Văn Hoá Thần tượng
Xu hướng thần tượng đến mê muội, cảm tính dẫn đến những hành vi lệch chuẩn cúi đầu “xì xụp” trước các thần tượng do đám đông nguỵ tạo không phải là chuyện ngày xửa ngày xưa hay là chuyện của số đông những người kém may mắn không được học hành hay không được tiếp cận với nền văn minh nhân loại mà vẫn như là chuyện của nhiều người hôm nay, kể cả nhiều người có vai vế, học vị cao ngoài xã hội và cả trong các tập thể tôn giáo. Điều tệ hại là đối tượng mà người ta thần tượng lại không phải là người tốt mà có khi là một thành phần bất hảo, lừa đảo , dâm ô đang dùng truyền thông để lừa gạt đám đông.
Điển hình như Khá Bảnh. Một chàng trai sinh năm 1993 nổi tiếng bởi những “giá trị lệch lạc” nhưng không hiểu sao, anh lại được rất đông người trẻ “thần tượng”. Những cô cậu học sinh cấp ba ùa nhau ra đón Khá Bảnh, chụp ảnh cùng thần tượng, biểu diễn “múa quạt” tập thể. Hò hét có, gọi tên có, chạy theo Khá Bảnh có – quang cảnh không khác gì câu chuyện người ta vẫn miêu tả về fan cuồng Kpop.
Cách đây không lâu các bạn trẻ Việt Nam đã đổ xô đi đón chào một thần tượng nhạc pop Hàn Quốc đến thăm Việt Nam. Có bạn đã sung sướng hôn lên chiếc ghế mà thần tượng của mình vừa ngồi. Thói tôn thờ ngẫu tượng này đa phần bị đám đông kích động lên thiếu sáng suốt và chỉ còn chạy theo đám đông.
Đây là hành vi được xem là thờ ngẫu tượng. Họ sùng bái phàm nhân như một vị thần linh ngang hàng với Thiên Chúa. Lợi dụng sự tôn thờ ngẫu tượng này nhiều người đã dùng truyền thông để đánh bóng tên tuổi của mình, lừa gạt người khác bằng những chuyện gọi hồn, đặt tay chữa bệnh, thậm chí nhắn tin cũng hết bệnh để trục lợi cho bản thân. “Thánh Kinh luôn nhắc nhở phải từ bỏ các ngẫu tượng… vì các ngẫu tượng là hão huyền nên ai thờ ngẫu tượng sẽ trở thành hão huyền” (GLHTCG 2112; x. Tv 115,4-5). Chúa Giêsu dạy: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24b).
ĐTC Phanxicô cho rằng nguyên nhân con người chạy theo thờ ngẫu tượng là vì sự thiếu thốn như dân Do Thái đã từng thờ con bò vàng trong sa mạc. Nơi Sa mạc thiếu thốn và bất an – trong sa mạc không có gì hết – trong đó thiếu nước, thiếu thực phẩm và thiếu nơi trú ngụ. Sự bất an này làm nảy sinh ra nơi con người các âu lo về sức khoẻ, về tương lai, về công việc. Để trốn chạy sự bấp bênh – sự bấp bênh là sa mạc – bản tính con người kiếm tìm một tôn giáo “tự làm lấy” nhằm thoả mãn nỗi sợ hãi của mình.
Thực chất những con bò vàng hay các ngẫu tượng chỉ làm cho con người như thoã mãn nhu cầu hiện tại, còn sâu thẳm tâm hồn vẫn mất bình an và đầy lo âu thất vọng.
Hài Nhi sinh ra trong Đêm Cực Thánh chính là Ánh Sáng, là Lửa Trời mà các ngôn sứ đã tiên đoán trong Isa 60:1, “Giêrusalem! Hãy đứng lên! Hãy bừng sáng, bởi ánh sáng của ngươi đã xuất hiện. Vinh quang của Thiên Chúa [giờ đây] như bình minh chiếu tỏa rạng ngời trên ngươi”.
Ánh sáng nơi máng cỏ Belem như đang mời gọi chúng ta hãy từ bỏ bóng tối mà bước ra ánh sáng. Hãy mạnh dạn đến triều bái Người, vì chỉ có nơi Người mới có nguồn ơn cứu độ. Đừng tôn thờ những thần tượng là con người dễ dẫn dắt chúng ta đi vào bóng tối của tội lỗi, của thù hận và ghen tương. Hãy bái quỳ trước một mình Thiên Chúa mà thôi.
Ánh sáng nơi máng cỏ Belem đã mang lại niềm vui cho ba nhà đạo sỹ từ Phương Đông để họ can đảm bước theo ánh sáng để đến bái thờ hài nhi Giê-sthờ Phúc âm nói rằng khi gặp được hài nhi Giê-su thì họ đã đi đường khác mà về. Nghĩa là họ không còn đi con đường cũ đầy hiểm nguy và bóng tối của thù hận đe doạ. Họ đi đường mới, đường tình yêu ngập tràn ánh sáng và hy vọng.
Mừng lễ Chúa hiển linh chúng ta hãy xin ánh sáng của Ngôi Lời hằng hữu tiếp tục soi đường dẫn lối chúng ta đi trên con đường hành hương về lại với chính mình, với tha nhân, và với Chúa. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền