Tìm Hiểu Lời Chúa Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Vào Đền Thánh

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Vào Đền Thánh

Theo Lịch Phụng vụ, lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh được cử hành ngày 2 tháng Hai, nghĩa là đúng 40 ngày tính từ ngày 25 tháng Chạp. Theo truyền thống từ xa xưa, lễ này đánh dấu sự kết thúc mùa Giáng Sinh và được gọi là “Lễ Ánh Sáng” theo lời nói của ông Simêon trong Luca 2,32. Khi Thánh Gia hiện diện tại Đền Thờ Giêrusalem để thi hành việc thanh tẩy cho Đức Maria và tiến dâng Chúa Giêsu là con trai đầu lòng (Lc 2,22-28) theo luật định (Xh 13,11-16; Lv 12,2-8; Ds 18,15; xem thêm GLHTCG 529, 583, 713), thì cụ già Simêon lên tiếng nói rằng Hài Nhi sẽ là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại, và là vinh quang cho dân Israel”. Do đó, trong ngày cử hành này có làm phép và thắp sáng các ngọn nến, và vì thế lễ này cũng được gọi là “lễ nến”. Cộng đoàn cũng họp nhau để hát bài thánh ca của ông Simêon, Nunc Dimittis (An Bình Ra Đi), dựa theo hai chữ đầu của bản tiếng La Tinh. Đối với mọi Kitô hữu, ngày lễ này cũng nhắc nhở sứ vụ của mỗi người là đem ánh sáng Chúa Kitô đến cho mọi nơi trên mặt đất, như Người đã truyền (Mt 28,19-20).

BÀI ĐỌC 1: Ml 3,1-4

 Trong tiếng Hípri, từ malachi có nghĩa là “sứ giả của ta”. Malakhi là ngôn sứ cuối cùng trong mười hai ngôn sứ nhỏ của Cựu Ước. Sứ điệp của ông là nhắc đến sự khủng hoảng đức tin trong giới tư tế sau thời kì lưu đày Babylon. Những lời sấm của Malakhi thúc đẩy người ta sám hối và canh tân để thực hiện giao ước của Đức Chúa với Lêvi (Ml 2,4). Những lời tiên báo của Malakhi hướng về một một “lễ hi sinh và lễ vật tinh tuyền” mà người ta từ đông sang tây sẽ tiến dâng Danh Chúa (1,11). Ông cũng nói về một vị “sứ giả” (3,1) giống như Êlia sẽ xuất hiện để loan báo “Ngày của Đức Chúa”.

Lửa của thợ luyện kim” (c. 2). Lửa là biểu tượng của sự xét xử, được dùng cả trong Cựu Ước và Tân Ước. Trong CƯ, xem: Isaia 10:16 tt; 30,27; Giêrêmia 21,14; Amốt 5,18; Sôphônia 1, 3, 18; 3,8; Malakhi 3,19. Trong TƯ, lời giảng của Gioan Tẩy Giả (Mt 3,19); lời của Chúa Giêsu (Mt 13,41-43, 49-50); của Phaolô (2 Tx 1,8); sách Khải Huyền (8,12; 14,15-16; 21,8).

Lễ vật của Giuđa và của Giêrusalem” (c. 4). Giuđa chỉ Vương quốc miền Nam từ lưu đày trở về (538 BC). Giêrusalem là nơi đặt Đền Thờ, trung tâm của phụng tự Do Thái. Khi Đức Chúa đến khôi phục giao ước và thanh tẩy hàng ngũ tư tế (c. 3) thì Ngài cũng thiết lập sự thờ phượng và hướng dẫn người dâng lễ vật “theo lẽ công chính”, để làm đẹp lòng Giavê, Thiên Chúa của Israel.

Truyền thống Kitô giáo nhận thấy những lời loan báo này được thực hiện: (1) trong việc sai Gioan Tẩy Giả (sư giả) đến dọn đường cho Đức Chúa theo thần trí của Êlia; (2) trong mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Kitô ngự đến trong Đền Thờ của Người. Người thiết lập giao ước mới (Mt 26,28; Mc 14,24; Lc 22,20; 1 Cr 11,25; Hr 7,22; 8,6-7, 13; 9,15). Người thiết lập chức tư tế mới và nền phụng tự mới. Hiến tế của Người thanh tẩy và khôi phục Israel mới là Hội Thánh (GLHTCG 877); (3) bí tích Thánh Thể, mà các Giáo phụ coi là của lễ tinh tuyền duy nhất.

ĐÁP CA: Tv 24

 Thánh vịnh này là của vua Đavít và là một thánh ca phụng vụ. Cộng đoàn hát hai bè đối đáp nhau khi kiệu hòm bia tiến vào thành thánh Giêrusalem (2 Sm 6,1-15, 17-19).

1b-2. Chúa là Đấng tạo thành vạn vật. Thánh vịnh này mở đầu với lời tuyên bố chủ quyền của Thiên Chúa bao trùm mọi tạo thành. Điều này chống lại mọi ý tưởng cho rằng con người được quyền tự quản trái đất theo ý riêng của mình, theo sự cắt nghĩa sai lạc các câu trong St 1,26-28. Trái đất và muôn loài trong đó thuộc về Chúa chứ không thuộc về con người. Bởi vì Thiên Chúa sáng tạo mọi loài. Quan niệm về tạo dựng ở đây phản ánh tư duy của người Cận đông thời cổ: Thiên Chúa biểu tỏ chiến thắng vinh quang trên làn nước hỗn mang (Tv 18).

3-6: Điều kiện để vào đền thánh. Phần hai của Thánh vịnh đặc biệt giống với Tv 15. Nó mở đầu với câu hỏi nêu lên những đòi buộc để có thể tiến vào nơi thờ phượng.

 

      Ai

   có thể lên

  núi thánh của Chúa?

      Ai

  có thể đứng

  trong nơi thánh của Ngài?

Ở đây chúng ta thấy hiện lên bản luật về thanh uế rất nghiêm ngặt của Lv 17-26, đòi hỏi mỗi người phải thực thi trọn vẹn. Cần phải có những hành vi ứng xử xã hội thích hợp cùng tâm hồn thờ phượng ngay chính, đó là bản tóm tắt những đòi hỏi để người ta có thể bước vào nơi thờ phượng Thiên Chúa. Những hành vi và tâm tình tôn kính này cũng tóm tắt những đòi buộc đối với việc tuân phục lề luật.

7-10: Nghi thức tiến kiệu. Nghi thức này gồm bài hát đối đáp phụng vụ. Một câu hỏi được đặt ra cho mỗi khách hành hương trước khi họ nhập vào đoàn kiệu do đức vua chủ trì, lúc tiến vào cổng thành thánh. Những binh lính thủ thành cũng cất lên câu hỏi đức vua là ai cho mỗi người. Toàn dân đồng thanh đáp đức vua là một trang chiến binh oai hùng mạnh mẽ, là chúa tể tạo dựng vũ hoàn. Cứ một lần hỏi là một lần xướng lên tư cách của đức vua, đồng thời người ta dần dần bước vào trong thành thánh.

BÀI ĐỌC 2: Hr 2,14-18

 14 xác định bản tính nhân loại của Chúa Kitô bằng những từ ngữ rất cụ thể: Huyết nhục. Từ ngữ này chỉ bản tính con người theo cách diễn tả của người Do Thái. Nó hàm chứa thân phận yếu đuối và sự liên đới thể xác của tất cả những người có chung một nguồn gốc (x. St 29,14; Mt 16,17; Ep 6,12). Vì con cái tức là những người anh chị em được Chúa Kitô thánh hóa, đều mang bản tính đó thì Người cũng chia sẻ thân phận này. Con Thiên Chúa đã trở nên một với chúng ta theo cách triệt để nhất. Người mang lấy bản tính của chúng ta để chúng ta có thể thông phần bản tính của Người, đã sống lại vinh quang. Thư Hípri khẳng định ở đây cũng như trong câu 9 rằng Chúa Kitô đón nhận bản tính nhân loại đích thực là để chết. Thánh Athanasiô diễn tả chính xác điều này: “Ngôi Lời đã mặc lấy thân xác con người rõ ràng là để có thể hiến dâng làm hi tế cho những thân xác khác” (Athanasiô, về mầu nhiệm Nhập Thể 10). Một nghịch lí lớn, đó là Chúa Giêsu chiến thắng sự chết bằng chính cái chết của Người. Người không chạy trốn nhưng trải nghiệm nó, và tiêu diệt nó từ bên trong.

17 Tâm điểm thần học của thư Hípri giờ đây đã được nói tới lần đầu tiên: Đức Giêsu là Thượng Tế. Chúng ta đã trải qua hơn hai ngàn năm suy tư về tước hiệu này, và vì thế chúng ta rất khó định giá tư tưởng đột phá nguyên thủy của lời tuyên xưng này. Các tài liệu khác của Tân Ước cũng có những gợi ý về chủ đề chức tư tế và hi tế liên quan đến cái chết của Chúa Kitô, nhưng chỉ có thư Hípri gọi Chúa Giêsu là tư tế: 3,1; 4,14, 15, 5,5, 10; 6, 20; 7, 26; 8, 1, 3, 9,11. Hơn nữa thư Hípri còn nhìn nhận chức tư tế của Chúa Kitô như là chìa khóa giải thích toàn bộ mầu nhiệm Chúa cứu chuộc con người.

Để trình bày cách thức Chúa Kitô trở thành tư tế, thư Hípri đã đưa ra một hình ảnh so sánh rất kinh ngạc từ Cựu Ước. Luật Môsê đòi hỏi vị tư tế phải được tách biệt khỏi dân chúng để họ có thể tiến đến gần Thiên Chúa thánh thiện (Lv 8-10). Còn thư Hípri thì nói Chúa Kitô trở nên tư tế bằng cách “trở nên giống anh em mình về mọi phương diện”. Nghĩa là Người đã nhập thể làm người. Người đã trải nghiệm những cám dỗ, đau khổ và cái chết, để Người có thể thành một vị “Thượng Tế nhân từ và trung tín”. Câu này nhắc lại lời Thiên Chúa hứa trong 1 Sm 2,35: “Ta sẽ cho xuất hiện một tư tế trung kiên để phục vụ Ta, nó sẽ hành động theo lòng Ta và ý muốn của Ta”. Và thật là ý nghĩa, thư Hípri đã thêm vào một phẩm chất khác là tính từ “nhân từ”. Lòng nhân từ và trung tín là hai đặc tính cốt lõi chỉ Thiên Chúa (x. Xh 34,6; Tv 25,10; 57, 4; 61,8). Chúa Giêsu là một con người với những phẩm chất đó.

18 Chúa Giêsu đã chứng tỏ lòng trung thành khi Người chịu thử thách bởi những đau khổ khủng khiếp. Động từ “chịu thử thách” (peirazomai) cũng có nghĩa là chịu cám dỗ – nghĩa là bị đặt dưới những áp lực nghiệt ngã có thể lôi cuốn người ta phạm tội. Vì bản thân Người đã kinh qua nỗ lực chống lại thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách. Trong Cựu Ước chúng ta thấy Thiên Chúa thường được gọi là “Đấng cứu giúp” dân Ngài (Tv 37,40; Is 41,10). Giờ đây chúng ta đón nhận một chiều kích mới và hoàn toàn bất ngờ của việc Thiên Chúa cứu giúp: Con Thiên Chúa đã hoàn toàn đồng hóa với chúng ta. Người đến với chúng ta trong mọi cơn thử thách, Người thấu tỏ những trải nghiệm khó khăn và đau đớn của chúng ta từ bên trong.

TIN MỪNG: Lc 2,22-40

Hài Nhi Giêsu xuất thân từ một gia đình Do Thái thuần thành và nghèo hèn (anawim), những người này tuân giữ nghiêm ngặt những truyền thống đạo đức của Israel. Thái độ tuân phục lề luật nơi cha mẹ Người được thể hiện qua việc dâng con trẻ cho Chúa (Xh 13,1, 11-16) và việc thanh tẩy người mẹ sau khi sinh bốn mươi ngày cùng với những lễ vật quy định (Lv 12,1-8).

Đoạn này có thể giới thiệu với chúng ta hai chủ đề quan trọng liên quan đến sứ vụ của Chúa Giêsu: Dân Ngoại đón nhận Người còn những thành phần cốt cán của Israel lại khước từ.

Đối với Luca, Đền Thờ Giêrusalem là trung tâm kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Giờ đây, cụ già Simêon có thể thanh thản đối diện cái chết, bởi vì mắt cụ đã nhìn thấy ơn cứu chuộc Thiên Chúa dành sẵn cho muôn dân. Ơn cứu chuộc này sẽ là ánh sáng cho mọi dân tộc và là vinh quang của Israel dân Chúa. Tên Giêsu có nghĩa là Giavê cứu chuộc. Mátthêu chủ ý nhắc đến ý nghĩa của tên này khi ngài viết: “Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). “Ánh sáng soi đường cho dân ngoại” nhắc chúng ta nhớ đến vai trò của người Tôi Trung của Thiên Chúa mà Isaia diễn tả (Is 42,6; 49,6), việc các dân tộc tiến đến thờ lạy và học biết lề luật của Đức Chúa (Is 2,2-5; Mk 4,1-3), việc các dân nước tiến đến ánh bình minh tỏa rạng từ Giêrusalem (Is 60). Vinh quang của Israel đó là sự hiện diện vinh quang của Thiên Chúa ở giữa dân thánh của Ngài, và nhất là trong Đền Thờ và thành thánh Gêrusalem.

Giuse và Maria đã ngạc nhiên trước lời nói của cụ già Simêon, một phản ứng có thể nói là tiêu biểu trong Tin Mừng Luca trước những kì công Thiên Chúa thực hiện (1,21, 63; 2, 18).

Ông Simêon chúc phúc cho ông bà Giuse và Maria. Rồi ông nói tiên tri về việc đứng lên và ngã xuống của nhiều người Israel, việc trẻ Giêsu sẽ trở nên dấu hiệu cho người đời chống báng. Lời tuyên bố này có tính cách “lập trình”, sẽ tuần tự xảy ra trong Tin Mừng cũng như trong sách Công vụ Tông đồ. Bà mẹ đã được trình bày trong ngôn ngữ theo đó bà tiêu biểu cho Israel. Ở đây trong vai trò tiêu biểu như thế, Đức Maria sẽ trải nghiệm sự đau đớn trước việc chia rẽ của một dân tộc trước con bà: “Gươm đao phải rảo qua khắp xứ” (Ed 14,17). Động từ Hi Lạp “rảo qua” cũng có nghĩa là “đâm thâu”.

Sự xuất hiện của nữ ngôn sứ trên nền trình thuật bổ túc cho sự có mặt của một nam ngôn sứ. Yếu tố “cặp đôi” nam nữ này sẽ là một thủ thuật Luca dùng trong nhiều trường hợp về sau. Bà Anna được trình bày ở đây là một mẫu gương nổi bật của một anawim (một người nghèo của Thiên Chúa). Bà trọn hiến cho Thiên Chúa, sống nhiệm nhặt trong chay tịnh, cầu nguyện và khổ chế. Ở đây, bà xuất hiện như để củng cố thêm cho những lời tuyên bố của ông Simêon. Như những mục đồng trước đây, bà làm chứng về Hài Nhi cho tất cả những ai đang trông chờ ngày cứu chuộc của Israel (Giêrusalem và Israel ở đây được dùng hoán đổi cho nhau).

Một gợi ý thêm nữa cho việc trung thành với đòi hỏi của lề luật nơi Giuse và Maria, đó là sau khi các ngài đã chu toàn mọi công việc thì trở về thành Nazaret, miền Galilê (x. Lc 1,26; 2,4). Một điệp từ được sử dụng ở đây: càng chuyển động thì càng phát triển. Nhắc đến sự tăng triển trong đức khôn ngoan nối kết đoạn này với trình thuật tìm lại Chúa Giêsu bị lạc mất trong Đền Thờ, nơi Người làm cho các thầy dạy phải ngạc nhiên sửng sốt.

 

            LIÊN KẾT VỚI GIÁO HUẤN VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA HỘI THÁNH

            + Được đưa lên trời và được tôn vinh sau khi chu toàn sứ vụ, Đức Kitô vẫn hiện diện nơi trần thế trong Hội Thánh của Người” (GLHTCG, 669).

            + Vì được Thiên Chúa tạo dựng, những thực tại khả giác này có thể trở thành phương tiện diễn tả hành động của Thiên Chúa, Đấng thánh hóa loài người, và diễn tả hành động của con người, những kẻ phụng thờ Thiên Chúa. Về các dấu chỉ và biểu tượng trong đời sống xã hội của con người cũng vậy: tắm rửa và xức dầu, bẻ bánh và chia sẻ một chén có thể diễn tả sự hiện diện tác thánh của Thiên Chúa và lòng tri ân của con người đối với Đấng Tạo Hóa của mình” (GLHTCG, 1148).

           + Chúa Kitô luôn hiện diện trong Giáo hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện trong hi tế Thánh lễ vừa ở nơi con người của thừa tác viên, vừa hiện diện cách vô cùng nhiệm lạ dưới hình bánh hình rượu trong bí tích Thánh Thể…Người hiện diện trong lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Kinh Thánh trong Giáo hội. Sau hết, Người hiện diện khi Giáo hội khẩn cầu và hát Thánh vịnh, như chính Người đã hứa: ‘Nơi đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ’” (Sacrosanctum concilium, 7).

Lm. Giuse Ngô Quang Trung