Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 27 Thường Niên, Năm A

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 27 Thường Niên, Năm A

Chủ đề chung của các bài đọc Lời Chúa hôm nay là sự cần thiết phải sinh hoa trái trong đời sống Kitô hữu. Các bài đọc cảnh báo chúng ta về hình phạt đối với sự cằn cỗi thiêng liêng, sự vô tâm và lòng gian ác.

BÀI ĐỌC 1: Is 5,1-7

Vườn nho của Đức Chúa

Một vườn nho cần rất nhiều công sức chăm sóc, cắt tỉa, bón phân, buộc lại cành… Đối với vùng đất đá như Israel, việc chăm sóc đặc biệt còn cần thiết hơn nữa, chẳng hạn như gom đá để tạo thành tường chắn giữ cho đất không bị xói mòn, xây dựng một tháp canh chống trộm và một bồn ép nho để đạp nho. Sau đó, muốn cho cây nho đậu quả như mong muốn, nó phải được ghép vào gốc cây chắc chắn, vì ở đây người thợ chăm sóc cây nho sẽ ghép những giống nho tốt nhất. Hãy tưởng tượng sự thất vọng của chủ vườn khi tất cả những gì ông ấy nhận được cho những vất vả cực nhọc của mình lại là những trái nho dại không ăn được! Sau câu chuyện dụ ngôn đầy ám ảnh này của Isaia, vườn nho đã trở thành một hình ảnh truyền thống về Israel. Nó được bao bọc trong sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa, từ đó  tất cả người dân canh tác nho và sống trong những vườn nho tươi tốt của đất nước Israel đều hiểu được rằng đó là hình ảnh của tình yêu bao trùm trên vườn nho. Vì vậy, khi Israel lâm vào cảnh lưu đày, Thánh vịnh 80 than thở: “Gốc nho này Chúa bứng từ Ai Cập. Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ? Khách qua đường mặc sức hái mà ăn. Heo rừng vào phá phách, dã thú gặm tan hoang.” Các vị ngôn sứ, đặc biệt là Êdêkien, cũng sử dụng hình ảnh này để nhắc nhở dân chúng. Do đó, những người nghe Chúa Giêsu nói dụ ngôn sẽ nhận ra ngay ý Người.

ĐÁP CA: Tv 80

Xin Chúa thăm nom vườn nho của Ngài

Axáp đã cầu nguyện cho sự phục hồi và ơn giãi sáng cho đoàn dân Chúa qua sự tỏa sáng rạng ngời của dung mạo Thiên Chúa (cc. 3,7,19; Ds 6,22-27). Ông đưa ra hai bức tranh về đoàn dân.

Một đoàn chiên (1-7). Israel giống như một đàn chiên được Chúa dẫn dắt ( Tv 77,20; 78,52): “Ta là dân Ngài, là đoàn chiên Ngài dẫn dắt” (Tv 100,3). Nhưng họ là những con chiên đi lạc, không muốn đi theo Mục Tử. Vì vậy, thay vì tận hưởng đồng cỏ xanh tươi và dòng nước trong lành (Tv 23, 2), họ phải chịu đựng trong nước mắt và trở thành cớ cho thù địch nhạo cười chế giễu (cc. 5-6). 

Một cây nho (8-19). Hình ảnh này giống với với Isaia 5 và các câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu  trong Mátthêu 21, 28-46. Israel là một vườn nho trĩu quả, nhưng khi nó từ bỏ Chúa và bắt đầu thờ phượng các vị thần của các nước thì trở thành cằn cỗi. Thiên Chúa đã sử dụng chính những quốc gia đó để kỷ luật dân của Ngài và phá hủy vườn nho. Lời cầu nguyện trong các câu 18-20 một phần phản ánh tâm trạng của dân khi một số người trở về quê hương sau khi bị giam cầm. Tuy nhiên sự giải thoát chỉ được thực hiện hoàn toàn trong Chúa Giêsu Kitô.

Dân Thiên Chúa hiện nay là một đoàn chiên mà vị Mục Tử là Chúa Giêsu (Ga 10) và là các cành trong một Cây Nho (Ga 15). Chúa muốn chúng ta trung thành trong đoàn chiên, và sinh hoa trái trong một cây nho.

BÀI ĐỌC 2: Pl 4,6-9

Lời khuyên cuối cùng

Đoạn văn ngắn, ấm áp và trìu mến này có lẽ ban đầu là phần cuối của bức thư Phaolô gửi cho cộng đoàn tại Philípphê mà ngài rất yêu mến. Đó là một kết luận đáng yêu cho một bức thư. Phaolô khuyến khích họ, bằng mọi cách hãy vui luôn trong Chúa, nhưng đặc biệt là phải có lòng biết ơn. Nếu chúng ta thực sự cảm nhận rằng Chúa đã gần đến, chúng ta không thể lo lắng băn khoăn, khi đó sự bình an của Chúa sẽ ngự trên chúng ta. Như vậy lòng biết ơn và lời tạ ơn cũng sẽ là phương thức suy nghĩ của chúng ta, thấm nhuần mọi đường hướng tư duy của chúng ta về mọi vấn đề. Từ ngữ Phaolô dùng cho việc “tạ ơn” là từ dùng cho Bí tích Thánh Thể, là lời cầu nguyện tạ ơn cao quý, được Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha nhân danh chúng ta. Nó là tổng hợp của tất cả lời cầu nguyện, lời thỉnh cầu, lòng biết ơn và sự mến mộ. Không nghi ngờ gì nữa, Phaolô coi đó là đỉnh cao của mọi lời cầu nguyện.

