập đến đều chứa đựng một loạt các giá trị tích cực. Nếu tôi thực sự yêu thương và gắn bó với người bạn đời của mình thì sẽ không bao giờ đi đến chuyện ngoại tình. “Ngươi không được giết người” cũng ngụ ý đưa các giá trị tốt đẹp vào việc thúc đẩy sự sống phát triển hơn nữa qua mọi cách thế chúng ta có thể làm. “Ngươi không được trộm cắp” cũng liên quan đến sự tôn trọng tài sản và hạnh phúc của người khác. Món nợ duy nhất tôi nợ người khác đó là tình yêu. Mỗi người chúng ta dễ đánh lừa mình rằng chúng ta đang thực hành tình yêu thương, nhưng thực tế có khi đó chỉ là sự vụ lợi, và tự biện minh cho bản thân. Thật dễ dàng để yêu thương bạn bè, những người thân thuộc của chúng ta, nhưng đó không phải là ý tưởng của Phaolô. Trong bức thư trước đó gửi cho tín hữu Côrintô, ngài đã cho chúng ta thấy rằng thực hành tình yêu đích thực là một thách thức: “Tình yêu luôn kiên nhẫn, không ghen tuông, không khoe khoang hay tự phụ, không bao giờ thô lỗ, không tìm kiếm lợi ích cho riêng mình, v.v…” (1 Cr 13,4-7). Có lẽ mỗi người chúng ta không thể nhìn thẳng vào những phẩm chất đó mà không cảm thấy có chút ngượng ngùng.

 

TIN MỪNG: Mt 18,15-20

Sửa lỗi anh em

Vấn đề được đề cập trong bài Tin Mừng này là phương thức phải tuân theo khi đối xử với một thành viên sai lỗi trong cộng đoàn. Sự hòa giải trong cộng đoàn là một mối quan tâm cấp bách đến nỗi việc duy trì nó trở thành một vấn đề kỷ luật của Hội Thánh. Điều quan trọng cần lưu ý rằng đây là một công việc được thực hiện bởi toàn bộ cộng đoàn, không chỉ các nhà lãnh đạo.

Tiến trình này bao gồm ba bước, bắt nguồn từ truyền thống Do Thái. Đầu tiên, người bị mắc lỗi sẽ đi riêng với người anh em mắc lỗi trong nỗ lực giải quyết tình huống. Cách thức tương tự cũng được trình bày trong đoạn trong sách Lêvi nói về việc phải yêu người thân cận (x. Lv. 19,17). Điều được gợi ý trong cả hai đoạn văn trên là: sự sửa lỗi như vậy là một hình thức của tình yêu. Nếu cách tiếp cận này không thành công, thì một hoặc hai thành viên khác trong cộng đoàn quay lại với người sai lỗi để thuyết phục. Tình trạng bây giờ đã chuyển từ sự trao đổi giữa hai cá nhân sang một cuộc trao đổi có phần chính thức và pháp lý (x. Đnl 19,15). Nếu tình hình vẫn không được giải quyết, nó sẽ được đưa ra trước toàn thể Hội Thánh. Nếu kẻ phạm lỗi vẫn ngoan cố thì sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Cộng đoàn được định hướng để đối xử với người này như một người ngoại, như một kẻ ngoại đạo hoặc một người thu thuế. Người ngoại đạo và những người thu thuế không phải được đưa ra vì bất kỳ thành kiến cá biệt nào. Ngược lại, họ chỉ là biểu tượng của những người đã coi thường sứ điệp của Tin Mừng. Bất kỳ thành viên nào trong cộng đoàn vẫn kiên quyết trì thủ lập trường của mình trong suốt quá trình hòa giải này, đều thể hiện thái độ coi thường như vậy, và do đó cần được đối xử với cùng một kiểu tách biệt nói trên.

Tầm quan trọng của cộng đoàn trong quá trình hòa giải này được thể hiện rõ theo hai cách quan trọng. Đầu tiên, toàn bộ nhóm môn đệ, chứ không chỉ đơn thuần là lãnh đạo cộng đoàn, thực thi quyền bính kỷ luật trong cộng đoàn. Họ là những người thực hiện quyền ràng buộc và tháo cởi (x. Mt 16,13-20, Chúa nhật thứ hai mươi mốt). Thứ hai, Chúa Giêsu tuyên bố rằng bất kỳ thỏa thuận nào đạt được giữa hai thành viên của cộng đoàn này sẽ được lắng nghe. Người không nói về việc cầu nguyện nói chung mà là sự cầu nguyện để được hướng dẫn trong việc đi đến một quyết định sẽ ảnh hưởng đến sự an lạc và hiệp thông của cộng đoàn. Một ý tưởng tương tự cũng được tìm thấy trong các tác phẩm của người Do Thái thời sơ khai: “Nếu hai người ngồi cùng với  nhau và các điều răn của Luật ở giữa họ, thì Sự Hiện diện của Chúa (Shekinah) cũng ở giữa họ” (Mishnah Aboth, 3,2). Qua lời tuyên bố này, Chúa Giêsu hứa sẽ hiện diện trong Hội Thánh của Người nếu các tín hữu hướng về Người để được hướng dẫn.

—-

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

 +  GLHTCG 2055: Mười điều răn tóm lại một điều duy nhất là yêu thương

+  GLHTCG 1443-1445: Sự hòa giải trong Hội Thánh

+ GLHTCG 2842-2845: “Như chúng con cũng tha kẻ mắc lỗi với chúng con”

Lm. Giuse Ngô Quang Trung