Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 3 Thường Niên, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 3 Thường Niên, Năm A

NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN

 BÀI ĐỌC 1: Is 8,23-9,3

 Bài đọc này có một câu quen thuộc chúng ta đã nghe trong lễ đêm Giáng Sinh: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (9,1). Bóng tối tăm này là gì? – Vùng đất Dơvulun và Náptali nằm ở cực bắc của Israel. Isaia dùng tên hai bộ tộc này để chỉ vương quốc miền bắc. Xét về mặt địa lí, vùng đất này gần với Assyria nhất. Quân Assyria đã tiến chiếm các miền đất này và đặt làm một tỉnh hạt của họ vào năm 732 BC dưới triều đại Tiglath-Pileser III. Như vậy đối với người Do Thái, miền đất này đã bị “hạ nhục”, bị tách ra khỏi lịch sử thánh để đi vào bóng tối. Dưới ách đô hộ của ngoại bang, vùng đất ấy được gọi là “vùng đất của dân ngoại” (c. 23). Ánh sáng huy hoàng mà Isaia công bố cho người Do Thái là một thánh ca tạ ơn (9,1-6) vì họ được giải thoát khỏi tay quân thù.

Chúa Giêsu đã được dưỡng dục và lớn lên tại đây, và phần lớn hoạt động sứ vụ của Người cũng dành cho vùng biển hồ Galilê. Từ vùng đất này Đấng Messia đã đứng lên và xua tan bóng đêm mà dân ngoại bao phủ. Mátthêu dùng đoạn văn này áp dụng cho Chúa Giêsu khi Người khởi đầu sứ vụ tại Galilê (Mt 4,15-16). Sách Tin Mừng nhìn thấy trong dân này đoàn người đông đảo mà Chúa Giêsu ngỏ lời khi giảng dạy:

  • Một dân bị đủ loại người áp bức thống trị.
  • Một dân tìm đến ánh sáng và không biết đặt hi vọng vào ai trên đời này.

 

ĐÁP CA: Tv 27

 Chủ đề của Thánh vịnh này, vốn chỉ được đọc một phần trong phụng vụ, là lòng tin tưởng cậy trông vào Chúa (27,1-3). Ánh sáng là hình ảnh thường được Sách Thánh dùng để chỉ sự sống và hạnh phúc: “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào?” (c. 1)

1b-3 Tin tưởng vào Chúa

Lòng tin tưởng của tác giả Thánh vịnh được biểu tỏ qua những hình ảnh dùng để diễn tả Thiên Chúa. Chúa là ánh sáng xua tan những bóng tối lo âu. Chúa là ơn cứu độ và sự che chở an toàn khỏi mọi gian nguy; và Chúa là nơi che chở vững chắc duy nhất. Dó là lí do không còn phải sợ hãi. Kẻ thù thật là hung hãn: chúng muốn ăn sống nuốt tươi tác giả; chúng vây quanh tác giả như một đạo quân sẵn sàng gây chiến. Tuy nhiên, chúng không thể tạo ra được sự sợ hãi trong lòng tác giả, bởi vì Chúa là sự che chở tuyệt đối.

4-6 Bước vào nhà Chúa

Ngoài việc cầu xin sự giải thoát khỏi quân thù và sự nguy hiểm chúng gây ra, tác giả còn cầu nguyện để có thể luôn bước vào nhà Chúa, là nơi người ta có thể gặp gỡ Ngài. Chính trong đền thờ mà những lời cầu nguyện được lắng nghe, lễ hi sinh được dâng tiến, và sự che chở được bảo đảm. Được che chở an toàn trong nơi đền thánh, tác giả hứa sẽ tiếp tục thờ phượng Chúa.

7-14 Kêu cầu Chúa che chở

Thánh vịnh chuyển từ những cảm xúc của lòng tin tưởng nơi quyền năng và và sự thấu suốt của Chúa đến những lời cầu xin ơn trợ giúp trong những lúc gian nguy. Lòng cậy trông trước đó giờ đây cũng được vận dụng. Dầu cha mẹ có bịt tai trước những nời nỉ non của con cái thì Chúa vẫn lắng nghe và đáp lời. Đường của Chúa, con đường mà tác giả muốn dõi theo, vừa là sự khôn ngoan vừa là đường ngay nẻo chính. Bước đi trên con đường ấy, tác giả sẽ tránh xa được nanh vuốt của kẻ thù, và hướng về miền đất của sự sống, nơi mà những người tín trung sẽ luôn nhận được phúc lành của Chúa.

BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 10-13,17

Trong phần đầu của thư 1 Côrinthô Phaolô đã tiếp nhận nhiều vấn đề được truyền miệng đến với ngài qua người nhà của bà Khơlôe. Bà Khơlôe có lẽ là một Kitô hữu giàu có, mà cộng đoàn tín hữu Côrinthô  thường hội họp và cử hành Thánh Thể ở tại nhà bà. Phaolô đang viết từ Êphêsô, vị Tông đồ nghe được rất nhiều chuyện chuyển đến tai ngài qua những “thông tín viên” từ người nhà bà Khơloe. Tuy nhiên, vẫn còn một số các báo cáo khác được trao cho ngài do chính cộng đoàn gửi, được Stêphana, Photunatô, và Akhaicô mang đến (x. 1 Cr 7,1; 16,17). Như vậy dù ở xa, ngài nắm rõ tình hình cộng đoàn Côrinthô. Nhưng điều thú vị đáng ghi nhận là một số vấn đề bức xúc đang xảy ra thì bức thư không kể lại, mà ngài chỉ nghe được qua truyền miệng.

Điều tác hại nguy hiểm nhất trong cộng đoàn tại Côrinthô là sự chia rẽ nội bộ. Không có chỉ dấu cho thấy đó là những phân rẽ về giáo thuyết, bởi vì chúng ta không thấy Phaolô xử lí vấn đề. Đúng hơn, đó là tinh thần cục bộ nhóm, mỗi nhóm nhận cho mình một vị lãnh đạo uy tín trong Hội Thánh làm người bảo trợ, để có thể đối phó với nhóm khác. Câu “Tôi thuộc về Đức Kitô” đặt ra cho những nhà chú giải nhiều suy nghĩ: đó có phải là nhóm thứ bốn không? Hay đó là một lời kháng biện của chính Phaolô, ý như là: “Còn tôi, tôi không dây dưa gì với nhóm nào cả! Tôi thuộc về Đức Kitô”. Phaolô đã giải quyết vấn đề chia rẽ một cách trực diện, bằng cách chỉ cho họ thấy họ đã phản bội ơn gọi của bí tích Thánh Tẩy rồi. Họ đã nhận lãnh phép Thánh Tẩy nhân danh Đức Kitô, chứ không nhân danh ai khác dù đó là một nhân vật nổi nang uy tín. Qua Phép Rửa họ được đón nhận đời sống mới trong Đức Kitô, Đấng hợp nhất họ trong Thân Mình mầu nhiệm của Người, là Hội Thánh (Rm 12,4-5; 1 Cr 10,16-17; 12,12-27).

 

TIN MỪNG: Mt 4,12-23

 Phần khởi đầu sứ vụ tại Capharnaum tạo một bối cảnh chung, được tóm tắt với ba phần:

  • 4,12-17: Khởi đầu sứ vụ
  • 4,18-22: Gọi bốn môn đệ đầu tiên
  • 4, 23-25: Những hoạt động khác nhau, và danh tiếng được đồn đại

Sau khi ông Gioan Tẩy Giả bị bắt, Chúa Giêsu đến Capharnaum, một vùng tây bắc bờ biển Galilê, thuộc miền đất của các bộ tộc Dơvulun và Náptali. Sự khởi đầu sứ vụ tại Galilê ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia, trong bài đọc thứ nhất. Khi bắt đầu rao giảng công khai, Chúa Giêsu nói: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Lời giảng của Chúa Giêsu cũng giống với lời kêu gọi của Gioan, tuy nhiên có sự khác biệt là Nước Trời đã chính thức đến và bắt đầu hiện hữu. Nước Trời cho thấy thời gian để Thiên Chúa thi thố quyền năng và sự xét xử đã khai mở trọn vẹn và được mọi người nhận biết.

Bờ biển Galilê khá rộng và dài, có một con đường giao thương quan trọng đi đến các điểm đánh bắt và thu mua cá mú. Trong trình thuật này của Mátthêu về cột mốc khởi đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã giới thiệu những môn đệ chủ chốt trong công trình cứu độ của Người. Những môn đệ đầu tiên này, trước hết là ông Simôn và Anrê, là anh em với nhau và cùng làm nghề đánh cá. Họ sở hữu thuyền và lưới để đánh cá, nhưng đã từ bỏ tất cả những nguồn sinh kế đó đi theo Chúa Giêsu trong một sứ vụ mới là trở nên “những kẻ lưới người như lưới cá” (c. 19). Sau đó là hai người con ông Dêbêđê, đang vá lưới với cha, cũng được gọi làm môn đệ cùng ngày hôm đó.

Sự đáp trả mau mắn và dứt khoát của các môn đệ đầu tiên này cho thấy khả năng lôi cuốn và thuyết phục của Chúa Giêsu. Các ông chưa hình dung nổi lời mời gọi này mang ý nghĩa gì, cũng như nó sẽ biến đổi cuộc đời các ông ra sao. Tuy nhiên, mỗi người đều không chần chừ tính toán, đã bỏ lưới, bỏ thuyền để theo Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đi khắp miền Galilê rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Người giảng dạy mọi đối tượng: người giàu cũng như kẻ nghèo, người học thức và kẻ thất học, kẻ tội lỗi cũng như người đạo đức. Cùng với việc rao giảng, Chúa Giêsu đã chữa lành, xua trừ ma quỷ, xoa dịu những nỗi đau khổ thể xác và tâm hồn. Chúng ta tự hỏi những môn đệ này đã học hỏi và suy nghĩ điều gì khi họ cùng với Chúa Giêsu đi  dọc theo các con đường bụi bặm miền Galilê? Họ có bắt đầu nhận ra điều “lưới người như lưới cá” trong cuộc đời họ không? “Lưới người như lưới cá” trong cuộc sống hiện tại của chúng ta là gì?

            LIÊN KẾT VỚI GIÁO HUẤN VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA HỘI THÁNH

            + Dù phải bận rộn với những công việc trần thế, người giáo dân vẫn có thể và phải thực thi một công trình cao cả là phúc âm hóa thế giới” (Lumen gentium, 35).

            + Hoạt động tông đồ của Giáo hội và của tất cả các tín hữu trước tiên nhằm loan báo sứ điệp của Chúa Kitô bằng lời nói và việc làm, đồng thời chuyển thông ân sủng của Người cho trần gian” (Apostolicam Actuositatem, 6).

           

+ Thiên Chúa quan phòng cũng hành động qua hành động của các thụ tạo. Thiên Chúa cho con người được cộng tác một cách tự do vào các kế hoạch của Ngài” (GLHTCG, 323).

Lm. Giuse Ngô Quang Trung