Tìm Hiểu Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi, Năm C

Tìm Hiểu Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi, Năm C

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm chính trong đức tin Kitô giáo. Chúng ta không thể hiểu được bằng lí trí nhưng chỉ bằng con tim. Các bài đọc trong ngày lễ này cũng không trực tiếp giải thích giáo lý về Chúa Ba Ngôi như chúng ta muốn biết. Chúng ta tin nhận và tuyên xưng mầu nhiệm cao trọng này vì chính Chúa Giêsu đã dạy và đã được các thánh sử ghi lại trong các sách Tin Mừng; các Giáo phụ cũng cố gắng giải thích thêm; và các Công đồng Nicêa (325) và Constantinople I (381) đã định tín giáo thuyết này.

 

BÀI ĐỌC 1: Cn 8,22-31

Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa

Làm thế nào chúng ta biết Thiên Chúa có Ba Ngôi vị? Với lòng tôn kính cao cả, dân Israel coi Thiên Chúa vô cùng khác biệt với thế giới thụ tạo, đến nỗi người ta khó hiểu tại sao Thiên Chúa có thể liên lụy vào với thế giới này, ngay cả việc Ngài có thể “làm bẩn ngón tay” để tạo ra thế giới. Giải pháp là Thiên Chúa hẳn đã tạo ra vũ trụ bằng Đức Khôn Ngoan của Ngài, là “người thợ bậc thầy ở bên cạnh Ngài” trong công trình sáng tạo. Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa một cách nào đó chính Thiên Chúa, nhưng không hoàn toàn giống với Ngài. Nhưng chính Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa có được tạo ra không? Không rõ Thiên Chúa “sáng tạo” hay “sở hữu” Đức Khôn Ngoan, bởi vì từ ngữ Hipri, khác với từ được sử dụng để diễn tả việc “sáng tạo” vũ trụ, được các nhà dịch thuật cổ đại khác nhau gán cho cả hai ý nghĩa. Vì vậy, có một cái gì đó trong Thiên Chúa vừa là Thiên Chúa vừa không đồng nhất với Đấng Tạo Hóa. Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa cũng tương tự như Lời của Ngài mà Ngài dùng để sáng tạo trời đất: “Thiên Chúa phán và mọi sự liền có” (trình thuật sáng tạo trong sách Sáng thế 1). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu được biết đến vừa là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa và là Lời Thiên Chúa. Điều đầu tiên chúng ta biết về Thiên Chúa là chúng ta không thể biết về Ngài. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho chúng ta ý tưởng rằng có sự đa dạng bên trong Thiên Chúa. Đây là bước khởi đầu để hiểu về Chúa Ba Ngôi.

 

ĐÁP CA: Tv 8,4-9

Uy phong Thiên Chúa và phẩm giá con người

2-3 Lời mời ngợi khen Thiên Chúa

Cấu trúc đơn giản của Thánh vịnh này hoàn toàn phản ánh khuôn mẫu của một bài thánh ca. Nó mở đầu bằng một lời tung hô ca ngợi Thiên Chúa. Tiếp theo là các lý do cho sự ca  ngợi này và lời kết thúc cũng bằng lời ngợi khen. Tên gọi rất quan trọng thời Israel cổ đại, và vẫn tiếp tục như vậy trong nhiều xã hội truyền thống ngày nay. Tên gọi được cho là nắm bắt phần bản chất của một người. Vì lý do này, trong nhiều trường hợp, nó được giữ bí mật và chỉ được tiết lộ cho những người có mối quan hệ thân mật với người mang tên. Điều này giải thích sự tôn kính thể hiện tên riêng của Thiên Chúa. Trong Thánh vịnh này, chúng ta thấy rằng ngợi khen danh Thiên Chúa thực sự là tôn vinh ngài. Vinh quang này chiếu sáng cả mặt đất và trên trời. Sự đối lập giữa kẻ dễ bị tổn thương nhất (“trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh”) và kẻ mạnh (“kẻ thù và quân nghịch”) cho thấy rằng lời ngợi của nhóm người trước có thể làm im lặng sự phản đối của nhóm người sau.

4-5 Vẻ huy hoàng của công trình sáng tạo

Lý do để ca tụng Thiên Chúa là sự sáng tạo kỳ diệu mà Thiên Chúa đã tạo ra. Trước tiên, sự chú ý được tập trung vào các thiên thể, mà sự huy hoàng và vĩ đại của chúng đã khiến nhiều nền văn hóa coi chúng là các vị thần. Sự rực rỡ này được so sánh với sự tầm thường tương đối của con người. Hai từ tiếng Hipri diễn tả bản chất thấp hèn của loài người: enosh: xấu tính, yếu đuối; và benadam: loài phải chết, hoặc theo nghĩa đen, là con của kẻ được hình thành từ mặt đất. Cũng giống như trước đó, những người dễ bị tổn thương nhất được so sánh với những người quyền năng (c. 3), vì vậy ở đây, loài người giới hạn được so sánh với các thiên thể vinh quang.

6-9 Phẩm giá con người cao quý

Dù thua kém các kỳ quan trên trời, con người vẫn là những sinh vật cao quý. Hình ảnh vương quyền mô tả địa vị cao cả của họ (“được trao vương miện bằng vinh quang và danh dự”) bổ sung về quyền cai trị mà họ được Thiên Chúa trao đối với phần còn lại của thế giới (x. St 1,26-28). Vì vậy, khi nhìn thấy sự rực rỡ của các thiên thể, tác giả Thánh vịnh kinh ngạc về địa vị cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho những con người giới hạn.

Thánh Phaolô cũng áp dụng Thánh vịnh 8,6-7 cho Chúa Kitô trong 1 Côrinthô 15,27, trong Êphêsô 1,22;  và những câu này một lần nữa được thánh Phêrô ám chỉ và áp dụng cho Chúa Giêsu trong 1 Phêrô 3,22. Phaolô dùng Thánh vịnh 8,6 để dạy rằng qua sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh, Chúa Kitô  đã chiến thắng sự chết một lần và mãi mãi, và tất cả tạo vật giờ đây phải quy phục Thiên Chúa qua công trình cứu chuộc của Con Ngài

 

BÀI ĐỌC 2: Rm 5,1-5

Ba Ngôi cùng hoạt động

Khi Phaolô viết thư cho người Rôma, thần học về Chúa Ba Ngôi vẫn chưa được hoàn thiện. Trong vài ba thế kỷ đầu Kitô giáo mối quan hệ giữa Ba Ngôi vị chưa được các nhà thần học giải thích, hay việc gọi các Ngài là ba “Ngôi vị” nghĩa là gì vẫn chưa được rõ ràng. Phaolô gọi Chúa Phục sinh là “Chúa”, ngài sử dụng tên gọi thánh thiêng chỉ có thể được dành cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, Phaolô đã cho thấy một nhận thức rằng ba ngôi vị khác nhau có liên quan đến việc cứu rỗi con người, đó là hành động thiêng liêng đưa con người trở lại với Thiên Chúa. Ngài thường dùng một công thức chỉ ba ngôi như trong bài đọc này, khi trình bày vai trò khác nhau về Chúa Cha, Chúa Kitô và Thánh Thần. Nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, và tình yêu của Thiên Chúa được Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta. Ngôn ngữ của con người hoàn toàn không đủ để diễn đạt chân lý về Thiên Chúa, đến nỗi còn lâu mới tìm ra được bất kỳ công thức thỏa mãn nào.

 

TIN MỪNG: Ga 16,12-15

Hiện diện của Thần Khí

Trong bài đọc này, tác giả Tin Mừng cố gắng cho thấy mối quan hệ giữa Chúa Cha, Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần bằng cách liên hệ cả ba Đấng với giáo huấn của Chúa Giêsu. Đây là một công việc rất khó và phức tạp, và hệ quả là việc giải thích sẽ tối nghĩa. Chúng ta sẽ phải tìm hiểu thêm các đoạn văn khác hoặc văn chương Kitô giáo để trình bày rõ ràng học thuyết về Chúa Ba Ngôi. Những gì chúng ta tìm thấy ở đây là những hạt mầm của tư tưởng thần học sẽ đơm hoa kết trái vào một thời điểm khác. Đoạn văn này, ngắn gọn và gián tiếp, cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về nền tảng tư duy ba ngôi của tác giả Tin Mừng.

