Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 5 Thường Niên, Năm C
Các Chúa nhật đầu tiên của Mùa Thường Niên đề cập đến sự khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu, sự khai mào của thời đại hoàn thành mới. Chủ đề của Chúa nhật này thay đổi một chút: lời Chúa kêu gọi con người tham gia vào sứ vụ của Người. Bài đọc thứ nhất và bài Phúc Âm là tường thuật về ơn gọi; bài đọc hai gồm một tuyên bố về đức tin làm nền tảng cho đáp trả của chúng ta đối với lời kêu gọi; Bài đáp ca ca ngợi lòng nhân từ của Thiên Chúa, điều khiến tất cả những điều này trở nên khả thi.
BÀI ĐỌC 1: Is 6,1-8
Đấng Thánh của Israel
Trong bản sưu tập các câu nói của Isaia, thị kiến này không phải là đầu tiên, nhưng chắc chắn nó thuật lại ơn gọi đầu tiên của vị tiên tri. Đối với Isaia, Thiên Chúa trước hết là Đấng Thánh của Israel. Thị kiến về Đấng được tung hô ba lần là Thánh, đang ngự trên ngai vinh quang trong Đền Thờ, đã dùng tất cả những gì có thể diễn đạt thành lời về một Đấng khác biệt đáng kinh ngạc mà vinh quang tràn ngập khắp trái đất. Phản ứng của con người đối với cảnh tượng này chỉ có thể là nhận thức rõ ràng về sự ô uế của mình. Isaia chỉ có thể thu mình lại cho đến khi sự ô uế của ông đã được tẩy sạch bằng việc đốt cháy môi miệng ông. Không một con người nào có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà sống. Vinh quang mà Isaia (và Môisen trên Núi Sinai) nhìn thấy tuy chỉ là phần bên ngoài, nhưng nó khiến người nhìn thấy phải kinh ngạc và sợ hãi trước sự tương phản giữa sự thánh thiện thần linh và sự bất xứng của con người. Xuyên suốt cuốn Sách mang tên ông, Isaia sẽ luôn quay lại sự thánh thiện đáng kinh ngạc của Chúa. Thiên Chúa là Cha yêu thương của chúng ta, nhưng chúng ta không được quên khoảng cách giữa Đấng Tạo Hóa và loài thụ tạo. Đồng thời chúng ta cũng bị thu hút và chịu khuất phục Ngài.
ĐÁP CA: Tv 138:1-2,2-3,4-5,7- 8
Lời tạ ơn
Thánh vịnh đáp ca cho Chúa nhật tuần này đi theo cấu trúc chung của lời cầu nguyện tạ ơn cá nhân. Được ngỏ lời trực tiếp với Thiên Chúa, tác giả Thánh vịnh bắt đầu bằng tâm tình tạ ơn, sau đó là lời tuyên bố lý do để tạ ơn: Chúa đã thương nghe lời kêu cứu của ông và đã đáp lời, không phải do công trạng cá nhân nhưng do lòng trung tín và xót thương của Ngài vẫn có (cc. 1,3). Hành động yêu thương đó không chỉ là sự trao đổi riêng tư giữa một người Israel và Đức Chúa; nó đủ tuyệt vời để khơi dậy cả các quốc gia và các đế vương dưới trần cùng ca ngợi sự vĩ đại của Thiên Chúa và sự quan tâm của Ngài đối với toàn thể dân chúng (cc. 4-6). Được giải cứu khỏi tình thế ngặt nghèo, tác giả Thánh vịnh tin tưởng rằng Đức Chúa sẽ luôn ở đó, trong những lúc nguy nan, và tiếp tục ra tay bảo vệ như Ngài vẫn làm như vậy (cc. 7-8).
Đức Thánh cha Bênêđictô XVI trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư, 7 tháng 12, năm 2005 đã kết thúc lời giáo huấn về Thánh vịnh này như sau: “Chúng ta cần luôn xác tín rằng cho dù chúng ta có phải vất vả khó nhọc, phải đối diện nhiều thử thách gian nan, chúng ta đừng ngã lòng và đừng giải quyết vấn đề một mình, có Chúa luôn nâng đỡ che chở chúng ta. Chúng ta không bao giờ phải rời xa bàn tay của Chúa, bàn tay đã tạo dựng nên chúng ta và luôn gìn giữ chúng ta trên hành trình cuộc đời, như lời thánh Phaolô tâm sự: ‘Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành’ (Pl 1,6)”.
BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 15,1-11
Tin mừng đầu tiên
Yếu tố quý giá nhất của bài đọc này là đoạn trích truyền thống đầu tiên về Tin Mừng về sự chết và Phục sinh của Chúa Kitô, mà các Kitô hữu đầu tiên đã xem là ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Chúng ta có thể nói rằng vào thời của Phaolô, lời tường thuật này đã là truyền thống. Thứ nhất, ở đây Phaolô dùng các thuật ngữ được các giáo sĩ Do Thái sử dụng để truyền đạt lại truyền thống, “Chính tôi đã dạy cho anh em những điều tôi đã được dạy.” Thứ hai, ngôn ngữ không hoàn toàn là ngôn ngữ của Phaolô; chẳng hạn, đối với sự ứng nghiệm theo lời Kinh thánh, Phaolô luôn luôn viết “đúng như lời đã chép”, trong khi ở đây chúng ta hai lần được nói: “như lời Kinh Thánh”, điều mà chính Phaolô không bao giờ nói. Nhiệm vụ hàng đầu của các tông đồ là làm chứng cho biến cố Phục sinh của Chúa Cứu Thế. Đối với chúng ta cũng vậy, đó là nhiệm vụ ưu tiên; không chỉ bằng lời nói, mà bằng cách cư xử. Chúng ta cần sống trong nhận thức rằng biến cố phục sinh của Chúa Kitô sau khi Người chịu sỉ nhục và đau khổ kinh hoàng là chân lí căn bản của cuộc sống. Yếu tố căn bản trong đức tin và chứng tá của người Kitô hữu không phải là ngôi mộ trống mà là kinh nghiệm của các tông đồ trong việc gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Đây là điều đã biến đổi các ngài, một cách không thể tin được, từ một kẻ bại trận và tuyệt vọng, sợ hãi trong ẩn náu, trở thành những nhân chứng dũng cảm và nhiệt thành.
TIN MỪNG: Lc 5,1-11
Tư cách môn đệ
Gênnêsaret là khu vực màu mỡ, đông dân cư ở góc tây bắc của hồ được gọi là biển hồ Galilê. Trong bài đọc Phúc Âm Chúa nhật hôm nay, tên của khu vực này được đặt cho hồ nước. Biển hồ Galilê thấp hơn mực nước khoảng hơn 200 mét, dài 21 km và rộng 13 km và trù phú với rất nhiều loài cá. Như những người sống nghề đánh bắt hải sản đều biết, đánh bắt cá ban đêm mang lại sản lượng tốt nhất. Đây là bối cảnh cho câu chuyện Phúc Âm Chúa nhật này.
Việc sử dụng tên và chức danh nói lên nhiều ý nghĩa. Ông Simôn đóng một vai trò rất quan trọng ở đây. Ngoại trừ một ngoại lệ (c. 8), ông vẫn được biết đến với tên Do Thái của mình, Simôn (cc. 3,4, 5,10). Khi ông nhận ra quyền năng thiên tính của Chúa Giêsu trong việc bắt cá kỳ diệu, ông được gọi với sự kết hợp giữa tên Do Thái của mình và tên mà Chúa Giêsu sẽ đặt cho ông sau này (x. 6,14). Về phần mình, Simôn lần đầu tiên gọi Chúa Giêsu là “Thầy” (epistátēs, một từ có lẽ tương đương với “rabbi” [c. 5]). Simôn sử dụng tước hiệu này sau khi Chúa Giêsu giảng dạy đám đông trên bờ từ chính thuyền của ông. Sau đó, Simôn, người đánh cá giàu kinh nghiệm làm theo chỉ thị của Chúa Giêsu và kinh ngạc trước mẻ cá mà nó mang lại. Điều này khiến ông phủ phục mình trước Chúa Giêsu và xưng hô với Người là “Chúa” (kýrios), một danh hiệu kết hợp các ý nghĩa quyền năng và thẩm quyền.
Simôn và những người ở với ông có một kinh nghiệm thần hiện, một sự cảm nhận sức mạnh thần linh đang hoạt động trong và qua Chúa Giêsu. Họ tràn ngập sự kinh ngạc hoặc sợ hãi, mà Chúa Giêsu đáp lại theo một cách đặc trưng: “Đừng sợ” (x. Lc 1,13, 30; 2,10). Thông thường, khi có một trải nghiệm như vậy khiến người nhận sợ hãi, thì những lời trấn an được đi kèm với một lệnh truyền. Điều này cho thấy việc ủy nhiệm là điểm quan trọng. Đó là trường hợp ở đây. Chúa Giêsu không cung cấp cho những ngư dân này một sản lượng đánh bắt kỳ diệu chỉ để loại bỏ sự thất vọng mà họ đã trải qua trong một đêm đánh cá không thành công. Phép lạ đã trở thành một lời tiên tri được thực hiện để tiết lộ cả thẩm quyền bí ẩn của chính Chúa và sứ vụ mà họ đang được gọi dấn thân. Chúa Giêsu tuyên bố rằng một bước ngoặt trong cuộc đời họ đã đạt đến. Lệnh truyền tuyên bố: “Từ bây giờ…!”
Những người kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá ấy được cho biết rằng bây giờ họ sẽ giăng một chiếc lưới khác, một chiếc lưới bắt cả phụ nữ và đàn ông. Chúa Giêsu, Chúa của họ đã tập hợp đám đông xung quanh Người — đàn ông, đàn bà và trẻ em đến để họ bị quyến rũ bởi những lời quyền năng của Người. Kể từ bây giờ, nếu họ chỉ làm theo chỉ thị của Người, bất kể ban đầu họ đã thắc mắc như thế nào, họ cũng sẽ quy tụ thành những người nghe nhiều hơn số lượng. Động từ “bắt” (zōgreō) ở thì liên tục, biểu thị một thói quen.
Sự kinh ngạc của các ngư dân chuyển sang hành động dấn thân. Họ bỏ lại tất cả mọi thứ — sự đánh bắt đáng kinh ngạc, công việc làm ăn (họ là đối tác), sự ổn định của nhà cửa, gia đình và vùng lân cận — và họ đi theo Người (akolouthéō gợi ý về lòng gắn bó thiêng liêng hoặc tư cách môn đệ).
—
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 520, 618, 923, 1618, 1642, 2053 : tất cả chúng ta đều được mời gọi bước theo Đức Kitô
+ GLHTCG 2144, 2732 : kính sợ Thiên Chúa đối lại thói tự cao tự đại
+ GLHTCG 631-644 : các Tông đồ là chứng nhân của biến cố Phục Sinh
Lm. Giuse Ngô Quang Trung