Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 7 Thường Niên, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 7 Thường Niên, Năm A

SỐNG THÁNH THIỆN NHƯ THIÊN CHÚA

BÀI ĐỌC 1: Lv 19,1-2, 17-18

Chương 19 sách Lêvi là một sưu tập tổng hợp các luật, mà một số được cho là xuất phát từ một hình thức nguyên thủy của Thập giới. Các câu 1-2 đóng vai trò giới thiệu cho toàn bộ bộ sưu tập, và do đó, cũng phù hợp với phần mở đầu cho cc. 17-18 trong bài đọc hôm nay.

Sự thánh thiện có nghĩa là được đặt riêng ra, tách biệt với thế giới. Đó là phẩm tính đầu tiên của ĐỨC CHÚA. Và để Israel trở thành dân riêng, ĐỨC CHÚA cũng muốn họ sống thánh thiện. Có thể nói bài đọc hôm nay tóm tắt toàn bộ mục tiêu của luật Chúa: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (c. 2). Bài đọc kết thúc bằng một cái nhìn thu tóm tất cả ý nghĩa của thánh thiện: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (c. 18).

Sự thánh thiện trước hết là một sự chỉ định: Ngươi thánh. Nhưng sau đó, lời mời gọi cũng là một mệnh lệnh: Người phải trở nên thánh. Sự khác biệt của dân Chúa được thể hiện, chứ không cần phải được xác minh, trong chính hành vi của họ qua đời sống hằng ngày. Hành vi này được tóm tắt trong lệnh truyền yêu người thân cận. Trong Cựu Ước và Do Thái giáo, người “thân cận” là người Do Thái. Chúa Giêsu đã tái khẳng định cốt lõi của điều răn này nhưng đã mở rộng đối tượng của lòng yêu thương trong Tin Mừng Người công bố: yêu thương ngay cả người thù nghịch với mình.

 

ĐÁP CA: Tv 103:1-2, 3-4, 8, 10, 12-13

1-5 Lời mời gọi chúc tụng Chúa

Một lời mời gọi bao gồm cả hai thái độ: chúc tụng và ngợi khen, đồng thời cũng vừa mở ra và khép lại Thánh vịnh này, do vậy lời mở đầu này đóng vai trò như một cái khung bao gồm tất cả những tâm tình sẽ được bày tỏ. Tiếng Hípri chỉ “linh hồn’ đúng thực là toàn bộ sinh lực của một người để duy trì sự sống. Do đó, lời mời gọi chúc tụng được loan ra với tất cả sự rung động mạnh mẽ nhất của một con tim. Một số lý do để ca ngợi Thiên Chúa được đưa ra. Trong số những ơn huệ được ban cho tác giả thánh vịnh, điều quan trọng nhất đó là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Là điểm đặc biệt của giao ước của Thiên Chúa, những ơn huệ này có lẽ là căn do và cội nguồn của tất cả các ơn thiêng khác. Chim bằng (5) là biểu tượng của sự tươi trẻ và sức mạnh (x. Is 40,31).

6-18 Tình thương của Thiên Chúa

Ơn lành của Thiên Chúa được tán dương, đặc biệt là lòng thương xót đối với Israel, mặc dù nó vẫn luôn bất trung. Đầu tiên, đó là sự quan tâm của Ngài đối với những người bị áp bức. Điều này được thể hiện rõ nhất qua biến cố xuất hành, lúc vượt thóat khỏi cảnh nô lệ Ai Cập. Tác giả sau đó bày tỏ về bản tính của thương xót của Chúa: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương” (c. 8). Đó là những phẩm tính đã được Thiên Chúa công bố sau khi dân chúng đúc một con bê vàng để thờ lạy, trong sa mạc (x. Xh 34,6). Tình thương này như đã trở thành một tiêu chuẩn để diễn tả lòng thương xót của Chúa đối với tội nhân (x. Ds 14,18; Nk 9,17; Tv 86:15). Phạm vi của tình thương kiên định của Thiên Chúa được so sánh với chiều rộng vô biên giữa trời và đất. Sự sẵn lòng tha thứ của Chúa được sánh ngang với khoảng cách rộng lớn giữa đông và tây, cũng như lòng trắc ẩn của một người cha đối với con cái của mình. Mỗi hình ảnh nêu bật một phẩm tính không thể suy thấu được. Một cách tương tự, lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với những người bất trung thì không thể đo lường được.

