Hạt Giống Nảy Mầm Lễ Dâng CGS Vào Đền Thánh

print

Ngày 2/2

DÂNG CHÚA GIÊSU VÀO ĐỀN THÁNH

Lc 2,22-40

 

Lịch Sử

Thánh lễ 40 ngày sau lễ Giáng Sinh đã xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ V tại Giêrusalem và được “mừng một cách trọng thể như lễ Phục Sinh vậy” (tường trình của thánh nữ hành hương Aetheria). Mãi đến năm 650, thánh lễ này mới du nhập vào Roma. Nội dung thánh lễ được triển khai theo đoạn Phúc Âm thánh Luca 2,22-40.

Giáo hội Phương Đông hiểu thánh lễ này như lễ gặp gỡ của Chúa : Đấng Mê-si bước vào Đền thờ và gặp dân Thiên Chúa của Cựu Ước qua ông Si-mê-on và bà tiên tri Anna ; Giáo hội Tây Phương lại coi đây là thánh lễ mừng kính Đức Maria : thanh tẩy theo luật Do thái (Lv 12).

Khi du nhập vào phụng vụ Rôma, Đức Thánh Cha Sét-gi-ô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến, vì thế từ thế kỷ VIII, thánh lễ được gọi là Lễ Nến. Trong cuộc rước nến này, Đức Thánh Cha và cả đoàn đồng tế mặc phẩm phục tím, ám chỉ sự chưa thanh tẩy của Đức Maria khi lên Giêrusalem ; khi đoàn đồng tế đến Đại thánh đường Đức Bà Cả, liền thay phẩm phục trắng, chỉ sự tinh tuyền đã được thanh tẩy của Đức Maria.

Từ cuộc canh tân Phụng Vụ năm 1960, ngay cả trong phụng vụ Rôma, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa, hơn là Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ.

Thánh lễ này chấm dứt chu kỳ Giáng Sinh. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống…

Đoạn này gồm 3 chuyện :

  1. Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu lên Đền thờ Giêrusalem để chu toàn 2 bổn phận của lề luật : Thanh tẩy cho Đức Maria sau khi sinh con ; dâng Chúa Giêsu là con trai đầu lòng cho Thiên Chúa. Câu chuyện cho thấy Thánh gia tuân giữ lề luật rất chu đáo ; đồng thời những lễ vật các Ngài dâng chứng tỏ Thánh gia nghèo.
  2. Trong dịp này Thánh Gia đã gặp được cụ Simêon. Cụ được Thánh Thần soi sáng cho biết trẻ Giêsu chính là Đấng Messia cho nên toại nguyện vì gặp được Ngài. Cụ nói Chúa Giêsu là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại”.
  3. Trong dịp này các Ngài cũng gặp nữ ngôn sứ Anna và bà cũng nói tiên tri về tương lại Chúa Giêsu.

B… nảy mầm.

  1. Gia đình Nazarét được gọi là Thánh Gia, là gương mẫu cho mọi gia đình tín hữu. Qua đoạn Tin Mừng này, ta có thể thấy những nét của một gia đình tín hữu tốt :

– Một gia đình tốt không chỉ co rút trong ngôi nhà của mình, nhưng còn thích cùng nhau lên Nhà Chúa : theo luật, việc dâng con cho Thiên Chúa có thể thực hiện tại nhà ; cũng theo luật, việc thanh tẩy người mẹ không buộc người cha phải đi theo lên Đền thờ. Nhưng cả ba đã cùng nhau lên Đền thờ.

– Một gia đình tốt là gia đình tuân giữ luật Chúa : “Cha mẹ hài nhi đem con lên Đền thờ để chu toàn Lề luật…”.

– Một gia đình tốt là gia đình biết dâng cho Chúa những gì tốt nhất của mình : “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh dành cho Chúa”.

– Gia đình tốt có thể nghèo (lễ vật của Thánh Gia chứng tỏ các Ngài nghèo), và không tránh khỏi đau khổ (“Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”), nhưng vẫn hạnh phúc vì có Chúa Giêsu ở giữa, có Chúa Giêsu là thành viên.

  1. Một thanh niên Scốtlen tìm được một chân làm vườn trong một gia đình giàu có. Nhưng chỉ hai tuần sau, anh xin thôi việc. Một người bạn hỏi :

– Có phải công việc quá cực nhọc không ?

– Không, công việc rất nhàn.

– Có phải lương quá ít không ?

– Không, lương khá lắm.

– Hay anh không thích đồ ăn ở đó ?

– Cũng không phải. Đồ ăn rất ngon.

– Vậy tại sao anh thôi việc ?

– Vì nhà đó không có mái che.

Đối với người Scốtlen, thành ngữ “nhà không có mái che” nghĩa là gia đình không biết cầu nguyện. (Tonne).

  1. Một nhóm người thiện chí bàn nhau cách phổ biến Tin Mừng. Có người đề nghị quảng cáo trên TV, người khác đề nghị dùng báo chí. Một thiếu nữ Châu Phi chia sẻ : Ở xứ tôi, khi muốn loan Tin Mừng cho một vùng nào đó thì chúng tôi gởi đến đấy một gia đình công giáo tốt để gia đình này sống giữa những người khác trong vùng. (Barclay)
  2. Trên tường một nhà thờ cổ ở Đức có một bức tranh được vẽ cách nay khoảng 500 năm, diễn tả cảnh trẻ Giêsu đang đi học. Họa sĩ vẽ Ngài là một cậu bé 6 tuổi đang một tay nắm tay bà ngoại Anna và tay kia cầm cặp.

Trẻ Giêsu cũng giống như những bé trai, bé gái cùng thời đến trường để thêm kinh nghiệm, như Thánh Kinh nói : “Con trẻ ngày càng khôn lớn”. (Góp nhặt).

  1. Trong khi người Ấn độ được đánh giá là giỏi triết lý, người Trung hoa được đánh giá là giàu lễ nghĩa, thì người Do thái được đánh giá là tinh thần tín ngưỡng cao. Nhờ đâu? Nhờ người cha Do thái biết quan tâm đến việc đạo trong gia đình. Trong gia đình Do thái, người cha chủ sự những buổi cầu nguyện, người cha lãnh trách nhiệm khai tâm tôn giáo cho con, người cha hãnh diện truyền lại cho con truyền thống đạo đức của ông bà tổ tiên.
  2. “Vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân” (Lc 2,30-31).

Bước chân vào trại dưỡng lão, hình ảnh đập vào mắt tôi trước tiên là những cụ già lưng còng, ốm yếu hay liệt giường. Không khí ở đây thật khó chịu. Tôi phải lấy hết can đảm mới có thể đến gần thăm hỏi các cụ. Đến giờ ăn, chúng tôi chia nhau đút cơm cho các cụ. Một bà cụ nắm lấy tay tôi và nói : “Nhờ các cô mà chúng tôi mới được ăn no. Nhiều lúc muốn ăn cũng không được. Cám ơn các cô nhiều. Lần sau các cô nhớ đến nhé”. Nghe cụ nói, tôi cảm thấy hối hận vì những ý nghĩ và thái độ thoạt đầu khi mới đến.

Nếu như ngày xưa Đức Giêsu đã được Mẹ Maria và thánh Giuse đưa lên Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa theo luật Môsê, đồng thời bày tỏ vinh quang của Ngài cho muôn dân, thì ngày nay tôi cũng đã được cha mẹ đưa đến nhà thờ để tiến dâng cho Thiên Chúa, và nhờ Bí tích Thanh Tẩy trở nên một Kitô hữu. Là một Kitô hữu, tôi sẽ làm gì để bày tỏ vinh quang Chúa nếu không phải là cảm thông và chia sẻ với những người nghèo khổ chung quanh, đặc biệt là những người già nua, bệnh hoạn, tật nguyền.

Xin cho con biết bày tỏ vinh quang Chúa bằng nỗ lực vun trồng sự sống, đón nhận và chia sẻ với những người nghèo khổ bất hạnh quanh con. (Epphata)