TPÂH Lòng Tha Thứ – Chương Tám: Những Phương Thế Giúp Tha Thứ

 Chương Tám

Những Phương Thế Giúp Tha Thứ

  1. Phương thế tự nhiên.
  2. Phương thế siêu nhiên.

1. Phương thế tự nhiên

1.1. Mười hai giai đoạn của Jean Monbourquette

Chúng ta hãy xem các giai đoạn tha thứ được tổ chức như thế nào.

Ngay từ đầu, một đàng tiến trình được khởi sự với quyết định vững chắc không trả thù và đàng khác khiến kẻ gây nên xúc phạm phải thôi đi những hành động xấu của nó. Ðó là giai đoạn đầu tiên.

Ba giai đoạn tiếp theo nhằm săn sóc các thương tổn: nhận ra vết thương, chia sẻ vết thương bằng cách mở lòng ra với người nào đó để xác định nó và đành chịu thương tổn.

Giai đoạn thứ năm hệ tại việc chấp nhận nỗi tức giận và ước muốn báo thù của mình.

Giai đoạn thứ sáu hệ tại một khúc quặt lớn trên con đường tha thứ, là tha thứ cho chính mình.

Một khi cố gắng chăm sóc chính mình, người ta quay về kẻ xúc phạm mình để cố gắng hiểu y. Ðó là giai đoạn bảy.

Rồi người ta sẽ đi tìm ý nghĩa mà tổn thương có thể mang đến trong đời sống mình. Ðó là giai đoạn thứ tám.

Ba giai đoạn kế đó sẽ mặc lấy một tính chất thiêng liêng hơn: biết mình xứng đáng với sự tha thứ và đã được đặc xá rồi, thôi làm khổ mình để tha thứ, mở ra với ân sủng tha thứ.

Giai đoạn thứ mười hai và là giai đoạn cuối cùng liên quan đến những hậu quả mà người ta muốn mang lại cho sự tha thứ đã được thực hiện. Người ta tự hỏi xem đàng nào tốt hơn cho mình : cắt đứt liên hệ hay làm mới nó lại.

Vậy đây là bảng liệt kê các phận vụ phải chu toàn, hầu đạt được một sự tha thứ đích thực quyết định không báo thù và khiến thôi những cử chỉ xúc phạm.
Nhận ra thương tổn và nghèo nàn nội tâm của mình.
Chia sẻ thương tổn với một ai đó.
Xác định rõ mất mát của mình để đành nhận chịu.
Chấp nhận nỗi giận và lòng muốn báo thù của mình.
Tha thứ cho chính mình.
Bắt đầu tìm hiểu kẻ xúc phạm đến mình.
Tìm ra ý nghĩa của thương tổn trong cuộc sống của mình.
Biết mình đáng được tha thứ và đã được đặc xá.
Thôi tự làm khổ mình vì muốn tha thứ.
Mở lòng ra với ân sủng tha thứ.
Quyết định chấm dứt quan hệ hay đổi mới quan hệ.

Ðó là con đường đã được vạch ra. Dĩ nhiên mỗi người sẽ sử dụng theo ý mình tấm bản đồ đi đường nầy trong cuộc hành hương tha thứ của mình. Người ta sẽ quyết định lướt nhanh qua một số giai đoạn nào đó, trong khi nghĩ là lợi ích hơn phải chậm lại lâu ở những giai đoạn khác trình bày một thách đố đặc biệt cho mình. Một cuốn nhật ký sẽ giúp đỡ lớn lao trong việc ghi nhận các tiến bộ của mình.

Cho mỗi giai đoạn, chúng ta sẽ tìm thấy một bài thực tập hay một bản câu hỏi giúp đánh dấu việc chu toàn nhiệm vụ đòi hỏi trước khi bước sang giai đoạn kế tiếp. Kiểu cách cho các áp dụng này thay đổi bất ngờ, nhằm mục đích cho đọc giả thực sự sống một tiến trình tha thứ và đi theo lối ấy.[1]

1.2. Phương thế của Edward M.HalloweIl

– Hoạt động một: Sự đau khổ, cảm giác tội lỗi và muốn biết cần phải làm gì.

– Hoạt động hai: Hồi tưởng lại những gì đã xảy ra và suy ngẫm về nó, sử dụng lòng tin, trí thông minh và khả năng sáng tạo của mình để dẫn đường. Hãy tự hỏi bản thân, tôi muốn sự đau khổ này hóa thành cái gì.

Hoạt động ba: Đấu tranh với bản thân, hay với người khác khi bạn cần dàn hòa, đẩy lui sự giận dữ và oán thù vào quá khứ theo cách của bạn để đến nơi thanh thản.

Hoạt động bốn:  Đánh giá và hướng về phía trước.

Sau đây là tóm tắt của toàn bộ vở diễn được ghi lại:

Hoạt động một: Sự đau khổ và tổn thương

  1. Bạn chịu đựng một loại tổn thương nào đó, sau đó bạn:
  2. Trải qua một cơn lũ của sự xúc động. Quá trình này phải mất nhiều thời gian.
  3. Tâm sự với người nào đó mà bạn tin cậy.
  4. Đừng chối bỏ cuộc sống. Hãy giữ sự liên hệ với thế giới xung quanh.

Hoạt động hai: Hồi tưởng và suy ngẫm

  1. Lôi kéo lòng tin của bạn. Hãy hỏi: Tôi muốn sự đau khổ của tôi hoá thành cái gì?
  2. Đau buồn về những mất mát mà hành động sai trái này đã tước đoạt.
  3. Tìm kiếm những cạm bẫy làm cho bạn không thể tha thứ.
  4. Hãy cân nhắc xem bạn đang hành động giống một tên ngu xuẩn như thế nào?
  5. Làm những gì bạn cần để lấy lại cảm giác an toàn và điều khiển cảm xúc.
  6. Thông cảm với người (hay những người) đã làm tổn thương bạn.

Hoạt động ba: Thực hiện

  1. Chiến đấu với chính mình để phá vỡ cạm bẫy.
  2. Sáng suốt nhận định vấn đề
  3. Cầu nguyện hay suy ngẫm về tình hình.
  4. Bày tỏ sự biết ơn về những gì bạn đang có.
  5. Hình dung sự trả thù.

16.Tập trung vào tương lai.

  1. Nhắc nhở bản thân rằng bạn và thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu bạn tha thứ.

18.Nhắc nhở chính mình rằng bạn cũng cần sự tha thứ.

Hoạt động bốn: Đánh giá và tiến về phía trước

18.Từ bỏ sự giận dữ và oán thù.

  1. Lặp lại các bước này thường xuyên, cho đến khi cạm bẫy ra di và sự giận dữ biến mất.
  2. Hãy để mình được nuôi dưỡng bằng sự tha thứ và trưởng thành từ đó.
  3. Khích lệ nỗ lực của người khác, để họ tìm kiếm sự tha thứ.[2]

Cách thực hiện quá trình tha thứ trong cuộc sống thực tế

Tôi sẽ bắt đầu với ví dụ ít quan trọng được lấy ra từ chính cuộc sống của Edward M.HalloweIl: Đó là một sự việc phổ biến: bị cắt ngang trên đường phố – có lẽ mọi người đều sẽ nhận ra. Điều này cho phép tôi giải thích quá trình rõ ràng hơn, từng bước một, theo cách đơn giản.

Một ngày nọ, tôi đang lái xe chạy trên một con đường ở Boston và như những việc hay xảy ra hàng ngày, một vài chiếc xe to lớn, chạy quá tốc độ, ví dụ như chiếc Cadillac

đáng ghét, nó lao chệch từ làn đường này sang làn đường bên cạnh, buộc tôi phải hãm phanh để tránh va chạm. Khi tôi bóp còi, gã tài xế không biết điều đã búng ngón tay, rồ ga, phun khói khi xe lao đi.

Chỉ còn tôi ở lại với sự xúc phạm, giận điên lên và cảm thấy bị bẽ mặt. Vào lúc đó, tôi không chỉ ghét người đàn ông đã cắt ngang tôi mà ghét cả thân phận con người bị đá đít. Sự xúc động tràn ngập trong tôi. May mắn thay, tôi giữ được sự tỉnh táo đủ để lái xe. Tôi nói với mình rằng: Hãy buông nó ra đi. Nhưng sự giận dữ vẫn tiếp tục trào dâng trong lòng tôi.

Tôi sẽ không thể thực hiện một cách bình thường, từ đầu đến cuối tiến trình của sự tha thứ trong từng bước một được, theo cách đã được sắp xếp. Nhưng để thuyết minh, giải thích, hãy để tôi trình bày những gì tôi đã làm. Chúng ta đều đã thấy bước 1bước 2. Bước 3 là không thể thực hiện khi tôi ngồi một mình trên xe hơi. Tôi có thể nhớ lại những cuộc nói chuyện với người tôi tin cậy, tuy nhiên, những cuộc nói chuyện đó đều không mang lại cảm giác dễ chịu, một khi chúng ta đã đồng ý rằng các vấn đề bực mình trên đường phố là có thực và rất nguy hiểm. Bước 4, không chối bỏ cuộc sống, cũng không thể áp dụng được với tôi lúc đang ở trên xe. Tuy nhiên, bước 5 là câu tôi đã nói: hãy buông nó ra đi, về cơ bản, tôi đang lôi kéo lòng tin của mình.

