5 Phút Lời Chúa Từ 21-27 tháng 9.2020
21/09/20 THỨ HAI TUẦN 25 TN
Th. Mát-thêu, tông đồ
Mt 9,9-13
CHỌN TÌNH YÊU HAY CỦA LỄ?
Chúa Giê-su nói: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,13)
Suy niệm: Thường ngày ta có nhiều dịp cầu nguyện cho người tội lỗi ăn năn trở lại. Nhưng lắm khi chúng ta giống những người Do thái hôm nay: có một người nào trong cộng đoàn sống khô khan nay ăn năn trở lại, chúng ta xì xào y như thể ta chưa hết hoài nghi về việc người ấy có từ bỏ hành tung của mình hay không; có khi ta chưa thực sự chấp nhận người anh chị em chúng ta như là đối tượng của lòng Chúa thương xót. Ở điểm này, Chúa nói Ngài cần tình yêu bao dung của ta chứ không phải lễ vật.
Mời Bạn: Tiếng chào cao hơn mâm cỗ, tình yêu trọng hơn của lễ là lẽ thường. Thế nhưng đôi khi bạn và tôi lại thích của lễ hơn là tấm lòng, chúng ta đang đánh tráo các giá trị mà ta đang buộc phải giữ. Có của lễ đi kèm với lòng thống hối như thánh Mát-thêu thật đáng quí, nhưng giả như có đủ mọi thứ lễ vật lỉnh kỉnh mà lòng thống hối không có, liệu bạn thấy đã đủ phép chưa? Mà thực ra, Chúa không đòi hỏi ta lễ mễ nhiều thứ, chỉ cần ta chứng tỏ tình yêu bằng cách dứt khoát từ bỏ cuộc sống bất chính và đi theo Ngài là đủ.
Chia sẻ: Cộng đoàn tôi có thái độ nào có thể cản trở người tội lỗi hối cải không?
Sống Lời Chúa: Với tấm lòng chân thành, bạn âm thầm cầu nguyện cho một người đang sống trong tội lỗi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa nhận thánh Mát-thêu vào hàng các tông đồ dù dưới mắt nhiều người Mát-thêu chẳng ra gì, bởi vì đối với Chúa, Chúa nhìn tấm lòng, chẳng cần lễ vật. Xin cho con sống quảng đại bao dung với anh chị em nhất là đối với những người bị coi là tội lỗi.
22/09/20 THỨ BA TUẦN 25 TN
Lc 8,19-21
TÔI CÓ NGƯỜI ANH CẢ LÀ GIÊ-SU
“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21)
Suy niệm: Đối với người Việt Nam nói riêng, và nhân loại nói chung, câu nói trên đây của Chúa Giê-su rất khó nghe khó hiểu. Quả thật, “một giọt máu đào hơn ao nước lã,” mối liên hệ huyết thống đối với chúng ta rất quan trọng và chặt chẽ. Lời Chúa nói có vẻ như phủ nhận mối tương quan ruột thịt, nhưng thực ra là mở cửa cho chúng ta bước vào một gia đình mới, gia đình của Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi chúng ta hạnh phúc được nhận làm anh em, người nhà của Ngài: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” Thật vậy, qua bí tích Thánh tẩy, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, được nhận làm con cái, có Đức Giê-su là Anh Cả, “là Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29).
Mời Bạn: Là Ki-tô hữu, nghĩa là người thuộc về Chúa Ki-tô, là người thân, họ hàng của Ngài: “Anh em không còn là người xa lạ… nhưng là người nhà của Thiên Chúa” (x. Ep 2,19); đó chẳng phải là Tin Mừng, là hạnh phúc cho ta sao? Trong cơn khó khăn thử thách như cơn đại dịch vi-rút Corona này, chúng ta có nhớ đến người Anh Cả quyền năng và dễ thương để thực hiện lời nhắn nhủ của người anh ấy là “nghe Lời Chúa và đem ra thực hành” không?
Sống Lời Chúa: Sống thân tình với Anh Cả Giê-su bằng việc ĐỌC LỜI CHÚA mỗi ngày, để có thể NGHE Chúa nói và đem ra thực hành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa cho chúng con được là con cái trong gia đình của Chúa. Xin ban cho chúng con thêm lòng tin cậy mến, để chúng con luôn vững tâm trước mọi giông tố của cuộc đời. Amen.
23/09/20 THỨ TƯ TUẦN 15 TN
Th. Pi-ô Pi-et-ren-xi-na linh mục
Lc 9,1-6
THỬ THÁCH QUÁ ĐÁNG
HAY VẪN ĐANG QUAN PHÒNG
Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.” (Lc 9,3)
Suy niệm: Chúa Giê-su sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng Nước Thiên Chúa, với chỉ thị không mang cái này, đừng mang cái kia, ngay cả những hành trang thật cần thiết để sống hay đề phòng bất trắc trên đường như lương thực, tiền bạc, áo quần,v.v…. Theo cái nhìn tự nhiên, Chúa có thử thách các môn đệ quá mức không khi Chúa giao cho họ sứ mạng mà không lo liệu những điều kiện thiết yếu để bảo đảm cuộc sống và giúp họ chu toàn sứ mạng? Chúa thử thách chăng? Tất nhiên là có. Nhưng Chúa vẫn luôn quan phòng vì trước đó Ngài đã ban cho các ông quyền năng để “trừ quỷ và chữa lành bệnh tật”. Còn nhớ sau này Ngài đã trả lời cho Phê-rô: Ai bỏ mọi sự mà theo Ngài “sẽ được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Lc 18,30).
Mời Bạn: “Tự bản tính, Giáo hội là người được sai đi” (Vaticanô II, Sắc lệnh Truyền giáo, 2). Chúa cũng sai bạn ra đi, mời bạn mạnh dạn loan báo Tin Mừng. Chắc chắn bạn cũng gặp nhiều thử thách không kém các tông đồ ngày xưa. Nhưng bạn nhớ rằng Chúa vẫn luôn đồng hành, và chăm sóc. Những phương tiện tự nhiên, của trần thế là cần thiết, nhưng hành trang mà Chúa trao cho bạn là sức mạnh và quyền năng từ Thiên Chúa và Tin Mừng cứu độ của Ngài.
Sống Lời Chúa: Chu toàn việc bổn phận và chia sẻ phục vụ người nghèo với ý chỉ cầu nguyện cho việc truyền giáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa mời gọi con loan báo Tin Mừng. Con tin sẽ không gặp thử thách quá sức, vì Chúa đã hứa: “Ơn Ta đủ cho con.” Amen.
24/09/20 THỨ NĂM TUẦN 25 TN
Lc 9,7-9
CHÚA VẪN BAO DUNG
“Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi. Vậy ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” (Lc 9,9)
Suy niệm: Câu chuyện về cái chết bi thảm của Gio-an Tẩy giả chắc chắn làm dậy lên nơi chúng ta cảm xúc phẫn nộ đối với những kẻ gây ra cái chết ấy, nhất là đối với bạo vương Hê-rô-đê. Thế nhưng, trong thâm tâm con người tưởng chừng bại hoại đó vẫn còn le lói chút ánh sáng của lương tâm. Ông tò mò mong được gặp Đức Giê-su khi nghe những lời người ta đồn đại về Ngài. Chắc hẳn lương tâm ông vẫn còn bị ám ảnh, cắn rứt bởi cái chết oan ức của Gio-an Tẩy Giả do chính ông gây ra. Dẫu là với bạo chúa như Hê-rô-đê, Thiên Chúa vẫn bao dung, Ngài vẫn thì thầm tận đáy sâu tâm hồn ông, như lời tối hậu mời gọi ông tỉnh ngộ sám hối tội ác của mình. Ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô dành cho hết thảy mọi người, không trừ một ai. Chỉ cần lắng nghe tiếng Chúa trong lòng, hoán cải, thay đổi lối sống là được Chúa cứu độ.
Mời Bạn: Đứng trước cái ác, bạn có từng bức xúc, phẫn nộ? Đúng. Nhưng không phải vì thế mà phế bỏ luôn cả người làm điều ác đó. Chúa dạy ghét tội nhưng Ngài giàu lòng thương xót đối với tội nhân. Vì thế, bạn đừng ngại sám hối ăn năn mỗi khi bạn trót lỗi lầm phạm tội; và cũng đừng hằn học, ghét bỏ, loại trừ những người bị-coi-là-ác, nhưng cầu nguyện cho họ được hoán cải, trở về nẻo chính đường ngay.
Sống Lời Chúa: Tâm niệm “Hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí” (2Tx 3,13) vì mỗi một việc thiện bạn làm đều góp phần làm cho cái ác phải bị tiêu diệt.
Cầu nguyện: Đọc chậm và suy gẫm: “Lạy Cha, xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”
25/09/20 THỨ SÁU TUẦN 25 TN
Lc 9,18-22
HOÁN CẢI CÁCH NGHĨ
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” (Lc 9,22)
Suy niệm: Mặc dù tuyên xưng rất đúng Thầy Giê-su “là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa,” nhưng hình ảnh về Đấng Ki-tô trong suy nghĩ của Phê-rô lại khác hoàn toàn với căn tính Đấng Ki-tô trong chương trình của Thiên Chúa. Đối với Phê-rô, Đấng Ki-tô phải thật oai hùng, đầy quyền năng, lãnh đạo dân chúng làm cuộc cách mạng để mang lại sự tự do, hưng thịnh cho dân Chúa, chứ không phải là Đấng Ki-tô đau khổ, bị loại bỏ, bị giết chết, rồi mới bước vào vinh quang. Để chấn chỉnh cách nghĩ sai lạc đó của các ông, Chúa đã nghiêm giọng cấm không được nói với ai về danh xưng Ki-tô của Ngài. Đồng thời Ngài mặc khải về con đường thập giá, mời gọi các ông hoán cải cách nghĩ, lối nhìn, để vui vẻ đón nhận và can đảm bước theo một Đức Ki-tô như Thiên Chúa muốn.
Mời Bạn: Người Ki-tô hữu vẫn tuyên xưng Thiên Chúa là Cha nhân lành, Đấng giàu lòng xót thương. Nhưng có vẻ như trong cách nghĩ của nhiều người, sự nhân lành và tình thương ấy chỉ được tỏ hiện những lúc được Chúa ban ơn, được chữa lành bệnh tật, gặp nhiều may lành trong mọi việc… Còn khi gặp đau khổ hoạn nạn, đối diện với nguy biến, thử thách nặng nề, như trong cơn đại dịch Covid-19, ta lại cho rằng Thiên Chúa bỏ rơi mình. Phần bạn thì sao?
Sống Lời Chúa: Đọc kinh Lạy Cha mỗi ngày cách chậm rãi, để giục lòng vững tin vào tình yêu Cha trên trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hoán cải lòng chúng con, để chúng con đặt trọn niềm tin vào tình yêu Chúa, đặc biệt trong cơn thử thách cũng như lúc gặp nguy nan. Amen.
26/09/20 thứ bảy tuần 25 tn
Th. Cốt-ma và Đa-mi-a-nô, tử đạo
Lc 9,43b-45
sao không hỏi chúa?
Các ông không hiểu lời đó… Nhưng các ông sợ không dám hỏi Người về điều ấy. (Lc 9,45)
Suy niệm: Chúa Giê-su vừa cho các môn đệ biết Ngài sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết. Tất nhiên các ông hiểu Chúa nói gì. Nhưng các ông không hiểu tại sao Thầy lại phải chết như thế, tại sao với biết bao quyền năng trổi vượt, Thầy không trở thành một vị vua bách thắng, bá chủ thiên hạ. Là học trò, không hiểu bài cũng là chuyện bình thường. Điều bất thường là các ông đã sợ và không dám hỏi Chúa. Phải chăng mối quan hệ thầy trò, ít là từ phía các ông, vẫn chưa đạt tới mức thân tình để các ông có thể chia sẻ tâm sự cách cởi mở với Thầy mình? Điều đáng sợ hơn: các ông đã không đồng quan điểm với Thầy mình. Đang khi Thầy dạy sống khiêm nhường phục vụ, các ông tranh cãi xem ai làm lớn hơn. Trong khi Thầy theo đuổi con đường cứu thế bằng thập giá, các ông lại tìm kiếm vinh quang và quyền lực. Chưa từ bỏ mọi sự để theo Thầy, các ông sẽ vẫn còn sợ Thầy.
Mời Bạn: Bạn có dám hỏi Chúa mỗi khi bạn gặp những vấn nạn, bế tắc? Hay bạn không dám hỏi vì thấy trước Chúa sẽ đặt ra cho bạn những đòi hỏi mới? Bạn cứ đến bộc lộ với Thầy Giê-su tất cả nỗi niềm của bạn đi. Thầy sẽ dắt bạn theo con đường thập giá như Ngài đã đi, nhưng bạn nhớ con đường đó sẽ dẫn bạn tới vinh quang phục sinh đấy.
Chia sẻ: Đã có lần bạn tìm kiếm và chọn theo ý Chúa. Mời bạn chia sẻ kinh nghiệm đó.
Sống Lời Chúa: Ôn lại một biến cố trong đời bạn để nghiệm ra ý Chúa qua biến cố đó.
Cầu nguyện: Đọc hoặc hát: “Xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con, lối bước của Ngài.”
27/09/20 CHÚA NHẬT TUẦN 26 TN – A
Mt 21,28-32
TỰ DO ĐỂ THI HÀNH Ý CHA
“Người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’ Nó đáp: ‘Con không muốn đâu!’ Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi’.” (Mt 21,28-29)
Suy niệm: Con người có thể trả lời không với Thiên Chúa. May thay con người còn có khả năng thay đổi ý kiến. Nhờ đó, con người luôn luôn có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm. Nhưng đó cũng là một khả năng thật đáng ngại. Bởi vì người ta có thể thưa: “Vâng, con sẽ đi làm vườn nho cho Cha” nhưng rồi lại không đi. Không phải chỉ một lần đồng ý với Chúa trong bí tích Rửa tội là đã nắm chắc được vào Nước Trời. Phải có thái độ sẵn sàng hoán cải, thưa “có” thay vì nói “không” với Chúa. Điểm thứ hai còn quan trọng hơn: Nói “có” mà thôi chưa đủ, còn phải lên đường thi hành ý muốn của Cha với thái độ tự do vâng phục của người con thảo. Vì không phải những ai nói ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời, mà chỉ những người thi hành ý Chúa mới được vào thôi.
Mời Bạn: Thiên Chúa muốn coi bạn như người con, và là người con trưởng thành, biết ý thức bổn phận của mình đối với Cha và mau mắn đảm nhận trách nhiệm ấy với tâm tình con thảo: vui vẻ tự nguyện chu toàn các việc bổn phận hằng ngày của mình. Và nếu như có “lỡ” từ chối Ngài, Chúa vẫn cho bạn cơ hội để bạn bắt đầu lại: Bạn hãy mau mắn rút lại lời nói “không” tai hại ấy và làm hoà với Chúa bằng cách “đi làm vườn nho” cho Ngài.
Chia sẻ: Để có thể làm hoà với Thiên Chúa trước tiên phải biết làm hoà với anh em.
Sống Lời Chúa: Trước khi đi ngủ, bạn đừng quên giục lòng ăn năn tội để làm hoà với Chúa.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.