Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B

NGƯỜI BẰNG LÒNG CHỊU CHẾT TRÊN CÂY THẬP TỰ (Pl 2,8)

Hội Thánh cử hành Chúa nhật thứ sáu Mùa Chay cũng là Chúa nhật Lễ Lá và Chúa nhật Thương Khó. Đây là thời gian cao điểm của cả năm Phụng vụ, chúng ta được mời gọi để tưởng niệm và sống lại những biến cố và thời khắc trọng đại trong cuộc đời của Chúa Giêsu và cũng là nền tảng cho đức tin Kitô giáo. Tham dự tích cực vào phụng vụ Tuần Thánh sẽ giúp chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, tăng cường ơn đức tin và thúc đẩy chúng ta sống mạnh mẽ ơn gọi người môn đệ của Chúa Kitô. Hôm nay phụng vụ kết hợp những khoảnh khắc tương phản nhau để nói lên số phận của Chúa Giêsu trong những giờ phút cuối cùng của Người ở trần gian: vinh quang xen lẫn đau khổ; sự khải hoàn tiến vào Giêrusalem nối tiếp bi kịch của cuộc xét xử mà đỉnh điểm là chịu đóng đinh, chịu chết và mai táng trong mồ.

BÀI ĐỌC 1: Is 50, 4-7

Đây là bài ca thứ ba của ngôn sứ Isaia về người Tôi Trung. Nội dung có thể cho chúng ta thấy là Israel lưu đày đã từ chối sứ điệp của vị ngôn sứ. Người dân đã rã rời kiệt sức (vì những loan báo liên tục của ông về sự giải thoát nhưng lại cứ phải sống kiếp lưu đày?) Nhưng vị ngôn sứ không nản lòng. Thiên Chúa đã cho ông lời nói để ông truyền rao mạnh mẽ sứ điệp Lời Chúa, thậm chí phải trả giá bằng đau khổ cá nhân. Và ông xác tín rằng cuối cùng Chúa sẽ minh xét cho ông là công chính.

Cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu không phải chỉ là những sự kiện tách biệt mà là một phần của toàn bộ sứ vụ cứu thế của Người. Hội Thánh ngay từ buổi đầu đã nhìn thấy hình ảnh về người Tôi Trung được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu Kitô. Trong những năm thi hành sứ vụ, Người đã trung thành rao giảng về Nước Thiên Chúa (Mt 4,17; Mc 1, 14-15; Lc 4, 14-15). Người không chống lại những lời lăng nhục, thóa mạ của những kẻ bắt bớ; Người cũng không quay lưng lại với những kẻ đánh đập, tát vào mặt, hoặc khạc nhổ vào Người (x. Mt 26,67-68; 27, 26-31; Mc 14,65; 15 , 15; Ga 18,22; 19,1). Cuối cùng, họ đã nhục mạ Người bằng cách đóng đinh Người như một tên tội phạm (Mt 27, 35-38; Mc 15, 21-27; Lc 23, 26-34, 38; Ga 19, 17-24) và kết án Người dưới lời nguyền rủa của Thiên Chúa (Đnl 21, 22-23; Gl 3,13). Nhưng Thiên Chúa đã không để Người phải xấu hổ; trái lại, vào ngày thứ ba đã cho Người trỗi dậy chiến thắng khải hoàn để khuất phục cả tội lỗi và sự chết (Mt 28, 5-6; Mc 16, 6; Lc 24, 5-8; Ga 20, 1-10).

ĐÁP CA: Tv 22,7-8, 16-19, 22-23

Thánh vịnh cảm động này được cho là của Đavít, không chỉ chứa đựng lời kêu cầu đầu tiên của Chúa Giêsu trên Thánh giá trong câu 2 (Mt 27,46 và Mc 15,34) mà còn bao gồm một loạt những mô tả sống động về những đau khổ khủng khiếp mà Chúa phải chịu. Đó là một hình phạt chưa hề tồn tại trong thời của Đavít:

  • Câu nói đầu tiên của Chúa Giêsu từ trên Thánh giá trong câu 2 (x. Mt 27,46; Mc 15,34)
  • Sự chế nhạo của đám đông, coi Người như một kẻ bất lương trong câu 17 (x. Mt 27,39; Mc 15,29; Lc 23,35, 39)
  • Tay chân Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá trong câu 17 (x. Ga 19,37, là để hoàn tất câu Dcr 12,10)
  • Chúa cảm thấu sự tan rã của xương cốt khi thân thể bị đóng đinh vào cây thánh giá gỗ, trong các câu 15 và 17
  • Lời chế nhạo của đám đông, thách thức Thiên Chúa giải cứu Chúa Giêsu nếu Người là Con Thiên Chúa, trong các câu 8-9 (x. Mt 27,40, 43; Mc 15, 31-32; Lc 23, 35-37)
  • Quân lính chia nhau áo xống của Chúa Giêsu, trong câu 19 (x. Mt 27,35; Mc 15,24; Ga 19, 23-24, được Gioan trích dẫn như để hoàn tất lời Tv 22,18)

Tuy vậy, giữa bóng tối kinh hoàng này, ánh sáng trong tâm hồn Chúa Giêsu không tàn lụi. Người biết chắc rằng, mặc dù im lặng, Chúa Cha vẫn luôn ở với Người, và nguyên cả phần thứ hai của Thánh vịnh là một bài ca phó thác kết thúc trong tiếng reo mừng thắng trận: người tử tội chết trên thập giá ngày thứ Sáu Tuần Thánh trở thành một Đức Chúa hiển vinh, làm Vua trên toàn thể vũ trụ. Chúa Giêsu đã từng nói: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32).

Đời sống Kitô hữu là một cuộc vượt qua từ cõi chết đến sự sống. Điều kì diệu là nhờ Chúa Giêsu mà chúng ta luôn có thể từ cái xấu rút ra điều tốt, đạt đến hạnh phúc từ đau khổ và thậ chí từ cả cái chết nữa.

BÀI ĐỌC 2: Pl 2,6-11

Các học giả Tân Ước ngày nay đều cho rằng bài thánh ca này đã được sáng tác trước thời Phaolô, và thường được gọi là “Carmen Christi” (bài ca về Chúa Kitô), một tên gọi mà Pliny (23-79 AD, một triết gia thời La Mã) dùng để nói về sự thờ phượng Kitô giáo.

Thánh Phaolô lấy lại trong bức thư của mình để gửi cho cộng đoàn Kitô hữu tại Philipphê, miền Makêđônia. Những câu thơ đề cập đến sự tự hạ của Chúa Giêsu trong việc hủy mình ra không, nghĩa là hoàn toàn tước bỏ vinh quang thần linh của Người (kenosis trong tiếng Hi Lạp) để sống một cuộc sống con người và phải trải qua đau khổ (cc. 6-7). Chính bởi Ađam, được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, đã muốn bình đẳng với Thiên Chúa mà đã phạm tội nổi loạn chống lại Ngài, và tỏ thái độ kiêu ngạo bằng việc ăn trái Chúa cấm. Ađam đã kéo theo cả một nhân loại phạm tội bất tuân đối với Chúa. Còn Chúa Giêsu, Người đã hành động ngược lại với Ađam nguyên tổ: sống khiêm hạ và luôn tuân phục ý Chúa Cha; Người dâng mình làm của lễ đền tội cho nhân loại, Người sửa lại lỗi lầm của Ađam để phục hồi mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Chính vì thế Thiên Chúa đã cho Chúa Giêsu sống lại vinh hiển và tôn vinh Người làm Chúa muôn loài (cc. 8-11).

BÀI THƯƠNG KHÓ

Theo thánh Marcô: 14,1-15,47

Trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là một câu chuyện liên tục với trình tự thời gian mạch lạc. Mỗi cảnh trong đó, mặc dù là một câu chuyện riêng, tự nó được kết nối với những gì trước đó để đưa toàn bộ nội dung tiến về phía trước. Các tiểu đoạn bao gồm: âm mưu giết Chúa Giêsu (14,1-12); cuộc chuẩn bị cho lễ Vượt Qua và các sự kiện của bữa ăn tối (cc. 12-26); báo trước Phêrô chối Thầy (cc. 27-31); tâm trạng hãi hùng và xao xuyến tại Ghếtsêmani (cc. 32-42); Giuđa phản bội và cuộc bắt giữ Chúa Giêsu (cc. 43-52); cuộc xét xử trước Thượng Hội Đồng (cc. 53-65); ông Phêrô chối Chúa (cc. 66-72); cuộc thẩm vấn trước Philatô (15,1-15); sự nhạo báng của quân lính (15,16- 20); đóng đinh và cái chết của Chúa Giêsu (15,21-41); công việc chôn cất (15,42-47).

Các sự kiện quan trọng được kể lại dường như theo một lược đồ đã được sắp đặt trước. Đoạn đầu tiên (14,1-14) báo trước phần kết của toàn bộ tường thuật cuộc khổ nạn: người phụ nữ xức dầu lên đầu Chúa Giêsu đã làm như vậy để chuẩn bị trước việc chôn cất. Có thể thấy những ví dụ khác qua những lời tiên báo về sự phản bội của Giuđa và về hành động chối bỏ của Phêrô và những lần xảy ra sau nữa. Chúa Giêsu mô tả trước những công việc cần chuẩn bị cho bữa ăn tối. Trong bữa ăn, Người nói đến sự hi sinh phải đổ máu của mình và việc cử hành Giao ước mới trong thời cánh chung. Người cũng báo trước về sự phục sinh của mình (14,28).

Một số chủ đề xuất hiện xuyên suốt trình thuật. Lễ Vượt qua trở thành khung cảnh lịch sử cho các đối thủ bàn mưu tính kế giết Chúa, bối cảnh cho Giuđa phản bội và việc cử hành Bữa ăn tối của Chúa, việc thả Baraba thay vì Chúa Giêsu… Chú tâm thuật lại các chi tiết của cuộc lễ như vậy cho thấy sự tuân thủ của Chúa Giêsu và các môn đệ của Người đối với truyền thống tôn giáo và sự giả hình của các đối thủ của Người.

Mối quan hệ của Chúa Giêsu với những người khác nhau là rất đúng mực xuyên qua các hoàn cảnh riêng biệt. Người có thể tôn trọng quyền lực của các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị, những kẻ tìm cách giết Người, nhưng Người không hợp tác với họ. Người xác định mình là Con Người (14,21,41,62), Con Thiên Chúa (15,39), Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng (14,61); nhưng Người hòa mình vào với những người bị loại ra ngoài lề xã hội. Người ăn tối tại nhà của một người phong (có lẽ đã được chữa khỏi); Người đón nhận sự phung phí, hào phóng của một người phụ nữ đến bất ngờ vào bữa tối; Người cũng là tù nhân với những tên trộm và những kẻ giết người; Người bị chế giễu bởi những người lính thi hành nhiệm vụ; Người bị đóng đinh cùng với những tên tội phạm khét tiếng…

Toàn bộ câu chuyện cuộc khổ nạn phô bày sự mâu thuẫn giữa cuộc đời của Chúa Giêsu và những nghịch lý của triều đại Thiên Chúa. Sự sợ hãi ban đầu của các nhà lãnh đạo tôn giáo cho thấy Chúa Giêsu được dân chúng đi theo, nhưng chính dân chúng đã kêu gào đòi thả Baraba và quyết định cái chết cho Người. Trong số những môn đệ thân tín, chỉ có những phụ nữ vẫn trung thành với Người: một người xức dầu thơm cho Người, những người khác đứng khóc thương nơi Người bị đóng đinh và ghi dấu chỗ chôn cất. Trong số những người đàn ông đã sống với Người, một người đã phản bội, một người khác chối bỏ, và những người còn lại chạy trốn tìm sự an toàn bản thân. Nhưng chính một người ngoại, một đại đội trưởng, đã công khai tuyên xưng thần tính của Người.

Dung mạo nổi bật của Chúa Giêsu mang ý nghĩa cánh chung được thể hiện ở một số chỗ: Người loan báo sẽ vui mừng cử hành rượu mới trong triều đại của Thiên Chúa (14,25), Người sẽ sống lại (14,28), và Người sẽ được tôn cao lên với Đấng Toàn Năng (14,62); khi Người qua đời, bức màn trướng trong đền thờ bị xé ra làm hai (15,38), và vào thời điểm đau đớn nhất của Người, Người được nhìn nhận là Con Thiên Chúa.

 
   

            THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 557-560 : Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem.

+ GLHTCG 602-618 : Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô

+ GLHTCG 2816 : Chúa Kitô trở thành Vua qua cái chết và sự Phục Sinh của Người

+ GLHTCG 654, 1067-1068, 1085, 1362 : Mầu nhiệm Vượt Qua và phụng vụ

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung