Văn Hoá Ứng Xử Bài 101-105

print

Văn Hoá Ứng Xử Bài 101-105

BÀI 101.

BÀI 102.

BÀI 103.

BÀI 104.

BÀI 105. 

BÀI 101

BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – PHONG CÁCH ĂN UỐNG CÓ VĂN HOÁ

  1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu : “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa”. (1 Cr 10, 31).
  2. CÂU CHUYỆN : HỌC ĂN HỌC NÓI HỌC GÓI HỌC MỞ.

– “Học ăn, học nói, học gói, học mở” là lời răn dạy của tiền nhân đối với con cháu trong gia đình dòng tộc : Ăn thế nào cho có văn hoá ? Nói thế nào cho lễ độ lịch sự ? Gói, mở thế nào cho đẹp mắt về hình thức bề ngoài và có ý nghĩa nội dung bên trong ? Đây chính là những đức tính nhân bản mà mọi người đều phải học tập trong suốt cuộc sống nếu muốn trở nên trưởng thành về nhân cách và được người khác kính trọng. Sở dĩ phải học ăn học nói, vì tuy chỉ là những việc mà ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm tốt, giống như treo một bức tranh lên tường ai cũng làm được, nhưng không phải mọi người đều treo được bức tranh ngay ngắn và phù hợp với các vật dụng khác trên tường.

– Trước tiên mỗi chúng ta hãy học cách ăn uống sao cho lễ độ lịch sự. Vì nhân cách của một người sẽ được biểu lộ qua cách ăn uống. Vậy chúng ta cần tránh những cách ăn uống nào và cần ăn uống ra sao cách lịch sự và có văn hóa ?

  1. SUY NIỆM :
  2. CÁCH ĂN UỐNG THIẾU VĂN HOÁ CẦN TRÁNH :

1) Người bất lịch sự thì chỉ biết cúi mặt ăn nhanh và ăn nhiều mà không quan tâm tới người khác cùng ăn chung với mình. Họ có thể ợ ngáp thoải mái như đang ở trong phòng riêng một mình. Họ có thể húp canh kêu sùm sụp.

Có người vừa nhai đồ ăn nhồm nhoàm vừa nói chuyện, khiến thức ăn trong miệng văng ra ngoài ảnh hưởng đến người ngồi bên. Có người ngồi vào bàn là bắt đầu ăn, không cần mời mọc những người cùng bàn.

2) Việc dùng đũa gắp thức ăn bỏ vào chén của khách quý tuy thể hiện sự thân thiện, nhưng lại vô tình gây cảm giác khó chịu cho khách, vì vừa thiếu vệ sinh, vừa khiến họ khó xử nếu họ thực sự không thích món ăn đó.

  1. CÁCH ĂN UỐNG CÓ VĂN HÓA CẦN THỰC HIỆN :

Cách ăn uống có văn hóa là biết nghĩ đến người khác khi đang ăn như sau :

1) Trước bữa ăn gia đình : Khi đến giờ cơm mà cha mẹ chưa về, con cái phải biết chờ thêm một thời gian ngắngọi điện hỏi thăm khi nào cha mẹ về tới. Chỉ được ăn khi chờ quá lâu, hoặc sắp tới giờ đi học.

2) Trong bàn ăn nên ngồi theo vị trí lớn nhỏ. Nên đọc kinh chung trước khi ăn một kinh Lạy Cha hoặc dâng lời nguyện tự phát ngắn gọn để mọi người thưa Amen.

3) Gia đình cần tổ chức dùng bữa chung ít nhất mỗi ngày một lần để duy trì bầu khí yêu thương hiệp thông. Nên ấn định giờ ăn thích hợp. Tránh tình trạng kẻ ăn trước người ăn sau. Tránh mỗi người ngồi ăn riêng một chỗ để tự do nói chuyện điện thoại hoặc vừa ăn cơm vừa chơi games.

4) Trong bữa ăn, cha mẹ không nên trách phạt con cái và vợ chồng không nên tranh cãi nhau. Nên khen các món ăn ngon để động viên người nấu và tránh phê bình gay gắt các món chưa vừa miệng. Nếu cần thì khen trước khi chê.

5) Trong bữa ăn, mỗi người cần tránh chỉ ăn món mình ưa thích, nhưng liệu sao để mọi người đều được ăn món ngon đó. Nên quan tâm giúp người khác có đủ ly chén, muỗm, dĩa, đũa… Muốn nhờ ai lấy giúp đồ ăn hay khăn giấy trên bàn, cần nhờ vào lúc thích hợp. Người giúp lấy đồ ăn không nên lấy đầy chén, vì người kia có thể còn muốn lấy thêm món khác. Khi để phần thức ăn cho người ăn sau, nên để ra một đĩa riêng. Không vứt xương xuống nền nhà làm mất vệ sinh chung, nhưng kín đáo để vào khăn giấy hay vào một chén dư khác.

6) Trong bữa liên hoan, tránh ép nhau uống nhiều bia rượu vì vừa có hại cho sức khỏe, lại vừa gây lãng phí tiền bạc của gia chủ. Tránh ngồi nán lại để dự thêm bữa sau dành riêng cho người phục vụ, để khỏi gây phiền hà cho gia chủ và nhân viên nhà nấu ăn khỏi phải chờ đợi quá lâu mà dọn dẹp ra về.

7) Trong các bữa ăn mang tính đoàn thể, mỗi người nhất là chị em phụ nữ nên thể hiện tinh thần quan tâm phục vụ bằng việc phụ dọn lên các chén bát trước và sau bữa ăn và rửa chung với nhân viên phục vụ bữa ăn.

  1. SINH HOẠT :

Qua bài suy niệm trên, bạn có thấy cần bổ sung điều gì về phong cách ăn uống để trở thành một người lịch sự và gây được thiện cảm với mọi người không ?

  1. LỜI CẦU :

Lạy Thiên Chúa giàu lòng từ bi nhân ái. Xin giúp chúng con biết ăn uống cách văn minh lịch sự và có văn hoá, hầu nên người trưởng thành về nhân cách, và nên con thảo của Chúa Cha trên trời.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 102

BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – DẠY CON TRÁNH TẬT NÓI LEO

  1. LỜI CHÚA : Thánh Phaolo khuyên cha mẹ như sau : Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6,1-4).

 

  1. CÂU CHUYỆN : TẬT NÓI LEO – NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH KHẮC PHỤC.

Con gái tôi năm tuổi, khá tự tin, lanh lợi. Tuy nhiên, mặt trái của sự tự tin đó là tật nói leo. Khi người lớn nói chuyện, bé thường xen vào câu chuyện mà lại nói to, khiến tôi nhiều phen bị xấu hổ với bạn bè.

Có khi bé nói chẳng ăn nhập gì với nội dung của người lớn đang trao đổi; có khi lại còn phản bác, vặn vẹo lại.

Nếu có người khen “bé dạn dĩ, lanh lợi quá” là cháu lại càng cảm thấy hưng phấn, “cướp” luôn “diễn đàn”. Nếu tôi trừng mắt tỏ vẻ không bằng lòng thì cháu có lui vào bên trong được vài phút, rồi sau đó lại trở ra tiếp tục tham gia câu chuyện. Chẳng những nói leo tại “hiện trường”, cháu còn giành điện thoại hay micro, thò đầu vào trang webcam khi tôi đang “chát” với người khác. Tại sao con tôi lại thích chen vào câu chuyện của người lớn như thế, đang khi tại nhiều nhà của người khác, tôi thấy các cháu nhỏ thường nhút nhát, lánh mặt khi người lớn ngồi nói chuyện với nhau ? Tôi phải làm gì để giúp con tôi tránh cái tật nói leo này ?

  1. SUY NIỆM :

1) Nguyên nhân trẻ nói leo :

– Một bé hay nói leo có thể do vô tư, thích nói, chưa biết để ý đến cảm nhận của người khác, càng chưa biết phép lịch sự giao tiếp.

– Nguyên nhân nữa có thể do bé thích thể hiện bản thân. Có thể do bé bị cấm đoán nhiều thứ trong sinh hoạt, trong khi bản thân bé lại hiếu động, nên khi nhà có khách là cháu được dịp “sổ lồng” vì cha mẹ sẽ không la mắng.

