Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Vọng, Năm A

print

TÌM HIỂU LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM A

 

BÀI ĐỌC 1: Is 7,10-16

 Vua Akhát

Akhát là cháu nhiều đời của vua Saun, vị vua đầu tiên của Israel. Ông cai trị miền Giuđa vào giữa thế kỉ thứ tám. Những câu mở đầu chương 7 Isaia cho thấy một chiến dịch liên minh giữa Syria và Israel (vương quốc miền Bắc, cũng gọi là Ephraim) được thành lập để chống lại Giuđa của Akhát. Cuộc liên minh quân sự này diễn ra vào giữa năm 735-733 BC (x. 2 V 16). Syria và Israel từng triều cống cho Assyria từ năm 738 BC, khi vua của đế quốc này là Tiglath-pileser III đã chinh phục nhiều phần đất phía tây, kể cả Syria và Israel. Nhưng bây giờ Syria và Israel quyết không triều cống nữa; họ tạo lập đồng minh với nhau để chống lại kẻ thù. Trong khi đó vua Akhát vẫn giữ mối giao hảo với Assyria, và ông nghĩ rằng tình cảm thân thiện này sẽ được dài lâu. Lúc đó Syria và Israel mưu tính hạ bệ Akhát và thay thế bằng một nhân vật khác dễ thuận theo đường lối liên minh này, coi ông như một tay bù nhìn của Syro-Ephraim. Họ thuyết phục Akhát, vua của Giuđa và “nhà Đavít” (c. 2) gia nhập liên minh, nhưng vua từ chối. Vua cậy dựa vào thế lực của Assyria, không liên minh mà cũng không tin tưởng vào Chúa. Và nhờ Akhát quy phục Assyria như vậy nên Giuđa đã tránh được những tai ương chiến tranh, như đã xảy ra cho vương quốc miền Bắc vào năm 722 BC. Tuy nhiên, một thỏa hiệp như thế đã đưa Dân tuyển chọn xa rời giao ước với Thiên Chúa. Các sách 2 Vua và 2 Sử Biên Niên đã thuật lại nhiều mảng đen tối này trong triều đại vua Akhát:

            *Vua Akhát đã cho xây bàn thờ theo mô hình của Đamas và dựng tại đền thờ Giêrusalem; rồi vua du nhập các nghi thức tế tự của người Canaan để loại bỏ sự thờ phượng Thiên Chúa của Giuđa. Chính vua dâng lễ tế cho các thần ở Đamas để tôn vinh những thần này (2 Sbn 28,23).

            *Vua Akhát cũng được coi như người đã khôi phục việc hiến tế các trẻ nhỏ cho thần Môlếch.

            *Vua đã bị kết án như là “người không làm theo đường lối của Đức Chúa…”

            *Dù làm vua của Giuđa, ông bị so sánh và khinh miệt vì đã hành xử theo thói gian ác của các vua miền Bắc Israel (Ephraim) (2 V 16,3; x. 2 V 8,18).

 

Akhát và ngôn sứ Isaia

Chúng ta đang ở phần Isaia 7, bài đọc 1. Trong bối cảnh này, người ta  có thể dễ hiểu vì sao ngôn sứ Isaia coi Akhát là người thiếu niềm tin và tín thác vào Thiên Chúa. Làm vua, ông trở thành biểu tượng của dân, là những kẻ mà khi đối diện với mối đe dọa của Assyria cũng trở thành những người thiếu niềm tin vào Chúa. Vua và dân đã từng tuyên xưng một niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa là Đấng sẽ bảo vệ dân cũng như thành thánh…bất cứ điều gì xảy ra. Xác tín này có thể thấy trong Thánh vịnh 46,2-4:

Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.

Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.

Nên dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu,

dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục, núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng, ta cũng chẳng sợ gì.

Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi, Thiên Chúa nhà Gia-cóp là thành bảo vệ ta.

 

Một lời tuyên xưng như vậy thật là dễ khi không gặp những nguy hiểm bất trắc đe dọa. Tuy nhiên, khi phải đối diện với một cuộc xâm lược gần kề, “trái tim của nhà vua và trái tim của người dân run rẩy, như những cây rừng rung rinh trước cơn gió lốc” (Is 7, 2).

 

Vào thời điểm này, Isaia đi gặp Akhát, dường như đang kiểm tra nguồn cung cấp nước của thành thánh  với dự đoán về một cuộc bao vây sắp diễn ra. Isaia đi cùng với con trai mình, tên là Sơa Giasúp, tên này có nghĩa là “một nhóm nhỏ sẽ trở lại” – có lẽ mỉa mai nói đến những ngày lưu đày sắp đến chăng? Lời khuyên của Isaia đối với vua thật sự khác lạ. Ông  không đề nghị cho Akhát chạy đi cầu cứu Assyria giúp đỡ (2 V 16, 7). Thay vào đó, vị ngôn sứ nói với ông “cứ bình tĩnh và không sợ sệt gì” (7,4) vì cuộc tấn công sẽ không thành công và vương quốc miền bắc Israel sẽ sớm kết thúc. Lời cam kết của Chúa duy trì dòng dõi Đavít được “vững bền” (2 Sam 7,16) có điều kiện là dựa trên đức tin của vua.

 

Sự ra đời của một con trẻ

Sau đó, Isaia can thiệp lần thứ hai gợi ý với vua Akhát xin một dấu để bảo đảm với Akhát rằng nếu ông ta vẫn trung thành với Chúa và tin tưởng vào quyền năng và đường lối của Chúa, thì triều đại của Akhát sẽ vẫn vững vàng. Nhà vua biết rằng để xin một dấu có nghĩa là ông ta phải từ bỏ quyền kiểm soát toàn bộ chính sách của ông và phải tin tưởng vào Chúa. Isaia cứ tiến hành xin ngay cả khi nhà vua từ chối yêu cầu. Dấu hiệu cho thấy một thiếu nữ trẻ sẽ sinh một con trai, “Con trẻ sẽ ăn sữa chua và mật ong, cho tới khi biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt” (7:15). Người mẹ của con trẻ được gọi là almah trong tiếng Hípri, nghĩa là một phụ nữ trẻ ở độ tuổi kết hôn, mặc dù không nhất thiết phải là một trinh nữ. Bản dịch tiếng Hi Lạp của Isaia đã sử dụng từ parthenos, có nghĩa là trinh nữ. Và bản dịch này được trích dẫn trong Mt 1,22 và làm nền tảng của cách giải thích truyền thống của Kitô giáo về bản văn này như một lời tiên tri về sự ra đời của Chúa Kitô. Tuy nhiên, bản tiếng Hípri của Isaia không cho thấy rằng cuộc hạ sinh em trẻ này là điều kỳ diệu.

 

ĐÁP CA:Tv 23

 

Thánh vịnh này là của vua Đavít và là một thánh ca phụng vụ. Cộng đoàn hát hai bè đối đáp nhau khi kiệu hòm bia tiến vào thành thánh Giêrusalem (2 Sm 6,1-15, 17-19).

 

1b-2. Thánh vịnh này mở đầu với lời tuyên bố chủ quyền của Thiên Chúa bao trùm mọi tạo thành. Điều này chống lại mọi ý tưởng cho rằng con người được quyền tự quản trái đất theo ý riêng của mình, theo sự cắt nghĩa sai lạc các câu trong St 1,26-28. Trái đất và muôn loài trong đó thuộc về Chúa chứ không thuộc về con người. Bởi vì Thiên Chúa sáng tạo mọi loài. Quan niệm về tạo dựng ở đây phản ánh tư duy của người Cận đông thời cổ: Thiên Chúa biểu tỏ chiến thắng vinh quang trên làn nước hỗn mang (Tv 18).

 

3-6: Điều kiện để vào đền thánh. Phần hai của Thánh vịnh đặc biệt giống với Tv 15. Nó mở đầu với câu hỏi nêu lên những đòi buộc để có thể tiến vào nơi thờ phượng.

 

      Ai

   có thể lên

  núi thánh của Chúa?

      Ai

  có thể đứng

  trong nơi thánh của Ngài?

 

Ở đây chúng ta thấy hiện lên bản luật về thanh uế rất nghiêm ngặt của Lv 17-26, đòi hỏi mỗi người phải thực thi trọn vẹn. Cần phải có những hành vi ứng xử xã hội thích hợp cùng tâm hồn thờ phượng ngay chính, đó là bản tóm tắt những đòi hỏi để người ta có thể bước vào nơi thờ phượng Thiên Chúa. Những hành vi và tâm tình tôn kính này cũng tóm tắt những đòi buộc đối với việc tuân phục lề luật.

 

7-10: Nghi thức tiến kiệu. Nghi thức này hệ tại bài hát đối đáp phụng vụ. Một câu hỏi được đặt ra cho mỗi khách hành hương trước khi họ nhập vào đoàn kiệu, do đức vua chủ trì, lúc tiến vào cổng thành thánh. Những binh lính thủ thành cũng nêu lên câu hỏi đức vua là ai cho mỗi người. Toàn dân đồng thanh đáp đức vua là một trang chiến binh oai hùng mạnh mẽ, là chúa tể tạo dựng vũ hoàn. Cứ một lần hỏi là một lần xướng lên tư cách của đức vua, đồng thời người ta dần dần bước vào trong thành thánh.

 

BÀI ĐỌC 2: Rm 1,1-7

Phaolô tự giới thiệu với độc giả:

*với tư cách là một đầy tớ (nghĩa đen là nô lệ) của Chúa Kitô, nghĩa là dưới bậc thông thường mỗi Kitô hữu cần có đối với Chúa Giêsu;

*với tư cách là một tông đồ, người được Chúa sai đi thực thi một sứ vụ riêng;

*và “được đặt riêng” để loan báo Tin mừng của Thiên Chúa.

Phaolô không dành chức vị tông đồ cho riêng nhóm Mười Hai, mà ngài cũng coi mình như một tông đồ, được sai đi rao giảng Tin mừng như các tông đồ khác. Tin mừng về sự sống vĩnh cửu củaThiên Chúa đã được hứa trước (c. 2): đó là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa trước khi tạo dựng. Thiên Chúa đã tỏ ban lời hứa của mình qua các ngôn sứ. Tin mừng (c. 3) nói về một người rất gần với Thiên Chúa, đó là chính Con của Ngài. Người Con đó được xác định theo hai cách:

*về khía cạnh vật thể (xác thể): thuộc dòng dõi vua Đavít, vì vậy, đáp ứng các điều kiện tiên quyết trong Cựu Ước về vai trò cứu thế;

*và về mặt thiêng liêng (c. 4): được Thiên Chúa công bố rõ ràng là Đấng Kitô (Messia) qua biến cố phục sinh bởi quyền năng Thánh Thần.

Chúa Giêsu không cho thấy Người chú tâm đến dòng dõi hoàng tộc của mình là vua Đavít. Điều này nếu có là do bắt nguồn từ truyền thống gia đình phát xuất ra. Tỏ ra là con cháu vua Đavít có thể gây ra cho những người đương thời hiểu lầm về công trình cứu thế nhuốm màu sắc chính trị, điều mà Người đã hết sức tránh né. Tuy nhiên, các cộng đồng Kitô hữu thời hậu Phục sinh cảm thấy cần phải rao giảng cho người Israel về Đức Giêsu, nên đã nhấn mạnh đến dòng dõi hoàng tộc Đavít của Người, như là để chứng thực vai trò cứu thế ấy. Và như thế, người ta đã dành cho Chúa Giêsu nhiều tước hiệu Kitô, như chúng ta thấy trong các sách Tin Mừng. Ở đây, Phaolô trình bày Đức Giêsu trong cái nhìn lịch sử (Đức Giêsu lịch sử): “xuất thân từ dòng dõi vua Đavít như một người phàm”, đối chiếu với vị trí Người được tôn vinh sau phục sinh: “Người được đặt làm Con Thiên Chúa…sau khi từ cõi chết sống lại”. Như vậy, khi nói đến “dòng dõi vua Đavít” là có ý nhấn mạnh thân phận người phàm của Người.

