Tìm Hiểu Lời Chúa: Lễ Mân Côi

print

Tìm Hiểu Lời Chúa: Lễ Mân Côi

“Với Kinh Mân Côi, dân Kitô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Chúa Kitô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua Kinh Mân Côi các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế.” (Tông thư Kinh Mân Côi, ĐGH Gioan Phaolô II, ngày 16.10.2002)

 

BÀI ĐỌC 1: St 3,9-15

Niềm hy vọng sau khi sa ngã

Câu chuyện về sự Sa ngã là một lời nhắc nhở về sự cám dỗ và tội lỗi của con người như nó vẫn luôn xảy ra, chứ không phải là lời tường thuật lịch sử về những gì đã xảy ra cách đây rất lâu, khi loài người lần đầu tiên xuất hiện trên trái đất. Tội lỗi mang lại sự xấu hổ cho chúng ta: chúng ta cố gắng hết sức, như chúng ta vẫn thường làm là đổ lỗi cho người khác, nhưng cuối cùng chúng ta biết mình không thể tự vệ và trần trụi trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng mình đáng bị trừng phạt, nhưng điều tuyệt vời trong câu chuyện Kinh Thánh là Thiên Chúa vẫn tiếp tục quan tâm đến chúng ta: chính Ngài đã đối thoại với con người. Quan trọng hơn, Thiên Chúa hứa rằng điều ác sẽ không chiến thắng mãi mãi. Hình phạt lao động khổ sai và đau đớn không phải đến từ sự báo thù của Thiên Chúa mà là do tội lỗi của con người: chúng ta không còn hòa hợp trọn vẹn với Thiên Chúa nữa. Nếu chúng ta hòa hợp với Thiên Chúa thì sự tin cậy của chúng ta vào Ngài sẽ giúp chúng ta bớt đau đớn. Lời hứa của Thiên Chúa đã gieo niềm hy vọng cho nhân loại. Niềm hy vọng sẽ chiến thắng sự ác một lần dứt khoát là nguồn cảm hứng xuyên suốt lịch sử Sách Thánh. Cũng chính niềm hy vọng giữ gìn chúng ta luôn  tỉnh thức trong một thế giới mà đâu đâu cũng thấy những chuyện gây thất vọng hoặc ru ngủ chúng ta.

 

ĐÁP CA: Lc 1,46-50, 53-54

Vui mừng trong Đấng Cứu Chuộc

Thánh vịnh đáp ca hôm nay trích từ lời kinh ca ngợi tuyệt đẹp của Đức Trinh Nữ Maria, mà chúng ta gọi là “Kinh Magnificat.” Bài thánh ca này đáp lại lời cảm thán của bà Elisabeth là người chị họ, về niềm tin của Mẹ vào Thiên Chúa và sự tôn vinh mà Ngài đã thể hiện với Mẹ là “thân mẫu của Chúa tôi”, trong Luca 1,43.

Bài thánh ca ngợi khen của Đức Maria được chia thành ba phần, hai phần được sử dụng trong đáp ca hôm nay:

  • Mẹ ca ngợi Thiên Chúa vì những gì Ngài đã làm cho Mẹ (cc. 46b-49).
  • Mẹ ca khen lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những người nghèo khó và khiêm nhường (cc. 50-53).
  • Mẹ ca ngợi lòng thành tín của Thiên Chúa đối với dòng dõi Ápraham, dân tộc Israel (cc. 54-55).

Bài thánh ca ngợi của Đức Maria biểu tỏ lòng khiêm nhường và đức tin của Mẹ; đó là cách thức Chúa hoạt động nơi Mẹ. Trích dẫn sách GLHTCG số 722, Giáo hội dạy: “Chúa Thánh Thần đã dùng ân sủng của Ngài mà chuẩn bị Đức Maria. Mẹ của Đấng ‘nơi Người tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể’ (Cl 2,9), tất phải ‘đầy ơn phúc’. Đức Maria đã được thụ thai, trong ân sủng thuần túy, không hề có tội, với tư cách là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo, xứng đáng nhất trong mọi người để đón nhận hồng ân khôn tả của Đấng Toàn Năng. Thiên thần Gabriel chào Mẹ cách chính xác là ‘con gái Sion’: ‘Kinh mừng’- ‘Mừng vui lên’. Chính Mẹ, trong bài thánh ca của mình, đã làm cho lời tạ ơn của toàn dân Thiên Chúa và của Hội Thánh lên tới Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, khi Mẹ cưu mang nơi mình Chúa Con vĩnh cửu”.

 

BÀI ĐỌC 2: Rm 5,12.17-19

Chúa Kitô, Ađam mới

Thánh Phaolô mô tả sự sa ngã của Ađam. Ông đã rơi vào cám dỗ của Satan, và vì thế đã đem đến cho ông và tất cả chúng ta sự chết và mối quan hệ đổ vỡ với Thiên Chúa. Ngài đưa ra hai hình ảnh trái ngược nhau: Ađam người buông theo cám dỗ, nên đã để lại hậu quả tồi tệ cho nhân loại; còn Chúa Kitô, Đấng đã chống lại cám dỗ và vì thế đã đem đến cho nhân loại ơn cứu độ và sự sống mới. Phaolô nhắc nhở chúng ta về hậu quả xã hội của tội lỗi. Tội không bao giờ là chuyện riêng tư, chỉ ảnh hưởng đến bản thân tôi. Khi chúng ta phạm tội, tất cả các mối quan hệ của chúng ta đều bị ảnh hưởng: tương quan của chúng ta với chính nội tâm của chúng ta, tương quan của chúng ta với anh chị em, tương quan của chúng ta với Thiên Chúa cũng như tương quan của chúng ta với thiên nhiên và thế giới chúng ta đang sống. Phaolô nói rằng, cũng giống như tội và sự chết đã xâm nhập vào thế gian qua Ađam, thì ơn cứu chuộc và sự sống đến qua Chúa Kitô. Phaolô so sánh tội lỗi của con người và hậu quả của tội với hành động cứu chuộc của Chúa Kitô và tác dụng phục hồi của ơn thánh đối với toàn thể nhân loại. Chúa Kitô đã tái lập cho chúng ta mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa mà ngài gọi là ơn công chính hóa, được trao ban cho chúng ta như một ơn nhưng không. Do đó, những lời Phaolô nói với các tín hữu Rôma chính là nỗ lực chứng minh về sự phục hồi con người bằng ân sủng. Ađam đầu tiên mang đến sự bất tuân, tội lỗi, án phạt và sự chết. Còn Ađam mới mang lại sự tuân phục, sự hòa giải, ơn công chính và sự sống đời đời. (Thánh Phaolô sử dụng điều mà các nhà thần học gọi là “sự tiên trưng” để giúp chúng ta hiểu chính xác những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta và cách Người tái lập cho chúng ta sự sống mới: Người chiến thắng tất cả những gì là hủy diệt mà Ađam và Evà đã gây ra. Ngài coi Ađam là một kiểu mẫu tiên trưng về Chúa Kitô) .

 

TIN MỪNG: Lc 1,26-38

Truyền tin cho Đức Maria

Trình thuật về việc truyền tin cho Đức Maria được kết dệt theo một khuôn mẫu truyền thống về những lời loan báo về sự sinh nở có sự can thiệp của sứ thần (x. cho Haga, St 16, 7-16; cho mẹ của Samsôn, Tl 13,2-7). Những câu chuyện như vậy nhắc nhớ người đọc về ý nghĩa thiêng liêng của các dữ kiện tương lai trong cuộc đời của những đứa trẻ sẽ được sinh ra. Đoạn văn hôm nay mở ra với những chi tiết đặt biến cố trong một bức tranh rộng hơn về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Sự kiện này xảy ra trong tháng thứ sáu khi bà chị họ Đức Maria mang thai người con của mình. Cặp vợ chồng này xuất thân từ hai gia đình đều thuộc dòng tộc tư tế (1,5). Biến cố truyền tin này, mặc dù xảy ra với hậu duệ của vua Đavít vĩ đại, nó lại chỉ xuất hiện ở một nơi xa khuất của miền Galilê.

Lời chào mở đầu của sứ thần: “Kính chào bà đầy ơn phúc! Thiên Chúa ở cùng bà” (c. 28), rõ ràng nói lên phẩm giá phi thường của Đức Maria. Cách chào thông thường của người Hy Lạp: “Xin kính mừng!” mang hàm ý “vui mừng lên” và gợi lại những lời ngôn sứ về sự phục hồi, một chủ đề làm nền tảng cho toàn bộ trình thuật. Như điển hình cho mỗi lần hiện ra của các sứ thần, thì phản ứng ban đầu của Đức Maria là sợ hãi, nhưng còn một lý do khác khiến Ngài lo lắng. Đó là, trong quá khứ, một cái giá đắt, thậm chí có thể là chính mạng sống, đôi khi đi kèm theo những người được Thiên Chúa ban ơn (Vd: Nôe, St 6, 8; Môsê, Xh 33,12; Giđêôn, Tl 6,17; Samuen, 1 Sm 2,26). Đức Maria, một phụ nữ được Thiên Chúa ban ơn, ở đây là được mời làm máng chuyển ơn cứu rỗi cho dân Chúa. Điều này rất có thể sẽ đòi hỏi Mẹ phải chịu những khó khăn và thử thách lớn lao.

Phản ứng của sứ thần vừa giúp Đức Mẹ an tâm vừa khiến Ngài bối rối. Đầu tiên Mẹ được bảo là đừng sợ hãi, nhưng những gì Mẹ được cho biết sau đó thực sự gây kinh sợ. Mẹ, một trinh nữ (c. 27), sẽ sinh hạ một người con trai, tên của Người cho thấy vai trò Người nắm giữ trong kế hoạch của Thiên Chúa:  (“Giêsu” có nghĩa là “Chúa cứu chuộc”) Người sẽ là một Đấng Cứu Tinh; Người sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao; và Người sẽ là hậu duệ cuối cùng của Đavít. Lời đáp trả của Maria là không hỏi lại tất cả những điều này có thể xảy ra theo kế hoạch của Thiên Chúa hay không, nhưng Ngài tự hỏi nó sẽ xảy ra như thế nào, vì Ngài là một trinh nữ. Sứ thần Gáprien trả lời rằng Mẹ sẽ được Thần Khí và quyền năng của Chúa bao phủ. Ngôn ngữ tượng hình này gợi nhớ đến đám mây đọng lại trên lều hội ngộ, biểu thị sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài (Xh 40,35). Biến cố thụ thai Ngôi Hai trong lòng Mẹ là việc Thiên Chúa làm.

Thiên thần còn trấn an Maria về khả năng xảy ra tất cả những điều này bằng cách cho Ngài một dấu chỉ  cụ thể. Người bà con Elisabét của Mẹ cũng đã mang thai một người con trai, mặc dù hoàn cảnh này không thể xảy ra (c. 36). Tuyên bố rằng: “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (c. 37) lặp lại lời Thiên Chúa nói với Abraham trong hoàn cảnh tương tự, bảo đảm với ông về sự ra đời của Isaác trong tương lai (St 18,14).

Quang cảnh kết thúc với sự ưng thuận của Maria. Giống như những câu chuyện khác về sự hiện ra của sứ thần đối với phụ nữ trong thế giới phụ hệ, Maria ứng đối trực tiếp với vị sứ giả của Thiên Chúa mà không qua trung gian của người cha hoặc người chồng dự định (x. St 16, 7-16; Tl 13,2-5). Đức Mẹ không chỉ thoát khỏi những ràng buộc gia trưởng, nhưng lời đáp trả của Ngài còn cho thấy Ngài hoàn toàn tự do trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Mặc dù là một người tôi tá Chúa, Mẹ cũng là một hình mẫu của thái độ mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Thiên Chúa, bất kể những điều được coi là bất khả dưới con mắt loài người và viễn cảnh của những khó khăn tiếp theo đó. Bài đọc cho thấy rằng những niềm ước mong trong quá khứ đang được thực hiện; kế hoạch của Thiên Chúa sắp được hoàn tất.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  484-494: Biến cố Truyền Tin

+  GLHTCG  439, 496, 559, 2616: Đức Giêsu là con vua Đavít

+  GLHTCG  143-149, 494, 2087: Sự “vâng phục của đức tin”

     Linh mục Giuse Ngô Quang Trung