Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 25 Thường Niên, Năm C
Chúng ta vẫn tiếp tục suy tư về những vấn đề về ơn gọi làm môn đệ và đời sống cộng đoàn. Các bài đọc Chúa nhật hôm nay tập trung sự chú ý của chúng ta vào một vấn đề rất thực tế, đó là việc sử dụng hợp lý tiền của cũng như những nguồn lực mà Chúa ban cho chúng ta: làm thế nào để nó vừa mang lại cho chúng ta gia tài vĩnh cửu vừa để phục vụ tha nhân hiệu quả.
BÀI ĐỌC 1: Am 8,4-7
Bóc lột người nghèo
Amos là một trong những vị tiên tri đầu tiên có những câu nói được tập hợp lại và viết ra. Ông đang chăn chiên một cách yên bình tại vùng đồi phía nam đất nước gần Bêlem thì Chúa gọi ông đi về phía bắc và tố cáo những người giàu đàn áp dân nghèo ở Samari. Các nhà khảo cổ đã cho chúng ta thấy dấu vết của khu vực này. Thủ đô đã được di chuyển về phía tây để nối kết với hoạt động thương mại Địa Trung Hải: các liên minh được thực hiện qua việc kết hôn với các hoàng tử thương gia, các cung điện lớn thay cho các khu ổ chuột, với đồ nội thất khảm ngà voi đắt tiền để thờ ngẫu tượng… Những tay tài phiệt này không nghe Amos, họ nói với ông rằng ông không được chào đón ở đất nước của họ; họ nói ông hãy cuốn gói ra đi; và họ tiếp tục lừa đảo những người nghèo không nơi nương tựa, vì họ kiểm soát nguồn tiền và phương tiện trao đổi – cho đến khi quyền lực hùng mạnh của Assyria ập tới và phá hủy tất cả. Đối với chúng ta ngày nay, có lẽ điều tương tự cũng đang xảy ra. Các quốc gia giàu có đang trục lợi từ các nước nghèo qua các giao dịch bất bình đẳng, thương mại không công bằng. Các gói “viện trợ quốc tế” chỉ để điều tiết sản xuất thặng dư, và nhiều cách làm cho người giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng nghèo đi một cách thê thảm. Sứ điệp của Amos được liên kết với bài Tin Mừng ở câu cuối cùng: hãy dùng tiền của bất chính để tạo lấy bạn bè và sắm sẵn một nơi ở vĩnh cửu.
ĐÁP CA: Tv 113:1-2, 4-6, 7-8
Danh Chúa đáng ca ngợi
Thánh vịnh bắt đầu bằng lời kêu gọi ngợi khen danh Chúa (cc. 1-2). Sau khi công bố sự vinh hiển của Ngài trên các tầng trời (c. 4), tác giả Thánh vịnh bày tỏ sự kính sợ Chúa bằng cách đặt một câu hỏi (5-6). Tất nhiên, câu trả lời là không ai hoặc vật nào có thể so sánh được với quyền năng và sự uy nghi của Chúa là Thiên Chúa, Đấng “nâng cao kẻ nghèo hèn”, tôn cao những người địa vị và phẩm giá khiêm tốn, ban cho họ có một vị trí ngang hàng với các vương tử trên trời của Ngài (cc. 7-8).
Nét đặc thù phân biệt Thiên Chúa với loài người trước hết không phải là công cuộc sáng tạo bao la của Ngài, mà là cung cách Ngài cư xử với chúng ta, tình ưu ái mà Ngài dành cho những gì người đời khinh miệt. Thiên Chúa thích chọn những công cụ nghèo nàn để cho ân sủng của Ngài tác động mà làm nên những kỳ công.
Những lời ngợi khen như Thánh vịnh này được tìm thấy trong lời kinh Magnificat khi, khi Đức Trinh Nữ Maria, “tôi tớ / người nữ tỳ” thấp hèn của Chúa đến thăm bà Elisabeth. Đức Maria đã tuyên bố trong bài ca tụng của mình rằng Chúa đã nâng cao một nữ tỳ hèn mọn trong việc chọn ngài làm mẹ của Con Thiên Chúa: Vì Người đã nhìn đến sự thấp hèn của nữ tỳ Ngài. […] Ngài đã hạ bệ những ai quyền thế, nhưng lại nâng cao những kẻ hèn mọn lên (Lc 1,48, 52). (x. GLHTCG 2143, 2378)
BÀI ĐỌC 2: 1 Tm 2,1-7
Ơn cứu độ phổ quát
Khi sứ điệp Tin Mừng thoát ra khỏi thế giới hạn hẹp của Do Thái giáo, và tiếp xúc với thế giới rộng lớn hơn của Đế chế Hy Lạp-La Mã, những câu hỏi mới đã nảy sinh đối với các Kitô hữu. Câu hỏi đầu tiên ở đây là mối quan hệ với chính quyền dân sự, và câu trả lời: chấp nhận họ và cầu nguyện cho họ, để họ nỗ lực cung cấp một khuôn khổ xứng đáng cho cuộc sống con người. Câu hỏi thứ hai, cũng là một vấn đề cấp bách trong xã hội hậu Kitô giáo của chúng ta là liệu những người ngoại đạo có thể được cứu không? Ở đây thánh thư cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, và nhìn nhận một đấng trung gian là Chúa Giêsu Kitô. Làm thế nào để điều này có thể được thực hiện? Liệu “qua các dấu chỉ và biểu tượng tự nhiên” (Vaticanô II) người ta có thể dò dẫm về một vị Thiên Chúa, đón nhận một quyền năng bên ngoài họ, một quyền uy tối thượng trong cuộc sống con người mà tất cả đều nhờ Ngài mà tồn tại không? Và Đấng trung gian nghĩa là gì? Làm sao người ta có thể được cứu nhờ Chúa Kitô nếu họ không nhận biết Người? Có đủ để thừa nhận những khiếm khuyết và thất bại của con người để đặt chúng dưới chân Đấng Cứu Rỗi yêu thương, trong niềm hy vọng rằng vị Thiên Chúa ấy chắc chắn sẽ can thiệp để đưa công trình sáng tạo đến hoàn thành không? Chúng ta có trách nhiệm gì trong việc thể hiện các giá trị của mình theo cách mà những người khác có thể chia sẻ chúng?
TIN MỪNG: Lc 16,1-13
Ứng biến
Đây là câu chuyện về người quản lý hoặc người quản gia (oikonómos), người đã viết lại các khoản nợ của ông chủ để đảm bảo tương lai cho bản thân sau khi anh ta bị sa thải. Câu chuyện này thường đặt ra nhiều câu hỏi hơn là nó giải đáp, bởi vì có vẻ như Chúa Giêsu đang khen ngợi anh này vì hành vi bất lương của anh.
Người đàn ông sắp mất chức quản gia bởi vì anh ta đã không hoàn thành công việc của mình một cách có trách nhiệm. Văn bản không nói rằng anh ta đã lừa gạt chủ của mình; nó chỉ nói rằng anh ta đã phung phí tài sản. Do đó, sự thiếu trung thực mà anh ta sau đó bị cáo buộc không phải là nguyên nhân dẫn đến việc quản lý yếu kém của anh. Lý do để ông chủ phán xét chỉ xuất hiện sau đó. Tình thế khó xử của người quản gia cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về hoàn cảnh của anh. Anh ta không có đủ sức để lao động chân tay gian khổ, và địa vị xã hội mà anh ta hiện đang được hưởng bắt anh phải hạ mình xuống mức ăn xin sẽ là một điều quá nhục nhã. Anh ta quyết định thay đổi tài khoản của những con nợ của chủ mình. Điều này cho chúng ta một cái nhìn mới về tính cách của người quản gia. Anh ấy đã không quan tâm khi quản lý các nguồn tài sản của chủ mình để sinh lợi, nhưng anh đã bận tâm hơn khi tương lai của chính mình bị đe dọa.
