Yêu Kẻ Thù Và Làm Ơn Cho Kẻ Ghét Mình

print

Yêu Kẻ Thù Và Làm Ơn Cho Kẻ Ghét Mình

Chúa Nhật 7 Thường Niên C.  20.02.22

vo ha

Lời Chúa được đúc kết để sống hoan lạc cho tuần lễ Chúa Nhật thường niên 7 C, mang tới cho nhân loại giải pháp hoàn toàn mới lạ và hiệu quả trước mọi tranh chấp đối nghịc lớn nhỏ của thế giới xưa nay.  Nhưng nhân loại, cả con nữa,  không mấy khi chịu thực hành bài học nầy.

Theo Thánh Kinh Kitô Giáo, hậu quả thảm hại đầu tiên sau khi hai Nguyên Tổ Adam và Eva phạm tội phá vỡ trật tự tốt lành Thiên Chúa dựng nên thuở ban đầu, là Ca-in giết em ruột A-ben, vì Thiên Chúa nhận lễ vật của người em, mà không với người anh (St 4:1-8).

Sự bất hòa đã xảy ra trong nội bộ gia đình giữa anh em cùng cha mẹ, huynh đệ tương tàn bao phen. Anh chị em trong nhà còn coi nhau như kẻ thù không đội trời chung, không thể dung thứ, làm sao yêu thương, cầu nguyện và giúp đỡ nhau được. Rồi khi nhân loại  đông hơn, thì tội ác các thứ càng gia tăng có khi theo cấp số nhơn (St 6: 5-12).

Nhiều nhà sử học và tội phạm học cho thấy, trong 3000 năm trở lại, nhân loại chỉ có chừng 300 năm hoà bình thật sự.   Thời gian còn lại, là tranh chấp nhỏ lớn, chiến tranh cấp bộ lạc, rồi địa phương, tới cấp vùng, lan rộng  trên cấp quốc gia và toàn diện là hai cuộc thế chiến thế kỷ 20 vừa qua. Từ đó tới nay, thế giới chưa im tiếng súng.

Nhìn lại, chiến tranh do thế lực mạnh dành quyền, rồi  xúi dục gây ra cảnh hận thù cá nhân, gia đình, dòng tộc, quốc gia dẩn tới truyền kiếp báo thù để rửa nhục, thanh minh hoặc núp dưới danh nghĩa đem lại danh dự cho người đã hi sinh. Nên thù hận tiếp nối đời nầy qua đời khác không dứt, khiến nước mắt nhân loại nhiều hơn nước các đại dương!

Giải pháp tốt nhất để giải quyết những xung đột bất hoà trên là điển hình tiên tiến của Vua Davit và Lời Chúa trong những bài đọc hôm nay: hãy tha thứ,  thương kẻ thù, yêu kẻ ghét con và làm ơn cho kẻ làm khốn cho con… Nào, ta cùng đọc nguyên văn Lời của Người cùng xin ơn soi sáng, thêm nghị lực thực hiện ít nhiều.

 

BÀI ÐỌC I: 1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23 “Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay”.

Bài trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Ðavít. Ban đêm Ðavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông. Abisai liền nói với Ðavít rằng: “Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai”.

 Nhưng Ðavít nói với Abisai rằng: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Ðấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” Rồi Ðavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say. Ðavít sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: “Ðây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu”.

 

BÀI ÐỌC II: 1 Cr 15, 45-49 “Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới.

 

Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

 

PHÚC ÂM: Lc 6, 27-38 “Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.

 Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng. Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

 

Đôi dòng chi chú và tâm tình

 Trước hết, bài đọc 1 từ sách Sa-mu-el quyển nhất. Tiên Tri Samuel, sinh sống chừng 1070 – 1012 TCN, đệ tử của Thầy Cả Hêli rồi thay thế Thầy nầy. Samuel  đã  sức dầu phong vương cho Saolê, rồi cũng cho Đavit làm vua thay cho Saolê.

Theo một số Thầy dạy Thánh Kinh ghi nhận bằng miệng  trong lớp: bản băn trên được sắp xếp như tiểu thuyết trinh thám giám điệp. Lý do, ai đã từng vào quân đội hay ít ra học quân sự quốc phòng đều biết, với chỉ một tiểu đội 12 người thôi, cũng phải chia ra ba bốn toán và cắt cử phiên gác đêm rất nghiêm túc, nhất là từ 1 – 5 giờ sáng vì mọi người thường hay say ngủ. 

Trong khi đó, Đavit và cận vệ  Abisai lén vào sâu tận Bộ Tư Lệnh hành quân lưu động tiền phương của vua Saolê có 3000 quân sĩ tinh nhuệ, nhưng  ban đêm không ai tỉnh thức, lại thêm  Chúa  khiến họ say ngủ. Nên Đavit và người cận vệ mới có thể, như  Tề Thiên Đại Thánh biến hóa đằng vân vào ra như chổ không người?

Thay vì dùng ngọn giáo của vua Saolê bên cạnh vua, đâm vua, thì Đavit lấy cây giáo và bình nước – uy quyền, sinh mạng – đem đi. Rồi hôm sau, Đavit đứng phía bên kia dãy núi, la lớn cho cận vệ của  Vua Saolê tới nhận lại ngọn giáo và bình nước. Đavit rất đại lượng và vị tha cách riêng với Saolê là người đã được sức dầu thành đại diện của Thiên Chúa.

Tới đây, không nên thắc mắc hình thức và ngôn từ của câu truyện, mà cần hiểu câu truyện trên theo nguyên tắc của Triết Lý Á Đông “được cá quên nôm, được chim quên bãy”. Câu truyện trên muốn “tải” tới  người đời sau “đạo” gì? hay rõ hơn là truyền đạt điều gì?

– Thưa, có hai ý chính, mà hôm nay Chuyên Mục Lời Hay Ý Đẹp đời thường, cũng gom góp được,  như ý Chúa mà chúng con nghiệm được. Đó là “khi nào tha được thì tha, bỏ được thì bỏ”.

Tha cho mạng sống và bỏ qua sai phạm lỗi lầm lớn nhỏ của người để Trời cũng tha thứ và cư xử đẹp với mình như vậy. 

Ý thứ hai là phù sinh, nhờ  còn sống thêm, mà vua Saolê ý thức được rằng đã tới lúc  Chúa phù thịnh cho Đavit và Saolê nhượng bộ cách ôn hòa cùng chúc phúc cho người con rễ mà Chúa mới trao đặc trách thay cho mình (1Sm 27: 21-25).

Hai bài học trên, từ vua Đavit đi trước, giúp giải quyết tranh chấp quyền lợi và chính trị cách rất ngoạn mục muôn đời cho hậu thế. Hai bài học nầy cũng đã làm nền tảng 1000 năm dẩn tới giải pháp đẳng cấp  cho mọi mối oán thù, oan trái, đến từ bậc siêu nhân là Chúa Giêsu Kitô của thời Tân Ước trong  Tin Mừng.

Qua bài Phúc Âm hôm nay, Lời Chúa thì rõ ràng. Biết hay hiểu nghĩa mặc chữ cũng không khó. Nhưng ý nghĩa thâm sâu và thực hành thì phải hàng siêu đẳng mới có thể. Tai sao?

Vì theo thói đời hay tâm lý chung của cả nhân loại là luôn yêu thương người nhà của mình, phe mình, người ủng hộ mình. Còn ai ghét mình, thì mình chẳng ưa, đó là chưa ghét lại  hoặc trả đũa theo cấp số nhơn.  Trên đây là yêu ghét chung chung của lối sống đời thường.

Còn về Thiên Chúa, Người lại là tình thương tuyệt đối. Nên Người thể hiện và dạy tình thương của thượng giới, như nước từ đỉnh Hi Mã lạp Sơn chưa bị ô nhiễm chảy xuống cho mọi người.

Lời Chúa dạy hôm nay không khó hiểu, nhưng thực hiện  chỉ đôi chút thôi, cũng khó lắm , trừ phi được mở mắt siêu nhiên với ơn đặc biệt của Chúa. Vì có mấy người đời nào chịu:

Làm ơn cho kẻ ghét mình. Chúc phúc cho kẻ  nguyền rủa mình. Cầu nguyện cho kẻ vu khống mình. Ai vả má nầy thì đưa cả má kia. Ai lột áo ngoài thì cho luôn áo trong.

Ai lấy gì thì đừng đòi lại. Thi ơn bất cầu báo. Cho vay không cần đòi. Thêm nữa, không xét đoán, chớ kết án để khỏi bị xét đoán, bị kết án bởi Trời.

Bình thường, nếu mình sống trong giai cấp hoàng gia quí tộc hoặc thuộc hàng thượng lưu mà  dân chúng phải “xin phép mới được lạy” có  nghĩa là chưa va chạm với oan trái khốn khó bao giờ, thì những đòi hỏi trên của Chúa, nghe ra,  không khó lắm.

Nhưng nếu có thời mà bạn sống trong nơi tập trung của “người khôn đi học, ngu dạy đời” với biết bao tội chính trị,  kinh tế, xã hội … đều đổ trên đầu bạn,thì Lời dạy yêu thương, tha thứ, cầu nguyện và giúp đỡ kẻ thù, thật là thiên nan vạn nan.

Nhưng Chúa Giêsu đã đi bước trước, xin Chúa Cha tha cho những kẻ đóng đinh Người.  Thêm một tấm gương sách chói khác,  thời gian 13 năm sau 1975, Đức Giám Mục Phanxicô Nguyễn V Thuận luôn nói  và xử sự với nhân viên canh giữ: tôi luôn quí mến và thương yêu các anh.

Việc tha thứ, thương yêu, cũng như cầu nguyện và giúp đỡ những kẻ đã làm khốn anh em, theo lời dạy của Chúa Giêsu, cũng đồng đồng hướng đồng tình với con đường mở rộng cho hiếu sinh từ Đức Cồ Đàm, có  ghi lại trong Kinh Pháp Cú:

“Hận thù diệt hận thù. Đời này không có được. Không hận, diệt hận thù. Là định luật ngàn thu”. 

Nói cách khác: « Khắp nơi trong cõi dương gian. Hận thù đâu thể xua tan hận thù. Chỉ tình thương với tâm từ. Làm tiêu oán hận, giải trừ hờn căm. Đó là định luật ngàn năm ».

Nhờ những lời dạy cao siêu của hai vị Giáo chủ vĩ đại trên,  mà phần lớn quân nhân công chức của Nam VN trong thời gian bị giam giữ sau 1975, đã lấy làm chổ dựa tinh thần cần thiết mà cố gắng sống còn trong những ngày gian khốn khó trước kia.

 

Trở lại bài đọc 2, trong thư thứ nhất của Thánh Phalô gởi giáo dân thành Côrintô: Thánh Phaolô so sánh Ađam với Chúa Giêsu.

Người Nam  Ađam đầu tiên là một sinh thể , còn Ađam cuối cùng là thần linh ban sự sống.

Người Nam đầu tiên từ bụi đất, còn người Nam  thứ hai  thì từ trời  đến. Người của đất, thuộc về đất. Người của trời, thuộc về trời.

Vì những ai gốc đất, thì giống kẻ từ đất mà ra. Còn những ai  thuộc về trời, thì giống Đấng từ trời mà đến.

Đúng vậy, khi ta mang hình ảnh của người từ đất (Ađam cũ) thì ta (Kitô hữu tin nhận Chúa Giêsu Kitô) cũng mang hình của Người từ trời mà xuống (Ađam mới, Chúa Giêsu).

 

Xin Dâng Lời Cầu

 Chúa đã cho cho mặt trời mọc trên kẻ xấu cũng như người tốt,  cho mưa  rơi đều trên kẻ dữ y như người lành. Tình thương phổ độ của Chúa bao phủ mọi người thiện ác.

Xin cho mọi thành phần dân Chúa là Hội Thánh, luôn thực hành lệnh truyền của Chúa, là thật lòng thương  yêu nhau.

Xin hướng dẫn các nhà lãnh đạo các nước trên thế giới, biết phục vụ dân cách ngay chính trong tình bác ái và yêu thương của Chúa,  để mọi người được hưởng thanh  bình và yên vui

Xin cho mọi thành viên trong họ đạo chúng con,  ít nhiều thực hành lời dạy  yêu thương và tha thứ cho cả những kẻ thù nghịch đã từng  gây khố khó cho chúng con.

Xin cho chúng con ý thức mình bất toàn trước Chúa, để tránh xét đoán người khác cách vội vàng bất công, hầu khỏi bị người đời và Thiên Chúa xét đoán nặng hơn.

 Xin giúp chúng con trở nên khí cụ bình an của Chúa, để từng bước bắt chước Chúa cùng các thánh: đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, và đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Xin Chúa Cha trên trời dạy chúng con biết tha thứ và yêu thương những  kẻ đã gieo rắc món nợ oán thù ganh ghét cùng nhiều thứ khác trên  chúng con, để chúng con cũng  được Chúa Cha tha thứ như vậy. Amen.