Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 29 Thường Niên Năm A

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm A

Chủ đề chung của các bài đọc hôm nay là bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa và với quê hương dân tộc. Là người sống trong một đất nước chúng ta phải có trách nhiệm đóng góp công sức để xây dựng quê hương; nhưng là người con Chúa chúng ta cũng phải có bổn phận xây dựng Nước Trời. Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy với ơn Chúa chúng ta có thể trở nên một công dân lí tưởng, vừa đối với quê hương trần thế và với quê hương Nước Trời.

 

BÀI ĐỌC 1: Is 45,1.4-6

Ta là Chúa, chẳng còn chúa nào khác

Đoạn sách Isaia này hẳn đã được viết vào cuối thời kỳ lưu đày ở Babylon, khi Kyrô vua Ba Tư, đang tiến đến chiếm lấy thành phố này và ra lệnh rằng những người bị bắt, người Do Thái và các quốc gia khác, phải được gửi về nhà ở quê hương của họ. Trong biến cố này, người Do Thái coi Kyrô là sứ giả của Thiên Chúa. Cuối cùng, biến cố đó chắc hẳn đã củng cố họ trong sự hiểu biết mới, đạt được khi bị nhấn chìm vào nền văn minh thù địch và xa lạ của Babylon, rằng Thiên Chúa của họ, là Đức Chúa không chỉ của Israel mà là của toàn thế giới. Tất nhiên, trước khi bị lưu đày, họ tin chắc rằng Đức Chúa là Thiên Chúa và Đấng bảo vệ của riêng họ. Nhưng còn những quốc gia khác thì sao? Đối đầu với các vị thần ngoại lai và duy vật của Babylon, họ nhận ra rằng Thiên Chúa, Đức Chúa thân thiết và yêu thương của họ, là Thiên Chúa không chỉ của Israel mà là của toàn thế giới, toàn thể vũ trụ, Đấng tạo dựng ánh sáng và bóng tối. Nếu không có bài học nào khác được học từ cuộc Lưu đày, thì đây là một tiến bộ lớn trong sự hiểu biết. Chúng ta có các vị thần khác để thờ phượng không? Chúng ta có tin nhận Chúa là chìa khóa của mọi cánh cửa trong vũ trụ, ngay cả cánh cửa của chính tâm hồn chúng ta không?

 

ĐÁP CA: Tv 96

Đức Chúa là Vua và Thẩm phán muôn dân

Chủ đề về vương quyền duy nhất của Đức Chúa một lần nữa được trình bày kỹ lưỡng trong bài thánh ca này. Bằng một lời kêu gọi mạnh mẽ, tác giả gửi đến toàn thể địa cầu (cc. 7-10) – thực sự đó là tất cả tạo vật, có sinh khí cũng như vô tri vô giác (cc. 11-12) – đến tham gia đồng ca reo mừng Đức Chúa. Phần đầu (cc. 1-6) ông mời gọi cất lên một bài hát mới, tức là một bài ca thích hợp với sự đổi mới của trái đất qua công trình sáng tạo. Chính sự công bố về hành động tạo dựng, (“ơn Ngài cứu độ”, “vinh hiển của Ngài”, “những kỳ công của Ngài,” cc. 2-3), tự nó là một sự phủ nhận các vị thần khác, vì chúng không liên quan gì đến việc tạo dựng thế giới (cc. 4-5). Đền thờ, công việc vĩ đại cuối cùng trong công trình  sáng tạo của Đức Chúa, thể hiện sự vinh hiển của Ngài một cách đặc biệt (c. 6).

Lời kêu gọi thứ hai, đó là các quốc gia hãy mang lễ vật của họ đến với Đức Chúa trong thánh điện (cc. 7-10), điều này diễn ra một cách hợp lý từ phần đầu. Các câu 1-6 nói rằng Đức Chúa, qua công trình tạo dựng, là đấng tối cao trên các “chư thần”, đấng bảo trợ của các quốc gia, và công trình tạo dựng này đặc biệt có thể nhìn thấy trong thánh điện. Phần cuối cùng (cc. 11-13) khuyến giục toàn thể thiên nhiên chào đón Đấng Tạo Hóa-Thượng Đế đến để xét xử, nghĩa là để thấy rằng thế giới mới được tạo ra vận hành theo ý định của Thiên Chúa.

“Qua phụng vụ và kinh nguyện, đức tin của mỗi thế hệ được thanh luyện, để các ngẫu tượng mà người ta dễ dàng cúng bái hằng ngày được loại bỏ, và chúng ta đi từ sự sợ hãi đức công chính siêu việt của Thiên Chúa đến cảm nghiệm tình yêu thương của Ngài” (Thánh Gioan Phaolô II, buổi Tiếp kiến chung, ngày 18 tháng 9, năm 2002). (x. GLHTCG 2096, 2143, 2628).

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Tx 1,1-5

Chào thăm và khích lệ

Chúa nhật này, chúng ta bắt đầu đọc thư thứ nhất Thêsalônica, thư được viết sớm nhất trong tất cả các thư của Phaolô. Thư này sẽ được đọc trong năm Chúa nhật tiếp theo. Phaolô di chuyển quá nhanh trong các cộng đồng Kitô hữu mà ngài mới thành lập, do đó ngài không thể hướng dẫn họ đầy đủ ngay từ lúc đầu thành lập. Vì vậy, Phaolô cần giữ liên lạc, trả lời các câu hỏi, giải quyết khó khăn, thể hiện sự “quan tâm của mình đến tất cả các cộng đoàn giáo hội”. Đó là những bức thư thật sự, mỗi thư trả lời cho một số hoàn cảnh khác nhau. Mỗi lá thư của Phaolô đều bắt đầu bằng lời chào nồng nhiệt, “ân sủng và bình an”. “Ân sủng” là nụ cười trìu mến và quyền năng của Thiên Chúa, lôi cuốn chúng ta vào việc bảo vệ yêu thương của Thiên Chúa, đồng thời tăng cường nơi chúng ta sức mạnh để sống và làm việc cho Ngài. Sau đó, với sự lịch sự chu đáo của mình, Phaolô khích lệ họ (tín hữu Galát không được khen ngợi, vì họ đã khiến Phaolô thất vọng nặng nề) bằng những lời khen ngợi về thành tích của họ trong Chúa Kitô. Ở đây, ngài ca ngợi đức tin, tình yêu và niềm hy vọng vững chắc của họ, cũng như hiệu năng của quyền năng Thánh Thần trong đời sống của họ. Không bao giờ là có hại khi tìm kiếm những điều tốt đẹp nhất ở nơi con người, và tỏ cho họ thấy rằng nỗ lực của họ đã được nhìn nhận!

 

TIN MỪNG: Mt 22,15-21

Vấn đề nộp thuế cho Caesar

Một lần nữa Chúa Giêsu lại ở trong một cuộc đấu trí với các nhà lãnh đạo tôn giáo. Lần này họ là người khởi xướng. Trong khi mục đích của cuộc gặp mặt là gài bẫy Chúa Giêsu, thì vấn đề căn bản là làm thế nào để vừa trung thành với Thiên Chúa vừa trung thành với nhà nước thế tục. Người Pharisêu dường như không tán thành chế độ dân ngoại cai trị Do Thái. Còn những người Hêrôđê là những người trung thành với La Mã. Trong hàng ngũ dân chúng, những người nhiệt thành (Zealots) phản đối kịch liệt việc dân ngoại chiếm đóng Palestine, trong khi nhiều người khác đã hòa hoãn với nó và đôi khi còn được hưởng lợi từ nó nữa. Việc đánh thuế của người La Mã là một vấn đề dễ cho thấy người ta đứng về phía nào. Chính vấn đề này đã tác động những người Pharisêu hy vọng có thể bắt giữ Chúa Giêsu.

Họ bắt đầu bằng những lời tâng bốc nhằm gài bẫy Người. Nếu Chúa Giêsu thẳng thắn trong phát biểu của mình và không vị nể ai như họ mô tả về Người, thì chắc chắn Người sẽ nói rõ ra tất cả suy nghĩ của mình và có thể tự rơi vào bẫy. Bất kể Người trả lời như thế nào, nhất định Người sẽ vướng vào việc làm cho một số thính giả xa lánh Người và Người sẽ bị xấu hổ trước mắt tất cả. Mưu đồ này chắc chắn là một kế thông minh và hiểm độc. Sau khi đặt bẫy, họ đưa ra miếng mồi. Họ yêu cầu Người  giải thích một điểm của luật La Mã: Người Do Thái nộp thuế cho La Mã có hợp pháp không? Loại thuế được đề cập có lẽ là thuế đinh được đóng trực tiếp cho Rôma, nó là bằng chứng về sự quy phục chính trị. Nếu Chúa Giêsu trả lời không, Người có thể bị buộc tội là bất hợp tác chính trị theo kiểu có thể xúi giục người khác phản ứng cũng như vậy. Nếu Người nói “có”, thì Người đã từ bỏ niềm xác tín của Israel là một dân tộc chỉ gắn bó với Thiên Chúa mà thôi.

Chúa Giêsu không bị lôi cuốn bởi những lời xu nịnh của họ. Người biết những gì họ đang cố gắng làm, và biết những gì đang đe dọa. Họ không chỉ muốn làm xấu mặt Người trong mắt người dân, họ còn đặt Người vào tình thế nguy hiểm về chính trị. Để đáp lại họ, trước tiên Người khiến họ xấu hổ bằng cách gọi họ là những kẻ đạo đức giả, và sau đó vạch mặt âm mưu của họ. Người yêu cầu xem một đồng xu để nộp thuế. Bản thân đồng tiền này đã khiến người Do Thái ghê tởm, vì nó có in hình của Caesar cùng với các tước hiệu dành cho ông, cả danh dự chính trị và địa vị thần thánh. Cả hai đặc điểm này đều vi phạm Luật Do Thái. Để tôn trọng sự nhạy cảm của người Do Thái, những tiền xu bằng đồng không ảnh tượng đã được sử dụng trong trao đổi thương mại thông thường. Chúa Giêsu dường như không có một trong những đồng tiền đáng nghi vấn, nhưng không chút do dự những kẻ chống đối Người có thể tạo ra một đồng tiền. Chỉ cần sở hữu một đồng tiền là họ đã mắc vào bẫy của chính họ.

Chúa Giêsu trả lời câu hỏi ban đầu của họ bằng một câu hỏi của chính Người, do đó đặt họ vào thế phòng thủ. Họ đã làm ra đồng xu, và bây giờ họ thừa nhận rằng nó có chứa hình ảnh của Caesar. Chúa Giêsu hướng họ “trả lại” hoặc “trả về” (apodidomi) những gì mắc nợ cả Caesar cũng như những gì thuộc Thiên Chúa. Ngoài việc làm cho mình thoát khỏi sự trách cứ về chính trị hoặc tôn giáo, phản ứng của Chúa Giêsu gợi ý rằng một người thực sự có thể trung thành với cả truyền thống tôn giáo và quyền lực thế tục. Đôi khi có thể rất khó khăn, đặc biệt là khi các đòi hỏi có vẻ mâu thuẫn nhau, nhưng điều này hoàn toàn có thể. Một lần nữa, Chúa Giêsu được tôn vinh trước mắt dân chúng, trong khi những kẻ chống đối Người bị miệt thị.

—–

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  1897-1917: Tham gia vào hoạt động xã hội

+  GLHTCG  2238-2244: Bổn phận của công dân

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

 

print