Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, Năm A

Lễ Hiển Linh xuất phát từ bên giáo hội Đông Phương, để kính nhớ biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, là cuộc tỏ mình đầu tiên của Người. Tuy nhiên, Chúa còn thực hiện những lần tỏ mình khác, thí dụ tại tiệc cưới Cana, biến hình trên núi…Khi lễ này được đưa vào giáo hội Tây Phương, nó được liên kết với những yếu tố của lễ Giáng Sinh, trong đó bao gồm biến cố các đạo sĩ đến kính viếng Hài Nhi Giêsu.

Như vậy, việc cử hành lễ Hiển Linh mang những nét riêng của giáo hội Tây Phương. Giáo hội nhìn nhận cuộc viếng thăm của các đạo sĩ là biến cố Chúa tỏ mình cho Dân Ngoại, như trong lời nguyện nhập lễ trong sách lễ Rôma: “Lạy Chúa, Chúa đã dùng sự dẫn đường của một ngôi sao mà tỏ mình cho các dân nước…

Các bài đọc tập trung vào ý nghĩa chính của ngày lễ, đó là việc Chúa Giêsu tỏ mình ra như Đấng Messia của Israel, là Con Thiên Chúa, và là Đấng Cứu Độ trần gian. Cuộc Hiển Linh cho thấy đông đảo dân ngoại được gia nhập vào gia đình của các Tổ Phụ, và được hưởng “phẩm giá của Israel” (x. GLHTCG 528).

 

BÀI ĐỌC 1: Is 60,1-6

Trong bối cảnh lịch sử Israel, phần đầu của bài đọc hôm nay (cc. 1-3) nói đến sự hoàn thành lời ngôn sứ Isaia 40, đó là biến cố hồi hương của dân lưu đày. Đariô vua Ba Tư, đã cho người dân Israel trở về Giêrusalem để tái thiết quê hương xứ sở. Vị ngôn sứ mời gọi mọi người hãy đứng lên và tỏ bày niềm vui vì ánh sáng của Đức Chúa giờ đây đã đến và vinh quang của Ngài tỏa rạng trên thành thánh. Phần thứ hai tiên báo cuộc hành hương vào thời cánh chung của dân ngoại, họ sẽ từ khắp nơi đến với Giêrusalem sau khi thành thánh được xây dựng lại.

Bài đọc này phù hợp với ý nghĩa của lễ Hiển Linh về hai khía cạnh theo giải thích Kitô giáo. Trước nhất, mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể đã thay cho cuộc trở về của Israel. Đây là hành động giải thoát vô cùng lớn lao Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại. Qua cuộc tỏ mình của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô, ánh sáng đã bừng lên chiếu rọi bóng đêm tội lỗi, và vinh quang của Thiên Chúa tỏa rạng khắp mặt địa cầu.

Cũng như các dân nước đã tuôn đổ về thành thánh ngày xưa, thì hôm nay hành trình của các đạo sĩ từ phương Đông đến với thành Sion mới là Hội Thánh, họ đại diện cho Dân Ngoại vào thời cánh chung. Và quả thật bài đọc Cựu Ước hôm nay đã tô đậm thêm những hình ảnh dân gian vốn đã phong phú cho trình thuật của Mátthêu 2 về các đạo sĩ kính viếng Hài Nhi.

ĐÁP CA: Tv 71, 1-2, 7-8, 10-11, 12-13

Có lẽ Thánh vịnh này là một thánh ca được trước tác vào dịp đăng quang của vua Đavít.

Những ngôn từ phong phú được dùng để tán dương vua và nền quân chủ tuyệt hảo của Isarel. Nó trổi vượt tất cả những chế độ thấp kém, hà khắc của các bạo chúa các nước lân bang. Thánh ca trình bày vua như là nguồn của sự công bằng và lòng thương cảm đối với dân nghèo.

Người ta có thể nói, những điều mô tả trong Thánh vịnh này cũng phản ánh những đặc điểm của bộ luật Hammurabi, một bộ luật tại Cận Đông cổ đại, đưa ra những chuẩn mực lí tưởng cho một tổ chức xã hội.