 

TIN MỪNG: Mt 1,18-24

 Ông Giuse và Chúa Giêsu

Tin mừng Mátthêu không mô tả sự ra đời của Chúa Giêsu, nhưng giải thích nguồn gốc của Người (thụ thai đồng trinh) và việc tên của Người có liên quan đến một lời tiên tri rõ rệt trong Cựu Ước . Đoạn văn tập trung trình bày những trải nghiệm của Giuse chứ không phải của Maria. Ngay cả việc thụ thai kỳ diệu Chúa Giêsu cũng chỉ được nói tới khi câu chuyện liên quan đến Giuse. Sự tập trung đặc biệt này, so với sự im lặng hoàn toàn đối với Giuse ở nơi khác, cho thấy Mátthêu quan tâm đến việc thiết lập dòng dõi hợp pháp của Chúa Giêsu thông qua ông Giuse, tức là cho thấy bản gia phả đã ứng nghiệm đối với Chúa Giêsu như thế nào.

 

Chúa Giêsu là con cháu vua Đavít như gia phả cho thấy, nhưng ông Giuse không “sinh ra” Chúa Giêsu. Như vậy, hậu duệ Đavít không được chuyển trao qua mối quan hệ cha con tự nhiên mà qua tư cách phụ quyền. Sau khi đặt tên cho con trẻ, ông Giuse thừa nhận Chúa Giêsu là con của mình. Quan điểm của người Do Thái về vấn đề này rất rõ ràng và phụ quyền được quyết định bởi mối quan hệ gắn bó bền chặt, đến nỗi đôi khi người ta rất khó xác định ai là người thực sự sinh ra một đứa trẻ về mặt sinh học. Thông thường, một người sẽ không nhận và dưỡng dục một đứa trẻ nếu nó không phải do ông sinh ra, còn luật pháp Do Thái thì chỉ dựa trên sự thừa nhận của chính người đàn ông thôi. Một khoản luật Do Thái nói: “Nếu một người đàn ông tuyên bố một đứa trẻ là con ông thì đích thực nó là như vậy”. Ông Giuse đã thực thi quyền làm cha của mình để đặt tên cho con trẻ (x. Lc 1,60-63), chấp nhận rằng ông là “cha nuôi” của Chúa Giêsu.

 

Sinh con đồng trinh

Việc Chúa Giêsu được Đức Mẹ đồng trinh hạ sinh mà không có sự tác hợp của ông Giuse được nêu rõ trong cả phần này, và làm nền tảng cho việc trích dẫn hai câu 22-23.

 

“Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

 

Văn bản này không có quá nhiều tranh cãi hoặc thậm chí được mô tả nhiều, nhưng các sự kiện được coi như một thực tế đã được biết rồi. Chắc hẳn có những yếu tố biện giáo trong việc Mátthêu nhấn mạnh đến sự ngạc nhiên của ông Giuse, sự tiết dục của ngài, sự giải thích của thiên thần về nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu, và nền tảng Sách Thánh trong việc sinh con đồng trinh, có lẽ là do ban đầu người Do Thái cáo buộc rằng sự ra đời của Chúa Giêsu là bất hợp pháp. Nhưng trình thuật như thể chủ yếu dành cho các độc giả Kitô giáo, những người muốn biết chính xác hơn cuộc hôn nhân của Đức Maria với ông Giuse liên quan đến việc thụ thai đồng trinh kỳ diệu của Chúa Giêsu như thế nào, và các Kitô hữu cũng sẽ cảm nhận  niềm vui giống như chính Mátthêu tìm thấy trong những chi tiết này, sự thực hiện trọn vẹn lời ngôn sứ.

Đây là đoạn văn đầu tiên trong mười mẫu thức “hoàn tất” của Mátthêu (mười là con số tượng trưng cho trật tự thiêng liêng). Mỗi câu bắt đầu: “điều này là để ứng nghiệm …” và được theo sau bởi một trích dẫn Cựu Ước, hoặc bằng cách ám chỉ kết hợp nhiều đoạn trong một trích dẫn. Những mẫu thức “hoàn tất” của Mátthêu là:

            *Thời thơ ấu của Chúa Giêsu: 1,23; 2,15, 17-18, 23

            *Sứ vụ tại Galilê: 4,14-16; 8,17; 12,17-21; 13,35

            *Tuần cuối cùng ở Giêrusalem: 21,4-5; 27,9-10

 

Mười mẫu thức “hoàn tất” cho thấy tất cả những gì Thiên Chúa đã làm trong Cựu Ước là một phần trong kế hoạch cứu độ Ngài chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ngự đến. Sứ điệp của Mátthêu là Thiên Chúa đã loan báo kế hoạch cứu độ của Ngài qua các tiên tri, và bây giờ kế hoạch đó được thực hiện nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế. Mẫu thức “hoàn tất” đầu tiên của mình trong 1,23 Mátthêu trích dẫn Isaia 7,14 (đoạn văn trong bài đọc 1 Chúa nhật này cho thấy rõ điều đó. Lời tiên tri đó cũng là câu đầu tiên trong số khoảng 65 lần Mátthêu trích dẫn Cựu Ước trong Tin Mừng của ngài. Thánh Mátthêu cho thấy lời tiên tri của Isaia đã được thực hiện nơi Đức Maria thành Nazaret. Maria là trinh nữ (trong bản văn tiếng Hi Lạp của Cựu Ước). Bà là người phụ nữ đã được ngôn sứ Isaia loan báo sẽ sinh ra Đấng là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (nghĩa của tên theo tiếng Hípri là Emmanuel). Maria cũng là người nữ được Thiên Chúa hứa sẽ cho sinh con mà không cần sự tác hợp của một người nam, bà sẽ đánh bại Satan và mang lại ơn cứu rỗi cho nhân loại (x. St 3,15). Thánh Irênê (tử đạo năm 198/200) đã so sánh Đức Trinh Nữ Maria với bà Evà:      “Qua lời thưa vâng, Đức Trinh Nữ đã trở nên nguồn ơn cứu rỗi cho chính mình và cho toàn thể loài người … cái nút thắt do sự bất tuân của Evà đã được Maria tháo cởi bởi sự tuân phục của mẹ … So sánh Đức Maria với bà Evà, người ta gọi Maria là ‘Mẹ của kẻ sống’ và  tuyên bố ‘Evà là mẹ của sự chết’” (Thánh Irênê, chống lạc giáo 3, 22, 4).

Cả Isaia và Mátthêu đều xác định người con được Đức Trinh nữ sinh ra bằng danh hiệu “Emmanuel”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chúa Giêsu cũng sẽ khẳng định Người là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” vào cuối Tin Mừng. Trước tiên, Người sai các tông đồ đi loan báo Tin mừng để thu phục các môn đệ, rồi trao quyền cử hành phép rửa để ban ơn cứu rỗi vĩnh cửu (Mt 28,19). Và sau đó Người nói: “Này đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

MỘT SỐ CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN GIÁO LÍ

+ Is 7,14 : GLHTCG 497

+ Tv 23,6 : GLHTCG 2582

+ Rm 1,1 : GLHTCG 876; Rm 1,3-4 : GLHTCG 648; Rm 1,3 : GLHTCG 437, 496; Rm 1,4 : GLHTCG 445, 695; Rm 1,5 : GLHTCG 143, 494, 2087

+ Mt 1,18-24 : GLHTCG 497; Mt 1,16 : GLHTCG 437; Mt 1,20 : GLHTCG 333, 437, 486, 497;                Mt 1,21: GLHTCG 430, 437, 452, 1507, 1846, 2666, 2812; Mt 1,23 : GLHTCG 497, 744

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung