Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Vọng, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Vọng, Năm A

 Bài đọc 1: Is 35,1-6.10

Báo trước về sự phục hồi Israel, ngôn sứ Isaia đưa ra lời hứa:

*phục hồi đất đai từ hoang cằn trở nên mầu mỡ,

            *chấm dứt mọi đau khổ và bệnh tật của con người,

            *khôi phục lại niềm hy vọng và công lý,

            *cuộc trở về vui mừng của dân lưu đày.

Trong Chương 34, vị ngôn sứ tiên đoán sự hủy diệt các quốc gia và sự tàn phá đất đai của họ, đặc biệt là Êđôm. (Êđôm được cho là đã giúp người Babylon đánh chiếm Giêrusalem). Các vùng đất đai của nó  sẽ bị bỏ hoang, không còn có tác dụng sinh sản và trở thành nơi ở cho những con thú hoang dã (Chương 34). Bây giờ một cảnh ngược lại dành cho Israel: dân lưu đày sẽ được trở về. Sa mạc sẽ vui mừng nở hoa (c. 1); vùng núi Libăng trở nên trù phú tươi tốt; núi Carmen và đồng bằng Sarôn từng bị chiếm cứ, đã trở nên héo tàn nhục nhã (c. 33,9) thì nay được trả lại cho Israel, như dấu chứng của lòng ưu ái dành cho Israel, để nó phản ánh vẻ huy hoàng rực rỡ của Đức Chúa. (Đồng bằng Sarôn trải dài từ bờ biển Địa Trung Hải lan rộng đến dãy núi Carmen, được bao phủ đậm đặc bởi rừng cây sồi, giống như toàn vùng đất Libăng). Vùng đất này vốn hoang vu, là nơi ở của chó rừng (c. 7), và sư tử (c. 9) thì nay được canh tác trở lại, đất khô cằn sẽ nở hoa.

Không chỉ đất đai sẽ được phục hồi mà cuộc sống của con người cũng được biến đổi, mọi bệnh tật sẽ chấm dứt: những bàn tay rã rời trở nên mạnh mẽ (c. 3); rồi mắt người mù mở ra, tai người điếc được nghe, người què sẽ nhảy nhót như nai (cc. 4-6). Đó cũng là ngày khôi phục công lí: Thiên Chúa sẽ thưởng công phạt tội (c. 4), Ngài khơi lên niềm hi vọng cho mọi người. Mạch nước và khe suối (c.6) vọt ra từ đất hoang cằn biến nó thành trù phú tươi tốt trở lại. Cuối cùng, dân lưu đày, những người bị bắt đưa sang Babylon, được trở về và đi trên “Thánh lộ” (c. 8), một đại lộ an toàn để tiến đến núi Sion, là một tên gọi khác của Giêrusalem, nơi có Đền Thờ Thiên Chúa, nơi sẽ là ngôi nhà thiêng liêng vĩnh cửu của dân giao ước, để rồi họ lại được thờ phượng Chúa trong Đền Thánh.

Dân Kitô giáo áp dụng đoạn văn này cho Chúa Giêsu, Đấng Messia. Người đến để giải thoát chúng ta khỏi cảnh lưu đày của tội lỗi, Người tuyên bố Nước Trời đã được khai sinh trên núi Sion mới, là Hội Thánh Người thiết lập.

Đáp ca: Tv 146,5-10

Thánh vịnh này lặp lại chủ đề khôi phục của ngôn sứ Isaia, tập trung đặc biệt vào nền công lý Chúa thiết lập. Cùng với các Thánh vịnh 147-150, đây là những thánh ca Halleluia, bởi vì bắt đầu bằng lời tung hô Halleluia. Với lời tung hô này, các Thánh vịnh kết thúc tập Thánh vịnh. Mỗi Thánh vịnh này bao gồm một lời mời gọi thờ phượng, một câu nêu lên mục đích của việc ca ngợi Chúa, và kết thúc bằng lời tán tụng ngợi khen Halleluia.

Khác với những người cai trị phàm nhân, họ thường gây ra bao thất vọng (c. 3-4): triều đại của Chúa đặt trên đức công chính. Những người tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo thành (c. 6) thì luôn sống hạnh phúc và hi vọng. Bởi vì Ngài trung thành với muôn muôn thế hệ. Cc 7-9 kể lại đức công minh của Chúa trong việc bảo vệ người bị áp bức, những người đói khổ nghèo hèn, những người tù tội, những kẻ mù lòa, những người yếu thế, bị nhục mạ, những khách ngoại kiều, những cô nhi quả phụ…Những ơn phúc này nhắc nhớ đến lòng Chúa yêu thương mà Israel đã cảm nghiệm trong những hoàn cảnh đen tối khác nhau. Nó cũng phản ánh những mảng tối khác nhau của xã hội Israel. Tất cả những điều này nói về triều đại Chúa sẽ khai mở, và Ngài đáng được chúc tụng. Halleluia!

Chúa Giêsu đã hoàn tất lời Thánh vịnh này. Trong sứ vụ của Người nơi dương thế, Người đã thực hiện những việc:

*Làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi sống hằng ngàn người (Mt 14,14-2115,32-38Mc 6,34-448,1-9Ga 6,9-14).

*Công bố ơn giải thoát cho những người bị nô lệ tội lỗi (x. Lc 4,18-21, Chúa trích dẫn Is 61,1-2; xem thêm 1 Pr 3,19-204,6).

*Mở mắt người mù (Mt 9,27-30).

*Nâng đỡ những người nghèo hèn, bách hại vì bất công (x. Lc 6,20-23).

*Chúa Giêsu Kitô hiển trị muôn đời trên núi thánh Sion mới, là Hội Thánh Người lập cho mọi thế hệ.

 

Bài đọc 2: Gc 5,7-10

Thánh Giacôbê là bà con với Chúa Giêsu và là giám mục đầu tiên của cộng đoàn Kitô hữu tại Giêrusalem. Ngài là một trong số ít người được Chúa phục sinh hiện ra riêng biệt, trong số có ông Phêrô và bà Maria Mađalêna (1 Cr 15,7; Ga 20,11-28). Trong những câu trước (5,1-6) ngài hết sức nặng lời với những kẻ giàu có, những người áp bức dân nghèo túng. Rồi bây giờ ngài dùng những lời thật đầm ấm, “Thưa anh em”, để nói với cộng đoàn về một vấn đề sôi động đang tồn tại.

Các Kitô hữu tiên khởi mong đợi sự trở lại của Chúa Giêsu lần thứ hai, cho là gần như sắp xảy ra. Điều này liên quan tới những kì vọng về Nước Thiên Chúa. Sự chậm trễ này gây ra một số khó khăn và thậm chí một số tranh chấp giữa các tín hữu. Thánh Giacôbê cảnh báo độc giả đừng vội vàng nóng nảy (c.8-9), kẻo sự thiếu kiên nhẫn này sẽ dẫn đến sự phiền trách lẫn nhau và chia rẽ trong Hội Thánh (c.9), và như vậy sẽ bị Chúa xét xử. Bởi vì cuộc trở lại lần thứ hai của Chúa Kitô cũng là ngày Thiên Chúa phán xét.

Thay vào đó, thánh nhân khuyến giục các độc giả của mình rằng họ phải kiên nhẫn chịu đựng đau khổ,  như các ngôn sứ (c. 10). Họ phải chờ đợi thời gian của mình giống như người nông dân trồng tỉa hoa mầu. Họ biết rõ thời tiết sẽ đem đến những cơn mưa vào đúng thời điểm của nó (c. 7). (Ở Palestine, có hai mùa mưa trong năm: Khoảng tháng Mười-tháng Mười Một, là thời gian mưa đến sớm; còn tháng Tư-tháng Năm, là thời gian mưa đến muộn). Nước Trời thì cũng vậy. Nước ấy đang đến, nó đến gần rồi (c. 8) nhưng sẽ đến vào thời điểm của nó. Sự nóng vội của chúng ta không vì thế mà làm cho Nước Trời đến mau hơn. Vậy chúng ta phải chờ đợi trong niềm tin kiên vững.

 

Tin mừng: Mt 11,2-11

Ông Gioan Tẩy Giả bị bắt và bỏ tù. Theo Josephus, ông Gioan bị vua Hêrôđê bắt và giam trong ngục Machaerus, nằm ở phía đông sông Giorđan. Tường thuật về cái chết của Gioan xuất hiện trong Mt 14,1-12; còn nói về việc bị bắt thì đã được ghi trong Mt 4,12. Và Chúa Giêsu cũng bắt đầu sứ vụ vào thời điểm này (4,17). Từ lúc đó cho đến bây giờ thời gian là bao lâu thì không được xác định. Tuy nhiên đó là một thời gian đủ để vị tiền hô bị cầm tù gợn lên nhiều nỗi nghi vấn trăn trở. Bản văn cũng cho thấy ông Gioan được tiếp xúc với các môn đệ đến thăm, và qua họ ông thông đạt những suy nghĩ của mình với thế giới bên ngoài.

Chán nản và nghi ngờ, ông sai các môn đệ của mình đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không…?” (c. 3) Nhưng Chúa Giêsu không chỉ đơn giản trả lời “có”. Thay vào đó, Người còn cho Gioan (và cả đám đông) thấy các dấu chỉ của Nước Trời (c. 5). Nhắc lại lời của ngôn sứ Isaia, Chúa nói rằng người mù, người điếc, người què và người phong cùi đã được chữa lành, và tin mừng được loan báo cho người nghèo. Quả thật, bất cứ ai cũng có thể dựa vào một số khả năng tự cho mình là sứ giả của Nước Trời, tuy nhiên những lời tuyên bố chỉ được chứng minh khi Đấng Thiên Sai thực sự hiện diện. Đó không còn là lời tuyên bố, mà là bằng chứng bất khả tranh luận. Tuy nhiên, với thái độ của Chúa Giêsu, rõ ràng có một số người đã bị vấp phạm (c. 6). Có lẽ ngay cả chính Gioan cũng thất vọng vì những kỳ vọng của ông về Đấng Messia dường như không được Chúa Giêsu hoàn thành.

Có hai cách giải thích về hành động của ông Gioan sai môn đệ của mình đến hỏi Chúa Giêsu.

  1. Khi chịu cảnh đọa đày trong tù, Gioan bắt đầu nghi ngờ không biết Chúa Giêsu có phải thực sự là Đấng Messia không. Ông vẫn hi vọng Đấng Messia phải là một người thể hiện sự trừng phạt Thiên Chúa dành cho Israel, đúng như lời ngôn sứ Isaia đã báo trước. Điều này đã được tỏ rõ trong những lời ông giảng, xem Mt 3,7-8 và 10-12. Đối chiếu việc “rê lúa” ông dùng với Is 41, 16 và Gr 15,7 thì chúng ta sẽ thấy rõ.
  2. Khi thấy mình sắp chết, ông Gioan muốn cho các môn đệ của mình tận mắt thấy Chúa Giêsu chính là Đấng Messia để họ đi theo Chúa Giêsu.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đi theo lối giải thích thứ nhất. Ngài viết trong cuốn sách Jesus, Son and Savior: A Catechesis on the Creed (Boston: Pauline Books and Media, 1996, 2.127) rằng: vấn đề ông Gioan sai môn đệ của mình đến tra hỏi Chúa Giêsu chứng tỏ ông đã có một ý tưởng khác về Đấng Messia. Đức Giáo hoàng cho thấy rằng thánh Gioan tỏ rõ sự thâm hiểu của mình về sứ mạng của Đấng Thiên Sai trong cuộc đối đầu với những người Pharisêu và Sađusê đến để chịu phép rửa sám hối: Mt 3,7-12 (x. Lc 3,7-9). Đây là những nhà lãnh đạo tôn giáo mà ngôn sứ Êdêkien đã nói tới như là “những mục tử hư hỏng” (Ed 34). Trong cuộc đối đầu với “những mục tử” của Giao ước cũ này, một Gioan giận dữ và cứng rắn đã cảnh báo họ và đám đông Do Thái rằng, sứ vụ của Đấng Messia là xét xử và làm mới lại một nhóm nhỏ trung thành với giao ước của Thiên Chúa. Ông nói tới những đoạn về xét xử trong các sách ngôn sứ và cảnh báo rằng Đấng Thiên Sai sẽ loại bỏ những kẻ độc ác (như họ) để chịu những án phạt nhất định.

Thánh Gioan Kim Khẩu (344/354-407) và thánh Giêrônimô 347-402 theo lối giải thích thứ hai.

Các môn đệ của Gioan cũng như phần đông những người ở Giuđê thế kỉ thứ nhất, đều chờ mong một Đấng Cứu Thế như Môsê hay một vị Vua là mục tử như Đavít, để giải phóng dân khỏi ách đô hộ của người Rôma.

  1. 11: Câu này có một chút khó giải thích. Trước tiên Chúa nói: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”. Gioan vừa là một ngôn sứ cuối cùng, vừa là một ngôn sứ cao trọng nhất. Không một ai- mọi người và kể cả ngôn sứ- sống trước ông có thể trổi vượt hơn, bởi vì ông giữ vai trò tiền hô cho Đấng Cứu Thế. Lời nói này đích thực là một lời khen phát xuất từ môi miệng Chúa Giêsu. Còn câu sau thì hơi tối nghĩa: “Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”. Câu này dường như coi Gioan như là một người bắc ngang qua ngưỡng cửa của Cựu Ước và Tân Ước. Khi Gioan mới đặt chân vào thời kì chuẩn bị, ông chưa phải là một vị thánh của thời thiên sai. Ông chưa chứng nhận mặc khải trọn vẹn về tình yêu cứu độ của Chúa. Ông kêu gọi và thực hành lòng thống hối, nhưng hoàn toàn không biết về ơn tha thứ được ban tặng trong máu thánh Chúa Kitô. Ông chết trước khi Chúa Giêsu hoàn tất công trình cứu chuộc trên thập giá, do đó ông chưa hưởng nhờ những ơn phúc Chúa khai mở (1 Cr 11,25; 2 Cr 3,6; Hr 8,6-13). Tuy nhiên câu sau lại cho chúng ta thấy Gioan đã bước vào thời đại của Nước Trời, bởi vì ông đã chịu một bản án khủng khiếp để làm chứng cho Chúa (14,8-11). Ông là người kiên cường chống lại “sức mạnh”, và vì thế ông đã tiến thẳng vào Nước Trời (c. 12).

MỘT SỐ CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN GIÁO LÍ

+ GLHTCG 59-64: Thiên Chúa chọn ông Abraham và huấn luyện dân Israel.

+ GLHTCG 541-550: Nước Thiên Chúa đã đến gần. Các dấu chỉ Nước Thiên Chúa.

+ GLHTCG 717-720: Gioan: vị Tiền hô, Ngôn sứ và Tẩy giả.

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Catechism References (* indicates Scripture is quoted or paraphrased in the citation):
Psalm 146 (CCC 150*)

James 5:7-10 (CCC 7691038-40)

Matthew 11:5 (CCC 549*, 2443), 11:6 (CCC 548)