19-22 Chúc tụng Chúa là Vua

Cả các thụ tạo vô hình cũng được mời gọi chúc tụng Chúa Đấng ngự trên cõi trời cao thẳm. Các thiên sứ, các thiên binh là những sứ giả luôn trung thành phụng sự Chúa hãy dâng lời tán tụng ngợi khen Ngài. Cuối cùng, muôn tạo thành được cũng được mời gọi hợp tiếng chúc tụng Chúa. Thánh vịnh kết thúc cũng như khởi đầu: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!”

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 3,16-23

Bối cảnh của 1 Cr 1-4 là sự chia rẽ đã làm nhức nhối cộng đoàn tại Côrintô. Mọi người ở đây đều cao ngạo: “Tôi thuộc về Phaolô”, “Tôi thuộc về Apollô”. Mỗi nhóm đều tự hào về kho tàng khôn ngoan  (gnosis) mà họ đã nhận được từ vị lãnh đạo mà họ xưng tụng.

Phaolô bắt đầu phần này bằng cách nhắc nhở người Côrintô về những điều họ đã biết: “Anh em không biết sao…” Do vậy, đây không phải là giáo huấn mới, không phải là sự mở rộng thêm sứ điệp nền tảng của ngài, mà đó vẫn là một phần của giáo huấn ban đầu. Sự chia rẽ và sự tự mãn hão huyền như vậy, và vẫn được coi như những ưu thế đặc biệt mỗi nhóm sở hữu, tỏ lộ một sự ô uế, một sự vẩn đục của đền thờ Thiên Chúa, tức là Giáo hội.

Phaolô sử dụng nhiều hình ảnh để nói về Giáo hội (khu vườn, tòa nhà, v.v…), nhưng ở đây, lần đầu tiên ngài dùng hình ảnh Đền Thờ trong các bản văn của mình. Đền Thờ làm nổi bật hình ảnh Giáo hội là nơi hiện diện của Thánh Thần Thiên Chúa. Đền Thờ không phải được xây dựng bằng vật liệu gạch vữa mà là nơi quy tụ mọi con người; Đền Thờ cũng không phải chủ yếu là một tổ chức hoặc một định chế xã hội. Sau này trong 1 Cr 6,16-17, Phaolô sẽ áp dụng hình thể này cho mỗi Kitô hữu. Ở đó chúng ta biết rằng chính sự vô luân đã làm ô uế người Kitô hữu là Đền Thờ của Thiên Chúa. Còn ở đây sự chia rẽ nội bộ đã làm nhơ bẩn cả cộng đoàn Côrintô. Như vậy thì làm sao tình trạng này có thể dung hợp được với lời Chúa nói trong Mt 16,18 rằng cửa hỏa ngục cũng không thể thắng nổi Hội Thánh mà Chúa Kitô thiết lập? Xin trả lời rằng, các giáo hội địa phương, hoặc thậm chí vùng miền, có thể bị phá hủy. Bởi vì mỗi giáo hội địa phương chỉ là một biểu hiện “vi mô” của Giáo hội phổ quát. Còn chính Giáo hội của Chúa thiết lập thì không thể bị phá hủy.

Trong phần thứ hai của bài đọc (1 Cr 3,18-23), Phaolô xoáy sâu vào những tranh chấp bè phái và sự chia rẽ của cộng đoàn Côrintô, đồng thời thảo luận về sự khôn ngoan đích thực. Khôn ngoan (gnosis) mà mỗi nhóm tuyên bố mình sở hữu chỉ hoàn toàn là khôn ngoan theo thói thế gian. Sự khôn ngoan đích thực, sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chính là Tin Mừng về thập giá Chúa Kitô. Sự khôn ngoan đời này có thể làm cho các nhà lãnh đạo trần gian trở nên kiêu hãnh. Các tông đồ không phải là những vị lãnh đạo kiểu đó. Các ngài không phải là chúa tể nắm đầu dân Chúa mà là tôi tớ Chúa Kitô và là những người phục vụ mọi người. Như vậy Phaolô nhắc nhở tín hữu Côrintô rằng họ không thuộc về một vị lãnh đạo mà họ tôn phong. Đích thực tất cả đều thuộc về họ qua Chúa Kiô, là Đấng thuộc về Thiên Chúa và dẫn đưa mọi người đến với Chúa Cha.

 

TIN MỪNG: Mt 5,38-48

Bài đọc hôm nay tiếp tục chủ đề Bài giảng trên Núi tuần trước. Câu cuối cùng của Tin Mừng nhắc lại sứ điệp của Bài đọc 1: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (c. 48). Câu này là một cách diễn tả khác câu của sách Lêvi: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2). Ở đây có hai phản đề được được trình bày. Phản đề trước được lấy từ sách Luật: Mắt đền mắt, răng đền răng (Lv 24,19). Thứ hai là một câu châm ngôn dạy yêu người lân cận từ Bài đọc 1 với một lệnh cấm không được tìm thấy bất cứ đâu trong Cựu Ước, nhưng tiêu biểu cho tất cả những gì được dạy hoặc được giả định, cụ thể là, người ta phải ghét kẻ thù của Thiên Chúa và của Israel.

Có một số người hiểu đoạn văn này theo một hướng khác với truyền thống vẫn hiểu.

Nhiều người có thể nghĩ rằng lời khuyên dạy chớ trả thù có nghĩa là những người chịu bất công lớn chỉ nên nhẫn nhịn chịu đựng, mà không được làm gì để có thể thay đổi hoàn cảnh. Điều này hoàn toàn sai. Trong môi trường của Chúa Giêsu, đây là một đòi hỏi công lý hơn là chịu đựng im lặng. Để hiểu rõ đoạn văn hơn, chúng ta nên nhớ rằng những người trong thời của Chúa Giêsu sống trong một chế độ giai cấp. Có một sự phân định rõ ràng giữa nô lệ và chủ nhân, quân đội chiếm đóng và những người bị trị, người giàu và kẻ nghèo.

Khi Chúa Giêsu bảo người ta đưa má khác khi bị đánh má phải (c.39), thì chúng ta cũng cần biết rằng: một cú tát vào má phải người đối diện chỉ có thể thực hiện được bằng mu bàn tay phải. Tuy nhiên theo luật Mishnah (m. Bava Qamna 8:6) cái tát như thế bị coi là tạo sự sỉ nhục gấp đôi cái tát bình thường. Trường hợp này phải được tòa xét xử và bị phạt gấp hai lần. Cái tát bằng mu bàn tay được các ông chủ thực hiện cho nô lệ, đầy tớ. Khi đưa má kia có nghĩa người bị đánh thách thức kẻ đánh anh ta phải đối xử với anh như một người bình thường. Nghĩa là một đòi hỏi công lí, đòi người đánh phải từ bỏ định kiến coi kẻ bị đánh là một nô lệ.

Áo trong và áo choàng mà Chúa Giêsu đề cập là y phục chủ yếu trong thời của Người. Thông thường, khi một người nghèo không còn gì để trả nợ, áo trong và áo choàng của anh ta sẽ được coi như tài sản thế chấp. Theo luật, người cho vay phải trả lại áo choàng vào buổi tối, vì đó cũng là chăn của con nợ dùng để giữ ấm ban đêm (x. Xh 22,25-27; Đnl 24,12-13). Nếu trao cả áo trong và áo choàng thì họ sẽ chịu trần truồng trong đêm lạnh. Theo một số tác giả, đây là một ngôn ngữ kí hiệu cho thấy người Do Thái bị Rôma bóc lột nặng nề qua các sắc thuế khắc nghiệt. Chúa như muốn nói: cứ để cho kẻ đàn áp làm công việc của nó và sẽ có ngày Thiên Chúa xét phạt.

Câu nói “Đi thêm với người ấy hai dặm” có nguồn gốc lịch sử và được hiểu trong một bối cảnh cụ thể. Vào thời Chúa Giêsu, một người lính La Mã có quyền đòi người dân địa phương phải mang cho nó một bao quân nhu nặng để đi một dặm đường. Nếu người lính không thực hiện nhiệm vụ này của mình thì sẽ bị phạt. Người ta có thể tưởng tượng sự bối rối và ngạc nhiên vô cùng của người lính khi chứng kiến cảnh tượng này, và anh ta sẽ cố gắng giành lấy gánh nặng khỏi người Do Thái đang muốn mang nó đi xa hơn. Trong những trường hợp này, yêu kẻ thù như thế là cách thức khẳng định nhân tính của chính mình, và mặc nhiên kêu gọi người khác tôn trọng phẩm giá con người. Đó là sự bất bạo động sáng tạo, một cách đắc dụng nhất để yêu kẻ thù. Hoàn toàn không phải là một sự thụ động!

—–

            LIÊN KẾT VỚI GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH

            +  GLHTCG 1933, 2303: Yêu người thân cận, yêu thương kẻ thù

            + GLHTCG 2842-2845: Cầu nguyện và tha thứ cho kẻ thù

           + GLHTCG 1265: Chúng ta trở thành Đền Thờ của Chúa Thánh Thần trong Bí tích      Rửa tội

           + GLHTCG 2684: Các thánh là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần

Lm. Giuse Ngô Quang Trung