TPÂH Lòng Tha Thứ – Chương Ba: Phản Ứng Khi Bị Thương Tổn

Chương Ba

Phản Ứng Khi Bị Thương Tổn

 

1.Ba chân lý hữu ích khi bị thương tổn.

2.Bảy cách phản ứng thông thường khi bị tổn thương.

Sau đây sẽ là một số điều hữu ích có thể giúp bạn dễ dàng tha thứ.

3.Trên cả hận thù.

1.Ba chân lý hữu ích khi bị thương tổn

Chân lý đầu tiên là không ai khác ngoài chúng ta đã tạo nên nỗi đau cho chính mình.

Chân lý thứ hai là ở cấp độ tâm linh, mọi lỗi lầm của con người đều có thể được sửa chữa khi nhận ra được sự thật, vì lỗi lầm do chính ảo tưởng, sự thiếu hiểu biết gây ra.

Chân lý thứ ba là không phải TA bị làm cho tổn thương mà là cái tôi (hình ảnh sai lệch về bản thân) do mình tạo ra bị xúc phạm.

Có lẽ bạn cảm thấy những gì Mike George vừa nói thật là khó hiểu, cho đến khi bạn đi vào ý thức của chính mình và kiểm nghiệm rõ quá trình này. Thật sự, cái tôi phải chịu trách nhiệm cho mọi khổ đau của con người, cái tôi chỉ đơn giản là một loại ý thức của con người – đồng hoá bản thân với điều gì đó không phải là mình. Chúng ta là những tâm hồn tràn đầy phẩm chất tốt đẹp, mà làn sóng bình an, tình yêu thương… thì không bị giới hạn bởi ranh giới quốc gia, chúng lan toả khắp thế giới, do đó, chúng ta thuộc về nhân loại, thuộc về thế giới, chứ không thuộc về lãnh thổ đơn lẻ nào. Khi ngưng nhầm lẫn mình với những gì không phải là mình, chúng ta sẽ không còn gây tổn hại cho ai. Nhận thức về bản thân, tư duy sâu lắng và thiền định là chìa khoá để nhận ra mình thật sự là ai. Không cần phân tích, chỉ cần quan sát những gì đang diễn ra trong nội tâm. Khi làm như thế, chúng ta sẽ dần dần phân biệt được đúng và sai, điều gì cho ta thêm sức mạnh và nghị lực,  điều gì làm ta ra yếu đuối.

Như đã xem xét, bất kỳ hình thái đau đớn nào – về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc – thường sẽ được quy là do người khác hoặc điều gì đó gây ra. Chúng ta đổ lỗi cho người khác vì đã không đáp ứng theo nhu cầu, sở thích của mình. Sự thật là mọi người luôn luôn chịu đựng những tổn thương về tinh thần, nhưng nhiều khi họ không nhận ra. Bạn có thể nghĩ đây là một nhận định chung chung mang tính phán xét cho đến khi bạn nhận ra rằng:

– Mọi người, khoảng 99% nhân loại – đã quên mình là ai;

– Tất cả chúng ta đều nghiện cảm xúc, nghiện nỗi sợ hãi (hình thái thông thường nhất là lo lắng), tức giận (hình thái phổ biến nhất là oán giận), và buồn bã (dưới dạng trầm cảm, u uất). Đó hoàn toàn là sự thật.

Thậm chí, chúng ta còn cảm thấy đau đớn khi chứng kiến ai đó đang làm tổn thương cho người khác. Có thể bạn nghĩ rằng điều đó là bình thường và nên làm để thể hiện sự cảm thông, tình yêu thương đồng loại. Tôi không phủ nhận điều đó, nhưng bạn hãy nghĩ lại xem, trước khi có thể giúp đỡ hay thể hiện tình nhân ái với người khác thì chúng ta phải để tâm hồn mình hoàn toàn thanh thản và được yêu thương, nếu không mọi sự thể hiện hay cố gắng của ta cũng chỉ là vô ích. Vì thật đơn giản, chúng ta không giúp được cho chính mình trước thì làm sao có thể nói đến chuyện giúp đỡ người khác![1]

2. Bảy cách phản ứng thông thường khi bị tổn thương

Khi nghĩ rằng ai đó hay điều gì đó gây nên nỗi đau cảm xúc cho mình, phản ứng của chúng ta thường rất đa dạng, từ kiểu ít gặp cho đến phản ứng thông thường nhất, từ công khai đến lén lút. Mỗi kiểu là một mức độ phản ứng khác nhau và sau đây là bẩy mức độ cơ bản, hãy thử đọc và kiểm tra xem bạn đang ở mức độ nào nhé!

Trả thù: chúng ta muốn người khác cũng phải chịu đựng nỗi đau đớn mà chúng ta cảm nhận được, với ý nghĩ cho rằng chính họ đã làm tổn thương ta.

Trừng phạt: chúng ta muốn xử lý theo luật của riêng mình, ngay cả trong ý nghĩ.

Chuyển hoá: chúng ta muốn thay đổi tính cách và hành vi cư xử của người khác.

Tha thứ: chúng ta hành động theo niềm tin về những gì được cho là đúng và nên làm.

Buông bỏ: thoát khỏi quá khứ và tiếp tục sống.

Trả nghiệp – Thanh toán món nợ cuộc đời: nhận ra và chịu trách nhiệm cho tất cả những tổn thương của mình với nhận thức rằng điều mình nhận được hôm nay là kết quả của ngày hôm qua.

Khai sáng: chúng ta nhận ra rằng BẢN THÂN không bao giờ bị tổn thương.

2.1. Trả thù: Bạn muốn tự đòi lại công bằng

Ngày nay phim ảnh đã tác động rất nhiều vào cuộc sống của chúng ta, nó nuôi trong đầu óc của con nguời ý nghĩ về một thế giới mà ở đó sự trả thù nhau là một cách tìm lại công bằng. Nó gieo vào tâm trí ta một ảo tưởng là người khác phải chịu trách nhiệm cho những gì chúng ta đang cảm nhận.

Nhiều người xem trả thù như là cách phản ứng chính đáng trước những hành động thiếu tử tế của người khác. Họ tìm đủ mọi lý do để có thể tức giận. Họ thể hiện cảm xúc của mình bằng hành động và lời nói hàm chứa đầy tính bạo lực và sự oán thù.

Nhưng sự thật thì sao? Nó chỉ toàn tiếp tục gây ra những rắc rối, nó khai sinh và nuôi dưỡng mâu thuẫn, bạo lực, thù hằn… mãi trong vòng lẩn quẩn không bao giờ ngừng. Vậy mà rất ít người hiểu và nhận ra điều đó.

Trả thù thường được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Có khi là sự trừng phạt công khai, có khi là trả đũa một cách lén lút hay cũng có khi được thể hiện ra bằng thái độ rút lui, không hợp tác, tỏ ra phớt lờ hoặc phao những tin đồn xấu về “kẻ thù” của mình. Thật là mù quáng và ngốc nghếch nếu không nói là mất trí khi con người cứ tiêu tốn sức lực cả về thể chất lẫn tinh thần để tìm cách đối phó với người khác.

Cách duy nhất để bỏ quan niệm mù quáng này là thức tỉnh và nhận ra hai sự thật. Thứ nhất, trả thù là một hình thức biểu hiện của những tổn thương do bản thân gây ra. Thứ hai, chính chúng ta tự làm tổn thương mình, không phải do người khác.[2]

  1. 2. Trừng phạt: Bạn nghĩ rằng họ đáng bị trừng phạt

“Hãy trừng phạt hành vi tội ác” là tiếng kêu đầy căm phẫn luôn vang lên ở bất kỳ xã hội văn minh nào. Nhưng hãy nghĩ lại xem sự trừng phạt này chẳng phải là cách trả thù được ngụy trang dưới một hình thức khác đó sao? Luật pháp được xây dựng để kiểm soát những cơn giận dữ, những cảm xúc bùng phát mãnh liệt, đưa xã hội vào một thiết chế ổn định và trật tự hơn. Tuy nhiên không phải ở xã hội, ở chế độ chính trị nào cũng làm được điều ấy. Có những nơi luật pháp bị lạm dụng, bị sử dụng như một hình thức cưỡng chế và trừng phạt, nó không những không thể chuyển hoá được tính cách của người phạm tội mà còn gây thêm tổn thương, làm tăng thêm lòng giận dữ tiêu cực.

Mỗi hình thức chúng ta sử dụng để trừng phạt người khác đều như muốn nói với họ rằng: “Mày là tội phạm, mày đáng bị trừng trị như thế và không còn hy vọng nào cho mày cả!”. Những lời quy tội nặng nề như thế biểu hiện cho một tâm hồn thiếu lòng trắc ẩn, nghĩa là không có tình yêu thương, không có lòng vị tha trong mối quan hệ đồng loại. Những điều này phải chăng cũng chính là hạt giống gieo mầm cho sự trả thù về sau. Con người sẽ không còn dành cho nhau sự trừng phạt khi cuộc sống tràn đầy tình nhân ái và lòng vị tha, sẽ không còn bất cứ sự trả thù nào mang danh đòi lại công bằng. Cuộc sống sẽ được nối kết bởi những con người biết sống trong hoà hợp, đoàn kết và yêu thương. Bản chất của cuộc sống và bản chất của con người là không có tội ác, tự chúng ta tạo ra chúng bằng sự hận thù và niềm tin u mê về tội lỗi.[3]

Trừng phạt không có hiệu quả: Trong thời nội chiến Mỹ, một thanh niên tên Roswell McIntyre bị gọi nhập ngũ. Anh được đưa vào binh đoàn Kỵ Binh New York. Chiến tranh ngày càng khốc liệt. Chiến trường cần nhiều lính nên anh bị đưa ngay ra mặt trận chỉ sau một thời gian huấn luyện ngắn. Bạn cũng có thể đoán được rằng Roswell đã vô cùng sợ hãi, hoảng loạn khi tham chiến và đã vùng bỏ chạy. Anh ta bị đưa ra tòa án quân sự và bị kết án tử hình vì tội đào ngũ.

Mẹ của Roswell viết thư lên tổng thống Lincoln xin ân xá cho con. Bà giải thích rằng con của bà còn quá trẻ nên thiếu kinh nghiệm và khẩn khoản xin cho con một cơ hội thứ hai. Trong khi đó, các tướng lãnh quyết liệt yêu cầu tổng thống giữ nghiêm kỷ luật. Họ khăng khăng cho rằng những ngoại lệ sẽ làm suy yếu tinh thần một đạo quân đang bị bao vây.

Lincoln suy nghĩ rất lâu. Sau đó ông đã viết một nhận xét nổi tiếng: “Tôi nhận thấy rằng việc tử hình một thanh niên không giúp anh ta học hỏi được điều gì cả”.

Sau đó, ông đã tự viết lá thư sau: “Thư này xác nhận rằng Roswell McIntyre được nhận trở lại binh đoàn Kỵ Binh New York. Khi đã phục vụ trong quân ngũ hết thời hạn, người này được miễn trừ tất cả cáo buộc nào đối với tội đào ngũ”.

Lá thư ố vàng đó, do chính tổng thống viết và ký tên, hiện đang được trưng bày trong Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Bên cạnh lá thư có một mảnh giấy nhỏ ghi thêm: “Thư này được tìm thấy trong thi hài của Roswell McIntyre, người đã anh dũng hy sinh trong trận chiến Little Five Forks, tiểu bang Virginia”.

Việc tử hình một thanh niên (hay bất cứ người nào khác) không giúp anh ta học hỏi được điều gì cả. Nhưng lòng vị tha thì có thể tạo ra được những sức mạnh mà chính bạn cũng không ngờ tới.[4]        

2.3. Chuyển hoá: Bạn muốn thay đổi người khác

Khi ai đó làm điều gì ngược lại với đạo đức xã hội, hay chống lại những luật lệ gìn giữ sự hài hoà trong mối quan hệ của con người, cách tốt nhất và thông thái hơn hết là giúp người ấy chuyển hoá thay vì trừng phạt họ. Hầu hết mọi người đều đồng ý việc sửa đổi bản thân hơn là dùng các biện pháp để trừng trị, vì thật ra điều chúng ta cần làm là chuyển hoá suy nghĩ của họ ngày một tích cực hơn chứ không phải là kiểm soát những biểu hiện hành vi trong giới hạn nào đó. Có nhiều bằng chứng cho chúng ta thấy rằng những kẻ sát nhân cuồng nộ đã có sự thay đổi thái độ và hành vi khi được khai thông về tư tưởng, họ biết quay đầu lại chân thành hối lỗi. Ngược lại, khi sử dụng biện pháp trừng phạt, chúng ta chỉ có thể kiểm soát hành vi của họ trong một thời gian nhưng tư tưởng bạo lực và chống đối vẫn tồn tại, nó có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, để thực hiện quá trình chuyển hoá này, phải có thời gian, vì vậy rất cần có lòng kiên nhẫn và sự sẵn lòng của cả hai bên – người muốn chuyển hoá bản thân và người giúp đỡ. Bên cạnh đó, với động cơ tích cực sẵn có, họ vẫn cần đến sự hướng dẫn của một người thầy am hiểu, tận tâm và giàu kinh nghiệm.

Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn giúp người khác sửa đổi bản thân với ý nghĩ rằng họ là nguyên nhân gây nên bất an cho mình, thì động cơ tưởng chừng tốt đẹp ấy cũng chỉ là một hình thức trừng phạt khác được ngụy trang khéo léo.

Có lẽ đây là lý do tại sao nhiều người thích chuyển hoá người khác lại tự xem mình là đúng đắn, lương thiện. Họ phát triển tính cách thiên về khuynh hướng phán xét và chỉ trích. Ánh mắt họ thường hay lướt tìm ai đó cần “điều trị nhân cách”, luôn soi mói vào thiếu sót, lỗi lầm ở người khác. Cũng giống như người thợ chụp ảnh chuyên nghiệp biết nhìn ra và dựng bố cục hình ảnh hợp lý theo ý tưởng của mình, người thích chuyển hoá có thể rơi vào chiếc bẫy xem người khác như là những người cần cải hoá.

Đến lúc này chỉ có ai thông minh và sáng suốt nhất mới kịp nhận ra rằng mình đang cố thay đổi người khác trong khi chính bản thân mình mới cần thay đổi. Khi tâm trí chúng ta còn có sự hiện diện của những lời phán xét, phê bình, chỉ trích thì tức là ta đang rơi vào ảo tưởng về lỗi lầm của người khác. Ta chỉ giúp đỡ được người khác khi bản thân mình không có những nghi kỵ, ta đến với họ bằng sự chân thành và đồng cảm.

Đồng thời, người chuyển hoá cần nhận ra rằng không có người xấu hay kẻ tội phạm, mà chỉ có những người đánh mất sự liên hệ với điều tốt đẹp vốn có. Như chúng ta đã biết, cuộc sống là tấm gương phản chiếu của thế giới nội tâm. Mọi sự kiện, hành động và hoàn cảnh vốn đều tốt đẹp, trừ khi chúng ta làm cho nó trở nên tệ hại đi bằng sự phán xét trong tâm trí mình. Cách nhìn nhận của ta như thế nào, thì ta sẽ tạo nên thế giới theo tầm nhìn ấy. Chúng ta “nhìn” người khác ra sao, thì mối quan hệ giữa ta với họ cũng sẽ trở nên như vậy. Do đó, nếu biết nhìn vào bản chất thật sự của con người và vạn vật thì thế giới này sẽ vô cùng tốt đẹp.

Cuộc đời luôn có những điều đúng và sai. Có cách suy nghĩ và lối sống đúng đắn tạo dựng và nuôi dưỡng cho sự hài hoà trong xã hội, song cũng có cách suy nghĩ và lối sống sai (chỉ là tạm thời) làm rạn nứt các mối quan hệ. Đúng và sai chứ không phải là tốt và xấu như trước đây chúng ta hằng lầm tưởng.[5]

Không thể thay đổi người khác qua câu chuyện”hãy yêu thương cỏ dại”: Có một nông dân kia đã thử đủ mọi cách để diệt đám cỏ dại trong bồn hoa nhà mình. Thế nhưng, dù làm cách nào thì đám cỏ dại ấy vẫn cứ sinh sôi phát triển. Sau cùng, ông ta đành chịu thua và viết thư lên Bộ Nông Nghiệp để xin một lời khuyên, kèm theo đó là bảng liệt kê tất cả những cách mà ông ta đã thử. Vài ngày sau ông ta nhận được thư trả lời, chỉ với một dòng rất ngắn: “Chúng tôi khuyên ông nên tập yêu thương bọn cỏ dại ấy”.

Trong cuộc sống đôi khi chúng ta cũng cảm như thế. Chúng ta có thể cảm thấy vô cùng bực tức vì những sai lầm và khí chất của người khác. Chúng ta tin rằng mối quan hệ sẽ tốt đẹp hơn nếu như họ chịu từ bỏ thói quen khó ưa kia hoặc xem lại các hành vi gây khó chịu cho người khác của mình.

Vì vậy, chúng ta thực hiện chiến dịch “nhổ cỏ dại” để làm thay đổi những người mà ta quan tâm. Chúng ta có thể chì chiết, cương quyết, áp đặt hoặc thậm chí van nài, dỗ ngọt. Chúng ta dùng mọi cách nhằm thay đổi họ theo ý ta. Và rồi cuối cùng, nỗi uất giận dâng cao khi cảm thấy họ vẫn y như thể không thể thay đổi được.

Vấn đề là chúng ta không thể và cũng không nên tìm cách nhổ hết “cỏ dại” mà chúng ta nhìn thấy ở người khác. Chúng ta không thể thay đổi được người khác – ngoại trừ chính bản thân chúng ta. Họ cũng vậy, họ chỉ thay đổi khi tự bản thân họ muốn thay đổi, chúng ta không thể nào thay đổi được họ. Ý chí để thay đổi phải xuất phát từ trong chính con người họ. Thay vì buộc họ thay đổi cho phù hợp với ta, hãy tập yêu thương họ – với tất cả những thứ “cỏ dại” tồn tại trong bản thân họ. Đó mới là điều cần thiết mà bạn nên làm để cho các mối quan hệ của mình trở nên tốt đẹp hơn, để cho cây hoa cuộc đời trong mỗi con người trở nên tươi xinh, rạng rỡ hơn cùng với đám cỏ dại bên mình tỏa hương thơm ngát dưới ánh mặt trời.

Và bản thân chúng ta, phải chăng cũng muốn được mọi người đối xử với mình như thế? Và hơn nữa, cũng giống như một khu vườn xinh đẹp, những đóa hoa này sẽ trở nên rạng rỡ và quyến rũ hơn nếu chúng ta không tập trung để ý đến những thứ “cỏ dại” ở xung quanh.[6] 

2.4. Tha thứ: Muốn tha thứ, hãy bỏ lại quá khứ sau lưng

Để giúp cho khách hàng của mình dễ dàng tha thứ, Piero Ferrucci đã nhấn mạnh hai yếu tố được xem là hữu ích. Thứ nhất, họ phải nhìn nhận những việc sai trái mà người khác đã làm đối với mình. Bạn không thể giả vờ như chẳng có gì xảy ra. Trước khi quên đi những bất công, bạn cần phải nhìn nhận và cảm nhận điều đó một cách trọn vẹn. Sẽ không tốt nếu tha thứ vội vã. Chỉ sau khi cảm nhận được mức độ tổn thương thì chúng ta mới có thể tha thứ cho người khác.

Sẽ chẳng có gì nghi ngờ về điều này: đôi khi một cơn giận không thể nào nhanh chóng bị xoá nhoà. Nếu là nạn nhân của một sự bất công như bị ai đó đánh đập, bị đánh cắp tiền, chúng ta sẽ cảm thấy giận dữ và bị thái độ này giày vò. Chúng ta hãy thừa nhận điều đó, hãy thừa nhận là mình đang giận dữ; nó sẽ giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn. Giận dữ không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Đây là một thực tế của những cảm xúc phi thường. Thay vì phản ứng hay thu mình lại, chúng ta sẽ thể hiện thái độ tiêu cực, khẳng định sức mạnh bản thân mà không làm tổn thương bất kỳ ai, hoặc sử dụng sức mạnh đó để nêu bật ý tưởng của mình. Nếu không làm như vậy, chúng ta không thể dễ dàng xua đi nỗi bực dọc trong lòng. Lòng nhân ái do đó sẽ không có chỗ để tồn tại nữa.

Một yếu tố quan trọng khác (chủ yếu trong trường hợp chúng ta quen biết với kẻ công kích mình) là thái độ thông cảm với kẻ đó. Nếu thử tìm cách đặt mình vào vị trí của họ, hiểu được dự định và nỗi đau của họ, chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ hơn. Chẳng có gì ngẫu nhiên khi hành động tha thứ và thông cảm lại diễn ra trong cùng một vị trí của não bộ.

Vì vậy, chúng ta sẽ dễ tha thứ cho người khác nếu biết đặt mình vào vị trí của họ; nếu chúng ta ít quan tâm đến việc phán xử mà lưu tâm đến việc thấu hiểu; nếu chúng ta đủ khiêm tốn để từ bỏ vai trò của một “thẩm phán”; và chúng ta đủ linh hoạt để từ bỏ những tổn thương lẫn oán giận trong quá khứ. Học cách tha thứ sẽ giúp chúng ta chuyển đổi tính cách một cách toàn diện.[7]

Sau đây sẽ là một số điều hữu ích có thể giúp bạn dễ dàng tha thứ

2.4.1.Đừng xem mình là nạn nhân

Nỗi đau về tinh thần và cảm xúc được thể hiện qua phản ứng của chúng ta trước những gì xảy ra. Đó là lựa chọn của cá nhân, bạn có thể đắm chìm trong đau khổ xem mình là nạn nhân không may mắn hay tiếp tục cuộc sống đang đợi chờ ở phía trước? Chris Moon là một tấm gương tuyệt vời cho tinh thần sống hết mình. Anh đã mất đi một cánh tay và một chân trong khi làm nhiệm vụ tháo gỡ bom mìn. Dù phải chịu nỗi đau lớn về thể xác nhưng anh không dừng lại và nghĩ: “Tại vì quả mìn… Tại vì kẻ đã đặt mìn… Tại vì lũ chế tạo mìn… Tại chính tôi đã không cẩn thận hơn… Tôi là một nạn nhân… ”, mà anh tiếp tục sống và tham gia các hoạt động như một người bình thường. Anh tham gia các cuộc chạy marathon hàng năm bằng đôi chân giả, không nỗi đau nào có thể cản bước cuộc sống của anh được.[8]

2.4.2.Chúng ta không phải là cơ thể, dáng vẻ bề ngoài này

Có lẽ thừa nhận thực tế này là thử thách lớn nhất đối với con người. Thể chất là hình thức bên ngoài của con người chứ không phải là bản chất, mà bản chất quan trọng nhất chính là thế giới nội tâm của chúng ta. Khi chúng ta chịu tổn thương về thể chất, nghĩa là hình thức bề ngoài đang chịu nỗi đau chứ không phải con người bên trong ta đang gánh chịu điều ấy. Đây là lý do tại sao tính khí, thái độ và tính cách của một số người không thay đổi, ngay cả khi họ mang thương tật. Dường như là họ đã biết và hành động theo sự thật này, tức là họ đã tách biệt mà không đồng hoá mình với cơ thể bên ngoài.[9]

2.4.3.Vượt qua trở ngại trên đường đời và tiến về phía trước

Trong cuộc đời, những chuyện không theo ý muốn của chúng ta vẫn thường hay xảy ra. Hãy vượt qua và tiếp tục tiến về phía trước, nếu không, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong những chuyện đau buồn ấy. Nó không những làm tinh thần chúng ta bất an mà có khi chúng ta còn làm phiền người khác chỉ vì chuyện của mình. Nếu làm như vậy, chúng ta đang nuôi dưỡng nhu cầu cần có sự cảm thông từ người khác và chúng ta bắt đầu rơi vào cơn nghiện cảm xúc tiêu cực kia.[10]

2.4.4.Mọi vấn đề đều có lợi ích riêng

Một số người nhận ra rằng mọi điều xảy ra đều có lý do của nó, luôn có những bài học và lợi ích ẩn chứa sau mỗi sự kiện. Vì vậy, họ thường nói: “Chuyện này có thể đã không xảy ra với tôi. Nhưng nó đã xảy ra là vì tôi. Đó là một bài học dành cho tôi”. Họ dành thời gian để suy ngẫm, xem xét, nhìn nhận, học tập, thay đổi và tiếp tục tiến lên.[11]

2.4.5.Tự do bằng sự giải thoát

Hãy buông bỏ cho những sự việc, hoàn cảnh đã xảy ra với mình trôi đi, xem nó là quá khứ đã qua và ta đang sống một cuộc sống hiện tại. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục tái hiện lại bối cảnh đó trong tâm trí và gợi lại cảm xúc tiêu cực ấy trong trái tim mình, nghĩa là chúng ta đang muốn ôm giữ lấy quá khứ để làm thoả mãn cơn nghiện cảm xúc. Việc giữ mãi chuyện đau buồn đã qua chỉ làm cho cuộc sống ngột ngạt và hằn sâu thêm vết thương trong nội tâm. Vì vậy, hãy cho quá khứ qua đi nhẹ nhàng và tiếp tục cuộc sống.[12]

2.4.6.Tha thứ là lựa chọn của cá nhân

Trong khi nhiều người cảm thấy tha thứ là điều khó khăn, thì những người khác tin rằng tha thứ là điều cần thiết để cho mọi khổ đau qua đi và tiếp tục sống. Gee Walker – người cũng có đứa con trai bị sát hại trong vụ thảm sát đó lại có lựa chọn hoàn toàn ngược lại. Bà đã làm cả nước Anh phải kinh ngạc khi nói lời tha thứ cho hai kẻ sát nhân: “Tôi không thể căm ghét hay giữ oán thù với họ. Tôi phải tha thứ. Oán thù chính là điều đã giết chết con tôi… Giờ đây, trong thâm tâm, ắt hẳn họ đang khổ sở và đau đớn nhiều lắm!”. Trước sự ngạc nhiên của công chúng về hành động cao thượng này, bà giải thích: “Rõ ràng nếu tôi không tha thứ, và không đáp lại những oán thù và sự kỳ thị bằng lòng khoan dung, nó sẽ trở thành một vết nhơ, một nỗi đau trong ký ức về con trai tôi”. Bà đã thổ lộ trung thực và rõ ràng về ý định tha thứ của mình: “Nhưng tôi tha thứ không phải vì họ. Tôi làm cho chính tôi. Nếu không tha thứ, tôi sẽ phải vác theo gánh nặng này trên suốt quãng đường đời phía trước. Tôi cũng đã chứng kiến chuyện tương tự xảy ra với nhiều người. Họ trở nên đau khổ và càng căm phẫn hơn. Tôi không muốn mình trở thành nạn nhân đến hai lần”.[13]

Chuyện kể rằng: Một hôm, thầy giáo bảo học sinh trong lớp mỗi người mang theo một cái túi đến trường, và mỗi người mua lấy một túi khoai tây. Mọi người tưởng thầy bị bệnh tâm thần, hoặc cho là thầy thích khoai tây!

Ngày hôm sau lên lớp, thầy nói, các em chọn một củ khoai tây cho người mà các em không muốn tha thứ cho họ, và viết lên đó tên họ và cả ngày tháng vi phạm của người đó, sau đó bỏ củ khoai đó vào trong túi. Đó là bài làm trong một tuần.

Ngày đầu tiên mọi người cảm thấy vô cùng thích thú với trò chơi này. Khi sắp tan học, trong túi của các bạn học sinh đã có nhiều khoai tây, và chúng viết lên đó rất nhiều điều, và thề sẽ không tha thứ cho những người này. Còn thầy giáo thì bảo, trong tuần này dù ai đi đâu cũng phải đem theo cái túi này. Học sinh khiêng cái túi đến trường, về nhà, thậm chí cả khi đi chơi với bạn cũng thế.

Sau một tuần, số khoai tây trong túi đã nhiều. Có người đã bỏ đến gần 50 củ khoai tây trong túi, khiến chiếc túi mà chúng phải mang trở nên nặng trĩu. Lúc này, chúng chỉ mong muốn kết thúc bài tập này càng sớm càng tốt. Một tuần đã qua, thầy giáo hỏi: “Các bạn đã biết kết quả của việc không chịu tha thứ cho người khác thế nào chưa? Nặng trĩu vai rồi phải không? Người mà bạn không muốn tha thứ càng nhiều, thì cái gánh này càng nặng. Vậy làm thế nào để giải quyết gánh nặng này?” Thầy giáo hỏi rất nhiều người, nhưng chẳng ai trả lời được. Thầy giáo liền nói: “Đơn giản thôi! Buông nó xuống là xong, có phải không?”[14]

2.4.7.Chân lý tuyệt đối

Theo quan điểm tâm linh, vạn vật đều phát triển theo quy luật có sinh có diệt, và con người cũng tuân theo quy luật ấy. Chúng ta đến với thế giới này rồi cũng có lúc phải ra đi, không có ai, không có bất kỳ điều gì là thuộc quyền sở hữu của chúng ta mãi mãi. Do đó mọi sự mất mát mà chúng ta chịu đựng trong cuộc sống như sự ra đi của người thân, mất mát về vật chất… đều là sự vận hành theo quy luật tự nhiên. Cái này mất đi thì cái kia sẽ tới, mở ra một cuộc sống mới mẻ hơn. Chúng ta hãy chấp nhận sự thật này và sẵn sàng xoa dịu nỗi đau trong trái tim những người xung quanh. Chúng ta không tự bắt mình không được thể hiện tình yêu thương với người khác, nhưng chúng ta còn cuộc sống phía trước – đó là quy luật bất biến.[15]

2.5. Muốn tha thứ phải buông bỏ quá khứ và những điều ta từng gắn kết

Có nhiều người gặp phải những tổn thương quá lớn với nỗi đau in hằn trong tim mà thời gian khó làm nguôi ngoai. Đó là khi họ mất đi người thân yêu vì chiến tranh, vì bị kẻ khủng bố sát hại, hay bị một người tin cẩn phản bội… Đối với những người này, bên cạnh nỗi đau còn có lòng hận thù đối với những kẻ đã gây ra tội ác, gieo rắc trong họ một niềm tin về việc trả thù nhằm đòi lại sự công bằng. Họ khó quên được nỗi đau và mỗi lần hồi tưởng lại, nỗi đau ấy lại tấy lên trong lòng họ.

Thật vậy, mỗi khi suy nghĩ về tổn thương, chúng ta đang lặp lại khoảnh khắc đau đớn ấy trong tâm trí mình. Người ta chỉ nói hay làm điều ấy có một lần thôi. Nhưng chúng ta đã “xem” lại vô số lần, vậy thì ai đang làm tổn thương ai đây? Câu trả lời là: Chúng ta đang làm tổn thương chính mình!

Một cô gái bị cưỡng dâm, rất đau khổ. Cô tìm đến nhà tâm lý để tư vấn. Vừa thấy nhà tâm lý, cô đã oà khóc và thốt lên nức nở: “Tôi nhục quá, sao tôi lại bất hạnh thế này. Có lẽ cả đời, không bao giờ tôi có thể quên được chuyện này”.

–  Cô gái ơi! Cô bị cưỡng dâm là tự nguyện đấy! – Nhà tâm lý nói.

–  Ông nói gì? – Nghe nhà tâm lý nói xong, cô gái giật mình nói – Sao tôi lại tự nguyện bị cưỡng dâm chứ?

–   Cô bị hắn cưỡng dâm một lần, nhưng lòng cô lúc nào cũng nhớ đến nó. Như thế chẳng phải là ngày nào cô cũng can tâm tình nguyện bị hắn cưỡng dâm một lần sao. Nếu thế một năm cô bị cưỡng dâm đến 365 lần – Nhà tâm lý nói.

–  Thế là thế nào? – Cô gái không hiểu nổi.

–   Cô đã gặp một chuyện không tốt đẹp gì, nhưng ngày nào cô cũng nhớ đến nó, đó chẳng phải là chuyện ngốc nghếch sao? Cái này khác gì đạp lên vết xe cũ? – Nhà tâm lý nói.[16]

Dù vô tình hay có ý thức, chúng ta cũng đang tự huỷ hoại bản thân trong những cơn đau triền miên như thế. Vậy thì tại sao ta không quên đi để tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản đón lấy cuộc sống? Hãy xem đó như những sự kiện, nhưng đừng lưu giữ những thương tổn trong tâm hồn. Chúng ta không phủ nhận quá khứ nhưng cũng đừng xem đó là thước đo cho cuộc sống của mình ở hiện tại và cả tương lai.

Trong thời gian dài thiền định dưới gốc cây bồ đề, Đức Phật đã nhận ra rằng nguyên nhân gốc rễ cho mọi đau khổ của con người là sự gắn kết. Không phải là sự gắn kết bên ngoài mà là sự gắn kết từ trong nội tâm. Vạn vật đều sinh ra từ ý nghĩ trong tâm trí. Chúng ta gắn kết với những hình ảnh trong tâm trí mình, và khi ai đó đụng chạm đến hình ảnh đó, chúng ta lo âu và gọi nó là nỗi đau. Chẳng hạn như, bạn gắn kết bản thân với con của mình nhưng bạn vẫn chưa nhận ra rằng gắn kết không phải là yêu thương. Mỗi khi chuyện gì đó xảy ra với con bạn, bạn liền tham dự vào như thể đó là cách bộc lộ tình thương với chúng. Nhưng sự thật, gắn kết sẽ ngăn chặn trái tim ta, làm tắc nghẽn dòng chảy tình thương đến với mọi người.

Hãy để cho đứa con mình có thể tự bước đi trên đường đời của nó! Tách rời không có nghĩa là chúng ta không quan tâm, bỏ bê chúng. Cũng không có nghĩa là chúng ta chỉ biết đứng nhìn. Mà tách rời có nghĩa là chúng ta không đánh mất ý thức về bản thân mình và đồng hoá mình với tổn thương mà đứa con yêu quý của mình đang trải qua. Khi đó, chúng ta sẽ không lo âu, bối rối, sẽ không phản ứng tiêu cực khi có chuyện xảy ra với chúng. Chúng ta giữ mình bình tĩnh và sẵn sàng giúp đỡ chúng vượt qua những trải nghiệm đầu đời. Chúng ta để cho con mình đi bằng chính đôi chân của chúng trên đường đời chứ không phải bằng đôi chân của ta; và thật sự ta cũng không thể làm điều đó mãi được vì chúng đang sống cuộc đời của chúng.

Ngày nay, nhiều người không chỉ gắn kết và nghiện nỗi đau, mà còn bắt đầu xem mình như là người khốn khổ, là nạn nhân. Tuy nhiên, không hề có nạn nhân mà chỉ có những ai gắn kết và nhận dạng sai bản thân với hình ảnh do mình tạo ra trong tâm trí. Đây cũng là một hình thức biểu hiện của “cái tôi” – một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của con người.

Nếu bạn thấy mình đang đi trên con đường mòn này, tại sao không dừng lại? Tại sao không từ bỏ hình ảnh mình là nạn nhân, ngưng diễn đi diễn lại việc làm đau bản thân và nhớ rằng không ai gây đau khổ cho bạn? Tất cả mọi chuyện đều là lựa chọn của bạn, đều nằm trong tầm tay bạn.[17]

2.6. Trả nghiệp – Thanh toán món nợ đời

Nhiều người nghĩ rằng những tổn thương cả về tinh thần và thể chất ngày nay họ phải gánh chịu là do Nghiệp để lại. Điều này có đúng không? Và Nghiệp là gì?

2.6.1. Nghiệp đơn giản

Nghiệp hiểu đơn giản là sự vay trả trong mối quan hệ giữa con người với nhau, chúng ta cho đi điều gì thì sẽ nhận về như thế ấy. Chúng ta liên tục gửi đi những suy nghĩ, cảm xúc, thái độ và hành động của mình cho thế giới qua những mối quan hệ. Cuối cùng, tất cả đều quay trở lại với ta dưới hình thức này hoặc hình thức khác… Đây là nguyên tắc về Nghiệp ở mức độ đơn giản nhất – gieo và gặt, hành động và phản ứng, điều gì cho đi rồi cùng sẽ nhận về.

Có lẽ chúng ta chưa hoàn toàn đồng ý rằng nguyên tắc nhân quả chi phối toàn bộ thế giới, ở mọi cấp độ, mọi nơi, mọi hoàn cảnh; nhưng cũng không ngạc nhiên khi nguyên tắc này không được hiểu biết một cách sâu rộng. Có lẽ chúng ta chưa sẵn sàng nhận ra và chịu trách nhiệm cho những cảm xúc và hành động của mình. Hoặc ý tưởng này quá lạ lẫm, chúng ta khó chấp nhận rằng mỗi một sự kiện đều có nguyên nhân và kết quả dây chuyền như hiệu ứng đôminô – con đôminô này ngã xuống làm những con kế tiếp ngã theo. Nếu nhận ra và chấp nhận tính xác thực của quy luật này, khi gặp bất cứ bất trắc nào trong cuộc sống, bạn đều cho đó là kết quả phải nhận do những việc làm trong quá khứ của chính mình gây nên, và bạn sẽ không còn đổ lỗi cho ai về những gì bản thân đang gánh chịu.

Nếu không muốn đi quá sâu vào việc tìm bằng chứng về Nhân Quả, hãy đơn giản theo dõi những tin tức hằng ngày và bạn sẽ thấy luật Nhân Quả đang diễn ra như thế nào. Mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc, quốc gia, công ty, tôn giáo… đều là những dạng đồng hoá sai lầm. Nghiệp bắt đầu ngay từ lúc hành động được thực hiện và từ sự gắn kết – một hình thức đồng hoá sai lầm khác. Những khác biệt nhìn thấy được chẳng qua chỉ là những “nhãn mác” bên ngoài. Nhưng từ lâu, con người đã quen với việc nhận dạng bản thân như thế, họ xem những “nhãn mác” khác như là mối đe doạ đối với mình và hành động với sự sợ hãi, cuối cùng dẫn đến bạo lực, xung đột. Đôi khi, Nghiệp tưởng chừng như đã biến mất đi, nhưng nó sẽ lại bùng phát và lớn lên theo thời gian, cho đến khi một bên thức tỉnh trước sự thật “Tôi là ai”, và bắt đầu xem người khác không phải là mối đe doạ, mà đơn giản chỉ là những người đang giữ một niềm tin khác. Mà niềm tin thì chưa hẳn đã là chân lý.

2.6.2. Nghiệp nâng cao

Nghiệp nâng cao giống như là một chiếc đĩa ghi lại tất cả mọi hành động mà chúng ta đã thực hiện, cùng những niềm tin, và được lưu giữ trong tiềm thức của ta. Nếu chúng ta tin rằng lời nói và hành động của người khác có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của mình, thì niềm tin này cũng được ghi vào chiếc đĩa mang tên Nghiệp Đời. Sau đó, mỗi khi nhìn thấy người mà chúng ta nghĩ là họ gây tổn thương cho ta, chúng ta sẽ mở lại “chiếc đĩa tức giận và đau khổ”, qua đó làm mạnh thêm ảo tưởng rằng người khác phải chịu trách nhiệm cho sự bất hạnh của mình. Nếu cứ nuôi dưỡng cách phản ứng như thế này, Nghiệp của ta không chỉ lớn lên thêm, mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ, nó sẽ triệt tiêu khả năng giữ bình tĩnh, bình an, thông suốt và tích cực mỗi khi giao tiếp với người đó. Qua thời gian, điều này sẽ mở rộng ra và ảnh hưởng xấu đến mối giao tiếp của bạn với bất kỳ ai nhắc đến con người mà bạn cho là khó ưa ấy. Cuối cùng, nó sẽ phá hỏng khả năng giao tiếp của ta với mọi người. Trừ phi chúng ta giải quyết xong món nợ này, trừ phi chúng ta xua tan đi ảo tưởng sai lầm dẫn đến hành động của mình, nếu không chúng ta sẽ là người huỷ hoại cuộc đời của chính mình.

Để minh hoạ cho điều này, chúng ta hãy xem xét ví dụ về thói quen lo lắng. Mỗi khi lo lắng, chúng ta đang ghi lại thói quen này trong tiềm thức, rồi mang niềm tin rằng “biết lo lắng là tốt, thể hiện tính cn thận, chu đáo”! Tuy nhiên, lo lắng là hình thức biểu hiện khác của sợ hãi, cũng như quan tâm là biểu hiện của yêu thương. Hai điều này hoàn toàn trái ngược nhau. Bất cứ điều gì trong cuộc sống mà khơi dậy ký ức tiêu cực từ quá khứ cũng có thể kích hoạt “chiếc đĩa lo lắng” này. Lo lắng là sự nhìn nhận quá khứ một cách tiêu cực và phóng chiếu những hình ảnh đó vào tương lai. Mọi chuyện sẽ không kết thúc cho đến khi chúng ta thay đổi thói quen xấu này. Trước tiên, hãy xua bỏ ảo tưởng rằng lo lắng là cần thiết bằng những hiểu biết chân thật: lo lắng chỉ đơn giản là “mơ mộng viển vông gây nên thảm hoạ”, làm phí thời gian và năng lượng. Nghĩa là, hãy thay thế viễn cảnh về một tương lai mơ hồ bằng những phản ứng tích cực trước những gì đang diễn ra trong cuộc sống vào lúc này. Nếu không, cái “Nghiệp lo lắng” sẽ mãi đeo đuổi và gây đau đớn cho ta.

Đến đây thì bạn có thể an tâm rằng Nghiệp có hay không thì cũng đều do chính chúng ta tạo ra chứ không phải của người khác mang đến, do đó chúng ta hãy nhận lấy trách nhiệm với cuộc sống của mình.[18]

2.7. Khai sáng

Bạn muốn am hiểu và sống với chân lý tuyệt đối về tổn thương và tha thứ (208-219)

Bây giờ bạn hãy thư giãn cho thật thoải mái, dành một chút thời gian để bình an nội tâm. Sau đó, bạn cần nhận thức rõ bạn đang làm gì trong ý thức của mình, thật sự biết mình là ai và là gì – một tâm hồn tự do, không bị ràng buộc. Qua đó, mọi tổn thương về thể chất, tinh thần cũng như cảm xúc sẽ được làm sáng tỏ khi tâm hồn ta được khai sáng.

Tổn thương thể chất

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng nghe nói về ngưỡng chịu đau. Các vận động viên thể thao là ví dụ điển hình về những người đã chinh phục được cơn đau trong quá trình luyện tập và tham gia những cuộc tranh tài đòi hỏi khả năng chịu đựng cao. Thật ra, tất cả mọi người đều biết cách thực hiện điều này. Một số người phải trải qua ca phẫu thuật nghiêm trọng mà không có thuốc gây mê nhưng họ không cảm thấy đau đớn. Những chuyên gia về châm cứu có thể làm xao lãng đi cảm nhận đau đớn khỏi não bộ của chúng ta. Thậm chí, đôi khi việc mải mê cuốn vào chương trình tivi cũng giúp ta quên đi cơn đau răng… Tất cả những điều này cho thấy năm giác quan giữ vai trò đưa tín hiệu lên não bộ, còn ta mới là ông chủ thật sự của việc điều khiển bộ não. Vì vậy, nếu luyện tập, chúng ta có thể vượt qua cảm giác đau đớn, khó chịu về mặt thể chất.

Vậy thì, nếu ai đó giáng một hòn gạch lên đầu bạn, bạn sẽ xử lý chuyện này như thế nào?

Cách thứ nhất, bạn có thể tha thứ như cách nhiều người thường làm, chữa lành những vết thương thể chất theo phương pháp điều trị đúng, nhanh chóng bỏ qua quá khứ, và tiếp tục sống. Tuy nhiên, không phải tổn thương nào chúng ta cũng có thể áp dụng phương cách này, với những thương tật chúng ta phải mang suốt đời trên cơ thể thì thật khó mà quên được.

Cách thứ hai có phần sâu sắc hơn, chúng ta hiểu rằng bất cứ chuyện gì xảy ra đều có lý do của nó, hy hữu mới có những tai nạn hay sự kiện vô tình xảy ra trong cuộc sống. Cách hiểu này cũng giống như quan niệm về Nghiệp chúng ta vừa khảo sát ở phần trên, giúp chúng ta chịu trách nhiệm cho trải nghiệm của mình, từ đó cho phép ta làm chủ mọi tình huống, không tạo ra giận dữ và oán hận, không xem mình là nạn nhân, và tiếp tục vui sống.

Tổn thương về tinh thần và cảm xúc

Bạn gọi tôi là đồ ngốc, bạn xúc phạm công việc của tôi, bạn chỉ trích hành động của tôi, bạn nghi ngờ về động cơ của tôi, bạn gọi tôi là kẻ nói dối, bạn đổ lỗi cho tôi về điều mà tôi đã không thực hiện… Sau khi trút những lời lẽ không mấy thiện cảm ấy vào tôi, bạn sẽ nghĩ rằng điều ấy khiến tôi tổn thương, đau khổ? Cũng có thể lắm chứ, vì theo nhiều người thì đó là điều tự nhiên và cũng có khi là hẳn nhiên sẽ xảy ra. Nhưng tôi lại có một lựa chọn khác. Tôi có thể chọn cách không bị tổn thương trước lời nói, thái độ của bạn. Tôi có thể chọn cách không phản ứng hoặc cũng có thể thêm vài lời: “Bạn có thể gọi tôi là người nói dối hay nghi ngờ về động cơ của tôi, nhưng tôi biết tôi không phải là kẻ nói dối, tôi muốn giúp bạn”. Để có được cách phản ứng khác, chúng ta cần có sức mạnh và một tâm trí luôn được nuôi dưỡng bằng những ý nghĩ tích cực. Ngoài ra, chúng ta cũng cần thực hành thường xuyên để tạo thói quen không phản ứng gay gắt hay chống đối lại những ý kiến chỉ trích, nhận xét của người khác. Một lần nữa, điều này cũng chứng minh rằng người khác không bao giờ có thể gây tổn thương ta, mà luôn luôn là do ta tự làm đau mình. Nói rộng ra, không ai làm tổn thương ai, do đó, không cần đến sự tha thứ.

Đến đây, chúng ta hãy thử làm một trắc nghiệm nho nhỏ, tôi sẽ nói một câu khó nghe về bạn. Tôi gọi bạn là đồ ngốc và bạn cảm thấy tổn thương. Tại sao? Bởi vì bạn đang mang theo hình ảnh bản thân giống như “kẻ ngốc nghếch” trong tâm trí mình – một dạng gắn kết. Bạn đưa lời phán xét ấy vào ý thức mình và phân tích. Vì nó trái với hình ảnh bạn biết về bản thân nên bạn cảm thấy bối rối. Bạn bắt đầu tìm cách bảo vệ mình, chống lại mối đe doạ mà bạn nhận thấy được qua lời nói của tôi bằng nỗi tức giận. Tất cả mọi chuyện cũng đều do cái tôi mà ra. Bạn đau đớn không phải vì lời tôi nói, mà do những suy diễn trong tâm trí bạn. Nếu bạn không gắn kết với hình ảnh mình là một người thông minh và sáng suốt, thì việc bị gọi là đồ ngốc cũng không làm phiền lòng bạn được. Trước những tình huống như thế, bạn có thể phản ứng lại với sự hiểu biết rõ ràng về bản thân, giả dụ như: “Vâng, đôi khi tôi làm điều gì đó không được khôn khéo lắm, nhưng tôi không phải là người ngu ngốc”. Kết quả là gì? Không có rối loạn tinh thần, không đau đớn, không tổn thương.

Một trong những bí mật ở đây là tự nhắc nhớ bản thân rằng chúng ta không phải là tính cách, hành động, lời nói hay thậm chí là ý nghĩ của mình. Chúng là sự sáng tạo của chúng ta. Vì vậy, khi ai đó phán xét và chê bai bất kỳ điều gì về mình, chúng ta không cần phải nhận lấy. Nếu rước chúng vào mình, nghĩa là ta làm tổn thương bản thân vì sự gắn kết và sự đồng hoá mình với ý nghĩ, cảm xúc hoặc tính cách đó. Đây chính là nguyên nhân gây ra mọi đau khổ về tinh thần và cảm xúc.

Một hình thức khác mà ta làm đau chính mình là khi cố gây tổn thương cho người khác. Ta sẽ bị tổn thương đến hai lần, vì trong khi thực hiện điều đó, ở tận sâu trong trái tim ý thức, tiềm thức nói rằng ta đang hành động ngược lại bản chất. Đó là lý do tại sao, sau khi trút hết cảm xúc lên người khác, khi điềm tĩnh trở lại, thường sẽ có một giọng nói hối tiếc vang lên. Đây là tiếng nói của lương tâm, nó đang cố mách bảo rằng ta đã đi ngược lại sự thật, ngược lại với bản chất yêu thương vốn có. Rồi ta cảm thấy đau đớn vì đã gây ra lỗi lầm.

Do đó, ngay khi nhận ra mình đã phạm sai lầm, quan trọng hơn hết là hãy tha thứ cho bản thân trước và thôi không tiếp tục tự đổ lỗi, giày vò mình nữa. Chẳng qua cũng chỉ là do ta quên đi mình là ai trong phút chốc, rồi hành động dựa theo sự u mê đó mà thôi.

Tóm lại, không có ai bị làm cho tổn thương, chỉ là do cái tôi đã bị phá rối. “Con người nội tâm” không bị tổn thương, mà cái tôi mới là nguyên nhân cho sự thiếu thoải mái đó. Cái tôi xuất hiện khi ta tạo ra hình ảnh trong tâm trí mình và rồi TA gắn kết vào hình ảnh đó, đến mức chúng ta đánh mất đi hiểu biết thật sự về bản thân, biến nó thành đặc điểm nhân dạng của ta. Khi ai đó tấn công vào hình ảnh này, ta cảm thấy dường như là họ đang tấn công ta, thậm chí người khác cũng nghĩ rằng họ đang tấn công ta. Nhưng không phải vậy, họ đang tấn công vào ảo tưởng. Ta là suối nguồn bình an, yêu thương và vui vẻ, là một tâm hồn thanh khiết không thể nào bị làm cho vẩn đục, ảo tưởng chỉ che phủ bên ngoài nội tâm trong sáng chứ không thể huỷ hoại ta. Nhưng khi quên đi sự thật này, bình an, yêu thương và hạnh phúc biến mất ngay lập tức và thay vào đó là một sự xáo trộn trong tâm trí, được gọi là cảm xúc.

Khi đã hiểu rõ về bản thân, chúng ta dễ dàng nhận ra và cảm thông cho những sai lầm của người khác. Quả thật, người đang công kích chỉ trích ta cũng đang hành động từ nỗi đau của mình. Trong tâm trí, họ có hình ảnh chúng ta nên hay phải là gì và làm gì. Khi ta không hành động hay không trở nên giống như hình ánh ấy họ đau khổ và tổn thương. Nhưng họ lại tin rằng chúng ta đã khiến họ cảm thấy như thế. Vì vậy mà họ tấn công ta như một sự trả thù. Rốt cuộc, họ tấn công vào ảo tưởng đến hai lần.

Vì vậy, cuối cùng, không ai có thể gây đau khổ cho ai và chỉ có ta tự làm khổ mình. Nếu bạn mới tiếp cận với ý tưởng này lần đầu, xin đừng căng thẳng, hãy thoải mái đọc qua, suy ngẫm và nghiền ngẫm chúng. Hãy đặt câu hỏi dựa theo tình huống có trong thực tế cuộc sống và sử dụng những hiểu biết trên để tự trả lời.[19]

3.Trên cả hận thù

 Tôi nhìn mãi người đang đánh cặp với mình và phân vân hoài một câu hỏi trong đầu :“Chẳng lẽ là người ấy sao?”

Bước vào đầu buổi tập huấn, tôi đã ngờ ngợ với gương mặt quen quen này. Vết sẹo dài trên trán làm mất hết một góc chân mày bên trái, đôi vai rộng và dáng đi hơi đổ về phía trước gợi tôi nhớ đến một người cách đây đã hơn 30 năm… Rồi cứ nhủ hoài với câu :“Không lẽ…” Và tôi tự trách mình: “Hồi đó sao mình không hỏi tên nhỉ?”.

Bây giờ người đánh cặp với tôi là một võ sư thuộc một đơn vị của cánh miền tây. Có phải người ấy không? Tôi định bụng đến cuối buổi tập sẽ hỏi thử xem. Thế nhưng rồi bao nhiêu suy nghĩ cứ lẩn quẩn trong đầu, ký ức chợt hiện về những hình ảnh của một đêm năm xưa…

Một đêm của tháng Tư…

Trận chiến mấy hôm nay bỗng trở nên yên lặng lạ thường. Cái yên lặng đáng sợ.

Đêm nay có tiếng cú kêu đâu đó báo hiệu điều chẳng lành!

Tôi chui ra khỏi hầm trú ẩn, lững thửng đảo một vòng quan sát động tĩnh. Sương đêm dày đặc, khí lạnh của núi rừng tây nguyên khiến tôi rùng mình. Ánh sáng của vầng trăng non yếu ớt, bàng bạc trong sương mờ, mấy bụi cây rừng lay động trong gió nhẹ, chập chờn như những bóng ma. Thoảng trong gió mùi tử khí và mùi thuốc súng của trận đánh cách đây vài hôm làm tôi khó chịu. Tôi dừng lại và nhìn xuống chân đồi…

Một tiếng động nhẹ sau lưng, phản xạ của người lính làm tôi quay phắt lại. Bóng một người lao tới rất nhanh với khẩu súng trường trên tay giương lê sẵn, nhắm vào ngực tôi đâm tới. Tôi lách người né tránh, rồi bằng một thế phản súng lê nhanh gọn, tôi đánh ngã hắn. Tuy không cướp được súng nhưng khẩu súng cũng vuột khỏi tay hắn rơi xuống đất. Còn hắn thì vừa bị ngã đã bật dậy như một cái lò xo. Khoảng cách giữa tôi và hắn quá gần. Tôi rút nhanh con dao găm bên cạnh sườn và lướt tới đâm xéo. Hắn lùi người lại để tránh, nhưng chậm mất rồi. Nhát dao xướt qua trán hắn. Tôi lật ngược lưỡi dao đâm thốc từ dưới lên. Nhanh như cắt, hắn lách người qua, rồi hai tay chặn bắt tay dao của tôi một cách thuần thục. Rõ ràng hắn đoán được đường dao của tôi. Tôi vừa sử dụng đòn dao số 3 thì hắn cũng đã tránh và bắt khoá tay tôi bằng thế phản dao số 3. Khớp tay tôi như muốn gãy lìa, con dao rời khỏi tay rơi xuống đất!

Hắn gằn giọng hỏi nhỏ:

– Mày học ở đâu những đòn vừa rồi… hả?

Tuy rất đau, nhưng với khí khái của một người lính, tôi cắn răng chịu đựng và trả lời hắn:

– Hỏi để làm gì?

Hắn ấn mạnh khớp tay tôi và hỏi tiếp:

– Phải Vovinam không?…Nói đi!

Tôi vẫn bướng:

– Phải thì sao, không phải thì sao?

Hắn buông dần tay tôi. Mặc dầu tôi thấy dễ chịu hơn, nhưng rõ ràng tay tôi đã sai khớp mất rồi. Tôi không thể điều khiển cánh tay được nữa!

Tôi đứng thẳng người nhìn hắn. Hắn đưa tay quệt dòng máu trên trán đang chảy ròng ròng xuống mặt. Hắn hạ giọng, một giọng nói miền nam:

– Nói đi… phải Vovinam không?

Bỗng dưng tôi linh cảm giữa tôi và hắn có một mối quan hệ.

– Tôi đã trả lời rồi, phải thì sao?

Hắn khom người xuống nhặt khẩu súng rồi vỗ vào vai tôi, vẫn kiểu nói khẽ khàng nhưng ẩn chứa một mệnh lệnh:

– Không còn kịp nữa, theo tôi rồi hẵng hay!

Tôi ngạc nhiên:

– Đi đâu?

Hắn kề sát mặt tôi nói nhỏ:

– Các anh đã bị chúng tôi bao vây, hãy mau theo tôi thoát ra khỏi đây. Nửa giờ sau là có lệnh tấn công, anh không thoát được đâu… nhanh lên!

Tôi chần chừ, trong đầu hoang mang suy nghĩ: “sao hắn lọt đến tận đây mà không bị phát hiện? Hàng rào mìn bẫy đã bị vô hiệu hoá hết rồi ư, cả lính gác nữa”?

Hắn khẽ quát:

– Có muốn sống không? Mau lên.

Như có một ma lực cuốn hút, tôi đi theo hắn. Hắn dẫn tôi chạy băng xuống chân đồi như ở chỗ không người. Xuống tới chân đồi, hắn lại dẫn tôi men theo bờ suối một đoạn. Hắn lanh như sóc và hình như thuộc nằm lòng đường đi, còn tôi thì quờ quạng trong ánh sáng lờ mờ suýt ngã nhiều phen.

Đi được một quãng khá xa, hắn dừng lại bên gốc cây, kéo tay tôi ngồi xuống phiến đá. Vết thương trên trán hắn vẫn đang rỉ máu, mặt hắn loang lổ. Còn tay tôi thì hoàn toàn tê cứng không còn cử động được nữa. Tôi dùng tay trái móc trong túi chiếc khăn và thấm máu cho hắn. Hắn cười và gạt tay tôi:

– Không sao, để tôi rửa mặt cái đã…

Hắn bước ra vốc nước suối rửa mặt. Khi hắn quay lại tôi mới có dịp nhìn kỹ . Ước chừng hắn hơn tôi vài tuổi. Có lẽ vết dao trên trán khá sâu, có khi chạm tới xương trán và đã bay mất một góc chân mày. Tôi hỏi hắn:

– Sao anh lại cứu tôi? Sao anh biết tôi là “dân Vovinam”?

Hắn cười, nụ cười hiền hoà chứa chan niềm ưu ái:

– Chúng ta là đồng môn mà! Tôi nhận ra huynh qua hai đòn, phản súng lê và cách đâm dao.

Hắn nói tiếp rất nhanh, như sợ không còn nói kịp:

– Thôi không còn thời gian nữa, nếu còn sống rồi có ngày chúng ta sẽ gặp lại nhau. Còn bây giờ, huynh đi theo con đường này tới một ngã ba… huynh rẽ trái, cứ theo đó mà đi sẽ ra tới lộ, đường không có mìn bẫy đâu, đừng sợ. Tôi trở lại nhiệm vụ của tôi. Chúc may mắn…

Hắn đưa tay lên khoát một cử chỉ chào. Tôi chưa kịp nói thì hắn đã băng mình vào cánh rừng phía trước, mất hút trong bóng đêm.

Tôi bàng hoàng ngẩn ngơ…

Chỉ vài phút sau đó, từng tràng đạn pháo réo ngang trời vèo vèo, rồi những ánh chớp loé sáng kèm theo những tiếng nổ liên hồi trên ngọn đồi ấy. Cứ điểm Bravo chìm trong mưa pháo. Tôi ngẩn người, đầu óc rỗng tuếch.

 

Giờ giải lao, tôi đi cạnh bên anh. Tôi nóng lòng muốn biết anh có phải là người trong cái đêm hôm ấy không. Tôi lên tiếng:

– Mời anh uống nước với tôi.

Anh gật đầu. Chúng tôi ra câu lạc bộ giải khát. Tôi gọi nước và khi cả hai vừa ngồi xuống, tôi vào đề ngay:

– Vết sẹo trên trán anh vì sao mà có vậy?

Anh cười. Đúng là nụ cười ấy:

– À…Dao đâm đấy mà…

Tôi hỏi:

– Tập hay đánh nhau?

Anh đưa tay sờ vết sẹo trả lời:

– Đánh nhau trong chiến tranh.

Tôi thấy nôn nao trong lòng:

– Năm nào?

– À!… Năm 1972.

Anh trả lời tôi và lộ chút ngạc nhiên. Tôi hỏi dồn:

– Cứ điểm Bravo, tháng Tư năm 72?

Bây giờ thì anh thực sự ngạc nhiên, anh nhìn sững tôi một lúc rất lâu:

– Ủa!… Sao huynh biết?

Không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi không biết mình có nằm mơ hay không. Đã hơn 30 năm rồi còn gì. Không ngờ người đang ngồi đối diện với tôi bây giờ lại chính là “Hắn”. Tôi không ngăn nổi xúc động, đứng phắt lên, chồm tới ôm chầm lấy anh:

– Tôi đây mà. Anh không nhận ra tôi sao? Vết dao ấy là do tôi đâm anh. Cánh tay tôi, anh đã khoá lọi khớp đến bây giờ vẫn chưa co lại sát vào vai được đây này, anh còn nhớ không?

Anh chợt nhớ ra và choàng tay ghì sát tôi vào. Xúc động trào dâng khiến cả anh và tôi đột nhiên im lặng. Một lúc sau tôi mới thốt nên lời:

– Thật không ngờ được gặp lại anh. Cảm ơn anh đã cứu sống tôi.

Anh vỗ vai tôi bảo:

– Đừng nói vậy. Chúng ta là huynh đệ… Khi đã nhận ra nhau thì sao còn chém giết nhau chứ? Huynh có lý tưởng của huynh, tôi có chính nghĩa của tôi. Nào ai muốn tương tàn, chỉ vì chiến tranh mà thôi. Nhưng dẫu sao thì chúng ta vẫn là anh em một nhà mà. Sao có thể quên điều ấy chứ?

***

Đêm ấy, chúng tôi ngồi với nhau đến gần sáng, kể cho nhau nghe về thân thế, về công việc, nhiệm vụ đang làm, cùng chia sẻ với nhau về những chuyển biến của môn phái. Anh bảo tôi:

– Dù trong bất kỳ tình huống và hoàn cảnh nào, tình nghĩa sư môn cũng nên cố gắng giữ gìn. Chiến tranh đã kết thúc, tất nhiên trong cuộc chiến thì phải có kẻ thắng, người thua, nhưng cái đạo thì bất biến. Chính cái đạo đã cho chúng ta biết cách đặt tình thương trên cả hận thù.

Đêm ấy, niềm vui khiến tôi không thể ngủ được. Anh đã truyền cho tôi niềm tin mãnh liệt. Cầu mong những người con của môn phái đều được như anh.[20]

[1] Mike George , Don’t get mad, get wise:The Journey from Anger to Peace to Forgiveness (Từ giận dữ đến bình an) trg.177-179. 

[2] Mike George , Don’t get mad, get wise:The Journey from Anger to Peace to Forgiveness (Từ giận dữ đến bình an) trg.181-182.

[3] Mike George , Don’t get mad, get wise:The Journey from Anger to Peace to Forgiveness (Từ giận dữ đến bình an) trg.183-184.

[4] Steve Goodier, Sự giàu có của tâm hồn, trg.27-28

[5] Mike George , Don’t get mad, get wise:The Journey from Anger to Peace to Forgiveness (Từ giận dữ đến bình an) trg.187-190

[6] Steve Goodier, Sự giàu có của tâm hồn, trg.9-11

[7] Piero Ferrucci, Sức mạnh của lòng nhân ái trg.35-36

[8] Mike George, Don’t get mad, get wise:The Journey from Anger to Peace to Forgiveness (Từ giận dữ đến bình an) trg.192

[9] Mike George,sđd, trg.193

[10] Mike George,sđd, trg.194

[11] Mike George, sđd, trg.194

[12] Mike George, Don’t get mad, get wise:The Journey from Anger to Peace to Forgiveness (Từ giận dữ đến bình an) trg.195

[13] Mike George, sđd, trg.196

[14] Mênh Mông,  “Buông” (Thể Hiện Khí Phách Và Trí Tuệ), trg.98

[15] Mike George, Don’t get mad, get wise:The Journey from Anger to Peace to Forgiveness (Từ giận dữ đến bình an) trg.197

[16] Mênh Mông,  “Buông” (Thể Hiện Khí Phách Và Trí Tuệ), trg.88

[17] Mike George, Don’t get mad, get wise:The Journey from Anger to Peace to Forgiveness (Từ giận dữ đến bình an) trg.199-202

[18] Mike George, Don’t get mad, get wise:The Journey from Anger to Peace to Forgiveness (Từ giận dữ đến bình an) trg.202-208

[19] Mike George, Don’t get mad, get wise:The Journey from Anger to Peace to Forgiveness (Từ giận dữ đến bình an) trg.214-215

[20] https://chauminhhay.wordpress.com/tren-c%E1%BA%A3-h%E1%BA%ADn-thu-2

print