Nếu tôi đã hỏi: Tôi muốn sự tổn thương này h thành cái gì? Chắc chắn, rất rõ ràng với tôi, đó là tôi không muốn nó trở thành tai nạn giao thông, một trận chiến bằng vũ lực, hay tôi sẽ vào tù, hoặc là tên lái xe tồi tệ kia hoặc là tôi sẽ chết. Điều đó thật ngu xuẩn, sẽ không ai thương hại tôi.

Sau đó, tôi đi tới bước 6: Đau buồn vì những mất mát. Tôi đã đánh mất gì? Một chút lòng kiêu hãnh. Một chút tin tưởng dành cho con người. Một chút chất xúc tác adrenalin, đã được sử dụng trong phản ứng hoảng hốt khi tên lái xe điên khùng cắt ngang xe tôi. Tôi sẽ nói với bản thân: Có đáng buồn không khi thế giới không là một nơi hoàn hảo? Dần dần, tôi sẽ có thể khiến mình chỉ cảm thấy buồn hơn là cảm thấy giận phát điên.

Nhưng sự giận dữ vẫn cố chấp. Bước 7, tìm ra cạm bẫy. Tại sao những tên lái xe như vậy lại làm phiền tôi nhiều đến thế? Vợ tôi có thể quên chúng trong một giây. Còn tôi lại suy nghĩ, nghiền ngẫm chúng. Tại sao? Vì tôi là một người đàn ông tự cao, bản chất nóng nảy. Bởi vì, giống như hầu hết những người đàn ông, tôi đã xem đường phố là một cuộc đua và người lái xe đó đã thắng. Anh ta đã cắt ngang tôi và bạn phải là người theo học thuyết Freud như thế nào để có thể biết được ý nghĩa tượng trưng ở đó?

Đồng ý! Vì thế, cạm bẫy trong trường hợp này là sự ngu xuẩn, bản chất đàn ông của tôi và sự tự cao của bậc đại trượng phu. Trong bước 8: Tôi có thể đang hành động theo cách của một tên ngu xuẩn? Tôi đã đi đến sự ngu xuẩn bằng bản chất đàn ông của mình và sự tự cao của bậc đại trượng phu. Bây giờ là thời điểm tôi sử dụng những hiểu biết sâu sắc và sau đó dùng khả năng nhận thức để ngừng các hành động giống một tên ngu xuẩn lại. Tôi vẫn còn cảm thấy một chút giận dữ, nhưng tôi đã nói với mình rằng nó thật ngớ ngẩn, hãy dẹp bỏ nó đi.

Đến bước 9: Lấy lại cảm giác an toàn và quyền lực điều khiển, điều này thật quan trọng. Tôi phải nhắc nhở chính mình rằng tên lái xe điên khùng trong chiếc Cadillac đáng ghét không phải là sự đe doạ có thực đối với dũng khí của tôi. Anh ta chỉ là sự đe dọa trong trí tưởng tượng của tôi mà thôi. Chính cảm giác, suy nghĩ dễ bị tấn công của tôi đã khiến tôi cảm thấy anh ta quá mạnh mẽ so với tôi. Thực ra, tôi đang an toàn. Tôi vẫn điều khiển được bản thân. Chúng ta – những người đàn ông cần phải tự nhắc nhở mình về điều này … một cách thường xuyên.

Bước 10: Cảm thông với người làm tổn thương tôi. À, tôi phải thừa nhận rằng, tôi không có nhiều cảm thông đối với hắn, cho đến khi tôi nhớ lại vào thời trai trẻ của mình, tôi đã từng làm những việc giống hệt như vậy. Tốt thôi! Tôi sẽ cảm thông.

Bước 11: Chiến đấu với chính mình để đánh ngã cạm bẫy. Lúc này, điều đó khá dễ dàng. Tôi không phải đấu tranh quá nhiều, ngay lúc tôi nhìn thấy chính mình trong gã thanh niên trên chiếc xe Cadillac.

Bước 12: Sáng suốt nhận định vấn đề. Tôi đã làm điều này rồi.

Bước 13: Cầu nguyện hay suy ngẫm? Không cần thiết, nhưng đôi khi tôi cầu nguyện cho sự kiên nhẫn khi tham gia giao thông.

Bước 14: Bày tỏ sự biết ơn vì những gì mình đã có. Tôi thực sự đã làm điều đó khi kháng cự lại những cơn giận dữ trên đường phố. Một lần, khi trong lòng trầm lắng tôi nghĩ về vợ và ba đứa con của mình, tôi cảm thấy biết ơn rằng mình đã không làm bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho họ.

Bước 15: Hành động trả thù tưởng tượng. Tôi đã làm điều này sớm hơn nhiều.

Bước 16. Tập trung vào tương lai. Vâng, đó là lúc tôi theo dõi con đường và nghĩ về những điều tốt đẹp hơn.

Bước 17: Vâng, tôi sẽ cảm thấy tốt hơn khi tha thứ cho tên lái xe điên khùng và thế giới cũng sẽ tốt đẹp hơn. Bởi vì chúng ta đã tránh được một tai nạn lớn.

Bước 18: Nhắc nhở bản thân rằng tôi cũng cần sự tha thứ. Tôi đã làm điều này, ngay khi tôi nhận ra rằng tôi cũng từng là một tên ngu ngốc giống như tên lái xe đó.

Bước 19: Từ bỏ xúc cảm giận dữ và lòng oán thù. Lúc này hầu như nó đã biến mất. Tôi cảm thấy dễ chịu hơn khi không có nó. Vì thế, tôi không cần bước 20, là sự lặp lại của bước này.

Bước 21: Hãy để mình được nuôi dưỡng bằng sự tha thứ và trưởng thành từ đó. Thật tệ là tôi đã không được nuôi dưỡng như vậy nên tôi đã từng cho rằng mình sẽ không bao giờ phải nghĩ đến điều này một lần nữa.

Bước 22: Khích lệ những người còn lại. À, tôi đang viết quyển sách này. Tôi hy vọng nó có ích![3]

1.3. Một số phương thế khác

–  Solomon Schimmel

 Trong số này, một trong những quyển tôi yêu thích là Những tổn thương thời gian không chữa lành được: sức mạnh của sự ăn năn và tha thứ (Wounds Not Healed by Time: The Power of Repentance and Forgiveness) của Solomon Schimmel, một giáo sư về giáo dục và tâm lý của người Do Thái tại Trường cao đẳng Hebrew ở Newton, Massachusetts. Mặc dù Schimmel là một viện sĩ nhưng quyển sách này đã choán hết thời gian của ông ấy.

Ông ấy chia quá trình của sự tha thứ thành bốn giai đoạn và chia tiếp mỗi giai đoạn thành nhiều đơn vị. Giai đoạn một là khám phá. Tiếp đến là giai đoạn đưa ra quyết định, tại đây bạn xem sự tha thứ như một sự lựa chọn. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn hành động, tại đây bạn chấp nhận sự đau khổ và đưa ra lòng trắc ẩn. Giai đoạn thứ tư được Schimmel gọi là “đào sâu thêm”.

Tôi nghĩ rằng giai đoạn thứ tư này chính là những gì làm cho phương pháp của ông ấy trở nên hữu ích bởi vì ông đã chỉ ra cách làm thế nào một hành động tha thứ có thể dẫn đến sự trưởng thành và biến đổi cho cả hai cá thể và những người xung quanh họ. So sánh sự tha thứ với cuộc chạy đua đường dài, Schimmel đã viết rằng: “Một lợi ích của việc hoàn thành cuộc hành trình khó khăn đi đến sự tha thứ là bạn sẽ đạt được sự tự nhận biết mình, nghĩa là bạn có thể vượt qua những xúc cảm tiêu cực có tác động mạnh và có khả năng tự kiềm chế”

– Everett Worthington

Các chuyên gia khác cũng đã phát triển nhiều phương pháp rất hay. Everett Worthington, một trong những người đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về sự tha thứ – vâng, bây giờ sự tha thứ thật sự là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học, cảm ơn Chúa. Ông đã phát triển năm bước tối ưu để tiến đến sự tha thứ. Nó được ông tóm tắt bằng những chữ cái của từ “REACH” :

Nhớ lại sự tổn thương,

Cảm thông với người đã làm tổn thương bạn,

Đưa ra món quà vị tha của sự tha thứ,

Cam kết tha thứ,

Và giữ chặt sự tha thứ

(Trích trong quyển “Dimensions of Forgiveness”, – “Kích thước của sự tha thứ” của Worthington).

Bạn có thể nhận thấy phương pháp của Dr. Worthington được trình bày rất cụ thể trong quyển sách “Kích thước của sự tha thứ” (cũng như bài viết của nhiều chuyên gia khác).

– Dr. Robert Enright

Trong một quyển sách xuất sắc khác, quyển “Forgiveness is a choice” (Tha thứ cũng là một sự lựa chọn), Dr. Robert Enright chia quá trình tha thứ thành bốn giai đoạn:

  1. Nói ra sự giận dữ.
  2. Quyết định tha thứ
  3. Tiếp tục với sự tha thứ
  4. Khám phá và đạt đến sự giải thoát ra khỏi ngục tù xúc cảm.266

Enright là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực này, tất cả những tác phẩm của ông đều nổi tiếng.

– Dr. Fred Luskin

Một chuyên gia đáng chú ý khác là Dr. Fred Luskin, ông phát triển một chương trình ở Stanford và nó đã được ông trình bày trong quyển “Forgive for good” (Tha thứ hết). Phương pháp của Luskin được tóm tắt bằng chữ cái của từ “HEAL” :

H là chữ viết tắt của “hope” (hy vọng). Bước đầu tiên là tạo nên một phát biểu tích cực về những gì mà bạn hy vọng sẽ xảy ra. Phát biểu đó phải tích cực (ví dụ: Tôi hy vọng một tình bạn bền vững) để kháng cự lại cái tiêu cực (ví dụ: Tôi hy vọng anh ấy sẽ không phản bội tôi).

E là chữ viết tắt của “educate” (giáo dục). Bạn cần phải giáo dục bản thân hoặc nhắc nhở bản thân về mặt hạn chế của khả năng tự kềm chế mình trong tình huống nhất định và trong cuộc sống.

A là chữ viết tắt của “affirm” (xác nhận). Bây giờ bạn đưa ra một phát biểu tích cực nhằm xác nhận một số mục tiêu mà quá trình của sự tha thứ sẽ đưa đến. Ví dụ, “Tôi muốn trở nên sáng suốt hơn trong tình bạn”.

L là chữ viết tắt của “long-term commitment” (lời cam kết lâu dài). Bạn cam kết thực hiện phương pháp HEAL lâu dài và làm cho sự tha thứ thành một phần thường xuyên trong cuộc đời bạn.

– Lewis Smedes

Một chuyên gia khác, Lewis Smedes, giới thiệu phương pháp ba bước trong quyển sách của mình “The art of forgiving” (Nghệ thuật tha thứ). “Chúng ta lại khám phá ra được nhân tính của người đã làm tổn thương mình. Chúng ta từ bỏ cái quyền trả thù của mình. Chúng ta xem xét lại tình cảm đối với người mà chúng ta tha thứ”.

– Charles Klein, một giáo sĩ Do Thái, đã phân tích trong quyển sách của mình “How to forgive when you can’t forget (Làm sao có thể tha thứ khi bạn không thể quên) một phương pháp dẫn đến cái mà ông ấy gọi là “Ngày hoà giải”. Như ông ấy đã nêu: “Đối với bất kỳ người nào trong chúng ta ‘Ngày hoà giải’ có thể đến ngay bây giờ và một lần nữa, niềm vui sướng sẽ có trong tương lai của chúng ta”. Tuy Klein không có phương pháp từng bước một hoặc một từ tóm tắt phương pháp của mình được cấu tạo bằng chữ cái đầu của một nhóm từ nhưng quyển sách ngắn gọn của ông được đánh giá cao về nội dung. Ông ấy nhắc nhở chúng ta về những điều khiến trái tim mình chai sạn. Qua những ví dụ của kinh thánh cũng như những ví dụ thật trong cuộc sống hiện đại, ông ấy thuyết phục chúng ta hãy tìm ra cách để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn – trước khi quá trễ. Ông ấy cho rằng: “Bạn có thể tha thứ ngay cả khi bạn không thể quên đi sự tổn thương đó. Và bạn chỉ có thể trả lời câu hỏi rất xưa cũ: Nếu không bây giờ thì khi nào?”

– Salman Akhtar

Nhà phân tích tâm lý Salman Akhtar đã có bài viết mang tựa đề “Forgiveness: Origins, dynamics, psychopathology and technical resistance” (Sự tha thứ: Nguồn gốc, động lực, tâm lý bệnh học và sự kháng cự), được in trong tạp chí Phân tâm học xuất bản hàng quý. Mặc dù bài viết này được dành cho các độc giả có chuyên môn, nhưng nó cũng là một bài viết ngắn xuất sắc dành cho những độc giả không chuyên nếu bạn không quan tâm đến một ít thuật ngữ phân tâm học.

Akhtar nhận thấy sự tha thứ bắt nguồn từ ba giai đoạn:

                 – Trả thù

                 – Sự bồi thường thiệt hại

                 –  Sự xem xét lại

Akhtar là một trong số ít chuyên gia nhận thấy tầm quan trọng của việc trả thù, dù cho hành động đó diễn ra trong thực tế hay trong tưởng tượng. Ông ấy viết rằng: “… trên thực tế một số hành động trả thù rất tốt cho nạn nhân. Nó đặt cái tôi tiêu cực của nạn nhân vào vị trí tích cực. Điều này mang đến khả năng làm chủ và nâng cao lòng tự trọng”. Ông ấy cũng nhấn mạnh rằng sự tha thứ là một dạng của sự tiếc thương. Do đó, nó là một dạng tâm lý vô giá.

Vẫn còn nhiều phương pháp khác tồn tại và phát triển. Nhưng hầu hết các phương pháp đó đều có chung những khía cạnh nhất định: nhận thức về sự giận dữ và đau khổ, sự tái hiện lại sự kiện gây tổn thương trong trí tưởng tượng của bạn bằng cách nào đó, cho phép cảm xúc đau buồn bước vào và phát triển bằng nhiều cách trong hiện thực để vượt qua chúng, sự lựa chọn có ý thức để di chuyển đến sự tha thứ và rời xa khỏi sự giận dữ. Và một số cách luyện tập lâu dài để giữ gìn sự tha thứ ngày này qua ngày khác, điều này làm cho bạn trở thành một người mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn.[4]

1.4. Tóm kết: lời tâm huyết của Edward M.HalloweIl về vấn đề tha thứ

Rõ ràng, tiến trình mà tôi phác thảo trong chương này không được rõ ràng lắm. Tôi không thể đứng dậy và mời chào về “phương pháp tha thứ” của tôi với những khẩu hiệu như: “Bạn cảm thấy mình có lỗi? Hãy đọc cái này!”. Hay “Muốn tha thứ hay muốn được tha thứ? Hãy làm theo những bước dễ dàng và đơn giản này!”. Nếu bất cứ ai thật sự đưa ra được phương pháp mang lại thành công chắc chắn, hết sức rõ ràng của sự tha thứ, phương pháp đó hẳn sẽ được đăng trên trang đầu của mọi bản tin về việc đoạt giải Nobel Hoà Bình. Mọi cuộc xung đột của thế giới sẽ đi đến kết thúc. Mọi vụ kiện tụng sẽ biến mất. Tỉ lệ ly hôn sẽ giảm xuống. Tỉ lệ tử vong cũng sẽ giảm xuống nhanh chóng. Tất cả chúng ta sẽ sống lâu hơn và hạnh phúc hơn.

Vì thế, cho tôi xin lỗi vì đã mạo muội đưa ra “phương pháp thực tế” để tiến đến sự tha thứ. Tôi không có ý vạch ra một phương pháp có vẻ như đã được đúc sẵn, như thể bạn có thể mua nó về từ trên kệ của mọi cửa hàng gia đình. Sự tha thứ thường quá khó hiểu, không được mong đợi và vượt xa dự tính thực tế của bất cứ ai, vì thế một công thức để thực hiện nó dường như vô lý hay trong điều kiện tốt nhất cũng có vẻ là giản dị thái quá. Tôi hiểu về sự tha thứ, đủ để biết rằng nó không tồn tại bằng bất cứ công thức nào. Nó thường bắt đầu từ những phần ẩn sâu trong con người chúng ta mà ngay cả chúng ta cũng không hiểu, không thấy và tất nhiên là không thể điều khiển được.

Một số sự kiện tình cờ, một số hạnh phúc ngẫu nhiên, một số khoảnh khắc lạ kỳ mà chúng ta không bao giờ dự kiến được, nó cũng có thể là những gì khuấy động sự tha thứ, như khi Sue xuất hiện với cây cần tây héo úa. Cả hai chúng tôi đều không dự tính trước được ảnh hưởng của khoảnh khắc đó. Thật ra, Sue mang theo cây cần tây héo úa với suy nghĩ đầy thù hận trong lòng. Nhưng điều đã xảy ra là cả hai chúng tôi cùng cười to và vì thế chúng tôi làm lành với nhau. Bất cứ “công thức” nào của sự tha thứ đều phải bắt đầu bằng việc thuyết phục tất cả chúng ta mở lòng ra trước những tác động bất ngờ để tiến tới giảng hoà. Nó có thể được khuấy động bởi một thân cây cần tây, cái hắt hơi hay một vài khoảnh khắc nào đó thay đổi tuỳ vào cảm xúc của chúng ta.

Bạn không biết trước bằng cách nào hay khi nào khoảnh khắc đó sẽ xuất hiện. Do đó, bạn chỉ cần mở rộng tấm lòng, như Robert Frost đã làm khi ông ấy đang đi dạo xuyên qua khu rừng vào một ngày nọ và ông cảm thấy một vài bông tuyết từ cành cây rơi vào ông. Sau đó, ông ấy đã viết bài thơ mô tả lại khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời ông:            

         Những bông tuyết trắng,

Từ cành cây độc cần rơi xuống tôi,

Đã mang đến trong tâm hồn tôi,

Một sự đổi thay,

Đã cứu lấy những ngày,

Còn lại của cuộc đời tôi

Theo truyền thống, tuyết tượng trưng cho sự tinh khiết, trắng trong, còn cây độc cần là sự xấu xa. Nhưng tuyết trắng cũng có thể rơi từ cây độc cần, cái tốt cũng có thể đến từ cái xấu. Và sự tha thứ cũng vậy. Nó có thể đột ngột rơi xuống chúng ta, thậm chí từ cành cây xấu xa, giống như bông tuyết rơi xuống từ cây độc cần vậy.

Nhưng khi nó không rơi lả tả xuống một cách tự nhiên, khi bạn phải vươn lên cao hơn và xa hơn khả năng cho phép để cố gắng rung cho nó rơi xuống, thì sự tha thứ cũng đòi hỏi phải kiên nhẫn. Từ “kiên nhẫn”có nghĩa là sức mạnh của sự chịu đựng, khả năng chịu đựng để không phải quay trở lại. Việc bị tổn thương thường khiến con người muốn quay lại làm tổn thương người đã làm tổn thương họ, vì thế sự tha thứ buộc phải dấn thân vào con đường giận dữ, khát khao độc ác của con người. Đi vào con đường đó vô cùng nguy hiểm. Bạn phải can đảm và phải tin chắc rằng tha thứ là điều đúng đắn cần làm. Sau đó, bạn cố gắng tiến tới bóng tối của sự tưởng tượng và dò dẫm xung quanh cho đến khi tìm thấy hòn than nóng sáng của sự tổn thương, căm hờn. Bạn phải vồ lấy thật nhanh, đủ để kéo nó ra trước khi sức nóng của nó khiến bạn phải buông rơi nó và vẫn để nó ở lại bên trong tâm hồn bạn.

Vì vậy, bạn có thể thực hiện hành động khó khăn đó bằng cách nào? Bạn có thể tìm thấy cách làm riêng của mình và hầu hết chúng ta đều có thể, hoặc bạn có thể thử thực hiện phương pháp mà tôi đã đưa ra – một phương pháp có thể giúp bạn giữ chặt hòn than của sự giận dữ, trong một khoảng thời gian đủ để đưa nó ra ngoài.

Trong quyển Hoa hướng dương, Simon Wiesenthal đã kể về một câu chuyện kinh hoàng khi ông bị giam cầm ở trại tập trung Nazi. Qua một chuỗi dài với nhiều sự kiện mà ông kể chi tiết trong quyển sách, một ngày nọ, chính ông nhận được yêu cầu tha thứ từ một thành viên của SS sắp chết. Người đàn ông này chịu trách nhiệm trực tiếp về việc tra tấn và thi hành án tử hình đối với những người đàn ông, phụ nữ và trẻ con nhà Wiesenthal mà ông ta biết, tất cả nạn nhân vô tội đã chết dưới bàn tay của ông ta. Làm sao Wiesenthal có thể tha thứ cho một con người như thế? Mặc dù lời khẩn cầu của ông ta có chân thành thế nào đi nữa, hay dù sự lặp đi lặp lại của ông ta có mãnh liệt đến đâu. Không thể phản ứng lại, Wiesenthal đã không đáp lại lời khẩn cầu xin được tha thứ của viên sĩ quan SS. Ông vẫn giữ im lặng.

Tôi không có ý kiến về những gì tôi nghĩ mình phải làm. Còn bạn thì sao?

Bởi vì trong một câu chuyện như thế, tôi không thể nói với bất cứ ai rằng họ nên tha thứ. Nhưng theo tất cả những gì tôi biết, trong vai trò một bác sĩ: Con người sẽ sống tốt hơn, nếu họ tha thứ bằng cách này hay cách khác.[5]

2. Phương thế siêu nhiên

2.1. Tinh thần tha thứ

2.1.1.Chấp nhận, thú tội và hối cải

Mức độ hận thù ngày càng gia tăng trên thế giới hiện nay phần nhiều là do tội lỗi gây ra: vì chừng nào kẻ căm hận bản thân mình, không chóng thì chày y sẽ căm ghét đồng loại mình. Những tội lỗi sâu kín và cố chấp tạo ra tâm trạng bất an cho kẻ phạm tội… và để tái lập sự bình an, y phải biết soi xét bản ngã mình bằng một nguồn sáng thích hợp. Đó chính là chấp nhận, thú tội và hối cải. Nhiều người vô phúc lại chọn lấy con đường sai quấy là tìm cách đổ tội cho anh em rồi ra vẻ ta đây là kẻ tốt lành. Kẻ nào làm hại người mình yêu mến thường nhận ra rằng hành động đó của họ đã biến yêu thương thành hận thù. Y to miệng tố cáo những lỗi lầm nghiêm trọng nơi kẻ khác là nhằm mục đích biện bạch rằng mình vô tội. Thực tế cho thấy là để biến yêu thương thành hận thù là chuyện hết sức dễ dàng, nhưng chuyện ngược lại từ hận thù thành yêu thương quả là khó khăn bội phần. Người ta chỉ thực thi được điều này khi phá tan được sự cố chấp và thú nhận được hành vi gây hại của họ.

2.1.2.Kính sợ Thiên Chúa

Một nguyên nhân khác khiến người ta căm thù là vì sợ hãi: kẻ nào không biết kính sợ Thiên Chúa, kẻ ấy sẽ nhanh chóng đâm ra sợ hãi người phàm. Bản tính loài người là yếu đuối, run rẩy khi đối diện với “thế giới thù nghịch” đe dọa rình rập họ. Lòng kính sợ Thiên Chúa thì khác hẳn: đó không phải là sự sợ hãi hèn hạ kiểu như nô lệ đối với ông chủ khắc nghiệt, mà là sự tôn kính của người con đối với người cha nhân ái của mình. Lòng kính sợ Thiên Chúa giúp ta tránh được mọi nỗi lo âu thế tục: ta vững tin rằng Ngài che chở và cứu giúp ta qua mọi cơn nguy biến. Những ai không biết kính sợ Thiên Chúa, họ đâm ra sợ hãi người trần rồi từ đó căm ghét anh em bởi lẽ họ cho rằng anh em là những người đe dọa đến sự an ninh của họ.

Lòng căm thù là một thứ tình cảm rất nguy hiểm. Nó có thể trở thành một thứ độc dược. Một tạp chí y khoa có ghi nhận một trường hợp một người mẹ đang nuôi con bú, chỉ vì căm giận chồng, bà đã làm ngộ độc đứa con bởi vì sữa của bà đã biến thành chất độc. Tức giận và hận thù làm người ta ăn không tiêu và có thể gây loét dạ dày nữa.

Thật khó mà ngăn chận được lòng hận thù. Bởi lẽ nếu cứ để mặc, nó sẽ phát triển theo lối dây chuyền. Người đầu chọc giận người thứ hai, rồi đến lượt người thứ hai lại trêu tức người thứ ba… và cứ thế… Vì vậy, Chúa đã dạy ta phải chìa má kia ra khi má này bị vả, bởi lẽ nhờ nỗ lực ý chí này ta mới dập tắt được sự giận dữ. Phương thế duy nhất để tiêu diệt lòng hận thù là nhịn nhục rồi biến cải nó thành tình yêu thương.

Đối với chúng ta, làm được như thế quả là gay đấy: kho tình yêu của con người quá nhỏ bé nếu cứ rút tỉa dần dần, chẳng mấy chốc nó sẽ cạn kiệt. Vậy ta phải tìm một nguồn tình yêu khác để tha thứ và gia tăng tình nhân ái.[6]

2.1.3. Có hai lý lẽ giúp ta dễ dàng nài xin Thiên Chúa giúp ta biết tha thứ cho anh em.

Ta nên nhớ lại vô vàn lần Thiên Chúa đã thứ tha cho ta. Và ta phải cộng tác với Ngài trong nỗ lực bất diệt là cứu vớt các linh hồn lầm lạc.

– Lý lẽ thứ nhất rất hiển nhiên. Thực vậy ta đã làm quá nhiều điều xấu xa đối với Thiên Chúa hơn bất kỳ một anh em nào xúc phạm đến ta. Chúa đã nhắn nhủ ta không nên có thái độ của kẻ thấy được cọng rơm trong mắt anh em mà quên rằng có cả cái xà trong mắt mình. Ta phải nhớ đến những xúc phạm mà ta tự bỏ qua, bấy giờ ta mới nhận ra rằng mình quả chẳng đáng được tha thứ chút nào. Thiên Chúa đã phán: “Ta đã tha nợ cho ngươi, vậy cớ sao ngươi lại chẳng vì tình đồng loại mà tha thứ cho anh em ngươi?”

– Lý lẽ thứ hai tóm tắt như sau: Giả dụ ta bị một kẻ thù làm trọng thương. Thế rồi cha đẻ y đến và bảo ta rằng đã nhiều năm ông dày công uốn nắn con mình theo đường ngay lẽ phải, nhưng chẳng thành công. Tuy vậy ông vẫn không tuyệt vọng. Ông nài nỉ ta cùng chung lưng góp sức với ông để cứu vớt y. Hẳn lời nài nỉ này sẽ làm dịu lòng ta. Thiên Chúa cũng là một người cha như thế. Ngài hằng đau khổ rất nhiều vì con cái ngỗ nghịch Ngài muốn ta cũng phải kiên nhẫn chịu đựng và cố giúp Ngài đưa họ về với yêu thương. Câu chuyện Abraham trong sa mạc đã nói rõ lên cách nhìn này: Một đêm kia có một người lạ mặt đến lều Abraham, xin ông tá túc. Abraham dọn thức ăn ngon nhất để thết đãi y, rồi nhường giường cho y nằm, phục vụ y hết mình. Thế nhưng y vẫn phàn nàn, xét nét và mè nheo. Quá tức giận vì sự vô ơn này, Abraham chuẩn bị đuổi cổ y đi thì Thiên Chúa phán bảo ông: “Này Abraham, Ta đã chịu đựng y suốt 40 năm rồi vậy thì lẽ nào ngươi chẳng thể chịu đựng y một đêm thôi?”Khả năng tha thứ cho anh em chỉ có thể do Thiên Chúa ban cho ta. Và Ngài sẵn lòng ban ơn này cho ta nếu ta cầu xin. Ngài đã phán: “Hãy khoan nhân như Cha các ngươi trên trời là Đấng khoan nhân. Chớ xét đoán để khỏi bị xét đoán. Đừng kết án hầu khỏi bị kết án. Hãy tha thứ để được thứ tha. Ngươi đong cho ai đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy”.[7]  

2.1.4.Tha thứ là một hành động của tình yêu

Bạn hãy ý thức rằng tha thứ là một hành động thiết thực của tình yêu. Chúng ta cần nhìn sự tha thứ như một hành vi năng động. Sự tha thứ không tự động xảy ra. Sự tha thứ không thình lình ập xuống trên chúng ta và dễ dàng giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng của hận thù. Trái lại, chúng ta phải bắt tay hành động. Chúng ta phải quyết định là nên tha thứ điều gì và bày tỏ thiện chí tha thứ, ngay cả khi cảm xúc bị tổn thương mạnh đến nỗi chúng ta không thể thứ ngay tức thì được. Chúng ta có thể tự nhủ: “Tôi muốn biểu lộ thiện chí tha thứ.” Đó là bước nhảy phi thường hướng tới khả năng tha thứ cho người khác.

Có lẽ phải mất nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới có thể phát huy đầy đủ thiện chí cần thiết để bắt đầu tiến trình tha thứ. Cần phải cầu nguyện, suy niệm, giáo dục, tham vấn và viết nhật ký. Cần phải làm nhiều cách mới có thể tha thứ như ông chủ nhân từ đã tha thứ cho con nợ một cách vô lượng vô biên (Mt 18, 23-35). Tuy nhiên, tha thứ là trải dài tình yêu Thiên Chúa và khi chúng ta trải rộng tình yêu Thiên Chúa đến tha nhân, chúng biết rằng tình yêu của Người cũng ở trong chúng ta.[8]

2.1.5.Hãy nhìn kẻ có lỗi với đôi mắt của Thiên Chúa.

Mọi người đều là con cái yêu dấu của Thiên Chúa, và hoàn toàn đáng hưởng tình thương của bạn, bất chấp hành vi của họ. Do đó, chúng ta phải tự hỏi: “Đức Kitô nhìn vấn đề này như thế nào?” Để canh tân đời sống tâm linh, thì rõ ràng nguyên tắc này mở rộng nguyên tắc “Tìm kiếm tình yêu mọi nơi.” Nếu chúng ta tự hỏi: “Tình yêu nằm nơi đâu trong ‘sự xúc phạm’ này?” chúng ta có thể ngạc nhiên khi thấy mình có thể đồng cảm với “kẻ có lỗi.” Tại sao anh của bạn đã thốt ra những lời lẽ như thế tại đám cưới của bạn cách đây 5 năm? Trong mắt bạn, anh của bạn đã làm cho bạn trông giống thằng hề trước mặt bạn bè và bà con thân thích. Thậm chí, anh của bạn dường như đã không nhận thấy vẻ lúng túng của bạn. Tại sao anh của bạn có thái độ như vậy? Có thể anh của bạn muốn chứng tỏ mình có quyền hơn bạn. Có lẽ anh của bạn chỉ muốn phô trương. Có lẽ anh của bạn chỉ nói đùa như anh ta vẫn thường đùa cợt như thế và không nghĩ rằng những lời nói đùa ấy lại gây tổn thương cho bạn đến như thế. Đây là lúc mời gọi bạn hãy nhìn vấn đề ấy theo một cách khác, nhìn dưới cặp mắt của Đức Kitô. Nếu chúng ta nhìn theo cách đó và đi đến chỗ cảm thấy yêu thương “kẻ có lỗi,” bấy giờ chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ cho họ.[9]

Tóm lại, hãy quyết định yêu thương một cách tích cực và hãy    nhìn vấn đề với con mắt của Đức Kitô.

Chúng ta có thể thấy rằng cách tha thứ như chúng ta đã bàn luận mới là sự tha thứ đích thật cho người khác. Tuy nhiên, bạn và tôi, chúng ta cũng cần phải tha thứ những “sai lỗi” của chính mình. Nhiều lần, chúng ta đã bắt gặp những người luôn tự trách vì đã chưa chu toàn bổn phận của một người con thảo hay một học sinh ngoan, một người cha người mẹ tốt hay một thầy giáo tận tâm, một người anh người chị tốt hay một Kitô hữu thánh thiện như họ nghĩ. Những điều than trách như thế chỉ tạo nên gánh nặng hiềm thù trực tiếp đối với bản thân – và hậu quả vô cùng tai hại. Tha thứ cho mình thậm chí còn khó hơn tha thứ cho kẻ khác, nhưng đó lại rất cần thiết cho sức khỏe. Mọi điều chúng ta vừa phác họa có thể là những điều mà chúng ta phải áp dụng cho chính mình trước tiên.[10]

2.2.Mở lòng ra với ân sủng tha thứ

Bạn tự chuẩn bị mình để tha thứ dưới tác động của Chúa. Bạn đáp lại mời gọi của Chúa Giêsu : “Hãy nhân từ như Cha anh em là Ðấng nhân từ” (Lc.6,36). Không phải bạn nhằm bắt chước Chúa bằng cách cậy dựa vào sức riêng của bạn, nhưng bạn sẵn sàng đón nhận sự sống của Ngài, suối nguồn tình yêu và tha thứ.

Có thể rằng bạn còn cảm thấy do dự và bất lực để tha thứ, ngay cả sau khi đã kêu xin sự trợ giúp của Chúa. Giải thích sự ách tắc này thế nào ? Có lẽ nó đến từ những hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa làm che khuất bạn khuôn mặt đích thực đầy tình yêu và trắc ẩn của Ngài.

2.2.1.Từ vị thiên chúa công lý đến Thiên Chúa chân thật :

Tuyên xưng trong lý thuyết rằng Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa tình yêu và nhân từ là một việc khá dễ dàng. Nhưng đạt tới sống thực sự điều đó thì lại không dễ dàng chút nào. Quả thật, không dễ dàng biện phân vị thiên chúa muốn làm sáng tỏ công lý của óc tưởng tượng tôn giáo của mình với vị Thiên Chúa Tình Yêu và Nhân Hậu. Tuy nhiên, ngay lúc tha thứ, sự biện phân này bắt buộc phải có. Chúng ta sẽ không bao giờ thành công trong việc tha thứ thực sự, nếu trước đó đã không đi vào trong tương quan với Thiên Chúa chân thật.

Jean Monbourquette chia sẻ như sau: “Trong thực hành lâm sàng, tôi thường có cơ hội hướng dẫn các khách hàng phân biệt vị thiên chúa muốn làm sáng tỏ công lý với Thiên Chúa Tình Yêu. Câu chuyện sau đây của một nữ khách hàng của tôi có thể làm sáng tỏ những điều tôi nói.

Sau khi mẹ bà qua đời, một nữ tu nọ cứ bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng sự trừng phạt của Thiên Chúa vừa đổ xuống trên bà. Cùng lúc bà cảm thấy mình vừa bị bối rối vừa bị nhục nhã trở thành nạn nhân của một cơn ám ảnh như thế. Là giáo sư môn Giáo Lý, bà dạy cho các sinh viên của mình một Thiên Chúa Tình Yêu và Nhân Hậu. Vậy mà ở mức độ “lòng dạ” của bà, bà bị đeo đuổi bởi một vị thiên chúa quấy rầy và trả thù, tất cả vì bà đã chưa là một “nữ tu tốt”.

Lúc khởi đầu, công việc trị liệu nhằm ưu tiên trên cái chết của mẹ bà. Một khi khơi mào được tang chế của mẹ bà, tôi đã tìm được thời gian thuận tiện để gợi lên quan niệm của bà về vị thiên chúa trả thù và cơn khủng hoảng về cảm giác có lỗi do đó mà sinh ra. Bà tỏ ra bực tức khi nhắc lại điều đó, nhưng bất chấp những ngập ngừng của bà, tôi đánh liều hỏi bà xem cảm giác có lỗi mà bà cảm thấy là một phản ứng riêng lẻ hay đó là một khuynh hướng thường ngày. Sau khi cho tôi biết rằng tôi quá coi trọng một biến cố không đáng kể như thế, bà đã thú nhận rằng trong những hoàn cảnh lo âu, ý tưởng về một thiên chúa trừng phạt đã đến ám ảnh bà. Bà đã tỏ bày cho các vị hướng dẫn thiêng liêng của bà, nhưng các vị này đã khuyên bà suy gẫm về lòng tốt lành của Thiên Chúa và đừng nghĩ là mình có lỗi nữa. Những lời khuyên này đã tỏ ra không có hiệu quả.

