Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên Năm B

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên Năm B

Các bài đọc hôm nay trình bày ý nghĩa của việc cử hành lễ Chúa Thăng Thiên: Chúa Kitô được tôn vinh trên mọi phẩm trật thần thiêng cũng như trần thế, vượt qua mọi chiều kích thời gian. Người được tôn vinh cũng chia sẻ cho chúng ta phần gia nghiệp vinh quang phong phú và nhiều ơn lành trọng đại, thư Êphêsô. Trong vai trò là Đầu Hội Thánh và với quyền năng vô biên, Chúa Phục Sinh sai chúng ta đi vào thế giới để loan báo Tin Mừng cứu rỗi, bài kết thúc Tin Mừng Marcô.

BÀI ĐỌC 1: Cv 1,1-11

Chúa lên trời

Chúng ta phải hiểu những gì diễn ra trong biến cố Chúa lên trời như thế nào? Hình bóng Người, có lẽ đôi bàn chân còn được nhìn thấy sau cùng, đã mất hút trong đám mây trước mắt các tông đồ. Biến cố này chỉ được sách Công vụ Tông đồ nói tới, còn các sách Tin Mừng khác dường như ngụ ý rằng Chúa Kitô Phục sinh đã được tôn vinh vào chính ngày sống lại. Tuy nhiên, tác giả Luca muốn trình bày một số sứ điệp qua trình thuật này. Trước tiên, 40 ngày kể từ lễ Phục sinh không nên được tính cẩn thận từng chi tiết. Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, số 40 có ý nghĩa là một khoảng thời gian khá dài, mà thường là giai đoạn chuẩn bị, như Chúa Giêsu 40 ngày chay tịnh trong sa mạc để chuẩn bị sứ vụ, hay Israel trải qua 40 năm trong hành trình chuẩn bị vào đất hứa. Trong suốt thời gian này, Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho các tông đồ nối tiếp sứ vụ của Người đi vào thế giới. Thứ hai, đó là sự chia tay quyết định giữa Chúa Giêsu và các môn đệ: Chúa Kitô Phục sinh không còn hiện diện hữu hình với các môn đệ của Người nữa. Giờ đây, Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Giêsu gửi đến, hiện diện giữa lòng Giáo hội, Ngài điều khiển và thôi thúc mọi hoạt động của Giáo hội. Thứ ba, Luca mô tả Chúa Giêsu như là một ngôn sứ (và còn hơn cả một vị ngôn sứ nữa), vì vậy Người đã để các môn đệ của mình ở lại, giống như ngôn sứ Êlia đã làm. Trước khi được đưa lên trời trong một cỗ xe bằng lửa, ngôn sứ Êlia trao cho đồ đệ của mình là Êlisê tiếp tục công việc, chia sẻ cho ông hai phần thần khí của mình (x. 2 V 2,9-13).

ĐÁP CA: Tv 47:2-3,6-9

Chúa là Vua khắp hoàn vũ

Thánh vịnh này mời gọi muôn dân cùng ngợi khen Thiên Chúa, và sau đó đưa ra những lý do cho việc làm này (cc. 2, 5, 7-8). Thiên Chúa đã chọn Israel để làm cho vinh quang của Ngài được tỏ hiện trước các quốc gia. Do đó, tác giả Thánh vịnh kêu gọi tất cả các dân tộc trên trái đất thừa nhận quyền cai trị phổ quát của Thiên Chúa của Israel (câu 2-3, 5). Trong câu 6, tác giả kêu gọi ca ngợi và chiêm ngắm Thiên Chúa ngự lên trong Đền Thánh của Ngài, ở tại đó Ngài cai trị khắp cả địa cầu trong vai trò là Vua, vua của Israel cũng như của mọi dân tộc (8-9).

Kitô hữu cùng hợp nhất với nhau để dâng lời ngợi khen Chúa, theo lời mời gọi của Thánh vịnh này, đồng thời chiêm ngắm vương quyền của Chúa Giêsu Kitô bao trùm trong vũ trụ, trời đất. Vào thời các tông đồ, Giáo hội đã nhìn nhận câu 6 báo trước biến cố Chúa thăng thiên (x. Cv 1,1-11; Hr 9,24-28; 10,19-23). Đây là lý do Thánh vịnh này được sử dụng trong lễ trọng Chúa Thăng Thiên. Giáo hội tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô là Vua vũ trụ, mà vương quyền của Người vượt trên mọi thủ lãnh trần gian cũng như mọi quốc gia dân tộc. Là vua của tất cả các dân nước, Thiên Chúa nối kết toàn thể nhân loại như một dân tộc, qua sứ vụ của Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô, vào vương quốc của Ngài là Giáo hội. Giáo hội phổ quát (công giáo) bao gồm các tín hữu thuộc mọi ngôn ngữ, chủng tộc và quốc gia, gắn kết với nhau như một Thân Thể trong Chúa Kitô là Vua.

BÀI ĐỌC 2: Ep 4,1-13

Ơn sủng của Chúa Kitô

Bài đọc thay thế này có hai đoạn chủ yếu, được tách ra bởi một đoạn ngắn gây khó hiểu. Thư gửi tín hữu Êphêsô có lẽ được viết bởi một môn đệ thân tín của Phaolô hơn là chính vị tông đồ. Trong nhiều phương diện, nó tổng hợp và khai triển những giáo huấn của Phaolô. Điểm khó hiểu ở giữa là một đoạn chuyên biệt của nhà chú giải Do Thái, trích dẫn trong Thánh vịnh 68 (67),18. Điểm mấu chốt của đoạn văn không phải là sự giải thích có vẻ quá quy ước về việc “thăng thiên”, mà là biến cố Chúa Kitô trở về cùng Chúa Cha bảo đảm cho các môn đệ các ân huệ của Chúa Thánh Thần. Những ơn ban này được trình bày chi tiết cả trước và sau phần trích dẫn. Phần trước gần như là sự trình bày những lời yêu cầu của Phaolô đối với tín hữu Côrintô trong 1 Cr 1-3, ngài thúc giục họ từ bỏ những tranh cãi và mời gọi họ cùng nhau làm việc: “một Chúa, một đức tin, một phép rửa”, một sự hợp nhất của những người môn đệ Chúa Kitô mà chúng ta vẫn hy vọng và cầu nguyện khẩn thiết hơn bao giờ hết. Sau phần trích dẫn, thì xuất hiện điều cũng có thể là những suy tư về giáo huấn sau này trong 1 Cr 12-14 về các ân huệ của Chúa Thánh Thần. Nhờ Thánh Linh, mỗi thành viên của Hội Thánh đều thủ đắc những ơn riêng, để đóng góp vào công trình xây dựng thân thể của Chúa Kitô.

TIN MỪNG: Mc 16,15-20

Chúa lên trời và lệnh truyền cuối cùng

Trình thuật này về cuộc thăng thiên của Chúa Giêsu kết hợp nhiều chủ đề đã được nói đến ở những nơi khác trong Tin Mừng. Câu chuyện bắt đầu với khung cảnh Chúa phục sinh. Người hiện ra với các tông đồ còn lại. Đây là lần cuối cùng Người hiện ra với họ. Nó đánh dấu một bước ngoặt trong mối quan hệ của Người với những người thân cận nhất của Người. Kể từ bây giờ, phần còn lại của Giáo hội sẽ hướng về các tông đồ để được hướng dẫn và chỉ dạy.

Chúa Giêsu ủy thác cho các tông đồ rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người. Lời Thiên Chúa phải  được dành cho mọi quốc gia dân tộc, nam cũng như nữ, người ngoại cũng như người Do Thái. Lệnh truyền cuối cùng mà Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ trước khi Người khuất khỏi tầm mắt của họ là loan truyền Tin Mừng cho toàn thể thế giới. Bản văn nói “mọi thụ tạo”; những gì tiếp sau đó cho thấy rằng Tin Mừng sẽ được rao giảng cho tất cả mọi người.

Mặc dù nội dung của Tin Mừng không được nói tới ở đây, nhưng bản chất của ơn cứu độ thì rất rõ ràng: những ai tin sẽ được cứu độ; còn những người không tin sẽ bị kết án. Niềm tin vào sứ điệp Tin Mừng được cụ thể hóa bằng việc chịu phép rửa, tháp nhập vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Đức tin này không phải là một hình thức nào đó của thuyết Ngộ đạo, một học thuyết phổ biến thời các tông đồ. Đó là một phong trào tôn giáo nhấn mạnh nỗ lực giải thoát cá nhân hệ tại việc nắm hiểu những thủ thuật bí nhiệm giúp con người vượt ra khỏi thế giới vật chất. Không, đức tin là một trải nghiệm thiêng thiêng dẫn người ta kết hợp và đồng hóa với Chúa Phục Sinh. Phân định như thế, đức tin vào Chúa ban cho người ta có những sức mạnh phi thường: khả năng xua trừ ma quỷ, nói các tiếng lạ, đối phó với mọi loại nguy hiểm… Những quyền năng kỳ diệu này là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Chúa. Cũng như Chúa Giêsu đã thực hiện những điều kỳ diệu trong suốt cuộc đời của Người, thì nhờ danh Người các môn đệ cũng sẽ làm được những phép lạ như vậy.

Sau khi giao nhiệm vụ cho các tông đồ, Chúa Giêsu vượt xa khỏi tầm mắt của họ. Bài đọc cho chúng ta thấy rõ Người được đưa lên trời, bởi một quyền năng khác, giống như Người đã sống lại từ cõi chết. Điều này phản ánh mối quan tâm của Giáo hội sơ khai muốn cho thấy rằng chính quyền năng Thiên Chúa hoạt động trong Chúa Giêsu, chứ không phải một hoạt lực kỳ diệu nào khác. Sau đó, Người được tôn vinh là Chúa, một danh hiệu biểu thị sự tôn vinh mà lúc này Người được hưởng với tư cách là Đấng Tối Cao. Người chiếm vị trí trổi vượt là được ngự bên hữu Thiên Chúa. Vì được đặt bên hữu nên bất cứ điều gì ở bên đó đều được coi là đặc ân. Được đặt vị trí bên phải là một vinh dự trong một bữa tiệc hoặc bất kỳ buổi quy tụ trang trọng nào khác. Được tôn vinh là Chúa, Chúa Giêsu chiếm vị trí đặc quyền xứng đáng của mình bên cạnh Thiên Chúa.

Câu kết luận tóm tắt ngắn gọn toàn bộ thời đại sứ đồ: các tông đồ đã đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng; Chúa luôn ở với các ngài, xác nhận sứ vụ của các ngài qua những dấu lạ kỳ diệu. Mặc dù các tông đồ dấn thân vào công cuộc loan báo Tin Mừng, nhưng các ngài không làm điều đó một mình. Chúa cùng hoạt động với các ông, cung cấp nguồn trợ lực và ân sủng mà họ cần để đạt những thành quả sứ vụ. Vào lúc Người lên trời, Chúa Giêsu đã hứa ban những dấu chỉ lạ lùng. Qua những giai đoạn lịch sử khác nhau của Giáo hội, lời hứa này đã được thực hiện.

—-

            THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

            +  GLHTCG 659-672, 697, 792, 965, 2795: Chúa Giêsu lên trời

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

print