Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 5 Thường Niên, Năm A
MUỐI VÀ ÁNH SÁNG
BÀI ĐỌC 1: Is 58,7-10
Những người lưu vong từ Babylon trở về mong muốn khôi phục nhanh chóng thủ đô Giêrusalem yêu dấu của họ, nhưng việc hoàn thành dự án đó đã chậm trễ một cách khó chịu. Mọi người tự hỏi tại sao sự đau khổ của họ lại kéo dài đến vậy, và ngôn sứ Isaia nói với họ rằng vấn đề chính là họ không sẵn lòng chia sẻ phúc lành của Chúa với người khác. Do đó, vị ngôn sứ đưa ra những ví dụ về cách họ để cho ánh sáng của Thiên Chúa chiếu qua họ: “Hãy chia sẻ cơm bánh với người đói, rước vào nhà những người bị áp bức và vô gia cư; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, và không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục. Bấy giờ ánh sáng người sẽ bừng lên như rạng đông” (cc. 7, 10).
Ngôn sứ Isaia nói về công lý và sự chăm sóc an ủi những người yếu đuối, thiếu thốn và dễ bị tổn thương, bởi vì chính qua những nghĩa cử như vậy mà lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện, và ánh sáng của con cái Chúa sẽ tỏa sáng như bình minh. Làm giảm bớt sự đau khổ của những người bị áp bức và đáp ứng những nhu cầu của người khác là các hoạt động tạo nên ánh sáng. Bằng cách tránh ác ý và tìm cách xoa dịu đau khổ của những người nghèo túng, chúng ta để cho người khác nhìn thấy và trải nghiệm ánh sáng và ơn lành của Thiên Chúa.
ĐÁP CA: Tv 112,4-5, 6-7, 8-9
Thánh vịnh này nói về đức khôn ngoan, nối kết với Thánh vịnh 111. Nó cùng bắt đầu bằng một lời ngợi khen, rồi đi theo cùng một cấu trúc của một thể thơ.
1 Ca ngợi và kính sợ Chúa
Thánh vịnh mở đầu bằng một câu mang hai loại hình văn chương khác nhau. Đầu tiên là một lời ngợi khen: hallel (khen ngợi) jah (Đức Chúa). Thứ hai là lời chúc lành, một hình thức khôn ngoan tiêu biểu diễn tả phúc lành của những ai đã chọn cho mình một lối sống đặc biệt. Ở đây người được chúc phúc chính là người kính sợ Chúa. Bằng cách sử dụng cấu trúc văn chương biểu thị sự song đối, tác giả Thánh vịnh định nghĩa thái độ kính sợ Chúa là “ưa thích mệnh lệnh Chúa truyền ban”.
2-9 Các phúc lành do sự kính sợ của Chúa
Các phúc lành khác nhau đều tuân theo thái độ căn bản này của tâm trí. Những phước lành này không chỉ giới hạn trong một thế hệ, mà sẽ mở rộng ra nơi đời sống của con cháu. Theo lý thuyết về thưởng phạt, những người kính sợ Chúa sẽ được ban cho sự giàu có; đức công chính của họ sẽ được mọi người nhìn nhận và sẽ được ghi nhớ. Ngay cả khi khó khăn xảy ra, họ vẫn tin tưởng vào Chúa. Cuối cùng, họ không tích trữ của cải cho mình, nhưng biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn. Trong Kinh Thánh, cái sừng là biểu tượng của sức mạnh; sức mạnh của người công chính sẽ được tôn vinh. Những người kính sợ Chúa là những người toàn vẹn, không ích kỷ.
10 Sự ghen tị của kẻ ác
Sự may mắn của người công chính sẽ làm cho kẻ ác đố kị. Những kẻ độc ác sẽ không chỉ buồn vì điều này mà còn bị buộc phải chịu đựng sự thất bại trong mọi ước vọng của họ.
BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 2,1-5
Người ta thường nghĩ rằng Phaolô đã thay đổi phương thức rao giảng tại Côrintô vì bị thất bại ở Athen (Cv 17). Khi thuyết giảng cho các triết gia thuộc phái Khoái lạc và Khắc kỉ ở đó, ngài đã cố gắng sử dụng các luận triết tinh vi, đầy rẫy những ám chỉ văn học. Vì vậy, khi đến Corintô, ngài đã từ bỏ lối giảng này và tập trung vào sứ điệp của thập giá. Suy nghĩ như vậy là không chắc chắn bởi vì khi trình bày chuyến thăm của Phaolô đến Athen, tác giả sách Công vụ có lẽ đã theo thói quen của các nhà sử học cổ đại, tự mình sáng tác bài diễn văn Areôpagô và đặt nó lên môi miệng của Phaolô. Đó chính là một hình thức tiêu biểu của nỗ lực hộ giáo tại thời điểm sách Công vụ được viết.
Theo đó, chúng ta có thể nghĩ rằng tại Athen cũng như tại Côrintô, Phaolô vẫn tuân theo cách thực hành thông thường của mình là rao giảng về Chúa Kitô chịu đóng đinh. Tại Athen, sứ điệp của ngài đã bị từ chối vì thập giá là một trở ngại cho người Do Thái và là sự điên rồ đối với dân ngoại. Giới trí thức đã không, và vẫn không muốn nghe về thực trạng tội lỗi của con người và ơn cứu chuộc của Thiên Chúa qua thập giá Chúa Kitô- đó là cả sự ngu ngốc và vấp ngã.
Thái độ sống hiện tại của người dân Côrintô, đó là đầu óc cục bộ và niềm tự mãn về sự khôn ngoan của mình. Điều này hoàn toàn không phù hợp với Tin Mừng về thập giá, như họ đã được khuyến cáo qua lời rao giảng của Phaolô. Đón nhận sự khôn ngoan của thập giá Chúa Kitô là phải vứt bỏ tất cả sự khôn ngoan thế gian và niềm tự hào đi kèm với nó. Với lối cư xử và thực trạng của người Côrintô như vậy, người ta nghĩ rằng Phaolô đừng giảng về sứ điệp của thập giá mà là những lời nói cao siêu và lôgích, hợp với trí tuệ con người, giống như những người giảng đạo lang thang và những kẻ đao to búa lớn rất phổ biến trong thế giới Hy Lạp đương thời. Còn Phaolô chỉ dùng những lời nói có vẻ yếu đuối, không thuyết phục. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã biến những lời này trở thành phương tiện của “Thần Khí và sức mạnh”. Cuối cùng chính những lời giảng đó đã đưa người Côrintô đến với đức tin.
TIN MỪNG: Mt 5,13-16
Trong thế giới cổ đại, muối là một chất liệu rất quý. Người Hy Lạp coi muối là một thứ thần dược, còn người La Mã nói rằng, “Không có gì hữu ích hơn mặt trời và muối”. Vào thời Chúa Giêsu, người ta liên tưởng về muối với ba phẩm chất đặc biệt.
(i) Muối là biểu tượng cho sự tinh khiết vì nó có màu trắng và nó đến từ thứ tinh khiết nhất của mọi thứ, là mặt trời và biển. Muối là lễ phẩm sớm nhất trong tất cả các lễ vật dâng cho các vị thần. Các lễ vật của người Do Thái đều có muối. Người phương Đông đã tuyên thệ bằng muối để xác quyết lời thề của họ. Họ tin rằng muối giữ cho biển nguyên chất thế nào thì lời thề của họ cũng y như vậy. Là muối của đất, các Kitô hữu phải trở thành gương sáng về sự thuần khiết, về sự ngay chính trong lời nói, trong hành vi và thậm chí cả trong suy nghĩ. Chúa mời gọi con cái của Ngài luôn duy trì và phát huy những phẩm chất này. Giáo hội cũng dạy sống khiêm tốn (1 Tm 2, 9), sống đạo đức (Ep 5,3-12), trung thực và liêm chính (Ga 8,44-47).
(ii) Muối là chất liệu phổ biến nhất trong tất cả các chất bảo quản trong thế giới cổ đại khi con người không có tủ lạnh và tủ đông. Nó được sử dụng để ngăn chặn sự thối rữa của thịt cá, trái cây và dưa chua. Là muối của đất, các Kitô hữu phải tạo được một thứ dược tính “sát trùng” nào đó đối với cuộc sống và xã hội, phải tiêu diệt sự xấu và giúp người khác sống tốt hơn. Kitô hữu bảo tồn giá trị đạo đức để làm chậm lại sự hư hỏng luân lí và tinh thần trong thế giới. “Là muối của trái đất, các con được mời gọi giữ gìn Đức tin mà các con đã nhận được và truyền lại nó nguyên vẹn cho người khác. Thế hệ của các con đang bị thách thức trong việc giữ an toàn cho kho tàng của Đức tin của các con.” (Ngày Giới trẻ 2002, Sứ điệp của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II).
