Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 4 Mùa Vọng, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 4 Mùa Vọng, Năm B

Mùa Vọng chuyển hướng ý nghĩa vào Chúa nhật thứ tư. Vào ngày 17 tháng 12, Điệp ca của Kinh Chiều đã bắt đầu mô tả về Đấng Messia bằng những hình ảnh ẩn dụ tuyệt đẹp. Và các bài đọc hôm nay cũng mang nội dung sự thay đổi này. Tất cả như thể chúng ta đã bắt đầu cử hành lễ Giáng sinh vậy. Thời điểm hoàn tất lời hứa đã đến, một số chủ đề hướng đến trọng điểm này: ơn cứu chuộc diễn ra trong lịch sử; mầu nhiệm kín ẩn được khai mở; Thiên Chúa thực hiện điều bất khả theo con mắt loài người.

 

BÀI ĐỌC 1: 2 Sm 7,1-5, 8b-12,14a, 16

Vương quyền tồn tại mãi mãi

 Trên đỉnh cao quyền lực của mình, Vua Đavít muốn tạ ơn Chúa vì những ơn lành Ngài đã ban cho ông:  Vua muốn xây cho Chúa một ngôi nhà. Không một phàm nhân nào có thể là ân nhân cho Chúa, và vì thế Đavít không được phép xây dựng Đền Thờ cho Ngài. Nhưng Đức Chúa đáp lại bằng lời hứa rằng Ngài sẽ xây cho Đavít một ngôi nhà. Triều đại của vua kéo dài trong một vài thế kỷ. Theo một nghĩa nào đó, “nhà Đavít” đã đi vào sự tàn lụi khi vị vua cuối cùng của Giuđa bị chọc mù mắt và bị đưa đi lưu đày ở Babylon. Nhưng lời hứa về một vương quyền vĩnh cửu vẫn truyền cảm hứng và khích lệ người Do Thái trong cuộc lưu đày ở Babylon. Dòng dõi của Đavít vẫn đứng vững, không phải như một ngôi nhà do bàn tay con người xây dựng mà là một ngôi nhà do Thiên Chúa kiến tạo. Điều này đã được ứng nghiệm qua vương quyền vĩnh cửu của Con Vua Đavít, cũng là Con của Đức Maria, và sự ứng nghiệm này bắt đầu từ Lễ Truyền Tin. Đây là lý do tại sao rất nhiều cụm từ trong lời hứa của vị ngôn sứ  Nathan được lặp lại trong lời thiên thần truyền tin cho Đức Maria. Ngôn sứ Nathan nói: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta”.  Còn thiên sứ nói: “Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. Mặc dù phạm những lỗi lầm nghiêm trọng, Đavít vẫn là hình mẫu của vương quyền ở Israel.

 

ĐÁP CA: Tv 89,2-5, 26, 28

Giao ước vững bền

Thánh vịnh 89 là lời đáp trả của vua Đavít sau khi ngôn sứ Nathan chuyển lời loan báo của Thiên Chúa công bố lời hứa về một giao ước vĩnh cửu với “nhà Đavít” (2 Sm 7,13-16). Giao ước là vô điều kiện về phía con cháu Đavít xét như một tập thể, nhưng sự thành công hay thất bại của từng vị vua Đavít phụ thuộc vào đức tin và sự tuân giữ các lệnh truyền của Thiên Chúa. Trong Thánh vịnh 89, 2-5, Thiên Chúa khẳng định rằng giao ước của Ngài với Đavít, “kẻ Ta tuyển chọn” của Ngài, là vững bền vì Thiên Chúa trung thành với những gì Ngài hứa.

Áp dụng thánh vịnh này cho Chúa Giêsu, truyền thống Giáo hội tập trung vào các câu 26-28. Thánh Athanasiô đã viết: “Chúng ta đọc ở đây cách Người nhập thể nhờ quyền năng Thánh Thần, để Người gọi Thiên Chúa là Cha của Người: “Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Người là Đấng mà vị ngôn sứ đã nói tới, ông gọi đứa trẻ được sinh ra là “Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở” (Is 9,5) (Expositiones in Psalmos, 88).

 

BÀI ĐỌC 2: Rm 16,25-27

Mầu nhiệm sau cùng

Bài đọc này cất lên tiếng vang cuối cùng của niềm phấn khích và chiến thắng ở cuối bức thư tuyệt vời của Phaolô gửi cho các tín hữu ở Rôma. Nhiệm vụ của ngài là tỏ lộ cho các dân nước (không chỉ cho người Do Thái) kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa, kế hoạch này đã được ấp ủ trong suốt dòng lịch sử nhân loại và bây giờ đạt đến đỉnh điểm trong Chúa Kitô. Đây là “mầu nhiệm” mà cuối cùng Thiên Chúa đã mặc khải trong Chúa Kitô, vì “mầu nhiệm” là một thực tại thiêng liêng chỉ được tiết lộ vào cuối thời gian. Thiên Chúa đã nối kết tương giao với con người và trao ban tất cả ân sủng của Ngài trong Đức Kitô. Con người đáp lại bằng “sự vâng phục của đức tin”, một từ khóa của bức thư: chúng ta chỉ cần tin tưởng vào những lời hứa của Thiên Chúa để mọi sự yếu đuối nơi chúng ta được chôn vùi trong ánh vinh hiển của Ngài. Tất cả những gì chúng ta cần làm trong sự tuân phục đức tin này là bám chắc vào những lời Thiên Chúa hứa và đón nhận sự giúp đỡ của Ngài. Cử hành lễ Giáng Sinh không hẳn chỉ là mừng kỷ niệm một đứa trẻ sinh ra ở Bêlem. Đây là chóp đỉnh trong thiết kế của Thiên Chúa cho thế giới, là nền tảng của lịch sử nhân loại. Vì vậy, chúng ta không chỉ đơn thuần nhìn lại biến cố này như một sự kiện lớn. Các Kitô hữu phải xem đó như là một cột mốc Thiên Chúa thiết kế cho toàn bộ lịch sử và cho mỗi ngày sống của chúng ta.

 

TIN MỪNG: Lc 1,26-38

Truyền tin cho Đức Maria

Trình thuật về việc truyền tin cho Đức Maria được kết dệt theo một khuôn mẫu truyền thống về những lời loan báo về sự sinh nở có sự can thiệp của sứ thần (x. cho Haga, St 16, 7-16; cho mẹ của Samsôn, Tl  13,2-7). Những câu chuyện như vậy nhắc nhớ người đọc về ý nghĩa thiêng liêng của các dữ kiện tương lai trong cuộc đời của những đứa trẻ sẽ được sinh ra. Đoạn văn hôm nay mở ra với thông tin đặt biến cố được mô tả trong bức tranh rộng hơn về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Sự kiện này xảy ra trong tháng thứ sáu khi bà chị họ Đức Mẹ mang thai người con của mình. Cặp vợ chồng này xuất thân từ hai gia đình đều thuộc dòng tộc tư tế (1,5). Biến cố truyền tin này, mặc dù xảy ra với hậu duệ của vua Đavít vĩ đại, nó lại chỉ xuất hiện ở một nơi xa khuất miền Galilê.

Lời chào mở đầu của sứ thần: “Kính chào bà đầy ơn phúc! Thiên Chúa ở cùng bà” (c. 28), rõ ràng nói lên phẩm giá phi thường của Đức Maria. Cách chào thông thường của người Hy Lạp: “Xin kính mừng!” mang hàm ý “vui mừng lên” và gợi lại những lời ngôn sứ về sự phục hồi, một chủ đề làm nền tảng cho toàn bộ trình thuật. Như điển hình cho mỗi lần hiện ra của các sứ thần, thì phản ứng ban đầu của Đức Maria là sợ hãi, nhưng còn một lý do khác khiến Ngài lo lắng. Đó là, trong quá khứ, một cái giá đắt, thậm chí có thể là chính mạng sống, đôi khi đi kèm theo những người được Thiên Chúa ban ơn (Vd: Nôe, St 6, 8; Môsê, Xh 33,12; Ghítôn, Tl 6,17; Samuen, 1 Sm 2,26). Đức Maria, một phụ nữ được Thiên Chúa ban ơn, ở đây là được mời làm máng chuyển ơn cứu rỗi cho dân Chúa. Điều này rất có thể sẽ đòi hỏi Mẹ phải chịu những khó khăn và thử thách lớn lao.

Phản ứng của sứ thần vừa giúp Đức Mẹ an tâm vừa khiến Ngài bối rối. Đầu tiên Mẹ được bảo là đừng sợ hãi, nhưng những gì Mẹ được cho biết sau đó thực sự gây kinh sợ. Mẹ, một trinh nữ (c. 27), sẽ sinh hạ một người con trai, tên của Người cho thấy vai trò Người nắm giữ trong kế hoạch của Thiên Chúa. (“Giêsu” có nghĩa là “Chúa cứu chuộc”) Người sẽ là một Đấng Cứu Tinh; Người sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao; và Người sẽ là hậu duệ cuối cùng của Đavít. Lời đáp trả của Maria là không hỏi lại tất cả những điều này có thể xảy ra theo kế hoạch của Thiên Chúa hay không, nhưng Ngài tự hỏi nó sẽ xảy ra như thế nào, vì Ngài là một trinh nữ. Sứ thần Gáprien trả lời rằng Mẹ sẽ được Thần Khí và quyền năng của Chúa bao phủ. Ngôn ngữ tượng hình này gợi nhớ đến đám mây đọng lại trên lều hội ngộ, biểu thị sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài (Xh 40,35). Sự thụ thai trong lòng Mẹ là việc Thiên Chúa làm.

Thiên thần còn trấn an Maria về khả năng xảy ra tất cả những điều này bằng cách cho Ngài một dấu chỉ  cụ thể. Người bà con Elisabét của Mẹ cũng đã mang thai một người con trai, mặc dù có vẻ là hoàn cảnh này không thể xảy ra (c. 36). Tuyên bố rằng: “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (c. 37) lặp lại lời Thiên Chúa nói với Abraham trong hoàn cảnh tương tự, bảo đảm với ông về sự ra đời của Isaác trong tương lai (St 18,14).

Quang cảnh kết thúc với sự chấp thuận của Maria. Giống như những câu chuyện khác về sự hiện ra của sứ thần đối với phụ nữ trong thế giới phụ hệ, Maria ứng đối trực tiếp với vị sứ giả của Thiên Chúa mà không qua trung gian của người cha hoặc người chồng dự định (x. St 16, 7-16; Tl 13,2-5). Đức Mẹ không chỉ thoát khỏi những ràng buộc gia trưởng, nhưng lời đáp trả của Ngài còn cho thấy Ngài hoàn toàn tự do trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Mặc dù là một người tôi tá Chúa, Mẹ cũng là một hình mẫu của thái độ mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Thiên Chúa, bất kể những điều được coi là bất khả dưới con mắt con người và viễn cảnh của những khó khăn tiếp theo đó. Bài đọc cho thấy rằng những ước mong trong quá khứ đang được thực hiện; kế hoạch của Thiên Chúa sắp được hoàn tất.

—–

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  484-494: Biến cố Truyền Tin

+  GLHTCG  439, 496, 559, 2616: Đức Giêsu là con vua Đavít

+  GLHTCG  143-149, 494, 2087: Sự “vâng phục của đức tin”

Lm. Giuse Ngô Quang Trung