WCT: Nhân dịp Tết đến, xin giới thiệu một bài viết của cha giáo Giuse Cao Phương Kỷ trích trong cuốn “Thiên Chúa giáo và Tam giáo” để tưởng nhớ đến ngài.
Ý Nghĩa Linh Thiêng Ngày Tết Nguyên Đán
Đường Thi Trương Kỷ
Nguồn: Xuân Bích Việt Nam
(Bài giảng thuyết này đã đọc nhân dịp Tết Nguyên Đán, năm 1992, do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam San Jose, California, tổ chức tại rạp hát Center for Performing Arts. Đức Giám Mục Giáo Phận chủ tọa, Thánh Lễ do Cha Quản Nhiệm chủ tế với các Linh Mục đồng tế. Số giáo dân và quan khách tham dự hơn năm ngàn. Sau Thánh Lễ, Cha Quản Nhiệm đại diện Cộng Đồng chúc Tết Đức Cha. Tiếp theo là phần trình diễn văn nghệ. ĐOÀN VĂN NGHỆ DÂN TỘC do các Sư Huynh Dòng LaSan luyện tập, đã trình diễn những vũ điệu dân tộc.)
Đối với dân tộc Việt nam, Tết Nguyên Đán là một Đại Lễ, vì bao gồm tất cả các ý nghĩa và tâm tình của các lễ Giáng Sinh, lễ Tân Niên theo Dương lịch, lễ Tạ Ơn, lễ Chiến sĩ Trận Vong, ngày Giỗ, và tiệc mừng Sinh Nhật của mỗi người.
Mỗi khi Tết đến trên giang sơn Việt Nam, từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu, hoa đào đỏ, hoa mai vàng, hoa mận trắng, thêu dệt nên một bức thảm thiên nhiên sặc sỡ muôn mầu sắc rực rỡ, khiến lòng người tưng bừng phấn khởi mở hội hè đình đám để thuởng Xuân.
Thật vậy, Tết đã mang một ý nghĩa thiêng liêng rất cao siêu, vì là ngày giao cảm giữa Trời-Đất, Thần Thánh và con người, ngày không phân biệt biên giới giữa kẻ sống và người chết. Do đó, mọi người dân Việt đều kính cẩn tham dự các nghi lễ như Trừ tịch, lễ Giao thừa, lễ tế Nam giao, v, v.
Từ khi Ánh Sáng của Chúa Cứu Thế chiếu tỏa trên quê hương Việt nam, đúng như lời Ngài dạy:” Ta đến đến để hoàn thiện chứ không phải để phá đổ“(Mat.5,17), Hội Thánh đã tìm cách “thánh hóa” những tập quán tốt, bằng cách thanh lọc các yếu tố dị đoan mê tín, rồi mặc cho chúng một ý nghĩa linh thiêng cao siêu. Ngày nay, Hội Thánh vẫn chủ trương đường lối thích nghi, và tôn trọng giá trị văn hóa, bản sắc các dân tộc :” Hội Thánh Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Với lòng kính trọng chân thành, HộiThánh xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Hội Thánh duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người..”(Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài-Kitô giáo).
Theo nguyên tắc trên, ta thử suy nghĩ về ý nghĩa linh thiêng, cao siêu của ngày Tết Nguyên Đán, qua các đoạn sau đây: Thiên Chúa là Mùa Xuân bất diệt; Trời mới Đất mới; Chim có tổ, Người có tông.
A. Chúa Là Mùa Xuân Bất Diệt
Mỗi độ Xuân về, người dân Việt không quên cảm tạ Vị Chúa Tể Càn Khôn, vì Ngài là căn nguyên của vũ trụ và là nguồn sống của muôn loài. Ngài là một Mùa Xuân trường cửu, bất diệt. Ngài là “Đấng hằng hữu, hiện hữu, và sẽ đến (Khải Huyền 1,4). Con người và vũ trụ đều phải lệ thuộc hoàn toàn vào Ngài để được ban ơn Phước-Lộc-Thọ.
- Tết Là Ngày Lễ Tạ Ơn
Từ xa xưa, truyền thống dân tộc Lạc Hồng là luôn luôn nhớ ơn Đấng đã sinh thành, chở che, và nuôi dưỡng mình, qua câu ngạn ngữ “Trời sinh, Trời dưỡng”, “Trời che đất chở” hay: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ” (câu này có thể đã được truyền tụng từ thời Hai Bà Trưng, cưỡi voi đánh quân Tô Định, thời kỳ voi còn là một con vật rất gần gũi, và đông đảo trên giải đất Việt). Theo dã sử, từ đời vua Hùng Vương thứ ba, đã có tập tục dùng gạo nếp nấu thứ bánh, biểu tượng cho ngày Tết, là Bánh Dày và Bánh Chưng. Bánh Dày, hình tròn dày dặn, chỉ vòm trời. Cũng có nơi làm Bánh Tét (do chữ Tết?), hoặc Bánh Tày, Bánh Ống (miền Hà nam, Phủ Lý, có hình tròn và dài như giò lụa). Bánh Chưng, hình vuông, chỉ bốn phương trái đất:” Vuông như bánh chưng tám góc”( Việt Nam Tự Điển). Vuông-Tròn chỉ sự hoàn hảo, trọn vẹn như câu thành ngữ:” Mẹ tròn, con vuông”. Do đó, ý nghĩa cao siêu của bánh Dày, (bánh Tét), bánh Chưng, dùng trong việc cúng tế hay biếu tặng trong ngày Tết, là chỉ sự Hòa Hợp giữa Trời và Đất, giữa Con người và Vị Chúa Tể, như câu:” Thiên Nhân tương dữ”( Trời và Người có liên hệ tương quan với nhau). Trong ngày lễ Tạ Ơn, dân Hoa kỳ có thói quen dâng hoa, hoặc bắp ngô, trái bí đỏ, làm lễ vật để tỏ lòng tri ân đối với Thượng Đế đã ưu đãi họ. Từ xa xưa, người dân Việt đã biết dùng gạo nếp để nấu bánh Chưng, bánh Dày, làm lễ vật đặt trên Bàn Thờ để Tạ Ơn Trời đã cho mưa thuận gió hòa:
“Lạy Trời mưa xuống,
lấy nước tôi uống,
lấy ruộng tôi cầy,
lấy chén cơm đầy,
lấy khúc cá to“
và “ Uống nước nhớ nguồn”, để tỏ lòng nhớ ơn ông bà cha mẹ đã đổ mồ hôi trên thửa ruộng, nương khoai, làm lụng vất vả để nuôi sống con cháu, như câu ca dao:
“chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”
Trong Thánh Lễ cũng có lời nguyện lúc dâng bánh ruợu, như sau “Chúng con tạ ơn Chúa đã cho chúng con bánh này là hoa quả từ ruộng đất và lao công của con người…”. (Xin phân biệt: “lao công” khác nghĩa với “công lao”. “Lao công” (labor) là vất vả khó nhọc làm việc mới có miếng ăn; còn “công lao” (merit) là phần thưởng, công nghiệp).
Bởi vậy, muốn được Trường Sinh Bất Tử, muốn được Phước-Lộc-Thọ, con người phải phụng sự Chúa, Nhân đạo phải phù hợp với Thiên đạo. Giữa Thiên Chúa và nhân loại phải có sự Giao Hòa mật thiết, như lời nguyện của Kinh Lạy Cha “Ý Cha thể hiện dưới Đất cũng như trên Trời”.
- Thánh Lễ Giao Thừa
Cũng vì thấu suốt ý nghĩa về nguồn gốc của vũ trụ, nhân sinh: chính lúc nửa đêm 30 tháng chạp, năm cũ hết, bước sang năm mới, mỗi người được thêm một tuổi, nên lễ Giao Thừa là giây phút rất cảm động và linh thiêng. Theo cổ tục, sau khi làm lễ Trừ Tịch để xua đuổi tà ma ác quỷ ra khỏi nhà thì khởi sự làm lễ Giao Thừa. Người ta tin rằng vào lúc năm cũ, năm mới giao nhau, vị Thần năm cũ ra đi để tiếp đón một vị Thần năm mới đến. Đối với tín đồ Công giáo, vị Thần đó chẳng phải vị nào khác, ngoài Thiên Chúa là Chúa Tể càn khôn. Vì Chúa đã phán:” Ta là Nguyên Thủy (Alpha), và Cứu Cánh(Omega) của mọi loài”. Để thánh hóa tập tục này, các Cộng Đồng Công Giáo thường cử hành Thánh Lễ Giao Thừa rất trọng thể, để mọi người con Chúa, con Hội Thánh, cùng tham dự vào một Tiệc Thánh, cùng được ăn và uống Mình và Máu Thánh Chúa. Mọi người cùng hòa hợp với nhau, với thiên nhiên, với dân tộc để dâng lời cảm tạ Chúa là Chúa Tể của Mùa Xuân Bất Diệt và Trường Cửu.
Ngoài Thánh Lễ Giao thừa cử hành đúng nửa đêm, các tín đồ còn tổ chức Thánh lễ Tất Niên, cũng gọi là Ngày Tạ Ơn, vào chiều ngày 30, để cảm đội ơn Chúa đã ban cho nhiều hồng ân trong năm qua. Theo tập tục vẫn có từ đời cha Đắc Lộ, để thánh hóa ba ngày Tết Nguyên Đán, Hội Thánh đã chỉ định Ngày mồng một Tết Nguyên Đán, là Ngày cầu Hòa Bình cho gia đình, dân nước và thế giới. Ngày mồng hai Tết, cầu nguyện cho Tiên Nhân, cho ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã qua đời, theo tinh thần của Đạo Hiếu. Ngày mồng ba Tết, Ngày Cầu Mùa, để xin Chúa chúc lành cho công việc làm ăn được phát đạt. Hoặc dâng ba ngày Tết để tôn thờ “Mầu Nhiệm “Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi”.
B. Trời Mới, Đất Mới
Ngoài ý nghĩa thần thiêng kể trên, Tết Nguyên Đán còn mang nặng một ý nghĩa nhân về sinh cao siêu nữa. Thật vậy, thân phận con người là lệ thuộc vào thời gian, chi phối bởi luật Tuần Hoàn của trời đất. Do đó, nhân ngày Tết, ngày đầu Xuân, ngày ca tụng sự Sống, con nguời tự nhiên xúc cảm, nên tìm về cội nguồn gốc rễ của mình. Đã làm người ai cũng đều có giấy “khai sinh “, và giấy” khai tử” rõ ràng. Nhìn lại năm cũ, ta thấy thời gian bay biến vùn vụt, như tên bay, ngựa phi, hỏa tiễn! Thời gian trôi đi như dòng nước chảy liên tiếp ra biển khơi không bao giờ trở lai, như câu thơ bất hủ: “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi?( Bạn không thấy nước sông Hoàng từ trên cao chảy xuống, nó chảy ra biển, mà không bao giờ trở lại?). Nhân sinh, vạn vật, khí hậu, nóng lạnh, luôn biến đổi, vận chuyển theo luật Tuần Hoàn của trời đất: bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông:”Tre già, măng mọc”,” Không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời”..
Tết chỉ là khởi điểm của một chu kỳ mới trong thời gian. Vì Nhân Tâm, Nhân Đạo phải thuận theo Thiên Lý, Thiên Đạo, cho nên, sau một mùa đông ảm đạm tiêu điều, khi vạn vật cỏ cây bắt đầu lột xác để sống lại xanh tươi, mới mẻ, thì con người cũng phải “tống cựu nghinh tân”, nghĩa là trút bỏ những cái cũ, để sửa soạn đón nhận những cái mới. Do đó, để đón Xuân mới, người ta dọn dẹp nhà cửa cho mới mẻ, trang hoàng bàn thờ, trưng bày bông hoa, đặc biệt hoa Đào, hay Mai vàng, hoặc chậu Thuỷ tiên, Phong lan..Thỉnh các “Thầy đồ”, văn hay, chữ tốt, viết dùm câu đối trang trí trên cột, trên tường để đọc và ngắm nghía! Thường các câu đối là những vần thơ tán tụng các đức hạnh cao quý, sự nghiệp hiển hách, hoặc ca ngợi cảnh sắc tuyệt vời của quê hương. Mua sắm các tranh Tết phác họa một cách dí dỏm, ngộ nghĩnh nếp sống mộc mạc nơi thôn dã với bầy gia súc: trâu, lợn, gà, mèo, chuột ..Đừng quên tắm rửa sạch sẽ, bận quần áo mới, đầu tóc chải chuốt! Bao nhiêu nợ nần năm cũ phải thanh toán cho hết( Ngày nay thời buổi văn minh, chỉ dám hứa với “Ông Bà chủ nhà Băng”, sẽ xin trả góp mỗi tháng!). Để chuẩn bị tâm hồn với nét mặt vui vẻ, tươi cười, mọi người phải tha thứ, xóa bỏ xích mích, và làm hòa với nhau trong năm mới:” Ăn cơm mới, chớ nói chuyện cũ“! Điều tối ky là nóng giận, chửa rủa, la hét, hay nói những lời cay đắng độc ác! Trong ba ngày Tết, chỉ nên nói toàn lời êm dịu dễ nghe, làm cho người ta mát ruột, mát gan để cầu may! Do đó, nên tìm những lời chúc Tết hay ho, đẹp đẽ nhất và chúc cho thích hợp vói địa vị, tuổi tác, chức nghiệp, và hoàn cảnh của người mình chúc. Ví dụ, đối với Ông Bà, hay những vị cao niên, thì chúc câu “thọ tỉ cao sơn”‘ đối với nhà buôn: “ phát tài sai lộc“; đối với công chức: “thăng quan tiến chức“’ dối với thư sinh: “công thành danh toại”, v, v. Ngày xưa, cách thức chúc Tết hay dùng nhất là chúc: Tam đa( đa thọ, đa nam(con trai!), đa phú quí), hoặc chúc: Ngũ Phúc ( Phú, Quí, Thọ, Khang, Ninh).
Tóm tắt, năm mới, tâm hồn và thể xác con người cũng đổi mới để hòa hợp cùng Thiên Nhiên, như người nghệ sĩ rung cảm trước vẻ nhiệm mầu của Chân-Thiện-Mỹ.
Tết đến giúp ta nhớ lại lời tiên tri của Thánh Gioan trong Sách Khải Huyền,Rev.21,1-3 :” Tôi thấy TRỜI MỚI, ĐẤT MỚI, trời, đất, biển xưa đã biến đi! Tôi thấy Thành Thánh Giêrusalem mới từ Thiên Chúa xuống, trang điểm lộng lẫy như tân giai nhân đi đón đức lang quân”.
C. Chim Có Tổ, Người Có Tông
Bất cứ người dân Việt nào, dầu tha phương cầu thực ở đâu, hoặc làm ăn buôn bán xa nhà, dầu thành công hay thất bại, đến ngày Tết, mọi người đều tìm về quê cha đất tổ để đoàn tụ với gia đình, làng nước!
Trước hết, Tết là ngày tưởng niệm đến ông bà tổ tiên đã khuất bóng, nhưng hồn thiêng như vẫn còn lẩn khuất đâu đây, vì “chết không phải là hết”, nhưng “sự tử như sự sinh” ( chết cũng như hãy còn sống) để phù hộ cho con cháu trong năm mới được mạnh khoẻ và làm ăn tấn tới. Không có biên giới giữa người sống và kẻ chết! Nhờ lòng tín ngưỡng vào Hồn thiêng bất tử của Tổ Tiên mà gia đình Việt Nam được nối kết bền chặt qua nhiều thế hệ. Ngày Tết, đoàn con cháu đến chúc tuổi ông bà, cha mẹ, cô bác, bên nội cũng như bên ngoại. “Mồng một chúc Tết mẹ cha(bên nội), Mồng hai Tết vợ (bên ngoại), Mồng ba Tết thày”. Con cháu chúc tuổi ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị; con rể chúc Tết gia đình bên vợ (thường vào mồng hai), và học trò chúc Tết thày ( thường vào mồng ba). Do đó, ngày Tết cũng là ngày mừng Sinh Nhật của mọi người. Việc chúc Tết, chúc tuổi là một cách biểu lộ tình nghĩa, tình hữu nghị đối với các vị ân nhân, cũng như đối với bạn bè, tương tự như việc tặng quà dịp lễ Giáng Sinh. Trong việc chúc tuổi tặng quà thì bậc đàn em con cháu được chú ý hơn cả. Vì mong cho”Tre già, măng mọc”, nên các bậc phụ huynh thường cầu chúc cho con cháu được mau lớn, học giỏi, đậu đạt thành tài. Tiền”lì xì”( do chữ “lợi sự”, đọc theo giọng Quảng đông?) đặt trong bao đỏ, với đôi lời cầu chúc, nhắn nhủ lớp hậu sinh hăng say xây dựng sự nghiệp, làm vẻ vang cho gia đình, và dòng họ. Trong thực tế, đối với con cháu còn nhờ vả cha mẹ để ăn học, tiền “lì xì” mang lại nhiều lợi ích như để dành trong băng, trả tiền học phí, may sắm quần áo, đồ dùng, v, v, .Bởi vậy, ước mong quí vị bậc đàn anh đàn chị mở rộng “hầu bao”, túi tiền “lì xì”, để bọn em út được nhờ, “gọi là ngày Tết, ngày Nhất!”
Ngày Tết cũng là dịp để người dân Việt bộc lộ tình tự dân tộc. Suốt năm, đầu tắt mặt tối làm lụng vất vả, không có ngày nghỉ cuối tuần. Do đó, Tết là ngày hoàn toàn nghỉ ngơi, vui chơi, hội hè đình đám:”Tháng giêng là tháng ăn chơi” Trong nhà ngoài phố, nơi công sở, nhất là nơi đình làng: trẻ già, trai gái, đều dự các trò chơi ngoạn mục thích thú, để mọi người thưởng ngoạn cảnh vui thú, thân tình và bình an, trong những ngày đầu Xuân.
Tạm Kết
Dầu ở phương trời nào, trong giây phút linh thiêng của Thánh Lễ Giao Thừa, mỗi người con dân đất Việt hãy dâng lời cầu nguyện, cảm tạ lên Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ, đã ban muôn hồng ân cho gia đình và tổ quốc Việt Nam mến yêu. Dầu ở góc biển chân trời nào, ngày đầu Xuân, mỗi người hãy thề hứa sẽ giữ gìn những giá trị cao quí của gia đình Việt Nam, nơi nương tựa cho ta trong cảnh cô đơn, hiu quạnh nơi đất khách quê người. Tết Nguyên Đán cũng là dịp để ta bộc lộ hào khí của dân tộc đã thấm nhuần một nền đạo lý, kỷ cương cao siêu. Ta hãy ước nguyện sẽ bảo toàn truyền thống, tinh hoa của dân tộc, và lưu truyền cho thế hệ tương lai. Nhân ngày đầu Xuân, đặc biệt cầu chúc cho giới trẻ Việt Nam luôn thăng tiến về mọi mặt, để làm rạng rỡ cho giống nòi, xứng đáng là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam.