TPÂH Lòng Tha Thứ – Chương 5: Tha Thứ Và Lòng Khoan Dung

print

CHƯƠNG NĂM

THA THỨ VÀ LÒNG KHOAN DUNG

1. Khoan dung là gì?

2. Năm giai đoạn của lòng khoan dung.

3. Lòng khoan dung làm nên những điều kỳ diệu.

4. Lòng khoan dung là một thái độ làm nên cuộc sống.

Trong cuộc sống, nếu không có sự khoan dung tha thứ, thì con người sẽ luôn sống trong hận thù. Tinh thần khoan dung là đức tính vĩ đại nhất của con người. Càng là người biết nhìn xa trông rộng, càng có tấm lòng rộng mở. Người không biết khoan dung, thì sẽ chẳng được ai khoan dung. Chỉ có khoan dung, cuộc sống của chúng ta mới được vui vẻ và hạnh phúc.

Khi mới sinh ra, mỗi người được Thượng Đế ban cho một hạt giống hạnh phúc, và nó lưu giữ trong lòng mọi người. Nếu con người một mực oán trách cuộc sống, thì hạt giống này sẽ bị nung chín. Chỉ khi nào chúng ta thay đổi tâm trạng, nó mới nảy mầm.

Vậy chúng ta cần phải làm gì để hạt giống hạnh phúc nảy mầm? Chắc chắn một điều là chúng ta phải chăm sóc và nuôi dưỡng nó cẩn thận. Điều quan trọng nhất để hạt giống hạnh phúc nảy mầm, đó là tấm lòng khoan dung.[1]

1. Khoan dung là gì?

Khoan dung là hoài bão rộng mở mà con người có được. Khoan dung là sự nhẫn nại của người nhìn xa trông rộng cầm giữ, là tâm trạng độc có của người hạnh phúc. Giống như câu nói: “Một chân dẫm nát hoa tử la lan, thì nó vẫn lưu giữ hương thơm trên bàn chân ấy”. Đó là khoan dung.

Nhiều khi khoan dung như dòng nước mát tưới lên tâm hồn khô cằn, đôi khi nó lại như chiếc lò sưởi, sưởi ấm trái tim băng giá, tê buốt. Khoan dung như ngọn đuốc không tắt, thắp sáng ngọn lửa trên núi băng sắp tàn. Khoan dung như tiếng sáo thần đánh thức người ngủ say trong đêm tối. Biết khoan dung, thế giới sẽ trở nên rộng mở hơn; quên đi những so đo tính toán, cuộc sống mới luôn vui vẻ. Cuộc sống như một vùng mênh mông bát ngát, khoan dung là con thuyền nhỏ, bơi chèo du ngoạn trên mênh mông bát ngát đó, mới biết biển cả bao la. Cuộc sống như đỉnh núi, khoan dung là con đường nhỏ, theo đường lên đỉnh, mới biết cái nguy nga, to lớn của núi non.

Tương truyền ngày xưa có một vị thiền sư, vào buổi tối đi tản bộ trong sân chùa, bỗng thấy có một cái ghế ở góc tường, ông biết ngay có một người tu hành phạm luật chùa, vượt tường đi chơi. Vị thiền sư già này không nói gì, chỉ nhẹ nhàng nhấc chiếc ghế dịch sang một bên, rồi ngồi xổm vào chỗ chiếc ghế. Một lúc sau, một đệ tử trèo tường trở về, trong đêm tối không nhìn thấy gì nên dẫm lên vai thiền sư để nhảy vào sân chùa. Khi hai chân chạm đất, anh ta mới phát hiện, vừa rồi mình không dẫm lên ghế, mà là sư phụ, khiến đệ tử vô cùng sợ hãi, miệng lắp bắp không nói nên lời, chờ sư phụ trách phạt. Nhưng sư phụ không quở trách, mà chỉ nói: “Đêm khuya trời lạnh, ra ngoài dễ bị cảm lắm đấy”.

Lão thiền sư khoan dung với đệ tử của mình, bởi ông ta biết, khoan dung là sự dạy dỗ không lời. Khoan dung cho người là khoan dung cho chính mình, là cách để cách biệt với buồn rầu và khổ não. Nếu ông trách phạt đệ tử của mình, thì trước tiên ông đã không vui, rồi đến đệ tử của ông cũng không vui. Nếu đệ tử của ông có tâm trạng làm ngược lại, thì sự trách phạt của lão thiền sư chẳng có tác dụng gì. Cho nên khoan dung cho người khác bằng tấm lòng khoan dung, thì niềm vui trong lòng mình và người được khoan dung càng được thăng hoa. Thế thì còn gì vui hơn![2]

2.Năm giai đoạn của lòng khoan dung

2.1.Thức tỉnh: Sợ hãi phải tha thứ là kẻ thù của lòng khoan dung

Chúng ta bắt đầu tìm hiểu xem những suy nghĩ hận thù hay ý tưởng trừng phạt ai đó sẽ tác động lên chúng ta nhiều hơn là lên người khác. Đó chính là lúc chúng ta thức tỉnh với sự thật rằng mình đang mắc kẹt trong một mớ cảm xúc phiền não. Chính những cảm xúc đó đã gây ra sự khó chịu và kìm hãm sự phát triển của chúng ta.

Một trong những yếu tố khiến chúng ta không mạnh dạn tha thứ là nỗi lo sợ rằng mình sẽ bị tổn thương lần nữa. Chúng ta sợ hãi khi ai đó thực hiện những hành động có thể gây tổn thương cho mình. Do đó, chúng ta trở nên trơ lì, cảm thấy thụ động và không tìm cách phản ứng trước nỗi sợ hãi của chính mình. Khi chúng ta bắt đầu tiến vào con đường của lòng khoan dung thì những nỗi sợ hãi ấy lại tái hiện. Ngoài ra, chúng còn kết hợp với nỗi sợ hãi bị tổn thương của chúng ta khiến cho vấn đề càng thêm trầm trọng. Chúng ta không những chỉ có cảm nghĩ sai lầm mà còn sợ rằng mình sẽ lại sai lầm, sẽ lại rơi vào cảm giác bất lực và dễ bị tổn thương như đã từng trải qua trước đây[3]   

2.2. Giận dữ và hận thù

Hai giai đoạn tiếp theo mà chúng ta phải đối mặt đó là giận dữ và buồn bã. Hai giai đoạn này có một mối quan hệ rất gắn bó với nhau. Mặc dù hai giai đoạn thực sự là giận dữ và hận thù, buồn bã và tổn thương, nhưng để cho dễ hiểu, tôi sẽ đề cập đến chúng với tên gọi “giận dữ” và “buồn bã”.

Giận dữ có thể gây ra vô số vấn đề trong gia đình và ở cả nơi làm việc. Giận dữ khiến con người mất hết lý trí và tạo động cơ để thực hiện những hành động điên rồ. Ngược lại, buồn bã lại gây ra cảm giác chán chường; chúng ta cảm thấy mình như đã “rơi xuống tận địa ngục”. Một số người thoả mãn được cơn giận của mình bằng cách sử dụng bạo lực, nói lên hay biểu lộ chúng. Trong khi đó, một số khác lại cần phải cảm nhận được nỗi buồn trước. Những người hay nổi giận thường gặp cảm giác dễ bị tổn thương và họ không muốn đối diện với điều đó. Ngược lại, những người hay buồn bã lại có thể chấp nhận đối mặt với cơn giận của mình.

Về khía cạnh tâm lý học, giận dữ, hận thù và trách móc cũng có thể được sử dụng làm phương tiện để tránh né cảm giác dễ bị tổn thương hay sự yếu đuối. Hoặc chúng cũng có thể được xem là lý do bào chữa cho việc con người đang bị bế tắc. Việc từ bỏ sự giận dữ cũng giống như việc phải giũ bỏ một phần của bản thân hay một phần sức mạnh. Có thể lúc ban đầu, chúng ta sẽ cho rằng việc từ bỏ các cơn giận dữ sẽ làm đánh mất chính mình. Rõ ràng điều này là do chúng ta đã đầu tư quá nhiều “cảm xúc” vào sự giận dữ nên chúng đã hình thành nên một phần nhân cách của chính chúng ta. Mỗi lần cảm thấy đau khổ tột cùng, chúng ta lại cho rằng chính sự giận dữ, hận thù hay trách móc đã giúp mình không bị mất phương hướng, tránh được sự bao vây của các cảm xúc tan vỡ như khi đang buồn bã. Việc kìm nén hay phủ nhận cơn giận có thể gây ra những tác dụng phụ, và có thể gây ra trở ngại trong công việc cũng như trong các mối quan hệ. Việc giải quyết sự giận dữ và lòng hận thù là những bước rất quan trọng trên con đường dẫn đến lòng khoan dung.[4]

2.3. Tổn thương và buồn bã

Đau khổ và buồn bã là một phần của cuộc sống. Đó là những cảm xúc rất quan trọng mà chúng ta cần phải hiểu thật rõ. Những ai không tỏ ra đau buồn trước các mất mát, dù đó là những mất mát nhỏ như thiếu sự tiện nghi, an toàn ở gia đình hoặc các mất mát lớn như mất người thân, bị chối bỏ, bị lạm dụng hay bị làm tổn thương; họ có nguy cơ sẽ phải đối mặt với các vấn đề về tâm lý cũng như thể xác sau này. Những người không cho phép mình cảm thấy đau đớn, đồng nghĩa với việc không biết buồn bã, đã tự dựng lên một bức tường thành xung quanh vết thương của mình để ngăn chặn các nỗi đau khác. Nhưng thật không may, đi cùng với việc chối bỏ các cảm xúc đau khổ sâu sắc là sự xuất hiện khả năng cảm nhận các niềm vui cũng như sự gắn kết với mọi người. Với họ, việc mở lòng để tạo những mối quan hệ thân mật và gắn bó là rất khó, bởi vì họ sẽ e dè và sợ rằng mình lại phải đối mặt với một sự tan vỡ khác.

Khi niềm tin đối với những mối quan hệ đầu tiên trong đời bị tan vỡ thì chúng ta cần cảm nhận được nỗi đau đớn và sự giận dữ đang dấy lên trong lòng. Chính điều đó sẽ giúp chúng ta có khả năng hàn gắn, tiếp tục tiến lên và lấy lại niềm tin. Những khổ đau, cơn giận hay nỗi buồn bị phủ nhận trong quá khứ sẽ được mang theo vào những mối quan hệ tương lai mà chúng ta không hề cảm nhận được. Những cảm xúc trong quá khứ đổi chỗ cho các hoàn cảnh của hiện tại. Chúng phản chiếu trong các mối quan hệ hôm nay một cách ngấm ngầm hoặc công khai, mặc dù sự mãnh liệt của các cảm xúc đó vốn dĩ thuộc về quá khứ. Chính điều này đã đè nặng lên các mối quan hệ hiện tại và khiến cho chúng ta gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề vốn luôn tồn tại trong bất kỳ mối quan hệ nào. Nếu một tình huống nào đó của hiện tại làm khơi dậy các nỗi buồn hay sự giận dữ của quá khứ, những cảm xúc đó sẽ bùng nổ như một quả bom nổ chậm và chắc chắn sẽ gây ra một thảm hoạ. Chúng ta cảm nhận được các cảm xúc đó hôm nay mà không hề biết rằng, tính mãnh liệt (hay sức mạnh) của chúng lại thuộc về ngày hôm qua.

