Tin Giáo Hội Hoàn Vũ từ 12-14/2/2022

print

Tin Giáo Hội Hoàn Vũ từ 12-14/2/2022

Nguồn: https://vietnamese.rvasia.org/

 

Đức Thánh cha cải tổ cơ cấu nội bộ của Bộ Giáo lý đức tin

The offices of the Congregation for the Doctrine of the Faith | Vatican News

Hôm 14 tháng Hai năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã ban hành tự sắc “Fidem servare”, Gìn giữ đức tin, cải tổ cơ cấu và cách điều hành nội bộ của Bộ này.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong Tự sắc, Đức Thánh cha qui định rằng từ nay Bộ Giáo lý đức tin được chia làm hai phân bộ: phân bộ đạo lý và phân bộ kỷ luật, cả hai đều dưới quyền Đức Hồng y Tổng trưởng, nhưng mỗi phân bộ sẽ có một vị Tổng giám mục Tổng thư ký điều khiển, với sự phụ giúp của một vị Phó Tổng thư ký và một chánh văn phòng.

Mục đích việc cải tổ này là để nêu bật tầm quan trọng cho phân bộ đạo lý, với vai trò cơ bản là thăng tiến đức tin, nhưng không coi nhẹ hoạt động kỷ luật. Cho đến nay nhiều nhân sự, năng lực của Bộ được dành quá nhiều cho vụ cứu xét những vụ giáo sĩ dụng tính dục. Nay mỗi phân bộ có nhiều năng lực và quyền tự quyết hơn.

Đi vào chi tiết hơn, phân bộ đạo lý phụ trách về các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ đạo lý đức tin và luân lý, đồng thời cũng giúp các nghiên cứu nhắm gia tăng sự hiểu biết và thông truyền đức tin, nhắm tới việc loan báo Tin mừng. Phân bộ này cũng cứu xét các văn kiện các cơ quan khác của Tòa Thánh muốn công bố, cứu xét các tác phẩm và những ý kiến dường như gây vấn đề cho đức tin ngay chính, tạo điều kiện đối thoại với các tác giả và đề nghị các phương thế thích hợp để sửa chữa.

Phân bộ đạo lý cũng có ban về hôn phối, cứu xét và cho phép tháo cởi hôn phối giữa một tín hữu và một người chưa chịu phép rửa tội, dựa theo đặc ân đức tin.

Phân bộ kỷ luật cứu xét những tội ác dành quyền giải cho Bộ Giáo lý đức tin và được xét xử qua Tòa Án tối cao được thành lập tại đây. Phân bộ xác định những thủ tục để cứu xét những vụ kháng án các tội nặng, như lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, tiết lộ bí mật tòa giải tội, giải tội cho kẻ đồng phạm về điều răn thứ sáu, xúc phạm nặng nề tới bí tích Thánh Thể, v.v.

Phân bộ kỷ luật thăng tiến các sáng kiến huấn luyện cho các vị Bản quyền, các chuyên gia về luật, để hiểu và áp dụng đúng đắn các khoản giáo luật liên quan đến thẩm quyền của các vị.

Đức Thánh cha qui định rằng Tự sắc này có hiệu lực ngay từ ngày 14 tháng Hai này, sau khi được công bố trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh.

Trong thời gian sắp tới, có thể Đức Thánh cha sẽ bổ nhiệm các vị lãnh đạo mới cho Bộ Giáo lý đức tin. Đức Hồng y Tổng trưởng Luis Ladaria, dòng Tên, đã 79 tuổi. Đức Tổng giám mục Tổng thư ký cũ Morandi đã được chuyển đi làm giám mục tại một giáo phận ở Bắc Ý và chưa có tổng thư ký mới. Đức Tổng giám mục Scicluna hiện là Đồng tổng thư ký của Bộ này, nhưng đồng thời ngài là Tổng giám mục giáo phận Malta, không thường trú tại Bộ. Ngài cứu xét việc kháng án những vụ xử các tội lạm dụng.

(Rei 14-2-2022)

 

Thư Đức Thánh cha về việc chuẩn bị Năm thánh 2025

Archive image of Pope Francis opening one of the Holy Doors for the Jubilee of Mercy | Vatican News 12/02/2022

Đức Thánh cha Phanxicô cầu mong Năm thánh 2025 tới đây giúp tái tạo bầu không khí hy vọng và tín thác sau thời đại dịch và ngài ấn định năm 2024 trước đó là năm Cầu nguyện khẩn trương để phục hồi ước muốn ở trước mặt Chúa, lắng nghe và thờ lạy Chúa.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha bày tỏ lập trường trên đây, hôm 11 tháng Hai vừa qua, trong thư gửi Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng, là cơ quan được Đức Thánh cha ủy nhiệm việc chuẩn bị Năm thánh tới đây, với chủ đề là: “Những người lữ hành hy vọng”.

Đức Thánh cha viết: “Chúng ta phải giữ cho ngọn đuốc hy vọng, được ban cho chúng ta, luôn cháy sáng và làm mọi sự để mỗi người phục hồi sức mạnh và niềm xác tín nhìn về tương lai với tâm hồn cởi mở, với con tim tín thác và tâm trí sáng suốt”.

“Tất cả những điều ấy sẽ có thể nếu chúng ta có khả năng phục hồi cảm thức về tình huynh đệ đại đồng, không nhắm mắt trước thảm trạng nghèo đói đang lan tràn, ngăn cản hàng triệu người nam nữ, người trẻ và các trẻ em sống xứng đáng là người. Tôi đặc biệt nghĩ đến bao nhiêu người tị nạn buộc lòng phải bỏ quê hương của họ. Tiếng nói của người nghèo cần được lắng nghe trong thời chuẩn bị Năm thánh. Theo lệnh được trình bày trong Kinh thánh,

Trong Năm thánh, hãy trả lại cho mỗi người sự hưởng dùng hoa màu của đất đai: “Những gì đất đai sản xuất trong thời kỳ nghỉ hưu sẽ được dùng để nuôi dưỡng ngươi, đầy tớ nam nữ của ngươi, người làm công và khách ở nơi ngươi; cả đoàn vật và súc vật ở trên đất ngươi, những gì chúng sản xuất cũng được dùng để nuôi dưỡng”, Sách Lêvi đoạn 25, câu 6 và 7.

Đức Thánh cha nhắc lại rằng theo thói quen, Tông sắc ấn định Năm thánh sẽ được công bố đúng thời hạn, và sẽ chứa đựng những chỉ dẫn cần thiết để cử hành Năm thánh 2025. Trong thời gian chuẩn bị đó, Đức Thánh cha nghĩ rằng có thể dành năm 2024 làm năm Cầu nguyện, như một bản đại hợp xướng… Ngoài ra, cầu nguyện để cảm tạ Thiên Chúa vì bao nhiêu hồng ân do tình thương của Chúa đối với chúng ta và chúc tụng công trình của Chúa trong thiên nhiên, thúc đẩy tất cả hãy tôn trọng và có những hành động cụ thể trong tinh thần trách nhiệm để bảo tồn công trình tạo dựng. Cầu nguyện như tiếng nói “của tâm đầu ý hiệp” (Xc Cv 4,32), được biểu lộ trong tình liên đới và chia sẻ cơm bánh hằng ngày. Cầu nguyện giúp mỗi người nam nữ trên thế giới này ngỏ lời với Thiên Chúa duy nhất, để biểu lộ với Chúa những gì ở trong thẳm sâu tâm hồn. Cầu nguyện như con đường tuyệt hảo để nên thánh”.

(Rei 12-11-2022)

 

Số tín hữu Công giáo tăng thêm 16 triệu người

I sacerdoti sono chiamati a diffondere la Parola di Dio nel mondo | Vatican Media

Số tín hữu Công giáo tăng thêm 16 triệu người, theo thống kê mới nhất của Tòa Thánh.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Báo “Quan sát viên Roma” (Osservatore Romano), số ra ngày 10 tháng Hai năm 2022 cho biết theo Sở thống kê trung ương của Giáo hội Công giáo, nói về tình trạng Giáo hội Công giáo tính đến cuối năm 2020, số tín hữu Công giáo trong toàn Giáo hội là một tỷ 360 triệu người, so với một tỷ 344 triệu hồi năm 2019, tức là tăng 1,2%.

Trong cùng thời gian đó, dân số thế giới tăng từ 7 tỷ 578 triệu lên 7 tỷ 667 triệu người, trong số này 17,7% là tín hữu Công giáo.

Tuy nhiên, tỷ lệ tín hữu Công giáo tăng giảm khác nhau theo mỗi đại lục: Công giáo tại Á châu tăng 1,8%, đặc biệt tại Đông Nam Á, mặc dù có sự suy giảm tại Trung Đông. Tại Phi châu, Công giáo tăng 2,1%. Trái lại, dân số Công giáo tại Âu châu chỉ tăng 0,3%.

Công giáo tại Phi châu tăng 18,9% dân số Công giáo thế giới, trong khi tỷ lệ này tại Âu châu giảm xuống còn 21,9%. Mỹ châu vẫn là nơi có nhiều tín hữu Công giáo nhất, chiếm 48% tổng số tín hữu Công giáo hoàn vũ, trong số này gần 28% sống tại Mỹ châu Latinh.

Dân số Công giáo tại Á châu chiếm 11% số tín hữu Công giáo thế giới, mặc dù dân Á châu nói chung chiếm 59% dân số trên hoàn cầu.

Giám mục và linh mục

Số giám mục trong Giáo hội, theo thống kê mới nhất, hầu như không thay đổi, với 5.364 vị. 13,4% giám mục trên thế giới là người Phi châu.

Số linh mục triều và dòng trong Giáo hội là 410.219 vị, tính đến cuối năm 2020, tức là giảm 4.117 linh mục. Số linh mục tại Bắc Mỹ giảm 1.114 vị và Âu châu giảm 4.374 vị, Úc châu giảm 104 vị, nhưng gia tăng tại Phi châu (thêm 1.004 vị) và Á châu (tăng 778 vị).

Phó tế vĩnh viễn

Đây là nhóm tăng mạnh nhất và có 48.635 thầy trong năm 2020, tăng 1% so với năm trước đó.

Tu huynh, nữ tu và chủng sinh

Số tu huynh trong Giáo hội là 50.569 thầy trong năm 2020, tăng thêm 274 thầy so với năm trước đó. Số nữ tu tiếp tục giảm bớt, còn gần 620.000 chị (619.546), tức là giảm hơn 10.550 chị so với năm 2019 trước đó.

Số chủng sinh trong năm 2020 là gần 111.900 thầy (111.855), tức là giảm 2203 thầy.

(Oss.Rom. 10-2-2022)