– Cũng có bé do được cha mẹ chiều, nói leo một vài lần không bị phản ứng, thậm chí có cha mẹ còn tỏ ra tự hào vì con khôn lanh, nên quen dần và thành tật xấu.

2) Cha mẹ nên làm gì để giúp con tránh tật nói leo ? :

– Nguyên tắc đầu tiên là cha mẹ không nên trách mắng khi cháu nói leo mà nên ôn tồn dạy dỗ trong tình yêu thương.

– Hãy Khen bé nhiều hơn trong các sinh hoạt hàng ngày khi bé làm tốt; Giao việc cho bé để bé cảm thấy mình được tôn trọng… Khi có nhiều cơ hội khẳng định bản thân và được người khác ghi nhận, bé sẽ không còn hay nói leo để được khen nữa.

– Cha mẹ cần kiên nhẫn phân tích cho bé biết nói leo là bất lịch sự.

Và bản thân cha mẹ cũng cần làm gương bằng cách không chen ngang ngắt lời khi con đang nói.

– Nếu bé được chiều, nói leo thành tật xấu thì cha mẹ cần thống nhất với nhau để sửa lỗi cho bé, kiên trì nhắc nhở khi bé phạm lỗi.

  1. SINH HOẠT : Ngoài các nguyên tắc trên, cha mẹ nên làm gì để dạy con tránh thói xấu hay nói leo chen ngang vào câu chuyện của người lớn ?
  2. 5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin cho các bậc cha mẹ chúng con biết quan tâm dạy dỗ con cái nên người tốt, cụ thể là không cho con ngồi gần khi cha mẹ và người lớn đang nói chuyện. Nhờ đó con cái chúng con sẽ ngoan ngãn hiếu thảo hơn, sẽ làm vui lòng Chúa và làm đẹp lòng mọi người chung quanh hơn.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

BÀI 103

            BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – KHẮC PHỤC TẬT NÓI DỐI CỦA CON

  1. LỜI CHÚA: Chúa phán : “Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,37)
  2. CÂU CHUYỆN : CÔ SÁO NÓI DỐI 

 

Trong một khu rừng nọ, các loài vật sống rất hòa thuận và yêu thương nhau. Tuy nhiên chúng chỉ không thích chơi với cô bé Sáo Sậu. Cô vừa điệu vừa hay nói dối. Đặc biệt cô bé hoàn toàn không nhận thức đươc nói dối sai cần được sửa lại.

Một hôm Sáo Sậu phải cùng các bạn sang khu rừng kế bên để thi hát nhưng cả bọn chờ mãi vẫn không thấy Sáo Sậu. Đến trưa Sáo Sậu mới đến, Sóc nhanh nhẩu nói :

– Chúng tớ đã thua rồi vì dàn hợp ca thiếu mất giọng ca của cậu.

Sáo Sậu thanh minh :

– Tớ bị cảm nên không tới sớm được.

Chị Ong nâu phản đối :

– Cậu ấy nói dối. Sáng nay trên đường tới đây, tớ thấy cậu ấy vui chơi ở bìa rừng.

Sáo Sậu gãi đầu cười xòa :

– Tớ chẳng thích đi thi hát, chơi với các bạn bướm vui hơn.

Ngày nọ, Sáo Sậu rãnh rang không biết làm gì nên khi thấy gia đình Cá Vàng đang bơi dưới suối, Sáo nghĩ ra cách để chọc cười cả bọn.

Sáo Sậu hét to lên :

– Hãy mau đến cứu cá vàng con, cứu cá vàng con. Nó bị mắc kẹt dưới khe đá kìa !

Nhiều con vật nghe thấy sáo nói đều mau chạy đến. Nhưng khi tới nơi, cả bọn gặp Cá vàng bố hỏi thăm thì được trả lời :

– Gia đình cá vàng chúng tôi đâu có sao. Chắc Sáo Sậu lại muốn chọc phá đó thôi.

Điều này khiến các con vật đều tức bực và không còn muốn chơi với Sáo Sậu nữa.

Một hôm tiết trời trở lạnh, Sáo Sậu đã bị sốt cao nên nằm một chỗ trên cành cây. Khi thấy Ong Nâu bay ngang qua, Sáo Sậu cầu cứu :

– Ong Nâu ơi ! Hãy đến giúp đỡ tớ với. Tớ mắc bệnh sốt cao và đang bị mệt quá !

