Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 28 Thường Niên, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 28 Thường Niên, Năm B

Các bài đọc của Chúa nhật này cho chúng ta thấy rằng trong cuộc sống nhất thiết phải có chọn lựa, và chúng ta phải ưu tiên chọn Chúa. Nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng không có lựa chọn quan trọng nào là không phải trả giá. Tuy nhiên, nếu chúng ta chọn đúng, chúng ta yên tâm rằng chúng ta sẽ được đền đáp xứng đáng.

 

BÀI ĐỌC 1: Kn 7,7-11

Kho tàng của Đức Khôn Ngoan

Trong chu kì ba năm Phụng vụ Lời Chúa, sách Khôn ngoan được trích đọc tám lần trong các bài đọc Chúa nhật. Sách Khôn ngoan được viết vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Chúa giáng sinh, vào thời điểm mà mọi hy vọng về một Đấng Messia cá nhân trong dòng tộc Đavít dường như còn xa vời. Cách duy nhất mà Đức Chúa có thể bước vào thế giới này dường như là bằng Đức Khôn Ngoan của Ngài. Chương này tiếp tục cho thấy cách Thiên Chúa tạo dựng thế giới và tiếp tục cai quản nó bằng Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn ngoan được mô tả như là “tấm gương phản chiếu quyền năng hoạt động của Thiên Chúa và hình ảnh tốt lành của Ngài”. Đó là thứ ngôn ngữ tìm cách mô tả Đức Khôn Ngoan ở trong Thiên Chúa nhưng lại không hoàn toàn đồng nhất với Đấng Tạo hóa. Ngôn ngữ này cũng sẽ được thánh Phaolô và thánh Gioan sử dụng để trình bày Ngôi Lời Thiên Chúa.

Vậy Kinh Thánh cho chúng ta biết ý nghĩa của việc sở hữu Đức Khôn Ngoan là gì? Nó có nghĩa là người đó để cho mình được hướng dẫn bởi các giới răn của Thiên Chúa và thừa nhận quyền tối cao của Ngài đối với cuộc sống mình và toàn thể nhân loại. Sở hữu Đức Khôn Ngoan cũng có nghĩa là hiểu rõ về thế giới hiện thực và bản chất con người. Loại tri thức này dẫn đến “mọi những điều tốt đẹp” (c. 11). Vì vậy, Đức Khôn Ngoan giúp một người đến gần Thiên Chúa hơn, làm cho cuộc sống này có ý nghĩa hơn và do đó, trọn vẹn hơn. Giáo hội luôn dạy rằng không có đối nghịch giữa đức tin và lí trí. “Đức tin nơi một người không phải để xóa bỏ lý trí nhưng giúp lý trí của con người hiểu rằng qua tất cả những dữ kiện đó, chính Thiên Chúa hành động” (Gioan Phaolô II, Fides et Ratio, 16).

 

ĐÁP CA: Tv 90,12-17

Chúa thực hiện lời cầu xin

Thánh vịnh 90 là duy nhất được cho là của Môisen (xem câu 3 và so sánh với St 2,7). Tác giả Thánh vịnh nhìn nhận rằng cuộc sống là ngắn ngủi; do đó, ông cầu xin Chúa ban cho ơn khôn ngoan để sống  khoảng thời gian ngắn ngủi này hợp ý Chúa (c. 12). Có lẽ ông nhớ lại biến cố thần hiển tại núi Sinai, và hỏi Chúa rằng dân chúng sẽ phải đợi bao lâu nữa mới đến lúc Ngài trở lại dưới một hình thức hữu hình như vậy (c. 13 ).

Trong khi chờ đợi, ông cầu xin Chúa đổ tràn đầy lòng nhân từ của Ngài trên dân để họ được an vui ngay giữa những phiền lụy của cuộc sống ngắn ngủi (cc. 14-15). Ông cũng xin Chúa tỏ cho dân thấy bằng chứng về các công trình của Ngài, để họ và con cháu của họ nhận biết rằng Chúa vẫn ở cùng họ (c. 16). Vì vậy, tác giả tin tưởng rằng đối với những ai tin cậy Chúa thì mọi ngày đều tốt đẹp, là cơ hội để vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa. Ông Môisen kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng cách kêu xin Chúa củng cố các công việc của Ngài qua bàn tay của dân giao ước. Thiên Chúa đã chọn Israel để trở thành dân thánh và là ánh sáng cho dân ngoại thì xin Ngài hoàn tất mỹ mãn. Tác giả cầu xin cho dân giao ước được phép hoàn thành sứ mệnh đó với tư cách như thể là đối tác trong kế hoạch của Chúa cho lịch sử cứu độ (c. 17).

Thiên Chúa đã đáp lại lời cầu xin của tác giả Thánh vịnh khi cho Con Chúa là Chúa Giêsu ngự đến, và tỏ cho nhân loại thấy sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Nhập Thể, cũng như qua sứ vụ của Người trên trần gian. Muôn dân đã nhìn thấy công trình cứu độ rạng ngời được thực hiện qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Con Chúa.

 

BÀI ĐỌC 2: Hr 4,12-13

Quyền năng của Lời Chúa

Lời Chúa ở đây có thể được hiểu theo hai cấp độ. Lời Chúa là chữ viết, là bản văn được ghi trong Kinh Thánh. Lời đó đi vào tâm hồn con người qua học hỏi, suy niệm, cử hành… Đó là lý do tại sao chúng ta được mời gọi đọc và suy niệm Kinh Thánh để biết đường lối của Thiên Chúa. Bằng cách cầu nguyện qua việc đọc Lời Chúa, chúng ta có thể hiểu thế giới và chính bản thân mình như Chúa nhìn thấy chúng ta, để rồi dần dần chúng ta hiểu được và đón nhận kế hoạch cứu độ Ngài dành cho chúng ta. Cũng bằng cách cầu nguyện với Kinh Thánh cá nhân mỗi người chúng ta cảm nhận được ơn Chúa Thánh Thần đã thấm nhập, tác động và biến đổi, giúp chúng ta tiến đến gần Chúa hơn. Lời Thiên Chúa cũng có thể được hiểu là Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, như trong Lời mở đầu trong Tin Mừng Gioan. Chúa Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã trở nên xác phàm, là hình ảnh hoàn hảo của sự tốt lành của Ngài, nhờ đó chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa. Trong thị kiến vinh quang ở phần đầu sách Khải Huyền nói về Chúa Kitô Phục Sinh, Chúa của Hội Thánh, đưa ra hình ảnh: từ miệng Người phóng ra một thanh gươm hai lưỡi để phán xét thế giới (Kh 1,16). Qua đó, trong bài đọc hôm nay Lời Chúa được nói tới như lời có sức sáng tạo và ý nghĩa xét xử. Lời Chúa sống động và hữu hiệu bởi vì nó diễn tả Thiên Chúa hằng sống và tạo tác. Lời Chúa là diễn ngôn hoàn tất những gì nó diễn tả, tức là những gì chứa đựng trong đó. Lời Chúa mang ý nghĩa phán xử, bởi vì trước mặt Đấng là Thiên Chúa, có quyền đòi mọi người phải trả lẽ, thì “không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa.”

 

TIN MỪNG: Mc 10,17-30

Những đòi hỏi của đời môn đệ

Cuộc đối thoại mở đầu giữa Chúa Giêsu và người đàn ông giàu có đặt ra một vấn đề thần học quan trọng: Người ta có thể tự mình đạt được sự sống đời đời, hay đó là một ơn ban của Thiên Chúa? Câu hỏi của người đàn ông ngụ ý rằng anh ta tin mình có thể làm những điều gì đó để có thể đạt được sự sống vĩnh cửu. Câu trả lời của Chúa Giêsu về việc tuân giữ lề luật cho thấy rằng những người muốn có sự sống đời đời, thực sự cần phải sống một lối sống theo luật Chúa đòi hỏi. Người đàn ông không đặt Chúa Giêsu vào một tình huống để thử thách; anh ta đã tiếp cận Người qua dấu chỉ tôn kính sâu thẳm. Đây là một người đàn ông trung thực và ngay thẳng, anh đã thực hành Lề Luật ngay từ thuở nhỏ; nhưng anh nhận ra rằng mình vẫn còn điều gì đó thiếu sót trong cuộc sống. Chúa Giêsu nhận ra sự tốt lành này, và Người thương mến anh ta (agapáō).

