Tìm Hiểu Lời Chúa Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Năm A

Trước tiên, Lễ Mình Thánh Chúa Kitô (Corpus Christi), do Đức giáo hoàng Urbanô IV thiết lập vào năm 1264, được cử hành trong giáo hội Latinh vào ngày thứ Năm sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong quy trình canh tân phụng vụ, Công đồng Vatican II đã sát nhập lễ này với lễ kính Máu Châu Báu Chúa Kitô (ngày 1 tháng 7) để trở thành lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Cử hành lễ hôm nay chúng ta được mời gọi yêu mến Bí tích Thánh Thể. “Trong bí tích Thánh Thể cực thánh, Mình và Máu cùng với linh hồn và thần tính của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô hiện diện một cách đích thực, thật sự và theo bản thể” (GLHTCG 1374).

 

BÀI ĐỌC 1: Đnl 8,2-3,14-16

 Ban tặng manna

Bài đọc sách Đệ Nhị Luật trình bày một phần diễn từ của ông Môsê cho dân trước khi họ bước vào Đất Hứa. Ông nhắc nhở dân nhớ lại những hành động hiển hách mà Thiên Chúa đã thực hiện cho họ trong hành trình sa mạc. Trong thời gian này, dân Israel được nuôi bằng manna; họ gọi đây là “bánh từ trời xuống” (Xh 16,4), và ngôn từ này đã trở thành hình ảnh tiên báo về Bánh Thánh Thể. Như trong tất cả các chuyện kể dân gian khác, câu chuyện manna này đã phát triển dần dần trong cách kể lại qua những thế hệ khác nhau. Thoạt đầu manna là sự cung cấp hoàn toàn bất ngờ và kỳ diệu một thứ chất nhựa được tiết ra từ một loại cây giống như cây liễu. Người Do Thái không biết nó là gì, và kêu lên: “Cái gì vậy?” (manhu?). Và vật thể đó được mang tên từ chính câu hỏi đặt ra. Cơn đói khủng khiếp trong sa mạc giúp họ nhận thức rằng nguồn dự liệu của họ thật là kém cỏi thê thảm, và họ phải phó mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Đây là bài học họ sẽ lưu giữ mãi và đưa nó vào những trải nghiệm mới. Từ những trải nghiệm này, họ nhận ra một chân lí khác, đó là nguồn mạch của sự sống này không chỉ là cơm bánh vật chất, mà còn lời Chúa hứa nữa. Chúa Giêsu đã đối lại Satan khi Người chịu cám dỗ trong sa mạc: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra.” (Mt 4,4) Manna trở thành biểu tượng và lời nhắc nhở về sự quan phòng chăm sóc của Thiên Chúa đối với dân Ngài trong suốt hành trình sa mạc. Bí tích Thánh Thể là lương thực thiêng liêng Chúa ban cho dân Ngài trong cuộc lữ hành dương thế hôm nay.

 

ĐÁP CA: Tv 147:12-15,19-20

Lúa mì tinh hảo

Liên quan đến Thánh vịnh này, dùng để ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa vì những phúc lành của Ngài đối với dân giao ước, thánh Augustinô viết đại ý: “Môi miệng bạn dành để ngợi khen chỉ được một thời gian thôi; còn cả cuộc đời bạn phải trở thành lời chúc tụng Chúa” (Enarrationes Psalmos,146.1). Chúa là Đấng cứu chuộc Sion, một tên gọi tượng trưng cho cả Giêrusalem và Israel. Thiên Chúa ngự trong đền thờ Giêrusalem và Giêrusalem nhận biết Thiên Chúa qua những gì Ngài đã thực hiện cho thành: bảo vệ thành khỏi những lân bang hung bạo, mang lại sự thịnh vượng cho thành (cc. 12-14a).

“…Và cho ngươi no đầy lúa mì tinh hảo”. Theo truyền thống phụng vụ Giáo hội câu này được sử dụng để biểu thị Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là một dấu chứng bất khả diễn đạt về lòng quảng đại và tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Giao ước mới, một hồng ân lớn hơn phúc lành tạm thời mà dân Giao ước cũ nhận được (Lv 26,3-13; Đnl 28,1-14). Hồng ân mà chúng ta nhận được là “tuyệt hảo” bởi vì Thiên Chúa đổ đầy dân Giao ước mới bằng chính sự sống của Chúa Kitô: Bánh hằng sống từ trời xuống trong Bí tích Thánh Thể.

Ngài tống đạt lệnh truyền xuống đất…”. Thiên Chúa của Sion là một vị Thiên Chúa thực hiện công trình tạo dựng và mặc khải Lời uy quyền của Ngài cho toàn thể nhân loại. Chính Lời Ngài tỏ lộ cho nhà Giacóp-Israel đã làm cho họ trở thành một dân tộc duy nhất giữa các quốc gia trên mặt đất (c. 20). Đó chính là “Lời Sự Sống”, Chúa Giêsu Kitô, làm cho dân Giao ước mới của Thiên Chúa trở nên duy nhất trong tất cả các dân tộc trên mặt đất.

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 10,16-17

Thân thể duy nhất của Chúa Kitô

Khi Phaolô viết cho cộng đoàn tín hữu Côrintô đang chia rẽ và hiềm khích nhau, ngài đã trách cứ họ mất đoàn kết và sống ích kỷ. Có một số thành viên giàu có của cộng đoàn, đã đến dự buổi cử hành tiệc Thánh Thể rất sớm, chiếm những chỗ tốt nhất, rồi bắt đầu mở những gói thức ăn riêng của mình và ăn tiệc, còn những người đến sau, có lẽ là những lao công và nô lệ – cảm thấy mình bị loại trừ, bị phân biệt đối xử và phải chịu đói. Nói một cách mạnh mẽ nhất, Phaolô khẳng định rằng Bí tích Thánh Thể phải là biểu tượng và biểu hiện của sự hiệp nhất yêu thương. Những người phá vỡ điều đó phải “nhận chịu trách nhiệm về Mình và Máu của Chúa”. Phaolô dường như sử dụng thân mình Chúa Kitô, vừa để chỉ bánh Thánh Thể và cộng đoàn Thánh Thể, là một cộng đoàn hợp nhất khi cử hành Bữa Tiệc của Chúa. Người ta thấy thật khó khi phải xác định trong mỗi trường hợp ngài sử dụng ý nghĩa nào. Tuy nhiên rõ ràng ngài coi cả hai đều quan trọng như nhau và đều biểu lộ sự thiêng thánh. Sau này trong thư ngài sẽ giải thích rằng cộng đoàn như một cơ năng, trong đó mỗi người đều có phần riêng để tham dự, tất cả đều sống trong Thần Khí Chúa Kitô là nguyên lí ban sự sống. Bởi vậy, nếu sự sống này không được chia sẻ, nó sẽ bị thoái hóa và thất bại ngay trong mục đích của nó.

 

TIN MỪNG: Ga 6,51-58

Bánh trường sinh đích thực

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đồng hóa thân xác của Người với bánh từ trời xuống và Người ám chỉ về cái chết của mình sẽ trở thành sự sống cho thế gian. Ý nghĩ về việc ăn thịt của một người khác thật đáng ghê sợ đối với các thính giả thời Chúa Giêsu cũng như đối với chúng ta ngày nay nếu họ chưa biết Sách Thánh. Một khẳng định táo bạo như vậy đòi hỏi phải được giải thích kĩ lưỡng và Chúa Giêsu đã trình bày.

Trong những ngôn từ không thể nhầm lẫn, Chúa Giêsu tuyên bố rằng thịt của Người là thức ăn và máu của Người là thức uống. Vì sợ rằng người ta không chú ý đến tuyên bố này, Chúa nhắc đến bốn lần (cc. 53-56). Cụm từ “thịt và máu” mang nhiều ý nghĩa. Về mặt nghĩa đen, đó là cách chung để mô tả một con người. Khi áp dụng cho Chúa Giêsu, đó là lời tuyên xưng đức tin vào biến cố nhập thể. Người thực sự là một con người, một người bằng xương bằng thịt. Ở một cấp độ khác, cụm từ này cũng gợi lên trong tâm trí mỗi người lễ vật hi tế, tức là con vật trước tiên phải bị giết (có thịt và máu) rồi sau đó được chia cho mọi người ăn theo nghi lễ phụng tự (trở thành thức ăn và đồ uống). Chúa Giêsu là “thịt và máu”, cũng đúng theo cách này, trước tiên như là lễ vật hiến tế trên thập giá và sau đó trở nên của ăn và thức uống cho mọi người.

Việc giải thích Kitô học về manna đã mang một ý nghĩa mới ở đây. Thịt và máu của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn sống cho những người tham dự. Nói cách khác, sự sống vĩnh cửu bắt nguồn từ việc nuôi dưỡng mình bằng Chúa Giêsu, chứ không chỉ đơn thuần là tin vào Người. Chúa Giêsu tiến thêm một bước nữa trong giáo huấn của Người về sự sống vĩnh cửu. Người ngụ ý rằng sự sống đó không phải chỉ là điều mà người ta hy vọng được hưởng trong thời gian tương lai. Đúng hơn, những người dự bữa ăn này đã được hưởng sự sống vĩnh cửu rồi. Những gì mà tương lai còn đặt ở trước họ, đó là sự sống viên mãn sẽ đạt được khi người ta sống lại vào ngày sau cùng. Chặng đường mà sự sống vĩnh cửu khởi xuất từ Thiên Chúa đến với chúng ta mới chỉ được phác họa. Thiên Chúa hằng sống, Đấng mà Chúa Giêsu gọi là Cha, là cội nguồn của sự sống này. Chúa Giêsu đã tận hưởng bởi vì Người kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Cha. Còn chúng ta cũng đã được nếm hưởng bởi vì chúng ta nuôi sống mình bằng Chúa Giêsu, Đấng là bánh của sự sống tuôn trào.

Chúa Giêsu khai triển thêm nữa hình ảnh ẩn dụ về sự ăn uống. Người tuyên bố rằng giống như chúng ta và chất liệu mà chúng ta ăn, uống trở thành một, thì Chúa Giêsu và những ai nuôi sống bằng Người cũng trở nên một, kết hợp mật thiết trọn vẹn. Trong mối thân mật thông giao đó, họ ở trong Người và Người ở trong họ. Động từ Hi Lạp được sử dụng ở đây (meno) có nghĩa là ở lại một nơi, ngụ cư mãi mãi. Điều này ngụ ý rằng Chúa Giêsu không chỉ đến thăm qua những người nuôi sống Người, Người còn thật sự ở lại với họ. Người lưu lại đó vĩnh viễn. Kết hợp với Chúa Giêsu cũng trở nên hội nhập như hành động ăn uống, và sự ở lại trong nhau có được từ đó cũng là một việc hết sức riêng tư, giữa hai con người.

Bây giờ chắc không còn có vấn nạn nào trong tâm trí những người nghe nữa. Chúa Giêsu, chứ không phải manna, là bánh từ chính Thiên Chúa ban xuống. Những người ăn manna đã chết; còn những ai nuôi sống mình bằng Chúa Giêsu sẽ sống mãi.

====

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 790, 1003, 1322-1419: Bí tích Thánh Thể

+  GLHTCG 805, 950, 2181-2182, 2637, 2845: Thánh Thể và sự hiệp thông giữa các tín hữu

+  GLHTCG 1212, 1275, 1436, 2837: Thánh Thể là lương thực thiêng liêng

Lm. Giuse Ngô Quang Trung