– Cậu định lừa đánh lừa tớ à ? Cả bọn chúng tớ không ai còn tin lời cậu nữa đâu !

Nói rồi Ong Nâu bay đi mất.

Đến trưa khi quay về thì Ong Nâu thấy Sáo Sậu đã bị ngất nằm im một chỗ. Ong Nâu vội kêu cả bọn đến giúp. Bạn thì lấy nước, bạn lấy lá thuốc cho Sáo Sậu ăn. Cuối cùng Sáo cũng đã tỉnh lại, líu ríu nói lời xin lỗi về những việc làm không đúng đã qua. Cả bọn đã cưới vui tha thứ và từ đó Sáo Sậu không còn dám nói dối nữa.

  1. SUY NIỆM :

Cha mẹ nên làm gì để giúp con chừa bỏ thói xấu ăn nói không trung thực này ?

  1. Đừng vội mắng con khi con nói dối :

Nhiều khi trẻ nói dối nhưng hoàn toàn không nhận thức được mình đang nói dối vì :

– Trẻ có thể tưởng mình đang sống trong thế giới tưởng tượng. Trong thế giới đó, đôi khi trẻ hoá thân là công chúa, nàng tiên hoặc siêu nhân. Vì thế, nhiều khi trẻ thốt ra một câu nói dối rất tự nhiên vì lúc đó nó đang trong thế giới tưởng tượng chứ không phải đang ở giữa đời thường.

– Khi bị cha mẹ chất vấn về tội gây ra, trẻ bị luống cuống nên thường nghĩ ngay ra một người hay một điều gì đó để đổ lỗi thay cho bản thân. Đây là hành động tự vệ.

– Có thể trẻ đã bị nhiễm lây thói xấu nói dối của người lớn.

  1. Làm gì để sửa dạy tật nói dối của con :

– Cha mẹ cần tránh làm gương xấu khi nói dối trước mặt con cái, hoặc dạy con nói dối, khi sai ra nói với chủ nợ đến đòi nợ là “mẹ cháu không có nhà ! “

– Cha mẹ cũng không nên la mắng con trước mặt bạn bè để tránh cho con khỏi xấu hổ. Việc quát mắng to tiếng có thể khiến con hoảng sợ và nói dối để chữa mình.

Đừng đặt câu hỏi khi đã biết rõ sự việc : Nếu bạn chắc chắn con chưa dọn phòng thì đừng hỏi : “Con đã dọn phòng chưa ?” để tránh cho nó khỏi phải nói dối. Thay vào đó, hãy nói : “Mẹ thấy phòng của con còn bề bộn. Con hãy lo dọn dẹp gọn gàng đi nhé.” Bằng cách này, trẻ biết bạn đã biết sự thật và nó không cần phải nói dối chữa mình, và bạn cũng đã nhắc nhở con làm việc nó phải làm.

– Thay vì la mắng tội nói dối của con, cha mẹ nên cho con thấy mình bị tổn thương vì lời nói dối của con, và muốn con luôn thành thật nhận lỗi để sửa sai.

  1. SINH HOẠT :

Khi thấy con có thói xấu nói dối, cha mẹ nên làm gì để giúp con tu sửa ?

  1. LỜI CẦU : Lạy Chúa Giê-su. Xin cho con cái chúng con luôn trung thực trong lời nói việc làm, để xứng đáng nên con ngoan hiền hiếu thảo của Chúa Cha. Xin cho con cái chúng con tránh thói hay nói dối xí gạt người khác hầu tránh trở thành tay sai của ma quỷ là cha sự gian dối, như Chúa đã có lần trách mắng các đầu mục Do thái : “Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8,44).- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

BÀI 104

BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG –TRÁNH THÓI HOANG PHÍ VÀ ĐỪNG HÀ TIỆN

  1. LỜI CHÚA :Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. (Ga 6,12-13).
  2. CÂU CHUYỆN : GƯƠNG TIẾT KIỆM CỦA TỶ PHÚ.

1) Warren Buffett vẫn mua bữa ăn mỗi buổi sáng với giá 3,17 đô la.

Trong 54 năm qua, giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway là WARREN BUFFETT đã luôn thưởng thức cùng một kiểu bữa sáng mỗi ngày. Theo Forbes, người đàn ông giàu thứ ba trên thế giới này có khối tài sản giá trị ròng là 74 tỷ đô la mà vẫn đi mua McDonald’s cho bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, gồm hai cái xúc xích hoặc thịt xông khói, trứng và phô mai với số tiền 3,17 đô la.

2) Michael Bloomberg chỉ đi hai đôi giày trong suốt 10 năm.

Là thị trưởng cũ của thành phố New York và cũng là người đàn ông giàu thứ mười trên thế giới nhưng MICHAEL BLOOMBERG lại rất tiết kiệm: Ông chỉ sử dụng hai đôi giày màu đen để đi đến nơi làm việc trong hơn một thập kỷ. Ông đã chia sẻ với phóng viên một tời báo tài chính như sau : “Bạn không cần vứt đôi giày cũ đang sử dụng đi, để mua đôi giày mới hơn, đang khi đôi giày cũ vẫn còn đang sử dụng tốt”.

3) Bill Gates đeo đồng hồ giá chỉ 10 đô la.

Người đồng sáng lập Microsoft là BILL GATES dường như cũng không quan tâm nhiều đến xu hướng thời trang mới nhất. Ông là người giàu nhất thế giới có tài sản giá trị ròng khoảng 85 tỷ đô la mà vẫn đeo chiếc đồng hồ chỉ giá có 10 đô la !

  1. SUY NIỆM :

 

1) Thế nào là người tiết kiệm ? :

– Tiết kiệm là biết cách sử dụng hợp lý và đúng mức của cải vật chất, thời gian, sức lực của mình và của tha nhân.

67% những người giàu có đều chi tiêu tiết kiệm. Họ sẵn sàng tiêu số tiền lớn vào những việc quan trọng, thay vì chi tiêu bừa bãi vào những chuyện lãng phí vô ích.

– Người tiết kiệm không bao giờ quan tâm đến những món đồ xa xỉ như xe hơi, điện thoại đời mới… Và luôn hài lòng với những gì đang sử dụng. Đây là những người căn cơ, và sống đơn giản thanh đạm. Họ biết dung hòa giữa giá tiền và ích lợi của việc chi tiêu mang lại. Họ tìm mua đồ hợp với túi tiền, nhưng khi cần họ cũng sẵn sàng chi ra số tiền nhiều lần hơn tương xứng với giá trị và chất lượng của món hàng.

– Họ tự sửa ống nước rò rỉ để tránh lãng phí nước hoặc chuyển bóng đèn tóc bình thường sang đèn huỳnh quang để tiết kiệm điện. Ho không để đèn sáng hay quạt chạy không có người khi ra khỏi phòng.

2) Thế nào là người hoang phí ? :

Trái ngược với người tiết kiệm là kẻ hoang phí. Thói quen tiêu xài của những người này là luôn muốn sở hữu những món đồ thời thượng nhất, đắt tiền nhất vì muốn biểu lộ sự giàu  sang đẳng cấp của mình trước mặt người khác.

Họ sẵn sàng vay nợ để mua bất kì món đồ mình thích và không cần tham khảo để mua với giá rẻ hơn. Họ luôn được nhiều người hâm mộ bởi sự chi tiêu hào phóng cho người thân và bạn bè.

3) Thế nào là người hà tiện ? :

Người hà tiện là người quá trọng đồng tiền nên không dám chi tiền, ngay cả khi thực sự cần phải chi. Họ chỉ nghĩ đến số tiền chi nhiều ít mà không nghĩ đến ích lợi của việc chi tiền mang lại. Họ luôn tìm mua hàng ở mức giá rẻ nhất dù biết đó là hàng “rởm” kém chất lượng và mau bị hư. Chẳng hạn họ chọn mua chiếc quạt máy giá 400 nghìn do Trung Quốc sản xuất dù biết đó là loại hàng ít chất lượng, thay vì chọn mua chiếc quạt giá 1 triệu đồng, chính gốc Nhật Bản. Tuy quạt đó mắc tiền hơn nhưng lại là hàng “xịn” và có tuổi thọ dài gấp đôi ba lần chiếc quạt “rởm” nói trên.

4) Hãy tiết kiệm nhưng tránh hoang phí và cũng đừng hà tiện :

Tiết kiệm là đức tính mỗi người cần thực hiện. Tuy nhiên cũng cần linh hoạt với từng hoàn cảnh, đảm bảo cân bằng giữa việc chi tiêu hợp lý phù hợp với nhu cầu sử dụng trong thời gian lâu dài.

Ở bên Mỹ, trong các trường tiểu học, người ta đã dạy cho con trẻ biết : Muốn có một đồng thì phải bắt đầu kiếm từ một xu; Muốn có một triệu thì phải bắt đầu kiếm từ một đồng.

Ở bên Nhật cũng vậy. Trong các gia đình, người ta luôn nhắc nhở con cái sống theo phương châm : “Mua gì ăn nấy; Ăn đâu hết nấy; Không để thừa mứa, Quyết không lãng phí”.

Ở bên Ít-ra-en cũng thế. Vào các nhà hàng, khách sạn, người ta không thấy đồ ăn thức uống còn dư lại sau khi ăn. Ngay tại các bến xe, bến tàu đều có các câu khẩu hiệu : “Hãy tiết kiệm điện; Hãy tiết kiệm nước…” Tại các công sở và xí nghiệp, để loại trừ thói xấu lề mề, người ta trừ ngay tiền lương những ai đến sở làm trễ giờ.

Một số việc tiết kiệm cụ thể mà mỗi người có thể dễ dàng thực hành như : Tắt đèn tắt quạt khi ra khỏi phòng; Khóa vòi nước khi đã đầy hồ chứa hoặc đang còn chảy rò rỉ; Tận dụng hiệu quả cho thời gian làm việc; Giữ lại một tập giấy trắng, một cây viết còn mực thay vì bỏ chúng vào thùng rác… Hãy  luôn nhắc nhở mình và người dưới tránh thói phung phí thực phẩm và vật dụng…

  1. SINH HOẠT : Bạn đánh giá thế nào về trường hợp một người bị mắc bệnh nền như cao huyết áp, đường huyết cao, gút (goute), đau nhức xương khớp… Dù có tiền nhưng lại không dám đi chữa trị tại bệnh viện, mà chỉ chữa kiểu dân gian cho đỡ tốn phí, nên đã lãnh hậu quả tai hại bị chết oan khi bệnh tăng nặng và bị bệnh viện từ chối vì đến nhập viện quá trễ.
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin giúp chúng con biết tiết kiệm trong việc chi tiêu tiền bạc nhưng tránh hoang phí hoặc ngược lại tránh thói hà tiện. Xin cho chúng con biết sử dụng những đồng tiền Chúa ban đẹp lòng Chúa, mang lại ích lợi cho bản thân, gia đình, xã hội và xây dựng Hội Thánh ngày một thăng tiến phát triển. – AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 105

BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – TIẾT KIỆM VÀ SỰ KHÔN NGOAN TIÊN LIỆU

  1. LỜI CHÚA : “Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ, ông truyền gọi các đầy tớ đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. Người thứ nhất đến trình : “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.”  Ông bảo người ấy : “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi ! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, hãy cầm quyền cai trị mười thành” (Lc 19,15-17).

  1. CÂU CHUYỆN : Chủ trương hãy tận hưởng và không cần tiết kiệm.

Ông Vương đã 65 tuổi, nghỉ hưu được 5 năm. Ông nhớ lại thời điểm khi mới nghỉ hưu, trong tay có một số tiền lớn, nên đã tiêu xài hoang phí. Ông sẵn sàng bỏ ra số tiền 640 triệu đồng để mua một chiếc xe ô tô phục vụ cho việc đi lại. Ông thường mời bạn bè tới nhà tổ chức ăn nhậu. Khi mua đồ, ông chỉ quan tâm chất lượng. Chỉ cần ông thích thì dù món đồ có đắt tiền đến đâu ông cũng mua. Lúc đó, bạn bè ai cũng ganh tỵ với cuộc sống thoải mái nhàn hạ của ông.

Sống sung sướng được vài năm thì phát hiện ra vợ ông bị ung thư thực quản. Lúc đó, chi phí phẫu thuật là 354 triệu đồng. Sau đó, ông vay mượn nhiều nơi mới gom đủ số tiền để đưa vợ đến bệnh viện phẫu thuật. Sau ca mổ, vợ ông về nhà và sức khoẻ dần hồi phục, nên ông cũng không còn quan tâm đến sức khoẻ của bà nữa.

Ũng từ đó, cuộc sống gia đình ngày một khó khăn. Lương hưu hằng tháng của ông không đủ trả nợ góp nên ông phải đi làm thuê cho người khác. Lúc đó nhiều cơ sở đã từ chối nhận người lớn tuổi làm việc, nhưng nhờ một người bạn giới thiệu, ông cũng kiếm được một việc làm bảo vệ nhưng phải ở xa nhà. Sau một thời gian, ông nhận được tin vợ bị đau lại, ông lập tức về nhà thì sức khoẻ của bà đã suy yếu. Bác sĩ khám bệnh cho biết : Do không được nghỉ ngơi bồi bổ sau ca mổ vừa qua, nên bệnh ung thư đã thành di căn. Bà không thể được mổ lại mà chỉ còn hy vọng kéo dài sống thêm một thời gian ngắn. Ông buồn rầu, số tiền nợ lần trước vẫn chưa trả hết, lần này cũng không thể mượn ai nên đành để vợ nằm lại bệnh viện và hai tháng sau thì qua đời.

Cái chết của vợ do không có tiền chữa trị khiến ông vô cùng hối hận. Ông thường tự trách mình : Tại sao trước đây ông lại tiêu xài hoang phí mà không biết tiết kiệm ? Vì nếu còn tiền chữa trị, thì chắc vợ ông đã không ra đi sớm như vậy !

  1. SUY NIỆM :

 – Câu chuyện ngụ ngôn của LA PHÔNG TEN về “con kiến và con ve” cho thấy giá trị của sự cần kiệm và hậu quả tai hại của thói vô ăn vô lo như sau :

Kiến có đức tính cần kiệm nên rất chăm chỉ làm việc xây tổ và hàng ngày đi kiếm thức ăn tha về đầy tổ, đang khi ve sầu lại lười biếng vô ăn vô lo, tối ngày chỉ biết rong chơi ca hát mà không nghĩ đến ngày mai. Khi mùa đông đến, tuyết rơi trắng xoá, kiến được nằm trong tổ có chứa sẵn nhiều đồ ăn, đang khi ve sầu không nhà và không gì bỏ bụng nên một đêm kia đã nằm chết đói trên cành cây.

– Các bạn trẻ thường hay phân vân giữa hai lối sống không biết nên chọn lối sống nào ? Một số bạn chủ trương : “Đời người chỉ sống một lần, nên hãy hưởng thụ khi còn trẻ. Đừng để đến lúc già yếu đau liệt nằm một chỗ mới hối hận thì đã muộn ! ”.

Một số bạn khác lại chủ trương : “Cần phải tiết kiệm để ‘tích cốc phòng cơ’. Hãy biết để dành tiền để phòng khi gặp điều bất trắc như bệnh tật, tai nạn sẽ không phải đi vay nợ và bị mất hết nhân phẩm ”.

Như vậy : Tuy mỗi người vẫn có quyền hưởng thụ những thành quả do mình làm ra, nhưng đồng thời cũng phải tiết kiệm để đề phòng khi trái gió trở trời, bệnh nặng liệt giường hay gặp tai ương hoạn nạn… Có tiết kiệm như vậy, chúng ta sẽ không phải hối tiếc vì đã lỡ tiêu xài hoang phí, nên khi cần lại không còn tiền xoay sở.

  1. SINH HOẠT : Trong hoàn cảnh hiện tại, mỗi người chúng ta có thể làm gì để thực hành tiết kiệm và tránh lãng phí vô ích ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết khôn ngoan khi sử dụng đồng tiền : Tránh thói hoang phí chi tiêu vô tư hay lại hà tiện quá đáng. Cho chúng con biết sống giản dị, tiết kiệm trong cách sử dụng tiền bạc để phòng khi hữu sự bị bệnh tật hay gặp tai nạn rủi ro. Xin cho chúng con biết ứng xử tiêt kiệm phù hợp với sự khôn ngoan tiên liệu theo thánh ý Chúa.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM