Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Năm A

 

BÀI ĐỌC 1: Is 42,1-5,6-7

Bài đọc 1 được trích từ bài đầu tiên trong bốn bài ca về Người Tôi Trung trong sách Isaia (Is 42, 1-7; 49, 1-7; 50, 4-11 và 52,13- 53,12). Nhiều người từng tin rằng những bài ca người Tôi Trung này nói về dân Israel; một số người khác cho rằng hình ảnh này nói về một dân trung thành còn sót lại. Nhưng các tác giả sách Tin Mừng và các tác giả Tân Ước khác xác định người Tôi Trung, “người được tuyển chọn” (Is 42,1) chính là Chúa Giêsu Kitô (x. Mt 3, 16-17; 8,17; 11, 2-5; Lc 2,32; 4,16-21; Ga 1,32-34; 1 Pr 2,24-25; v.v…). Bốn bài ca người Tôi Trung nói về Người Tôi Tớ ở số ít, là Đấng Messia được Thiên Chúa sai đến để mang lại sự chữa lành và công lý cho mọi người (Bài ca người Tôi Trung thứ nhất) và hiến mạng sống để chuộc tội cho họ (Bài ca người tôi trung thứ bốn). Rõ ràng, có những lời tiên báo khác trong bốn bài ca người Tôi Trung không được thực hiện cho dân Israel, nhưng được ứng nghiệm một cách hoàn hảo nơi Chúa Giêsu Kitô.

Trong bài đọc hôm nay, Người Tôi Trung của Chúa được trình bày như một ngôn sứ với sứ mệnh và định mệnh cao cả (c. 6), Người được Thánh Thần xức dầu (c.1) để chỉ dạy muôn dân (cc. 1 và 3). Người dạy dỗ nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, không áp đảo tinh thần mỏng manh của những kẻ yếu đuối (c. 2-3). Mặc dù bị chống đối, Người vẫn phải thực thi sứ vụ làm sáng tỏ công lí trước mặt muôn dân. Sứ mệnh của Người vượt qua sứ mệnh của mọi ngôn sứ vì Người hành động với tư cách là ngôn sứ tối cao của Chúa, và vì chính Người vừa là “ánh sáng” (c. 6; x. Lc 1, 78-79; Ga 1, 5, 7-9; 8,12; 9, 5) vừa là người nắm giữ giao ước với dân (c. 6; x. Lc 22,20; 1 Cr 11,25) sẽ mang lại sự chữa lành, sự giải thoát và ơn cứu rỗi cho mọi người ( c. 7; x. Lc 2:32; 4: 16-21; 7,22; Cv 4:12; 1 Tx 5,9; v.v.) Thánh Justinô Tử Đạo (mất năm 155 AD) đã viết về Is 42, 6-7 như sau: “Các bạn thân mến, mọi điều trình bày ở đây đều quy chiếu về Chúa Kitô và những dân được ánh sáng của Người chiếu soi” (Dialogus cum Tryphone, 122.2).

ĐÁP CA: Tv 28

1b-2 : Lời mời gọi chúc tụng Chúa

Thánh vịnh này rất giàu những hình ảnh thần thoại, nó mở đầu với một lời kêu gọi mọi con cái Chúa dâng lời chúc tụng Ngài. Tên Giavê (Đức Chúa) được lặp đi lặp lại 18 lần. Israel đã “giải trừ” mọi thần minh hư ảo, hạ bệ chúng xuống ở bậc thụ tạo hay là các thần tiên (x. Tv 8,6). Với vị trí chỉ là loài phụ thuộc, chúng được hiệu triệu để ca ngợi và thờ lạy Chúa uy nghiêm cao cả.

3-9 : Chúa chiến thắng những hỗn mang

Tác giả Thánh vịnh mô tả Chúa ở đây phản ánh những hình ảnh của thần thoại xứ Canaan. Cảnh hỗn mang thường được trình bày như là những dòng nước lũ hung bạo, và vị thần nào khống chế được sức mạnh này được ca tụng như là thần chủ. Quyền năng của Chúa ở đây được thể hiện chỉ bằng tiếng nói, chứ không cần phải thực hiện một cuộc giao chiến trong vũ trụ. “Tiếng Chúa thật hùng mạnh, tiếng Chúa thật uy nghiêm” (c. 4). Quyền năng của Chúa bao trùm trên tất cả sức mạnh của vũ trụ hỗn mang cũng như trên các nước lân bang của Israel. Sức mạnh của Chúa được diễn tả bằng hình ảnh đánh đổ. Vùng núi phía bắc của nước Ly Băng nổi tiếng nhờ những rặng cây hương bá tuyệt đẹp. Đỉng Sirion lại là một tên gọi khác của vùng núi Khécmon. Hai cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ này được đặc tả như những con bò đực non, là biểu tượng sức mạnh và sự gan dạ của các thần Canaan về mưa bão. Ở đây hai nguồn uy lực này không còn tạo ra sự sợ hãi mà được đặt dưới quyền kiểm soát của vị thần của Israel. Nhiều nhà chú giải cho rằng xứ Cađê được nói tới trong Thánh vịnh này chính là thủ đô của người Híttít, nằm cách Đamát về phía bắc khoảng hơn 100 km (x. 2 Sm 24,6), chứ không phải một thành phố trùng tên nằm ở sa mạc phía nam Nêghép. Cũng chính tại đây tiếng Chúa biểu dương sức mạnh đáng kinh ngạc. Đứng trước sức mạnh và uy quyền của Chúa, các chư thần chư thánh đều hô vang: “Vinh danh Chúa!”

10- 11 : Chúa điều khiển từ trên cao

Cảnh trí cuối cùng trong Thánh vịnh hiện lên một Vị Thiên Chúa quyền năng ngự trị trên cơn hồng thủy đã bị khuất phục. Để từ đó Ngài làm Vua ngự trị muôn đời (c 10). Tác giả Thánh vịnh nguyện xin Chúa, từ vị trí cao vời đó, ban phúc lành cho Israel.

BÀI ĐỌC 2: Cv 10,34-38

Ơn cứu độ của Chúa Giêsu dành cho mọi người tin

Đây là một trong những bài giảng trong sách Công vụ Tông đồ, và là bài giảng thứ năm của ông Phêrô. Đây cũng là lời loan báo đầu tiên (kerygma) của Giáo hội thời sơ khai. Có một điều đáng ghi nhận, đó là trong bài giảng này, phép rửa của Chúa Giêsu được nói đến, duy nhất ngoài các sách Tin Mừng. Cũng như Marcô và Gioan, Phêrô trình bày biến cố phép rửa là khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu. Trong phép rửa Người được Thánh Thần xức dầu để thi hành sứ vụ chữa lành và trừ quỷ. Chúng ta cũng để ý câu chuyện Chúa Giêsu được kể bằng một loạt những hành động Thiên Chúa thực hiện, diễn tả bằng thể thụ động để tỏ ý tôn kính: “Ngài đã gửi đến cho con cái nhà Israel lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô”, “Thiên Chúa đã xức dầu cho Người”, “Thiên Chúa ở với Người” để Người thực hiện những phép lạ…

Tại nhà viên sĩ quan Rôma, tên là Cornêliô, ông Phêrô giảng cho những người “kính sợ Chúa”, tức là dân Ngoại (cc. 34-43). Trình tự nội dung thì cũng giống như những lời công bố khác ông đã giảng về Đức Giêsu như là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Sứ điệp căn bản của lời rao giảng gồm:

1.Đức Giêsu được Thánh Thần xức dầu và được sai đến để làm Chúa và Đấng Messia.

2.Người thực hiện những điều tốt đẹp, chữa lành bệnh tật thể xác và thiêng liêng.

3.Người chịu chết bởi con người và ngày thứ ba đã trỗi dậy.

4.Người hiện ra với các môn đệ và sai họ đi rao truyền danh Người.

5.Những ai tin vào Người và chịu phép rửa tội nhân danh Người sẽ nhận được ơn tha tội.

Nhưng điều đặc biệt: đối tượng ông Phêrô giảng là những người Dân Ngoại. Và ông cho biết rằng Thiên Chúa không thiên vị người nào, nhưng bất cứ ai kính sợ Ngài và sống công chính sẽ được Ngài đón nhận (cc.34-35). Việc mở rộng Tin Mừng cứu độ qua Chúa Giêsu Kitô cho dân ngoại là để thực hiện những lời ngôn sứ trong Cựu Ước, như Isaia đã loan báo. Và ông Phêrô nói với nhóm người Rôma mà ông sắp rửa tội rằng: “Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội” (c. 43).

TIN MỪNG: Mt 3,13-17

Trình thuật của Mátthêu về biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa khác với Marcô, tài liệu mà ngài sử dụng như thông tin nguồn. Khác biệt thứ nhất: có một mẩu đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và Gioan. Mátthêu đưa sự kiện này vào trình thuật của mình bởi vì dường như ngài cảm thấy việc Chúa Giêsu chịu phép rửa dưới đôi bàn tay của Gioan tạo ra những khó khăn nhất định. Người ta cho rằng vấn đề Mátthêu rất quan tâm, đó là Chúa Giêsu không hề mắc tội. Vậy thì làm thế nào, một Đấng hoàn toàn vô tội lại phải chịu phép rửa thống hối để được tha tội? Nhưng điều Mátthêu nhấn mạnh ở đây là những con người, ông Gioan và Chúa Giêsu, cả hai vị đã giữ trọn đức công chính.

Vào thời đó, có một nhóm giáo phái gọi là “baptist”, họ chủ trương rằng chính Gioan mới là người đem đến những mặc khải cuối cùng về Thiên Chúa. Họ muốn cạnh tranh với cộng đoàn các Kitô hữu. Điều này làm cho “sử tính” của biến cố Chúa chịu phép rửa có nền tảng vững chắc, nhưng nó lại làm cho các Kitô hữu hết sức bối rối. Dường như qua việc nhận chịu phép rửa của Gioan, Chúa Giêsu ngầm cho thấy ông Gioan cao trọng hơn Người. Và như vậy, Người đứng về phía nhóm người “baptist” như để củng cố vị thế của họ hơn. Mátthêu giải thích lí do Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan, bằng cách đưa mẩu đối thoại ngắn này vào, qua đó Chúa Giêsu cho biết: “Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Lời nói này làm chúng ta nhớ đến câu trong Isaia 42,6: “Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta”. Như vậy Chúa Giêsu muốn kiện toàn ý muốn của Thiên Chúa trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại. Lời đối thoại với Gioan nhấn mạnh đến ý nghĩa Kitô học về Người Tôi Trung trong trình thuật phép rửa. Chúa Giêsu nhận chịu phép rửa của ông Gioan là một phần của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, qua đó Người hiện tỏ như Người Tôi Trung của Giavê, bắt đầu đi vào sứ vụ của mình.   

                                                                                                                                                 Khác biệt thứ hai: đó là có sự thay đổi tiếng từ trời. Marcô viết: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Câu này cho chúng ta thấy lời nói chỉ hướng trực tiếp về Chúa Giêsu thôi. Điều này gợi cho người ta suy nghĩ rằng, nguyên thủy biến cố Chúa chịu phép rửa được trình bày như đó chỉ là một kinh nghiệm cá nhân của Người thôi: tiếng nói xác định sứ vụ của Người bắt đầu. Marcô chủ ý làm điều này bởi vì ông muốn giải thích cho độc giả biết Chúa Giêsu      là ai, chứ không muốn trình bày tiểu sử của Người. Còn Mátthêu lại muốn cho thấy phép rửa là một cuộc tỏ mình của Chúa cho dân chúng, về căn tính đích thực của Người: Người là vị Tôi Trung của Thiên Chúa, thực hiện trong chính bản thân Người sứ vụ của người đầy tớ đã được ngôn sứ Isaia báo trước.       

           

MỘT SỐ CHỦ ĐỀ QUY CHIẾU VỀ GIÁO LÍ

+ Isaia 42,1 (GLHTCG 536, 555); 42,3 (GLHTCG 580); 42,6 (GLHTCG 580)

+ Thánh vịnh 29,2 (GLHTCG 2143)

+ Công vụ Tông đồ 10,35 (GLHTCG 761); 10,38 (GLHTCG 438, 453, 486, 1289)

+ Mátthêu 3,13-17 (GLHTCG 535, 1286); 3,13 (GLHTCG 1223); 3,14-15 (GLHTCG 608); 3,15 (GLHTCG 536, 1224); 3,16-17 (GLHTCG 1224); 3,16 (GLHTCG 536, 701); 3,17 (GLHTCG 444, 713)

 Lm. Giuse Ngô Quang Trung