Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 25 Thường Niên, Năm A
Chủ đề của các bài đọc có hơi thay đổi vào những Chúa nhật cuối cùng của Mùa Thường Niên. Chúng ta chuyển từ việc tập trung vào tư cách và trách nhiệm của người môn đệ sang suy tư về sự kết thúc của thời gian. Khi sắp kết thúc năm Phụng vụ, chúng ta được mời gọi hướng nhìn vào cuộc tái lâm của Chúa Kitô và cuộc Phán xét Sau cùng. Khi các chủ đề về Kitô học và tư cách môn đệ xuất hiện, chúng nằm trong bối cảnh này của thời đại cánh chung hoàn tất.
BÀI ĐỌC 1: Is 55,6-9
Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi
Đây là kết luận toàn thắng của phần thứ hai sách Isaia: Đường lối của Thiên Chúa hoàn toàn khác với suy nghĩ của con người. Đoạn văn rõ ràng được chọn vì nó hướng đến hành vi có thể coi như là “thiếu trách nhiệm” của ông chủ trong Tin Mừng Chúa nhật này. Cách chung, thật an ủi khi nghĩ rằng Thiên Chúa không giống chúng ta. Lý do tại sao chúng ta bám víu vào Thiên Chúa, chính là để được giải phóng khỏi bản thân mình và được đưa vào ánh sáng kỳ diệu của Ngài, sống một cuộc sống được giải phóng khỏi những hạn chế, những thất vọng và khuynh hướng quy ngã luôn vây bọc và thâm nhập chúng ta mọi nơi mọi lúc. Hiển nhiên, Thiên Chúa không có lỗi như người thế chúng ta: ích kỷ, lười biếng, ác ý, thèm muốn và tham lam. Hơn thế nữa, Ngài không phải mang hình hài thể xác hoặc giới hạn bất kỳ cách nào, không lập kế hoạch hoặc phải suy nghĩ như chúng ta. Thiên Chúa không cần phải nghĩ ra mọi thứ, với “có” cho cái này và “không” cho cái kia; Ngài không hoạt động trong các khái niệm tư duy hoặc câu cú ngôn từ. Thiên Chúa không tốn công lên kế hoạch phải làm gì, không phải cân nhắc hậu quả, không phải tính toán thuận lợi và khó khăn ra sao! Ngay cả tình yêu của chúng ta cũng luôn nhuốm màu tư lợi và quan tâm cho bản thân. Tình thương của Thiên Chúa hoàn toàn rộng lượng và hướng đến con người. Đó là một dòng thác vô hạn của tình yêu thương, trùm phủ và thấm nhuần mỗi chúng ta.
ĐÁP CA: Tv 145
Ca ngợi Đức Chúa là Vua
Tựa đề của Thánh vịnh này là: “Ngợi khen. Của vua Đavít”, nghĩa là được gán cho Đavít, vua Israel. Đavít là vị vua được xức dầu, nhưng ông nhìn nhận còn có một quyền năng cao trọng hơn ông, là Thiên Chúa Vua muôn vua. Trong cc. 1-2, tác giả muốn tán dương và chúc tụng Chúa “mọi ngày” và “đến muôn thuở muôn đời”. Lòng sùng mộ và biết ơn của vua là không giới hạn. Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Ước muốn tán dương Chúa là một chỉ dấu của một tâm hồn con thảo đích thực. Ai tán dương Chúa mọi ngày thì sẽ được ca tụng Ngài miên viễn” (Expositio in Psalmos, 144.2).
Đây cũng là một bài thánh ca kể lại những lần Thiên Chúa can thiệp để hướng dẫn, che chở và bảo vệ dân Ngài trải qua suốt dòng lịch sử. Chương trình của Chúa cho các dân tộc là thiết lập một vương quốc của ân sủng, tình thương, công lí, và lòng mến hơn là biểu dương quyền lực và sự thống trị. Bởi đó, Đức Bênêđictô XVI khi nhắc đến Thánh vịnh này đã nhấn mạnh đến những cụm từ diễn tả sự toàn thiện của Thiên Chúa, như: “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu đối với muôn loài Chúa đã dựng nên” (c.9). Công trình sáng tạo của Ngài thật hiển hách, tuy nhiên phẩm tính trổi vượt của Ngài lại chính là tình thương vô bờ bến đối với chúng ta.
“Chúa gần gũi…kẻ thành tâm cầu khẩn Ngài”. Phần thứ hai của Thánh vịnh chứa đựng một tư tưởng đầy an ủi: nếu chúng ta sẵn lòng thực thi ý Chúa thì chúng ta luôn xác tín rằng Ngài sẽ đáp lời cầu khẩn của chúng ta. (x. Bênêđictô XVI, Tiếp kiến chung, ngày 1 và 8 tháng Hai, 2006).
BÀI ĐỌC 2: Pl 1, 20c-24,27a
Sống là Đức Kitô
Đây là bài đọc đầu tiên trong số bốn bài đọc ngày Chúa nhật trích từ thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu Philípphê. Họ là cộng đoàn yêu dấu nhất của ngài, được liên kết với ngài bằng một tình cảm gắn bó và thân thiết, là cộng đoàn duy nhất mà từ đó ngài nhận quà bằng tiền. Phaolô viết bức thư này từ trong tù, ngài không chắc mình sẽ sống hay phải chết, cũng không chắc đó có phải là mong muốn mạnh mẽ hơn của ngài hay không. Nếu sống thì vẫn còn tương quan với các cộng đoàn Kitô hữu mà ngài đã thành lập, và những người vẫn cần ngài giúp đỡ. Nhưng trọng tâm của cuộc sống của ngài là bám chắc hoàn toàn vào Chúa Kitô, mà ở đó sự chết chỉ có thể là bước hoàn tất. Như ngài đã viết ở những thư khác, Kitô hữu đã được rửa tội để tháp nhập vào trong cái chết của Chúa Kitô, được nhấn chìm vào cái chết của Người, và vì thế được ngâm mình trong cái chết của Người, và họ chỉ chờ đợi điều đó được hoàn tất trong sự Phục sinh của Chúa Kitô. Nếu chúng ta thực sự tin điều này với sức mạnh của lòng xác tín như Phaolô, thì điều đó sẽ mang lại một động năng mới cho đời sống, một cái nhìn hoàn toàn mới về sự sống là Chúa Kitô. Khi đó, cái chết sẽ không còn phải là vấn đề lo lắng hay khiếp sợ, mà chỉ là sự vươn tới vinh quang của sự Phục Sinh mà thôi.
TIN MỪNG Mt 20,1-16a
Nhiều dụ ngôn mà Chúa Giêsu dạy có phần gây sốc, nhưng câu chuyện được chọn để đọc trong Tin Mừng hôm nay thì đặc biệt đáng ngạc nhiên. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng dụ ngôn này cho thấy rõ ràng lòng nhân từ của Thiên Chúa có thể dễ bị hiểu nhầm với sự bất công như thế nào. Một mặt, dường như không công bằng khi trả cho tất cả những người thợ lao động cùng một mức lương như nhau bất kể thời gian họ làm việc. Mặt khác, tất cả những người thợ đều nhận được chính xác số tiền mà họ đã thỏa thuận khi họ được thuê đầu tiên, và do đó, theo quan điểm này không có bất công.
Các tình tiết của câu chuyện được tường thuật rõ ràng. Việc tuyển dụng được mô tả là khá phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới, ngay cả ngày nay. Để có thể tìm được những người lao động tốt nhất, các đội tuyển dụng đi sớm đến địa điểm tập trung những lao động có khả năng. Nếu ngày làm việc được mô tả ở đây được chia thành mười hai giờ từ 6 AM đến 6 PM, thì việc tuyển dụng xảy ra lúc 9 giờ sáng, giữa trưa, 3 giờ chiều và 5 giờ chiều. Người ta thắc mắc tại sao số người được thuê vào lúc 3 giời chiều, thậm chí 5 giờ chiều, lại không được mướn sớm hơn? Điều đó không thể xảy ra vì không cần lao động của họ, nhưng chủ gia đình (oikdespotes) liên tục ra ngoài suốt ngày để chiêu mộ thêm lao động. Có lẽ họ được biết đến là những người kém cỏi hoặc lười biếng. Dù thế nào đi nữa, họ chỉ là những công nhân thừa. Đây là một điểm rất quan trọng trong câu chuyện.
Việc tính toán vào cuối ngày làm việc khiến gợi nhắc đến cuộc phán xét sẽ diễn ra vào cuối thời gian. Chính trong phần này của câu chuyện, chúng ta tìm thấy sự thay đổi quan điểm mà chúng ta mong đợi trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu. Thực tế có hai sự thay đổi như vậy. Khi trả cho những người làm công mỗi người một quan tiền, chủ vườn nho thể hiện sự đảo ngược mang ý nghĩa cánh chung: người cuối cùng sẽ được lên trước hết. Không có gì là không ổn với thực hành này. Quả thật, nó cần thiết cho kịch tính của câu chuyện. Nó cho phép chúng ta thấy rằng những người lao động được chọn đầu tiên, những người chịu đựng nắng nôi suốt ngày và gánh nặng của công việc, đã theo nguyên tắc của điều được gọi là công lí trừng phạt (retributive justice): trả công theo công việc đã làm. Họ mong đợi được trả nhiều hơn vì họ đã đóng góp nhiều hơn.
Điều nghịch lý thực sự của câu chuyện được nhìn thấy trong cách thức trả công của chủ vườn nho. Công lý mà ông áp dụng để trả công cho những người lao động được thay thế bởi sự hào phóng của ông. Điều gần như gây vấp phạm, đó là ông lại tỏ ra hào phóng nhất đối với những người thợ bị người khác coi là thừa. Những người được thuê đầu tiên đã làm những gì họ đã được thỏa thuận và được trả tiền như những gì đã hứa, nhưng họ không hài lòng với phương thức trả công. Rõ ràng là họ đã không càu nhàu với những người khác được trả lương bằng họ. Họ chỉ không hài lòng với tiền lương của chính họ thôi. Rất có thể họ đã hài lòng nếu sự hào phóng của người chủ được đáp ứng tương xứng với công việc đã hoàn thành. Tuy nhiên, công bằng và ân sủng không phải lúc nào cũng ăn khớp với nhau. Câu chuyện dụ ngôn cho chúng ta thấy rằng vương quốc của Thiên Chúa đặt trên điều sau (ân sủng) chứ không phải điều trước (công bằng).
Câu trả lời của chủ vườn nho đối với sự càu nhàu của những người thợ này trong nguyên bản tiếng Hy Lạp mạnh hơn nhiều so với hầu hết các bản dịch: Hay mắt các ngươi ác vì thấy tôi tốt hay sao? Trong nhiều xã hội, “con mắt ác” là một quyền lực mê tín được gán cho một số người, đem lại cho họ khả năng tạo ra xui xẻo cho người khác. Sự tham khảo này cho thấy mối liên hệ giữa “mắt ác” với sự đố kỵ, ghen ghét hoặc thiếu hào phóng. Những lời cuối cùng của ông chủ khá cứng rắn: “Cầm lấy phần của bạn mà đi đi!”
——-
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 210-211: Thiên Chúa nhân từ và thương xót
+ GLHTCG 588-589: Chúa Giêsu đã đồng hóa cách xử sự nhân từ của Người đối với các tội nhân với cách cư xử của chính Thiên Chúa đối với họ
Lm. Giuse Ngô Quang Trung