CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C
TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
Lm. Giuse Nguyễn
Cùng với mẹ Hội thánh hôm nay chúng ta chính thức bước vào Mùa Vọng 2024 với chủ đề năm Mục vụ: “Cùng nhau loan báo Tin mừng”. Theo lời Hội Thánh: “Mùa Vọng vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, mùa vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi” (AC 39). Vì vậy chúng ta hãy sốt sắng và hân hoan vui mừng bước vào Mùa Vọng năm nay để nhờ lời Chúa hướng dẫn, chúng ta sẽ hang say loan báo Tin mừng hy vọng của Chúa Giêsu.
I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
- Bài Đọc I: Gr 33, 14-16
Điều tốt lành mà Thiên Chúa sẽ thực hiện cho nhà Israel là sẽ cho xuất hiện một Đấng Công Chính để chăm sóc họ. Nhờ Đấng Công Chính này mà đất nước của họ sẽ được an cư lạc nghiệp, sẽ được cứu thoát. Rõ ràng đây là một tin vui cho nhà Israel, và qua họ cho toàn thể nhân loại, nhưng còn rất nhiều người chưa được biết đến.
- Bài Đọc II: 1Tx 3, 12-4,2
Để chuẩn bị cho “Đấng Công Chính” ngự đến, thánh Phaolô khuyên các tín hữu thành Thexalônica phải “Bền tâm vững chí”, “trở nên thánh thiện”, “không gì đáng chê trách”. Những điều này rất khó, nhưng vì niềm vui xuất hiện của Đấng Công Chính quá lớn lao nên chúng ta sẵn sàng hy sinh làm tất cả để có được niềm vui đó.
- Tin Mừng: Lc 21, 25-28 . 34-36
Còn trong bài Tin Mừng theo tường thuật của thánh Luca, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy những dấu chỉ vào ngày Con Người ngự đến. Đứng trước những dấu chỉ này, người đời sẽ rất sợ hãi, đó là chuyện tự nhiên, nhưng đối với Chúa Giêsu, Ngài bảo: “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì anh em sắp được cứu chuộc”.
Như vậy phụng vụ lời Chúa hôm nay loan báo cho chúng ta một tin vui, đó là sẽ có ngày Con Người ngự đến trong vinh quang để cứu độ từng người chúng ta và toàn thể vũ trụ này. Chính vì vậy ngày đó không làm cho chúng ta phải hoảng sợ, nhưng làm cho chúng ta vui mừng. Tuy nhiên để có được niềm vui đó thì chúng ta phải: “Tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.
II. ĐỂ CÓ ĐƯỢC NIỀM VUI
Để có được niềm vui trong ngày Chúa đến lần sau hết, Chúa Giêsu đã dạy 2 điều trở thành câu Slogan trong Mùa Vọng: Tỉnh thức – Cầu nguyện.
- Tỉnh thức
Câu chuyện quen thuộc của vị thánh trẻ Đaminh Saviô cho chúng ta biết thế nào là tỉnh thức. Khi thánh Gioan Boscô hỏi những đứa trẻ: “Giả dụ bây giờ tận thế, con sẽ làm gì?” “Thưa cha con sẽ vào nhà thờ cầu nguyện”. “Thưa cha con sẽ đi xưng tội”. “Thưa cha con sẽ đi gặp những người thân thương của con”. Riêng Đaminh Saviô thì trả lời: “Con cứ chơi”. Đơn giản bởi vì cậu ta luôn chu toàn bổn phận của mình đối với Chúa và đối với người khác. Như vậy lời Chúa ngày hôm nay còn là một lời nhắc nhở cho những ai chưa thức tỉnh, sẵn sàng, hãy biết hoán cải để thức tỉnh sẵn sàng bằng cách luôn chu toàn bổn phận đối với Chúa và đối với người khác.
Mỗi người chúng ta ở đây cũng có những lúc chưa chu toàn bổn phận của mình đối với Chúa và đối với người khác, cụ thể là gia đình và những người mà Chúa đã trao phó cho chúng ta. Hãy cám ơn Chúa vì chúng ta còn có cơ hội lắng nghe lời Chúa, không phải để chúng ta sợ hãi vì cảnh tượng hãi hùng của ngày tận thế, nhưng để chúng ta lo chỉnh đốn lại cuộc sống của mình. Tuy nhiên, cơ hội đó không phải luôn luôn có. Hôm nay chúng ta còn thời giờ ăn năn sám hối, nhưng biết đâu ngày mai không còn nữa thì sao? Vậy thì hãy tận dụng những giây phút hiện tại để chỉnh đốn lại cuộc sống của mình. Chỉnh đốn bằng cách: “Chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”. Nói chung là những thứ khiến lòng mình xa Chúa và cuộc sống của mình xa cách người khác.
- Cầu nguyện
Điều kế tiếp mà Chúa Giêsu dạy chúng ta là phải cầu nguyện. Cầu nguyện không phải để đối phó với ngày tận thế, cũng không phải để đương đầu với những sự khủng khiếp sắp xảy ra, nhưng bởi vì cầu nguyện là điều kiện thiết yếu của người kitô hữu, là sự sống còn của đời sống thiêng liêng, là mối dây để liên kết chúng ta với Thiên Chúa. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có bốn phần, thì trọn phần cuối dành để nói về việc cầu nguyện, đủ để cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Khi đến trần gian này, khuôn mặt rõ nét của Đức Kitô có thể nói là khuôn mặt của một con người cầu nguyện liên lỉ. Kinh thánh cho chúng ta thấy Ngài cầu nguyện vào sáng sớm, lúc chiều tà, khi nửa đêm; Khi gặp chuyện vui như kết quả truyền giáo tốt đẹp của các môn đệ, khi gặp chuyện buồn như trong vườn cây dầu, khi gặp cám dỗ như trong sa mạc, khi bị người đời hiểu lầm, khi bị người khác hãm hại… Trong mọi hoàn cảnh, Chúa Giêsu đều cầu nguyện để gắn bó với Chúa Cha. Nối bước Ngài, các vị thánh cũng luôn là những con người cầu nguyện. Chúng ta dám khẳng định một điều: không có vị thánh nào mà không có đời sống cầu nguyện, thậm chí có những vị có một đời sống cầu nguyện đặc biệt như thánh Têrêxa Avila hay thánh Gioan Thánh Giá, cầu nguyện đến quên ăn quên ngủ, cầu nguyện đến xuất thần, cầu nguyện đến bay lơ lửng trên không…
Là những kitô hữu, chúng ta cũng phải cầu nguyện. Dĩ nhiên mỗi người có một hoàn cảnh, một điều kiện, một tâm lý khác nhau, nên có thể khác nhau về cách thức cầu nguyện, nhưng vẫn cùng chung một mục đích là để gắn bó với Chúa. Cách tốt nhất để cầu nguyện là những giờ kinh chung trong gia đình, để không phải một mình tôi, mà cả gia đình cùng cầu nguyện. Rồi trong một ngày sống mỗi khi làm việc gì, chúng ta cũng hãy nói với Chúa một tiếng: “Lạy Chúa, hãy làm với con”. Khi gặp bất cứ chuyện gì chúng ta cũng hãy tâm sự với Chúa: “Lạy Chúa Con đang vui, con đang buồn, con đang gặp khó khăn, con đang gặp cám dỗ…” Nói chung làm tất cả để được gắn bó với Chúa mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh.
Mùa Vọng năm nay càng đặc biệt hơn, vì nó khởi đầu cho năm Mục vụ 2024 Cùng nhau Loan báo Tin Mừng. Thiết nghĩ để có thể Loan báo Tin mừng, mỗi Kitô hữu phải sống đẹp, sống vui “không gì đáng chê trách”. Để có thể sống đẹp, sống vui, Kitô hữu phải luôn luôn nối kết với Chúa trong sự sẵn sàng. Nhờ đời sống luôn hướng về những giá trị cao quý, người Kitô hữu sẽ trở thành dấu lạ cho con người thời đại hôm nay.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con luôn bắt chước Mẹ để cầu nguyện trong Đền Thờ, nơi gia đình, lúc làm việc… để khi có Chúa trong lòng, Mẹ sẵn sàng đem Chúa đến cho người khác, bất chấp những gian nguy.