Tôi Theo Đạo Trời
IMPRIMATURE : Sài Gòn, ngày 6 tháng 6 năm 1965
F.X. TRẦN THANH KHÂM
Vic. Gen
- Đạo Trời là gì ? 4
- Tại sao nhận biết có Trời ? 4
- Những ai tin tưởng có Trời ? 5
- Đạo Trời có phải riêng cho một nước nào không ? 5
- Làm thế nào biết được Đạo Trời ở nơi mỗi người ? 6
- Mỗi người phải giữ Đạo Trời thế nào ? 6
- Dân chúng từ xưa thờ kính Trời như thế nào ? 7
- Đạo Trời dạy ta cư xử với nhau như thế nào ? 8
- Đạo Trời có từ bao giờ ? 8
- Ý Trời thế nào ? 9
- Đạo Trời đưa người ta đến đâu ? 9
- Thực hiện đạo Trời có dễ không ? 9
- Trên đường thực hiện đạo Trời, người ta gặp những kẻ thù nào ?. 10
- Con người đối phó thế nào với 3 loại kẻ thù đó ? 11
- Xa-tan ở đâu ra và mưu hại con người đến thế ? 11
- Có ai thắng được Xa-tan ác quỷ chưa ? 12
- Đạo Trời từ xưa tới nay được công bố như thế nào ?. 12
- Việc Đức Giê-su Ki-tô đến có lợi gì cho nhân loại ? 14
- Sự nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô còn tồn tại trong nhân loại bằng cách nào ?. 15
- Muốn học hỏi gia nhập Đạo Trời, tức Đạo Công Giáo, ta có thể căn cứ vào đâu và ta đến với ai ? 15
- Tại sao có người đang giữ đạo tự nhiên, ăn ngay ở lành, danh thơm tiếng tốt rồi, mà khi gặp Đạo Trời, lại tin theo ? 16
- Đạo Trời đối với Đạo Ông Bà Tổ Tiên thế nào ? 17
- Có người nghĩ rằng theo Đạo Trời thì không cúng thực phẫm đồ dùng cho ông bà để ông bà đói khổ, vì thế mà có người tuy mến Đạo Trời, nhưng vẫn chưa dám trở lại. Nghĩ thế có đúng chăng ? 18
- Có người biết Đạo Trời là cần cho mình, nhưng vì sinh kế bận rộn, vì còn muốn sống dễ dãi, ngại chịu khó, nên chưa dám trở lại Đạo. Nghĩ thế có được chăng ?. 19
Ý kiến của những người trở lại Đạo Thiên Chúa 21
Nghi thức Lễ Cưới ở gia đình: 24
Lễ Gia Tiên và cầu nguyện tạ ơn: 26
TÔI THEO ĐẠO TRỜI
1. Đạo Trời là gì ?
- Đạo Trời là lòng tin tưởng một vị linh thiêng, tự hữu, toàn năng, toàn thiện, chí công, chí minh, ngự trên Trời; Đấng ấy gọi nôm na là Ông Trời, là Tạo Hóa, là Thượng Đế, là Đấng Tối Cao, tùy tiếng nói của mỗi dân tộc. Đức Khổng Tử nói: “Duy Thiên vi đại” (chỉ có Trời là lớn). Thầy Chu Tử nói: “Thượng Đế giả, Thiên chi Chúa tể giả” (Vua trên hết là Chúa trên Trời).
2. Tại sao nhận biết có Trời ?
- Vì nhìn vào gốc chữ Thiên là bởi hai chữ nhất và đại hợp lại mà thành. Ý nói: Đấng lớn nhất là Trời và nhìn vào vũ trụ bao la, tinh vi huyền diệu, tôi nhận rằng phải có bàn tay tác tạo…
Ta xem một chiếc đồng hồ,
Nếu không có thợ, bao giờ thành thân,
Phương chi máy tạo xoay vần,
Tứ thời bát tiết muôn phần lạ hơn,
Nên ta phải lấy trí khôn,
Luận rằng có Đấng Chí Tôn sinh thành.
Đức Khổng Tử nói: “Nhân tri nhân, bất khả dĩ bất khả tri Thiên” (người ta còn biết nhau, không thể mà không biết Trời được).
Con chim nó hót trên cành,
Nếu trời không có, có mình làm sao ?
Con chim nó hót trên cao,
Nếu Trời không có thì sao có mình ?
Trời là gốc của vạn vật “Thiên giả vạn vật chi tổ”
Ông Đổng Trọng Thư nói: “Thiên giả vạn vật chi tổ” (Trời là gốc của vạn vật).
3. Những ai tin tưởng có Trời ?
- Có thể nói được rằng hầu hết nhân loại đều tin tưởng có Trời. Tính tự nhiên của con người, khi gặp nguy biến, đều kêu đến Trời: gặp oan ức đầu xin Trời chứng quả: gặp tình thế khó khăn, đều xin Trời xét xử.
Ta có khúc ca dao diển tả lòng tin ở Trời một cách chân thành, thực tế:
Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nuớc tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm…
4. Đạo Trời có phải riêng cho một nước nào không ?
- Đạo Trời chung cho mọi nước, mọi đời, vì Trời là: “Vạn vật chi tổ” nên ai ai cũng phải thờ kính Trời, làm gì cũng không qua được mắt Trời vì: “Thiên chi thông minh, vô sở bất cập” (Trời sáng suốt, không có gì mà không biết).
Đức Khổng Tử nói: “Minh Đạo chi bản nguyên, xuất ư Thiên” (Đạo sáng suốt là bởi Trời ban xuống), chứ không phải do loài người đặt ra đâu – nên không thể gò ép vào một nước hay vào một thời đại nào được.
5. Làm thế nào biết được Đạo Trời ở nơi mỗi người ?
- Trời ban cho mỗi người có lương tri, lương tâm như ngọn đèn soi cho ta biết đâu là thật, đâu là dối, đâu là lành, đâu là dữ, đâu là phúc, đâu là tội, để ta lái mọi tư tưởng, hành động của ta sao cho hợp với đường lối của Trời.
Đức Khổng Tử nói: “Đạo bất viễn nhân” (Đạo không có xa người ta đâu) và “Tri Thiên đạo, hành thân dĩ nhân nghĩa” (Biết Đạo Trời thì ăn ở theo nhân nghĩa).
6. Mỗi người phải giữ Đạo Trời thế nào ?
- Phải cố gắng tìm cho thấy rõ Đạo Trời ở nơi mình như lời dạy: “Tiễn kinh cức nhi tầm đại đạo” (Phải phát quang gai góc mà tìm ra đường lớn). Phải lấy Đạo mà hướng dẫn đời sống (Dĩ đạo tuẫn nhân) – theo lương tâm mà lấy điều thiện làm vui, lấy đạo lý làm trọng (Vì thiện tối lạc, đạo lý tối đại – phải nhớ luật của Trời làm lành sẽ được thưởng, làm dữ sẽ bị phạt (Tác thiện giáng chi bách tường, tác bất thiện giáng chi bách ương. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu ( Lưới trời rộng, thưa mà không lọt đâu ).
7. Dân chúng từ xưa thờ kính Trời như thế nào ?
- Xưa trong một nước, chỉ có vua được đại diện toàn dân mà tế lễ Trời, ba năm một lần, gọi là tế Nam Giao – Khi gặp tai nạn bất ổn định như mất mùa, giặc giã, nhà vua cũng có thể tổ chức lễ tế Trời, để cầu xin cho quốc thái dân an. Ở kinh đô có một đền gọi là đền Kính Thiên, trong đó có để bài vị thờ Trời, viết 4 chữ: “Hoàng Thiên Thượng Đế”.
Tuy vua đã đại diện cho dân thờ Trời trong lễ Nam Giao, nhưng dân vẫn thấy cần phải thờ Trời hằng ngày, vì thế mỗi gia đình thường có bàn thờ trong nhà hay là xây trên cột ở ngoài sân trước nhà, sớm tối vái lạy, và thỉnh thoảng dâng hương nến, hoa quả để tỏ lòng tri ân. Xét như thế thì đạo thờ Trời vẫn là đạo phổ thông nhất trong nhân loại.
8. Đạo Trời dạy ta cư xử với nhau như thế nào ?
- Đã nhận Trời làm gốc tổ (Thiên giả vạn vật chi tổ), nhận Trời làm cha mẹ sinh thành (Thiên vi phụ mẫu) thì phải coi mọi người là anh em (tứ hải giai huynh đệ) và cư xử như trong đại gia đình mà Trời là Cha, nhân loại là anh em với nhau vì tất cả đều là con của Trời. Đã coi nhau là anh em, thì lấy lòng thành mà đối đãi, lấu tình thương mà bao bọc. Đức Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn, thì đừng làm cho người khác). Ông Mạc Tử chủ trương: Kiêm ái – Những giáo điều về: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín đều do lòng tin ở Trời mà phát xuất, đã là gường mối vững chắc cho nhiều dân tộc Á Đông và đã đào tạo nhiều Hiền Nhân, Quân Tử (Sỷ hy hiền, hiền hy thánh, thánh hy Thiên): Người có học thì mong tới bật hiền, người hiền mong tới bật thánh, người thánh mong tới cảm thông được với Trời. – Những bật minh quân biết vị nhân (như Lê Thánh Tôn) những tường anh hùng biết vị nước (như Trần Hưng Đạo) đều tin tưởng ở Trời.
9. Đạo Trời có từ bao giờ ?
