Chương Bốn
Trả Thù Và Tha Thứ
1.Hận thù xuất hiện mọi nơi mọi thời trong đời sống con người
2.Trả thù xuất hiện trong lịch sử nhân loại
3.Trả thù trong cuộc sống đời thường.
4.Chúa Giêsu với vấn đề trả thù báo oán.
5.Phương thuốc chữa trị trả thù.
1.Hận thù xuất hiện mọi nơi mọi thời trong đời sống con người
Người sống trong hận thù luôn không yên, lúc nào cũng mệt mỏi, chán nản, luôn căng thẳng, sợ hãi và đau khổ. Trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, đầy dẫy những hận thù, con trả thù cho cha, cha trả thù cho con, không biết bao nhiêu người trẻ đam mê cái kiểu thù hận chồng chất như vậy. Nếu lấy hận thù để trả cho thù hận thì chẳng bao giờ có thể giải quyết được, điều đó chỉ làm cho cả hai bên ngày càng đau thương mà thôi. Những bài thơ, tác phẩm, bài ca, bài báo có rất nhiều sự hận thù, chỉ trích, lên án, lời lẽ chứa đầy bạo động cũng là chất xúc tác nuôi dưỡng lòng thù hận của con người ở mọi khía cạnh. Cạnh tranh không thành cũng dẫn đến hận thù thành ra tìm kế hãm hại nhau theo xu hướng cạnh tranh không lành mạnh. “Hận thù có mặt khắp xung quanh, bàng bạc trong không gian, do người ngoài mang đến tặng ta, nó có mặt lù lù giữa anh em bà con bạn bè ta, và ẩn tàng ngay trong lòng ta”. Hận thù ăn vào máu thịt được truyền từ thế hệ cha ông đến con cháu và con cháu bị ép buộc phải hận thù như vậy. Con người sống trong một thế giới hoảng loạn của hận thù, không biết đi về đâu, không biết tin ai, và giá trị đạo đức bị xói mòn hay tình thương bị che lấp bởi cái thói thù hận. Nhiều người bây giờ tập sống trong thù hận đầy bạo động, suy nghĩ, hành động hay lời nói chất chứa những chất liệu của hờn oán hay nguyền rủa. Họ tìm cách phục thù sau một thời gian thù hận, cứ như thế mãi mà cũng không biết rằng mình sẽ ra sao, họ mãi chìm đắm trong những sầu khổ, trong những ý thức hệ khác nhau, trong đấu tranh hay xây dựng một chủ thuyết nào đó. Họ bị kẹt quá nhiều vào quan niệm hay những ý kiến riêng mà quên rằng những điều đó chỉ mang tính chất vô thường.[1]
2. Trả thù xuất hiện trong lịch sử nhân loại
2.1. Luật báo thù (lex talionis)
Khái niệm trả thù luôn song hành với lịch sử nhân loại. Con người luôn mang trong mình khát khao được trút sự thù hận của mình lên những kẻ đã đối xử tệ bạc với mình. Hammurabi, bộ luật cổ xưa nhất xuất hiện từ năm 2285-2242 TC, đã lấy quan điểm “mắt đền mắt” (an eye for an eye) – nợ máu phải trả bằng máu làm gốc rễ. Và nó đã diễn đạt chính xác khái niệm trả thù.
Ở đây xin trích dẫn một số điều khoản có liên quan đến luật báo thù:
Điều 196: Nếu dân tự do làm hỏng mắt của bất cứ người dân tự do nào, thì phải làm hỏng mắt của y.
Điều 197: Nếu y làm gãy xương của dân tự do, thì phải làm gãy xương của y.
Điều 198: Nếu y làm hỏng mắt của muxkênu hoặc gãy xương của muxkênu thì phải bồi thường một mina bạc.
Điều 199: Nếu y làm hỏng mắt của nô lệ, hoặc làm gãy xương của nô lệ, thì phải bồi thường ½ giá mua của người nô lệ đó.
Điều 200: Nếu dân tự do đánh gẫy răng của người dân tự do ngang hàng với mình, thì phải đảnh gãy răng của y.
Điều 201: Nếu dân tự do đánh gẫy răng của muxkênu, thì phải đền 1/3 mina bạc.
Điều 202: Nếu dân tự do tát vào má người có địa vị tương đối cao, thì phải đánh y 60 roi da bò trong cuộc họp.
Điều 203: Nếu con của dân tự do đánh con của dân tự do ngang hàng với mình thì phải bồi thường 1 mina bạc.
Điều 204: Nếu muxkênu tát vào má muxkênu, thì phải bồi thưòng 10 xikhơ bạc
Điều 205: Nếu nô lệ của dân tự do tát vào má của con của dân tự do thì phải cắt một tay của nó.[2]
Bộ luận Hammurabi đã đánh dấu sự khởi đầu chính thức của việc chuẩn hóa khái niệm trả thù. Nó vẫn giữ được những ảnh hưởng của mình trong cuộc sống hiện tại, thể hiện trong việc hình thành hệ thống pháp luật dựa trên sự trừng phạt những kẻ dám đi ra ngoài những khuôn khổ của xã hội.
Trên thực tế, trả thù đã vượt ra xa khỏi những chuẩn mực đó. Khát khao được nhìn thấy kẻ thù của mình phải gánh lấy tai họa chỉ được giới hạn ở cấp độ cá nhân, và khi đó, hành động trả thù đã đi quá những giới hạn của pháp luật.[3]
2.2. Trả thù trong Thánh Kinh
Kinh Thánh cho chúng ta biết khi các con trai của tộc trưởng Giacóp biết Sikhem cưỡng hiếp em gái mình là Đina, họ “bèn nổi nóng và giận dữ” :
“Ðina, người con gái bà Lêa đã sinh cho ông Giacóp, đi ra xem các con gái xứ ấy. Sikhem, con trai ông Khamo, người Khivi, đầu mục xứ ấy, trông thấy thì bắt cô, rồi cưỡng ép cô ăn nằm với mình. Rồi lòng cậu quyến luyến Ðina, con gái ông Giacóp; cậu yêu cô gái và âu yếm dỗ dành cô. Sikhem thưa với ông Khamo, cha cậu, rằng: “Xin cha cưới cô bé ấy cho con.” Ông Giacóp nghe biết Sikhem đã xâm phạm tiết hạnh của Ðina, con gái ông, nhưng vì các con trai ông còn đang ở ngoài đồng với đàn vật của ông, nên ông làm thinh cho đến lúc họ về. Ông Khamo, cha của Sikhem, ra gặp ông Giacóp để nói chuyện với ông. Các con trai ông Giacóp ở ngoài đồng về. Vừa nghe biết chuyện, những người này bực tức và giận dữ lắm, vì Sikhem đã làm điều đồi bại trong Israen, khi ăn nằm với con gái ông Giacóp, một điều không được phép làm.
Ông Khamo, cha của Sikhem, ra gặp ông Giacóp để nói chuyện với ông. Các con trai ông Giacóp ở ngoài đồng về. Vừa nghe biết chuyện, những người này bực tức và giận dữ lắm, vì Sikhem đã làm điều đồi bại trong Israen, khi ăn nằm với con gái ông Giacóp, một điều không được phép làm. (St 34,1-7).
Ông Khamo nói với họ rằng: “Sikhem, con trai tôi, phải lòng con gái các ông, xin các ông gả cô ấy cho nó. Các ông hãy kết nghĩa thông gia với chúng tôi: các ông sẽ gả các con gái của các ông cho chúng tôi và sẽ cưới các con gái của chúng tôi về. Các ông sẽ ở với chúng tôi, và xứ này sẽ mở ra trước mặt các ông: các ông cứ ở đây, đi lại buôn bán ở đây và tậu đất đai ở đây làm sở hữu.” Sikhem nói với cha và anh em cô gái: “Cháu chỉ mong được đẹp lòng bác và các anh, rồi bác và các anh đòi gì, cháu cũng xin nộp. Bác và các anh thách sính lễ quà cáp bao nhiêu, cháu cũng xin nộp như bác và các anh đòi, chỉ xin gả cô gái cho cháu.” Khi trả lời cho Sikhem và ông Khamo, cha cậu, các con trai ông Giacóp đã dùng mưu mà nói, vì cậu đã xâm phạm tiết hạnh của Ðina, em gái họ.
Để trả thù, hai con trai của Giacóp là Simêon và Lêvi đã lập mưu hại Sikhem và cả gia đình hắn. Họ dùng một thủ đoạn để vào thành Canaan và giết hết tất cả người nam, kể cả Sikhem:
Họ nói với những người kia: “Chúng tôi không thể làm điều này là gả em gái chúng tôi cho một người không được cắt bì, vì đối với chúng tôi, đó là một điều sỉ nhục. Chúng tôi chỉ đồng ý với điều kiện là các ông trở nên như chúng tôi, nghĩa là cắt bì mọi đàn ông con trai. Bấy giờ chúng tôi sẽ gả các con gái của chúng tôi cho các ông và sẽ cưới các con gái của các ông về, chúng tôi sẽ ở với các ông và chúng ta sẽ thành một dân duy nhất. Còn nếu các ông không nghe chúng tôi mà chịu cắt bì, thì chúng tôi sẽ bắt con gái chúng tôi về, và chúng tôi sẽ ra đi.” Lời lẽ của họ vừa lòng ông Khamo và Sikhem, con ông Khamo. Chàng trai làm ngay điều đó, không chậm trễ, vì cậu mê con gái ông Giacóp; cậu lại là người có uy tín nhất trong gia đình.
Ông Khamo và ông Sikhem, con ông, ra cửa thành nói với dân rằng: “Những người ấy hiền hoà với chúng ta. Cứ để họ ở trong xứ, đi lại buôn bán ở đây; xứ này có đủ chỗ cho họ. Chúng ta sẽ cưới các con gái của họ về, và sẽ gả các con gái của chúng ta cho họ. Nhưng những người ấy chỉ đồng ý ở với chúng ta để thành một dân duy nhất, với điều kiện là mọi đàn ông con trai của chúng ta phải chịu cắt bì như họ. Các đàn vật của họ, tài sản của họ, gia súc của họ sẽ chẳng thuộc về chúng ta sao? Chúng ta chỉ cần đồng ý với họ là họ sẽ ở với chúng ta.” Tất cả những người ra họp ở cửa thành ông Khamo đều nghe lời ông và Sikhem, con trai ông; mọi đàn ông con trai, mọi người ra họp ở cửa thành đều chịu cắt bì.
Sang ngày thứ ba, khi họ còn đang đau, thì hai con trai ông Giacóp là Simêôn và Lêvi, anh của Ðina, mỗi người xách một thanh gươm, vào thành lúc không ai ngờ, và giết mọi đàn ông con trai. Các cậu đã dùng gươm giết ông Khamo và Sikhem, con trai ông Khamo, đem Ðina ra khỏi nhà Sikhem, rồi đi. Các con trai ông Giacóp còn đạp lên các xác chết và cướp phá thành, bởi vì người ta đã xâm phạm tiết hạnh em gái các cậu. (St 34,13-27).
Việc trả thù tàn khốc đó có giải quyết được vấn đề không? Khi Giacóp biết được điều hai con mình làm, ông khiển trách họ: “Cac con đã mang họa đến cho cha, làm cho cha trở nên đáng ghét đối vơi dân cư xứ này, tức là người Canaan và người Pơritđi. Cha chỉ có một dúm người, chúng sẽ hợp nhau lại chống cha và sẽ đánh cha, cha và gia đình sẽ bị tiêu diệt” (St 34,30).
Thật vậy, việc trả thù ấy không giải quyết được vấn đề mà còn làm tình hình tệ hơn. Gia đình Giacóp giờ đây sống trong cảnh phập phồng lo sợ các nước láng giềng tấn công. Dường như để giúp họ tránh rơi vào cảnh đó, Đức Chúa đã hướng dẫn Giacóp và cả gia đình ông đến vùng gọi là Bết Ên (St 35, 1- 5)
Những sự kiện xoay quanh câu chuyện xảy đến với Đina cho chúng ta một bài học quan trọng. Trả thù thường dẫn đến trả thù, đó là một vòng lẩn quẩn, dai dẳng, đúng như một câu nói của người Việt: “Lấy oán báo oán, oán thêm chồng chất”.[4]
2.3. Trả thù trong văn học
Romeo và Juliet: Một trong các vở tuồng bất hủ trên sân khấu kịch nghệ quốc tế phải kể là vở bi kịch mang tựa đề “Romeo và Juliet” của nhà văn hào trứ danh người Anh, ông William Shakespeare, vở kịch này được sáng tác vào năm 1595, nhưng cho đến nay, khi vở kịch được phổ nhạc, được các ca sĩ nổi tiếng trình diễn, khán giả vẫn nói đuôi nhau chờ mua vé để vào theo dõi một câu chuyện tình cảm động giữa hai thanh niên nam nữ yêu nhau thắm thiết, nhưng đường tình duyên bị trắc trở không thể tiến đến hôn nhân, vì chàng và nàng thuộc về hai gia đình có mối thù truyền kiếp với nhau trong bối cảnh xã hội mang nặng đầu óc nuôi oán, báo thù tại Italia thời trung cổ. Sau khi nàng Juliet đem câu chuyện tình ngang trái tỏ lộ cùng một vị linh mục và cho ngài biết ý định sẽ cùng với Romeo thoát ly gia đình để tìm đến một phương trời xa lạ xây tổ uyên ương, vị linh mục đề nghị nàng dùng phương thế uống một thứ thuốc mê để giả chết. Sau đó ngài sẽ cứu sống nàng và giao cho Romeo đem nàng đi. Kế hoạch này được giữ bí mật đến nỗi chính chàng Romeo cũng không hay biết. Khi thấy người yêu đã vì mình dùng độc dược quyên sinh, chàng Romeo cũng dùng gươm tự sát để đáp lại mối tình tuyệt vọng của người yêu. Khi thuốc mê đã hết hiệu nghiệm, nàng Juliet tỉnh dậy thấy người yêu đang thoi thóp bên vũng máu đào: tình yêu kêu gọi tình yêu, nàng cũng dùng gươm kết liễu phận bạc để cùng chết với chàng.[5] |
Tác phẩm kết thúc bằng cái chết của hai nhân vật chính và sự hoà giải của hai dòng họ. Một kết thúc đầy bi kịch nhưng âm hưởng chung của tác phẩm lại thể hiện cái nhìn lạc quan của tác giả đối với sự chiến thắng của lý tưởng nhân văn chủ nghĩa. Tình yêu say đắm thuỷ chung của hai người trẻ tuổi đã xoá bỏ những tập tục thành kiến và thù địch của hai dòng họ suốt hàng trăm năm.[6]
2.4.Trả thù trong lịch sử nhân loại
Ngay sau khi đã thôn tính gần như toàn bộ Châu Á, Thành Cát Tư Hãn tiếp tục tính đến các quốc gia vùng Trung Đông. Để thể hiện thiện chí của mình, ông gửi một món quà bao gồm nhiều châu báu và mỹ nữ tới Đế quốc Khwarezm, được hộ tống bởi khoảng 500 binh lính. Tuy nhiên, người Khwarezm tỏ ra không mấy thiện chí với một chủng tộc “sinh sống trong túp lều”, và họ thẳng thừng từ chối bằng cách hạ sát toàn bộ những binh lính hộ tống đoàn vận chuyển.
Tại thời điểm này, Thành Cát Tư Hãn vẫn tỏ ra hết sức bình tĩnh. Ông cho người Khwarezm một cơ hội thứ hai khi tiếp tục gửi một sứ giả đến thương lượng với họ. Và người Khwarezm đã mắc một sai lầm khủng khiếp khi gửi trả Thành Cát Tư Hãn cái đầu của vị sứ giả đáng thương này.
Để trả thù cho tất cả những nạn nhân xấu số trên, Thành Cát Tư Hãn đã phát động một cuộc thảm sát với quy mô có lẽ chỉ đứng sau cuộc thế chiến thứ hai. Bốn vị tướng xuất sắc nhất, trong đó có Bạt Tốc Đài, cùng với binh đoàn gồm 200.000 chiến binh thiện chiến đã tiêu diệt hoàn toàn một đội quân có số lượng lớn gấp họ năm lần. Toàn bộ đế quốc Khwarezmia bị xóa sổ, với khoảng 4.000.000 người thiệt mạng. Lịch sử mô tả rằng “ngay cả chó mèo cũng không được tha mạng”. Chưa thỏa mãn cơn giận dữ của mình, Thành Cát Tư Hãn còn cho làm chệch hướng toàn bộ những dòng sông trên lãnh thổ Khwarezmia nhằm mục đích xóa sổ hoàn toàn quốc gia này khỏi bản đồ.[7]
3.Trả thù trong cuộc sống đời thường
3.1.Trả thù trong cuộc sống đời thường
Trong tập đầu quyển tự truyện “Dưới làn da của tôi” (Under My Skin), Doris Lessing, nữ văn sĩ người Anh được giải Nobel văn chương năm 2007, kể câu chuyện này: Trong cuộc hôn nhân giữa bà với Gottfried Lessing, đến một lúc cả hai đều thấy rõ họ đơn giản không tương hợp để làm vợ chồng với nhau, rốt cuộc họ sẽ phải tìm cách ly dị. Tuy nhiên, vì những lý do thực tế, họ quyết định sống với nhau như bạn, cho tới khi nào cả hai có thể dọn qua Anh quốc, lúc đó họ sẽ làm thủ tục ly hôn. Cuộc hôn nhân của họ kết thúc, nhưng không ngờ tình bạn giữa họ lại bắt đầu nảy nở. Họ đã chấp nhận sự không tương hợp giữa họ là một thực tế, và là một điều gì đó không gây oán giận trong lòng mỗi người.
3.1.1.Tại sao lại oán giận một ai đó chỉ vì người đó cảm thấy và suy nghĩ khác với mình
Một đêm nọ, khi đang nằm chung phòng nhưng trên hai giường khác nhau, cả hai cùng hút thuốc và không ngủ được, Gottfried nói với bà: Kiểu không tương thích này là một điều đáng tiếc chứ không phải là một tội. Đó là một nhận thức chín chắn: Không tương hợp không phải là một tội ác hay tội lỗi gì, nó chỉ là một điều đáng tiếc.
Liệu trong đời sống hàng ngày, chúng ta có thể áp dụng chân lý đó không, bởi vì trong đó chứa đựng một thách thức quan trọng về mặt tình cảm, trí tuệ, luân lý và tôn giáo. Chúng ta dành quá nhiều thì giờ và năng lực để tức giận và chán chường nhau về một điều gì đó mà về căn bản chúng ta không thể nào kiểm soát hay thay đổi được. Những khác biệt giữa chúng ta, dù có làm chúng ta chán ngán tới mức nào và đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn nhiều ra sao đi nữa, cũng không phải là tội ác hay tội lỗi gì, hay kể cả (đa phần) là lỗi của ai đi nữa. Chúng ta không cần phải trách cứ, tức giận hay phẫn uất với người nào đó chỉ vì người đó khác với chúng ta, cho dù những khác biệt đó chia rẽ chúng ta, làm chúng ta chán ngán, thử thách lòng kiên nhẫn, hiểu biết của chúng ta đến đâu đi nữa.
3.1.2. Chúng ta không nên trách móc và bực bội lẫn nhau vì khác nhau
Ấy vậy mà chúng ta lại luôn luôn làm thế. Chúng ta oán giận người khác, đặc biệt là những người gần gũi nhất trong gia đình mình, trong Giáo Hội và ở nơi làm việc của mình, bởi vì họ khác với chúng ta, như thể họ là người phải chịu trách nhiệm vì những khác biệt đó. Đáng buồn cười thay, chúng ta lại hiếm khi nhìn ngược lại và tự trách mình. Mà thông thường chúng ta lại trách móc người khác hay điều gì khác. Sự bất tương hợp trong gia đình, Giáo Hội và nghiệp đoàn ít khi tạo được sự tôn trọng và tình bạn như trường hợp giữa Gottfried và Doris Lessing. Thực tế là ngược lại. Những khác biệt giữa chúng ta thường là nguồn gây nên chia rẽ, giận dữ, phẫn uất, cay đắng, và buộc tội lẫn nhau. Chúng ta hăng hái trách cứ người khác về sự bất tương hợp như thể đó là một lỗi luân lý hay một sự chia rẽ cố ý.
Dĩ nhiên, đôi khi có trường hợp đúng như vậy. Sự thiếu chung thuỷ hay thậm chí lười biếng và không chịu nỗ lực trong mối quan hệ cũng có thể bào mòn mối hoà thuận và đặt ra chướng ngại không thể vượt qua để thông cảm với nhau và tương hợp nhau. Đi lại với người không phải là vợ/chồng của mình có thể nhanh chóng khiến nảy ra những bất tương hợp trong hôn nhân. Trong trường hợp như vậy, nếu nói “Đó chỉ là một điều đáng tiếc” là không đúng. Có người đáng trách ở đây. Tuy nhiên, phần lớn những khác biệt khiến chúng ta trở nên xa cách – như lời của Gottfried Lessing – chủ yếu chỉ là một điều đáng tiếc, chứ không phải là một tội.
3.1.3.Vậy ai đáng trách? Ai có lỗi?
Nếu phải trách cứ ai, thì chúng ta hãy trách cứ tạo hoá và Chúa.
Chúng ta có thể trách tạo hoá vì đã hào phóng, vì phong phú quá mức, vì đa dạng không ngờ, tạo ra hàng tỉ tỉ giống loài, với những khác biệt nhiều đến mức hoang mang trong cùng một giống; có thể trách tạo hoá có khuynh hướng đem cho chúng ta những điều lạ thường và sắc màu ngoài sức tưởng tượng. Chúng ta cũng có thể trách cứ Chúa đã đặt chúng ta vào một vũ trụ mà quy mô, tính đa dạng và phức tạp vô cùng của nó phải khiến cho trí tuệ và sức tưởng tượng của chúng ta bối rối. Vũ trụ của chúng ta vẫn còn tiếp tục phát triển về cả quy mô lẫn biến thể, với những thay đổi liên miên.
Ta sẽ thấy, Chúa và tạo hoá không tin vào sự đơn giản, đồng dạng, nhàn nhạt và đơn điệu. Chúng ta không sinh ra trên đời này từ những băng chuyền công nghiệp như xe hơi sản xuất hàng loạt từ nhà máy. Sự kết hợp vô hạn giữa những tình cờ, những điều kiện, ngẫu nhiên và thiên mệnh quy hợp lại để tạo ra giống loài chúng ta và ADN của từng cá nhân là quá phức tạp tới mức không thể tính toán được hay thậm chí không thể hình dung chính xác được.
Nhưng trách cứ không phải là từ thích hợp ở đây, kể cả nếu trong lúc chán ngán với những khác biệt của nhau, chúng ta cảm thấy mình cần phải trách móc một ai đó. Chúa và tạo hoá không nên bị trách móc vì đã đem lại cho chúng ta sự phong phú lớn đến như vậy, đã đặt chúng ta vào một thế giới với quá nhiều sắc màu và đa dạng như vậy, và vì đã tạo ra những tính cách riêng quá sâu sắc và phức tạp như vậy cho chúng ta. Đời sống sẽ buồn tẻ tới mức nào nếu chúng ta không phải đối diện mãi mãi với tính chất mới lạ, sự muôn màu muôn vẻ và khác nhau. Thế giới này sẽ tẻ nhạt biết chừng nào nếu mọi thứ đều cùng sắc màu, nếu tất cả các bông hoa đều cùng một loại, và nếu tất cả các tính cách đều giống y như tính cách chúng ta. Chúng ta sẽ phải trả một giá đắt cho sự an nhàn và thông hiểu dễ dàng xuất phát từ sự đồng nhất đó.[8]
Vào một buổi chiều nhập nhoạng tối, một kỵ sĩ mệt mỏi phóng ngựa về lâu đài. Anh ta như không còn chút sức lực nào. Áo giáp thủng lỗ chỗ, chiếc nón sắt méo xệch qua một bên, gương mặt đầy vết máu, con ngựa bước đi không vững còn chính bản thân anh ta cũng ngồi xiêu vẹo trên lưng ngựa. Bá tước ra tận cổng đón anh và hỏi: “Điều gì đã xảy đến cho ngươi vậy, hỡi Hiệp Sĩ Vĩ Đại của ta?”
Cố gắng ngồi thẳng lên, chàng hiệp sĩ trả lời: “Thưa Bá Tước, ngày hôm nay tôi đã làm hết sức mình để phục vụ ngài. Tôi đã tàn phá sạch vùng đất của kẻ thù ngài ở phía tây”.
“Cái gì chứ? Ngươi đã làm gì?” nhà quý tộc ngạc nhiên thốt lên. “Ta có kẻ thù nào ở phía tây đâu?”
“Thế à?” người hiệp sĩ thở dài. Anh ta suy nghĩ một chút rồi nói tiếp. “Nhưng bây giờ thì ngài có rồi đấy!”
Thế còn bạn? Bạn có kẻ thù nào ở xung quanh mình không – ở phía tây, phía bắc, phía nam hay phía đông? Không ai trong chúng ta có thể ung dung đi qua hết cuộc đời mình mà hoàn toàn hòa thuận với mọi người, không hề xung đột với ai. Và mặc dù hầu hết những chuyện xung đột đều có thể giải quyết thỏa đáng theo thời gian, và những thương tổn về tình cảm sẽ được hàn gắn, nhưng sẽ vẫn có những vấn đề tình cảm có thể chia cắt con người mãi mãi. Đặc biệt là những quan niệm đạo đức và chính trị có thể chia cách những con người có quan điểm khác nhau với tình cảm nồng nhiệt như nhau.[9]
3.2.Hận thù trong gia đình và ngoài xã hội
3.2.1. Hận thù trong gia đình
Một câu chuyện thương tâm: Bố mẹ tôi ly hôn năm tôi 8 tuổi. Những năm đó ở quê tôi nghèo tới mức nhà nào không có đàn ông lao động chính thì chỉ có nước chết đói. Vậy mà bố vẫn bỏ mẹ con tôi đi lấy một người đàn bà không mấy xa lạ, cô ta là bạn thân của mẹ. Bố và người đó đã có con riêng ba tuổi, tức là bố đã phản bội mẹ tôi từ lâu.
Mẹ tôi không ngăn cấm bố qua lại với người đó, thậm chí còn muốn cưu mang con riêng của chồng nữa. Nhưng người đàn bà đó lại muốn độc chiếm bố tôi. Và một buổi chiều, bố hôn tôi tạm biệt và đạp xe đi. Từ đó, hiếm khi bố mới về nhà.
Mẹ tôi đâu có nói bố bỏ đi với người khác, chỉ nói là bố sang ở với em trai tôi. Vì mẹ tôi quá hiền lành và nhân hậu, bà không muốn gieo bất cứ một suy nghĩ độc ác hay xấu xa nào về gia đình riêng của chồng mình. Tôi thì còn bé, lon ton chạy theo mẹ mà suốt ngày hỏi chuyện về “bạn của mẹ” và cậu “em trai” chưa một lần gặp mặt bằng những gì thiện cảm nhất. Nhưng đáng tiếc, chính bố tôi lại là người gieo lòng thù hận cho tôi.
Buổi chiều trên đường đi học về, tôi gặp bố và em trai. Tôi mừng rỡ vừa khóc vừa chạy theo gọi vì nhớ, nhưng bố vẫn cắm cúi đạp xe vờ không nghe thấy. Đến khi tôi mải chạy theo mà ngã xuống ruộng, ông mới dừng lại. Ông chở tôi về nhà ông, đặt tôi ngồi xuống giường, lau mặt cho tôi rồi đặt vào tay tôi một bát cơm và gắt “ăn nhanh lên kẻo dì mày về”.
Tôi ngồi đấy sững sờ nhìn bố cõng em trai trên lưng và bón cháo cho nó. Rồi tôi bắt đầu khóc, từng giọt nước mắt chảy xuống bát cơm. Bố tôi lại gắt rồi nhẹ nhàng quay sang đùa giỡn với “cục cưng” của mình. Khi người đàn bà của ông về đến ngõ, ông giật bát cơm đang ăn dở trên tay tôi rồi đuổi tôi về bằng lối cửa sau.
Tám tuổi, tôi đã biết thế nào là nỗi đau đớn tột cùng. Đến bây giờ tôi vẫn mơ đi mơ lại khoảnh khắc bị bố giật phắt bát cơm trên tay rồi đuổi đi. Càng lớn nỗi đau đó càng thấm thía, tôi càng hận ông. Khi ông bệnh nằm một chỗ và bị thằng quý tử kia hắt hủi, tôi đã không đến thăm mặc dù vẫn xem ông là bố.
Nhưng đó chưa phải là nỗi đau duy nhất. Ngày 29 Tết, mẹ tôi gói bánh rồi đèo tôi mang sang nhà bố. Làm một người vợ danh chính ngôn thuận lại chịu nhục mang bánh sang nhà vợ lẽ của chồng, tôi chưa thấy ai hi sinh đến mù quáng như mẹ. Vậy mà khi đến đó, chính mẹ con tôi mới là người bị hắt hủi.
Mẹ và tôi lại ngồi thù lù ở một góc giường, bố tôi đi ra đi vào mắng mỏ, không hiểu vì sao ông mắng. Người đàn bà thứ hai của bố vẫn tiếp tục đóng vai khẩu Phật tâm xà, một hai quý hóa chị mang bánh sang cho, đáng ra em phải làm thế. Rồi bà ta nựng con trai trong lòng, mang áo quần mới mà bố tôi mua cho ra khoe.
Từ khi bố đi, mẹ con tôi sống rất chật vật, ăn còn có khi không đủ no nên dẫu có là ngày Tết cũng lấy đâu ra tiền mua đồ mới. Ngắm nghía những chiếc áo xinh xinh của em trai, tôi đờ đẫn vì khao khát và ganh tỵ. Tôi cũng là con của bố cơ mà… Tôi cũng ao ước được lần tay lên lớp vải còn thơm mùi mới, ao ước cũng được xúng xính áo quần ngày đầu năm lắm chứ, nhưng tôi hiểu rằng giấc mơ đó quá xa xỉ.
Rồi tôi thấy em trai tôi được cho ăn bánh, một loại bánh mà con nhà nghèo như tôi chưa bao giờ được nếm thử. Khi đó tôi vẫn là trẻ con nên cứ nhìn rồi nuốt nước miếng ừng ực, nhưng sợ mẹ nên tôi không dám xin. Người đàn bà của bố cũng không mời mẹ con tôi một tiếng, cho dù chỉ là mời đưa.
Tôi thèm thuồng và đói, bỗng dưng thấy em trai vứt một chiếc bánh xuống đất. Với bản năng trẻ con, tôi nhảy xuống đất nhặt và cho vào mồm. Người đó hét lên “sao mày giành của em?”. Bố tôi đang bổ củi sau nhà, nghe thế không biết gì chạy vào đè tôi ra đánh rồi đuổi cả hai mẹ con về.
Sau lần đó, mẹ con tôi không sang nhà bố lần nào nữa. Và tôi cũng nuôi hận thù với bố. Hay nói đúng hơn, chính bố đã gieo hận thù vào lòng tôi.
Tuổi thơ của tôi là cơn ác mộng mà tôi muốn quên nhất. Sự tan vỡ của bố mẹ, cách bố đối xử với tôi, sự nhẫn nhịn của mẹ… tất cả khiến tôi có cái nhìn cay độc về cuộc đời và không mấy thiện cảm với đàn ông.
Nhưng tôi sẽ không hèn hạ như bố, tôi sẽ không vì hạnh phúc cá nhân mà đánh cắp tuổi thơ của con mình. Trong cuộc sống hôn nhân hiện tại luôn có những nỗi đau đi quá giới hạn. Thực tế cuộc sống của chính tôi, mới kết hôn bốn năm nhưng nhiều khi tôi muốn chết, muốn ly hôn với người chồng tồi tệ. Nhưng nhìn vào con, nhìn vào tuổi thơ dang dở của mình, tôi lại không nỡ làm thế. Người lớn ly hôn để thỏa mãn cái tôi của mình, nhưng trẻ con mới là những nạn nhân câm lặng nhất. Vết thương thường không dễ lành, hoặc nếu có, sẽ vẫn còn sẹo. Hai mươi chín năm đã trôi qua nhưng sao trong tôi vẫn còn bao nỗi ám ảnh dai dẳng khi bố mẹ ly hôn đến thế này?[10]
Lại một câu chuyện khác xảy ra trong gia đình: “Cắn lưỡi người yêu”.
Hãng thông tấn AFP của Pháp trong bản tin ngày 23/1/1991 đã ghi một mẩu chuyện lạ như sau:
Một phụ nữ Brazil đã lợi dụng cái hôn để cắn và nuốt mất khúc lưỡi của người yêu. Bà cho biết: làm như thế là để trả thù người đàn ông vì đã đánh đập, hành hạ bà.
Cảnh sát tại thành phố Salvador de Bahia, mạn đông bắc Brazil cho biết như sau: Lucia bị người yêu là ông Djalma dos Santcs, 47 tuổi, đã đánh đập, hành hạ thậm tệ. Nàng kiên nhẫn chờ đợi cơ hội. Hôm 22/1/1991, ông Djalma đến thăm Lucia để xin lỗi. Cô ta liền nhảy xổ vào người yêu, ôm hôn ông một cách rất tình tứ, không cho ông có thì giờ để giải thích.
Hai người đang hôn nhau, thì đột nhiên, Lucia cắn đứt một phần lưỡi của Djalma và nuốt luôn vào bụng để người ta không thể vá lại khúc lưỡi đã bị mất.
Người đàn ông được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nhưng theo các bác sĩ điều trị, ông ta sẽ không bao giờ có thể nói lại một cách bình thường được, vì đã mất một khúc lưỡi. Ông Djalma than thở như sau: “Đây là nụ hôn thê thảm nhất trong đời tôi. Đó là nụ hôn của Giuđa”.[11]
3.2.2. Hận thù ngoài xã hội
Edward M.HalloweIl kể lại rằng:“Tôi có một người bạn ở Seattle, anh ấy rất ghét người đàn ông mà anh đã từng làm việc dưới quyền. Anh bạn tôi ghét người đàn ông này trong nhiều năm chỉ vì ông ta đã làm bẽ mặt anh, công khai sa thải anh bằng phương pháp làm mất phẩm giá đáng kinh tởm. Điều này càng tồi tệ hơn khi trước kia anh bạn của tôi đã xem người đàn ông này như bạn thân, thường ra ngoài uống rượu và dùng bữa cùng nhau. Sau đó, người đàn ông này quay lại chống đối và phản bội anh, đẩy anh rơi vào những sai lầm trong kinh doanh mà chính ông ta (không phải bạn tôi) đã làm. Kể từ đó, không một ngày nào trôi qua trong cuộc đời của anh ấy mà không có bóng dáng người chủ cũ của mình với những suy nghĩ giận dữ điên cuồng. Thấm thoắt đã năm năm trôi qua.
Vào một buổi tối muộn, bạn tôi đi xuống con đường nơi người đàn ông anh ấy căm ghét đang sinh sống. Khi anh đi gần đến ngôi nhà đó, cảm giác căm thù quen thuộc lại trỗi dậy. Anh bắt đầu nhớ lại chi tiết những gì đã xảy ra, chỉ gửi các thư điện tử tối cần thiết, từ chối thảo luận vấn đề, thông báo công khai trong buổi họp tại nơi làm việc rằng anh bạn tôi “không đáp ứng được những mong đợi của công ty như anh ấy đã cam kết”. Theo sau là một đề nghị công khai – rất lớn qua loa phóng thanh – rằng anh bạn tôi phải rời khỏi cuộc họp ngay lập tức, mang theo đồ dùng cá nhân ở trên bàn phía trước và không bao giờ quay lại. Dù những sự việc đó đã xảy ra năm năm trước đây, nhưng nó vẫn như mới tinh, tàn khốc.
Trong buổi tối đó, khi đi ngang qua ngôi nhà của ông chủ cũ, anh ấy quyết định làm một điều gì đó. Không nghiêm trọng – chỉ là một điều gì đó! Anh ấy chưa bao giờ thực hiện việc trả thù cho tất cả những gì đã xảy ra, dù luôn nghĩ về điều đó ít nhất một lần trong ngày, đôi khi nhiều hơn. Tuy nghĩ về điều đó rất nhiều, nhưng anh biết rằng mình sẽ không bao giờ làm được bất cứ điều gì to lớn như thuê một tay giang hồ giết ông chủ cũ, hay khéo léo vu khống, nói xấu ông ấy hoặc đẩy ông ấy vào một cuộc hẹn với nhiều lúng túng. Đó không phải là tác phong của bạn tôi. Nhưng tối nay, chỉ cho vui thôi, anh ấy quyết định làm một điều nho nhỏ, một điều mà anh ấy có thể dễ dàng xoay sở được. Một điều không gây nguy hiểm nghiêm trọng nhưng có thể khiến anh ấy cảm thấy dễ chịu, ít nhất là trong một hoặc hai phút. Anh ấy quyết định làm những điều mà lũ trẻ con từng làm trong nhiều năm qua đối với người hàng xóm chúng ghét. Anh quyết định ném một hòn đá qua cửa sổ vào nhà ông chủ cũ. Thật trẻ con và ngớ ngẩn nhưng ý tưởng đó mang lại cảm giác dễ chịu như một thứ thức uống mạnh.
Đá vào khu vực những lớp bụi đất tiếp giáp với vỉa hè, anh bạn tôi tìm kiếm một hòn đá thích hợp như sự tưởng tượng của David, nếu không giết chết kẻ thù hung bạo Goliath thì ít nhất cũng quấy rầy hắn ta một chút. Sau đó, anh đã kể với tôi rằng, anh cẩn thận chọn một hòn đá có nhiều cạnh nhọn, vừa đủ lớn để gây nên một tổn thất nào
đó nhưng cũng vừa đủ nhỏ để có thể ném mạnh. Một lúc sau anh đã tìm được hòn đá, anh dồn tất cả sự thịnh nộ khi bị làm nhục vào hòn đá, dưới ánh trăng, nó bay hướng vào góc cửa sổ ngôi nhà của người đàn ông mà anh ấy căm ghét. Trong một lúc, anh bạn tôi cảm thấy hạnh phúc. Chiến thắng! Và được báo thù!
Nhưng cú ném của anh ấy không phải là của David. Thay vì va đập mạnh vào cửa sổ, hòn đá trúng vào ống thoát nước bên phải cửa sổ nên nó nẩy bật lại. Anh bạn tôi, đang đứng trên vỉa hè bên dưới, ngước lên với gương mặt hăm hở, cười toe toét, mong đợi được thưởng thức khoảnh khắc đó, bất ngờ trở thành mục tiêu của hòn đá mà anh đã ném. Không thể né tránh trong lúc này, anh bị cú nẩy bật bắn thẳng vào như thể được sắp xếp để bị hòn đá đập trúng vào mình. Hòn đá đập vào sống mũi, cắt một vết đứt mà phải nhiều tuần sau mới lành hẳn.
Anh ấy cảm thấy mình thật ngu xuẩn và có cảm giác bị người đàn ông đó làm nhục một lần nữa khi anh đưa tay lên cái mũi đang chảy máu và chạy về nhà. Khi kể cho tôi nghe về chuyện đó, anh ấy đã cười nhưng thể hiện rõ ràng thái độ không hề thích thú qua tiếng cười. Anh ấy là nạn nhân của chính lòng căm thù trong bản thân mình.
Tôi muốn nói với anh một điều mà Khổng Tử đã nói nhưng có vẻ không lịch sự lắm khi nói lúc này. Khổng Tử đã nói: “Trước khi bạn bắt đầu con đường báo thù, hãy đào hai cái mộ”.
Nếu anh bạn của tôi đã tìm ra cách để tha thứ cho ông chủ cũ trước khi anh ấy đi vào con đường này tối hôm đó, cái mũi của anh ấy sẽ không gặp vấn đề gì. Và anh ấy cũng sẽ không phải bận tâm đến niềm kiêu hãnh của mình. Nhưng, giống như tất cả chúng ta, anh bạn của tôi cũng không thể tha thứ cho ông chủ cũ của mình được.”[12]
4. Chúa Giêsu với vấn đề trả thù báo oán
Chúa Giêsu đã nói đến sự công chính của các môn đệ Ngài phải vượt hẳn sự công chính của giới luật sĩ và biệt phái, phân đoạn Phúc Âm này nói lên đặc điểm của đời sống người Kitô hữu cùng hành vi của người môn đệ Chúa Kitô khiến họ khác hẳn người thế gian. Chúa Giêsu khởi sự bằng cách trích dẫn luật lệ cổ nhất thế gian: mắt đền mắt, răng đền răng, luật ấy gọi là Lex Talionis (luật báo thù). Nó xuất hiện trong bộ luật cổ nhất gọi là luật của Hammurabi, vị hoàng đế trị vì Babylon từ năm 2285-2242 TC. Luật Hammurabi phân biệt cách đối xử kỳ lạ giữa người quí phái và công nhân: Luật đó trở thành một phần nhỏ của đạo đức Cựu Ước. Trong Cựu Ước luật ấy được đề cập không dưới ba lần:
“Còn nếu có sự thiệt hại chi, thì ngươi sẽ lấy mạng đền mạng, lấy mắt đền mắt, lấy răng đền răng, lấy tai đền tai, lấy chân đền chân, lấy phỏng đền phỏng, lấy bầm đền bầm, lấy thương đền thương” (Xh 21,23-25). “Khi một người nào làm thương tích cho kẻ lân cận mình, thì người ta phải làm thương tích cho người đó lại như chính người đó đã làm, gãy đền gãy, mắt đền mắt, răng đền răng. Người ta sẽ làm cho người ấy đồng một thương tích như người ấy đã làm cho người khác” (Lev 24,19-20). “Mắt ngươi chớ có thương xót, mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (TL 19,21). Những luật này thường được trích dẫn như là những luật không thương xót, man rợ, khát máu của Cựu Ước, nhưng trước khi chỉ trích Cựu Ước thì cần chú ý một số điều: Luật báo trả không những không phải luật khát máu và man rợ, mà chính là khởi đầu của sự thương xót. Mục đích nguyên thủy là để hạn chế sự báo thù. Trong thời Thái Cổ, mối tử thù và cừu địch là đặc điểm của xã hội bộ lạc. Nếu người ở bộ lạc này làm hại người ở bộ lạc khác, tức thì toàn thể bộ lạc có người bị hại liền xông vào báo thù toàn thể bộ lạc có người gây hấn, và sự báo thù họ mong muốn là giết chết kẻ thù. Vì thế, luật báo trả này có ý hạn chế việc báo thù. Luật qui định chỉ người gây thương tích mới bị hình phạt và hình phạt không được thái quá, mà chỉ tương đương với sự thiệt hại mà người ấy đã gây ra mà thôi. Như vậy, đặt trong bối cảnh lịch sử của nó thì đây không phải là luật man rợ mà là luật của sự nhân từ. Hơn nữa, luật này cũng không cho phép cá nhân thi hành, chính quan án phải ấn định hình phạt và khoản phạt do sự báo thù qui định (Đnl 19,18). Luật này cũng không cho cá nhân nào quyền tự trả thù dù chỉ là một cái tát. Luật bao giờ cũng là một hướng dẫn cho quan án trong việc khoản phạt cho bất cứ hành động bất công hay vũ phu nào. Bởi vì có thể khai gian, thiệt ít khai nhiều. Lại nữa, luật này không bao giờ, ít nhất trong xã hội bán khai, được thực hiện theo nghĩa đen. Các nhà luật học Do Thái đã tranh biện rất đúng đắn rằng sự thực hành theo nghĩa đen có thể là đối nghịch với công lý, vì hiển nhiên nó bao gồm sự thay thế một mắt tốt hoặc một răng tốt cho một mắt xấu và một răng xấu. Nên về sau sự thiệt hại được định theo giá tiền và luật Do Thái (Baba Kamaa) đã ấn định cẩn thận cách đánh giá sự thiệt hại. Điều quan trọng cần nhớ là luật Trả Báo không phải là toàn thể đạo đức của Cựu Ước. Trong thời Cựu Ước có những nét chấm phá của lòng thương xót:”Chớ toan báo thù, chớ giữ sự báo thù cùng con cháu dân mình” (Lv 19,18), “Nếu kẻ thù con có đói hãy cho ăn, có khát hãy cho nó uống” (Cn 25,21), “Chớ nên nói: tôi sẽ làm cho hắn như hắn đã làm cho tôi” (Cn 24,29). Như vậy trong Cựu Ước đã có nhiều lòng thương xót. Đối với người kitô hữu, Chúa Giêsu hủy bỏ luật lệ cũ và báo thù để giới thiệu tinh thần mới không oán hận, không báo thù. Ngài tiếp tục lấy ba thí dụ của tinh thần Kitô Giáo trong thực tiễn. Hiểu những thí dụ này theo nghĩa đen thiển cận, hẹp hòi thì hoàn toàn sai lạc. Bởi vậy rất cần hiểu rõ điều Chúa Giêsu muốn nói: Ngài nói:”Nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa luôn má bên kia”. Ở đây ý nghĩa không phải chỉ như thế, không phải chỉ là cái vả trên mặt. Giả định một người thuận tay mặt đứng trước mặt người khác và muốn vả má bên phải của người ấy thì phải làm cách nào? Trừ phi người ấy xoay mình và vặn tay hết sức thì mới đánh được, bằng không chỉ có thể vả bằng tay trái. Theo luật các Rabi Do thái: tát trái sỉ nhục gấp hai lần tát bằng lòng bàn tay. Búng tay hoặc tát trái mang ý nghĩa ngạo mạn, khinh bỉ và sỉ nhục gấp đôi. Vậy điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây là: dù có ai muốn trút vào anh những lời nhục mạ thậm tệ hơn hết, anh cũng không được vì đó mà báo thù, cừu hận. Việc có người tát vào mặt chúng ta, dầu có cũng thật hiếm hoi, nhưng trong cuộc sống, chúng ta lại thường gặp những điều sỉ nhục lớn hoặc nhỏ. Ở đây Chúa Giêsu nói rằng: người Kitô hữu chân chính đã học tập không vì bị hạ nhục và thù hận, không vì một sự xấc láo mà trả thù. Chính người ta đã gọi Chúa Giêsu là kẻ ham ăn uống. Ngài cũng được gọi là bạn với những kẻ thâu thuế và phường đĩ điếm với hàm ý rằng Ngài cũng giống như những kẻ xấu đó. Những tín hữu đầu tiên bị gọi là quân ăn thịt người, là những kẻ đốt nhà, bị cáo là dâm loạn, thô lỗ, trơ trẽn vì sự thờ phượng của họ bao gồm cả bữa tiệc yêu thương. Chúa Giêsu tiếp tục dạy:”Nếu ai muốn kiện ngươi để lột áo trong, hãy cho họ luôn áo ngoài nữa”. Thêm một lần nữa, ở đây ý nghĩa phong phú hơn là hiểu theo nghĩa đen. Áo trong là áo dài giống như cái bao làm bằng vải bông hoặc vải gai mặc ở trong. Người nghèo nhất cũng có áo trong để thay đổi. Áo ngoài là thứ áo lớn, giống như cái mền mặc ở ngoài mà đàn ông thường mặc như áo dài ban ngày và ban đêm thì dùng làm mền. Loại này người Do Thái chỉ có một cái. Thật ra luật Do Thái cho phép cầm cái áo trong làm tin chớ không được cầm áo ngoài. “Nếu ngươi cầm áo ngoài của kẻ lân cận làm tin thì phải trả cho nó trước khi mặt trời lặn, vì là đồ che thân, mền để ngủ. Nếu người ấy kêu đến Ta, Ta sẽ nghe, vì Ta là Đấng hay thương xót” (Xh 22, 26-27). Không bao giờ được quyền tước đoạt áo ngoài của người khác. Do đó, điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây là: người Kitô hữu không bao giờ tranh biện về quyền hạn pháp lý, phải coi mình như không có quyền hạn pháp lý nào cả. Có những người luôn luôn bám vào quyền lợi của mình, luôn nắm lấy đặc quyền mình thụ hưởng không cho ai đụng đến, và sẵn sàng kiện chứ không để ai xâm phạm. Ngay trong Hội Thánh cũng luôn có những người như thế. Những người như thế chưa thực sự biết Kitô Giáo là gì. Kitô hữu không nghĩ đến quyền lợi nhưng nghĩ đến bổn phận, không nghĩ đến đặc quyền nhưng nghĩ đến trách nhiệm của mình. Kitô hữu là người đã quên hẳn quyền lợi riêng, và người nào liều chết để tranh đấu cho quyền lợi của mình, dù ở trong hay ngoài Hội Thánh thì còn cách xa đường lối Kitô giáo nhiều lắm! Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa:”Nếu ai bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi với nó hai dặm”. Đây là bức tranh chúng ta ít biết vì nó phát xuất từ một xứ bị chiếm đóng. Chữ “bắt” ở đây có một lịch sử, xuất phát từ người đưa thư. Người xưa có một hệ thống bưu điện hơi lạ. Mỗi con đường chia thành nhiều chặng, mỗi chặng dài một ngày đường. Tại mỗi trạm đều có lương thực cho người đưa thư, nước và cỏ khô cho ngựa, và ngựa mới để lên đường. Nhưng, nếu chẳng may còn thiếu món nào thì bất cứ một tư nhân nào cũng có thể bị chỉ thị phải cung cấp thức ăn, nơi ở, ngựa, cùng sự trợ cấp, thậm chí chính mình đem sứ điệp đi một dặm đường. 5. Phương thuốc chữa trị trả thùKhi bạn tha thứ, bạn sẽ từ bỏ sự giận dữ và oán thù. Bạn không thừa nhận những suy nghĩ đó, bạn phản đối và quay lưng lại với chúng. Đặc biệt, bạn sẽ không còn sống dưới sự điều khiển của chúng. Bạn đang từ bỏ một cách có ý thức và chủ ý đòi hỏi của bản thân đối với những gì mà bạn chắc chắn rằng mình muốn có hơn bất cứ thứ gì trên thế giới: Trừng phạt, báo thù hoặc tìm cơ hội để trả thù ai đó. Khi thực hiện điều này, cần rất nhiều lòng can đảm và sức khoẻ. Nhưng sự tha thứ không yêu cầu bạn thôi không cảm thấy sự giận dữ và oán thù mà bạn đã trải qua một cách tự nhiên. Không phải vậy! Sự phân biệt cốt yếu này khiến tha thứ trở thành điều con người có thể làm được dù chưa quen thuộc và còn khó khăn. Từ bỏ những yêu sách đối với sự giận dữ và oán thù hay từ chối sống dưới sự điều khiển của chúng có nghĩa là gì? Nó có nghĩa rằng bạn đang giải phóng mình ra khỏi những suy nghĩ, tình cảm đó. Bạn không còn để cho những tình cảm đó sở hữu bạn trong lúc không được sự chấp nhận của bạn. Khi bạn cảm thấy ách áp bức của lòng căm thù bắt dầu kìm kẹp bạn, bạn hãy bước ra khỏi nó. Bạn hãy thoát khỏi nó. Hãy từ bỏ nó! Thay vào đó, bạn hãy đặt mình vào sự ràng buộc của tình yêu. Tại sao khi bị tổn thương, bạn lại muốn làm điều này? Để cải thiện cuộc sống của bản thân bạn? Joanna North, một nhà triết học và chuyên gia nổi tiếng về sự tha thứ, cho rằng: “Những gì bị huỷ bỏ trong hành động tha thứ không phải là bản thân của tội lỗi, nhưng các tác động xuyên tạc lại cho rằng hành động sai trái này có liên quan đến người thực hiện hành vi sai trái và có lẽ với cả những người còn lại”. Trong toàn bộ các tác phẩm của mình, bà North nhấn mạnh đến việc làm thế nào tha thứ (hay chấp nhận tha thứ) khiến con người khoẻ mạnh hơn, hạnh phúc hơn. Như bà đã nói: “Nhờ tha thứ, nỗi đau và sự tổn thương do hành động sai trái gây ra sẽ nhẹ bớt, hay ít nhất chúng cũng không được phép gây tác hại lên toàn bộ sự tồn tại của con người.” Ngược lại, giữ chặt lấy những yêu sách đối với sự giận dữ và oán thù, như thể nó là hành động quý báu của quyền sở hữu cũng sai lầm như khư khư giữ chặt yêu sách đối với vùng biển bị ô nhiễm.[15] 5.1. Những điều phải tránh 5.1.1. Không háo thắng trong cuộc sống Người hận thù không muốn kẻ đối nghịch song tồn với mình. Thái độ tâm lý đó tạo ra bản ngã độc tôn. Khi bản ngã tăng trưởng thì lòng thù hận cũng dễ thiết lập. Cứ mỗi lần gieo nghiệp không tùy hỷ thì lòng thù hận đã được hình thành rất vi tế, đôi lúc ta không nhận ra được. Câu chuyện ngụ ngôn kể về anh chàng nuôi gà đá chuyên nghiệp. Anh có một con gà rất thiện chiến, nhờ nó mà anh đã trở nên nổi tiếng. Nhưng rốt cuộc cái gì cũng phải theo quy luật của nó, con gà lập được nhiều chiến công rồi cũng phải già đi. Một hôm anh mang về thêm một con gà trẻ, hùng dũng hơn nhiều con gà già. Nhưng chỉ có một cái chuồng, không còn cách nào khác, anh đành nhốt hai con gà chung nhau. Khi được nhốt chung, chú gà trẻ tỏ vẻ hống hách, vỗ cánh cất tiếng gáy ò ó o o! Lạng qua, lạng lại ra vẻ thách thức. Nó nói với con gà già rằng: “Nếu biết điều, hãy cút khỏi nơi đây. Kể từ nay, vương quốc này là của ta. Ta là chủ nhân mới. Còn nếu không, ta với ngươi sẽ trải qua cuộc tranh hùng, để phân thắng bại”. Chú gà già rất buồn vì biết rằng thế hệ trẻ ngày nay không còn tôn trọng thế hệ đi trước. Gà già suy nghĩ rằng, nếu thế hệ gà trẻ biết khiêm tốn một chút thì có lẽ sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm của thế hệ gà già. Không có sự thành công và thất bại của thế hệ đi trước thì thế hệ trẻ sẽ mất rất nhiều thời gian cho khởi sự ban đầu. Gà già càng suy nghĩ thì càng hận chú gà trẻ. Dĩ nhiên nếu đấu đá với nó thì làm sao thắng được, nên gà già đã nghĩ cách hoãn binh. Gà già nói: – Này chú em, tôi rất khâm phục ngoại hình của chú, tôi cũng rất thần tượng sức khỏe mà chú có. Với kinh nghiệm của tôi, chỉ cần nhìn thấy mồng, cánh của chú và nghe tiếng gáy thôi thì tôi biết rằng chú giỏi hơn tôi rất nhiều. Nhưng tại sao ta lại giải quyết vấn đề bằng cách tranh nhau một mất một còn. Chú cũng giống như con cháu của tôi thôi. Nếu chú muốn hơn thua thì tôi không còn cách nào khác. Tôi đề nghị ta hãy đánh cược một trò chơi. Hy vọng chú đồng ý. Gà trẻ nghe vậy mừng lắm, cười gáy đắc ý: – Ông cứ bày ra trò gì tôi cũng sẵn sàng chơi. Gà già nói: – Bây giờ tôi với chú chạy marathon. Khi nghe hiệu lệnh một, hai, ba thì hai ta cùng chạy. Ai về trước sẽ làm vua của vương quốc này. Lúc đó ta vẫn có thể là bạn thân của nhau không sao hết. Gà trẻ mừng nói: – Tôi chấp nhận. Gà già thách thức: – Chấp chú chạy trước ba bước, tôi chạy theo sau. Gà già đứng vào vị trí. Ra hiệu lệnh xong, cả hai cùng chạy. Gà già dùng kinh nghiệm, lấy hết sức bình sinh chạy giữ khoảng cách cố định sau đuôi gà trẻ. Lúc đó, anh chủ không tin vào mắt mình nữa. Anh càng cố nhìn kỹ thì cảnh tượng gà già đuổi theo gà trẻ vẫn tiếp tục diễn ra. Giận quá, anh lầm bầm: “Đây là lần đầu tiên, ta sai lầm trong việc chọn con gà trẻ chẳng ra hồn gì cả, thua xa con gà già”. Đoạn, anh tóm cổ gà trẻ quẳng vào vách tường, làm nó gãy cổ chết. Anh ta than: “Trong nghề chơi gà của tôi, chưa bao giờ nhìn thấy một con gà nào vô tích sự như con gà trẻ này. Lần đầu tiên tôi bị lầm”. Quả thật, con gà trẻ bị chết oan. Những gì anh ta thấy không đúng như anh tưởng. Giữa chân lý và logic vẫn có thể có những khoảng cách rất lớn. Nếu ta đánh giá chân lý trên những sự kiện có logic với các tình tiết, dựa vào mắt thấy tai nghe, đôi khi tạo ra nhiều nỗi hàm oan, tương tự như chú gà trẻ này. Ở đây, gà già giận gà trẻ háo thắng, không còn biết uống nước nhớ nguồn, không còn biết đạo lý người đi trước kẻ đi sau, nên định cho chú ta một bài học thôi, không ngờ bài học đó đã mang đến cái chết cho chú gà trẻ. Khi gà già bám theo đuôi gà trẻ với khoảng cách, khiến anh chủ nghĩ rằng gà trẻ bị gà già dí sợ, chạy trối chết. Nếu thua con gà già thì làm sao đá thắng được những con gà trẻ khác nên quẳng nó chết luôn cho rồi. Lòng thù hận và thái độ độc tôn thường mang lại kết cuộc hoàn toàn không như ý. Nếu gà già thấy được chú gà trẻ chết dưới sự khôn ngoan của mình thì không biết liệu có cảm thấy ăn năn hay không? Nếu chú gà già nói: thôi tôi chịu thua, tôi nhường vương quốc này lại cho chú và ta vẫn có thể là bạn của nhau thì có lẽ không mang cái chết tức tưởi đó.[16] 5.1.2.Đừng nhân bản hận thù Tiến trình nhân bản của cảm xúc hận thù có thể được diễn ra bằng những hành động cụ thể, làm cho con người chết đi nhiều lần hoặc nhục mạ hoặc đem ra xử án. Mặc dù người đó đã chết rồi nhưng vẫn đem ra xử lại. Thậm chí có những loại tuyên án phải xử tử năm lần bảy lượt mới có thể hết tội. Vẫn biết rằng nhân quả rõ ràng, làm vì công chính để tạo sự công bằng xã hội và bảo vệ an ninh là một điều rất cần thiết, nhưng nếu tâm niệm vướng vào sự thù hận, bực tức thì ta đã biến mình trở thành tác nhân của hận thù.[17] Bộ phim Kỳ Quan Trung Quốc, giới thiệu về các điều kỳ diệu trong lịch sử Trung Hoa. Từ văn học nghệ thuật, điêu khắc, cho đến thiên nhiên, phong tục tập quán, tôn giáo, văn hóa…. Phần cuối cùng giới thiệu về văn hóa ẩm thực của người Trung Hoa. Ẩm thực rất tài tình nhưng khó chấp nhận được. Người ta lựa một đầu bếp thật giỏi, cho phép các thực khách tự chọn những con cá mà họ thích. Sau khoảng 10 giây, con cá được cắt cả chục lát (cắt rất nhanh để cho con cá không kịp giãy giụa) rồi bỏ vào chảo dầu sôi trong vòng mấy giây là thịt của cá đã chín gần hết nhưng tim cá vẫn còn thoi thóp. Khi ăn vào, thực khách có cảm giác ngon hơn và lấy làm sung sướng. Một đoạn phim khác giới thiệu về cách ăn thịt gà. Người ta chọn một con gà cồ với đùi và chân thật to, nhổ sạch hết lông đùi, rửa sạch lông từ đùi đến chân, rồi đặt trên chảo sắt có độ nóng rất ghê gớm, sau đó chụp cái lồng lại. Con gà nóng quá giãy giụa, càng nhảy thì nó càng đau càng la. Máu từ não, cánh, thân đổ dồn xuống làm bung cái đùi ra to. Chỉ trong vòng một đôi phút con gà đã chết hẳn trên mặt chảo. Đầu bếp bẻ hai đùi để thực khác ăn. Phương pháp ăn như thế thật nhẫn tâm và để lại lòng hận thù nguy hại. Vì khi chết trong sự đau đớn, các con vật khó có thể siêu sinh, theo đó, lòng thù hận của chúng sẽ gia tăng. Rất tiếc con người không thể nghe được ngôn ngữ của các loài động vật trong lúc chúng chết. Nếu nghe được con người sẽ không có những hành động như thế![18] 5.2. Những việc làm tích cực 5.2.1. Lấy tình thương xóa bỏ hận thù Cũng trong một biến cố, nỗi khổ niềm đau như nhau, thế mà có người có thể quên đi trong vòng vài ngày, có người vài năm, có người vài mươi năm, có người mang theo đến đời sau, khi sanh ra tiếp tục mang hận thù mà mình không hề biết tại sao mình lại hận thù họ. Có những giao thoa từ hận thù tạo ra sự tắc nghẽn trong mối quan hệ đối tác. Điều này đã làm cho rất nhiều người bị khổ đau kéo dài từ đời này sang kiếp nọ. Để có trạng thái an lạc, thảnh thơi, Đức Phật dạy hãy chuyên tâm thực hành buông xả. Nếu muốn giảm tối thiểu lòng hận thù thì phải trưởng dưỡng sự buông xả một cách có ý thức và có nghệ thuật. Sự buông xả được ví như cách ta xé mảnh giấy nợ của ân oán giang hồ giữa ta và người. Người tạo ra khổ đau có thể nghĩ rằng họ làm vì công bằng, hoặc không có lựa chọn nào khác; trong khi đó ta là nạn nhân hoàn toàn bị động. Cái chết ập đến, khổ đau chầu chực, bất hạnh có thể diễn ra với ta theo cách thức này hay cách thức khác dưới sự chủ đạo ý thức của người kia, do đó nỗi khổ niềm đau của ta dễ dàng gia tăng. Buông xả được thiết lập thì món nợ được an bài. Nếu mạnh dạn xé đi giấy nợ, thì tâm ta sẽ được thoải mái, an lạc. Còn giữ nó là đang giữ ngọn lửa trong căn nhà, có thể tạo ra hỏa hoạn. Trong sự thiêu cháy của lòng sân. Kẻ thù chưa chắc đã bị đốt, trái lại, người ôm hận đang nỗ lực có ý thức thiêu đốt chính mình và người thân. Truyền dòng cảm xúc hận thù đó cho người thân hay bất kỳ ai, thì hận thù tiếp nối hận thù không tháo gỡ được. Trong kinh Đại Bảo Tích, Đức Phật đưa ra ẩn dụ về con khỉ đang nhảy từ cành này sang cành khác, bất thình lình, cành cây gãy, nó bị rơi xuống đầm lầy. Nó càng vẫy vùng thì càng bị chìm sâu, cho đến lúc không còn đủ sức để vẫy vùng nữa thì chết. Đức Phật dạy, dòng cảm xúc khổ đau của hận thù cũng như vậy. Khi ta bị một mũi tên của hận thù bắn vào tim thì sự đau nhói làm cho ta giãy giụa. Đức Phật dạy nghệ thuật tháo gỡ bằng cách đừng dùng đuôi của mũi tên để kéo ra, vì kéo như vậy mũi tên theo thế nghịch sẽ xé da thịt bên trong. Tốt nhất phải chịu đựng, có bản lãnh cầm lấy mũi tên bẻ gãy phần đầu, sau đó mới dùng hết sức bình sinh, rút mũi tên ra. Chịu đau một chút nhưng sau đó ta còn có cơ hội để chữa lành. Nếu lúc đó ta vội vàng giãy giụa, muốn trả đũa, thể hiện tất cả nỗi khổ niềm đau, là chính ta đã tự biến mình thành nạn nhân lần thứ hai. Mỗi lần tâm niệm hận thù xuất hiện thì ta trở thành nạn nhân lần nữa, dẫn đến tự hoại lần hồi mà không hay. Như vậy, ý thức về tác nhân gây ra khổ đau là nguyên nhân sinh ra nỗi hận thù rất lớn. Để xóa bỏ hận thù có hiệu quả, trước nhất hãy quán tưởng không có tác nhân gây ra. Dù họ có cố ý hay vô tình cũng không thành vấn đề. Quán như vậy, để ta không gieo hận thù. Nếu không buông xả thì mắt xích khổ đau giữa ta và người sẽ gút mãi, sau đó nhân lớn vòng mắt xích này liên thông qua gia đình mình, dẫn đến hễ ghét người nào là ghét luôn cả dòng họ. Từ một cảm xúc của khổ đau nhỏ nhoi biến thành một vùng từ trường ảnh hưởng lây lan rất lớn, đến độ gặp những người không hề liên can trực tiếp ta vẫn cảm thấy khó chịu khi biết được giữa họ có cùng ý thức hệ, quan điểm, khuynh hướng trong cuộc sống. Như vậy, tác nhân của nỗi khổ niềm đau, dưới góc độ tâm lý trị liệu, không phải do kẻ thù, mà chính nạn nhân không buông bỏ được cảm giác hận thù tạo ra. Vì vậy sự trả đũa không phải là giải pháp lâu dài. Trong kinh Pháp Cú có câu: “Hận thù diệt hận thù Đời này không có được Từ bi diệt hận thù Là định luật nghìn thu”. Chỉ có tình thương, lòng từ bi, sự tha thứ mới có thể chấm dứt hận thù một cách vĩnh viễn. Đây là quy luật của muôn đời, nghĩa là nó không chỉ có giá trị trong hiện tại mà còn tiếp tục có giá trị vĩnh viễn trong tương lai. Để tháo gỡ lòng hận thù, thực tập pháp quán không có tác nhân tạo ra khổ cho mình, sẽ có hiệu quả nhanh chóng và lâu dài. Không nên nghĩ rằng “Tôi cần phải trả thù vì tôi yêu nước, hoặc là tôi phải trả thù vì lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đã qua đời”. Tư duy về tác nhân là một trong những cách làm cho con người bị bế tắc, trong hướng giải quyết vấn đề toàn triệt. Quán chiếu như vậy để thấy rằng kẻ thù của nhân loại hay kẻ thù của khổ đau chính là lòng tham không đáy, lòng sân như lửa bỏng, sự si mê đắm nhiễm, chứ không phải là con người. Con người chỉ là công cụ của ý thức mà thôi. Muốn tháo gỡ hận thù và không gieo rắc khổ đau cho người khác, tốt nhất ta chuyển ý thức từ cực đoan trở thành ý thức khoan dung, rộng mở, biết tôn trọng sự sống. Có như thế ta mới bước vào và mở rộng bầu không gian an lạc vô cùng tận.[19] Không có gì quí hơn tình thương và lòng từ bi. Lấy từ bi để xóa hận thù là khẩu hiệu mà mình phải nương theo để thực tập. Kẻ thù của con người không phải là con người. Kẻ thù của con người chính là bản thân ta, bởi vì ta còn quá nhiều đau khổ, hờn giận, bởi vì tham lam uất ức, bởi vì nóng giận si mê, bởi vì cuồng tín bạo động cho nên ta mãi chìm đắm trong cái thế giới ảo của thù hận. Buông bỏ những điều này thì an lạc xuất hiện, niềm thương yêu vô bờ xuất hiện. Ta nên dành nhiều thời gian cho việc hoá giải khổ đau của chính ta, bảo vệ môi trường và thực tập hòa bình hơn là dành thời gian đả kích nhau, chống đối nhau và ghét bỏ nhau. Nếu như vậy thì làm người rất uổng, chỉ phí công cho ông bà cha mẹ sinh ra mình. Thử tìm hiểu từ thuở ban sơ trái đất làm gì có phân chia biên giới, khi xuất hiện loài người, con người bày đặt phân chia đường biên giới này nọ, rồi bày đặt đưa ra học thuyết này nọ để rồi tranh đấu chém giết lẫn nhau làm chảy máu đất mẹ, như vậy uổng công cho trái đất sinh ra loài người này. Tất cả các tôn giáo đều dạy con người hãy sống vì nhau, yêu thương cùng nhau xây tổ ấm. Nhưng con người đã quên rằng cho dù là da trắng hay da màu, thiểu số hay đông dân, quốc gia này hay quốc gia kia, máu của họ đều màu đỏ, họ đều có tay chân mắt mũi miệng lưỡi như nhau, đều sống nhờ vào trái đất, đều nương nhau mà sống. Hãy thử suy nghĩ tất cả các quốc gia khác đều bị tiêu diệt chỉ còn lại đất nước Mỹ đơn độc thì nước Mỹ có hạnh phúc không, nước Mỹ sẽ lấy ai để tranh đấu cho học thuyết của họ. Trung Quốc cũng vậy, nếu chỉ còn có duy nhất một nước Trung Quốc đơn độc thì họ sẽ lấy ai để minh chứng cho học thuyết của họ.[20] 5.2.2.Chỉ có tình thương mới bất diệt Ta sống làm gì khi mà cả đời chỉ biết có mỗi thù hận. Sống như vậy có đáng sống hay không? Thay vì cùng nhau chung sức gây dựng hạnh phúc thì đằng này lại quay lưng đối chọi nhau, thật là nực cười, có phải ngu dại quá không? Người chiến binh không ngu dại như vậy, anh sống là để thương yêu và hoà hợp với người khác. Những người không biết sống thương yêu rất tội nghiệp, họ không thụ hưởng được bản chất con người, mà bản chất con người chính là thương yêu. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một lời ca có viết rằng: “Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối, Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới, Mặt đất đã cho ta những ngày vui mới, Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời”. Chính vì thế cho nên đã là con người ta phải tận dụng từng phần trăm của phút giây thực tập yêu thương cho dù người đó hận thù mình, thực tập yêu thương cho dù súng đạn bom rơi lả chả như mưa, thực tập yêu thương cho dù người đó đánh chết mình, thực tập yêu thương cho dù trái tim chỉ còn đập một nhịp. Nương vào tình thương để sống là cách sống đúng nhất. Thực tập rải tâm từ là cách thức xoa dịu hận thù và mở rộng tình thương. Con xin rải tâm từ và lòng bác ái của con đến với tất cả chúng sanh không phân biệt, tâm từ đến với những người thương con và không thương con, tâm từ đến với những người con biết mặt và chưa biết mặt, tâm từ đến với những người làm con vui và làm con khổ đau, tâm từ đến với những người đang thương yêu con và cả những người đang hận thù con. Bởi vì hận thù là một thứ ma tuý, cho nên người chiến binh không muốn vướng vào hận thù. Trao nhau ngàn lời yêu thương là cách xoá tan hận thù. Chỉ có tình thương mới bất diệt, chỉ có tình thương mới muôn năm.[21] Có một thiền sinh đến con rạch để quán về sự thinh lặng của dòng nước như một công án. Đang quán chiếu, thấy con bò cạp bị rớt xuống rạch, thiền sinh dùng bàn tay vớt con bò cạp lên. Khi đặt bàn tay xuống mặt đất, con bò cạp theo phản ứng, dùng cái đuôi chích vào bàn tay của vị thiền sinh. Thiền sinh cố vượt qua cái đau. Đi một quãng, trở lại con mương, thấy con bò cạp rớt lần thứ hai, vị thiền sinh vớt lên tương tự, rồi lại bị chích lần thứ hai. Những pháp hữu đứng xung quanh quan sát nói rằng: – Này hiền hữu, tại sao huynh lại làm chuyện ngớ ngẩn. Con bò cạp vốn vô ơn bạc nghĩa, chích hai lần mà huynh vẫn còn muốn giúp đỡ nó?! Vị thiền sinh trả lời rằng: – Thưa hiền huynh, chích là thói quen của bò cạp. Cứu nó là thói quen của tôi. Câu chuyện ngụ ý một điều rất sâu sắc: Học hạnh Bồ Tát thì phải có đủ sức chịu đựng những chướng duyên; không phải chỉ có hai cú chích, có thể là 30 cú. Không chỉ bị chích ở tay, mà có thể cả mắt, đầu hay bất cứ chỗ nào. Nếu câu trả lời là không đủ sức thì hãy khoan làm Bồ Tát. Hãy huấn luyện tâm cho thật vững chãi rồi hãy làm Bồ Tát. Trong khi làm phước và tu tập, hành giả phải đối đầu với rất nhiều loại bò cạp khác nhau: Bò cạp của thị phi, thù hận, ganh tức, thái độ không tùy hỷ, và bò cạp phá hoại… Các bò cạp đó sẽ chích khác nhau và phản ứng của nó cũng rất đa dạng. Không cần phân biệt đâu là đúng, đâu là sai, người xấu có khả năng chích túi bụi người tốt, thậm chí là người giúp đỡ họ. Phải trang bị cho mình sức chịu đựng bằng lòng từ bi, hỷ xả, tha thứ, bao dung thì mới có thể xem bò cạp là bạn của mình. Không khéo trong lúc làm lành, gặp nhiều cản lực, giận tức quá, dùng tay hại giết con bò cạp luôn. Như vậy, phát xuất lòng từ bi nhưng nhiều người dấn thân thiếu trang bị trở thành gieo nghiệp sát sanh. Chỉ cần vài chiêu chích của bò cạp cũng đủ để biết được tâm mình đang nằm ở mức độ nào. Khi làm Phật Sự, dĩ nhiên ta gặp rất nhiều loại bò cạp. Đôi khi lời nói, ý nghĩ, việc làm của người thiếu thiện chí cũng mang tính chất giống như những cú chích của con bò cạp. Những lúc như vậy không nên bực tức và cũng đừng nuối tiếc rằng, tại sao tôi phải làm việc tốt với người không hề biết mang ơn nghĩa là gì?[22] 5.2.4.Giáo dục bằng những phim ảnh đề cao lòng từ bi, tha thứ và khoan dung Một phương diện cần lưu tâm là phải dứt trừ đầu mối của lòng sân hận. Đầu mối đó có thể diễn ra dưới nhiều cách thức khác nhau. Chẳng hạn khi xem các bộ phim về chiến tranh, ranh giới của bạn và thù, làm ta chọn chánh nghĩa và lên án phi nghĩa. Ta có thói quen hoan hô và cảm thấy hài lòng khi phía chính nghĩa giết được giặc. Nếu người chính nghĩa bị lâm nguy, ta khắc khoải lo sợ và gần như hoà vào dòng cảm xúc của người đó. Như vậy ta đang tạo ra sự đồng tình và nạp vào đầu những cảm xúc đồng minh hay đồng chí. Đó là một cộng nghiệp. Phần lớn, tình tiết trong phim là hư cấu, người xem vô tình gieo rắc những hạt giống của sự sát hại và thù hận trong tâm thức, hậu quả là phải gánh chịu nhiều cộng nghiệp không tốt. Đức Phật khuyên không xem quân trận, chiến tranh để không gieo cộng nghiệp hận thù và sát hại. Khi xem cảnh đau thương, tang tóc, máu đổ, thịt rơi, xương chất cao thành núi, lòng hận thù dễ trỗi dậy. Đứng về một phe nào đó là đang tạo ra đầu mối của ủng hộ và chống đối. Không phát xuất từ lòng từ bi mà phát xuất từ cảm xúc thuận nghịch, thương ghét thì cộng nghiệp xấu phải vương mang. Nếu có dịp, hoặc bất đắc dĩ phải xem những phim như vậy thì đừng tán đồng bên nào, chống đối bên nào để tránh được nghiệp sát gián tiếp. Hãy ghi nhận sự khổ đau của chiến tranh là một thực tại thuộc về quá khứ, nên không cần hâm nóng quá khứ đó, cũng không cần lên án, vì đó là công việc của luật pháp. Công việc của ta là gieo những hạt giống của từ bi, mong sao cho những oan hồn chết khổ đau đó được siêu sanh thoát hóa. Không giữ lòng hận thù và đồng thời cầu nguyện cho những người đã tạo ra nỗi khổ niềm đau đó không tái phạm trong tương lai. Đồng tình với cảnh chiến tranh, giết chóc trong phim làm cho sự thù hận được gia tăng. Khi xem những trò chơi điện tử bắn giết nhau, ta đừng để cảm xúc lao theo chúng. Những phụ huynh khôn ngoan sẽ không cho phép con em chơi các games bạo lực. Nó sẽ gieo những hạt giống vào mảnh đất tâm của trẻ và sẽ biến thành một lệnh điều khiển nhân cách của chúng về sau. Lệnh điều khiển này có thể làm chúng nổi loạn với bạn bè, thể hiện qua hình thức đấu đá, đánh nhau. Nguy hiểm hơn là chúng có thể cầm dao, súng thật để bắn giết. Các bậc phụ huynh không để ý đến những mầm mống ban đầu của hạt giống thù hận, vốn có thể tiêm nhiễm một cách tình cờ qua phim ảnh hay những trò chơi mà ta mua tặng. Tưởng như thế sẽ tạo cho chúng hạnh phúc, nhưng ta không ngờ rằng những đồ chơi dao, gậy, súng, ống đó đã gây cho chúng nghiệp hận thù mà hậu quả sau này không lường trước được. Phim ảnh ngày nay có nhiều điều đáng học hỏi. Phim hoạt hình giúp cho trẻ tăng trưởng lòng thương yêu động vật. Dùng hình ảnh của các con vật, để nói lên cảm xúc của con người. Các bộ phim hoạt hình đã nhân triết lý đó lên bằng cách cho các con vật có khả năng nghe nói được tiếng nói của loài người. Chúng cũng có cảm xúc, thương yêu, sự chăm sóc y hệt như thế giới con người. Xem những bộ phim này thì hạt giống của nhân đạo, thương yêu, tha thứ được gieo vào não của các em một cách có ý thức. Phim hoạt hình mang chất liệu giáo dục rất cao. Chỉ cần ta thay đổi cách nhìn là có thể gieo trồng những hạt giống tốt cho các em và rút ngắn giai đoạn giáo dục đáng kể. Hollywood đã thực hiện bộ phim Kundun (tên của đức Đạt Lai Lạt Ma do cha mẹ của ngài đặt), nói về cuộc đời của Dalai Lama trong thời niên thiếu, với tính cách nhân từ và đạo đức. Bộ phim đề cập đến sự kiện trước khi Kundun được phục hồi chức vụ trong truyền thống tái sinh. Khi đến ngôi làng ở biên giới Tây Tạng, quan sát từ xa, các cao đệ của Dalai Lama nhìn thấy các chú bé đang chơi trò đá dế cắn nhau. Kundun chạy tới, đẩy hai phe trẻ ra và bắt một con dế bỏ vào bụi rậm, con còn lại bỏ bên bức tường để chúng không cắn nhau nữa. Hành động đó là một quán tính của lòng từ bi. Không cần lý giải hay ra lệnh với trẻ em rằng: “Con phải làm thế này, hay không được làm thế kia”. Giáo dục nhồi sọ mà không có giải thích ý nghĩa sẽ tạo thói quen, chứ không có hiểu biết, nên trẻ em sẽ nhàm chán và không làm lâu dài được. Giáo dục bằng hình ảnh và ngôn ngữ cụ thể, trẻ em dễ tiếp thu hơn. Căn bản của khổ đau và hạnh phúc được hình thành bởi tâm. Tâm điều khiển và chỉ đạo tất cả hành động ứng xử của con người. Nếu không biết kiểm soát thì cũng giống như con lật đật. Sợi dây giựt chính là tâm, tâm giựt về phía nào thì nó sẽ ngả nghiêng múa máy về phía đó. Mới nhìn vào cứ tưởng con lật đật là tác nhân nhưng tác nhân chính là sợi dây giựt bên trong. Tác nhân đó là tâm, tâm được thể hiện qua sự hận thù, trả đũa, giết hại thì hành vi con người trở nên nguy hiểm.[23]
|
[1] http://damlinhthat.net/nguoi-chien-binh-trong-the-gioi-ao/phan-4-ma-tuy/6-han-thu-la-mot-thu-ma-tuy
[2] http://luathoc.cafeluat.com/threads/bo-luat-hammurabi-va-luat
[3] Khoahoc.tv/khampha/47814
[4] Wol.jw.org/vi/wol/d/r47/ip-vt/2000649
[5] R.VERITAS, Lẽ Sống, trg.239-240
[6] http://www.cadasa.vn/khoi-lop-11/tinh-yeu-va-thu-han-trich-romeo-va-giuliet-cua-sech-xpia.aspx
[7] Khoahoc.tv/khampha/47814
[8] Linh Mục Ronald Rolheiser, OMI, Biên tập lại đời mình trg.100-104
[9] Thạch Sơn Thủy, Bí Quyết Sống Còn Của Loài Kiến, trg.19
[10] http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=978114#ixzz3PybCN8zk
[11] R.VERITAS, Lẽ Sống, trg.187
[12] Edward M.HalloweIl, Hãy can đảm tha thứ, trg.12-14
[13] LM. Alf. Nguyễn Công Minh sử dụng lại bài của linh mục Hàm vietcatholic.com/News/Html/121726.htm
[14] LM. Alf. Nguyễn Công Minh sử dụng lại bài của linh mục Hàm vietcatholic.com/News/Html/121726.htm
[15] Edward M.HalloweIl, Hãy can đảm tha thứ, trg. 31-34
[16]http://www.daophatngaynay.com/vn/tu-sach-dao-phat-ngay-nay/6737-Chuong-3-Tam-tuong-han-thu.html
[17]http://www.daophatngaynay.com
[18]http://www.daophatngaynay.com
[19] Thích Nhật Từ Nguồn tin: tusachphathoc.com
[20] http://damlinhthat.net/nguoi-chien-binh-trong-the-gioi-ao/phan-4-ma-tuy/6-han-thu-la-mot-thu-ma-tuy
[22]http://www.daophatngaynay.com/vn/tu-sach-dao-phat-ngay-nay/6737-Chuong-3-Tam-tuong-han-thu.html
[23]http://www.daophatngaynay.com/vn/tu-sach-dao-phat-ngay-nay/6737-Chuong-3-Tam-tuong-han-thu.html