Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Thánh Gia, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Thánh Gia, Năm B

Sống trong một thời đại mà trong đạo ngoài đời người ta hô hào rất nhiều việc củng cố và gìn giữ các giá trị của gia đình, các bài đọc Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta những đề nghị thiết thực. Có thể tóm tắt trong ba chủ đề chính: đổi mới các mối tương quan gia đình trong Chúa Kitô; lòng hiếu thảo con cái dành cho cha mẹ; tôn vinh gia đạo trong cộng đoàn.

 

BÀI ĐỌC 1: Hc 3,2-6.12-14

Tôn vinh cha mẹ

Sách Huấn Ca là một tập hợp những giáo huấn khôn ngoan về những cách cư xử để phù hợp với Luật Chúa. Tác giả hẳn là một người am hiểu về Luật, sống ở Giêrusalem. Ông coi Luật pháp không phải là một bộ quy tắc ràng buộc người ta phải theo, mà là món quà yêu thương Thiên Chúa dành cho dân tộc của mình. Ngài chỉ cho họ cách họ nên hành động để được luôn gần gũi và gắn bó với Ngài. Do đó, luật là tổng hợp những hướng dẫn vô giá, nó cần được trân trọng và bảo tồn. Bài đọc hôm nay là một bài suy niệm mở rộng về điều răn thứ bốn. Tác giả nhắc nhở chúng ta: “Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng”. Điều đáng ghi nhớ là: đây là điều răn duy nhất trong Mười Điều Răn được hứa ban phúc lành là một cuộc sống lâu dài. Trong bài đọc hôm nay, tác giả nối kết hành vi “kính sợ Chúa” với việc tôn vinh và kính trọng cha mẹ (c. 6b). Hành vi của một người đối với cha mẹ quan trọng đến nỗi Thiên Chúa hứa Ngài sẽ luôn lắng nghe lời cầu nguyện của một người con ngoan biết luôn chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ; và hành động hiếu thảo đối với cha mẹ sẽ đền bù được lỗi lầm (cc. 3 và 14). Lời tuyên bố của Chúa Giêsu trong Marcô 7, 10-13 tán thành đoạn văn trong sách Huấn Ca hôm nay rằng ai thực sự tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa thì cũng sẽ kính trọng và chăm sóc cha mẹ, vì đó là tiêu chuẩn hành vi mà Thiên Chúa đòi hỏi những ai yêu mến Ngài.

 

ĐÁP CA: Tv 128,1-5

Gia đình hạnh phúc của người kính sợ Chúa

Một điệp khúc được lặp đi lặp lại trong Cựu Ước là lời khuyên “hãy kính sợ Chúa và bước đi theo đường lối của Ngài,” nghĩa là tuân phục Thiên Chúa và sống các giới răn của Ngài. Sợ xúc phạm đến Thiên Chúa là một tình trạng lành mạnh về thiêng liêng. Nó giúp người ta tránh được những nguyên nhân gây ra tội, đồng thời làm cho mối tương giao đúng đắn của một người với Thiên Chúa được trân trọng duy trì. Kết hợp với Chúa và sống giới răn của Ngài dẫn vào một gia đình hòa hợp và hạnh phúc (GLHTCG 2373).

Trong Thánh vịnh này, chúng ta có lời hứa rằng Thiên Chúa sẽ trung thành ban phúc lành cho những ai tôn kính và tuân giữ các mệnh lệnh của Ngài (c. 1). Phúc lành đó bao gồm một cuộc sống gia đình hạnh phúc, thịnh vượng, vợ chồng hòa hợp và con cháu đông vui (cc. 2-4). Câu cuối cùng mở rộng ân phúc của Thiên Chúa cho tất cả mọi người trong cộng đoàn đức tin, đó là “gia đình của Thiên Chúa”, là Cha  chúng ta (Gl 6,10; Ep 2,19).

 

BÀI ĐỌC 2: Cl 3,12-21

Đỉnh cao là lòng bác ái

Trong một đoạn văn ngắn, thư gửi tín hữu Côlôsê đưa ra một loạt các chỉ dẫn về cách sống trong cộng đoàn: lòng thương cảm, sự tha thứ, tình yêu, sự hiền hòa và nhẫn nại. Tình yêu là một loại áo giáp giúp gìn giữ tất cả các phẩm chất khác lại với nhau. Nếu chúng ta suy ngẫm về những điều này và áp dụng vào thực tế, thì không thể có sự ganh đua hay thù địch trong cộng đoàn Kitô hữu, và cả trong một gia đình, nơi mà những căng thẳng và khó khăn của cuộc sống thường làm cho tình yêu trở nên yếu ớt. Tuy nhiên, một gia đình mà mọi người yêu thương nhau sẽ trở thành gương mẫu cho các mối quan hệ khác nhau của một cộng đoàn Kitô hữu. Tình phụ tử của Thiên Chúa là nguồn cội và khuôn mẫu cho mọi tương quan gia đình của con người. Cũng như tình yêu và sự hi sinh của Chúa Kitô đối với thân mình mầu nhiệm của Người là Giáo hội, là khuôn mẫu cho tình yêu của vợ chồng đối với nhau. Bài đọc hôm nay bắt đầu với một lời nhắc nhở đầy gợi ý rằng chúng ta là những người được Chúa tuyển chọn. Sự lựa chọn ưu ái này giúp chúng ta luôn cố gắng cư xử theo tư cách là đoàn dân của Chúa. Đoạn văn kết thúc với lời khuyên mỗi người hãy làm mọi việc nhân danh Chúa Giêsu. Kitô hữu là những người đã được gọi theo tên của Chúa Giêsu, điều này làm cho chúng ta trở thành thành viên trong đoàn dân của Người và đặt chúng ta dưới quyền lãnh đạo của Người. Đây là một ơn gọi thật cao quý, nhắc nhở chúng ta luôn sống và hành động với tư cách là con dân của Thiên Chúa.

 

TIN MỪNG: Lc 2,22-40

Dâng Hài Nhi trong Đền Thờ

Trình thuật về việc dâng Chúa Giêsu trong đền thờ là một sự tôn vinh lòng sùng đạo của Đức Maria và thánh Giuse, của ông Simêon và bà Anna. Rõ ràng là Chúa Giêsu được dưỡng dục trong một gia đình mộ đạo. Năm lần tác giả cho thấy rằng cha mẹ của Chúa Giêsu tuân giữ các quy định về lề luật (cc. 22, 23, 24, 27,39). Cũng như họ đã vâng lệnh sắc chỉ của hoàng đế để về quê quán ghi danh vào cuộc điều tra dân số (2,1-5), và bây giờ họ tuân phục các đòi hỏi tôn giáo về sự thanh tẩy (x. Lv 12,1-8) và việc chuộc lại con đầu lòng ( x. Xh 13, 2,12).

Đòi hỏi của nghi thức đầu xuất phát từ niềm tin rằng sự sống bắt nguồn từ trong máu; nó là thánh thiêng và thuộc về Chúa. Vì bản tính mầu nhiệm của sự sống khởi phát từ máu, nó phải được giữ tách biệt khỏi các hoạt động phàm tục. Khi không thể cách li, người và vật tiếp xúc với máu phải được thanh tẩy. Rõ ràng là sự sinh và sự tử đã bị ràng buộc bởi khá nhiều quy định về việc thanh tẩy. Đòi hỏi của nghi thức thứ hai là một cách để nhận lại đứa con trai đầu lòng, mà người ta tin rằng nó đã thuộc về Chúa. Chuộc lại đứa trẻ là một cách nhìn nhận ưu quyền thuộc về Chúa.

Ông Simêon, cũng giống như các ngôn sứ của Israel thời xưa, được Thánh Thần ngự trên ông (x. Is 61,1). Ba lần tác giả tuyên bố rằng chính Thánh Thần đã hướng dẫn ông (cc. 25,26,27). Niềm an ủi của Israel mà ông chờ đợi có lẽ là thời điểm hoàn thành lời hứa của thời thiên sai. Nhìn thấy Hài Nhi, ông nhận ra Người là đối tượng của lòng khao khát của mình, một Đấng vừa là vinh quang của Israel vừa là ánh sáng cho phần còn lại của thế giới. Ông cũng tiên báo về sự chống đối mà Chúa Giêsu sẽ gây ra. Một số sẽ đón nhận Người và một số khác thì chối bỏ.

Cảnh sau đó chắc hẳn phải diễn ra ở phần ngoài của đền thờ, nơi phụ nữ được phép vào, vì sau đó ông Simêon đã ngỏ lời rõ ràng với bà Maria. Đây là hành vi rất bất thường, vì thông thường nam giới không được nói chuyện với phụ nữ mà họ không quen biết, nhất là ở nơi công cộng. Lời nói của ông có phần bí ẩn. Việc người ta chối bỏ người con của bà Maria giống như một thanh gươm đâm thâu lòng bà thì có thể hiểu được, nhưng điều này có liên quan gì đến việc làm lộ rõ suy nghĩ của người khác thì không rõ ràng như vậy.

Một người phụ nữ khác có mặt trong nhóm này, đó là nữ ngôn sứ Anna. Bà đã lớn tuổi và là một góa phụ, bà thường xuyên ở trong đền thờ cầu nguyện và ăn chay. Giống như ông Simêon, toàn bộ cuộc đời của bà là một cuộc mong ngóng chờ đợi sự hoàn tất lời hứa về Đấng Cứu Thế. Có lẽ bà đã gặp ông Simêon trước, nghe được những gì ông ấy nói, rồi đã xác định về danh tính của Hài Nhi và tuyên bố điều này với tất cả những ai đang ấp ủ niềm hy vọng về Đấng Cứu Thế.

Mặc dù cả ông Simêon và bà Anna đều không thuộc hàng ngũ những nhân viên chính thức trong đền thờ, nhưng họ là những người đã nhận ra Hài Nhi, trong khi những người khác thì không. Đây không nên được coi là một thành kiến chống Do Thái giáo. Nó chỉ nói lên điều này là cảm thức thiêng liêng xuất phát từ lòng trung thành và đạo đức thực sự chứ không phải do địa vị chính thức hoặc vai trò đặc quyền. Thiên Chúa và đường lối của Ngài được bày tỏ cho những ai có tâm hồn và trái tim rộng mở. Lòng sùng đạo của người đàn ông này (c. 25) cũng như của người phụ nữ này (c. 37) đã chuẩn bị tâm hồn họ đón nhận mặc khải bất ngờ của Thiên Chúa.

Thánh gia trở về Nazaret để tiếp tục cuộc sống cuộc đời thường, nhưng mọi chuyện đã thay đổi. Mặc dù lớn lên như bao đứa trẻ khác, Hài Nhi sống trong thời gian chờ đợi khai mạc sứ vụ của mình.

—-

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  531-534: Thánh Gia Thất

+  GLHTCG  1655-1658, 2204-2206: Gia đình Kitô giáo, Hội Thánh tại gia

+  GLHTCG  221-2233: Bổn phận của các thành viên trong gia đình

+  GLHTCG  529, 583, 695: Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ

+  GLHTCG  144-146, 165, 489, 2572, 2676: Ông Ápraham và bà Sara, những mẫu gương đức tin

Lm. Giuse Ngô Quang Trung