- Đạo Trời có từ khi Trời tác tạo ra con người có trí khôn biết suy luận, biết hướng về Trời, biết xem ý Trời thế nào mà hành động.
10. Ý Trời thế nào ?
- Ý Trời là lương tri, lương tâm, Trời đã đặt trong lòng mỗi người, khác nào hạt giống đặt vào đất, sẽ dần dần nẩy mầm vươn lên thành cây, sinh hoa kết quả, thế là đạt tới mức độ mà ý Trời mong muốn. Ngay từ thời thượng cổ, các bật hiền nhân làm gì cũng theo lương tri, lương tâm chỉ dẫn, nên đã để lại nhiều thành quả phúc đức, nên gương thánh thiện cho con cháu về sau. Các đời: Phục Hy, Thần Nồng, Hoàng Đế Nghiêu, Thuấn đã lấy việc thờ Trời làm trọng, lấy thánh ý Trời làm luật lệ, nên dân chúng đã được thái bình, an cư lạc nghiệp, khiến đời sau có câu nói: “Ngày Nghiêu tháng Thuấn” để chỉ những ngày bằng yên vui vẻ.
11. Đạo Trời đưa người ta đến đâu ?
- Đạo Trời đưa người ta về tới Trời, như đưa con cháu về với Tổ Tiên, vì Trời là gốc của mọi người. Vì Trời là Đấng tự hữu toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ, là nguồn hạnh phúc vô biên, nên con người trở về với Trời là đạt tới hạnh phúc vô biên và vĩnh cửu mà tâm hồn khao khát.
12. Thực hiện đạo Trời có dễ không ?
- Dễ hay khó là tại mỗi người. E ngại rụt rè thì cho là khó – Can đảm cương quyết thì không khó nữa – “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông (Nguyễn Bá Học). Thực hiện đạo Trời là sống theo lương tâm, làm lành lánh dữ, mà làm điều lành là con đường đi lên cao, bao giờ cũng khó nhọc (tác thiện như đăng) – nhưng ở đời có khó mới có khôn – có làm điều lành, có hy sinh rồi mới thấy kết quả phúc, mới được an vui (Vi thiện tối lạc).
13. Trên đường thực hiện đạo Trời, người ta gặp những kẻ thù nào ?
- Người ta gặp ba loại kẻ thù:
- Một là ngay ở trong mình: khác nào sâu bọ ở ngay trong ruột cây, nếu không dùng thuốc cay đắng giết đi thì nó đục khoét ăn hết nhựa và làm đổ cây mất. Loại sâu bọ trong tâm con người chính là tính mê nết xấu, các dục vọng đê hèn.
- Hai là các chứng ngoại cảm do thời khí: tức là phong trào của thế tục nổi lên cám dỗ lôi cuốn vào hầm hố trụy lạc, sa đọa, giết hại con người.
- Ba là kể cướp đường: đó là Satan ác quỷ, là những tà thần ghen ghét với con người, ngày đêm không ngừng tìm trăm mưu nghìn kế để ám hại con người.
14. Con người đối phó thế nào với 3 loại kẻ thù đó ?
- Phải tự tu tỉnh và kêu cứu kịp thời:
- Tự tu là sửa trị tính nết xấu, loại trừ những sâu mọt đục khoét trong mình.
- Tự tỉnh là tỉnh táo đề phòng, tránh xa những cạm bẫy do thế tục giương lên để bắt mình.
- Kêu cứu kịp thời và xin Trời hộ giúp để Xa-tan ác quỷ không hại được mình.
Kẻ lành thánh, người khôn ngoan nhờ 3 việc đó là lúc nào cũng vững như kiềng 3 chân. Tự Thiên tử chí ư thứ dân, dĩ tu thân vi bản.
Ca dao nói:
Chim khôn xa tránh lưới dò,
Người khôn tránh chốn ô đồ mới khôn.
Trời giúp kẻ tự giúp.
15. Xa-tan ở đâu ra và mưu hại con người đến thế ?
- Nó là một loài do Trời sinh ra, rồi vì tự kiêu tự đại mà phản bội với Trời, nên nó muốn phá việc của Trời, và không muốn cho con người trở về với Trời, vì như thế thì Trời được vinh hiển và con người được hạnh phúc thật.
Xa-tan không làm gì được Trời, nhưng chỉ làm hại được con người bằng cách lôi cuốn dụ dỗ con người xa Trời, phản bội với Trời như nó. Người nào mắc mưu Xa-tan là đi đến chỗ tự sát và đồng khổ cực với nó sau này mãi mãi.
16. Có ai thắng được Xa-tan ác quỷ chưa ?
- Các bậc thánh nhân lấy Đạo Trời làm lẽ sống, những người không ngoan bền chí, quyết giữ đạo Trời dù chết cũng không bỏ. Những vị đó đã thắng được Xa-tan (vì nó muốn cướp lòng trung thành của các vị ấy đối với Trời, mà không cướp được, tức là nó bại, còn các ngài thành công là thắng cuộc rồi). Sự thắng trận của các thánh đôi khi cũng được Trời cho một vài điểm lạ để chứng quả, và nhân đó khuyến khích những người còn đang chiến đấu, chưa đến mức cuối cùng.
17. Đạo Trời từ xưa tới nay được công bố như thế nào ?
- Lịch sử Đạo Trời là lịch sử nhân loại, vì Đạo Trời là đường lối để Trời đi xuống với nhân loại bằng cách tác tạo nên ta, và cũng là đường lối để nhân loại ta đi lên với Trời, đó là trở về nguồn chơn phúc vô biên mà ta khát vọng.
Đạo Trời được công bố bằng ba hình thức:
- Hình thức thứ nhất là in sẵn vào tâm hồn mỗi người khi sinh ra. – Đến tuổi khôn người ta nhìn thấy trong lòng mình ý nghĩa thế nào là lành, thế nào là dữ, đâu là phúc, đâu là tội, – và khi làm trái lương tâm thì người ta thấy bứt rứt sầu khổ.
- Hình thức thứ hai là đi vào lịch sử thực sự. Trời chọn một dân tộc, giao cho sứ mạng duy trì, phổ biến ý niệm về Đạo Trời, kêu gọi các dân tộc khác giác ngộ từ bỏ những tà thần mà Xa-tan đã bày đặt ra để lừa dối con người. Hình thức thứ hai này đã được thực hiện trong lịch sử dân Do Thái – Đạo luật của Trời xưa chỉ in trong lòng người thì đã được in vào bia đá trên núi Si-nai và trao cho thủ lĩnh Mô-sê đem công bố cho dân một cách long trọng vào khoảng 1500 năm trước Dương Lịch.
- Hình thức thứ ba tiếp tục lịch sử thực sự. Đó là việc Trời cử một Ngôi vị giáng trần, nhập thể làm một Con Người để sống với con người chúng ta, trực tiếp nói với nhân loại đường lối của Đạo Trời, và cho chúng ta biết Trời yêu thương ta như Cha yêu thương con, cùng dạy ta cách thức cầu nguyện thông hiệp với Trời. Ngôi vị Trời giáng trần đây chính là Đức Giê-su Ki-tô mà thân thế và sự nghiệp đã được lịch sử ghi nhận rõ ràng – và sự giáng trần của Ngài đã dựng nên một cái mốc phân chia lịch sử làm hai giai đoạn:
- Trước Ngài ( BC ): Tính từ Ngài đến lui về trước.
- Sau Ngài ( PC ): Tính từ Ngài đến cho tới nay.
Và cũng từ ngày Đức Giê-su Ki-tô đi vào lịch sử nhân loại, Đạo Trời được sáng tỏ và mang thêm một tên mới là Ki-tô Giáo.
18. Việc Đức Giê-su Ki-tô đến có lợi gì cho nhân loại ?
- Lợi rất nhiều và rất lớn:
- Nhờ sự hy sinh của Ngài, nhân loại được Chúa Trời ( Thiên Chúa ) nhận vào hàng con cái và cho hưởng gia nghiệp Thiên Quốc nếu trung thành.
- Nhờ lời giáo huấn của Ngài, nhân loại biết được gốc ngọn của mình, biết được lẽ sống chân chính, biết được đường lối trở về với Chúa Trời.
- Nhờ sự trung gian của Ngài, nhân loại lại được ơn thiêng hổ trợ thắng các mưu chước của Satan và bè lũ, để tiến tới quê thật là nước Trời.
19. Sự nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô còn tồn tại trong nhân loại bằng cách nào ?
- Vì Đức Giê-su Ki-tô là một Ngôi Trời giáng thế, nên sau khi hoàn thành sứ mệnh, Ngài về Trời: – Nhưng sự nghiệp của Ngài cần phổ cập đến mọi người và trong mọi thế hệ, nên Ngài đã lập một hội đoàn để duy trì, phổ biến những chân lý về Đạo Trời cho kẻ hậu lai khỏi bị Xa-tan lừa dối mà thiệt phần vĩnh phúc chăng.
Hội đoàn mà Đức Giê-su Ki-tô để lại, đó là Hội Thánh, do các Tông Đồ kế tiếp nhau lãnh đạo. Vị Tông Đồ Trưởng gọi là Giáo Hoàng, là thủ lãnh thay mặt Chúa Giê-su lãnh đạo Hội Thánh. Thánh Phê-rô là vị Giáo Hoàng đầu tiên do chính Chúa Giê-su chỉ định; và vị Giáo Hoàng hiện tại là Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô (vị thứ 266) đang coi sóc hướng dẫn Hội Thánh từ năm 2013 đến năm nay.
20. Muốn học hỏi gia nhập Đạo Trời, tức Đạo Công Giáo, ta có thể căn cứ vào đâu và ta đến với ai ?
- Căn cứ vào sử sách, vào uy tín và công cuộc của Hội Thánh đã thực hiện từ hai ngàn năm nay ở khắp các nước trên thế giới. Bộ sách Thánh Kinh gồm phần Cựu Ước (Đạo Trời do Ông Mô-sê và các Ngôn Sứ ghi chép trước Chúa Giáng Sinh) và phần Tân Ước (Đạo Trời từ Đức Giê-su Ki-tô trở về sau do các môn đệ Ngài ghi chép ): Là bộ sách được phổ biến rộng rãi nhất từ xưa tới nay. Nước nào cũng có Thánh Kinh, có sách Giáo Lý in bằng tiếng nước mình, nên việc học hỏi đạo đuợc dễ dàng. Còn việc gia nhập đạo cũng được các vị đại diện của Giáo Hội Công Giáo chỉ bảo cặn kẽ và tiếp đón nồng hậu.
Dù nhiều khi bị hiểu lầm, bị ghen ghét, bị bách hại, Giáo Hội vẫn phát triễn bất chấp mọi trở lực, khiến con số giáo dân Công Giáo ngày nay đã tới 1.3 tỷ người.
Lòng Trời lượng cả bao dung
Biết rồi không lẽ nào không trở về
Xưa kia chỉ biết kêu “Trời”,
Ngày nay lại biết “Chúa Trời là Cha”.
Trần gian chưa phải là Nhà,
Thiên Đàng vĩnh phúc mới là chính Quê.
Chữ rằng “Sinh ký tử quy”,
Nghĩa là: “Sống gởi thác về đời sau”.
21. Tại sao có người đang giữ đạo tự nhiên, ăn ngay ở lành, danh thơm tiếng tốt rồi, mà khi gặp Đạo Trời, lại tin theo ?
- Vì Đạo tự nhiên thực ra cũng là Đạo Trời, nhưng ở giai đoạn sơ khai còn thiếu sót. Vả lại giữ đạo có phải cốt cho được danh thơm tiếng tốt ở đời này đâu, nhưng là cốt làm đầy đủ đức hiếu thảo đối với Trời là Đấng sinh thành dưỡng dục và thưởng phạt người ta sau này. Vì thế khi gặp được Đạo Trời ở giai đoạn hoàn toàn thì không thể không theo cho được.
Đức Giê-su đã ví Đạo Trời như viên ngọc quý giá đặc biệt mà một đời người chỉ gặp thấy có một lần, nên ai khôn ngoan thật đều dẹp bỏ hết các thứ khác kém cỏi để sắm cho bằng được thứ ngọc hảo hạng này. Những thứ ngọc khác có thể coi là luân lý tự nhiên mà các bậc hiền nhân quân tử như Đức Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Mặc Tử, Lão Tử ở Trung Hoa; như Socrate, Platon, Aristote ở Hy Lạp, như Đức Thích Ca ở Ấn Độ… đã theo lương tâm thực hiện và phổ biến được phần nào trong lúc sinh thời, đó là những sứ giả tiền phong của Đạo Trời.
Bởi thế khi chính Đạo Trời được công khai xuất hiện trong lịch sử với sự giáng trần của Đức Giê-su Ki-tô, Con Trời hằng sống, thì vai trò của các sứ giả đương nhiên chấm dứt, và lòng người tất nhiên hướng về Đạo Trời là chỗ có Chân Lý hoàn toàn và Thiện Mỹ viên mãn vậy.
22. Đạo Trời đối với Đạo Ông Bà Tổ Tiên thế nào ?
- Không có Trời thì làm gì có ông bà tổ tiên, vì chính tổ tiên cũng nhờ Trời sinh Trời dưỡng, cũng do Trời đặt vào cái vũ trụ này, cho qua một cầu sinh tử dài lắm là ba vạn sáu ngàn ngày, rồi cũng từ giã cõi trần mà về với Trời rồi, “sinh ký tử quy” là thế.
Đằng khác, chính đức hiếu nghĩa với tổ tiên cũng là do Trời in vào lòng ta, nên hiếu nghĩa là theo hướng Trời sắp đặt, nhưng không nên dừng lại ở tổ tiên mà phải đi xa hơn nữa, đến tận Trời mới là hiếu nghĩa vẹn toàn, mới là chính đáng, vì Trời mới là gốc tổ mọi loài, còn ông bà tổ tiên chỉ là những móc nối trung gian mà thôi.
23. Có người nghĩ rằng theo Đạo Trời thì không cúng thực phẫm đồ dùng cho ông bà để ông bà đói khổ, vì thế mà có người tuy mến Đạo Trời, nhưng vẫn chưa dám trở lại. Nghĩ thế có đúng chăng ?
- Lòng thương nhớ ông bà đã quá cố là việc tốt, nhưng nghĩ rằng vong linh ông bà còn cần cơm gạo bánh trái hay đồ dùng như khi còn sống thì không đúng, vì linh hồn thiêng liêng không cần vật chất như xác, nhưng cúng quảy thực phẩm như một nghi lễ để kính nhớ thì tốt. Việc hiếu nghĩa ta có thể làm là thành khẩn cầu xin với Trời mở lượng hải hà: nhất xá vạn xá, cho ông bà vào hưởng phúc với Trời sớm ngày nào hay ngày ấy, đó là thiết thực và cần cấp hơn hết.
Bên Công Giáo có việc cầu nguyện cho ông bà hằng ngày; mỗi năm lại dành hẳn một tháng để toàn thể thế giới hợp ý thỉnh nguyện cho nữa. Ngoài ra, các ngày kỷ niệm, tuần ba tuần bảy, tuần ba mươi, tuần trăm, giáp năm, hay giỗ đầu, giỗ năm của gia đình nào thì gia đình nấy hoặc cả Họ Đạo cùng đọc kinh cầu nguyện cho nữa. Cũng có thể tổ chức bữa ăn giỗ để phát huy tình cảm gia đình và gia tộc. Xét thế, theo Đạo Trời, con cháu rất là hiếu nghĩa với ông bà tổ tiên.
24. Có người biết Đạo Trời là cần cho mình, nhưng vì sinh kế bận rộn, vì còn muốn sống dễ dãi, ngại chịu khó, nên chưa dám trở lại Đạo. Nghĩ thế có được chăng ?
- Đạo lý tối đại, sao lại coi rẻ thế được. Sinh kế chỉ là phương tiện nhất thời, chớ có phải là cứu cánh của con người đâu. Dù ở đâu đi đâu cũng bận rộn tối ngày. Con người lúc nào cũng nhờ ơn Trời mà sống – như cá trong nước vậy. Làm nên việc gì cũng là do Trời phù giúp – mưu sự tại nhân thành sự tại Thiên, sao ta lại quên được vị đại ân nhân của ta là Trời. Nếu ta muốn sống bừa bãi ngoài kỷ luật của lương tâm, tức là ta tự giảm giá và tự đặt mình vào tình trạng nguy cấp luôn luôn, vì ta không biết mình chết lúc nào – và chết rồi phải bị phán xét ngay lúc ấy, hối hận cũng không kịp.
Biết Trời thưởng phạt sau này,
Muốn sau được thưởng thì rày phải lo.
Gắng công Trời sẽ giúp cho,
Đạo lành gây dựng cơ đồ mai sau.
Hoàng đế Charles Quint (1500-1558) nước Đức có một cái rương nhỏ, đi kinh lý đâu cũng mang theo, các quan nghĩ là đựng vàng ngọc quí giá. Một hôm, Hoàng đế muốn cho các quan một bài học và hết thắc mắc, nên dạy mở rương trước mặt mọi người. Trong rương chỉ có 1 tấm khăn liệm. Trước sự bở ngỡ của bá quan, Hoàng đế cho biết mình dọn chết hằng ngày bằng cách mang theo khăn liệm, nhờ đó để tu thân tích đức, cố gắng làm việc phúc thiện, vì có những việc lành đó mới giúp ích đời sau thôi.
Mọi sự ở trên đời,
Một mai rồi cũng hết,
Việc lành dữ mà thôi,
Sẽ theo ta khi chết…
PHỤ LỤC:
Ý kiến của những người trở lại Đạo Thiên Chúa
Xin trích đây một vài cảm tưởng của một số người đã trở lại đạo Trời sau nhiều suy nghĩ tìm tòi và thành tâm học hỏi ơi nơi thiên nhiên, sử sách, bạn bè, ở cốt cách tinh hoa và ảnh hưởng tốt lành của đạo:
- Ông Lục Trưng Tường, nhà ngoại giao Trung Hoa, từ nhỏ là môn sinh của sân Trình cửa Khổng và chỉ có biết đạo Ông Bà Tổ Tiên, sau đã gặp được Đạo Công Giáo như gặp được kho báu, đã trở lại và tiến xa trên đường Đạo, đã hiến thân làm Linh Mục. Ông nói: “Ơn Cứu Độ là chỗ tập trung tất cả các nẻo đường, là chỗ độc nhất mà đức hiếu của loài người được tiếp vào đức hiếu thảo siêu nhiên mà Đức Ki-tô đã dạy và đã cho chúng ta hưởng thụ để kết hợp tất cả nhân loại với Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên Trời”. ( x. The Ways of Confucius and of Christ )
- Ông Ngô Gia Lễ, tri phủ Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, miền Bắc Việt Nam ta, vì tiếp xúc với người Công Giáo, ông muốn tìm hiểu đạo lý, đã học sách Phúc Âm, đã nhận được tính cách siêu việt của Đức Ki-tô, Con Trời giáng thế, ông đã trở lại để được tâm giao với Trời qua Đức Ki-tô. Ông nói: “Tôi đã đọc Phúc Âm một cách thành kính. Tôi nhận thấy Đức Ki-tô không phải chỉ là một nhân vật khác thường, Ngài chính là con Thượng Đế đã đến để cứu đời. Tôi là một trong những kẻ được Ngài tỏ mình ra trong Phúc Âm”. ( x. Ông Tổ Đạo Công Giáo )
- Ông Trịnh Sùng Ngộ, giáo sư triết học Đại Học Honolulu, nước Huê Kỳ, nguyên đại sứ Trung Hoa Dân Quốc tại Vatican. Từ nhỏ đã sinh ra trong gia đình thấm nhuần tư tưởng Lão Giáo, Khổng Giáo và Phật Giáo. Sau khi ông trở lại ông đã giúp nhiều bạn hữu biết Đạo và đã đem hết tâm trí vào việc phiên dịch Thánh Kinh và Kinh Thi ra tiếng Trung Hoa. Ông nói: “Thiên Chúa Giáo là Đạo bởi Trời. Người ta lầm nếu cho đó là đạo của Âu Châu. Đạo dó không phải của Âu Châu hay của Á Châu, không cũ không mới. Tôi cảm thấy Đạo đó tiềm ẩn ở trong tôi một cách sâu đậm hơn cả Lão Giáo, Khổng Giáo, Phật Giáo là những đạo tôi đã hấp thụ khi sinh trưởng. Tôi biết ơn những đạo này vì đã làm đà đưa tôi đến với Đức Ki-tô. Sau nhiều năm lạc lõng, nay tôi được về với Đức Ki-tô để ở luôn với Ngài thật là vui sướng vô biên. Tôi đã nhảy vọt lên trên thời gian rồi. Từ nay sự sống động và bản thể của tôi đuợc đặt vào lãnh vực đời đời. Gia nhập Hội Thánh Chúa Ki-tô, tôi đã không thiệt mất gì, nhưng đã được hoàn toàn mãn nguyện” ( x. Par delà l’Est et l’Ouest ).
- Ông Mashaba, một học giả Ấn Độ, sau 20 năm tìm tòi suy luận về Ấn Giáo, Khổng Giáo, Phật Giáo, Ba-la-môn Giáo, Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Lão Giáo, Hồi Giáo, Thần Đạo ( của người Nhựt Bổn ), Tin Lành Giáo, ông đã phân tích như sau: “Sở dĩ mỗi tôn giáo có một công dụng khác nhau là vì mỗi Giáo Tổ nhìn thấy một khía cạnh đau khổ của con người và tìm cách cứu giúp theo khía cạnh đó. Bởi thế, có thứ kêu gọi từ bi quảng đại, có thứ chủ trương diệt dục hy sinh, có thứ dùng hiếu thảo nhân nghĩa, có thứ giúp tu thân cứu đời, công bình bác ái v.v… nhưng không tôn giáo nào được đầy đủ như Thiên Chúa Giáo, vì Đạo này xây dựng cho con người một cuộc đời biết xả thân vì tình yêu thương”.
Tưởng nhớ ông bà tổ tiên
Chương trình đơn giản khi cầu nguyện với tổ tiên bất cứ dịp nào:
- Thắp hương đèn trên bàn thờ
- Làm dấu hình Thánh Giá
- Nguyện Kinh Lạy Cha
- Nguyện: “Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho các đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen”.
- Dâng lời nguyện với tổ tiên: “Kính lạy anh linh các bậc tổ tiên ông bà nội ngoại…, hôm nay nhân ngày…, chúng con thắp nén hương bày tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn. Kính xin thương cầu nguyện cho chúng con được bình an mạnh khoẻ, được hòa thuận êm ấm và được mọi điều tốt đẹp như ý Thiên Chúa muốn…”
Nghi thức Lễ Cưới ở gia đình:
Ngày nay việc tổ chức đám cưới tại gia đình có thể diễn tiến theo nhiều dạng rất khác nhau. Tuy nhiên, trường hợp thông thường nhất vẫn là: sau Lễ Hôn Phối, nhà gái tổ chức mừng vu quy, và sau khi đón dâu về nhà, nhà trai tổ chức chúc mừng Lễ Thành Hôn. Nghi Lễ Vu Quy dưới đây cử hành khi nhà trai đến nhà gái đón dâu; nghi Lễ Thành Hôn cử hành khi cô dâu được đưa về nhà chồng. Nếu diễn tiến theo các cách khác, xin tùy nghi ứng biến.
A. Nghi thức Lễ Vu Quy:
Vị chủ hôn bên nhà trai, chú rể và họ hàng từ nhà trai tới nhà gái, dừng lại ngoài cổng. Đại diện vào báo cho nhà gái ra đón mời vào. Rồi nghi thức như sau:
- Nhà trai ngỏ lời, giới thiệu lễ vật.
- Nhà gái đáp lời chấp thuận và xin đưa lễ vật đến bàn thờ gia tiên để làm lễ.
- Lễ Gia Tiên và cầu nguyện tạ ơn. ( xem Lễ Gia Tiên tiếp sau )
- Chú rể và cô dâu vào chào cha mẹ và họ hàng bên vợ.
- Uống nước hoặc ăn tiệc.
- Cuối giờ, chủ hôn nhà trai xin đón dâu, nhà gái đáp lời ưng thuận…
B. Nghi thức Lễ Thành Hôn:
Đoàn đưa dâu về nhà trai, nhà trai mời vào. Người mẹ chồng đón con dâu vào phòng nghỉ một lát rồi ra Lễ Gia Tiên. Nghi thức Lễ Gia Tiên như sau:
- Nhà trai ngỏ lời chào mừng và mời tới trước bàn thờ gia tiên làm lễ.
- Lễ Gia Tiên và cầu nguyện tạ ơn.( xem Lễ Gia Tiên tiếp sau )
- Cô dâu chú rể chào cha mẹ chồng và họ hàng bên chồng.
- Uống nước hoặc ăn tiệc.
- Cuối cùng, vị chủ hôn nhà gái gởi gắm, nhà trai giã từ.
Lễ Gia Tiên và cầu nguyện tạ ơn:
- Vị chủ hôn nói đại ý: “Kính lạy anh linh các bậc tổ tiên, nhờ phúc đức ông bà, tổ tiên, gia đình chúng con (hoặc nêu tên gia đình anh chị X… ) sinh hạ được người con gái ( hoặc con trai ) là… và đã giáo dục cháu nên nguời. Nay cháu được Chúa thương cho đẹp duyên cùng cháu… Chúng con xin đưa hai cháu đến trước bàn thờ gia tiên. Xin phép cho hai cháu được dâng nén hương bày tỏ lòng kính nhớ tri ân và thắp lên ngọn nến bày tỏ quyết tâm làm rạng danh tổ tiên và vinh Danh Thiên Chúa. Xin các bậc tiền nhân bầu cử cho hai cháu được trăm năm hạnh phúc, sống đẹp lòng cha mẹ họ hàng hai bên, chu toàn các trách nhiệm hôn nhân và gia đình theo đúng ý của Chúa Trời”.
- Cô dâu chú rể niệm hương: ( Một người đốt nhang sẵn và đưa cho cô dâu chú rể, cả hai cùng vái 4 vái ).
- Cô dâu chú rể thắp nến.
- Vị chủ hôn tiếp lời: “Giờ đây chúng ta hướng đến Thiên Chúa là nguồn gốc trên cùng của mọi gia tộc. Xin Ngài lấy tình Cha mà che chở gia đình mới… “Lạy Cha chúng con…”
- Đọc Lời Chúa: ( Ga 2, 1 – 11 )
- Cô dâu và chú rể cùng cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xưa Chúa đã đến trong tiệc cưới Ca-na, ban ơn lành cho đôi bạn mới và gia đình hai bên. Nay qua Bí Tích Hôn Phối, Chúa cũng đã đến trong gia đình chúng con, chúng con xin dâng lời tạ ơn Chúa. Xin Chúa chúc lành cho cha mẹ chúng con, mỗi người trong gia đình và họ hàng hai bên, và toàn thể ân nhân bạn hữu. Xưa Chúa đã biến đổi nước thành rượu, ngày nay xin Chúa biến đổi tình yêu thương bé nhỏ giới hạn của chúng con thành tình yêu thương bao la và nồng thắm của Chúa. Xin cho gia đình chúng con biết tôn vinh Chúa, đem lại hạnh phúc cho nhau và niềm an ủi cho mọi người. Chúa hằng sống hằng trị muôn đời. Amen”.
- Kết thúc: Hát Kinh Hòa Bình hoặc một bài khác thích hợp…
IMPRIMATURE
Sài Gòn, ngày 6 tháng 6 năm 1965
F.X. TRẦN THANH KHẢM
Vic. Gen
Lòng Trời lượng cả bao dung
Biết rồi không lẽ nào không trở về
Xưa kia chỉ biết kêu “Trời”,
Ngày nay lại biết “Chúa Trời là Cha”.
Trần gian chưa phải là Nhà,
Thiên Đàng vĩnh phúc mới là chính Quê.
Chữ rằng “Sinh ký tử quy”,
Nghĩa là: “Sống gởi thác về đời sau”.