Văn Hoá Ứng Xử  Bài 76-80

print

Văn Hoá Ứng Xử  Bài 76-80

 BÀI 76.

BÀI 77.

BÀI 78.

BÀI 79.

BÀI 80.

 

BÀI 76

HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH – GIÁ TRỊ TÍCH CỰC CỦA LỜI XIN LỖI

  1. LỜI CHÚA : Bấy giờ, anh ta hồi tâm tự nhủ : “Biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói !Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha.” Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. (Lc 15,17-20).
  2. CÂU CHUYỆN : XIN LỖI GIÚP HOÀ GIẢI TRANH CHẤP.

 A-BI-GA-IN, một phụ nữ khôn ngoan trong dân Ít-ra-en xưa, đã cho thấy sức mạnh của lời xin lỗi, dù bà chỉ xin lỗi cho hành động sai trái của người chồng. Khi đang cư ngụ nơi đồng vắng, Đa-vít, mà sau này sẽ trở thành vua Ít-ra-en, đang cùng với thuộc hạ bảo vệ đàn gia súc của Na-ban là chồng của bà A-bi-ga-in. Thế nhưng khi các người bạn trẻ của Đa-vít xin ít bánh và nước, thì đã bị ông Na-ban mắng nhiếc đuổi đi. Nghe vậy, Đa-vít rất tức giận nên đã dẫn theo 400 người đến hỏi tội Na-ban. Khi biết tin, bà A-bi-ga-in đã đón đường Đa-vít và phục xuống chân ông mà nói : “Lạy ông chủ. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi ! Xin cho phép nô tỳ của ông được nói trước mặt ông”. Sau đó A-bi-ga-in đã giải thích lại sự tình và trao cho Đa-vít món quà tặng thực phẩm gồm một số đồ ăn thức uống. Bấy giờ, Đa-vít nói với bà rằng : “Hãy đi về bình an. Tôi đã nghe theo lời bà xin và đã tha thứ cho chồng của bà”. (X 1 Sam 25,2-35). Chính thái độ khiêm hạ của bà A-bi-ga-in kèm theo lời xin lỗi thành thật về cách đối xử thô lỗ của ông chồng, nên đã bảo toàn đươc mạng sống cho cả nhà bà. Thậm chí Đa-vít còn cảm ơn bà vì đã cản ông không đổ máu người vô tội. Dù không phải là người đã xử tệ với Đa-vít và các thuộc hạ của ông, nhưng A-bi-ga-in đã đứng ra nhận phần trách nhiệm thay cho chồng, nhờ đó đã giảng hòa được với Đa-vít.

  1. SUY NIỆM :

Phải thành thật xin lỗi : Điều quan trọng khi xin lỗi là lời lẽ và giọng nói phải biểu lộ sự thành khẩn hối tiếc thực sự.

– Phải tránh tái phạm : Tại quầy kiểm tra hành lý ở sân bay, một người đàn ông đã phải ngỏ lời xin lỗi một người phụ nữ, khi hành lý ông kéo theo sau lúc xếp hàng đã vô tình đụng phải người của bà ta đứng phía sau ông. Sau đó ít phút, khi đi tiếp, chiếc va-li của ông kéo theo lại đụng phải người phụ nữ ấy và một lần nữa, ông ta lại quay lại nhã nhặn xin lỗi. Bấy giờ người chồng cùng đi chung đã nói rằng : “Nếu anh thật lòng xin lỗi, thì phải tránh đừng để hành lý tiếp tục đụng phải vợ tôi nữa”. Thật vậy, một lời xin lỗi chỉ có giá trị biểu lộ lòng hối tiếc và đạt kết quả hoà giải nếu tránh tiếp tục sai lỗi.

  1. THẢO LUẬN : Bạn có đồng ý với câu nói của người chồng trong câu chuyện trên, khi anh ta yêu cầu người kéo hành lý đụng phải vợ anh ngỏ lời xin lỗi, phải tránh để chiếc va-li kéo theo tiếp tục đụng vào vợ anh nữa ? Tại sao ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin cho con biết khiêm tốn nhận lỗi mỗi khi sai lỗi với tha nhân. Nhờ đó chúng con sẽ giải hoà và kiến tạo bình an và sống yên vui hoà hợp với mọi người.-AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

BÀI 77

HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH – NHẬN LỖI LÀ CÁCH HOÀ GIẢI TÍCH CỰC

  1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).

  1. CÂU CHUYỆN : LÀM HOÀ TRƯỚC KHI ĐI DÂNG LẾ.

Bà Ngọc là người Công Giáo, sáng nào trước khi gánh xôi đi bán, cũng ra giếng trước nhà giặt một thau quần áo phơi lên dây gần đó. Lát sau bà Châu ở sát bên, là người lương, cũng đem quần áo ra giếng giặt và phơi trên cùng một dây phơi.

Một hôm, sau khi giặt xong, bà Châu thấy dây phơi đã đầy quần áo, bà liền kéo quần áo mới treo còn nhỏ nước về một bên để có chỗ phơi quần áo nhà bà. Vừa lúc ấy, bà Ngọc thấy thế liền ra la mắng bà Châu thậm tệ ! Đối lại bà Châu cũng không vừa đã dùng những lời lẽ không đẹp chửi lại. Bà Ngọc trong lúc không kiềm hãm được cơn giận đã lôi tất cả quần áo của bà Châu xuống khỏi dây phơi giày đạp và và xé rách. Bà con lối xóm thấy thế liền chạy đến can ngăn nên mới không xảy ra xô xát lớn…!

Mấy ngày sau, bà Ngọc đi dự lễ Chúa nhật, nghe cha xứ đọc bài Tin Mừng : “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ đó lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Bà có cảm tưởng như Chúa đang phiền trách về hành vi tranh chấp hôm trước, nên bà đã bỏ dở lễ đi ra chợ mua một số bộ quần áo mang đến nhà bà Châu xin lỗi để làm hoà. Bà nói :

– Chị à, mấy hôm trước vì quá nóng nên tôi đã có những lời lẽ không hay xúc phạm đến chị, nhất là tôi lại giày đạp xé rách quần áo của các cháu. Hôm nay nghĩ lại tôi thấy mình đã sai nên đến đây xin lỗi chị. Xin chị tha thứ và nhận số quần áo này để các cháu mặc đỡ !

Bà Châu rất bất ngờ và cảm động trước cử chỉ khiêm tốn và thành tâm nhận lỗi đó, bà cũng rưng rưng nước mắt xin lỗi bà Ngọc. Bà không dám nhận số quần áo do bà Ngọc mang tới, nhưng vì bà Ngọc nài ép mãi nên cuối cùng bà mới nhận. Rồi cả hai đã ôm nhau khóc trước sự vui mừng của bà con lối xóm !

Từ ngày ấy, hai gia đình đã trở nên thân thiết với nhau, có gì họ cũng mang sang chia sẻ cho nhau. Qua đó cho thấy Bà Ngọc đã quyết tâm thực hành theo Lời Chúa dạy trong thư thánh Phao-lô : “Kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; Làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác.” (Rm 12, 20-21).

Một thời gian sau, cả gia đình bà Châu đã gặp cha xứ xin gia nhập đạo Công Giáo.

  1. SINH HOẠT : Tại sao hai bà đang giận ghét nhau lại có thể làm hoà lại được với nhau ? Nguyên nhân khiến Bà Châu và gia đình tình nguyện xin theo đạo là gì ?
  2. SUY NIỆM :

1) Sức mạnh của lời xin lỗi :

– Xin lỗi sẽ hoá giải các tranh chấp bất bình : Có một người con trai rất giận bố và từ lâu đã không nói chuyện với bố. Anh nghĩ : “Ông ấy chỉ lo làm ăn kinh tế mà không quan tâm chu toàn trách nhiệm lo cho con cái”.

– Hoà giải với nhau nhờ thành tâm xin lỗi : Một hôm ông bố đến ngồi cạnh con trai và nói rằng : “Này con. Hôm nay bố thành thật xin lỗi con vì trong suốt thời gian qua bố đã mải mê lo công việc làm ăn mà ít quan tâm đến con. Nhưng con nên biết rằng : bố luôn yêu thương con”. Kết quả thật kỳ diệu : Sau lời nói đó, hai cha con đã ôm nhau cảm thông và đã năng nói chuyện thân tình với nhau.

2) Giá trị của lời xin lỗi :

– Xin lỗi có khả năng làm nguôi cơn giận : Xin lỗi ngăn chặn các hiểu lầm, là liều thuốc chữa lành vết thương lòng.

– Xin lỗi mở cửa tha thứ : giúp hai bên dễ dàng cảm thông và tha thứ cho nhau.

 – Một lời xin lỗi chân thành có sức mạnh biến đổi tâm hồn hai bên đang tranh chấp.

3) Nghệ thuật xin lỗi :

– Thành tâm hối lỗi : Xin lỗi là chứng tỏ cho người bị tổn thương biết bạn không cố tình làm như thế. Đồng thời bạn hối lỗi vì đã làm phiền đến họ. Chẳng hạn : “Mình rất hối hận khi lỡ miệng nói ra điều bí mật của bạn. Mình cảm thấy rất xấu hổ”.

– Sửa chữa lỗi lầm : Cách xin lỗi đúng đắn nhất là sửa chữa sai lầm do mình gây ra. Nếu bạn làm hư hỏng đồ vật của ai đó, hãy đề nghị được sửa chữa hoặc thay mới nó. Trong trường hợp thiệt hại vật chất không rõ, thì hãy hỏi xem liệu bạn có thể làm gì để bù đắp thiệt hại ? Bạn cũng có thể “bồi thường” bằng cách gửi tặng “nạn nhân” một món quà xứng hợp.

– Chọn đúng thời điểm : Với những lỗi nhỏ như va chạm vào ai đó, bạn hãy lập tức xin lỗi chứ đừng trì hoãn. Nếu lỗi lầm nghiêm trọng hơn, như nói lời xúc phạm, thì cần thêm thời gian suy nghĩ trước khi xin lỗi. Tránh vội nói lời xin lỗi vì có thể bị người kia hiểu lầm là bạn xin lỗi giả tạo và thiếu chân thành.

– Cung cách xin lỗi : Khi xin lỗi hãy nói về lỗi lầm cách rõ ràng, ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Nếu có “tình tiết giảm nhẹ” thì cũng nên đề cập đến lúc này. Sau khi xin lỗi, hãy giữ yên lặng và lắng nghe người kia nói suy nghĩ của họ và để lời xin lỗi của bạn có điều kiện phát sinh hiệu quả.

  1. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin giúp chúng con học nơi Chúa sự khiêm hạ để không cố chấp trong các sai lỗi, nhưng sớm nhận ra lỗi lầm và quyết tâm tu sửa. Xin cho chúng con mau mắn ngỏ lời xin lỗi để làm hoà với người bị xúc phạm, hầu ngày một nên hoàn thiện về nhân cách hơn, xứng đáng làm con Thiên Chúa và nên anh chị em của mọi người.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 78

HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH –ỨNG XỬ TỰ TRỌNG ĐỂ ĐƯỢC TÔN TRỌNG  

  1. LỜI CHÚA : Tô-bi-a cha khuyên con trai : “Điều con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,15a). 
  2. CÂU CHUYỆN : CÂU CHUYỆN HÔI BIA TẠI BIÊN HOÀ.

Cách đây ít lâu, trên các mặt báo lớn, đâu đâu cũng thấy đăng tin về vụ hôi của. Thật là xấu hổ và nhục nhã cho những người hôi của và cho cả thành phố Biên Hòa.

  1. SUY NIỆM :

Khi đọc câu chuyện hôi bia ở Biên Hòa nói trên, hầu như mỗi người chúng ta đều cảm thấy buồn. Chắc chắn một điều là khi hình ảnh hôi bia nói trên được đăng lên báo chí : mấy chục con người, chạy vồ lấy các lon bia vương vãi và nhặt nhạnh sạch sẽ… cho thấy biểu hiệu của lòng tham lam. Hình ảnh này sẽ mãi đi theo những người này, khiến họ cảm thấy xấu hổ vì đã chiếm đoạt đồ vật không phải của mình. 

– “Tôi thấy nhục nhã vì đã hôi bia trước mặt con gái mình” : Lời một người cha đã tham gia vào việc hôi bia phát biểu với phóng viên : “Khi về nhà và đối mặt với cô con gái đã nhìn thấy mình đi hôi bia, tôi cảm thấy xấu hổ với con. Khi bật tivi lên và mở báo hằng ngày ra và thấy hình ảnh của mình đang hí hửng ôm cả chục lon bia, tôi xấu hổ không dám ra đường gặp bạn bè hay hàng xóm láng giềng chung quanh”. Đó cũng là một bài học “nhớ đời” cho tất cả những người đã lỡ nhặt bia ở hiện trường hôm ấy. Cũng là một bài học cho những kẻ đã tỏ thái độ lãnh đạm trước sự mất mát tài sản cuả người tài xế xe tải hôm ấy.

– “Cảm thông với người tài xế lái xe gặp nạn : Câu chuyện về anh tài xế lái xe nhà nghèo, đứng trước nguy cơ phải đền 400 triệu cho công ty, thậm chí còn phải đi tù vì một lỗi chẳng phải do mình. Hình ảnh người tài xế đen thui, gầy gò đang đứng khóc lóc van xin mọi người đừng hôi của. Quang cảnh lúc đó khiến mọi người chứng kiến đếu cảm thông và thương hại cho hoàn cảnh khó khăn anh đang gặp phải.

– Cảm giác xấu hổ : Liệu những người “hôi” bia kia có thấy xấu hổ khi con cái đọc được bài phóng sự trên báo chí hay xem video clip phóng sự truyền hình trên tivi về việc làm không tốt của mình hay không ?

– Chịu sự trừng phạt : Làm sai thì phải bị trừng phạt, và không sự trừng phạt nào nặng nề bằng sự “cắn rứt lương tâm”. Nhưng chính nhờ lương tâm cáo trách mà những kẻ sai lỗi mới có điều kiện hồi tâm và quyết tâm sửa sai để nên tốt hơn.

  1. THẢO LUẬN : Bạn có cảm nghĩ gì khi chứng kiến cảnh tượng hôi bia nói trên ? Gặp hoàn cảnh tương tự, bạn sẽ làm gì để tỏ thái độ tự trọng và cảm thông với nạn nhân ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho mỗi người chúng con biết cảm thông với nỗi đau của người tài xế bị mất của trong câu chuyện trên. Xin cho chúng con biết tự trọng để quyết không tham lam chiếm đoạt của cải không phải của mình. Xin cho chúng con biết thực thi bác ái cụ thể theo lời Khổng Tử : “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” – Điều mình không muốn thì đừng làm cho người, và lời Tô-bi-a cha khuyên con trai : “Điều con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,15a).- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

BÀI 79

HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH –TỰ TRỌNG NHƯNG ĐỪNG TỰ ÁI

  1. LỜI CHÚA : Chúa phán : Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
  2. CÂU CHUYỆN : TRÁNH TỰ ÁI CAO KHI ĐƯỢC NHẮC BẢO.

Một bác nông dân nghèo khó, quanh năm phải làm ruộng vất vả mà vẫn chẳng đủ ăn. Một hôm bác tâm sự với mấy người bạn như sau :

“Gia đình tôi có một thằng con trai. Hai vợ chồng cố gắng tiết kiệm để lấy tiền cho con ăn học lên đến hết cấp 3. Sau đó do không thi đậu được vào đại học, nên nó phải ở nhà phụ giúp gia đình lo việc đồng áng. Trong số họ hàng nhà tôi có anh con ông bác ruột đang làm giám đốc một doanh nghiệp nhỏ ở miền Nam, nghe biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, anh ta đã bằng lòng cho đứa em là con trai tôi vào miền Nam học việc. Thằng con tôi tính tình ham chơi nên thường bê trễ công việc, khiến ông anh giám đốc phải nhiều lần nhắc bảo. Một hôm do vi phạm kỷ luật nên nó bị anh la rầy : “Chú muốn làm việc với anh thì phải làm đàng hòang. Còn nếu không thì chú ra ngoài kiếm việc khác mà làm”. Câu nói của ông anh khiến con tôi chạm tự ái, nên ngay chiều hôm ấy, nó đã dọn đồ ra khỏi chỗ làm và đến nay đang làm phu khuân vác tại một công ty khác khổ cực”.

Khi nghe xong câu chuyện của nhà bác, mọi người trong phòng đều thở dài. Hầu như ai cũng cho rằng anh con trai của bác quyết định bỏ đi như vậy là đúng. Một người phát biểu : “Nếu là tôi, có lẽ tôi cũng không thèm ở lại chỗ của người anh giám đốc  làm gì !”. Người khác lại chêm vào : “Hắn ta đã nói như thế thì dù có các vàng tôi cũng không thèm ở lại !”….

  1. SUY NIỆM :

1) Phân biệt sự giống và khác nhau giữa tự trọng và tự ái cao : 

TỰ TRỌNG VỚI TỰ ÁI có vẻ giống nhau vì đối tượng nhắm tới đều là bản thân mỗi người chúng ta. Hầu như ai cũng đều muốn được người khác quý mến và tôn trọng. Nhưng tự trọng và tự ái lại hòan tòan khác nhau : 

TỰ TRỌNG là một phẩm chất tốt đẹp của một người : Luôn tôn trọng phẩm giá và nhân cách của mình. Bất cứ ai cũng cần có lòng tự trọng. Nếu để mất đi lòng tự trọng, là sẽ bị vong thân, mất luôn phẩm giá của bản thân mình.

TỰ ÁI CAOthói xấu cần loại trừ, do quá yêu bản thân và đề cao “cái tôi” của mình, nên dễ tức giận khi bị ai đó coi thường, và thường hay phản ứng lại. Người tự ái cao do kiêu ngạo nên không muốn nghe lời góp ý của người khác và luôn cảm thấy mình bị không được tôn trọng. Người tự ái cao do tính nóng nảy nên dễ gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến tranh cãi đánh lộn nhau, nếu không biết làm chủ tính nóng của mình.

Chẳng hạn : Anh con trai của bác nông dân trong câu chuyện trên do tự ái cao đã  cảm thấy chạm tự ái khi bị ông anh giám đốc quở trách, nên thay vì nhận lỗi tu sửa khuyết điểm, lại tỏ thái độ tức giận và bỏ đi làm chỗ khác. Hậu quả là bản thân phải làm phu khuân vác vất vả không tương lai, và còn đánh mất tình cảm anh em.

2) Tự trọng và tự ái tuy khác nhau nhưng lại liên quan với nhau : 

– Để giữ được lòng tự trọng thì trước tiên người ta phải biết kiềm chế tính tự ái cao, đồng thời phải khiêm tốn tiếp thu các lời khuyên bảo của người trên để ngày một hoàn thiện về nhân cách hơn.

Một người biết yêu mình và cố bảo vệ danh dự là người có lòng “tự trọng” đáng quí. Sự tự trọng sẽ giúp người ta tránh làm điều xấu để khỏi bị khinh thường và luôn làm điều tốt để được người khác tôn trọng.

  1. THẢO LUẬN : Qua câu chuyện trên, bạn sẽ làm gì để tập tính tự trọngtránh thói tự ái cao trong sinh hoạt hằng ngày và trong giao tiếp xã hội ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết luôn ứng xử với tinh thần tự trọng để gây thiện cảm với tha nhân. Cho chúng con tránh thói tự ái cao, để khỏi gây hậu quả tai hại. Xin cho chúng con biết luôn ứng xử khiêm tốn, nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân, và  quyết tâm thực hành theo châm ngôn : “Hãy tự trọng nhưng tránh tự ái”, để ngày một hoàn thiện về nhân cách, trở nên con thảo của Chúa Cha và nên chứng nhân tình yêu của Chúa trước mặt người đời.- AMEN.

