Tìm Hiểu Lời Chúa  CN Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Tìm Hiểu Lời Chúa  CN Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

ĐGH Piô XII trong Tông hiến Munificentimus Deus ngày 1 tháng 11, năm 1950 đã trình bày bốn lí do của niềm tin vào tín điều Đức Maria hồn xác lên trời: 1) Truyền thống không gián đoạn về biến cố Đức Maria an nghỉ và được rước lên trời.2) Niềm tin này sống động trong sinh hoạt phụng vụ của Giáo hội. 3) Bằng chứng phủ định: ngôi mộ Đức Maria trống; còn các tông đồ đều có mộ riêng. 4) Việc thân xác lên trời đã được Cựu Ước báo trước, như trường hợp Ênoch (St 5,24); Môisen (Đnl 34,5); và nhất là Êlia (2 V 2,1). 5) Những lí chứng thần học… Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu chuộc nhân loại. Dù chúng ta dành cho Mẹ tước hiệu nào thì điều này cũng là để hướng về Chúa Kitô, Con Mẹ.

 

BÀI ĐỌC 1: Kh 11,19a, 12.1-6, 10ab

Người Nữ mặc áo mặt trời

Hình ảnh người phụ nữ sinh con và con rồng đỏ khổng lồ rất giàu tính biểu tượng trong Kinh Thánh. Bối cảnh của Sách Khải Huyền là cuộc đấu tranh giữa Giáo hội và các đòi hỏi của ngoại giáo La Mã, nó đòi buộc tất cả mọi thần dân phải tôn thờ hoàng đế như là Thiên Chúa. Mục đích của sách Khải Huyền là củng cố đức tin và trấn an các tín hữu trung thành về chiến thắng cuối cùng, bất chấp mối đe dọa phải tử vì đạo. Người phụ nữ đại diện cho Israel dân của Thiên Chúa, Đấng sinh ra một người con trai; Người Con ấy sẽ chăn dắt muôn dân và là chủ tể vũ hoàn. Con rồng, với sự tinh khôn và sức mạnh áp đảo, là đế quốc La Mã. Người con trai được đưa ngay lên trời trong chiến thắng, bẻ tan mưu đồ của con rồng đang rình mồi và sắp chụp lấy, và ngay lập tức hát vang bài thánh ca khải hoàn. Tất nhiên, cảnh tượng này bỏ qua các chi tiết về cuộc sống trần thế của Chúa Kitô, để báo trước sự chắc chắn về sự chiến thắng của người con trai. Thứ hai, truyền thống Hội thánh nhìn thấy nơi người phụ nữ này là người mẹ trần thế của Đấng Cứu Thế, Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu và mẹ Hội thánh, Đấng chiến thắng mọi quyền lực sự dữ. Do đó, biểu tượng “điềm lớn xuất hiện trên trời” cũng quy về Đức Maria, đấng chiến thắng sự dữ. Cái ác không thể nắm chạm vào Đức Maria, và các con của Mẹ cũng sẽ nắm chắc phần thắng.

 

ĐÁP CA: Tv 45,9b, 10-11,15

Maria, Nữ hoàng triều đại Đavít

Thánh vịnh này mô tả cuộc hôn nhân của một vua Israel với một công chúa nước ngoài. Trước tiên, tác giả ca ngợi vua và sau đó hướng sự chú ý đến cô dâu trinh nữ xuất hiện để phối hợp cuộc đời mình với nhà vua. Trong các câu 11-12, cô dâu của vua được mời gọi quên đi gốc gác của mình để phục tùng chồng. Ông yêu cô và sẽ làm cho cô được hạnh phúc. Trong câu 16, những người bạn của cô dâu đi cùng với cô vào cung điện của đức vua. Thánh vịnh này là một phần của phụng vụ tại Đền thờ Giêrusalem. Mục đích của nó là nâng cao ý thức của người dân về lời hứa về Đấng Messia Vua trong tương lai, và vai trò của dân tuyển chọn với tư cách là cô dâu trong giao ước.

Bởi vì một số câu từ Thánh vịnh này được tìm thấy trong Thư Hipri (so sánh Tv 45,6-7 với Hr 1,8-9), truyền thống Kitô giáo đã mở rộng tầm ý nghĩa của nó khi nhìn thấy Hội Thánh và Đức Trinh nữ Maria được quy chiếu vào vị trí cô dâu của đức vua. Cụ thể, câu 10b có thể hàm chỉ việc Mẹ Maria lên trời. Thánh Amadeus đã viết: “Vì vậy, khi Đức Trinh Nữ được Thiên Chúa là Con của Mẹ, Vua các vua, rước lên trời giữa sự vui mừng và hân hoan của các thiên thần và tổng lãnh thiên thần, và sự tung hô của tất cả những người đã được chúc phúc, thì lời tiên tri của tác giả Thánh vịnh đã được ứng nghiệm: ‘Bên hữu Ngài, hoàng hậu sánh vai, trang điểm vàng Ophir lộng lẫy [Tv 45: 10]’” (Thánh Amadeus thành Lausanne, Bài giảng, 7).

 

Trong biến cố Đức Maria lên trời, Mẹ đã chiếm ngự vị trí xứng đáng của mình với tư cách là Nữ hoàng trong Vương Quốc của Con Mẹ, Vua Đavít Thần Linh. Vào thời các vua dòng tộc Đavít, không phải vợ ông (hoàng hậu) ngồi bên hữu vua; mà chính mẹ vua (thái hậu) (ông có nhiều vợ nhưng chỉ có một mẹ) mang tước hiệu chính thức là Gebirah, “Hoàng thái hậu” (xem 1 V 1,10-28; 2 V 10,13, v.v.). Mẹ Maria cũng là biểu tượng của Hội Thánh, Hiền Thê của Chúa Kitô. Mẹ vừa là một người mẹ trọn đời đồng trinh vừa là một người mẹ tuyệt vời thánh thiện, và tất cả các Kitô hữu đều là con của Mẹ. Nữ hoàng Thiên Quốc (Gebirah) là danh hiệu của Đức Maria trên thiên đàng.

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 15,20-26

Đức Kitô là Trưởng tử

Vào ngày lễ kính Đức Maria hồn xác lên trời, điều quan trọng là phải sắp xếp mọi thứ theo đúng trật tự của nó. Chúa Kitô là Trưởng tử đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những người đã đi vào cõi vĩnh hằng. Trong Người, tất cả sẽ được sống lại, nhưng tất cả đều phải theo thứ tự thích hợp. Mẹ Maria là người đầu tiên sau Con Mẹ, và được trỗi dậy nhờ Con của ngài vì Mẹ là một phần tử ưu tú trong Thân Thể của Chúa Kitô, là Giáo hội. Sự hoàn hảo của Mẹ Đấng Cứu Chuộc đã được Con của Mẹ giành cho vị trí ưu ái trong Thân Thể Mầu Nhiệm. Người đưa Mẹ đi theo trong đoàn người được cứu chuộc. Trong chương này Phaolô nói tới sự sống lại về khía cạnh thể lí. Đây không chỉ là sự bất tử của linh hồn, mà là sự phục sinh của toàn thể con người, một cơ thể sống động, chứ không phải một linh hồn trú ẩn trong một thân xác. Nó đặc biệt phù hợp với Đức Maria, là Mẹ Chúa Giêsu về mặt huyết nhục, Mẹ đã trao ban cho Người nhựa sống, cũng như nhân cách, đức tính và tài năng của mình. Nếu bất kỳ người con nào cũng giống mẹ mình về mặt thể chất, thì hẳn là Chúa Giêsu cũng vậy. Giáo hội tuyên phong Đức Maria hồn xác lên trời là một xác quyết về giá trị cứu độ trong các hoạt động trần thế của chúng ta: việc phục vụ tha nhân bằng chữa lành, xoa dịu đau khổ dưới mọi hình thức, những lao công vất vả trong cuộc sống…Đó là lý do tại sao Đức Maria đi trước tất cả chúng ta để dẫn đường đến sự phục sinh trọn vẹn.

 

TIN MỪNG: Lc 1,39-56

Thăm viếng và Ngợi khen

Bài Tin Mừng hôm nay chia ra hai phần rõ rệt: tường thuật chuyến viếng thăm của bà Maria đến nhà bà Êlisabeth (cc. 39-45); và lời cầu nguyện ngợi khen của Maria (cc. 46-56). Lời chào của Maria với Êlisabeth là một cách chào theo phong tục (aspázomai), nhưng ảnh hưởng của nó rất sâu sắc. Nó khiến đứa trẻ trong bụng Êlisabeth nhảy lên vì vui sướng (skirtáō). Điều này gợi nhớ đến niềm vui tràn ngập vua Đavít khi ông nhảy múa trước hòm bia giao ước, biểu tượng của Thiên Chúa ở giữa dân Israel (x. 2 Sm 6,14-15). Bà Êlisabeth được đầy tràn Chúa Thánh Thần và tuyên xưng đức tin của mình vào đứa trẻ mà Maria đang mang trong mình. Trong trường hợp của cả Đavít và Êlisabeth, đứa con chưa chào đời của họ, việc họ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa là nguyên do khiến họ vui mừng. Như thể Đức Maria là hòm bia và đứa trẻ đang ở trong Mẹ là vinh quang của Thiên Chúa.

Để đáp trả trải nghiệm kỳ diệu này, bà Êlisabeth trước hết tán dương Đức Maria và sau đó là con của bà (c. 42). Bà nhận ra ơn phúc mà các Ngài đã được trao ban và bà ca ngợi điều đó. Phước hạnh này bắt nguồn từ phẩm giá của đứa trẻ, một phẩm giá mà Êlisabeth nhìn nhận bằng cách gọi Người là Chúa của bà (kýrios). Như Đavít đã thắc mắc làm thế nào mà hòm bia của Đức Chúa có thể đến với ông (x. 2 Sm 6,9), thì bà Êlisabeth cũng tự hỏi làm thế nào mà mẹ của Chúa lại đến với bà. Ở đây, Maria được gọi là “người được chúc phúc” (makários) vì đã tin những gì Chúa đã phán với bà, một ám chỉ đến biến cố truyền tin (x. Lc 1,26-38). Trong trường hợp này, đó là đức tin, chứ không phải một số việc công chính, được ca ngợi. Maria tin rằng mình sẽ thụ thai và sinh một người con trai, và điều đó đã xảy ra. Chính người con mà Maria mang trong bụng đã hội tụ tất cả những sự kiện được ghi lại trong đoạn văn này. Cách thức mà ơn phước sẽ được thực hiện trong cuộc đời của Maria không được nêu rõ; Mẹ chỉ được gọi là người được chúc phúc.

Bài thánh ca ngợi khen của Đức Maria có sự tương đồng mạnh mẽ với các bài thánh ca chiến thắng của bà Miriam (Xh 15,1-18), bà Anna (1 Sm 21-10) và bà Juđitha (Gđt 16,1-17). Mẹ  không phủ nhận những điều cao cả sẽ được thực hiện thông qua Mẹ. Trái lại, những việc hoàn thành càng vĩ đại, thì quyền năng của Đức Chúa càng tỏ hiện và được mọi người nhìn nhận, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm nên những điều kỳ diệu như vậy. Mẹ ca ngợi Thiên Chúa vì Ngài đã đoái nhìn những kẻ hèn mọn và hạ bệ những người quyền cao chức trọng. Đây là đường lối mà Thiên Chúa đã hành động từ đời này qua đời khác, Ngài tỏ bày lòng thương xót cho những ai mở lòng đón nhận, cho những ai kính sợ uy quyền cao cả của Ngài.

Trong khi phần đầu của bài ca Ngợi Khen mô tả những điều tuyệt vời mà Thiên Chúa đã làm cho Maria, thì những câu cuối cùng liệt kê một số phúc lành mà dân Israel đã được hưởng trong quá khứ. Đầu tiên là sự đảo ngược vị thế xã hội, vốn xảy ra rất thường xuyên trong quá khứ: người đói được no, trong khi người giàu bị đuổi đi với bàn tay trắng (c. 53). Sự lựa chọn Maria là một thí dụ  thêm nữa cho thấy Thiên Chúa dành sự ưu ái cho những người không được hưởng sự sung túc vật chất dồi dào.

Việc tham chiếu đến lời hứa với Apraham đặt tất cả phúc lành của Thiên Chúa trong bối cảnh của giao ước gắn liền với vị tổ phụ đáng kính này (St 15,1-21; 17,1-14). Những lời hứa này bao gồm cam kết rằng Israel sẽ là một quốc gia vĩ đại; rằng họ sẽ được cấp ban một vùng đất của riêng của họ; và rằng họ sẽ sống một cuộc sống thịnh vượng, hòa bình, và an toàn trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Lịch sử Israel là một bản tường trình về sự bất trung của dân chúng trong bổn phận đối với Chúa; đồng thời tỏ rõ lòng thương xót của Ngài trước những thất bại của họ. Bài thánh ca ngợi khen của Đức Maria gợi ý rằng những điều kỳ diệu đã được thực hiện nơi Mẹ là một hình ảnh nổi bật về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ơn cứu độ muôn dân cuối cùng đã đến.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 411, 966-971, 974-975, 2853: Đức Maria, Eva mới, được đưa lên trên các tầng trời

+ GLHTCG 773, 829, 967, 972 : Đức Maria, hình ảnh cánh chung của Giáo hội

 + GLHTCG 2673-2679 : Cầu nguyện với Đức Maria

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

 

 

print