Một trường hợp khác cũng khá phổ biến là, khi bị kích động, chúng ta có xu hướng trơ lì và rút lui. Khi đó, mọi cảm xúc tiêu cực sẽ nổ tung bên trong nội tâm và chúng ta tự cô lập mình hoặc xây lên một bức tường thành phòng thủ kiên cố. Điều khó khăn nhất ở đây là, toàn bộ quy trình này đều diễn ra một cách vô ý thức. Đó chính là khi chúng ta cảm thấy bế tắc về mặt cảm xúc: Xoay quanh một vòng luẩn quẩn hết lần này đến lần khác, tìm kiếm những lý lẽ để chứng minh hoàn cảnh đó xứng đáng với sự phẫn nộ của mình; hoặc chọn cách rút lui và tự cô lập với mọi người. Khi làm như thế, chúng ta đã không nhận ra rằng những sự tổn hại đó sẽ để lại nhiều hối tiếc về sau.

Con người bị tổn thương sẽ không bao giờ cảm thấy thoả mãn dù cho người gây ra đã bù đắp lại cho họ. Thậm chí nếu chúng ta muốn có một phản ứng đáp trả kịp thời ngay lúc ấy thì khả năng để làm điều đó cũng trở nên khó khăn. Chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng, giống như kiểu “quá muộn để có thể thay đổi điều gì”. Do đó, thay vì giúp cho bản thân cảm thấy tốt hơn, những yếu tố đó lại phụ thuộc vào cảm xúc lẫn lộn của chúng ta. Đây là một trong những hình thức để lại dấu ấn trong hiện tại của các hoàn cảnh quá khứ.

Chúng ta cần cảm nhận được nỗi đau khổ của mình và liên kết điều đó với nguyên nhân thật sự đã gây ra nỗi đau. Chúng ta cần phải xác định được hoàn cảnh ban đầu để biết liệu những tình huống nào sẽ làm gợi lại các ký ức đó trong ngày hôm nay. Nỗi đau khổ giúp chúng ta tách biệt được quá khứ với hiện tại, và nhờ đó, cuộc sống hôm nay không bị che phủ bởi những bóng tối của ngày hôm qua. Đó chính là sự thuần khiết của một nỗi đau thực sự; chính nó đã “thu dọn” sạch sẽ và giúp chúng ta biết được đâu là thực tế bằng niềm tin cá nhân của mình.[5]

2.4. Chấp nhận, hoà hợp và từ bỏ

Khi trải qua quy trình bỏ lại sau lưng những suy nghĩ phòng thủ hay các cảm xúc được che giấu bên trong, chúng ta sẽ tình cờ phát hiện được những điều mà mình tưởng như đã vĩnh viễn mất đi. Khi thật sự trải nghiệm được độ mãnh liệt của các cảm xúc trong quá khứ, chúng ta sẽ có khả năng phân tích những tình huống trong cuộc sống: Làm thế nào và tại sao chúng lại có thể ảnh hưởng đến chúng ta?

Chúng ta chấp nhận và hoà hợp những phần tách biệt này vào sự đầy đủ của cuộc sống. Ngay khi đó, cảm thấy mình thật gắn kết và chợt hiểu rõ bản thân hơn, hiểu được điều gì đã giúp chúng ta phát hiện được một con đường mới. Sự hiểu biết này thường làm xuất hiện lòng thương và khả năng tự chấp nhận bản thân của chúng ta. Có rất hiếm người không tự trách bản thân khi làm những điều sai trái trong cuộc sống. Khi tìm hiểu các giai đoạn của lòng khoan dung thì chúng ta nhất định sẽ bắt gặp sự tự kinh tởm bản thân trong một thời điểm nào đó. Khi đào sâu các cảm xúc vây quanh lòng khoan dung, chúng ta thường phát hiện sự bất lực của mình trong việc tha thứ cho bản thân. Chúng ta không tha thứ cho mình dù hành động tha thứ ấy dành cho các việc làm sai trái lúc bồng bột; cho cảm xúc dễ bị tổn thương hay mong manh; cho việc không bảo vệ và che chở cho chính mình.

Chúng ta cũng không tha thứ cho việc đã quá quan tâm đến những mối quan hệ cảm xúc đến mức sẵn sàng làm mọi thứ, thậm chí là hy sinh bản thân, để duy trì sự gắn kết. Điều này bởi vì sức mạnh và sự gắn kết của những mối quan hệ cảm xúc ấy tạo ra cảm giác mất mát (hay mối đe doạ đối với sự mất mát) cũng giống như việc đánh mất chính mình.

Với việc khám phá và phân tích các vấn đề phức tạp đó, chúng ta dần hiểu rõ hơn và cảm thấy thương hại cho sự yếu đuối của chính mình cũng như của người khác. Sự tự chấp nhận bản thân giúp chúng ta chấp nhận người khác một cách dễ dàng hơn. Việc tha thứ cho bản thân sẽ giúp chúng ta có thể tha thứ cho người khác. Ngược lại, sự tha thứ cho người khác sẽ lại giúp chúng ta dễ dàng tha thứ cho bản thân. Người đứng đầu thành phố Seattle đã viết trong Bức thư gửi tổng thống như sau: “Rốt cuộc, tất cả chúng ta đều là anh em”. Nếu những tội lỗi trần tục của chúng ta có thể tha thứ thì tội lỗi của họ cũng đáng được như vậy; và nếu tội lỗi trần tục của họ được tha thứ thì tội lỗi của chúng ta cũng có thể được tha Ihứ. Hành động chấp nhận rõ ràng là một con đường hai chiều. Tuy nhiên, thậm chí khi đã tha thứ thì chúng ta vẫn còn ghi nhớ những sai lầm đó. Điều này sẽ giúp chúng ta điều chỉnh các hy vọng của mình đối với những trông đợi thực tế từ những người làm mình tổn thương hay khiến mình đau khổ (bao gồm cả bản thân).

Tuy nhiên, hãy để những suy nghĩ độc ác và đau khổ rời xa khỏi ký ức chúng ta và thay vào đó là sự hiểu biết cũng như thái độ chấp nhận. Chúng ta không nên có những ý nghĩ sẽ hài lòng với việc người khác phải tạ lỗi hay sẽ trừng phạt một ai đó. Phải tự làm mới mình, khôi phục lại tình trạng trước đây và có lòng quyết tâm cao. Chính vì vậy, khoan dung thực sự là một sản phẩm của hành động hơn là một hành động của lòng quyết tâm. Khoan dung là sản phẩm của hành động giũ bỏ hay giải phóng cho những suy nghĩ mà mình không còn muốn mang theo, và rõ ràng không phải là những quyết định đạo đức được đưa ra trong những thời điểm nhất định.

Bây giờ, chúng ta biết rằng một người chỉ có thể hiểu được mình nếu như họ hiểu được bản thân của chính họ. Hy vọng và chờ đợi người khác trở thành một người không phải là chính họ sẽ chỉ làm lãng phí thời gian của chúng ta. Chỉ có chúng ta mới có thể thực hiện sự thay đổi cho bản thân của mình. Chúng ta có thể từ bỏ các cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực đã đánh mất niềm vui của bản thân. Nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ biết được đâu là nơi đến kế tiếp trong hành trình tìm đến lòng khoan dung.

Chúng ta đã chấp nhận và hoà hợp; giờ thì chúng ta cần phải biết từ bỏ. Từ bỏ là giai đoạn lòng khoan dung diễn ra một cách hết sức tự nhiên. Thuật ngữ này chỉ là một quy ước hơn là mô tả thực sự cho giai đoạn đó. “Từ bỏ” là một hình thức phóng thích cho quá khứ, là một sản phẩm của hành động chấp nhận. Những gì thực sự xảy ra chính là việc chúng ta đang tha thứ từ “tiền cảnh” đến “hậu cảnh”. Nói một cách đơn giản hơn thì chúng ta đã sẵn sàng để tiến bước về phía trước. “Kiểm tra kho hàng” của cuộc sống và chúng ta chợt nhận ra mình không còn phải mang những gánh nặng tinh thần như trước nữa. Chúng ta tự do lựa chọn cách đối phó với những vấn đề chẳng còn quan trọng của quá khứ và tập trung tinh thần cho những vấn đề quan trọng hơn của hiện tại cũng như của tương lai. Chúng ta sáng suốt hơn về mặt cảm xúc và đã thiết lập lại một “kho” năng lượng mới dùng để đầu tư vào cuộc sống của riêng mình. Chúng ta có suy nghĩ và cảm nhận rõ ràng hơn bởi vì tầm nhìn cảm xúc đã được tái sắp xếp và hoạt động trở lại.

Con người có thể đạt đến giai đoạn này thông qua nhiều cách: liệu pháp trị liệu, niềm tin tinh thần, sự rèn luyện hay thông qua các quy trình của cuộc sống. Tuy nhiên, một khi đã đến được giai đoạn này thì các lợi ích của nó sẽ rất rõ ràng và có tác dụng lâu dài.[6]

2.5. Tái tổ chức và tái đầu tư

Khi giải phóng nguồn năng lượng đã làm kìm nén sức sáng tạo cũng như niềm đam mê trong cuộc sống thì chúng ta có thể tái đầu tư nguồn năng lượng đó để thoả mãn những nhu cầu của bản thân. Khát khao để tha thứ có thể là lòng mong mỏi đối với sự gắn kết và điều này có thể khiến chúng ta muốn tái đầu tư nỗ lực vào các mối quan hệ. Điều thường xảy ra nhất chính là việc chúng ta nhìn mọi việc bằng một con mắt thực tế hơn.

Thông qua hành động tha thứ, chúng ta sẽ nhìn thấy một bức tranh thực tế hơn về những gì mà mình có thể hoặc không thể mong đợi từ một cá nhân nào đó. Chúng ta có thể tái đầu tư nguồn năng lượng của mình vào những kỳ vọng đối với cha mẹ, anh em, bạn bè hay con cái và không tự gây áp lực cho những mối quan hệ của mình bằng các đòi hỏi phi lý.

Tuy nhiên, khi chúng ta cảm thấy thoải mái để đón nhận thực tế thì có thể những người khác lại phải thoả mãn nhu cầu cá nhân của mình một cách không dễ dàng. Đó là mối quan hệ ràng buộc giữa cho và nhận. Thật chẳng có gì chán nản bằng việc tìm kiếm nước uống từ một con giếng khô và tương tự như vậy, chúng ta chỉ có thể cảm thấy thoải mái nếu biết từ bỏ các đòi hỏi không bao giờ trở thành hiện thực của mình.

Sự thoải mái và khả năng sáng tạo sẽ được giải phóng khi chúng ta can đảm đối mặt với nỗi đau khổ và cơn giận dữ của chính mình. Dường như chẳng có nỗ lực nào, chẳng hạn như nấu một bữa ăn, lên kế hoạch cho một ngày, nuôi dạy con cái hay làm những công việc yêu thích, lại không làm gia tăng tính sáng tạo và sự thoải mái cho con người. Việc tái đầu tư nguồn năng lượng này vào những hoạt động của cuộc sống có thể giúp chúng ta cảm thấy tình hình sáng sủa và tốt đẹp hơn.

Như tôi đã từng nói, các giai đoạn này có thể không liên tục. Chúng chỉ giúp bạn nhìn được bức tranh toàn cảnh và những vấn đề có thể xảy ra khi chúng ta tiến bước trên con đường của lòng khoan dung. Đó là những giai đoạn bình thường và rất đỗi tự nhiên. Một trong những phương pháp tốt nhất để có thể trải qua những giai đoạn đó là thái độ từ bỏ và có niềm tin. Việc phát triển một hệ thống hỗ trợ cũng sẽ rất quan trọng nếu như các vấn đề của bạn là nghiêm trọng và cần thời gian lâu dài. Chúng ta cần đến sự giúp đỡ của người khác để cảm thấy mình không bị cô lập trong các khoảnh khắc đau khổ. Chia sẻ cảm xúc của riêng mình với người khác sẽ tạo ra những mối gắn kết và cảm nhận tinh thần mới. Điều đó sẽ giúp tái cấu trúc bộ não và cơ thể của chúng ta. Ngoài ra, việc chia sẻ cảm xúc còn có ảnh hưởng tích cực đối với hệ thống miễn dịch, yếu tố giúp cơ thể chúng ta khoẻ mạnh hơn.

Có rất nhiều người khi nhờ đến sự giúp đỡ để giải quyết “các vấn đề của mình” thừa nhận rằng họ cảm thấy mình đang bị “huỷ hoại” hay có cảm giác bất lực. Tuy nhiên, chính những người này lại có nhiều cơ hội để tiến bộ trong tương lai. Những người mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhận thấy mình cần đến sự giúp đỡ của người khác. Họ có đủ khôn ngoan để hiểu rõ các nhu cầu của mình và có đủ sức mạnh để tha thứ cho những cảm giác về điều gì đó sai lầm. Đây chính là những người có có cái nhìn tích cực về tương lai. Dần dần bạn sẽ có một quy trình tha thứ cho riêng mình.[7]

3. Lòng khoan dung làm nên những điều kỳ diệu

Hành động tha thứ thường xuất phát từ một hoàn cảnh đặc biệt nhằm cho phép chúng ta “nhìn nhận” mọi việc dưới một góc độ rộng lớn hơn, để quan sát bức tranh toàn cảnh và đưa ra những quyết định hay lựa chọn dựa trên quan điểm của “người khách quan”.

Chuyện con cá vàng: Nhà vật lý Michio Kaku trong cuốn Siêu không gian của ông đã kể về câu chuyện của một con cá vàng. Con cá đã sống suốt đời trong một chậu nước với một con cá khác. Đối với quan điểm của nó thì không có sự tồn tại của cái chậu; chỉ có nước, con cá kia là toàn bộ thế giới và nó xem điều đó hiển nhiên đúng. Nhưng một ngày kia, con cá búng mình ra khỏi cái chậu. Khi nhìn lại, nó nhận ra rằng từ trước đến giờ mình đã sống trong chậu mà đôi khi lầm tưởng là “thế giới nước”. Sau khi thực hiện cú vượt thoát đó, con cá đã nhận ra còn một thế giới khác bên ngoài cái chậu, một thế giới hoàn toàn mới so với những gì nó từng nghĩ trước đây. Con cá vàng phải tái cấu trúc lại trải nghiệm của mình và thay đổi quan điểm thực tế. Nó đã nhìn thế giới của mình bằng một quan điểm hoàn toàn mới.

Theo cảm nhận của tôi thì lòng khoan dung có thể, và thường, bao gồm dạng tái cấu trúc bối cảnh này. Như triết gia người Pháp Jean Jacques Rousseau đã nói: “Cái chết đã tạo ra tất cả những triết gia như chúng tôi”. Thông thường, cái chết khiến chúng ta nghĩ đến giới hạn nhất định trong cuộc sống của một con người; điều đó khiến chúng ta phải xem xét lại bối cảnh của cuộc sống và hiểu rằng mình không thể sống mãi mãi. Một ngày nào đó, mình cũng phải chết, giống như họ. Chúng ta buộc phải đối mặt với cái chết. Cuộc sống trở nên có ý nghĩa bởi vì chúng ta biết rằng một ngày nào đó mình sẽ mất nó. Đó là lý do tại sao truyền thống Navaho thường bắt đầu buổi sáng bằng câu nói: “Hôm nay là một ngày đẹp trời để chết”. Đây không phải là câu nói để mời gọi thần chết mà là câu nói để mời gọi cuộc sống.

Khi nhận thức được việc giữ lấy các cảm xúc căm ghét, đau khổ hay hận thù là một hình thức khác của cái chết, một cái chết bên trong, thì chúng ta đang như con cá vàng kia đứng nhìn thế giới từ bên ngoài chậu nước. Cái giá phải trả cho việc giữ lấy cảm xúc giận dữ và đau khổ là quá đắt. Chúng ta nhận thấy rằng chúng không đáng để mình phải làm như vậy, rằng việc giữ những cảm xúc ấy chỉ tổ khiến cho người khác đắc chí bởi vì chúng không những gây tổn thương chúng ta một lần mà còn lặp lại hết lần này đến lần khác. Chúng ta phải có cái nhìn mới về bối cảnh cuộc sống. Chúng ta đã vượt qua được những hoàn cảnh khó khăn. Vâng, chúng ta có thể bị một ai đó làm tổn thương một hoặc nhiều lần, nhưng chúng ta sẽ tự gây tổn thương cho chính mình bằng những suy nghĩ hay cảm xúc đang diễn ra. Ngoài ra, chúng ta sẽ rất đau khổ nếu những tình huống được tái hiện trong cuộc sống mang hình ảnh của nỗi đau quá khứ. Chúng ta đã chối bỏ những điều tốt đẹp mà đáng ra đã thuộc về mình, chỉ bởi vì chúng ta không thể chấp nhận chúng. Chúng ta đang sống với một kịch bản cũ, kịch bản ấy nói rằng mọi việc sẽ không kết thúc, vậy tại sao lại bắt đầu? Tại sao lại đầu tư? Tại sao lại quan tâm?[8]

3.1.Khoan dung là cách trả thù tốt nhất

Một trong những châm ngôn ưa thích của tôi là câu nói của Oscar Wilde: “Sống tốt là cách trả thù tốt nhất” như câu chuyện ở Nam Phi:

Có hai người thổ dân rất thù ghét nhau. Một ngày kia, một trong hai người gặp cô con gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Hắn đã bắt cô gái và lấy dao chặt đứt hai ngón tay của cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc lóc đau đớn, còn tên hung thủ thì vừa đi vừa đắc chí hô lớn: “Ta đã trả thù được rồi”.

Mười mấy năm sau, cô bé đáng thương ấy đã lớn lên rồi có gia đình. Một hôm, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà cô. Cô nhận ra tức khắc ngươi hành khuất chính là kẻ đã chặt tay cô cách đây mười mấy năm. Không một chút oán hờn, không một lời trả đũa, cô vội vàng vào nhà và mang thức ăn ra hầu hạ cho kẻ đã từng hành hạ mình. Khi người hành khất đã ăn no rồi, người đàn bà liền đưa bàn tay cụt mất hai ngón cho ông ta xem vào nói: “tôi cũng đã trả được thù rồi”[9]   

Nếu để cho kẻ đã từng làm tôi tổn thương chiến thắng bằng cách tự đánh mất niềm vui, tình yêu và sự mạo hiểm trong cuộc sống thì tôi đã trở thành kẻ chiến bại. Tôi không phải là một nạn nhân mà là một người tự nguyện đầu hàng, vấn đề ở đây không phải là tìm hiểu những yếu tố phức tạp của người khác mà còn là của chính bản thân mình. Đó là lý do tại sao tôi vẫn để cho chúng dẫn dắt những cảm xúc của tâm hồn mình.

Con đường đạt đến tinh thần thanh thản không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Bởi vì một phần của con đường đó là tự do và thay đổi để được vậy, đôi lúc bạn phải từ bỏ sự giận dữ và những tổn thương vốn là một phần của bản thân, dù dó là những cảm xúc bạn rất thân thuộc. Tuy nhiên, nếu dấn thân vào con đường dẫn đến lòng khoan dung thì chúng ta có thể thay đổi những cảm xúc ấy thành sự trưởng thành và hiểu biết để có thể mở mang tâm hồn. Đó là một điều kỳ diệu. Chúng ta không để cho những cảm xúc ấy bị kìm nén và thiếu sự nhận thức. Thay vào đó, chúng ta giải mã những thông điệp bị che giấu của chúng, hiểu được sự phức tạp của chúng và để cho nỗi đau lẫn niềm vui dẫn dắt chúng ta đi qua cuộc đấu tranh nhận thức. Kết quả là chúng ta sẽ nhận được một phần thưởng xứng đáng: sự hiểu biết.[10]

3.2. Khoan dung trong xét đoán

Trong tất cả các món quà mà chúng ta có thể tặng cho bạn bè, hàng xóm, kể cả những người chúng ta bất ngờ hàng ngày khi đi và về, không có món quà nào quí giá hơn sự khoan dung. Cố chấp, chỉ trích, bắt bẻ đối với mọi người là điều dễ dàng nhưng công bằng và tha thứ là điều rất khó.

Tuy nhiên, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể làm cho lòng khoan dung trở thành một phần xác thực trong sở thích ban tặng của mình. Để làm được điều này cần phải kêu gọi sự hợp lực của trái tim và khối óc. Trái tim nói: “trước khi xét đoán, bạn hãy chờ cho đến khi biết được lý do tại sao con người lại hành động hoặc sống  như anh ta hoặc cô ta đang làm”. Khối óc phải tìm cách khám phá những gì sâu xa bên trong, và bác bỏ việc xét đoán cho đến khi mọi việc được sáng tỏ.

Những người biết được những sự thật ẩn sâu trong cuộc sống thiêng liêng của chúng ta, chắc chắn sẽ xét đoán chúng ta độ lượng hơn rất nhiều. Nếu chúng ta biết những gì mọi người nói về chúng ta và bao nhiêu bất công trong lời xét đoán của họ, chúng ta sẽ trì hoãn chậm hơn việc xét đoán người khác nếu chưa biết rõ những gì còn tiềm tàng bên dưới hoàn cảnh cuộc đời của họ. Nếu chúng ta không biết,vậy tại sao chúng ta không tặng cho họ món quà vô giá của lòng khoan dung, trong suy nghĩ của chúng ta, hoặc trong việc lắng nghe những người khác nói về họ? Làm điều này chúng ta chẳng mất gì và có thể chúng ta đã tặng cho họ một món quà tuyệt vời nhất.[11] 

Ông chồng khoan dung bị hiểu lầm: Từ nhiều năm qua, một người đàn ông sống ở vùng ngoại ô Boston luôn bị những người hàng xóm phê phán kịch liệt, vì thái độ và những việc làm của anh ta chắc chắn khó mà bỏ qua được. Anh ta chỉ được xã hội khoan dung nhờ người vợ duyên dáng của mình. Cô ấy được mọi người chấp nhận, và tất cả cộng đồng đều cảm thông với cô vì phải sống với một ông chồng thô lỗ, cục mịch và luôn say khướt như thế.

Bất ngờ một ngày nọ, cả hai người chuyển đi nơi khác mà không để lại địa chỉ. Tại một bữa tiệc cưới của một người hàng xóm ngay sau khi họ ra đi, người chồng không được yêu mến đã bị đả kích kịch liệt. Chỉ vì anh ta ra đi mà không nói lời từ biệt. Tất cả mọi người đều nhất trí rằng đó là một lối giải thoát cho cộng đồng, ngoài trừ sự ra đi của người vợ dễ thương là một mất mát lớn. Trong số những người hàng xóm chỉ có một người, một luật sự trẻ trầm tĩnh, luôn luôn khước từ việc tham gia vào những cuộc bàn cãi này và buổi tối hôm đó anh ta vẫn giữ vẻ cách biệt khỏi cuộc đối thoại. Bỗng nhiên, một trong những người phụ nữ bộc trực nhất quay về phía anh ta. Cô ngắt lời: “Bradly, anh chẳng nói gì khi chúng tôi nói về Jim, vậy anh tán thành với anh ta sao?”

Người luật sư đáp lại: “Tôi sợ rằng ít nhiều tôi cũng đã tán thành cách mà chúng ta đã cô lập anh ta trong nhiều năm qua. Nhưng đã bao giờ chúng ta tự hỏi rằng tại sao anh ta lại hành động như thế không? Chúng ta thực sự đã biết gì về cuộc đời anh ta?

Ngay lập tức mọi người đều nhất trí một cách khó chịu rằng họ đã biết “khá rõ”. Người luật sư tỏ vẻ bực bội.

Anh ta chờ cho ngọn lửa ghét bỏ của họ lắng xuống. Rồi bình tĩnh nói: “ Tôi đã được học ở Trường Luật rằng không được xét đoán trước khi biết rõ sự thật. Tôi đã mất khá nhiều thời gian để biết được sự thật về trường hợp này, và tôi phải giữ bí mật cho đến tối hôm nay. Nhưng giờ họ đã chuyển đi nơi khác, và tôi nghĩ tốt hơn các bạn nên biết sự thật về họ, tôi đã có được điều này từ một luật sư đã làm việc ở một tổ chức thám tử.

Cô vợ hiền từ của anh chồng không được yêu mến, bị hàng xóm cách ly của chúng ta là một người có tính cắp vặt. Cô ta đã từng bị bắt ở tất cả các cửa hiệu lớn trong thành phố. Chồng cô ta đã xoay sở để mang cô ta ra khỏi nhà tù, thường với một giá khá cao. Anh ta sợ những bữa tiệc ở nhà vì các khách mời đều biết vợ anh ta nổi tiếng ăn cắp vặt (Hai người phụ  nữ trong nhóm giật mình hoảng hốt liếc nhìn chồng họ). Anh ta cũng cố gắng không cho vợ đến những bữa tiệc của chúng ta ở bất cứ nơi nào vì cô ấy biết cách lấy đồ trong túi xách của người khác.

 Cả nhóm há hốc kinh ngạc. Kinh nghiệm này đã thực sự dạy cho tôi đức tính khoan dung – phải dè dặt phán đoán về tất cả mọi người cho đến khi biết rõ sự thật – và đồng thời, phải cố gắng yêu mến họ.[12]

3.3. Khoan dung trong hành động

Sau khi thắng trận lớn. Sở Trang Vương mở đại yến để tưởng thưởng công lao và lòng trung thành. Vua truyền cho các cung nữ của mình ra hầu tiệc. Đang ăn bỗng một làn gió làm tắt hết đèn đuốc. Lợi dụng bóng tối, một vị đại quan ôm chầm lấy người đẹp đang chuốc rượu cho mình. Người đẹp chính là nàng Hứa Cơ đang được nhà vua sủng ái nhất. Hứa Cơ bèn giựt đứt giải mũ của vị quan ấy và đem trình vua xin ngài trừng trị đích đáng.

Thay vì phẫn nộ, vua ra lệnh cho các quan đều phải giật bỏ giải mũ khi đèn được thắp sáng. Không ai hiểu tại sao ngoài ba người liên hệ. Sở Vương nói: “Trong nguy biến, các quan đã liều thân vì đất nước, khi vui say, các quan quên lễ phép một chút, có sao đâu!.

Lẽ nào vì một chuyện nhỏ mà quên đi lòng hy sinh cao cả của người khác”.

Hai năm sau, nước Sở đánh nhau với nước Tần. Đánh luôn 5 trận mà trận nào cũng có một viên võ tướng liều sống liều chết xông ra phía trước, đánh rất dũng cảm làm cho quân Tần phải lui binh. Nhờ vậy, quân Sở đại thắng.

Sở Trang Vương lấy làm lạ, bèn hỏi:

–   Trẫm đãi khanh cũng như mọi người khác, cớ sao khanh lại giúp trẫm như vậy?

Võ quan trả lời:

–   Thần rắp tâm đem tính mạng dâng cho bệ hạ đã lâu, nhưng nay mới có dịp đền đáp nghĩa xưa. Thần đây chính là người ngày xưa đã bị giật đứt giải mũ mà bệ hạ không nỡ hành tội.

Sở Trang Vương quả là một vị vua có lòng khoan dung đại lượng. Chính lòng khoan dung đại lượng của ông đã thu phục được nhân tâm và mang lại kết quả không ngờ. Thật vậy, càng làm lớn chúng ta càng phải có lòng khoan dung nhân hậu, nếu không người dưới sẽ chẳng kính phục và cũng chẳng thể hết mình với ta.[13]

4. Lòng khoan dung là một thái độ làm nên cuộc sống

David J. Pollay đã kể lại như sau: Tôi dậy sớm để kịp chuyến bay lúc 7 giờ. Tôi rất mệt vì tối hôm trước phải thức khuya để chuẩn bị một loạt bài báo cáo cho cuộc họp hôm sau.

Tại thời điểm đó, tôi đang làm việc cho Yahoo! Ở sân bay, tôi gặp hai đồng nghiệp và mua cho mỗi người một ly cà phê. Sau khi lên máy bay, tôi đặt ly cà phê xuống rồi nhấc chiếc vali để lên ngăn hành lý phía trên.

Tôi và các đồng nghiệp tranh thủ khoảng thời gian bay để xem lại tập tài liệu mang theo. Máy bay hạ cánh, mọi người lục tục đứng lên rồi chen chúc nhau ở cửa ra. Bỗng có một tiếng đàn ông hét lên: “Ai giở trò thế này?”. Tôi nhìn quanh và thấy một người đàn ông to lớn đứng ngay cạnh lối đi. Mọi người xung quanh dạt cả ra.

Ông ta gầm gừ: “Gã chết tiệt nào làm đổ cà phê ra áo khoác của tôi đây?”. Tôi giật mình. Ly cà phê của tôi đâu rồi? Tôi không thấy đâu cả. Nhìn lại đám đông nhốn nháo, tôi thấy người đàn ông đó vẫn vừa chửi bới om sòm, vừa cầm chiếc áo khoác dính cà phê lem nhem, còn tay kia cầm một chiếc ly không. Tôi nhận ra ngay ly cà phê của mình. Tôi chính là thủ phạm mà ông ta đang tìm kiếm. Khi đặt chiếc vali lên ngăn để đồ phía trên, tôi đã tiện tay đặt ly cà phê ngay bên cạnh, và rồi quên mất, nên nó bị đổ và làm bẩn chiếc áo kia. Thật chả ra sao cả!

Tôi lập tức lên tiếng: “Thưa ông, tôi thành thật xin lỗi. Ly cà phê đó là của tôi”.

Người đàn ông bước về phía tôi. Mặt ông ta đỏ lên và trông điệu bộ như thể ông ta sắp đánh tôi vậy. “Đồ ngu”, ông ta rít lên qua kẽ răng. Tôi vội nói: “Tôi xin gửi ông tiền giặt áo. Để tôi liên hệ xem dưới sân bay có dịch vụ giặt khô không. Hay để tôi mua đền ông chiếc áo khác. Tất cả là do tôi bất cẩn. Một lần nữa, thật lòng xin lỗi ông”.

Người đàn ông không chấp nhận bất kỳ lời đề nghị nào của tôi. Những hành khách khác nhanh chóng rời khỏi máy bay. Chắc họ cũng muốn tránh xa vụ rắc rối này càng nhanh càng tốt.

Ông ta yêu cầu: “Đưa cho tôi danh thiếp của anh”. Tôi mở ví và đưa danh thiếp cho ông ta. “Tôi sẽ tố cáo anh với giám đốc của anh. Anh cứ đợi đấy”. Nói rồi, ông ta bước qua mặt tôi, rời khỏi máy bay, miệng vẫn lầm bầm chửi rủa.

Quả là tôi đã sai. Người đàn ông đó có lý do chính đáng để bực mình. Trông bề ngoài, tôi có thể đoán rằng ông ta đang trên đường đến dự một cuộc họp quan trọng, vậy mà chiếc áo khoác của ông ta lại bị dính cà phê. Tôi là một “chiếc xe rác” cản đường ông ta. Tôi đã đề nghị được sửa chữa những gì tôi đã gây ra. Đó là cách duy nhất tôi có thể làm để chuộc lỗi.

Và câu chuyện thứ hai: Lần ấy, tôi ngồi trong một quán cà phê để đọc lại bản biên tập cuốn sách này. Một người khách trẻ tuổi khi đứng lên đã vô ý để rơi cả ly cà phê xuống sàn. Cà phê bắn tung toé, văng cả vào quần và túi xách của một thương gia ngồi ngay bàn bên cạnh. Ông giật mình, vội đứng lên. Một bên ống quần của ông bị ướt, túi xách cũng vậy. Chàng thanh niên vô cùng bối rối. Anh lúng túng xin lỗi vị khách kia. Người thương gia mỉm cười độ lượng và nói: “Ít nhất thì tôi cũng thích mùi cà phê”. Cả hai cùng phá lên cười, rồi mỗi người cầm một vài tờ giấy ăn và bắt đầu lau dọn chỗ cà phê bị đổ.

Mặc dù cả hai trường hợp trên đều liên quan đến ly cà phê bị đổ, nhưng cách phản ứng của người trong cuộc lại hoàn toàn khác nhau. Điều tôi muốn nói ở đây là dù bạn là người gây lỗi hay bạn là người vô tình gánh hậu quả từ sai phạm của người khác, bạn vẫn có toàn quyền quyết định cách phản ứng của mình.

Cuộc sống luôn chuyển động. Cách bạn kết luận về một sự việc sẽ chi phối cách phản ứng của bạn với sự việc tiếp theo. Cách bạn đối xử với một người sẽ chi phối cách ứng xử của người đó với người khác nữa. Cứ thế, nguồn năng lượng – cả tích cực lẫn tiêu cực – sẽ lan truyền từ người này sang người khác. Khi bạn tha thứ lỗi lầm của một ai đó, bạn đã tạo ra một làn sóng những cảm xúc tốt đẹp. Khi bạn trừng phạt họ bằng lời nói và hành động, bạn đã nhân rộng những cảm giác tiêu cực.

Các nhà tâm lý đã khẳng định rằng khi con người biết cách bao dung hơn, sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của họ được tăng lên đáng kể. Trải nghiệm của lòng bao dung không chỉ là việc được trút bỏ gánh nặng, mà còn là cảm giác đầy hân hoan khi giải quyết được một vấn đề. Đột nhiên, phản ứng “đối đầu” được thay thế bởi cảm giác bình yên, như khi bạn đứng trước một đồng cỏ xanh mướt hay mặt hồ tĩnh lặng.

Bạn có thể chọn cách thể hiện lòng bao dung như vị thương gia trong câu chuyện thứ hai hay phán xét một cách khắc nghiệt như vị hành khách thứ nhất. Điều đó phụ thuộc vào bạn.[14] 

[1] Mênh Mông,  “Buông” (Thể Hiện Khí Phách Và Trí Tuệ), trg.137

[2] Tian Dayton, Phép màu của lòng khoan dung trg.137-139

[3] Tian Dayton, Phép màu của lòng khoan dung trg.70-71

[4] Tian Dayton, Phép màu của lòng khoan dung trg.71-72

[5] Tian Dayton, Phép màu của lòng khoan dung trg.72-75

 

[6] Tian Dayton, Phép màu của lòng khoan dung, trg 75-79

[7] Tian Dayton, Phép màu của lòng khoan dung, trg.79-81

[8] Tian Dayton, Phép màu của lòng khoan dung, trg.182-184

[9] R.VERITAS, Lẽ Sống, trg.252

[10] Tian Dayton, Phép màu của lòng khoan dung, trg.182-186

[11] David Dunn, Sống vì mọi người, trg.57

[12] David Dunn, Sống vì mọi người, trg.59

[13] Thiên Phúc, Như lòng Chúa khoan dung, trg.3-4

[14] David J. Pollay, The law of the garbage truck (bài học kỳ diệu từ chiếc xe rác) trg. 43-46