Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 02 Thường Niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 02 Thường Niên

 

Chúa Nhật 2 Thường niên, Năm B. 1

Thứ Hai tuần 2 Thường niên. 3

Thứ Ba tuần 2 Thường niên. 6

Thứ Tư tuần 2 Thường niên. 8

Thứ Năm tuần 2 Thường niên. 10

Thứ Sáu tuần 2 Thường niên. 13

Thứ Bảy tuần 2 Thường niên. 14

 

THẦY Ở ĐÂU? HÃY ĐẾN MÀ XEM!

Chúa Nhật 2 Thường niên, Năm B

Lời Chúa: Ga 1, 35-42

Khi ấy, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Ðức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Ðức Giêsu. Ðức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Ðến mà xem!”. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều.

Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Ðức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Mêsia” (nghĩa là Ðấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Ðức Giêsu. Ðức Giêsu nhìn ông Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô).

Suy niệm

Ðoạn Tin Mừng này đã được Ðức Thánh Cha

dùng làm bài suy niệm cho ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XII.

Ðể gặp được Ðức Giêsu, cần có người giới thiệu.

Gioan đã giới thiệu Ðức Giêsu cho hai môn đệ của mình.

Ông Anrê cũng đã giới thiệu Ðức Giêsu cho em là Simon,

và dẫn ông này đến gặp Ngài.

Chẳng ai thực sự gặp được Ðức Giêsu

mà lại không mong giới thiệu Ngài cho người khác.

Ðức Giêsu là kho tàng cứ mãi lớn lên khi được san sẻ.

Hạnh phúc của Gioan Tẩy giả và Anrê

là thấy Ðức Giêsu và người mình giới thiệu gặp nhau.

Họ chấp nhận tự xóa mình.

Gioan chấp nhận chia tay với hai môn đệ yêu dấu.

Anrê sau này chẳng được nổi tiếng bằng Simon.

Theo lời giới thiệu của Gioan, hai ông đi theo Ðức Giêsu.

Chẳng rõ họ đã đi theo bao lâu và bao xa.

Họ rụt rè không biết bắt đầu câu chuyện thế nào.

Ðức Giêsu thấy sự lúng túng dễ thương của họ.

Chính Ngài đi bước trước, mở đầu cuộc đối thoại.

Các anh tìm gì thế?

Câu hỏi này bắt họ phải trở lại với lòng mình,

phải ý thức về nỗi khát khao đang chi phối mình.

Tôi đang tìm gì? Tiền bạc, tiếng tăm, thỏa mãn?

Hay tôi đang tìm một Ai đó cho đời tôi một hướng đi?

Ðức Giêsu gợi chuyện để họ bày tỏ khát vọng của mình.

Thưa Thầy, Thầy ở đâu?

Câu hỏi này tương đương với một câu trả lời.

Chúng con muốn biết nhà của Thầy, muốn đến thăm Thầy.

Ðến nhà một người là đi vào thế giới của người đó.

Hai ông không chỉ muốn biết Ðức Giêsu qua lời Gioan.

Họ muốn đích thân gặp gỡ Ngài.

Chuyện này không ai làm thay được.

Hãy đến mà xem.

Ðức Giêsu không giấu hai ông về thế giới của Ngài.

Lời mời này vẫn vang vọng đến tai chúng ta.

Ðừng sợ đi theo Ðức Giêsu để đến nhà Ngài.

Ðừng sợ trao đổi với Ngài như một người bạn.

Nơi nào có những người nghèo khổ, bị bỏ rơi,

những người cô đơn, bị khinh miệt hay phản bội,

những người khác văn hóa và tôn giáo,

nơi đó là nhà của Ðức Giêsu.

Họ đã đến xem và đã ở lại.

Hai ông đã nhận lời mời ngay lập tức.

Không có khoảng cách giữa ước muốn và thực hành.

Chúng ta chẳng rõ chi tiết của cuộc hạnh ngộ này,

nhưng chắc chắn đó là một kỷ niệm không quên.

Kinh nghiệm của hai ông cũng là của mọi Kitô hữu.

Chúng ta phải được giới thiệu Ðức Giêsu,

phải đích thân gặp Ngài,

và phải trở nên người giới thiệu Ngài cho thế giới.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại

chọn những cầu thủ bóng đá,

những tài tử điện ảnh

làm thần tượng cho đời mình.

Hôm nay

Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,

và chúng con thật sự đắn đo

trước khi chọn Chúa.

Bởi chúng con biết rằng

chọn Chúa là lội ngược dòng,

theo Chúa là bước vào con đường hẹp:

con đường nghèo khó và khiêm nhu,

con đường từ bỏ và phục vụ.

Hôm nay, chúng con chọn Chúa

không phải vì Chúa giàu có,

tài năng hay nổi tiếng,

nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.

Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.

Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.

Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa

nhiều lần trong ngày,

qua những chọn lựa nhỏ bé,

để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,

và để chúng con

thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.

 

 

 

CHÀNG RỂ CÒN Ở VỚI

Thứ Hai tuần 2 Thường niên

Lời Chúa: Mc 2, 18-22

Bấy giờ các môn đệ ông Gioan và các người Pharisêu đang ăn chay; có người đến hỏi Ðức Giêsu: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Ðức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể đã bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, thì phải bầu mới!”

Suy niệm

Một trong những nét khác biệt giữa Gioan Tẩy Giả với Đức Giêsu

là sự khắc khổ nhiệm nhặt.

Gioan được coi là người “không ăn bánh, không uống rượu” (Lc 7, 33).

còn Đức Giêsu bị mang tiếng là “tay ăn nhậu” với quân thu thuế (Lc 7, 34).

Chúng ta đã từng thấy ngài ăn tại nhà ông Lêvi hay ông Dakêu.

Các người Pharisêu cũng là những người thích ăn chay nhiều lần trong tuần,

dù ngày ăn chay chính thức hàng năm của đạo Do-thái chỉ là ngày lễ Xá tội.

Như thế có sự khác biệt khá rõ giữa môn đệ của Đức Giêsu

với môn đệ của Gioan Tẩy Giả và môn đệ của người Pharisêu.

Một bên có vẻ thoáng và thoải mái, một bên thì khắc khổ nhiệm nhặt.

“Tại sao môn đệ của ông lại không ăn chay?”

Có người đã dám hỏi thẳng Đức Giêsu như thế.

Ngài đã trả lời bằng một cách dùng một hình ảnh dễ hiểu và đầy ý nghĩa.

Vào thời Đức Giêsu, tại Paléttin, cũng như tại nhiều vùng quê ngày nay,

đám cưới là một biến cố mừng vui có tính làng xã.

Chẳng thể nào hiểu được chuyện một người đi ăn cưới

với khuôn mặt buồn của kẻ đang ăn chay.

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay,

khi chàng rể còn ở với họ”

Đức Giêsu tự ví mình với chàng rể, còn môn đệ là khách dự tiệc cưới.

Bầu khí trong nhóm môn đệ của ngài là bầu khí vui tươi của một lễ thành hôn

bởi lẽ thời đại thiên sai đã đến rồi.

Đức Giêsu, Đấng Mêsia dân Israel mong đợi từ lâu, nay có mặt.

Ngài là chàng rể kết duyên với cô dâu là dân tộc Israel của ngài.

Đức Giêsu đã làm trọn điều các ngôn sứ nói trong Cựu Ước

về việc Thiên Chúa lập hôn ước với dân của Người (Hs 2, 21-22; Is 62, 4-5).

“Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay.”

Sau khi Đức Giêsu chịu cái chết dữ dằn, được Phục Sinh và lên trời,

Giáo hội bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn chờ đợi ngài quang lâm.

Trong giai đoạn này, khi Chúa Giêsu vừa vắng mặt, vừa hiện diện,

Các Kitô hữu ăn chay, vác thánh giá theo Chúa Giêsu,

dù họ vẫn luôn sống trong niềm vui, bởi tin vào Đấng đã Phục Sinh vinh hiển.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,

nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười

khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.

Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.

Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau

khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.

Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.

Nụ cười ấy hòa với niềm vui

của người được lành bệnh.

Lạy Chúa Giêsu,

có những niềm vui

Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,

có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.

Xin dạy chúng con biết tươi cười,

cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.

Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,

dù không phải tất cả đều màu hồng.

Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,

nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.

Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,

vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương

và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

 

 

CON NGƯỜI LÀM CHỦ NGÀY SABÁT

Thứ Ba tuần 2 Thường niên

Lời Chúa: Mc 2, 23-28

Vào ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pharisêu liền nói với Đức Giêsu: “Ông coi, ngày sabát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế Abiatha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.” Người nói tiếp: “Ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát.”

Suy niệm

Các kitô hữu gốc Do Thái của Giáo Hội sơ khai

thường bị chê trách vì đã lơ là trễ nải trong việc giữ ngày sabát.

Giữ ngày sabát là điều hết sức quan trọng đối với người theo Do Thái giáo

Ai vi phạm ngày này có thể bị xử tử (Xh 31, 14), bị ném đá (Ds 15, 32-36).

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu hẳn đã soi sáng cho vấn đề này.

Câu chuyện xảy ra vào một ngày sabát.

Khi thầy trò băng qua đồng lúa, các môn đệ đã bứt các bông lúa.

Và hẳn họ đã vò lúa trong tay trước khi có thể ăn hạt bên trong.

Theo sách Đệ nhị luật (23, 26) thì hành động này được phép làm:

“Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông lúa.”

Nhưng theo các kinh sư, điều này bị cấm làm trong ngày sabát,

lý do là vì bứt lúa và vò trong tay cũng giống với hành vi gặt và xay lúa,

mà gặt và xay lúa là một trong ba mươi chín việc không được phép làm ngày sabát.

Từ đó người Pharisêu kết luận việc các môn đệ bứt lúa là phạm đến luật Môsê.

Ngày nay chúng ta có thể buồn cười về chuyện này,

nhưng nó nói lên việc các kinh sư vì sợ người ta phạm luật

nên sau này đã thêm thắt những quy định tỉ mỉ chi li.

Đức Giêsu đã trả lời người Pharisêu bằng đức cách trưng dẫn chuyện vua Đavít.

Trong truyền thống Do Thái, vua này thường được coi là đạo đức mẫu mực.

Đavít đã làm điều không được phép làm, đó là ăn bánh tiến (x. 1 Sm 21, 1-6).

Bánh này gồm mười hai ổ lớn được đặt trước nhà tạm (x. Lv 24, 5-9).

Vào mỗi ngày sabát, bánh mới được thay, bánh cũ chỉ dành cho các tư tế.

Khi kể câu chuyện về vua Đavít, Đức Giêsu muốn cho thấy rằng

nếu Đavít và các thuộc hạ có thể được miễn giữ luật liên quan đến bánh thánh

thì Đức Giêsu và các môn đệ trong trường hợp nào đó

cũng có thể được miễn giữ ngày sabát thánh (x. 1 Mac 2, 34-38).

Theo Đức Giêsu, ngày sabát được tạo cho loài người, chứ không phải ngược lại.

Người Pharisêu có lẽ đã quên đi mục đích của việc giữ luật ngày sabát.

Thiên Chúa lập nên ngày sabát để loài người có thời gian nghỉ ngơi

hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài (Đnl 5, 14-15).

Ngày sabát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa,

nhưng nó cũng là ngày cho loài người sau sáu ngày làm việc vất vả.

Ngày nay chúng ta không còn giữ ngày sabát nữa,

nhưng giữ ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa.

Cám ơn vị nào đã lần đầu tiên dùng từ này để chỉ ngày đầu tiên của tuần.

Trong thế giới quá cạnh tranh hiện nay, chúng ta cần được nhắc nhở

về chuyện nghỉ ngơi để sống cho mình, cho nhau, cho Chúa.

Ngày Chúa Nhật là thời gian tuyệt vời đề sống cả ba chiều kích ấy.

Cầu nguyện

Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,

hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Dưới bầu trời bao la,

trong cô đơn và thầm lặng,

với tấm lòng thanh tịnh,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,

huyên náo vì đấu tranh,

giữa đám đông hối hả lăng xăng,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Và khi đã hoàn tất việc đời,

lạy Thiên Chúa muôn loài,

một mình, lặng lẽ,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan. Amen.

(R. Tagore – Ðỗ Khánh Hoan dịch)

 

 

ANH GIƠ TAY RA!

Thứ Tư tuần 2 Thường niên

Lời Chúa: Mc 3, 1-6

Khi ấy, Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày sabát không, để tố cáo Người. Đức Giêsu bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” Rồi Người nói với họ: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu.

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm của năm cuộc tranh luận

giữa Đức Giêsu với các kinh sư hay người Pharisêu (Mc 2, 1-3, 6).

Đó là các cuộc tranh luận về quyền tha tội của Đức Giêsu,

về chuyện Ngài ăn uống với người thu thuế, chuyện môn đệ không ăn chay,

chuyện môn đệ bứt lúa ngày sabát, và cuối cùng là chuyện Ngài chữa bệnh.

Trong hội đường, vào một ngày sabát, một người có bàn tay bị teo đi dự lễ.

Các người Pharisêu rình xem Đức Giêsu có chữa cho anh ấy không.

để có cớ tố cáo Ngài.

Đức Giêsu chủ động đưa âm mưu của họ ra ánh sáng.

Ngài muốn công khai h óa và chính thức hóa việc làm của mình,

bởi vậy Ngài mới nói với người bị tật rằng: “Anh hãy trỗi dậy ra giữa đây!”

Như thế mọi người trong hội đường đều thấy được anh.

Rồi Ngài đặt câu hỏi với các người đang rình rập Ngài

về điều được phép làm trong ngày sabát:

được làm điều tốt hay điều xấu, cứu sống hay giết chết?

Câu trả lời tưởng như quá rõ ràng,

nhưng ta nên nhớ rằng chữa bệnh ngày sabát bị coi như lao động.

Chỉ được chữa bệnh ngày sabát khi đó là một bệnh nguy tử.

Anh bại tay không phải là người lâm cơn bệnh nguy tử.

Nếu hoãn lại đến ngày mai mới chữa anh, thì có vẻ cũng chẳng sao.

Nhưng Đức Giêsu đã không chấp nhận sự trì hoãn này.

Đối với Ngài, làm điều tốt là chữa ngay cho anh.

Ngài không đợi anh ấy gần chết mới cứu sống.

Cứu sống là cho con người được sống hạnh phúc dồi dào hơn.

Một bàn tay héo khô, teo tóp, bại liệt,

một bàn tay đàn ông chẳng còn làm việc được, chẳng còn tự phục vụ được,

một bàn tay đã chịu tật nguyền như thế từ bao giờ,

theo Đức Giêsu, bàn tay ấy phải được chữa lành ngay khi có thể.

“Hãy giơ tay ra!”

Người ấy đã giơ tay ra và tay anh trở lại bình thường.

Giơ tay ra là điều trước kia anh mong muốn mà không làm được.

Bây giờ anh có thể giơ tay để nắm lấy một bàn tay khác,

và cảm được sự ấm áp chân thành của tình bạn.

Có bao nhiêu bàn tay, dù không bại liệt, nhưng chẳng bao giờ bình thường

vì chẳng bao giờ dám đưa ra để trao và để nhận, để nắm và để buông.

Trước sự thinh lặng chai đá của các kẻ chống đối,

Đức Giêsu vừa giận vừa buồn (c.5).

Ngài chấp nhận trả giá cho quyết định của mình.

Ngài đã chữa bệnh chỉ bằng một lời nói, chứ không bằng đụng chạm.

Thế nên theo Luật Môsê, Ngài vẫn không bị coi là đã vi phạm ngày sabát.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau

để làm thành một vòng tròn khép kín.

Sau đó chúng con hiểu rằng

cần phải buông tay nhau

để nhận những người bạn mới,

để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng

và trái tim được lớn lên mãi.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng

cần phải nối vòng tay lớn

xuyên qua các đại dương và lục địa.

vòng tay người nối với người,

vòng tay con người nối với Tạo Hóa.

Chúng con thích Chúa

đứng chung một vòng tròn

với tất cả loài người chúng con,

nắm lấy tay chúng con

và đưa chúng con lên cao.

Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá

giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau

và nhận nhau là anh em. Amen.

 

 

CHỮA LÀNH NHIỀU BỆNH NHÂN

Thứ Năm tuần 2 Thường niên

Lời Chúa: Mc 3, 7-12

Ðức Giêsu cùng với các môn đệ cửa Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Galilê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giuđê, từ Giêrusalem, từ xứ Iđumê, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđon, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Ðức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay được coi là một bản tóm lược

những hoạt động của Đức Giêsu tại vùng phía biển hồ.

Có vẻ Ngài rút lui về vùng này không phải vì sợ bị hãm hại (Mc 3, 6),

nhưng để mở rộng phạm vi hoạt động hơn.

Như trước đây không lâu, mọi người từ vùng Giuđê và Giêrusalem

kéo tới xin chịu thanh tẩy bởi ông Gioan (Mc 1, 5),

giờ đây một đám đông lớn hơn từ khắp mọi vùng đổ xô đến với Đức Giêsu.

Có thể nói cả dân Israel hào hứng tụ họp bên ngài (Mc 3, 7-8).

Chưa bao giờ Đức Giêsu thành công đến thế!

Nhưng nhiều người trong đám đông khổng lồ này lại là những bệnh nhân.

Họ theo Đức Giêsu vì họ đã nghe biết những phép lạ chữa bệnh ngài làm.

Đức Giêsu xin các môn đệ chuẩn bị một chiếc thuyền

để nếu bị chen lấn quá trên bờ, ngài còn có thể xuống thuyền mà tránh đám đông.

Những bệnh nhân tin rằng mình có thể được chữa lành nhờ chạm đến Ngài.

Có những người chỉ xin chạm vào tua áo choàng của Ngài (Mc 6, 56).

Họ không chờ Đức Giêsu đến với họ.

Chính họ chủ động chen lấn để chạm đến Đức Giêsu.

Họ không cần Ngài phải làm gì hay nói gì,

họ chỉ cần chạm đến trong lòng tin là mọi bệnh tật được chữa khỏi.

Dù y khoa đã đạt được những bước tiến đáng kể,

nhưng ai có thể thống kê hết số bệnh nhân trên thế giới.

Con người hôm xưa chạy đến với Đức Giêsu để xin được chữa lành

khỏi ách nặng nề của bệnh tật thân xác và tinh thần.

Con người hôm nay cũng chạy đến với Giáo Hội để xin được chữa lành.

Mọi nhà thương, phòng khám bệnh hay phát thuốc của người Công giáo,

đều là nơi các bệnh nhân gặp được Đức Giêsu.

Nơi đây họ chạm được vào con người nhân hậu của Ngài,

và nơi đây Đức Giêsu chạm đến họ qua bàn tay của những y bác sĩ Công giáo.

Con người hôm nay nhận ra Chúa Giêsu

không nhờ sự giới thiệu của quỷ: “Ông là Con Thiên Chúa”,

nhưng nhờ sự phục vụ khiêm hạ của những lương y sống như Giêsu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin

để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,

nơi khuôn mặt khốn khổ

của tất cả những người bị thử thách:

những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,

nhưng vì thiếu Lời Chúa;

những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,

nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;

những kẻ vô gia cư,

không chỉ tìm kiếm một mái nhà,

nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;

những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,

không chỉ trong thân xác,

nhưng còn trong tinh thần nữa,

bằng cách thực thi lời hy vọng này:

“Điều mà ngươi làm

cho người bé mọn nhất trong anh em

là làm cho chính Ta”. Amen.

(Thánh Têrêxa Calcutta)

 

 

ĐẾN VỚI NGƯỜI, Ở VỚI NGƯỜI

Thứ Sáu tuần 2 Thường niên

Lời Chúa: Mc 3, 13-19

Đức Giêsu lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Simon là Phêrô, rồi có ông Giacôbê con ông Dêbêđê, và ông Gioan em ông Giacôbê Người đặt tên cho hai ông là Boanêghê, nghĩa là con của thiên lôi, rồi đến các ông Anrê, Philípphê, Batôlômêô, Máthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simon thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa Ítcariốt chính là kẻ nộp Người.

Suy niệm

Thông thường ở xã hội Do Thái, người môn đệ đi tầm sư học đạo. Còn Thầy Giêsu lại đi “gọi” học trò. Thầy muốn lập một nhóm học trò ruột, hết sức gần gũi với mình. Những người Thầy muốn, Thầy đã gọi họ lại. Và họ đã đáp lời mà đến với vị Thầy đang ở trên núi. Như thế sáng kiến thì bắt nguồn từ Thầy, còn đáp lại là điều con người cần thực hiện. Thầy Giêsu muốn lập một nhóm mười hai môn đệ. Có thể vì Thầy nhớ đến mười hai chi tộc Israel ngày xưa. Mục đích của nhóm Mười Hai này là ở với Thầy và được Thầy sai đi. Ở với là chuyện ưu tiên, và cũng là chuyện dễ bị xao lãng. Ở với là có tương quan thân thiết và thường xuyên với Thầy. Ở với là chia sẻ cuộc sống ăn ở, đói no, thành công, thất bại. Khi ở với Thầy Giêsu, người môn đệ hiểu Thầy sâu xa và gắn bó với Thầy. Khi các môn đệ đến với và ở với Thầy Giêsu, họ như được tách ra khỏi đám đông. Sau này, khi tìm người thay thế Giuđa phản bội, Phêrô đòi đó phải là người đã sống với Thầy Giêsu ngay từ đầu (x.Cv 1, 22). Ở với nằm trong định nghĩa về người môn đệ của Thầy Giêsu. Nhưng đó không phải là điểm dừng. Ở lại với Chúa là để được sai đến với con người. Được tách ra khỏi đám đông chính là để được sai đến với đám đông, trong tư cách của người đã được mắt thấy tai nghe Thầy Giêsu. Người môn đệ được sai sẽ được phép làm những việc y hệt như Thầy: rao giảng Tin Mừng và trừ quỷ nhằm phục vụ cho con người. Chẳng những họ làm việc như Thầy, họ còn làm việc của Thầy và với Thầy. Không ở với thì cũng chẳng được sai đi, và cũng không đủ sức để được sai. Nhưng ở với là để có ngày được sai đi, mà sai đi thì vẫn luôn ở với. Kitô hữu là người được gọi, để ở với Chúa Giêsu và được ngài sai đi. Cuộc sống xao động hôm nay có vẻ làm ta quên ở với Chúa và rơi vào tình trạng nghiện việc. Chính vì thế công việc ta làm không đem lại hiệu quả thực sự và lâu bền. Hãy ở với Giêsu mỗi ngày 15 phút, bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi.

Cầu nguyện

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,

xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,

xin cho con quý chuộng những lúc

được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,

xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa

để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,

xin cho con thoát được lên cao

nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,

ước gì tinh thần cầu nguyện

thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện,

xin cho con gặp được con người thật của con

và khuôn mặt thật của Chúa. Amen.

 

 

NGƯỜI BỊ MẤT TRÍ

Thứ Bảy tuần 2 Thường niên

Lời Chúa: Mc 3, 20-21

Khi ấy, Đức Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay thật là ngắn, chỉ gồm có hai câu.

Nhưng câu chuyện kể lại có thế làm chúng ta bối rối.

Đức Giêsu đã gặp sự chống đối từ phía các kinh sư và người Pharisêu.

Bây giờ Ngài lại gặp sự hiểu lầm từ phía những thân nhân,

trong đó có thể có thân mẫu của Ngài (x. Mc 3, 31).

Khi Đức Giê su và các môn đệ trờ về nhà ở Caphácnaum,

đám đông lại kéo đến.

Nhu cầu thật lớn lao và thúc bách khiến cả nhóm không thể nào có giờ ăn.

Thân nhân của Ngài nghe tin ấy thì hốt hoảng.

Có lẽ họ đã đi từ quê làng Nadarét đến để gặp Đức Giêsu.

Họ nghĩ Ngài bị mất trí và họ muốn lôi Ngài về lại quê nhà.

Họ sẵn sàng dùng sức mạnh để ép Đức Giêsu phải đi.

Kể cũng lạ nếu chỉ dựa vào chuyện Đức Giêsu không ăn

để vội vã kết luận là Ngài mất trí.

Các thân nhân chẳng để ý đến chuyện đám đông chạy đến với Ngài

để được trừ quỷ, được chữa bệnh và để được nghe giảng.

Làm sao một người mất trí có thể làm được những việc như thế?

Xem ra họ không hiểu mấy về con người và sứ mạng của Đức Giêsu.

Thật ra dưới mắt của các thân nhân,

Đức Giêsu có những điều chẳng bình thường chút nào.

Ngài đã không lập gia đình như những thanh niên khác.

Ngài đã bỏ nghề thợ mộc ở Nadarét để lang thang khắp đó đây.

Dù không phải là người học thức,

Ngài đã chiêu tập một nhóm môn đệ chủ yếu là dân đánh cá,

đã giao du với những hạng người nên tránh, đã dám đụng độ với các kinh sư,

và bây giờ Ngài đang mê mệt với một đám đông cuồng nhiệt theo Ngài.

Họ tự hỏi ông Giêsu, người thân của họ, có vấn đề gì về tâm lý không,

có rơi vào tình trạng hoang tưởng tự đại không.

Chúng ta cần nhiều thời gian để hiểu được sự “mất trí” của Đức Giêsu.

Quan hệ máu mủ có khi lại làm cản trở việc nhận ra Ngài là ai.

Đức Giêsu bao giờ cũng vượt trên những gì chúng ta thường nghĩ.

Cần thấy được sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Thiên Chúa

nơi sự “mất trí” và điên rồ của Đức Giêsu trên thập giá (1 Cr 1, 18).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nadarét đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.