TIN MỪNG: Mt 21,33-43

Những tá điền sát nhân

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật này, chúng ta thấy Chúa Giêsu một lần nữa tranh luận với các nhà lãnh đạo quốc gia. Người thách thức họ với một dụ ngôn khác về một vườn nho. Trong dụ ngôn này, chủ nhân của ngôi nhà đã tự tay trồng một vườn nho. Ông xây dựng tường rào để bảo vệ xung quanh vườn và xây dựng bồn ép nho để sử dụng vào thời thu hoạch. Sau khi công việc chính hoàn thành, ông cho những tá điền chăm sóc vườn nho cho đến khi nho sẵn sàng để ép. Ông rời khỏi xứ và hoạt động như một địa chủ vắng mặt. Bối cảnh này được thiết lập để câu chuyện mở ra.

Nhiều nhà chú giải tin rằng Chúa Giêsu có ý định đưa ra lời giải thích mang tính ẩn dụ cho câu chuyện dụ ngôn này, theo cách mà người nghe sẽ hiểu rõ nội dung hơn. Đây chắc chắn là một cách giải thích đáng tin cậy. Thứ nhất, có một truyền thống lâu đời ở Israel, trong đó Dân Chúa được coi như là một vườn nho (x. Is 5,1-7). Trong bối cảnh như vậy, Thiên Chúa được hiểu là chủ sở hữu của vườn nho, và các nhà lãnh đạo dân chúng sẽ là những tá điền mà vườn nho được cho thuê. Theo định kỳ, Thiên Chúa gửi các vị ngôn sứ đến cho những nhà lãnh đạo này để công bố các kế hoạch và đường lối của Ngài. Lịch sử Israel đã ghi lại cách mà cả các nhà lãnh đạo và dân chúng đều từ chối lắng nghe các ngôn sứ và thậm chí giết chết một số người trong họ (x. Is 52,13-53,12).

Các phương án đều thất bại, sau cùng ông chủ sai chính con trai của mình đến với trọn vẹn uy quyền của cha mình. Lập luận của những tá điền có vẻ khó hiểu. Tại sao họ nghĩ rằng việc giết con trai sẽ khiến họ có đủ tư cách để thừa kế vườn nho? Có thể đã có một điều khoản nói rằng trong trường hợp không có chủ sở hữu, tài sản có thể được chuyển giao cho những người có khả năng chiếm hữu ngay lúc đó. Với người con trai đã chết, những tá điền có thể yêu cầu đứng quyền sở hữu vườn nho nếu họ xác định được sự vắng mặt của chủ sở hữu. Tiếp tục giải thích dụ ngôn, câu chuyện gợi ý rằng Thiên Chúa đã sai Chúa Giêsu đến với đầy đủ thẩm quyền thiêng liêng, nhưng các nhà lãnh đạo dân chúng đã giết chết Người bên ngoài thành phố. Cho dù Chúa Giêsu thực sự dự đoán về cái chết của chính mình, hay liệu lời tiên đoán này có phản ánh dụ ngôn được cộng đoàn Kitô hữu định hình lại sau này hay không, thì chi tiết này là một đặc điểm quan trọng của câu chuyện khi nó đã đi vào lòng chúng ta.

Khi kể lại xong dụ ngôn, Chúa Giêsu quay sang các nhà lãnh đạo và yêu cầu họ đưa ra phán quyết chính đáng về hoàn cảnh đã nêu. Họ hẳn đã biết câu chuyện dụ ngôn nêu bật sự bất tuân của chính họ đối với các chỉ thị và đường lối của Thiên Chúa, và họ cũng biết rằng bất cứ sự phán xét nào họ đưa ra cũng sẽ rơi vào chính đầu của họ. Bản án mà họ đã vượt qua khá khắc nghiệt, nhưng nó không khắc nghiệt hơn hành vi của những tá điền đốn mạt.

Những câu cuối chứa đựng một loạt các chủ đề được kết nối lỏng lẻo. Sự loại bỏ người con gợi nhớ đến đoạn Kinh Thánh nói về viên đá bị thải trừ trở thành viên đá tảng (x. Tv 118, 22-23). Giống như vườn nho được lấy lại từ những tá điền gian ác và giao cho những người khác, thì vương quốc của Thiên Chúa cũng sẽ được thu hồi từ những người lãnh đạo và trao lại cho những người sẽ sinh hoa trái. Chúng ta phải cẩn thận để không giải thích đoạn văn này theo kiểu chống lại Do Thái giáo. Chúa Giêsu lên án chính những người lãnh đạo bị, chứ không phải toàn dân.

Hiệu quả mà dụ ngôn này tạo ra tương tự như hiệu quả mà câu chuyện dụ ngôn được đọc trong Tin Mừng Chúa nhật tuần trước. Các nhà lãnh đạo tự lên án bằng lời nói của chính họ. Do đó, họ bị xấu hổ trước mắt dân chúng, trong khi danh dự của Chúa Giêsu được nâng cao.

—-

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  755: Giáo hội là vườn nho của Thiên Chúa

+  GLHTCG  1830-1832: Những ơn ban và hoa trái của Thần Khí

+  GLHTCG  443: Các ngôn sứ chỉ là tôi tớ, Chúa Kitô mới là con

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

print