 LM ĐAN VINH – HHTM

 

  BÀI ĐỌC THÊM

LÒNG TỰ TRỌNG CỦA LOÀI CHÓ

 

Loài chó còn biết tự trọng hơn con người – câu nói này rất đúng với những người có thói tham nhũng, vừa vơ vét tiền bạc của dân, lại vừa muốn lên mặt lãnh đạo dân. Khi một huấn luyện viên dạy chó nghiệp vụ trong quân đội được hỏi về sự thông minh của loài chó được huấn luyện đã trả lời rằng :

– Trừ chuyện không biết nói ra, loài chó không khác gì con người.

– Phải chăng câu này của anh có phần cảm tính ?

– Không đâu ! Anh nói.

Rồi anh kể một chuyện sau đây :

Trong doanh trại của tôi có một con chó cực kỳ thông minh tên là ĐEN. Để trắc nghiệm năng lực phản ứng của nó, một hôm đội huấn luyện viên dạy chó nghĩ ra một biện pháp đặc biệt. Họ chọn hơn chục người xếp thành một hàng, sau đó cử một người trong số đó bí mật vào trong doanh trại « lấy cắp » một cái áo, đem giấu đi, rồi lại trở về đứng trong hàng. Khi mọi việc đã xong xuôi, huấn luyện viên dạy chó dắt con Đen đến, bảo nó đi tìm cái áo bị mất. Con Đen chạy đi, chỉ một loáng sau đã thấy nó ngoạm cái áo bị mất mang đến. Huấn luyện viên dạy chó liền vui vẻ vỗ vỗ lên đầu nó tỏ ý khen ngợi. Rồi anh chỉ tay vào hàng người đang đứng xếp hàng kia, bảo con Đen đi tìm kẻ đã lấy cắp chiếc áo. Nó chạy đến dí mũi hít hít ngửi ngửi hết người này đến người khác, chẳng mấy chốc đã cắn quần một anh lôi ra ngoài hàng. Anh chàng này đúng là « kẻ cắp ».

Như vậy là con Đen đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thế nhưng huấn luyện viên lại một mực lắc đầu bảo nó : « Không, không phải người ấy ! Tìm lại đi ! ».

Con Đen hết sức ngạc nhiên, mắt nó ánh lên nỗi nghi hoặc, thắc mắc, vì nó tin chắc rằng mình không hề nhầm người. Nhưng mặt khác, nó cũng tuyệt đối tin tưởng vào huấn luyện viên của mình.

– “Sao lại như vậy nhỉ?” – nó nghĩ.

– “Không phải người ấy ! Hãy tìm lại đi !”. Huấn luyện viên tiếp tục bảo.

Con Đen tin lời huấn luyện viên, nên quay lại hàng người để tìm …

Nhưng sau nhiều lần thận trọng ngửi đi ngửi lại, cuối cùng nó vẫn cứ cắn quần anh kia lôi ra.« Không ! Không ! ». Huấn luyện viên lắc đầu : “Tìm lại đi!”.

Con Đen mỗi lúc một thêm nghi hoặc, đành chạy lại chỗ hàng người kia. Lần này nó đánh hơi ngửi rất lâu, để xác định ai là kẻ cắp. Sau cùng, nó đứng lại bên cạnh anh « kẻ cắp » kia rồi quay đầu nhìn huấn luyện viên, tỏ ý :

– “Làm sao lầm được nhỉ ? Tôi biết chắc người này đã lấy chiếc áo mà …”.

– “Không ! Tuyệt đối không phải người ấy !”. Huấn luyện viên lại quát to, nét mặt trở nên nghiêm nghị.

Lòng tự tin của con Đen bị vỡ tan ! Dĩ nhiên nó tin vào huấn luyện viên hơn tin vào bản thân nó. Nó không hề nghĩ rằng, huấn luyện viên có thể mang niềm tin tuyệt đối của nó vào ông ra làm trò đùa. Rốt cuộc nó bỏ kẻ cắp kia đi tìm người khác. Nhưng ai đây ? Bản năng của một con chó và khả năng đã được con người huấn luyện cho nó biết, chỉ có người đó là tên lấy cắp. Nhưng huấn luyện viên vẫn nhất định bảo không phải. Thế thì là ai đây ? …  Con chó Đen lưỡng lự … 

“Nó ở trong hàng người ấy đấy ! Mau tìm ra ngay !” Huấn luyện viên quát.

Con Đen vô cùng thất vọng chán nản. Nó dừng lại bên chân mỗi người một lúc, nhìn nhìn ngó ngó xem người đó có giống tên kẻ cắp hay không, rồi quay đầu nhìn ánh mắt của huấn luyện viên, hy vọng có thể tìm thấy chút tín hiệu hoặc biểu thị gợi ý gì đấy… của chủ. Cuối cùng, khi nó nắm bắt được một chút xíu biến đổi trong ánh mắt của huấn luyện viên, nó cắn quần người đứng bên cạnh và kéo ra. Tất nhiên, lần này thì nó đã nhầm, hay đúng hơn, nó bị bắt buộc phải nhầm.

Nhưng huấn luyện viên của nó cùng mấy người kia thì lại cười lên ha hả. Tiếng cười khiến con Đen trở nên lú lẫn. Sau cùng huấn luyện viên gọi “kẻ cắp” bước ra, rồi bảo con Đen :

Lần đầu mày đã tìm đúng rồi, nhưng mày sai ở chỗ không kiên trì bảo vệ niềm tin của mày.

Một điều khiến huấn luyện viên và mọi người có mặt lúc ấy không thể hiểu được và kinh ngạc pha lẫn ân hận, là : Khi con Đen hiểu ra chuyện vừa rồi là lừa dối, nó « ngoào » lên một tiếng vô cùng đau khổ, mắt ứa ra những giọt nước mắt nóng hổi. Sau đấy nó ủ rũ gục đầu nặng nề, thui thủi từng bước bỏ đi.

“Đen ! Đen ! Mày đi đâu thế hả ?”. Huấn luyện viên sợ hãi đuổi theo và hỏi tới tấp. Con Đen chẳng hề đoái hoài tới người đã rèn dạy nó nữa mà cứ cắm cúi bước ra khỏi doanh trại.

“Đen ! Đen ! Tao xin lỗi mày !”. Huấn luyện viên oà khóc. Nhưng con Đen chẳng hề xúc động, nó không thèm ngoái lại nhìn chủ mình.

Đen ! Đừng giận ! Tao chỉ đùa mày một tí thôi mà !”. Huấn luyện viên chạy đến ôm chặt lấy con chó, nước mắt nóng hổi từ mặt anh lã chã rơi xuống con Đen.

Con chó giãy giụa tuột ra khỏi vòng tay của huấn luyện viên, rồi nó thủng thẳng, lừ đừ từng bước đi lên quả đồi bên ngoài doanh trại, tìm một chỗ khuất gió, xoài bốn chân nằm xuống đất … Mấy ngày sau, con Đen không ăn không uống, ủ rũ chán chường. Mặc cho huấn luyện viên dỗ dành thế nào đi nữa, nó cũng nhất định không chịu tha lỗi cho anh.

Lúc bấy giờ mọi người mới hiểu ra : Dù chỉ là con chó thôi, nó cũng có lòng tự trọng. Hoặc nói đúng hơn : Nó còn có lòng tự trọng hơn một số con người ! …

Chuyện về sau ư ? Sau này con Đen không còn tin tưởng vào huấn luyện viên của nó nữa, thậm chí không tin bất cứ người nào. Đồng thời tính tình của nó cũng thay đổi hẳn, mắt không còn sáng quắc như trước, bốn chân không còn phi như bay nữa, mất hẳn dáng vẻ oai vệ dữ dằn của một con chó nghiệp vụ Cuối cùng, huấn luyện viên chẳng còn cách nào nữa, đành đau xót cho nó được giải nghệ…

 

BÀI 80

HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH – HÃY BIẾT SĨ DIỆN NHƯNG ĐỪNG SĨ DIỆN HÃO 

  1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
  2. CÂU CHUYỆN : ĐÁNH LỘN DO THÓI “SĨ DIỆN HÃO”.

Một hôm mấy anh bạn nhậu rủ nhau đến quán gần nhà để cùng lai rai. Khi rượu bắt đầu phát huy tác dụng, thì một anh trong bọn rót rượu mời các bạn khác cùng nâng ly. Chẳng may hôm ấy có một anh “cơ thể bất an” từ chối không cụng ly chung khiến anh mời bị chạm tự ái vì cho mình bị coi thường. Anh ta hất ly rượu đang cầm trên tay vào mặt anh kia và hai người lao vào ẩu đả. Trong nhóm bạn bè đồng bàn có kẻ ác cảm với anh kia lại đốc thêm : “Đánh bỏ mẹ nó đi cho tao !” khiến kẻ vừa bị “chạm nọc” càng quyết ăn thua đủ. Cũng may anh cả có uy tín đã kịp thời xuất hiện và đứng ra hoà giải nên sự việc mới dừng lại không gây hậu quả nghiêm trọng.

  1. SUY NIỆM :

– Sở dĩ chuyện không đáng gì mà lại phát sinh ra to một phần do men rượu tác động. Phần khác do không có người uy tín kịp thời can ngăn. Hơn nữa lại có kẻ “đổ dầu vào lửa”  khi xúi anh chàng say xỉn hãy trừng trị kẻ dám từ chối ly rượu mời của mình. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do thái độ “sĩ diện hão” của anh chàng mời rượu. Khi thấy người được mời từ chối uống rượu do cơ thể bất an, nhưng anh lại cho rằng mình bị anh ta coi thường. Như vậy một phần do tự ái cao, phần khác do có cái tôi quá lớn, đã dẫn đến thái độ gây hấn để trừng phạt kẻ dám coi thường mình.

 – Ý thức tự trọng của một người có nhân cách được gọi là “sĩ diện” : Người có sĩ diện sẽ ra sức bảo vệ danh dự của mình trước mặt người khác. Họ sẽ tránh làm điều sai trái để khỏi bị đánh giá thấp và khỏi bị mất mặt. Tuy nhiên, nếu tính tự trọng kèm theo tự ái cao thì họ sẽ cho rằng mình bị coi thường khi có người dám không làm theo ý mình. Điều này chứng tỏ anh ta là người không biết tự trọng, khi ra sức bảo vệ thứ danh dự không có thực. Sĩ diện mà anh bảo vệ kia không có thực, gọi là “sĩ diện hão”.

– Phàm là người thì ít nhiều ai cũng có tính tự ái và tự trọng, được gọi là tính “sĩ diện”. Tuy nhiên cần tránh tự trọng quá đáng, tự ái quá cao do quá tự tôn. Dường như người càng làm lớn, càng có địa vị cao thì càng dễ tự tôn. “Cái tôi” nở to khiến họ dễ chạm tự ái, khi ai đó dám xúc phạm đến mình. Với quyền lực trong tay, kẻ tự ái cao sẽ dễ lạm quyền khi trừng phạt cách vô lý và bất công kẻ anh cho là đã dám xúc phạm đến mình.

  1. SINH HOẠT :

Phân biệt giữa người có tính sĩ diện do biết tự trọng và người có thói “sĩ diện hão” do tự ái cao khác nhau thế nào ? Bạn cần làm gì để trở nên một con người tự trọngtránh trở thành kẻ sĩ diện hão ?

  1. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết tự trọng để tránh làm điều xấu ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của bản thân. Xin cho chúng con tránh thói sĩ diện hão. Cho chúng con biết “tự trọng nhưng đừng quá tự ái”, để ngày một nên người hoàn thiện về nhân cách hơn.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM