Bài 29: Vấn Đề Lạm Dụng Tình Dục

print

 Bài 29:

VẤN ĐỀ LẠM DỤNG TÌNH DỤC

  1. Những điều nghe biết về lạm dụng tình dục.

Nhờ những hoàn cảnh sau đây, tôi được nghe biết dần dần về lạm dụng tình dục:

  • Năm 1946, 12 tuổi thi đậu vào Tiểu Chủng Viện Hà Nội tại Hoàng nguyên được cha linh hướng và cha giám đốc huấn đức chỉ dạy để sống tuổi dậy thì, làm chủ thân xác, tránh thói quen xấu về tình dục, tránh kết nghĩa riêng…

Năm 1954, 20 tuổi vào đại chủng viện Xuân Bích, tiếp tục được đào tạo để làm chủ giới tính, trưởng thành tâm sinh lý, hiểu biết về luân lý hôn nhân, về sống độc thân…

Năm 1961, 27 tuổi, chịu chức linh mục, hàng năm dự cấm phòng năm cùng với quý cha giáo phận, do hầu hết các giám mục, viện phụ, bề trên các dòng, các linh mục nổi tiếng ở Việt Nam, giúp kiểm điểm và canh tân đời sống . Nhưng suốt 58 năm các Đấng chỉ chọn những đề tài thần học, kinh thánh, mục vụ, các bí tích, cầu nguyện… chỉ có năm 2003, một giám mục trình bày về những điều phải tránh là: “3 Đ” độc tài, độc tôn, độc đoán và “3L” làm phách, làm biếng, làm sang; năm 2017 một giám mục khác trình bày về 3 điều phải tránh làm nô lệ: nô lệ tình dục, tiền, tửu ; và năm 2015 một giám mục khác trong bài chia sẻ số 5 về “ơn gọi độc thân khiết tịnh”, có bàn về : “việc khép kín vào một mối liên hệ (nghĩa riêng)”, “chuyển đổi thành tình cảm trai gái”, “thủ dâm”, “cuộc sống hai mặt”, “lạm dụng tình dục nơi các linh mục”, “nhục dục”… tuy có nói đến “lạm dụng tình dục” nhưng chỉ lướt qua như “cưỡi ngựa xem hoa” thôi. Trước cách mạng tình dục năm 1960 thường chỉ nói đến tình dục một cách dè dặt.

  • Nhờ nghe đài Vatican, đài Veritas và xem Google mỗi ngày.

Từ ngày về hưu năm 2011, tôi dành thời giờ để nghe cả hai đài, mỗi ngày hơn một tiếng đồng hồ, rất có ích lợi giúp tôi cập nhật hoá tin tức, “cảm thông được với thời sự của giáo hội và cả thế giới”, tăng chất lượng cho đời sống cầu nguyện hằng ngày. Nhờ thông tin của hai đài mà biết được: đức Bênêđictô XVI đã nêu rõ nguyên nhân của khủng hoảng lạm dụng tình dục, đã miễn chức gần 400 linh mục – đức Hồng Y Pell (Úc) bị cáo buộc lạm dụng năm 2017 – đức Phanxicô phải xin lỗi vì sai lầm khi xử lý vụ lạm dụng ở giáo hội Chi Lê năm 2018, đức Phanxicô đã trục xuất Hồng Y Carrick khỏi Toà giám mục Washington năm 2019, ngài đã triệu tập Hội Nghị các Chủ tịch Hội đồng giám mục thế giới và công bố Tự Sắc “Các con là ánh sáng thế gian” năm 2019 – Còn trong Google có đăng tài liệu của Bộ giáo dục Việt Nam hướng dẫn giáo viên dạy học sinh về giới tính và sức khoẻ sinh sản, trong đó có “chỉ đường cho hươu chạy” bằng dùng bao cao su khi dâm dục…

  • Nhờ trang web của Xuân Bích giới thiệu hai khoá học:
  • Khoá đăng lên mạng ngày 11 – 6 – 2019 về trưởng thành tâm sinh lý do Nữ tu bác sĩ Elisabet Trần Như Ý Lan hướng dẫn trong các ngày 8 – 9 tháng 6 năm 2019. Sơ thuộc dòng Đức Bà, tốt nghiệp bác sĩ tại Sài Gòn và đậu tiến sĩ thần học luân lý tại Mỹ. Sơ đang giảng dạy tại nhiều chủng viện và học viện như Đại chủng viện Sài Gòn, Học viện Công giáo, Học viện Dòng tên, Don Boscô. Sơ đã trình bày nhiều đề tài thiết thực, hữu ích nhằm giúp các chủng sinh, tu sĩ có một cái nhìn trưởng thành về tính dục. Các đề tài bao gồm:
  • Đạo đức nghề nghiệp trong mục vụ tông đồ. – lạm dụng tình dục trẻ em – đồng tính luyến ái – tương quan giữa thân xác và sống khiết tịnh – thủ dâm.
  • Khoá đăng lên mạng ngày 9 – 9 – 2019: ban giám đốc Đại chủng viện Huế đã mở khoá học ngoại khoá về tâm lý ngay những ngày đầu năm học từ ngày 6 – 7 tháng 9 – 2019, do sơ Trần Thị Giồng, dòng Đức bà, (CND) tiến sĩ tâm lý phụ trách, về một số chủ đề như: các yếu tố giúp cho cuộc đời tu trì được bền vững – hai yếu tố của đời linh mục – một số đặc điểm tâm lý của nam giới – học cách yêu – và các phương thế phòng chống sa ngã liên quan đến tình dục.

Việc ban giám đốc tổ chức hai khoá học trước năm học mới, khiến tôi rất tâm đắc, ở hai điểm: thứ nhất ban giám đốc đã nhạy bén đáp ứng ngay lời kêu gọi của Đức Phanxicô trong Tự Sắc mới công bố ngày 7 – 5 – 2019 để tìm hiểu ngăn chặn và chống lại lạm dụng tình dục; thứ hai nhiều đề tài trong hai khoá rất phong phú, thiết thực, thời sự… mà bản thân tôi chưa được nghe thuyết trình để lĩnh hội.

  • Nhờ bài viết của Đức Cha Phêrô Khảm, Tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đăng trong bản tin Hiệp Thông số 113 tháng 7 & 8 năm 2019. Ngày 9 – 5 – 2019 Toà Thánh công bố Tự Sắc “Các con là ánh sáng thế gian” để giải quyết nạn giáo sĩ, tu sĩ lạm dụng tình dục thì đầu tháng 9 tôi mua được cuốn Bản Tin Hiệp Thông số 113, tháng 7 và 8 – 2019, có đăng bài “Vài suy tư về vấn nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục”. Thực sự theo tôi, đó là những cảm nhận sâu sắc ngắn gọn của đức cha mà tôi rất tâm đắc vì:
  1. Ngài giúp đánh giá vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục là một “vấn đề nóng” trải rộng và có tầm ảnh hưởng quan trọng trên thế giới cũng như giáo hội.
  2. Ngài đưa ra một hồ sơ 5 điểm để chứng minh tầm quan trọng của nó.

Điểm 1: Nhận định của Đức Bênêđictô XVI: ta đã biết thời xưa vấn đề lạm dụng tình dục vẫn có, nhưng không “nóng ” và trải rộng khắp xã hội và giáo hội. Nay Đức Bênêđictô XVI cho biết: cuộc cách mạng ở Tây phương (1968) đã mở đường cho cuộc cách mạng tình dục, giải phóng tình dục là hình thái giải phóng con người, để con người tự do tình dục, không còn coi nó là chuyện cấm kỵ như xưa; từ đó không có gì là tuyệt đối, mọi sự chỉ có giá trị tương đối, dẫn đến chổ coi Thiên Chúa không còn là chuẩn mực của mọi sự nữa, coi Chúa Giêsu và Thánh Thể của Ngài không còn là đường đi, là sự thật và là sự sống nữa, coi giáo hội chỉ mang một thần học luân lý chao đảo, không thể cho Chúa dùng để cứu chuộc nữa…

Điểm 2: Hành động cập nhật của đức Phanxicô. Đức Phanxicô đã triệu tập hội nghị qui tụ chủ tịch các Hội đồng giám mục thế giới, để hội ý chung với nhau tại Rôma ngay đầu năm 2019 nhằm nghiên cứu giải quyết vấn đề.

Điểm 3: Hội nghị soạn thảo Tự Sắc “Các con là ánh sáng thế gian” để giải thích đưa ra các quy định để xử lý và công bố ngày 9 – 5 – 2019.

Điểm 4: Tự Sắc nhắc nhớ “tới lạm dụng tình dục xúc phạm đến Chúa chúng ta, gây ra những thiệt hại về thể lý, tâm lý và tinh thần cho các nạn nhân và làm tổn thương cộng đồng các tín hữu” mà việc ngăn chặn là trách nhiệm đặc biệt của các giám mục là những Người kế vị các Tông đồ – Tự Sắc qui định mỗi giáo phận: phải có một “văn phòng” tiếp nhận các trình báo – tất cả các giáo sĩ và tu sĩ nam nữ phải trình báo về các bạo hành và lạm dụng trẻ em, người lớn, dễ bị tổn thương, cả nữ tu cũng như các chủng sinh hoặc tập sinh – phải bảo vệ người nộp báo cáo – các giám mục và vị tương đương phải theo thủ tục điều tra – lập quỹ đài thọ các chi phí điều tra, phải tuân thủ luật pháp nhà nước…

Điểm 5: Cả hai đức giáo hoàng Bênêđictô cũng như Phanxicô, đều “có ý thức trách nhiệm và có lòng yêu mến giáo hội” đã thúc đẩy mọi người thay đổi não trạng để tuyệt đối nghiêm túc, không ngừng thanh luyện, lo đào tạo và tuyển chọn các linh mục, thực hiện qui chế xử lý việc lạm dụng tình dục để ngăn chặn và chống lại bằng hành động cụ thể.

Bài viết của đức cha vừa súc tích vừa sâu sắc nhưng mới chỉ nhắm tới ảnh hưởng rất tai hại của nó cho xã hội và giáo hội, còn cần bổ túc thêm nhiều chi tiết thực tế hơn.

  • Nhờ bài của bác sĩ Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà có bằng tiến sĩ luân lý thần học tại Mỹ, viết về “lạm dụng tình dục trẻ em: Một nhận định trên phương diện y học, xã hội luân lý và phục vụ công giáo” đăng trong Bản tin Hiệp thông số 113 tháng 7 và 8 – 2019. Bài viết đề cập tới nhiều vấn đề độc đáo mới mẻ chưa ai nói tới, vừa thực tế vừa dễ hiểu. Bài có 5 phần, xin trích yếu:

Phần 1: Lạm dụng tình dục trẻ em trong giáo hội công giáo:

  • Có hai hồng y, một linh mục, một đức ông bị nêu tên đã phạm tội; có một số bị vu oan; chuyện đức Phanxicô đã sai lầm khi xử lý vụ việc ở Chilê, tỉ lệ sai phạm năm 2012 là 2% trong tổng số 414.000 linh mục; mở Hội nghị các Hội đồng giám mục thế giới và công bố Tự Sắc “Các con là ánh sáng thế gian” để giải quyết.

Phần 2: Lạm dụng tình dục trẻ em trong xã hội: Cơ quan UNICEF cho biết năm 2017 trên thế giới có khoảng 15 triệu trẻ em gái từ 15 đến 19 bị lạm dụng; tại 28 quốc gia có khoảng 90%; tại Việt Nam từ 2014 – 2016 đã phát hiện 4147 vụ, thường do người thân thuộc xâm hại, trong số này có các bậc thầy thuốc, thầy giáo, thầy tu là cao nhất.

Phần 3: Vài định nghĩa và hiểu biết: Bài tạm nêu định nghĩa lạm dụng tình dục là việc người có trách nhiệm với trẻ em hay người khuyết tật dùng lấy các người này để làm các hành vi tình dục, việc này cũng được gọi là ấu dâm hoặc xâm hại tình dục khi có dùng vũ lực, đe doạ, ép buộc, dụ dỗ… lạm dụng tình dục có hai loại: bằng tiếp xúc (có 5 cách), bằng không tiếp xúc (có 5 cách) – nó thường do nam giới và do những người quen biết trong gia đình – hậu quả trên người bị hại là có quan hệ đồng giới, dùng đồ vật, mặc cảm tự ti, bị tẩy chay… – cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con? (làm 11 việc) – khai thác tình dục là gì? – quấy rối tình dục là gì? (có 10 hành vi) – bạo hành tình dục là gì? – có 3 loại: sờ chạm tốt, sờ chạm mơ hồ, sờ chạm xấu.  

Phần 4: Vài nhận định: Hành vi ấu dâm là một tội ác đối với người yếu đuối, một tội khủng khiếp trước mắt Thiên Chúa, một tội làm hại cho lòng tin với giáo hội, một tội thô tục. Chúa đã nói. “Ai phạm thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó và xô cho chìm xuống biển còn hơn” (Mt 18, 5-6) – tội lạm dụng tình dục cho đến nay chưa được định nghĩa rõ ràng thống nhất – nó có thể xảy ra trong xã hội, giáo hội, ở đủ loại tuổi tác, độc thân hay có vợ chồng – có cả 80 triệu du khách mua dâm trên thế giới – khoảng 10 triệu vị thành niên dự vào thị trường bán dâm bên Ý – tội này dẫn tới chủ trương mọi sự chỉ là tương đối, không có gì là tuyệt đối – tội này có tỉ lệ cao trong các giới thầy giáo, thầy thuốc, và cả thầy tu nữa – tội này chịu ảnh hưởng nguy hiểm của khuynh hướng đồng tính luyến ái.

Phần 5: Biện pháp và phương hướng giải quyết của giáo quyền. Tóm tắt biện pháp giáo luật áp dụng đối với giáo sĩ bị coi là lạm dụng tình dục, gồm hai loại:

1/Các biện pháp hạn chế triệt để tác vụ công khai hay ít ra cấm bất kỳ tiếp xúc nào với trẻ. 2/ các hình phạt của giáo hội, nặng nhất là loại khỏi hàng giáo sĩ – Tự Sắc mới công bố ngày 7 – 5 – 2019 đã thiết lập những qui định để “xóa bỏ tai họa này”.

  • – Nhờ bức Tâm thư mới đây nhất của đức Phanxicô gửi các linh mục, nhân dịp kỷ niệm 160 năm Cha Thánh Gioan Maria Vianney qua đời. Bức tâm thư biểu lộ tình thương dạt dào, niềm vui, niềm hy vọng bất chấp tuyệt vọng, đối với các linh mục là anh em, bạn hữu của ngài và đối với vấn đề lạm dụng  tình duc, để tỏ lòng biết ơn và khuyến khích các ngài.

Bức thư gồm 4 mục:

  • Mục 1: Nỗi đau đớn Đức Phanxicô coi tội lạm dụng tình dục của một số giáo sĩ là tội ác kinh khủng, là hiện tượng hết sức đau lòng, làm tan vỡ trái tim con người, là vấn đề nhức nhối của xã hội, là tội lỗi tàn bạo, là dấu hiệu sự hiện diện của ác thần (Ga 17, 15), là kẻ thù tồi tệ nhất của đời sống tâm linh, là thứ rượu thuốc ngon nhất của ma quỷ (Bernanos nói trong tiểu thuyết “Nhật ký của cụ xứ nhà quê”. Các linh mục không thể đùa cợt hay xem thường chuyện này.
  • Mục 2: Lòng biết ơn. Đức Phanxicô nhắc đến chức linh mục và dầu thánh Chúa trao cho, và ngài trào lên lòng biết ơn để nhắc đi nhắc lại tới 9 lần câu: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 120)
  • Mục 3: Lòng can đảm. Trước tội lỗi kinh khủng, tàn ác do “ác thần” cám dỗ như rượu thuốc nguy hiểm, đức Phanxicô khuyến khích các linh mục đừng theo thuyết Pêlagiô để ỷ vào sức mạnh riêng mình, vì mình biết được những qui luật nhất định. Ngài chỉ cách cho chúng ta là cầu nguyện, để dầu đèn của Chúa Thánh Thần giúp ta can đảm sáng suốt vượt qua.
  • Mục 4: Ngợi khen. Biết ơn Chúa và can đảm hướng về Mẹ Maria là “phụ nữ có trái tim bị lưỡi gươm đâm thâu và đồng cảm với những nỗi đau của chúng ta” để Mẹ bao bọc và gìn giữ chúng ta.

 

  1. Nguyện vọng . Tôi năm nay 85 tuổi là một “linh mục về hưu” không chiên để chăn, nhưng thỉnh thoảng vẫn có người đến xưng tội mà thường có người xưng tội phạm đến điều răn thứ sáu, liên quan đến lạm dụng tình dục. Tuy tôi đã biết chút ít qua được học hỏi và qua các phương tiện truyền thông như đã kể trên, nhưng còn nhiều vấn đề mới của thời kỹ thuật số ngày nay chưa được biết. Tôi cũng là học trò Xuân Bích xem trong Ratio Sacerdotalis 2016 có nói đến đào tạo khởi đầu và đào tạo thường xuyên, nên tôi nghĩ các cựu học sinh đều có nguyện vọng rằng: quý cha giáo được trang bị đủ các môn ngành triết lý, tâm lý, thần học, luân lý, thánh kinh, luân lý sinh học… đầy thẩm quyền để có thể tổng hợp, đánh giá chọn lọc những kiến thức mới nhất, đúng nhất, hay nhất để cập nhật hoá và chia sẻ cho các học trò cả già lẫn trẻ không còn ở dưới mái trường, để tất cả cùng với giáo hội không những chỉ ngăn cản và chống lại lạm dụng tình dục, mà còn biết lợi dụng tình dục nghĩa là lợi dụng khả năng tình dục Chúa ban cho để yêu mến Thiên Chúa và mọi người như Chúa Giêsu đã yêu (Ga 13, 34).

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà hưu dưỡng linh mục Cần Thơ