Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 7 Thường Niên, Năm C
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay thách thức chúng ta thực hiện ba lựa chọn đúng đắn trong cuộc sống. Trước tiên, chúng ta cần chọn tình yêu theo “Luật Vàng” thay vì ích kỷ và vô cảm trước nhu cầu của người khác. Thứ hai, chúng ta cần lựa chọn tình yêu vô điều kiện, thay vì ghen tị và hận thù trong mối tương giao của chúng ta với người khác. Thứ ba, chúng ta phải chọn tha thứ thay vì nuôi dưỡng sự trả thù và báo oán.
BÀI ĐỌC 1: 1 Sm 26,2, 7-9, 12-13, 22-25
Đavít tha chết cho vua Saolê
Câu chuyện thú vị này về Đavít xảy ra khi vua Saolê đang truy đuổi chàng trai trẻ Đavít trong sa mạc Giuđa, phía trên Biển Chết. Người chiến binh trẻ tuổi thành đạt trở nên quá tham vọng so với ý nghĩ của vua Saolê, người trong tâm trạng xấu, đã muốn ghim anh ta vào tường bằng một ngọn giáo, và sau đó đuổi anh ta ra khỏi triều đình. Sau đó, Đavít tập hợp một nhóm người sống ngoài vòng pháp luật, và Saolê cố gắng truy lùng anh ta. Kết quả là câu chuyện này. Đavít có cao thượng không, hay anh đã nghĩ rằng một ngày nào đó, đến lượt mình, anh sẽ được Chúa xức dầu? Việc nhà vua bị ám sát sẽ là một tiền lệ xấu! Đavít là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, kiểu người mà bất cứ ai cũng có thể theo ở bất cứ đâu. Anh ta cũng là một tội nhân, ngoại tình và giết người chồng đã bị cắm sừng để làm cho cảm giác tội lỗi của mình như thể giảm bớt đi. Nhưng anh cũng là một người thống hối sâu xa, một nhân vật đáng yêu và rất con người. Trên hết, anh là người sáng lập chế độ quân chủ Israel và của “dòng dõi Đavít” mà từ đó Chúa Giêsu sẽ đến. Anh ta là người nhận được lời hứa rằng Thiên Chúa sẽ làm cha của người Con, Đấng sẽ trị vì đời đời trên ngai vàng của Người.
ĐÁP CA: Tv 103:1-2, 3-4, 8, 10, 12-13
Chúa là Đấng từ bi nhân hậu
1-5 Lời mời gọi chúc tụng Chúa
Một lời mời gọi bao gồm cả hai thái độ: chúc tụng và ngợi khen, đồng thời cũng vừa mở ra và khép lại Thánh vịnh này, do vậy lời mở đầu này đóng vai trò như một cái khung bao gồm tất cả những tâm tình sẽ được bày tỏ. Tiếng Hípri chỉ “linh hồn’ đúng thực là toàn bộ sinh lực của một người để duy trì sự sống. Do đó, lời mời gọi chúc tụng được loan ra với tất cả sự rung động mạnh mẽ nhất của một con tim. Một số lý do để ca ngợi Thiên Chúa được đưa ra. Trong số những ơn huệ được ban cho tác giả thánh vịnh, điều quan trọng nhất đó là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Là điểm đặc biệt của giao ước của Thiên Chúa, những ơn huệ này có lẽ là căn do và cội nguồn của tất cả các ơn thiêng khác. Chim bằng (5) là biểu tượng của sự tươi trẻ và sức mạnh (x. Is 40,31).
6-18 Tình thương của Thiên Chúa
Ơn lành của Thiên Chúa được tán dương, đặc biệt là lòng thương xót đối với Israel, mặc dù nó vẫn luôn bất trung. Đầu tiên, đó là sự quan tâm của Ngài đối với những người bị áp bức. Điều này được thể hiện rõ nhất qua biến cố xuất hành, lúc vượt thóat khỏi cảnh nô lệ Ai Cập. Tác giả sau đó bày tỏ về bản tính của thương xót của Chúa: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương” (c. 8). Đó là những phẩm tính đã được Thiên Chúa công bố sau khi dân chúng đúc một con bê vàng để thờ lạy, trong sa mạc (x. Xh 34,6). Tình thương này như đã trở thành một tiêu chuẩn để diễn tả lòng thương xót của Chúa đối với tội nhân (x. Ds 14,18; Nk 9,17; Tv 86:15). Phạm vi của tình thương kiên định của Thiên Chúa được so sánh với chiều rộng vô biên giữa trời và đất. Sự sẵn lòng tha thứ của Chúa được sánh ngang với khoảng cách rộng lớn giữa đông và tây, cũng như lòng trắc ẩn của một người cha đối với con cái của mình. Mỗi hình ảnh nêu bật một phẩm tính không thể suy thấu được. Một cách tương tự, lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với những người bất trung thì không thể đo lường được.
19-22 Chúc tụng Chúa là Vua
Cả các thụ tạo vô hình cũng được mời gọi chúc tụng Chúa Đấng ngự trên cõi trời cao thẳm. Các thiên sứ, các thiên binh là những sứ giả luôn trung thành phụng sự Chúa hãy dâng lời tán tụng ngợi khen Ngài. Cuối cùng, muôn tạo thành được cũng được mời gọi hợp tiếng chúc tụng Chúa. Thánh vịnh kết thúc cũng như khởi đầu: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!”
BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 15,45-49
Được biến đổi trong sự phục sinh
Đây là lần thứ ba trong số bốn Chúa nhật Phaolô giải thích ý nghĩa của sự phục sinh của các Kitô hữu. Sự phục sinh của các Kitô hữu theo mô hình của sự phục sinh của chính Chúa Kitô. Là trưởng tử của những người đã chết, Chúa Kitô là đấng sáng lập ra nhân loại mới, cũng như Ađam là người sinh ra nhân loại sa ngã. ‘Ađam’ có nghĩa là ‘con người’, và câu chuyện về Sự sa ngã trong sách Sáng Thế không phải là câu chuyện về một sự kiện quá khứ mà là thực trạng về mọi cám dỗ và tội lỗi của con người. Tuy nhiên, sự vâng lời của Chúa Kitô, Ađam thứ hai, đã hóa giải sự bất tuân của Ađam thứ nhất. Ngay trước phân đoạn này, Phaolô đã giải thích rằng trong sự phục sinh, tất cả chúng ta sẽ được biến đổi, và được thuộc về trời, theo hình ảnh của Chúa Kitô Phục sinh. Điều gì vốn là yếu ớt sẽ được mạnh mẽ với sức mạnh của Thiên Chúa, điều gì hư nát sẽ được bất diệt với sự bất tử của Thiên Chúa, điều gì là hèn hạ sẽ được vinh quang với sự vinh hiển của Thiên Chúa. Phaolô không nói đến việc chúng ta sẽ có thân xác thế nào, nhưng ngài tổng kết những biến đổi khác bằng cách nói rằng trong khi nguyên lí của sự sống là linh hồn, thì trong sự phục sinh, nó sẽ là Thần Khí của Thiên Chúa.
TIN MỪNG: Lc 6,27-38
Yêu thương kẻ thù
Bài giảng của Chúa Giêsu trên chỗ đất bằng, bắt đầu trong Phúc Âm Chúa nhật tuần trước, tiếp tục cho đến hôm nay. Trọng tâm chính của giáo huấn này là tình yêu thương (agápē), cụ thể là tình yêu thương kẻ thù của một người. Lệnh yêu thương này được phát biểu theo bốn cách khác nhau nhưng song song:
yêu kẻ thù
làm ơn cho những người ghét bạn
chúc lành cho những người nguyền rủa bạn
cầu nguyện cho những người ngược đãi bạn
Trong mỗi trường hợp, các môn đệ của Chúa Giêsu được nhắc bảo phải hành động đối với kẻ thù của họ theo cách hoàn toàn trái ngược với cách họ đã được đối xử. Nói cách khác, họ không được trả thù bất cứ cách nào. Hơn nữa, việc họ kiềm chế không trả đũa là chưa đủ; tình yêu của họ không được chỉ là sự chấp nhận thụ động. Đúng hơn, họ được mời gọi để yêu một cách chủ động những người không yêu họ.
Bốn ví dụ về cách tình yêu này được thực hiện sau đó được đưa ra. Tất cả đều nhấn mạnh sự cần thiết phải sẵn sàng từ bỏ những gì một người có thể có quyền đòi hỏi là của riêng mình. Có một câu hỏi về việc liệu đánh vào má là một hành động bạo lực hay xúc phạm. Ví dụ này có vẻ ít chú ý đến tính chất của cú đánh hơn là về phản ứng của người nhận nó. Cho dù bị tấn công hay bị xúc phạm vào má, người ta phải sẵn sàng nhẫn nhục không chống trả lại. Sự nhẫn nhục tương tự này cũng được minh họa ở chỗ một người sẵn sàng từ bỏ ngay cả áo lót khi bị lấy áo choàng bên ngoài. Các môn đệ được yêu cầu cho đi một cách không tính toán khi được yêu cầu và không được đòi trả lại các vật phẩm đã bị lấy. Hành vi như vậy có vẻ là quá đáng, nhưng nó thể hiện sự sẵn lòng mà một người phải sẵn sàng yêu kẻ thù.
Điều đã được gọi là Luật Vàng (c. 31) xuất hiện ở nơi khác dưới dạng tiêu cực: Điều gì con không thích, thì đừng làm cho người khác (x. Tb 4,15; Didache 1,2; Sabbath 31a) . Hình thức tiêu cực khuyên chúng ta tránh điều ác, trong khi hình thức tích cực, không giới hạn của Chúa Giêsu là lời mời gọi tình yêu mở rộng. Ba ví dụ để thực hiện Luật Vàng này được đưa ra, mỗi ví dụ cho thấy chẳng có gì là tình nghĩa (cháris) trong sự hỗ tương đơn giản (cc. 32-34). Các môn đệ phải vượt qua những người khác trong việc yêu thương, làm điều thiện và cho vay. Là con cái của Thiên Chúa, họ phải khuôn đúc tình yêu của mình theo tình yêu thương mà Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, ngay cả đối với những người đã quay lưng lại với Ngài.
Các môn đệ được kêu gọi để có lòng nhân từ (oiktírmōn) như Thiên Chúa nhân từ. Từ này gần giống với từ trong tiếng Do Thái có nghĩa là “cảm thương” (raḥum), thái độ yêu thương gắn bó mà người mẹ dành cho đứa con trong bụng của bà. Ở đây, thái độ yêu thương đó được gán cho Thiên Chúa, Đấng được gọi là “Cha”. Đặc điểm hóa Thiên Chúa theo cách này giải thích lại một cách triệt để ý nghĩa của vai trò làm cha của Thiên Chúa. Nó được thể hiện là sự yêu thương và quan tâm đến người khác một cách vô vị lợi.
Cuối cùng, cách các môn đệ đối xử với người khác sẽ là tiêu chuẩn cho cách họ được Thiên Chúa đối xử. Nếu họ không xét đoán hoặc lên án người khác, họ sẽ không bị phán xét hoặc lên án. Nếu họ tha thứ và rộng lượng, họ sẽ được tha thứ và sẽ đón nhận một cách quảng đại. Mức độ rộng rãi của Thiên Chúa được minh họa qua hình ảnh đong hạt – được đong đủ, được ép xuống, lắc lại với nhau, chảy từ nếp gấp của áo ngoài tạo thành một loại túi. Mặc dù chúng ta có thể quảng đại trong tình yêu thương của mình, nhưng sự tốt lành của Thiên Chúa vượt xa ngay cả lòng rộng rãi nhất của con người.
—–
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 210-211 : lòng thương xót của Thiên Chúa
+ GLHTCG 1825, 1935, 1968, 2303, 2647, 2842-2845 : tha thứ cho kẻ thù
+ GLHTCG 359, 504 : Đức Kitô, Ađam mới
Lm. Giuse Ngô Quang Trung