Hai chi tiết của trình thuật này cần được bình giải thêm. Thứ nhất, Chúa Giêsu dường như không đón nhận lời tôn xưng của người đàn ông, nhấn mạnh rằng chỉ có Thiên Chúa là nhân lành. Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu không nhận mình là nhân lành; đúng hơn Người muốn anh ta hãy suy nghĩ thêm về những gì anh vừ nói (x. 10,3; 12,35; Ga 2,4). Tuy nhiên, phần anh chắc chắn anh không phủ nhận những đức tính tốt của chính mình. Đây có thể là cách anh ta chỉ ra nguồn gốc của những thiện tính này và qua đó xác định uy quyền thiêng liêng làm chuẩn mực để anh hành động và hành xử. Khi người đàn ông thưa với Chúa Giêsu lần thứ hai, anh ta không sử dụng tính từ “nhân lành”. Thứ hai là danh sách các điều răn. Chúa Giêsu kể ra thêm một lệnh truyền không được làm hại ai (Đnl 24,14). Mặc dù Mười Điều Răn không bao gồm điều răn này, nhưng điều đó có thể ám chỉ đến sự thèm muốn bóc lột người khác, một cám dỗ mà những người giàu có thể rất dễ mắc phải. Ở đây, nêu ra các điều răn không phải là vấn đề chính yếu. Chúng được đưa vào để chỉ ra sự toàn vẹn về mặt luân lí của người đàn ông giàu có này. Rõ ràng là việc anh ta sở hữu các tài sản của mình theo đường lối ngay chính.

Việc mô tả chi tiết những đức tính tốt của người đàn ông là rất quan trọng, nó cho thấy rằng ngay cả những người công chính cũng khó đáp ứng những đòi hỏi triệt để của việc làm môn đệ. Tuy nhiên người đàn ông đã không thể từ bỏ sự giàu có của mình. Chúa Giêsu lợi dụng trường hợp cụ thể này để đưa ra một tuyên bố chung khiến ngay cả các môn đệ của Người cũng phải sửng sốt. Người sử dụng một ví dụ sinh động để minh họa những người giàu có bị khó khăn như thế nào khi bước qua một khe cửa hẹp. Không nơi nào trong giáo huấn của Chúa Giêsu nói rằng giàu có là xấu. Thật sự, giàu có, thịnh đạt được coi là một chỉ dấu sự ưu ái của Thiên Chúa và phần thưởng cho lòng mộ đạo. Chúa Giêsu tuyên bố rằng của cải và sự dư dật có thể làm người ta chệch hướng, rời khỏi mục tiêu thực sự của cuộc sống, và là một trở ngại cho việc đi vào Nước Thiên Chúa. Quyền lực và sự an toàn mà nó đem lại có thể làm người ta không cần đến ơn Chúa và từ khước lòng tin vào Ngài.

Chúa Giêsu thừa nhận rằng đây là những lời khó nghe. Câu trả lời của Người có lẽ là chìa khóa để hiểu toàn bộ đoạn văn. Những người muốn thừa hưởng sự sống đời đời được mời gọi phải sống trọn các điều răn, tuy nhiên chỉ có ơn Chúa mới có thể giúp họ bước vào Nước Trời. Trong khi họ phải sống một cuộc sống trọn vẹn đời sống luân lí, họ vẫn phải hoàn toàn tùy thuộc vào Ngài..

Ông Phêrô lợi dụng sự thất bại của người giàu trong việc từ bỏ của cải để đi theo Chúa, đã chỉ ra chọn lựa dấn thân của các môn đệ. Họ đã thực hiện đúng những gì người kia không thể làm được. Chúa Giêsu đáp lại bằng cách cho họ thấy phần thưởng mà họ có thể mong đợi. Những người đã từ bỏ sự an toàn của gia đình và tài sản, vốn là nền tảng của danh phận xã hội trong thế giới cổ đại, sẽ nhận được một hình loại an toàn mới, một gia đình và địa vị mới dựa trên niềm tin vào Chúa Giêsu. Tuy nhiên, hình thức quan hệ thay thế này và tập hợp những giá trị mới, vốn không dựa trên của cải vật chất sẽ loại bỏ  các khuôn mẫu xã hội và các giá trị phổ biến. Bởi đó là một thách thức, các môn đệ sẽ bị chỉ trích và công kích. Vì vậy, cái giá thực sự của đời làm môn đệ là chấp nhận từ bỏ bản thân và bị người khác ngược đãi.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 101-104: Đức Kitô, Lời duy nhất của Kinh Thánh

+ GLHTCG 131-133 : Kinh Thánh trong đời sống Giáo hội

+ GLHTCG 2653-2654 : Sách Thánh, nguồn mạch của kinh nguyện

+ GLHTCG 1723, 2536, 2444-2447: Yêu thương người nghèo

Lm. Giuse Ngô Quang Trung