Nhiều giải thích khác nhau cho việc giảm các khoản nợ đã được đưa ra. Một số người cho rằng người quản gia chỉ trừ đi khoản hoa hồng mà anh ta sẽ nhận được. Những người khác cho rằng anh ta đã bỏ qua khoản lãi mà người chủ có thể đã tính một cách bất hợp pháp. Không có cách nào biết được Chúa Giêsu có thể đã nghĩ đến hoàn cảnh nào. Địa vị nổi bật của người quản lý được ngụ ý trong sự thể là anh ta vẫn đảm nhận vai trò như anh ta đã làm. Ngay cả một nô lệ đáng tin cậy cũng sẽ không bao giờ có thể hành động theo cách này. Đây là một người có thể nhân danh ông chủ để đưa ra những quyết định chính đáng, những quyết định mà chủ sẽ phải tôn trọng.
Phán quyết được truyền cho người quản gia dựa trên ý nghĩa của từ ádikías trong tiếng Hy Lạp (c. 8). Mặc dù từ này có nghĩa là “bất lương”, nhưng nó thường ám chỉ sự vi phạm luật pháp, trái với phong tục hơn là những gì trái đạo đức. Rõ ràng là người quản gia đã vi phạm luật lệ. Nhiệm vụ của anh là nâng cao vị thế của ông chủ bằng cách gia tăng tài sản của ông. Nhưng thay vào đó, anh ta giảm bớt chúng vì lợi ích của mình. Mặc dù vậy, ông chủ, không phải Chúa Giêsu, vẫn khen anh ta vì đã hành động khôn khéo (phrónēsis, từ chỉ “sự khôn ngoan thực tiễn”). Chúa Giêsu dường như lùi lại trước sự việc cụ thể này và dùng nó để rút ra một kết luận tôn giáo: con cái đời này (hoặc con cái thế gian) có sự khôn ngoan thực tiễn hơn con cái ánh sáng.
Trong lời khuyên của mình, Chúa Giêsu giải thích một số yếu tố từ câu chuyện này để chỉ ra những người con của ánh sáng nên hành động như thế nào. Trước tiên, Người giáo huấn các môn đệ của mình hành động với cùng một sự khôn ngoan thực tiễn như vậy nhưng dùng nó để bảo đảm nơi ở vĩnh cửu. Sau đó, Người nhận xét về đức tính của một người quản lý. Cách thức một người giải quyết những vấn đề nhỏ sẽ xác định một người xử lý những trách nhiệm nặng nề hơn. Nếu một người không thể sử dụng sự khôn ngoan thực tiễn khi xử lý tiền bạc hoặc của cải bất chính (ádikías), thì làm sao họ có thể được giao phó cho của cải chân thật (to alēthinon)? Nếu một người không thể được tin cậy để làm người giám sát tài sản của người khác, thì làm sao người đó có thể được coi là thích hợp để trở thành một chủ sở hữu riêng?
Điểm thực của câu chuyện được tìm thấy trong câu cuối cùng. Mặc dù khôn ngoan theo cách của thế gian, người quản gia đã chọn phục vụ nhu cầu của mình hơn là lợi ích kinh tế của ông chủ. Điều này khiến anh ta trở thành một người hầu không đáng tin cậy hoặc không trung thực. Người ta không thể vừa phục vụ ông chủ (Thiên Chúa) vừa lợi ích cá nhân của người ta (Tiền Của). Người ta phải chọn lựa.
—
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 2407-2414 : Tôn trọng của cải tha nhân
+ GLHTCG 2443-2449 : Yêu thương người nghèo
+ GLHTCG 2635 : Cầu nguyện cho người khác, chứ không cho lợi ích riêng mình
+ GLHTCG 65-67, 480, 667 : Chúa Kitô, Vị Trung Gian của chúng ta
+ GLHTCG 2113, 2424, 2848 : Không ai có thề làm tôi hai chủ
+ GLHTCG 1900, 2636 : Cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo
Lm Giuse Ngô Quang Trung