Tôi xem ra thật khẩn cấp là bà phải được giải thoát một lần dứt khoát khỏi một hình ảnh sai lầm như thế về Thiên Chúa, hoàn toàn không thích hợp với đời sống cầu nguyện và công việc dạy giáo lý của bà, điều mà bà cũng ý thức rõ. Bà cũng xin tôi giúp bà loại bỏ khỏi cuộc đời mình vị thiên chúa trừng phạt đó. Tôi biết rõ rằng không những chúng ta không thể loại bỏ khỏi một mặc cảm tâm lý trầm trọng như thế, nhưng chúng ta còn không được tìm cách làm điều đó nữa. Khách hàng của tôi phải học thuần hóa mặc cảm ấy và sống với nó. Chính vì vậy tôi xin bà bắt đầu đối thoại với nó.

Ðó là điều bà đã làm trong suốt một cuộc tĩnh tâm. Bà quá đổi ngạc nhiên, đàng sau cái hình ảnh lạ lùng về thiên chúa đó, bà nhận ra hình ảnh của mẹ bà. Mẹ bà đã khắc sâu trong trí não bà từ hồi bà còn nhỏ một nỗi sợ hãi bệnh hoạn đối với Thiên Chúa. Mẹ bà thường nói với bà về những người bà con và bạn bè đã bị Chúa phạt vì họ đã không vâng lời Ngài. Khám phá này, dù có tính chất giải thoát, đã làm cho bà buồn nhiều. Bởi vì cùng lúc bà nhận thấy phần lớn cuộc đời bà đã phải chịu cái hình ảnh của vị thiên chúa nghiêm khắc và đe dọa đó thống trị.

Những ngày kế tiếp, bà theo đuổi cuộc đối thoại với vị thiên chúa quan tòa và trừng phạt của mình. Bà xin vị thiên chúa này nhường chỗ dần dần cho Thiên Chúa Tình Yêu của Chúa Giêsu Kitô và đừng đứng ở giữa bà và Ngài nữa, nhất là trong những lúc gặp khủng hoảng. Hơn nữa, bà bảo đảm với vị thiên chúa đó rằng bà tán dương ý hướng tích cực của người muốn làm cho bà thành một người có hạnh kiểm luân lý không thể chê trách vào đâu được.

Câu chuyện chứng tỏ tầm quan trọng phải chăm chú khảo sát quan niệm của mình về Thiên Chúa và sửa chữa nó, nếu muốn khá phá thấy mình đáng tha thứ và chính mình trở nên có khả năng tha thứ. Chúng ta không thể cứ giữ mãi những hình ảnh trẻ con về Thiên Chúa, những hình ảnh của một quan tòa vô tâm, một người cha nghiêm khắc, một cảnh sát, một giáo sư cầu toàn, một con người vô cảm, một nhân vật ngọt ngào đầu môi chót lưỡi, một nhà luân lý sợ sệt… Những vị thiên chúa đó làm cho tín đồ của họ thành bất lực trong vệc tha thứ.”

2.2.2.Trong tình yêu của Ngài, Thiên Chúa không bị giới hạn bởi những sự tha thứ nghèo nàn của chúng ta :

Nhưng đó không phải là những hình ảnh sai lầm duy nhất về Thiên Chúa cản trở việc tha thứ. Còn có hình ảnh của một vị thiên chúa mà sự tha thứ bị điều kiện bởi những sự tha thứ của con người. Thiên Chúa chỉ tha thứ cho tôi với điều kiện tôi tha thứ cho kẻ khác. Lối suy tư về tha thứ nầy rất phổ biến, tôi đã gặp nó nơi đa số các tham dự viên những khóa học về tha thứ của tôi. Họ tưởng rằng có thể biện minh cho lối suy tư đó bằng cách nêu lên những lời của Kinh Lạy Cha :”Xin tha thứ cho những xúc phạm của chúng con như chúng con tha thứ cho những kẻ xúc phạm chúng con“.

Làm sao cắt nghĩa việc các tín hữu kitô đã đi đến một quan niệm như thế về sự tha thứ của Thiên Chúa ? Có nên nghĩ rằng một truyền thống kitô như thế đã đánh mất sứ điệp thứ nhất của Phúc Âm không ? Từ ý niệm về sự tha thứ nhưng không của Thiên Chúa, dần dần chúng ta đã trượt vào ý niệm của một tha thứ – phần thưởng của chính những sự tha thứ của mình. Thiên Chúa đặt giới hạn cho tình yêu của Ngài và thôi lấy sáng kiến tha thứ để chạy theo những sự tha thứ nghèo nàn của con người sao ?

Ý niệm về sự tha thứ của Thiên Chúa được xem như một thứ công bằng ban thưởng có thể tìm thấy dấu vết trong Tin Mừng theo thánh Matthêu : “Quả thực, nếu các ngươi tha thứ cho người khác lầm lỗi của họ thì Cha các ngươi trên trời cũng sẽ tha thứ cho các ngươi ; nhưng nếu các ngươi không tha thứ cho người ta, thì Cha các ngươi cũng không tha thứ cho các ngươi lầm lỗi của các ngươi đâu” (Mt.6,14-15). Các nhà chú giải giải thích định hướng này của Matthêu là do sự kiện Matthêu nói với một cử toạ còn thấm nhiễm Lề Luật Cựu Ước. Ngay cả trong những bản văn khác, khi khẳng định rõ ràng tính nhưng không của ơn cứu độ, Matthêu cũng khai triển cả một dòng tư tưởng rabbi bị tinh thần vụ luật chế ngự. Chính tư tưởng này lại được gặp thấy trong ý niệm về tha thứ. Chúng ta ghi nhận ảnh hưởng của Phúc Âm Matthêu có ưu thế trong việc đào luyện tâm thức Kitô Giáo, bởi vì mãi cho đến Công đồng Vatican II, chúng ta đọc hầu như mọi bản văn của Matthêu trong các phụng vụ Chúa nhật. Vậy chẳng ngạc nhiên chi khi người tín hữu nghĩ rằng có thể mua lấy sự tha thứ của Thiên Chúa bằng các công nghiệp của chính những sự tha thứ của mình. Như vậy, sự tha thứ mang hình thức của một cuộc mặc cả tinh vi giữa Thiên Chúa và con người.

Ý tưởng về một vị thiên chúa cho qua cho lại không xứng hợp với lòng nhân hậu vô cùng của Thiên Chúa. Nó tạo nên một lầm lẫn lớn và một ngõ cụt lớn hơn trong đời sống thiêng liêng, đặc biệt nơi những người cảm thấy không thể tha thứ. Ðể bảo đảm ơn cứu độ đến từ sự tha thứ của Thiên Chúa, họ phải cố gắng tha thứ bằng mọi giá, ngay cả khi cảm thấy bất lực để làm việc đó. Hoặc là họ thú nhận không thể tha thứ nên không đáng được sự tha thứ của Chúa vì sự thiếu quảng đại của họ, hoặc là họ tự dối mình trong việc thỏa thuận trao ban một sự tha thứ giả dối, hoặc ít ra là không trung thực. Chúng ta thấy những kẻ tưởng mình có thể  đáng hưởng sự tha thứ của Chúa rơi vào trong một lưỡng đạo xao xuyến như thế nào !

Làm sao thoát ra khỏi con đường không lối thoát này ? Phương thế duy nhất là nhận rõ hai chân lý này.

Thứ nhất là Thiên Chúa luôn giữ sáng kiến đi bước đầu trong việc tha thứ, như chỉ Ngài mới có sáng kiến tình yêu. Thánh Gioan không do dự khẳng định điều đó : “Không phải chúng ta đã yêu mên Thiên Chúa, mà chính Ngài đã yêu thương chúng ta trước” (1 Jn.4,10).

Chân lý thứ hai phát xuất từ chân lý thứ nhất. Tha thứ không phải là hành động của ý chí chỉ tùy thuộc ở mình. Tha thứ trước hết là hoa trái của một cuộc hoán cải của tâm hồn, một sự mở ra với ân sủng tha thứ. Sự hoán cải này, ngay cả khi nó có thể là tức thời và tự phát trong một số trường hợp, thường sinh ra, chín muồi và tiến hóa trong suốt một giai đoạn dài hoặc ngắn.

Quả thế, nếu không xác tín về hai sự thật nầy, chỉ nên đọc lại dụ ngôn người mắc nợ không có khả năng chi trả (Mt.18,23-35). Ðó là câu chuyện của một ông chủ có sáng kiến tha một món nợ rất lớn cho một trong các con nợ của ông. Nhưng con nợ nầy không có cùng lòng khoan hồng đó đối với một người nghèo mắc nợ y một số tiền nhỏ. Chúng ta biết phần còn lại của câu chuyện : ông chủ, một khi biết được sự cứng cỏi và khắc nghiệt của người mắc nợ không có khả năng chi trả, đã sai bỏ tù anh ta cho đến khi trả hết món nợ.

Hai điểm đáng ghi nhận trong dụ ngôn liên quan đến sự tha thứ. Một đàng, chính ông chủ, trường hợp này là Thiên Chúa, có sáng kiến đưa ra một cử chỉ thương xót. Ðàng kia, con nợ được đặc ân không để mình bị đánh động hay chịu ảnh hưởng bởi lòng quảng đại của chủ nợ. Lòng quảng đại đáng lẽ phải dẫn anh ta tha thứ cho con nợ của mình khi đến lượt anh ta. Anh ta đã không đón nhận cách sâu xa sự tha thứ của chủ anh, đến độ để mình được biến đổi và trở nên có khả năng đưa ra một cử chỉ khoan hồng tương tự. Chính trong việc đó mà anh tự kết án mình.

Huyền nhiệm tự do của con người có thể đi tới chỗ từ chối ân sủng. Nên thêm rằng mặc dầu Ngài có sáng kiến trao ban sự tha thứ, Thiên Chúa không thể bắt ép buộc chúng ta đón nhận nó. Một cách nào đó, Chúa tự làm cho mình ra bất lực trước sự từ chối “tha nợ” – tha thứ của Ngài. Chắc chắn khác với ông chủ của dụ ngôn, Thiên Chúa tỏ ra kiên nhẫn hơn và biết chờ đợi lúc thuận tiện cho các con tim mở ra, ngay cả những tâm hồn ngoan cố nhất.

2.2.3.Sự tha thứ khiêm tốn của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu :

Nhưng ai là Thiên Chúa tha thứ đích thực ? Ðể hiểu rõ các phong cách của Thiên Chúa trong việc tha thứ, chúng ta hãy nhìn ngắm cách Chúa Giêsu đối xử với các “tội nhân”. Ðối với họ, Ngài không tỏ ra một thái độ trịch thượng, dạy đời hoặc khinh miệt, mà lại tỏ ra giản dị, khiêm tốn và cảm thông. Ngài có sáng kiến đi thăm những con người bị tù đày trong lầm lỗi của họ. Rồi một khi ở với họ, Ngài làm cho họ thêm giá trị bằng cách tự đặt mình trong trạng thái đón tiếp họ: Với người đàn bà Samaria, Ngài xin nước uống; nhìn thấy Giakêu, Ngài tự mời mình đến trọ nhà ông; Ngài để cho Maria Madalêna xức dầu hôn chân Ngài. Ngay cả trước khi nói đến tha thứ, Ngài bắt đầu thiết lập một mối tương quan giữa người với người. Vậy chính trong sự đón tiếp căn bản con người mà Chúa Giêsu biểu lộ sự tha thứ của Ngài.

Làm thế nào mở lòng mình ra với ơn tha thứ của Chúa ? Làm sao bắt chước Ngài ?” Jean-Marie Pohier hạnh phúc trả lời : “Thiên Chúa của Kinh Thánh vừa mạc khải cho chúng ta rằng Ngài không bị tổn thương – Ngài là người cha của đứa con trai hoang đàng, là người đi tìm con chiên lạc – vừa cho chúng ta biết rằng Ngài từ chối bắt chúng ta phải trả giá. Ðó là một nghịch lý không chịu nổi đối với chúng ta. Tôi cũng nghĩ rằng người ta chỉ có thể bắt chước sự tha thứ của Chúa cách rất xa. Hy vọng rằng nhờ năng lui tới với Chúa, cuối cùng Ngài có thể ảnh hưởng trên chúng ta một chút…”

2.2.4.Ðể mở lòng ra với ân sủng tha thứ :

Như đối với các cuộc tập luyện khác, bạn giữ một tư thế thoải mái và loại khỏi bạn mọi sự chia trí. 

Bạn hãy để mình được dẫn qua một bức tranh tâm trí. Trong khi lắng nghe những lời của bức tranh, bạn hãy chú ý tôn trọng nhịp điệu riêng của bạn. 

Bạn hãy để thời giờ đi vào trong chính mình để đuổi kịp thế giới biểu tượng và thiêng liêng của bạn. Nhắm mắt lại nếu điều đó giúp đỡ bạn. 

Bạn tìm thấy mình ở trong một cánh đồng đầy hoa, chan hòa ánh sáng mặt trời. Bạn hãy để thời gian chiêm ngắm quang cảnh ấy và thưởng thức sự tươi mát của địa phương. 

Dưới kia, bạn thấy một căn nhà được bao bọc bởi một ánh sáng đặc biệt. Bạn đi về phía nó. Bạn tìm thấy ở đó một cầu thang bằng đá dẫn xuống tầng hầm. Từng bước một, bạn xuống bảy bậc. Bây giờ bạn đang đứng trước một cánh cửa dày bằng gỗ sến được chạm trổ tinh vi với những mẫu hình duyên dáng. Sự tò mò thúc đẩy bạn mở cửa ra và đi vào. Bạn ở trong một gian phòng ánh sáng kỳ lạ. Hết sức ngạc nhiên, bạn thấy một bản sao của chính bạn bị cột vào một chiếc ghế. Hãy để thời giờ khảo sát kỹ các dây buộc bạn. Những phần nào nơi thân thể bạn bị buộc chặt ? Loại dây gì trói chúng ? Các dây đó làm bằng vật liệu chi ? Bạn bắt đầu nhận thức ra sự xúc phạm đã trói buộc bạn thế nào. Bạn dần dần ý thức được chính bạn đang ở đó, bị trói chặt vào ghế. Bạn đi vào trong chính mình để chỉ làm nên một với người bị trói.

Rồi bạn nhận thấy rằng không phải chỉ có một mình bạn ở trong phòng. Bạn ngờ vực sự hiện diện của một hữu thể quyền năng. Bạn nhận ra Chúa Giêsu. Ngài hỏi bạn : “Con có muốn Ta giúp con cởi trói không ?”. Ngạc nhiên về sự giúp đỡ của Ngài, bạn tự đặt lại câu hỏi : “Có phải tôi thực sự muốn được giải thoát không ? – Có phải tôi sắp thoát khỏi xiềng xích không ? – Tôi có thể chịu đựng tình trạng mới tự do không ? – Những lợi ích nào tôi có thể rút ra được từ hoàn cảnh tù ngục của tôi”? Bạn để ít thời gian tranh luận về những câu hỏi quan trọng này.

Nếu bạn muốn được giải thoát, hãy trình bày ước muốn ấy với Chúa Giêsu. Hãy nói với Ngài về những sợi dây trói buộc bạn và ngăn cản bạn tha thứ cho kẻ xúc phạm bạn. Cứ mỗi lần bạn xác định rõ mối trở ngại cho tha thứ, bạn hãy nhìn Chúa Giêsu đang tháo gỡ dần dần những cái ràng buộc bạn.

Mỗi khi một phần thân xác bạn được giải thoát, bạn hãy dừng lại để thưởng thức sự nâng đỡ mà sự tự do mới của bạn mang lại cho bạn. Các sợi dây cứ càng buông ra thì bạn càng để cho sự hòa điệu, trong sáng và bình an xâm chiếm tất cả con người của bạn.

Trong tình trạng ân sủng mà bạn cảm nhận tình yêu Thiên Chúa cư ngụ trong bạn, bạn hãy nhìn con người xúc phạm bạn đang tiến đến gần bạn. Bạn có bắt đầu nhận ra có cái gì đó thay đổi trong bạn không ? Bạn hãy nhìn vào đôi mắt con người này. Bạn có thể thẳng thắn nói với y “tôi tha thứ cho anh” không ? Nếu có, thì bạn hãy làm đi. Nếu không, bạn hãy trở về với chính mình và tự hỏi những sợi dây nào còn giữ bạn lại. Bạn có thể nối lại cuộc đối thoại với Chúa Giêsu để xin Ngài giải thoát bạn khỏi những trở ngại cuối cùng đối với sự tha thứ. Bạn cũng có thể dừng lại nơi đây, dù phải làm lại sau này cùng một tập luyện bức tranh, ngõ hầu đi xa hơn trên con đường tha thứ. Một ngày sẽ tới, bạn sẽ hết sức ngạc nhiên thấy sự tha thứ chảy ra từ suối nguồn của trái tim bạn.

Nếu bạn đã thành công trong việc tháo cởi hết mọi dây ràng buộc bạn, bạn hãy tự hỏi bạn sẽ làm gì trong tương lai, với những sợi dây đó. Chúng sẽ được sử dụng cho bạn như những biểu tượng, nhắc nhở bạn những bài học quí giá mà bạn sẽ rút tỉa được từ kinh nghiệm của mình.

Bây giờ bạn sẽ cử hành thế nào sự giải thoát mới của bạn ?

Khi bạn cảm thấy đã sẵn sàng, bạn hãy đứng và ra khỏi phòng. Bạn mở cánh cửa sến và trèo lên bảy bậc cấp để lộ ra trong ánh sáng ban ngày. Từ từ bạn bắt lại liên lạc với bên ngoài. Bạn ý thức các tiếng động. Bạn mở to mắt. Bạn cảm thấy an tĩnh, thư giản, mát mẻ và khoan khoái.

Chắc chắn bạn muốn chia sẻ những cảm nghĩ của bạn với một người nào đó, hoặc bạn hãy ghi lại trong nhật ký.

Xin tha thứ cho chúng con những xúc phạm của chúng con.
Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con những xúc phạm của chúng con,
Không theo mức độ của những tha thứ nghèo nàn của chúng con,
Không như chúng con có thói quen tha thứ,
Không theo gương những tha thứ có tính cách thương mại và tính toán của chúng con.

Nhưng hẳn là :
để khám phá ra lòng thương xót dịu dàng của Chúa
để cảm nhận sự dịu dàng nguôi ngoai của Chúa
để dạy cho chúng con cũng tha thứ
để tha thứ cho những ai cùng chia sẻ cơm bánh với chúng con
để không rơi vào tuyệt vọng vì xấu hổ
để từ chối ước muốn tha thứ cách ngạo mạn
để lột mặt nạ những sự ngay thẳng giả dối và những phẫn nộ của chúng con
để chúng con có thể tha thứ cho chính mình
để những tha thứ của chúng con trở thành phản ánh  sự tha thứ của Chúa.[11]

2.3. Không thể tha thứ nếu không có ơn Chúa

Câu chuyện của Corrie Ten Boom làm bật nổi sự cần thiết phải kinh nghiệm sự tha thứ của người khác, trước khi trở nên có khả năng tha thứ lúc đến phiên mình. Corrie được giải thoát khỏi trại tập trung của quốc xã một ít thời gian sau khi các Ðồng Minh chiếm được nước Ðức. Bà đã để rất nhiều thời gian để tự giải thoát mình khỏi cơn hận thù câm lặng của mình đối với các lý hình.

Một ngày kia, bà quyết định thực hiện một cuộc chữa lành bằng tha thứ. Một khi chắc chắn mình đã hoàn toàn được giải thoát khỏi lòng thù hận của mình và đã tha thứ, bà nghĩ ra một dự án lớn để chữa lành các vết thương và những hiềm khích do đệ nhị thế chiến gây nên cho các quốc gia này. Vậy bà đã tung ra một cuộc vận động xuyên qua nhiều nước bằng cách rao giảng ở những nơi ấy sức mạnh sáng tạo của tha thứ và của tình thương.

Bà không sợ đến nước Ðức để phổ biến sứ điệp của bà. Chiều hôm ấy, tại Munich, sau khi đã nói chuyện với một nhóm người Ðức ao ước làm cho mình được tha thứ, bà đã có một kinh nghiệm sống đau lòng thử thách chính sức mạnh tha thứ của bà. Một người đàn ông tiến về phía bà, chìa tay ra cho bà và nói : “Bà Ten Boom, tôi sung sướng biết bao khi đã nghe bà nói rằng Chúa Giêsu tha thứ hết mọi tội lỗi cho chúng ta“.

Corrie đã lập tức nhận ra ngay một người trong số các lý hình của mình ở trại tập trung. Bà nhớ lại y đã lăng nhục bà và các bạn tù phụ nữ của bà thế nào, khi y cưỡng bách họ tắm trần truồng trước cái nhìn khinh miệt “siêu nhân”của y. Ngay lúc y muốn bắt tay bà, Corrie bỗng chốc cảm thấy bàn tay bà bị đông cứng lại phía bà. Bấy giờ bà ý thức được sự bất lực của bà để tha thứ cho y, bà vừa kinh ngạc vừa khiếp sợ vì điều đó. Dù bà đã tin chắc rằng mình đã được chữa lành khỏi vết thương, đã chiến thắng sự hận thù của mình và đã tha thứ, nhưng ngay lúc ấy, đứng trước một trong những tên lý hình, bà đã bị nắm chặt bởi khinh bỉ và hận thù. Bị đờ người ra, bà chẳng còn biết làm gì hay nói gì nữa.[12]

Để hiểu phản ứng này, chúng ta nhìn lại một chút về trại tập trung Auschwitz thời Adolf Hitler: Khi được chuyển về trại tập trung Auschwitz, các phụ nữ bị bắt buộc cởi hết quần áo. Vào thời buổi đó, phụ nữ giữ kín đáo hơn ngày nay và họ không bao giờ trần truồng trước mặt người khác. Đối với nhiều người, đây là sự sỉ nhục đầu tiên. Rồi người ta lục soát họ kể cả những nơi thầm kín nhất. Rồi người ta đưa họ vào phòng tắm đứng, cạo lông họ: đầu, nách, bộ phận sinh dục. Người ta đưa áo quần cho họ. Không phải loại áo ngủ có kẻ sọc như mình thấy trong hình, trong phim ảnh hay trong các viện bảo tàng nhưng là loại áo quần rách rưới, đôi khi còn rất dơ; thật ra đó là áo quần của các người bị bắt giữ trước đây mà người Đức thải ra vì không còn tốt hoặc là áo quần các phụ nữ bị giam cầm trước đã mặc. Và rồi họ xâm một con số lên da, họ dùng viết bằng kim loại với mực xanh, một loại mực không tẩy xoá được.

Chắc đau lắm ?

Thực ra  xâm mình không đau lắm, nhưng xâm lên người một con số là tước đi cái cuối cùng họ còn giữ được, tên của họ. Từ nay, vĩnh viễn họ bị gọi bằng một con số. Con số này họ phải nói lên bằng tiếng Đức mỗi buổi sáng, chiều đứng ngoài sân để điểm danh, có khi đứng hàng giờ. Họ không còn giữ một cái gì thuộc về đời sống trước kia trên người họ, không một đồ vật, không một tấm hình, không một áo quần. “Không còn gì thuộc về chúng tôi”, văn sĩ Primo Levi viết trong quyển Nếu Đó Là Một Người xuất bản khi ông được thả ra khỏi trại: “Họ lấy áo quần, giày dép và cả tóc của chúng tôi. (…) Họ lấy đến cả cái tên của chúng tôi; nếu chúng tôi muốn giữ cái tên đó, chúng tôi phải tìm trong con người chúng tôi một sức mạnh cần thiết, để đàng sau cái tên này còn có một cái gì của chúng tôi, của những gì chúng tôi có ngày xưa còn tồn tại lại”. Họ đi vào một thế giới khác. Đó là tâm trạng mà rất nhiều người sống sót cho biết. Nhưng có thể văn sĩ Primo Levi là người mô tả rõ nhất: “Bây giờ thử tưởng tượng một người không những mất hết thân nhân mà còn mất nhà, mất thói quen, mất áo quần, mất tất cả để cuối cùng mất trắng mọi sự: đó là một con người trống rỗng, giảm thiểu xuống chỉ còn biết đau khổ và làm các nhu cầu hàng ngày, không còn biết minh định, quên hẳn nhân cách: bởi vì đây là chuyện không phải là hiếm, khi người ta mất tất cả, mất cả chính mình; chỉ còn là cái xác mà người khác có thể quyết định sự sống, cái chết một cách nhẹ nhàng, chẳng cân nhắc xem người đối diện có còn là con người hay không mà chỉ xem đó là dụng cụ còn hữu ích hay không”[13].

Xin nhắc lại đoạn trên để hiểu rõ sự biến chuyển của lòng tha thứ nơi bà Ten Boom: Chiều hôm ấy, tại Munich, sau khi đã nói chuyện với một nhóm người Ðức ao ước làm cho mình được tha thứ, bà đã có một kinh nghiệm sống đau lòng thử thách chính sức mạnh tha thứ của bà. Một người đàn ông tiến về phía bà, chìa tay ra cho bà và nói : “Bà Ten Boom, tôi sung sướng biết bao khi đã nghe bà nói rằng Chúa Giêsu tha thứ hết mọi tội lỗi cho chúng ta“.

Corrie đã lập tức nhận ra ngay một người trong số các lý hình của mình ở trại tập trung. Bà nhớ lại y đã lăng nhục bà và các bạn tù phụ nữ của bà thế nào, khi y cưỡng bách họ tắm trần truồng trước cái nhìn khinh miệt “siêu nhân”của y. Ngay lúc y muốn bắt tay bà, Corrie bổng chốc cảm thấy bàn tay bà bị đông cứng lại phía bà. Bấy giờ bà ý thức được sự bất lực của bà để tha thứ cho y, bà vừa kinh ngạc vừa khiếp sợ vì điều đó. Dù bà đã tin chắc rằng mình đã được chữa lành khỏi vết thương, đã chiến thắng sự hận thù của mình và đã tha thứ, nhưng ngay lúc ấy, đứng trước một trong những tên lý hình, bà đã bị nắm chặt bởi khinh bỉ và hận thù. Bị đờ người ra, bà chẳng còn biết làm gì hay nói gì nữa.

Lúc ấy, bà bắt đầu cầu nguyện : “Lạy Chúa Giêsu, con cảm thấy bất lực để tha thứ cho người đàn ông này. Xin Chúa tha thứ cho con”. Ngay lúc ấy, có cái gì kỳ diệu đã xảy ra, bà cảm thấy mình được tiếp vào sự tha thứ của Chúa Giêsu. Bàn tay của bà đưa lên và nắm lấy bàn tay của kẻ tra tấn bà trước kia. Cùng một lúc, bà vừa tự giải thoát mình vừa giải thoát tên lý hình của bà khỏi cái quá khứ khủng khiếp của mình.

[1] Jean Monbourquette, Comment pardonner?

[2] Edward M.HalloweIl, Hãy can đảm tha thứ, trg.93-95

[3] Edward M.HalloweIl, Hãy can đảm tha thứ, trg.95-98

[4] Edward M.HalloweIl, Hãy can đảm tha thứ, trg.265-269

[5] Edward M.HalloweIl, Hãy can đảm tha thứ, trg.102-105

[6] Fulton J.Sheen, Sống Hạnh Phúc  (Way to happiness), trg.192-193

[7] Fulton J.Sheen, Sống Hạnh Phúc  (Way to happiness), trg..194-195

[8] Richard P.Johnson, The 12 keys to Spiritual Vitality, powerful lessons on living agelessly

(12 bí quyết tăng cường sức sống tâm linh) trg. 142-143

[9] Richard P.Johnson, The 12 keys to Spiritual Vitality, powerful lessons on living agelessly

(12 bí quyết tăng cường sức sống tâm linh) trg. 144

[10] Richard P.Johnson, sđd, trg..145

[11] Jean Monbourquette, Comment pardonner?

[12] Jean Monbourquette, Comment pardonner?

[13] Annette Wieviorka, Trại tập trung Auschwitz, trg.14-15

print