(iii) Muối tạo hương vị cho thực phẩm. Ông Gióp nói, thực phẩm mà không có muối là một điều đáng buồn và thậm chí là một điều tồi tệ (x. G 6, 6-7). Một trong những chức năng chính của muối là làm cho thức ăn được thơm ngon, tươi mới. Hình ảnh này nhắc nhở chúng ta rằng, qua Bí tích Rửa tội, toàn bộ con người chúng ta đã được biến đổi sâu xa, bởi vì nó đã được “ướp hương vị” là Sự Sống mới đến từ Chúa Kitô (x. Rm 6, 4). “Muối gìn giữ bản sắc Kitô giáo của chúng ta nguyên vẹn, ngay cả trong một thế giới tục hóa, muối đó là ân sủng của Bí tích Rửa tội mà mỗi người đã lãnh nhận” (Ngày Giới trẻ 2002, Sứ điệp của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II). Kitô giáo làm cho cuộc sống thêm hương vị, mặc dù mọi người có thể nghĩ ngược lại về chúng ta.
Ánh sáng thế gian: Biểu tượng ánh sáng thường được dùng trong Kinh Thánh. Người Do Thái nói về Giêrusalem như là ánh sáng cho soi đường cho dân ngoại. Nhưng Giêrusalem không tự tạo ra ánh sáng cho nó. Chính Thiên Chúa là Đấng thắp sáng ngọn đèn của Israel. Hơn nữa, Giêrusalem cũng không thể che giấu ánh sáng của nó. Thánh Mátthêu mô tả khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ, Người hoàn thành lời ngôn sứ Isaia: Người là ánh sáng huy hoàng xua tan bóng tối của sự chết và tội lỗi bao trùm thế giới. Khi Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ phải trở thành ánh sáng thế gian, Người không đòi hỏi gì hơn là họ phải giống như Người, Đấng là Ánh Sáng của thế gian. “Bao lâu Thầy còn ở trần gian, Thầy là Ánh sáng của thế gian” (Ga 9, 5). Chúa Kitô là ánh sáng thật và nguyên tuyền (Ga 8,12). Công dân của Nước Trời chỉ đơn giản là những ngôi sao chiếu sáng, phản chiếu ánh sáng thật, giống như mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời (x. 2 Cr 4, 6). Sự tỏa sáng của các Kitô hữu xuất phát từ sự hiện diện của Chúa Kitô trong tâm hồn họ. Kitô hữu là những người cầm đuốc soi sáng trong một thế giới đêm đen. Chúng ta không được che giấu ánh sáng mà Thiên Chúa đã thắp sáng trong cuộc sống của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta phải luôn chiếu sáng để những người khác có thể nhìn thấy những việc làm tốt đẹp của chúng ta mà ca ngợi Chúa. Thánh Phaolô khuyên nhủ các Kitô hữu ở Philípphê là: “Giữa một thế giới gian tà và sa đọa, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2, 15).
LIÊN KẾT VỚI GIÁO HUẤN VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA HỘI THÁNH
+ “Sứ vụ của Dân Thiên Chúa là làm muối đất và ánh sáng thế gian. Dân này là hạt giống chắc chắn nhất mang lại sự hợp nhất, niềm hi vọng và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại” (GLHTCG, 782).
+ “Trong Đức Kitô, những người chịu Phép Rửa là ánh sáng cho trần gian” (GLHTCG, 1243).
+ “Nhưng tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại vào một hoàn cảnh mới, vì thế Giáo hội, là muối đất và ánh sáng trần gian, càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài thụ tạo, để mọi sự được tái lập trong Chúa Kitô, và nơi Người mọi người họp thành một gia đình và một đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa’” (Ad gentes, 1).
Lm. Giuse Ngô Quang Trung