Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 30 Thường Niên
Chúa Nhật 30 Thường niên, năm A.
HAI ĐIỀU RĂN
Chúa Nhật 30 Thường niên, năm A
Lời Chúa: Mt 22, 34-40
Một hôm, khi nghe tin Ðức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?” Ðức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”.
Suy niệm
Chúng ta thường ngại xét mình trước khi xưng tội.
Nếu xét mình sơ sài dựa trên Mười Ðiều Răn,
có khi ta thấy mình chẳng có tội gì nghiêm trọng:
không trộm cắp, không tham lam, không giết người…
Thật ra xét mình không phải là làm bản tự kiểm
trước một danh sách những luật cấm và luật buộc,
cho bằng là đặt mình trước Thiên Chúa và tha nhân.
Tôi phải thành thật tự hỏi:
Tôi có thực sự yêu mến Thiên Chúa không?
Tôi có thực sự yêu mến anh chị em tôi không?
Tất cả điều răn được tóm trong một động từ: yêu.
Tình yêu là cốt lõi của đời sống Kitô hữu,
vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,8).
Yêu là bước vào một đại dương mênh mông,
là dấn thân trên một con đường dài hun hút.
Chúng ta chẳng bao giờ thấy mình yêu đủ.
Tình yêu cứ vẫy gọi ở phía trước,
và mở ra những cánh cửa không ngờ.
Giới hạn tình yêu là bóp chết tình yêu.
Chẳng có động từ nào bị hiểu sai cho bằng động từ yêu.
Báo chí phim ảnh làm cho ta nghĩ rằng
yêu chỉ là chuyện quan hệ giữa hai cô cậu.
Hành vi chiếm đoạt theo bản năng lại được gọi là yêu.
Chúng ta cần trả lại ý nghĩa cao đẹp cho động từ này.
Yêu mến Thiên Chúa là điều răn số một.
Không phải chỉ dành cho Ngài phần lớn trái tim,
Ngài đòi tất cả trái tim của tôi, tất cả con người của tôi.
Hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.
Ai trong chúng ta dám tự hào
mình đã sống trọn vẹn điều răn thứ nhất?
Càng lúc tôi càng thấy Chúa bị mất chỗ trong tim tôi.
Tôi không có giờ cầu nguyện và tĩnh tâm.
Chúa Nhật là ngày tranh thủ làm thêm.
Mối lo toan quá mức về cuộc sống vật chất
làm đời sống thiêng liêng bị sa sút.
Ðiều răn thứ hai cũng quan trọng không kém:
yêu người thân cận như chính mình.
Chúng ta yêu bản thân mình biết chừng nào!
Chúng ta chỉ muốn điều tốt cho mình
đến nỗi lắm khi làm điều xấu cho người khác.
Cần coi tha nhân như một cái tôi khác của mình.
Họ cũng cần được tôn trọng, cảm thông và yêu mến.
Có biết bao thiệt hại tôi đã gây cho anh em tôi.
Thái độ sống của tôi đã làm khổ bao người khác.
Hai điều răn trên không thể tách rời nhau.
Yêu Thiên Chúa chắc chắn dẫn đến yêu tha nhân.
Tình yêu tha nhân cần đặt nền trên Thiên Chúa.
Người Kitô hữu đi từ nhà thờ ra chợ
rồi lại từ chợ vào nhà thờ.
Ngoài chợ, họ gặp Chúa nơi anh em.
Trong nhà thờ, họ gặp anh em nơi Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau
để làm thành một vòng tròn khép kín.
Sau đó chúng con hiểu rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng
và trái tim được lớn lên mãi.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với Tạo Hóa.
Chúng con thích Chúa
đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người chúng con,
nắm lấy tay chúng con
và đưa chúng con lên cao.
Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em.
ĐỨNG THẲNG ĐƯỢC
Thứ Hai tuần 30 Thường niên
Lời Chúa: Lc 13, 10-17
Ngày sabát kia, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày sabát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!” Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sabát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?” Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
Suy niệm
Trong dòng tiến hóa từ vượn lên đến người,
có một thay đổi bên ngoài khá rõ nét.
Càng tiến hóa thì lưng con vật càng thẳng hơn.
Khi con người có thể đứng thẳng, tầm nhìn sẽ rộng hơn, xa hơn.
Hai chi trước được tự do nên có thể làm được nhiều điều phức tạp.
Đứng thẳng đúng là một nét đặc trưng của con người
Người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay bị còng lưng đã lâu.
Mười tám năm không thể nào đứng thẳng lên được (c. 11).
Lưng bà còng hẳn xuống khiến tầm nhìn của bà bị giới hạn.
Có lẽ bà chỉ nhìn thấy mảnh đất nhỏ trước mặt hơn là thấy bầu trời cao.
Bệnh này thật khó chịu, khiến bà đi đứng khó khăn.
Vậy mà bà vẫn có mặt ở hội đường vào ngày sabát, khi Đức Giêsu giảng.
Dù bà thấp vì còng lưng, Ngài vẫn trông thấy bà.
Dù bà chẳng xin gì, Ngài vẫn chủ động gọi để gặp bà (c. 12).
Đức Giêsu nhìn thấy sự trói buộc do cơn bệnh dai dẳng.
“Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền.”
Chữa bệnh chính là đem lại giải thoát cho người phụ nữ.
Hơn nữa, Đức Giêsu còn đặt tay trên bà như một cử chỉ yêu thương.
Tức khắc bà còng lưng đã có thể đứng thẳng lên được.
Điều mơ ước từ mười tám năm, bỗng chốc thành hiện thực.
Bà có thể nhìn thấy bầu trời và cất lời tôn vinh Đấng ngự trên đó (c. 13).
Đức Giêsu coi bệnh của bà như một sự trói buộc của Xatan (c. 16).
Không phải chỉ là trói buộc bằng dây như người ta cột bò lừa (c. 15),
mà là trói buộc bằng xiềng xích.
Chính vào ngày sabát, Đức Giêsu đã cởi xiềng xích đó cho bà,
để bà được tự do, được đứng thẳng như một người bình thường.
Bà còng lưng bị trói buộc bởi gánh nặng của bệnh tật.
Nhưng có bao thứ trói buộc khác làm con người mất tự do.
Như người phụ nữ này, chúng ta muốn và cố làm cho mình đứng thẳng,
nhưng hoàn toàn bó tay từ nhiều năm qua.
Có những thứ trói buộc do tác động bên ngoài,
nhưng có thứ xiềng xích do chính chúng ta đúc nên để tự giam mình.
Tôi bị trói buộc bởi lòng ích kỷ, tham vọng, thèm muốn…
Chúng ta cần thú nhận mình không tự giải thoát mình được,
không tự đứng thẳng được, không tự cắt đứt những thứ trói buộc mình.
Chúng ta cần Đức Giêsu đặt tay của Ngài trên đời ta để ta được tự do.
Đâu phải chỉ người phụ nữ còng lưng mới bị trói buộc.
Tôi cũng bị trói buộc bởi những giá trị mập mờ của thế tục.
Làm sao để tôi được tự do với cái cell phone tôi đang dùng,
với những hình ảnh mà tôi tìm kiếm trên internet,
với lối sống mà ngày nay bao người coi là đáng ước mơ?
Xin cho tôi không chỉ cúi xuống nhìn thấy miếng đất be bé trước mặt,
nhưng có thể ngước lên để thấy bầu trời mênh mông trên cao.
Cầu nguyện
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. Amen
LỚN LÊN VÀ TRỞ THÀNH
Thứ Ba tuần 30 Thường niên
Lời Chúa: Lc 13, 18-21
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người đó lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
Suy niệm
Hai dụ ngôn trên đây tỏ ra lạc quan và hy vọng.
Nước Thiên Chúa đã được Đức Giêsu khai mở và loan báo.
Nước ấy cần có thời gian để lớn lên, để tác động trên con người.
Chắc chắn kết quả cuối cùng sẽ rất tốt đẹp.
Một người đàn ông ném vào khu vườn của mình một hạt cải nhỏ bé.
Ông có ước mơ mong mỏi gì không?
Vậy mà theo thời gian, hạt cải ấy đã lớn lên và trở thành một cây.
Cây vững đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành của nó được (c. 19).
Đức Giêsu muốn làm nổi bật sự phát triển mạnh mẽ của Nước Trời.
“Lớn lên và trở thành” là một tiến trình do Thiên Chúa dẫn dắt.
Bất chấp những khó khăn trong hiện tại, Nước Trời vẫn cứ lớn lên,
để rồi sẽ là nơi trú ngụ cho nhiều người ở khắp nơi tìm đến.
Một phụ nữ lấy men và vùi nó vào một lượng bột rất lớn.
Men không nhiều, lại được vùi sâu, nên có vẻ như không hiện hữu.
Nhưng trong thực tế, men đã có đó rồi và đang tác động trên bột.
Với thời gian, men làm cả khối bột dậy men.
Bấy giờ sức biến đổi của men mới được mọi người nhận biết.
Khối bột lên men đã sẵn sàng trở nên những ổ bánh ngon lành.
Đức Giêsu làm nổi bật sức mạnh của Nước Thiên Chúa
trong việc biến đổi thế giới này từ bên trong.
Chính sự tiếp xúc trực tiếp, sự thâm nhập của men vào bột
đã tạo ra sự biến đổi kỳ diệu ấy.
Những lời giảng của Đức Giêsu đã vang lên từ hai mươi thế kỷ.
Nước Thiên Chúa đã được Ngài khai mở và vun trồng mãi đến nay.
Kitô giáo vẫn là một tôn giáo lớn, chiếm một phần ba dân số thế giới.
Nhưng có những lúc chúng ta có cảm tưởng như nó bị chựng lại.
Khi có nhiều nhà thờ phải bán đi vì không có người đi lễ Chúa nhật,
khi các chủng viện hay dòng tu trở nên vắng vẻ, già nua,
khi ở nhiều nơi số linh mục thiếu một cách trầm trọng,
khi tỷ lệ tăng của Kitô hữu không bằng với tỷ lệ tăng của dân số thế giới.
Kitô giáo có tương lai không? Kitô giáo có thể bị tàn lụi không?
Những câu hỏi đó làm nhiều người bận tâm và lo lắng.
Hai dụ ngôn của Đức Giêsu hôm nay đem lại cho ta niềm lạc quan.
Nhưng đó không phải là thứ lạc quan vô trách nhiệm.
Làm cho Nước Thiên Chúa lớn lên và thâm nhập vào thế giới hôm nay,
đó không phải chỉ là chuyện của Thiên Chúa.
Đó là chuyện của từng Kitô hữu chúng ta.
Để hạt cải thành cây, cần một chút chăm bón.
Ai trong chúng ta cũng là một nhúm men nhỏ được vùi trong đống bột,
đống bột của trường học hay công ty, của một tập thể hay cộng đồng.
Làm sao để men của chúng ta tạo ra những tác dụng tốt?
Không cần phải làm những việc lớn lao để thay đổi bộ mặt thế giới.
Chỉ xin làm một nhúm men nhỏ để đến với những người tôi gặp hôm nay.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
CỬA HẸP
Thứ Tư tuần 30 Thường niên
Lời Chúa: Lc 13, 22-30
Hồi ấy, trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi’. Nhưng ông sẽ đáp với anh em: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’. Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”
Suy niệm
Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp.
Cửa hẹp khi thi vào đại học.
Cửa hẹp khi đi xin việc làm.
Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới.
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều.
Cửa hẹp mà vào được mới quý.
Nếu thiên đàng có cửa,
thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi.
“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24),
vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14).
Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình,
với cái tôi cồng kềnh của mình,
nặng nề vì những vun vén cá nhân,
phình to vì tự hào và tham vọng.
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp
nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá.
Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại,
khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em.
Cần có một cái tôi như trẻ thơ
mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng
nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng.
Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ,
cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại.
Ðể “người lớn” trở nên hồn hậu như trẻ thơ,
cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4).
Ðây thật là một cuộc chiến với chính mình.
Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.
Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng.
Họ gõ cửa và đòi vào.
Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc,
bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Ðức Giêsu,
và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy.
Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt
đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ:
“Ta không biết các anh từ đâu đến!”
Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy,
dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm…
Chúa vẫn không quen biết chúng ta
vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình.
Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục.
Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ.
Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại.
Cứu độ là một ơn Chúa ban,
nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận.
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa,
nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên:
“Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.Amen
HÔM NAY, NGÀY MAI
Thứ Năm tuần 30 Thường niên
Lời Chúa: Lc 13, 31-35
Khi ấy, có mấy người Pharisêu đến thưa Ðức Giêsu rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!” Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được. Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: ‘Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa!’”
Suy niệm
Sống là bước đi mỗi ngày trong cuộc hành trình, phiêu lưu.
Hơn ai hết Đức Giêsu đã sống phận người của mình như thế.
Cuộc sống nay đây mai đó, không chỗ tựa đầu.
Cuộc sống bấp bênh, sống nhờ lòng tốt của người khác.
Hơn thế nữa, cuộc sống này còn bị đe dọa bởi quyền bính đạo đời.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, vài người Pharisêu báo tin cho Đức Giêsu
về việc tiểu vương Hêrôđê muốn giết Ngài (c. 31).
Họ khuyên Ngài nên ra khỏi vùng đất dưới quyền của Hêrôđê,
vì chính ông này đã giết ngôn sứ Gioan Tẩy giả.
Đức Giêsu lộ vẻ ung dung, không sợ hãi gì.
Ngài gọi Hêrôđê là con cáo, một con vật ranh mãnh quỷ quyệt (c. 32).
Đe dọa của ông ta không làm Ngài chùn bước.
Ngài vẫn tiếp tục làm điều đã làm như trừ quỷ và chữa bệnh.
Hôm nay, ngày mai, ngày mốt vẫn cứ như thế.
“Tôi phải tiếp tục đi” (c. 33).
Đức Giêsu biết rất rõ mình đang đi đâu và đến đâu.
Ngài sẽ tiếp tục lên đường, không phải vì sợ quyền lực của Hêrôđê,
nhưng vì Ngài chấp nhận ở dưới quyền của Thiên Chúa.
Ngài hướng tới Giêrusalem, nơi nhiều ngôn sứ đã chịu bách hại.
Đức Giêsu ý thức mình là một ngôn sứ của Thiên Chúa.
Số phận của Ngài cũng chẳng hơn gì bao ngôn sứ khác.
Cái chết đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem.
Giêrusalem là nơi đáng sợ, nhưng cũng là nơi đáng thương.
Đức Giêsu đã âu yếm gọi hai lần: “Giêrusalem, Giêrusalem!”
Ngài tự ví mình như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh.
“Đã bao lần Ta muốn… nhưng các ngươi lại không muốn” (c. 34).
Một tình yêu bị từ chối nên thốt lên những lời thở than.
Vị ngôn sứ Giêsu phải dừng bước khi con người khép lòng mình lại.
Án phạt đến từ thái độ từ khước của con người,
giống như đàn gà con không để cho gà mẹ chở che dẫn dắt.
“Nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi” (c. 35).
Thiên Chúa bỏ đền thờ, bỏ thành thánh Giêrusalem mà đi,
để mặc cho quân thù vây hãm và tiêu hủy.
Nhưng rồi sẽ đến ngày Đức Giêsu trở lại trong vinh quang.
Lúc ấy mọi người sẽ tung hô: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.
Chúng ta cũng có sứ mạng làm ngôn sứ như Đức Giêsu.
Những đe dọa, đụng chạm đến an toàn là điều không tránh khỏi.
Nhưng chúng ta vẫn được mời gọi đi đến cùng con đường của mình,
với một tinh thần bất khuất, không gì lay chuyển.
Vẫn phải trung thành với việc được Thiên Chúa giao,
dù điều đó dẫn ta đến với cái chết.
Trước một Giêrusalem thù nghịch, xin có được đảm lược của Giêsu.
Trước một Giêrusalem từ khước, xin có được lòng nhân hậu.
Để trái tim chúng ta biết kết hợp đảm lược với lòng nhân.
Cầu nguyện
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,
các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu
trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.
Sự hy sinh của các ngài
cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết
và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.
Dù mang phận người yếu đuối,
nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,
các ngài đã chiến thắng khải hoàn.
Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài
biết can trường sống đức tin của bậc cha anh
trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,
biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu
bằng một đời hiến thân phục vụ.
Ước gì ngọn lửa đức tin
mà các ngài đã thắp lên
bằng cuộc sống và cái chết,
được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.
Ước gì máu thắm của các ngài
thấm vào mảnh đất quê hương
để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.Amen
CHỮA KHỎI VÀ CHO VỀ
Thứ Sáu tuần 30 Thường niên
Lời Chúa: Lc 14, 1-6
Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Và kìa trước mặt Ðức Giêsu, có một người mắc bệnh phù thũng. Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pharisêu: “Có được phép chữa bệnh ngày sabát hay không?” Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. Rồi Người nói với họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sabát?” Và họ không thể đáp lại những lời đó.
Suy niệm
Sau khi dự nghi thức ở hội đường vào ngày sabát,
người ta thường mời khách về nhà dùng bữa trưa.
Bữa ăn này đã được chuẩn bị từ ngày hôm trước.
Hôm nay Đức Giêsu lại được một người Pharisêu mời dùng bữa.
Đây là lần thứ ba Ngài được mời ăn như thế (x. Lc 7, 36; 11, 37).
Và đây cũng là lần thứ ba có sự căng thẳng
vì Ngài chữa bệnh trong ngày sabát (x. Lc 6, 6; 13, 10).
Những người Pharisêu trong bữa ăn hôm nay chăm chú nhìn Ngài (c. 1).
Chúng ta không rõ người mắc bệnh phù thũng có là khách không.
Hay phải chăng anh ấy là người không mời mà đến?
Nếu là khách thì tại sao Đức Giêsu lại cho anh về sau khi chữa khỏi?
Dù sao thì anh ấy cũng đang đứng trước mặt Đức Giêsu (c. 2).
Ngài thấy những dấu hiệu của bệnh phù thũng nơi thân xác anh.
Trên người anh có chỗ sưng lên vì nước bị ứ lại.
Chính Đức Giêsu là người chủ động đặt vấn đề với người Pharisêu.
“Có được phép chữa bệnh trong ngày sabát không?” (c. 3).
Hiển nhiên đối với họ, chỉ được phép chữa những bệnh nhân hấp hối.
Anh bị phù thũng không nằm trong diện này.
Vậy mà họ đã giữ thái độ thinh lặng trước câu hỏi đó (c. 4).
Đức Giêsu đã chữa bệnh cho anh chỉ bằng một cử chỉ đỡ lấy.
Không có lời nói nào kèm theo.
Có lẽ anh đã đi về nhà, lòng vui sướng vì được khỏi bệnh.
Đức Giêsu đã muốn biện minh cho hành vi chữa bệnh trong ngày sabát
bằng một câu hỏi về cách ứng xử trong một trường hợp cụ thể (c. 5).
“Giả như các ông có đứa con trai hoặc con bò sa xuống giếng,
các ông lại không kéo nó lên ngay lập tức, dù là ngày sabát sao?”
Họ đã không thể đưa ra câu trả lời,
vì dĩ nhiên là phải kéo nó lên ngay, trước khi nó chết dưới giếng.
Đối với Đức Giêsu, chữa bệnh đơn giản là kéo một người lên ngay.
Dù Ngài không phủ nhận tầm quan trọng của việc giữ ngày sabát,
nhưng ngày sabát lại không cấm làm điều phải làm, đó là chữa bệnh.
Rõ ràng Đức Giêsu quan tâm đến nhu cầu của con người.
Nếu để đến hôm sau mới chữa cho anh phù thũng thì cũng được.
Nếu để bà còng lưng mười tám năm chịu thêm một ngày cũng không sao.
Nhưng Ngài muốn giải phóng con người ngay lập tức, khi có thể được.
Ngài muốn làm vơi nỗi đau kéo dài đã lâu của con người.
Chính vì bà còng lưng đã mười tám năm đau khổ
nên không cần kéo dài thêm, dù chỉ một ngày nữa.
Luật lệ đạo đời nhằm phục vụ cho hạnh phúc thực sự của con người.
Trong cuộc sống hôm nay, có nhiều việc cần làm ngay.
Có bao mảnh đời sắp bị đổ vỡ, có những nguy cơ đe dọa nhân phẩm,
có những người trẻ đứng trên bờ vực, có những thai nhi bị chối từ.
Làm sao chúng ta không dửng dưng với những em nhỏ ở kề miệng giếng,
và không quay lưng với những người đã sa xuống vực sâu?
Cầu nguyện
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
NGỒI CHỖ CUỐI
Thứ Bảy tuần 30 Thường niên
Lời Chúa: Lc 14, 1.7-11
Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này.” Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho.” Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.” Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Suy niệm
Khi thấy các khách dự tiệc có khuynh hướng chọn ngồi chỗ nhất,
Đức Giêsu đưa ra một lời khuyên đối với họ (cc. 8-10).
Mới nghe những lời khuyên này,
ta có cảm tưởng đây chỉ là những lời dạy cách ứng xử khôn khéo.
Nên chọn ngồi chỗ cuối,
vì nếu chủ tiệc sắp xếp lại chỗ ngồi theo thứ bậc,
bạn có cơ hội được mời lên chỗ trên.
Thà ngồi dưới rồi được đưa lên, còn hơn ngồi trên mà bị kéo xuống.
Như thế ngồi chỗ cuối rốt cuộc chỉ là một giả vờ,
để che dấu tham vọng muốn được ngồi lên trên.
Ngồi chỗ cuối chỉ là để tránh một xấu hổ, sỉ nhục,
và nhắm đến một vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn (cc. 9-10).
Đức Giêsu có ý khuyên dạy người ta như thế không?
Chắc là không.
Qua dụ ngôn đơn sơ và có thể gây hiểu lầm trên đây (c. 7),
Đức Giêsu muốn nói với khách dự tiệc một điều quan trọng hơn nhiều.
Bài ca Magnificat đã nói đến một sự đảo ngược lớn lao sẽ xảy ra:
Chúa dẹp tan kẻ kiêu căng, hạ bệ người quyền thế, đuổi kẻ giàu sang,
nhưng nâng cao kẻ khiêm nhường, ban dư đầy cho người đói (1, 51-53).
Các Mối Phúc cho và Khốn cho cũng nói lên sự đảo ngược này.
Phúc cho người nghèo, người đói, người khóc than.
Khốn cho người giàu, người no, người được ca tụng (6, 20-26).
Dụ ngôn Ladarô và ông nhà giàu là một minh họa về điều đó (16, 19-31).
Trong câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu cũng nói lên sự đảo ngược ấy khi Nước Thiên Chúa đến.
“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống.
Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c. 11).
Bị hạ xuống trong bữa tiệc, thật là điều hổ nhục.
Nhưng bị Thiên Chúa hạ xuống trong ngày sau hết thì kinh khủng hơn nhiều.
Nỗi hổ nhục sẽ muôn đời còn mãi.
Để thực hành lời khuyên của Đức Giêsu cho đúng đắn,
thánh Basiliô cho ta một soi sáng như sau:
“Chúng ta phải để cho chủ tiệc lo chuyện xếp chỗ các khách mời.
Như thế chúng ta mới nâng đỡ lẫn nhau trong nhẫn nhục và bác ái,
đối xử với nhau trong sự kính trọng,
xa tránh mọi tìm kiếm hư danh và khoe khoang.
Chúng ta không giả vờ khiêm tốn.
Bởi lẽ thích tranh chấp và cãi vã là dấu hiệu kiêu ngạo
còn lớn hơn chuyện ngồi ghế đầu khi phải ngồi chỉ vì vâng phục.”
Kitô hữu vẫn phải đối diện với cám dỗ của tham vọng và quyền uy.
Ngấm ngầm hay lộ liễu, những tranh giành ảnh hưởng vẫn xảy ra.
Trong lòng, ai cũng nghĩ mình xứng đáng hơn người khác.
Thèm muốn vinh dự, chức tước, đã gây bao chia rẽ trong Giáo Hội.
Chỉ mong tôi thực sự hạ mình trước anh em tôi.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.
Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.
Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.
Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.