Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 2 Phục Sinh, Năm B

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 2 Phục Sinh, Năm B

Tuần Bát nhật Phục Sinh là tám ngày, từ Chúa nhật Phục Sinh đến Chúa nhật thứ hai Phục Sinh, theo cách người ta vẫn tính. Hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh lại hiện đến với các Tông đồ lần thứ hai tại Phòng Trên (Ga 20,26-29). Trong thời gian 8 ngày vừa qua, Giáo hội đã trình bày cho chúng ta những câu chuyện Tin mừng về Chúa Phục Sinh. Hôm nay cũng được gọi là Chúa nhật về lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Đó là một lễ trọng được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập vào năm 2000 khi ngài phong thánh cho thánh nữ Faustina Kowalska và tuyên bố, Chúa nhật thứ hai Phục Sinh hằng năm là Chúa nhật kính lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ngày lễ hôm nay mời gọi tất cả chúng ta hãy luôn tín thác vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, qua cảm nghiệm của thánh nữ Faustina Kowalska, người đã nhận được nhiều thị kiến và đã được trò chuyện với Chúa Cứu Thế. Trong ngày lễ này, Chúa Phục Sinh hứa ban nhiều ơn lành cho những ai có lòng sùng kính và tín thác vào Người, và Giáo hội cũng ban ơn toàn xá cho những ai kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

 

BÀI ĐỌC 1: Cv 4,32-35

Các tín hữu chỉ một lòng một ý

Vào sáu chủ nhật tiếp theo của mùa Phục sinh, chúng ta sẽ nghe câu chuyện về cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Mỗi mùa Phục sinh Giáo hội trình bày cộng đoàn này như một hình mẫu cho chúng ta, phác họa những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của họ. Bài đọc thứ nhất hôm nay nhấn mạnh đến sự hợp nhất của cộng đoàn và sự quan tâm chia sẻ vật chất với nhau để đảm bảo rằng không ai phải thiếu thốn. Sự chăm sóc này hướng đến những ai có nhu cầu, đặc biệt là trong các vấn đề vật chất của cải, vẫn là một thách thức mạnh mẽ đối với chúng ta ngày nay. Sự quan tâm đến những người túng thiếu vẫn được nhấn mạnh trong suốt chiều dài Kinh Thánh, từ phần đầu tiên của các điều luật của Israel cho đến thư của thánh Giacôbê và hơn thế nữa. Như mỗi người nam và người nữ được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, thì chúng ta phải chăm sóc lẫn nhau và nhất là đối với những người đang thiếu thốn như chính Thiên Chúa đã quan tâm đến chúng ta vậy. Đây là một phần bổn phận của mỗi người trong việc nuôi dưỡng sự sống và chăm sóc tạo vật. Phúc âm Luca đặc biệt nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của của cải đồng thời nêu lên ý thức của mỗi người trong việc sử dụng của cải một cách có trách nhiệm và quảng đại. Điều này được tiếp nối trong sách Công vụ Tông đồ như là một phần của việc trở thành “một lòng một ý”. Đặc điểm khác trong cuộc sống chung của cộng đoàn tín hữu thời sơ khai là mạnh mẽ làm chứng và công bố về Chúa Phục Sinh.

 

ĐÁP CA: Tv 118:2-4, 13-15, 22-24

Lòng thương xót Chúa tồn tại muôn đời

Đáp ca tuần này cũng giống Chúa nhật Phục Sinh. Chúng ta cử hành Thánh vịnh này trong Phụng vụ Tuần Thánh, Chúa nhật Phục sinh và các Tuần lễ Phục sinh vì Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta, hoàn tất Thánh vịnh này.

Thánh vịnh 118 là một thánh ca tạ ơn long trọng, cũng là Thánh vịnh cuối cùng trong bộ Hallel (Tv 113-118), được hát trong cộng đoàn phụng vụ tại Đền Thờ Giêrusalem kéo dài tám ngày của Lễ Vượt Qua và Bánh Không Men. Khi Chúa Giêsu tiến vào thành thánh Giêrusalem trong dịp Lễ Lá dân chúng cũng dùng Tv 118,25-26 để tung hô, vạn tuế Người (Mt 21,9; Mc 11,9-10; Lc 19,38; Ga 12,13).

Thánh vịnh 118 bắt đầu bằng lời mời gọi tạ ơn tình yêu thương bền vững của Chúa, là giao ước Chúa dành cho dân Ngài (cc. 1-2). Các câu 16-17 nói về “cánh tay hữu của Chúa”, “cánh tay đã được nâng lên cao”, mà chúng ta hiểu là nói về Chúa Giêsu Kitô, Đấng Phục sinh, Đấng đã ban cho chúng ta sự sống mới và chiến thắng cái chết. Chúa Giêsu là “hòn đá mà những người thợ xây loại bỏ”: giới chức tôn giáo của Giao ước cũ đã “khước từ” Người để rồi Người trở nên “viên đá tảng” trong đức tin của chúng ta (c. 22).

Chúa Giêsu đã trích dẫn Thánh vịnh 118, 22-23 khi Người giảng dạy trong Đền thờ vào ngày thứ Hai cuối cùng của Người tại Giêrusalem. Chúa đã áp dụng câu Thánh vịnh này cho chính Người trong Mt 21,42. Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, thánh Phêrô đã làm chứng tại phiên tòa xét xử mình trước cùng một tòa án đã kết án tử hình Chúa Giêsu là Thượng Hội Đồng, rằng Chúa Giêsu Kitô là “tảng đá”, và giới chức tôn giáo chính là “những người thợ xây” đã loại bỏ Người. Lúc đó, ông đã dùng Thánh vịnh 118, 22 cho Chúa Kitô (Cv 4,11). Ông sẽ trích dẫn Thánh vịnh 118, 22 một lần nữa, khẳng định Chúa Giêsu là “đá tảng” trong 1 Pr 2, 7. Thánh Phaolô cũng viết rằng Chúa Giêsu là “hòn đá tảng” trong thư Rôma 9,33 bằng cách đề cập đến một lời tiên tri liên quan trong Isaia 28,16b. Và trong thư Êphêsô 2,19-20, Phaolô viết rằng “Kitô hữu là người nhà của gia đình Thiên Chúa … được xây dựng trên nền tảng của các Tông đồ và tiên tri, mà chính Chúa Giêsu là viên đá tảng.” Cuối cùng, Chúa Giêsu đã ứng nghiệm lời Thánh vịnh 118,23 qua các công việc của Người, “công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (c. 23) bởi vì Người đã ban cho chúng ta hồng ân cứu chuộc muôn đời.

 

BÀI ĐỌC 2: Ga 5,1-6

Được Thiên Chúa sinh ra

Các bài đọc thứ hai cho các Chúa nhật mùa Lễ Phục sinh năm nay đều trích từ thư thứ nhất của Thánh Gioan. Chủ đề chính là tình yêu theo Kitô giáo. Điều có ý nghĩa quan trọng là đoạn văn của Chúa nhật này không theo trật tự này. Nó tập trung vào hai khía cạnh bao quát của tình yêu Kitô giáo, mà đó là cốt yếu cho bất kỳ sự biểu lộ chân thực nào của tình yêu đó. Khía cạnh thứ nhất là tình yêu chinh phục thế giới này được xây dựng trên niềm tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. ‘Thế gian’ ở đây chỉ tất cả các thái độ xấu xa, vô luân và vô tín; nó đứng đối lập với các giá trị của Kitô giáo. Khi cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, Thiên Chúa đã cho thấy sự hư ảo của những thái độ này, và đã cho tình yêu Kitô giáo chiến thắng chúng một cách chắc chắn. Đó chính là những giá trị đích thực mà cuối cùng sẽ chiếm ưu thế. Khía cạnh thứ hai, đó là nhờ tình yêu Kitô giáo, chúng ta được dưỡng dục để trở nên con cái Thiên Chúa, được đồng thừa tự với Chúa Kitô và có thể thưa lên từ đáy lòng chân thật của mình: “Abba, Cha ơi”. Theo tâm thức Do Thái, trở thành “một người con” rộng hơn là thuộc về một thế hệ huyết nhục. Nó còn bao gồm sự tôn trọng, sự tận tâm, thái độ tuân phục, để mắt đến tha nhân, nỗ lực dẹp bỏ ý muốn riêng tư, khả năng và hành vi phục vụ đời sống chung…Những phẩm chất này giống như cách diễn tả “theo hình ảnh của…”, nhưng sát thực tế hơn, mạnh mẽ hơn, chân thành hơn và thân thiết hơn.

 

TIN MỪNG: Ga 20,19-31

Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ

Hai lần phục sinh tạo thành một kiểu lưỡng hợp. Bản lề kết nối hai trình thuật này là nhân vật Tôma. Vắng mặt trong lần hiện ra trước, ông là nhân vật trung tâm của sự kiện thứ hai. Sự vắng mặt của ông là điều gây tò mò, bởi vì trong cả hai trường hợp, cửa phòng nơi các môn đồ tụ họp đều được khóa cẩn thận vì các tông đồ “sợ người Do Thái” (c. 19). Tại sao Tôma lại không tụ họp với những môn đệ còn lại? Ông không sợ hay sao? Hay ông quá sợ hãi khi phải kết giao với họ? Lý do vắng mặt của ông không bao giờ được đưa ra. Tuy nhiên, nó tạo cơ hội cho một cuộc gặp gỡ khác với Chúa Phục Sinh và sự thể hiện đức tin sau đó.

Hai lần Chúa Phục Sinh hiện ra đều có một số điểm chung: cả hai đều xảy ra vào ngày đầu tuần; mặc dù những cánh cửa đều đóng kín, Chúa Giêsu xuất hiện ở giữa họ; Người nói với họ bằng một lời chào chúc bình an; Người mời gọi họ chú ý đến vết thương của Người. Mỗi chi tiết này đều mang những ý nghĩa thần học sâu xa.

Ngày đầu tuần thực sự là ngày Chúa sống lại (c.19) hoặc ngày tưởng niệm biến cố này (c. 26). Toàn bộ tính toán về thời gian đã được thay đổi. Trước đây ngày cuối tuần mang ý nghĩa tôn giáo, thì bây giờ trọng tâm là ngày khởi đầu, hướng về tương lai. Những cánh cửa đóng kín không chỉ bảo đảm cho các môn đệ khỏi những kẻ thù địch với họ, mà còn nhấn mạnh đặc tính huyền nhiệm của thân xác Chúa Giêsu sống lại, nó không bị cản trở bởi những trở ngại vật chất ngoại giới. Lời chúc bình an, lời chào chúc thường ngày, cũng trở thành lời cầu xin các phúc lành thời cánh chung như sức khỏe, thịnh vượng, những điều may lành. Cuối cùng, bằng cách mời gọi chú ý đến những vết thương ở tay và cạnh sườn, Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy rằng Người thực sự là Đấng bị đóng đinh nay đã sống lại.

Theo trình thuật này, chính vào buổi chiều ngày phục sinh, Chúa Thánh Thần được ban cho các môn đệ. Họ được ủy thác để ra đi, để công bố ơn cứu độ và sự xét xử. Mặc dù chỉ thị này đến từ Chúa Giêsu, nhưng đó là sự tiếp nối sứ vụ mà Người nhận được từ Chúa Cha. Lời chứng ba ngôi ở đây rất rõ ràng. Hình ảnh thổi sự sống vào người khác gợi nhớ đến cuộc tạo dựng Ađam (x. St 2,7) và sự phục hồi Israel (x. Ed 37,9). Chính hành động này của Chúa Phục sinh đã cho thấy Người nắm giữ vai trò sáng tạo và tái tạo.

Ông Tôma đại diện cho thế hệ Kitô hữu thứ hai, những người được kêu gọi tin vào lời chứng của người khác. Theo một cách nào đó, đức tin đòi hỏi nơi ông còn nhiều hơn nơi những người thực sự gặp Chúa Phục Sinh. Nhìn theo cách này, sự nghi ngờ của ông là điều dễ hiểu. Trong khi chúng ta có thể phán xét ông một cách nghiêm khắc vì sự cứng tin, còn Chúa Giêsu lại không. Thay vào đó, Người mời Tôma chạm vào Người, một lời mời trước đó không được đưa ra cho các môn đệ khác. Câu chuyện không nói rằng ông Tôma thực sự đã chạm vào vết thương, chỉ nói rằng ông đã kêu lên trong đức tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Các môn đệ khác nhận ra rằng Đấng ở giữa họ cũng là Chúa của họ. Ông Tôma tuyên bố rằng Chúa Phục sinh là Thiên Chúa, một lời tuyên xưng đức tin vượt xa những người khác.

Theo Chúa Giêsu, đức tin dù có sâu sắc như cuối cùng Tôma đã tuyên xưng, thì điều đó không thể so sánh với đức tin của những người không được trải nghiệm gặp Chúa Phục Sinh như được mô tả ở đây. Tôma được nhớ đến không phải vì ông vắng mặt hay vì ông nghi ngờ mà bởi vì, giống như chúng ta, ông được mời gọi tin vào lời chứng của người khác. Và cũng như Tôma, chúng ta biết điều đó khó khăn như thế nào.

            THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

            +  GLHTCG 448, 641-646: Những cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh

            + GLHTCG 1084-1089: Sự hiện diện thánh hóa của Chúa Phục Sinh trong phụng vụ

            + GLHTCG 2177-2178, 1342: Thánh lễ ngày Chúa Nhật

            + GLHTCG 654-655, 1988: Đời sống mới trong Chúa Kitô Phục Sinh

            + GLHTCG (26-984, 1441-1442: “Tôi tin phép tha tội”

            + GLHTCG 949-953, 1329, 1342, 2624, 2790: Hiệp thông các của cải thiêng liêng

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

 

print