Ngôn ngữ phóng đại của cc. 8-11, với hình ảnh các vị vua đến từ miền xa xăm tận cùng trái đất, để tỏ lòng tôn kính với vua Đavít của Giuđa. Tác giả kể đến các biên giới địa lí mà ông có thể biết thời đó: từ Địa Trung Hải ở phía tây tới vịnh Ba Tư ở phía đông; và từ sông Euphrate ở phía bắc cho đến các đảo và miền đất châu Âu (được gọi là tận cùng trái đất). Những hình ảnh này chỉ đơn giản là một biểu hiện đầy thi vị của niềm hi vọng Giuđa sẽ trở thành quốc gia hàng đầu như thời vua Đavít.

BÀI ĐỌC 2: Ep 3,2-3a, 5-6

Bài đọc kết hợp hai chủ đề tương tự như trong Bài đọc 1: sự mặc khải của Thiên Chúa trong Đức Kitô  và sự tham gia của Dân Ngoại vào ơn cứu chuộc Đấng Cứu Thế đem lại. Những người này đã trở thành những người thừa kế gia nghiệp cùng với người Do Thái, trở thành chi thể của một thân thể, và cùng được chia sẻ lời Thiên Chúa hứa.

Phaolô nói về mầu nhiệm đã được tỏ lộ cho ngài qua mặc khải. Mầu nhiệm (mysterion) liên quan đến một điều bí ẩn, nhất là những điều kín ẩn của tôn giáo. Phaolô đã dùng từ ngữ này hai mươi mốt lần trong các thư của ngài, sáu lần riêng trong thư Êphêsô. Ngài dùng từ ngữ “mầu nhiệm” để nói về kế hoạch của Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ cho Dân Ngoại qua Chúa Kitô. Mầu nhiệm này đã được giấu kín đối với dân Giao ước cũ, nhưng nay được tỏ lộ khi Chúa Kitô và Tin Mừng của Người xuất hiện (Ep 1,9; 1 Cr 2,1; Cl 1,26-27).

  1. 6. Giờ đây Phaolô kể ra nội dung của mầu nhiệm: các Dân Ngoại được đưa vào thừa hưởng lời hứa dành cho Israel. Khi nhấn mạnh đến việc Dân Ngoại được đặt vào chung với Israel trên cùng một nền tảng, Phaolô nói đến ba khía cạnh khác nhau: cùng thừa kế, cùng làm thành, cùng chia sẻ. Trong tiếng Hi Lạp những từ ngữ này đều bắt đầu với tiếp đầu ngữ “syn-” (chỉ sự đồng bộ). Các Kitô hữu gốc dân ngoại giờ đây được thừa kế gia sản mà Chúa đã hứa với tổ phụ Ápraham và con cháu của ông (x. Ep 1,13-14). Hơn nữa, họ cùng làm nên một thân thể, nhiệm thể Chúa Kitô. Và còn hơn nữa, họ lại được chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. Điều này chỉ về lời hứa mà Thiên Chúa đã ngỏ với Ápraham trong Sáng Thế 12. Theo hai cách Dân Ngoại có thể được hưởng những ơn ban trọng đại này: Trong Chúa Kitô và qua Tin Mừng của Người. Họ chia sẻ các phúc lành bằng sống kết hợp với Chúa Cứu Thế như một chi thể trong thân thể của Người. Qua việc tin vào sứ điệp của Tin Mừng, họ liên kết với chính Chúa Kitô (1,13). Từ ngữ “lời hứa” được dùng xuyên suốt trong Tân Ước và chỉ những ơn huệ mà Chúa hứa sẽ ban cho dòng dõi Ápraham, nhưng giờ đây được hiểu ở một mức độ cao hơn, đó là Chúa Thánh Thần và sự sống vĩnh cửu (x. Ep 14,18).

Chúa Phục Sinh đã trao cho Phaolô sứ mệnh đặc biệt, là mang ơn cứu rỗi cho dân ngoại khi Phaolô đã trở lại (Cv 9,15). Đó là một sứ vụ được xác nhận sau đó bởi thánh Phêrô và các Tông đồ (Gl 2, 7-9).

TIN MỪNG: Mt 2,1-12

Có nhiều yếu tố khác nhau đã được đưa vào để hình thành câu chuyện dân gian này.

(1) Đó là lời rao giảng đầu tiên của các Kitô hữu (kerygma) về Chúa Giêsu xuống thế trong dòng tộc Đavít. Điều này sẽ là “chính danh” đối với quan niệm Do Thái về vai trò cứu thế. Lời rao giảng được giải thích thêm, theo truyền thống Chúa Giêsu đã được sinh ra trong thành Bêlem, là quê hương của vua Đavít, điều mà cả Mátthêu và Luca đều ghi nhận.

(2) Cũng có một truyền thống, chung của Mátthêu và Luca, rằng Chúa Giêsu sinh ra vào cuối triều đại vua Hêrôđê Cả.

(3) Thêm nữa là những lời đồn đại lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng Do Thái về tính khí độc ác của vua Hêrôđê cùng mối lo sợ đến ám ảnh của ông về sự tiếm quyền, vào những năm cuối triều đại của ông.

(4) Cũng có một quan niệm khá phổ biến trong văn hóa Hi Lạp, đó là phương Đông là cội nguồn của sự khôn ngoan.

(5) Có thêm một niềm tin dân gian khác nữa, đó là ngôi sao là biểu tượng của Đấng Messia. Có điều lạ là trong sự liên tưởng này Mátthêu lại không nói đến đoạn văn Ds 24,17, vốn giữ một ý nghĩa rất quan trọng trong cộng đồng ở Qumran. Và người ta nghĩ rằng nó đã hình thành nên câu chuyện những nhà Đạo Sĩ trước cả khi Mátthêu sử dụng.

(6) Việc không trích dẫn những bản văn Cựu Ước cụ thể khi trình bày những lễ vật vàng, hương, mộc dược, mà chỉ dựa trên những hình ảnh chung như trong bài đọc 1 và Thánh vịnh 71, cho chúng ta thấy những suy tư này đã thực sự phổ biến để Mátthêu có thể đưa vào câu chuyện của mình, mà không cần phải ghi chú rõ rệt.

***

Một số Giáo phụ bày tỏ sự ngạc nhiên về đức tin của các đạo sĩ, những người mà chỉ với con mắt bình thường đã nhận ra hài nhi nằm trong máng cỏ tại Bêlem chính là Đấng Cứu Thế của nhân loại. Để bày tỏ lòng tin, các ông đã phủ phục và thờ lạy vị Thiên Chúa mặc xác phàm nhân loại, và tiến dâng Ngài những lễ vật: vàng tượng trưng cho vương quyền của Chúa; nhũ hương biểu tượng của thần tính, và mộc dược chỉ bản tính nhân loại.

Đây là thái độ chúng ta cần có khi đón nhận Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Với con mắt thường, chúng ta chỉ thấy một tấm bánh nhỏ, nhưng với đức tin chúng ta nhìn nhận đó chính là Mình Thánh Chúa. Công đồng Trentô đã nói đến hành vi tôn thờ của các đạo sĩ như là mẫu gương chúng ta cần phải có đối với bí tích Thánh Thể (x. Công đồng Trentô, Sắc lệnh, De SS. Eucharistia, ch. 5).

Cũng như các đạo sĩ, chúng ta phải tỏ lòng tôn kính, thờ lạy, mến yêu mỗi khi quỳ trước Thánh Thể. Chúng ta có thể dâng cho Ngài những lễ vật, không phải là vàng, nhũ hương, mộc dược mà là những lời chúc tụng và tạ ơn xuất phát từ tâm hồn thành kính, vâng phục mà theo lời thánh Gregôriô Nazianzenô, đó là những lễ vật thiêng liêng còn cao quý hơn những lễ vật vật chất có thể nhìn thấy (Thánh Gregôriô Nazianzenô, Oratio 19).

MỘT SỐ CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN GIÁO LÍ

+ Ep 3,2-3a, 5-6 (GLHTCG 1066)

+ Mt 2,1-12 (GLHTCG 486); Mt 2,1 (GLHTCG 528); Mt 2,2 (GLHTCG 439, 528); Mt 2,4-6 (GLHTCG 528); Mt 2,11 (GLHTCG 724); Mt 2,13-18 (GLHTCG 530); Mt 2,13 (GLHTCG 333); Mt 2,15 (GLHTCG 530)

Lm. Giuse Ngô Quang Trung