Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 4 Mùa Chay, Năm A 

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 4 Mùa Chay, Năm A 

“THẦY LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN”

Chủ nhật thứ bốn Mùa Chay theo truyền thống được gọi là “Chúa nhật Laetare”, xuất phát từ tiếng La tinh Hãy vui mừng! (Hãy vui lên!). Đó là lời mở đầu của Ca nhập lễ Thánh lễ hôm nay, trích từ Isaia 66,10: “Laetáre, Ierúsalem, et convéntum fácite, omnes qui dilígitis eam” (Hãy vui mừng với Giêrusalem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỉ, hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô!) Giáo hội hân hoan hướng lòng về biến cố Chúa Phục sinh. Hôm nay, các  bài đọc đều vừa nhắc nhở chúng ta rằng chính Chúa là Đấng ban cho chúng ta khả năng nhìn bằng thể xác cũng như cái nhìn tâm hồn, vừa nhắc nhở chúng ta phải thường xuyên cảnh giác trước sự mù lòa tâm hồn.

BÀI ĐỌC 1: 1 Sm 16,1b, 6-7, 10-13a

Trong một thời gian dài, Israel được các Thủ lãnh cai trị. Samuel là người cuối cùng trong số các Thủ lãnh này, và đến cuối đời, ông đã ít nhiều thành công trong việc thành lập được một liên minh lỏng lẻo giữa mười hai chi tộc Israel. Nhưng người dân đã không hài lòng với sự thiếu thống nhất và an ninh chính trị của cộng đồng mình. Các quốc gia ngoại giáo chung quanh có các vua cai trị, dẫn dắt họ chiến đấu và tổ chức lãnh thổ của họ trên nền tảng chính trị vững chắc. Bất chấp lời Chúa cảnh báo và những lời cố vấn khôn ngoan của các kì mục, người dân vẫn yêu cầu có một vị vua để họ giống như các lân bang. Cuối cùng, Chúa ban cho họ Saun là vị vua đầu tiên của Israel (1030 TCN). Mặc dù thành công trong nhiều trận chiến, Saun đã xúc phạm đến Chúa và vương quyền đã bị cất khỏi tay ông. Sau đó, Chúa đã thúc giục Samuel, vị Thủ lãnh cuối cùng ở Israel, đến Bêlem để xức dầu cho vị vua tiếp theo. Đoạn văn hôm nay cho chúng ta thấy hành trình của Samuel đi tìm người Chúa chọn, cùng với nghi thức xức dầu cho vị vua mới. Là một thủ lãnh già dặn và giàu kinh nghiệm, ông biết rõ về vị vua đầu tiên là Saun đã thất bại như thế nào, do đó Samuel có những ý tưởng của riêng mình về người Chúa sẽ chọn. Nhưng Thiên Chúa lại chọn một người mà ít ai ngờ tới nhất, đó là Đavít, một cậu bé chăn cừu, con trai út của ông Giêsê. Lý do mà Chúa nhắc bảo cho Samuel sự lựa chọn này là: “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.” (1 Sm 16,7)

ĐÁP CA: Tv 23, 1-3a, 3b-4, 5, 6

Thánh vịnh 23 có lẽ là Thánh vịnh được yêu mến nhất trong tất cả 150 Thánh vịnh. Thánh vịnh này được cho là của Đavít và thể hiện một cảm nghiệm cá nhân về mối tương giao thân thiết giữa tác giả với Thiên Chúa của mình. Thánh vịnh sử dụng hai hình ảnh biểu tượng: Chúa là Mục tử thiêng liêng (cc. 1-4) và Chúa là một ông chủ đầy lòng nhân hậu (cc. 5-6). Trong Kinh Thánh và trong các tài liệu Cận Đông cổ đại, mục tử thường là biểu tượng cho nhà vua (2 Sm 5, 2; Is 44, 28; v.v.). Hình ảnh này cũng được sử dụng để diễn tả vai trò của Thiên Chúa là Vua, là Đấng bảo vệ và là Đấng xét xử dân giao ước của Ngài (Tv 28, 9; Is 40,11; Ed 34, 11-16).

Mô tả các khía cạnh của việc chăn chiên, có lẽ từ chính kinh nghiệm của Đavít là người chăn chiên thời trẻ, tác giả phác họa một bức tranh về mối tương giao gắn bó của ông với Thiên Chúa trong nỗ lực sống một cuộc đời thánh thiện (cc. 2-3). Dưới sự dẫn dắt không ngừng của vị Mục Tử, tác giả và dân của ông là con chiên trong đàn chiên của Chúa, luôn  được dẫn dắt bằng tình thương trên đường ngay nẻo chính. Mục Tử lưu tâm đến những nỗi sợ hãi và sự yếu đuối của dân Ngài. Ngài dẫn dắt họ đi qua không phải những dòng sông độc hại mà là những dòng nước trong lành. Sự chăm sóc dịu dàng của Mục Tử tối cao mang đến cho họ niềm tin được che chở và sẽ được đến đồng cỏ xanh tươi, là Nước Trời vĩnh cửu (x. 1 Pr 5, 4; Kh 7,17). Ngay cả giữa những thử thách và đau khổ, tác giả thánh vịnh vẫn cảm thấy an toàn, ông luôn tin cậy vào Chúa dẫn dắt và bảo vệ ông. Và mặc dù phải đối diện với quân thù, ông chủ nhân hậu vẫn chuẩn bị cho ông một bàn tiệc phong phú, cho đến khi ông bước vào chốn nghỉ ngơi viên mãn của Chúa. Tác giả ngập tràn hạnh phúc vì lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa ấp ủ suốt cuộc đời ông.

Đối với các Kitô hữu, Thánh vịnh này mặc một ý nghĩa đầy đủ trong câu nói của Chúa Giêsu: “Tôi là Mục tử nhân lành” (Ga 10,11, 14; Hr 13, 20). Trong Bữa Tối sau cùng, Chúa Giêsu đã hoàn tất “bàn tiệc” của Cựu Ước. Người hiến dâng thân mình trong Bí tích Thánh Thể mà Người thiết lập và cử hành lần đầu tiên trong Bữa Tối sau cùng ấy. Người tiếp tục dọn bàn tiệc ấy cho các tín hữu mỗi lần cử hành Thánh lễ. Đó là bàn tiệc mà nhìn ngược thời gian là Bữa Tiệc Li, còn nhìn trước thời gian thì đó là bàn tiệc vĩnh cửu trong vương quốc của Thiên Chúa mà sách Khải Huyền nói tới (Kh 19,5-9).

BÀI ĐỌC 2: Ep 5,8-14

Việc chuyển từ bóng tối sang ánh sáng là một hình ảnh ẩn dụ được tác giả sử dụng để mô tả sự thay đổi căn bản đã xảy ra trong cuộc sống của các Kitô hữu do kết quả của việc họ gắn bó với Chúa Kitô. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng ban đầu của họ được thể hiện qua cách họ sống. Họ không chỉ đơn thuần bị bao quanh bởi bóng tối hoặc ở giữa bóng tối. Họ là một phần của bóng tối đến nỗi họ thực sự bị đồng nhất với nó. Nhưng không còn nữa. Như họ đã được xác định là ở trong bóng tối, thì bây giờ họ đang ở trong ánh sáng, ánh sáng đến từ Chúa.

Giáo lý tiếp theo xoay quanh hai mệnh lệnh quan trọng. Mệnh lệnh thứ nhất (c. 8) là một giáo huấn nền tảng của Kitô giáo: Nếu anh em ở trong ánh sáng, thì hãy ăn ở (“bước đi”, từ ngữ Hi Lạp peripatéo) như con cái ánh sáng! Lời khuyên này xuất phát từ truyền thống khôn ngoan, vốn cho rằng chỉ có hai con đường của sự sống: đường lối khôn ngoan của người công chính và nẻo đường dại dột của tội nhân. Sự đối lập nhị phân sáng-tối là một cách khác diễn tả sự tương phản này. Tác giả đã phác họa nên sự tương phản này để hối thúc các Kitô hữu, giúp họ giữ vững cuộc sống mới đã được trao ban cho họ.

Ba phẩm chất được tạo ra bởi ánh sáng – lương thiện, công chính và chân thật – chỉ là biểu tượng cho sự biến đổi hoàn toàn tâm tính mà ánh sáng này có thể tạo ra. Lương thiện là một phẩm chất của lòng đạo đức hoàn hảo; đó là một trong những hoa trái của Thánh Thần (x. Gl 5,22). Mặc dù công chính thực sự là một thuộc tính thiêng liêng, thì con người vẫn có thể tham dự vào phẩm tính ấy miễn là họ sống kết hợp với Chúa. Còn chân thật bao hàm sự chân thành, trung thực, không giả tạo hay giả vờ. Ba phẩm chất này mô tả một đời sống mở ra  với ánh sáng đến từ Chúa Kitô.

Trong mệnh lệnh thứ hai (c. 11), các Kitô hữu không chỉ được cảnh báo về các việc làm của bóng tối mà còn được hối thúc để vạch trần chúng. Tác giả không có ý nói rằng các Kitô hữu phải tiết lộ tất cả những gì gây tổn thương khi nói đến. Thay vào đó, lời khuyên được đưa ra ở đây là một cách trình bày về sự khác biệt giữa hành vi đạo đức, vốn có thể thấy rõ vì nó được thực hiện dưới ánh sáng, và hành vi đáng xấu hổ, được giấu ẩn trong bí mật của bóng tối. Tác giả đã nói rằng chính Kitô hữu là ánh sáng trong Chúa. Trước đó họ được khuyến khích sống cuộc sống trung thực và cởi mở. Chính cuộc sống này là ánh sáng phơi bày các việc làm của bóng tối. Nói cách khác, chính đời sống trung thực của Kitô hữu sẽ rọi sáng vào bóng tối và phơi bày những hành vi đáng xấu hổ được thực hiện trong bóng tối.

Đoạn văn kết thúc với một câu nói khó hiểu. Nó chứa ba cụm từ liên quan chặt chẽ đến sự gia nhập Kitô giáo. Tất cả ba cụm từ mô tả sự chuyển đổi từ trạng thái thụ động hoặc giới hạn sang một trạng thái sống động: Từ giấc ngủ đến sự tỉnh táo; từ cái chết đến cuộc sống mới; từ bóng tối đến chiếu sáng. Rõ ràng qua   những hình ảnh ẩn dụ này các Kitô hữu đã bước vào một trạng thái mới, đòi hỏi họ phải sống một đời sống mới..

TIN MỪNG: Ga 9,1-41

Trình thuật về việc chữa lành anh mù bẩm sinh bao gồm: Một sự chữa lành kỳ diệu; sự thẩm vấn người được chữa lành, mà trong suốt thời gian đó anh ta quyết không chối bỏ Chúa Giêsu; Chúa mặc khải chính mình; và người được chữa lành tuyên xưng đức tin. Xuyên suốt trình thuật, hình ảnh bóng tối và ánh sáng, tình trạng mù lòa và sự nhìn thấy đan xen với nhau. Mối quan hệ nhân quả giữa tội lỗi và đau khổ ẩn sau câu hỏi đầu tiên của các môn đệ: Ai đã gây ra cảnh mù lòa cho anh này? Chúa Giêsu trả lời rằng tình trạng bất toàn này là dịp để quyền năng Thiên Chúa được thể hiện.

Bản thân việc chữa lành không phải là sự phục hồi, vì anh này bị mù bẩm sinh. Đó chính là một cuộc sáng tạo mới. Tác giả trình bày theo niềm tin của người xưa rằng nước bọt có đặc tính chữa bệnh. Việc sử dụng đất bùn gợi nhớ đến một trong những trình thuật về sáng tạo  (x. St 2, 7). Chúa Giêsu, Đấng được Thiên Chúa sai đến (c. 4), truyền cho anh mù đến hồ nước Silôác, có nghĩa là “Người đã sai đi”. Ở tại đó nước đã rửa trôi sự mù lòa của anh; nhờ phương tiện của nước, anh ta đã được tạo dựng mới.

Người được chữa lành giờ đây trở thành chủ đề của một loạt các cuộc thẩm vấn. Đầu tiên đó là những người biết anh ta là một người mù ăn xin. Họ ngạc nhiên trước sự biến đổi của anh ta, và họ hỏi về nguồn gốc của hiện tượng này. Lời khai ban đầu của anh ta chỉ là kể lại các sự kiện đã xảy ra cùng với tên của người đã chữa cho anh. Rồi anh ta bị những người Pharisêu chất vấn tiếp theo, họ lại chia rẽ về quan điểm khác nhau về đức công chính của một người chữa bệnh vào ngày sabát. Người mù tuyên xưng Chúa Giêsu là một ngôn sứ. Lần thứ ba và lần này là của cha mẹ anh mù. Họ sợ phải đồng ý bất kỳ lời tuyên xưng nào về Chúa Giêsu vì họ sẽ mất đi vị thế của mình trong cộng đồng tôn giáo. Cuối cùng, người mù lại bị đẩy tới nữa. Khác với cha mẹ, anh mạnh dạn tuyên bố rằng việc anh được khỏi là bằng chứng cho thấy Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa. Người mù phải trả giá cho lời tuyên xưng của mình về Chúa Giêsu, anh ta bị trục xuất khỏi hội đường.

Đức tin của anh mù diễn tiến từ việc chỉ biết tên của người đã chữa lành cho anh đến việc tuyên xưng Đức Giêsu là một ngôn sứ, rồi sau đó nhìn nhận Người xuất phát từ Thiên Chúa. Giai đoạn cuối cùng trong lời tuyên xưng đức tin của anh xảy ra khi anh gặp Chúa Giêsu lần thứ hai. Khi Chúa Giêsu tiết lộ danh tính của Người cho anh với đôi mắt đã được mở ra, anh đã chứng tỏ đức tin của mình vào Chúa Giêsu và dành cho Người sự tôn kính thuộc về Thiên Chúa.

Như đã đề cập ở trên, cuộc đấu tranh giữa bóng tối và ánh sáng, giữa mù lòa và nhìn thấy, là một chủ đề xuyên suốt trình thuật này. Đầu tiên, Chúa Giêsu sử dụng một hình thức nhị phân để nhấn mạnh sự cấp bách của sứ vụ của Người. Người và các môn đệ phải thực hiện công việc của Thiên Chúa khi còn là ban ngày; đêm sẽ đến và công việc như vậy sẽ phải chấm dứt. Chúa Giêsu nhận mình là ánh sáng thế gian.  Tiếp theo, anh mù, người dần dần được đưa từ tình trạng mù lòa về thể xác đến khả năng nhìn thấy, cũng dần dần chuyển từ mù tâm linh sang nhận thức thiêng liêng. Nhưng điều này lại khác hẳn đối với những người Pharisêu. Những người này tự hào là môn đệ của Môsê đã mù quáng trước sự thật mà người mới được chữa lành đã thấy rất rõ. Như vậy, người bị mù thì nhìn thấy còn người có thể nhìn thấy lại bị mù.

—-

            LIÊN KẾT VỚI GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH

 +  GLHTCG 280, 529, 748, 1165, 2466, 2715: Chúa Kitô là ánh sáng thế gian

 + GLHTCG 439, 496, 559, 2616: Chúa Giêsu là con vua Đavít

+ GLHTCG 1216: Bí tích Rửa tội là ơn soi sáng

+ GLHTCG 782, 1243, 2105: Kitô hữu là ánh sáng cho trần gian

Lm. Giuse Ngô Quang Trung