Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Thánh Gia, Năm A

print

TÌM HIỂU LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA, NĂM A

BÀI ĐỌC 1: Hc 3,2-6, 12-14

Thiên Chúa đã thiết lập hôn nhân và gia đình khi Ngài tạo dựng người nam và người nữ đầu tiên. Ngài chúc phúc cho hôn nhân và gia đình và ban cho hai ông bà đầu tiên những khả năng cần thiết để phục vụ lợi ích chung của các thành viên cũng như của toàn xã hội. Hôn nhân và gia đình rất quan trọng vì nằm  trong kế hoạch của Thiên Chúa cứu chuộc con người. “Dòng giống” mà sách Sáng thế 3,15 nói tới thì chính từ đó mà Đấng Cứu Thế được Thiên Chúa hứa sẽ đến. Dòng giống ấy được tạo sinh qua nhiều đời và được bảo vệ trong dòng lịch sử cứu độ bởi hôn nhân và gia đình. Thánh Mátthêu và thánh Luca đã lần theo dấu gia tộc của Chúa Giêsu và trình bày trong Tin Mừng Mátthêu 1,1-18 và Tin Mừng Luca 3,23-38. Đó là một dòng tộc trải qua nhiều đời mà đỉnh điểm là gia đình Thánh Gia, Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse.

Sách Huấn Ca được viết vào khoảng đầu thế kỉ thứ hai BC, được người Do Thái và sau đó các Kitô hữu sử dụng rộng rãi. Sách gồm những giáo huấn cụ thể về cách sống để làm đẹp lòng Thiên Chúa. Bởi đó giáo hội thời sơ khai đã dùng để giúp những người mới trở lại Kitô giáo sống hoàn thiện về đạo lí và luân lí. Đoạn sách hôm nay giải thích về điều răn thứ bốn: thảo kính cha mẹ. Như một kiến trúc sư của gia đình nhân loại, Thiên Chúa muốn cha mẹ phải yêu thương con cái và hướng dẫn chúng đến tuổi trưởng thành. Và con cái cũng phải thảo kính và vâng lời cha mẹ. Quan điểm “ai thờ cha kính mẹ thì chuộc được lỗi lầm” là một suy tư Do Thái giáo vào thời kì sau.

ĐÁP CA: Tv 127,1-2, 3, 4-5

Đây là Thánh vịnh nói về sự khôn ngoan, mở đầu với một lời chúc phúc: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa”. Chúng ta có thể thấy rằng kính sợ Chúa là nền tảng cho mỗi gia đình, cho sự phát triển xã hội và phồn vinh trong đời sống kinh tế.

1-4. Theo truyền thống khôn ngoan, lòng kính sợ Chúa là thái độ nền tảng của tâm tình tôn giáo. Ai thực hành thì sẵn lòng sống theo đường lối Chúa và được hưởng những phúc lành Chúa ban cho lòng trung thành ấy. Bình an và sự thịnh đạt là những món quà Chúa trao tặng, nhưng điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời là có những người con ngoan luôn xúm xít yêu thương nhau trong mái ấm gia đình. Kết hợp với Chúa và tuân giữ giới răn của Ngài mở ra những mối tương quan tốt đẹp giữa con người với nhau, và từ đó gia đình trở nên trật tự và hài hòa (x. GLHTCG 2373).

5-6. Thánh vịnh kết thúc với những lời chúc lành. Thành Sion hay Giêrusalem là nơi Chúa ngự trên trái đất. Chính từ nơi thánh thiện này mà phúc lành của Chúa tuôn trào cho những người kính sợ Chúa. Lời nguyện cuối cùng bao gồm ba điều: a) Được ơn lành Chúa ban trong suốt cả cuộc đời; b) những người được cầu nguyện cho sẽ nhìn thấy cảnh phồn vinh của Giêrusalem; c) và, họ được sống lâu dài bên đàn con cháu nhiều thế hệ. Thánh vịnh kết thúc bằng lời cầu nguyện cho Giêrusalem luôn được an bình.

BÀI ĐỌC 2: Cl 3,12-21

Đây là phần khuyến thiện (parenesis) của thư Côlôsê. Những lời khuyến giục này đi theo một khuôn mẫu thường được coi như một cách trình bày nội dung giáo lí Kitô giáo nguyên thủy.

Đoạn văn bắt đầu với một danh sách các đức tính, được dẫn nhập bằng một mệnh lệnh: “Hãy mặc lấy” (Bản dịch của GKPV: “hãy có”). Cách nói này gợi lên hành động mặc quần áo của những người mới lãnh nhận bí tích rửa tội khi họ bước ra từ giếng rửa tội. Mệnh lệnh này đã được đi trước bởi một giáo huấn khác, “Hãy cởi bỏ”, kèm theo là một danh sách các tính xấu. Hình ảnh sống động này nhắc đến việc từ bỏ triệt để mà mỗi người muốn lãnh nhận bí tích rửa tội cần phải thực hiện.

Theo sau những lời giáo huấn tổng quát này, đặc biệt trong các thư Tân Ước về sau, người ta thường đưa ra một bản quy tắc về đời sống gia đình, liệt kê những vai trò khác nhau trong gia đình và ngoài xã hội cùng với các nghĩa vụ và bổn phận tương ứng. Những quy chuẩn này rõ ràng có nguồn gốc từ triết học của phái Khắc kỉ (Stoic) đi qua đạo Do Thái theo truyền thống Hi Lạp, rồi từ đó được đưa vào Kitô giáo. Đó là lý do tại sao những giáo huấn này phản ánh một nền đạo đức “tuân phục”, là nhằm duy trì một trật tự xã hội. Thí dụ câu 3,8: Người làm vợ hãy phục tùng chồng”, có thể không còn phù hợp với thời đại chúng ta.

Tuy nhiên, những yếu tố “tuân phục” trong giáo huấn đó, có nguồn gốc từ chủ thuyết Khắc kỉ, không phải là đặc trưng luân lí Kitô trong đời sống gia đình. Điều này được xác định trong các từ ngữ “thuộc về Chúa Kitô” qua các lệnh truyền về việc chồng yêu thương vợ; trong định nghĩa trước đó về tình yêu như là sự tha thứ; và khi nói đến động lực của sự tha thứ chính là ơn tha thứ mà mỗi người đã nhận được từ Chúa Kitô… Ở đây chúng ta có thể tìm thấy những chất liệu cần thiết để xây dựng một nền đạo đức Kitô giáo cho một xã hội không theo mô hình phân cấp và lệ thuộc.

TIN MỪNG: Mt 2,13-15, 19-23

Giờ đây Mátthêu thuật lại ba biến cố: ông Giuse cùng gia đình trốn sang Ai Cập (cc. 13-15), việc sát hại các anh hài (cc. 16-18), và gia đình trở về định cư tại Nazaret (cc. 19-23).

Trong đoạn văn này Mátthêu ghi lại một bài giảng có cấu trúc tiêu chuẩn gồm ba điểm. Những câu chuyện về Chúa Giêsu và về giáo huấn của Người ban đầu được lưu giữ bằng truyền khẩu rồi được thành hình qua việc sử dụng lặp đi lặp lại trong việc giảng dạy trong những cộng đoàn khác nhau. Thực tế này được thể hiện khá rõ trong truyền thống Tin mừng. Bài Tin mừng này trình bày những đặc điểm sứ vụ của Chúa Giêsu bằng cách xây dựng một câu chuyện xung quanh ba lần trích dẫn Cựu Ước, được ứng nghiệm trong những năm thơ ấu của Chúa Giêsu. Trình thuật xây dựng chủ đề hoàn tất lời Cựu Ước bằng cách kể câu chuyện theo nhân vật tiên trưng là Môsê. Qua đó, Mátthêu cho thấy rằng Chúa Giêsu không chỉ là Đấng Cứu Thế được hứa từ lâu, Người còn là đại diện cho Israel (dân tộc trung thành của Thiên Chúa) mà “cuộc Xuất hành” đã gần kề. Trong Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy sự hoàn tất mọi lời ngôn sứ.

  1. 13-15. Theo cách trình bày của CƯ, một sứ thần của Chúa hướng dẫn Chúa Giêsu ra đi an toàn. Ai Cập là một chọn lựa tự nhiên bởi vì đó từng là nơi trú ẩn cho dân Israel, và Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi giống như Môsê, tiêu biểu cho số còn sót lại của Israel. Như thế, từ Ai Cập mà có sự giải thoát Israel, giống như những ngày của cuộc Xuất hành dưới sự lãnh đạo của Môsê. Israel có nguồn gốc là Ai cập và lịch sử của nó bao trùm những biến cố của cuộc Xuất hành. Khi trích dẫn Hôsê 11,1 Mátthêu muốn khẳng định Chúa Giêsu như một trong số người còn sót lại đích thực của Israel, mà ơn cứu độ của họ đã gần kề. Thời đại cứu thế bắt đầu khi Israel ra khỏi Ai Cập (x. Xh 4,1-11).
  1. 16. Điểm thứ hai của câu chuyện thuật lại phản ứng của vua Hêrôđê trước sự lừa gạt của các nhà chiêm tinh. Ông ra lệnh giết tất cả các con trẻ dưới hai tuổi ở Bêlem. Với dân số khoảng 1.000 của Bêlem, con số trẻ bị giết có thể lên tới khoảng 20 em. Việc Hêrôđê diệt trừ các đối thủ của mình đã được lịch sử ghi lại rõ ràng, tuy nhiên biến cố đặc biệt này không được ghi lại. Ông ta thậm chí đã xử tử các thành viên trong gia đình của chính mình, thì một vài đứa trẻ ở đây có ý nghĩa gì đâu?
  1. 17-18 Mátthêu tiếp tục trích dẫn Giêrêmia 31,15 để chứng minh, một cách tổng quát, việc thực hiện lời tiên tri trong hành động ghê tởm của Hêrôđê. Giêrêmia nói về việc Israel bị đô hộ bởi một thế lực ngoại bang, bị tàn phá và bị lưu đày. Sự giết hại các trẻ em ở Bêlem là hình ảnh họa lại cảnh tượng này, nhưng đó cũng là hình ảnh của sự trở về từ lưu đày – đau buồn chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi so với niềm vui lớn lao. Việc than khóc của Raken chỉ là một giọt lệ nhỏ. Nỗi đau buồn của Bêlem sẽ vỡ òa trong niềm vui khi ơn cứu chuộc được thực hiện nơi Chúa Kitô.

cc.19-21. Mátthêu tiếp tục đưa ra quan điểm thứ ba của mình. Hêrôđê qua đời năm 4BC, điều đó có nghĩa là Chúa Giêsu có thể được sinh ra vào khoảng năm 6 BC. Một lần nữa, lời Chúa đến với ông Giuse; ông sẽ phải trở về Israel. Mátthêu theo sát nhân vật tiên trưng Môsê của mình bằng cách sánh đôi lời nói của sứ thần được ghi lại trong Xuất hành 4,19 với c. 20. Giống như Môsê, Chúa Giêsu trở về Israel để cứu dân của Người.

  1. 22. Theo sự chỉ định của hoàng đế Augustus Áckhêlao kế vị vua cha cai trị miền Giuđê. Ông cũng là người hung dữ không kém vua cha. Còn Hêrôđê Antipas trấn nhiệm Galilê thì bớt hung ác hơn.
  1. 23. Gia đình ông Giuse trở về quê nhà của họ ở Nazaret, và vì thế Mátthêu lại đưa ra ý nghĩa của gốc gác địa lý của Chúa Giêsu. Người ta nghĩ rằng Đấng Cứu Thế xuất thân từ dòng dõi vua Đavít thì phải ở Bêlem, nhưng Chúa Giêsu thì lại sống và lớn lên ở Nazaret và vì thế được gọi là người Nazaret. Mátthêu không thực sự trích dẫn một ngôn sứ cụ thể nào, mà chỉ đưa ra một cái nhìn chung của các ngôn sứ về một Đấng Cứu Thế bị từ chối và bị sỉ nhục. “Từ Nazaret làm sao có cái gì hay được” (Ga 1,46). Đó là một thị trấn nhỏ gồm một phần dân ngoại và chẳng có giá trị gì đối với một người Do Thái “chính danh”.

Qua phép ngoại suy từ văn bản, người ta cho rằng trình thuật về những biến cố này không có giá trị lịch sử chắc chắn. Chủ yếu thánh Mátthêu trình bày Chúa Giêsu như là Đấng thu tóm trong cuộc đời của Người toàn bộ lịch sử Israel. Đối với Mátthêu, Chúa Giêsu là Mosê thứ hai và cũng là Israel thật sự. Ngài muốn dùng lời của các ngôn sứ để diễn đạt suy tư này bằng cách kể chuyện theo truyền thống Do Thái.

Ngày Thánh Đã Bừng Lên

 Chúa Giêsu Đấng Messia xuất hiện như vầng hồng khởi đầu một ngày mới, một thời đại của Nước Trời. Người không chỉ hoàn tất mọi lời ngôn sứ của Israel mà chính Người còn là một ngôn sứ, một tư tế, và vua. Người thuộc về một nhóm nhỏ trung thành của Israel. Vậy khi chúng ta đứng trong hàng ngũ của Chúa Giêsu, chúng ta liên kết chính mình với nhóm trung thành của dân Chúa. Ở vào số những người còn sót lại cùng với Chúa Giêsu, chúng ta có thể nói ba điều này:

  1. Trong nhóm Chúa Giêsu, chúng ta là một dân được cứu chuộc, chúng ta “ra khỏi Ai Cập”. Cuộc đời chúng ta có thể gặp nhiều đe dọa, bị bóng tối ngập tràn, nhưng Chúa sẽ cứu dân của Ngài qua mọi bất trắc và trở ngại.
  2. Trong nhóm Chúa Giêsu, chúng ta cũng là một dân bị bách hại, bà Rakhen “khóc thương cho các người con của bà”. Chúa Giêsu cũng hứa những khó khăn thử thách cho những ai theo Người, nhưng thập giá dẫn đến vinh quang (x. Tv 22; Is 53).
  3. Thuộc về nhóm Chúa Giêsu, thì chúng ta không thuộc về thế gian này, chúng ta là “người Nazaret”. Nguồn gốc thấp kém của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta Giáo hội của Chúa không cần phải là một số đông. Vâng, chúng ta ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Chỗ đứng của chúng ta là ở cùng với Chúa. Với vị thế như vậy, ai còn cần thế giới này tán dương nữa?

MỘT SỐ CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN GIÁO LÍ

+ Hc 3,2-7, 12 : GLHTCG 2218 (Điều răn thứ bốn)

+ Cl 3,14 : GLHTCG 815, 1827, 1844; Cl 3,16-17 : GLHTCG 1156, 2633; Cl 3,16 : GLHTCG 2641; Cl  3,18-21 (GLHTCG 2204); Cl 3,20 : GLHTCG 2217; Cl 3,21 : GLHTCG 2286

+ Mt 2,13 : GLHTCG 333; Mt 2,15 : GLHTCG 530; Mt 2,19 : GLHTCG 333

 Lm. Giuse Ngô Quang Trung