Trong đoạn văn này, chính sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với việc giáo huấn các môn đệ của Người đã thúc đẩy bài diễn từ. Người nói rằng Người còn nhiều điều muốn nói với họ, nhưng họ không thể chịu đựng được. Theo ngụ ý, họ sẽ có thể chịu được vào lúc khác. Lý do mà họ có thể hiểu được trong tương lai là sau đó họ sẽ được Thần Khí sự thật hướng dẫn về sự thật. Do đó, lời dạy của Chúa Giêsu được coi là sự thật. Mối quan hệ của sự thật, Thần Khí và giáo huấn của Chúa Giêsu không được mô tả rõ ràng. Có phải Thần Khí được gọi là sự thật vì phẩm chất của giáo huấn của Chúa Giêsu mà Thần Khí hướng dẫn các môn đệ không? Hay giáo huấn được gọi là sự thật bởi vì Thần Khí hướng dẫn các môn đệ đến đó? Chúng ta không biết.

Một cách nào đó, Thần Khí lấp đầy khoảng trống do sự vắng mặt của Chúa Giêsu, nhưng lấp đầy nó không quá nhiều bằng sự hiện diện với một hình thức dạy bảo. Chúa Giêsu khẳng định rằng Thần Khí sẽ không mang đến nội dung mới nhưng đó là giáo huấn mà Thần Khí đã nghe từ Đấng khác. Mặc dù không được nêu rõ ràng, nhưng ám chỉ đến giáo huấn của Chúa Giêsu, có lẽ chính là những giáo huấn mà các môn đệ không thể chịu đựng được khi Người còn ở với họ. Tuy nhiên, Thần Khí sự thật không chỉ như là một sứ giả chỉ lặp lại lời nói của người khác. Chúa Giêsu nói rằng Thần Khí này cũng sẽ loan báo những điều sắp xảy đến. Điều này có thể ám chỉ sự khai mở về những mầu nhiệm mà chính Chúa Giêsu đã công bố, hoặc những mầu nhiệm đó vẫn chưa được hoàn thành khi Người còn ở với họ,. Hoặc nó có thể ám chỉ một số kỳ vọng xa xưa chưa được thực hiện. Bằng cách này, Thần Khí sẽ chỉ dạy và mặc khải những gì đã được giảng dạy nhưng dù sao vẫn là mới. Chính nhờ sự khai mở chiều sâu của các mầu nhiệm, Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Thần Khí sẽ tôn vinh Chúa Giêsu và cho biết Người là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn.

Sứ mệnh của Thần Khí dường như là hướng dẫn các môn đệ đi vào ý nghĩa sâu xa và hàm ý triệt để những giáo huấn của Chúa Giêsu. Sự thật mà Thần Khí mặc khải dựa trên những lời dạy của Chúa Giêsu, nhưng nó còn vượt qua đó. Như vậy vẫn có sự liên tục nhưng không lặp lại. Trong một tuyên bố dường như là một sự chuyển hướng đột ngột trong suy nghĩ, Chúa Giêsu khẳng định rõ ràng rằng những gì thuộc về Chúa Cha thì thuộc về Người. Điều này có thể có nghĩa là từ Chúa Cha mà Thần Khí đã nghe những lời dạy của Chúa Giêsu, và cũng chính từ Chúa Cha mà Thần Khí đã được sai đến để đưa những giáo huấn này thành hiện thực. Thần Khí tôn vinh Chúa Giêsu bằng cách đưa ra ánh sáng sự thật sâu xa hơn về giáo huấn của Người, giáo huấn cũng thuộc về Thiên Chúa.

—-

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 202, 232-260, 684, 732: Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi

+  GLHTCG 249, 813, 950, 1077-1109, 2845: Chúa Ba Ngôi trong Hội Thánh và trong phụng vụ

+  GLHTCG 2655, 2664-2672: Chúa Ba Ngôi và kinh nguyện

+  GLHTCG 2205: Gia đình là hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

print