Bài 42: Đức Giáo Hoàng Phanxicô Bắt Tay Vào Việc Tân Phúc-Âm-Hóa

Bài 42:

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ BẮT TAY VÀO VIỆC TÂN PHÚC-ÂM-HÓA

 

  1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô góp phần như thế nào để giải phóng Phúc Âm ?

Năm 2012 tôi đã đưa lên mạng 2 bài : “Để Giải Phóng Phúc Âm” và “Công đồng Vatican II có công rất lớn để giải phóng Phúc Âm”. Có một linh mục trẻ “ dị ứng” đối với câu “ để giải phóng Phúc Âm” và gửi email nói rằng : câu đó hoàn toàn sai vì Phúc Âm có gì mà phải giải phóng. Tôi đã xin linh mục đó đọc lại phần dẫn nhập, vì chính tác giả là nhà thần học Paul Tihon đã biết trước và đã cố ý chọn một đầu đề khiêu khích như vậy, rồi giải thích rằng: cũng như dòng suối trong vọt chảy ra cần được giải phóng khỏi bùn đất đá làm vẩn đục và ngăn cản không cho tự do chảy đi xa, và cũng như trong Phúc âm Chúa Giêsu có nói dụ ngôn người gieo giống: có hạt rơi vệ đường chim chóc ăn mất, có hạt rơi trên sỏi đá bị chết khô, có hạt rơi vào bụi gai làm cho chết ngạt không sinh hoa trái (xem Mc 4,3-8). Ngoài ra trong bài Công đồng Vatican II có công rất lớn để giải phóng Phúc Âm, tôi có nói đến các Đức Giáo Hoàng : Gioan XXIII,  Phaolô VI, Gioan Phaolô I, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI, mỗi vị góp phần riêng của mình: người bỏ không dùng mũ 3 tầng, không dùng áo khoác dài 5 thước, người bỏ kiệu, bỏ ngai … Có độc giả hỏi tôi tại sao chưa viết tiếp về công lao của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên ngôi từ 13/03/2013, nay được hơn 7 tháng. Tôi đã trả lời là ngài đã có công rất lớn trong việc đổi mới rất nhiều chuyện mà cả thế giới đã nghe biết hằng ngày. Từ chuyện ngài ăn mặc giản dị, áo chùng trắng, giầy đen, đi xe jeep, không ở trong dinh giáo hoàng, tự xách cặp lên máy bay, gọi điện thoại trực tiếp cho nhiều người quen thuộc… Nhưng nay, tôi mới đọc trên Google bài viết Về 9 ưu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô để cải cách Giáo Hội do tác giả Jean Mercier, đăng trên mạng ngày 08-10-2013, tôi muốn tìm hiểu để chia sẻ. Tôi nhận thấy những đổi mới trước đây của các Đức Giáo Hoàng, kể cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đều chỉ do sáng kiến cá nhân của các ngài, và nhắm tới phẩm phục, lễ nghi, cách sinh sống hoạt động hằng ngày, không có tính cách quy mô rộng lớn, không cần có hội nghị. Còn về 9 ưu tiên để cải cách thì trước hết đã được nghiên cứu bởi Hội nghị G8 gồm 8 Hồng Y đại diện cho khắp thế giới, (chỉ có 1 là người Ý) mà Đức Phanxicô đã chọn để làm cố vấn lâu dài cho ngài. Sau đó 9 ưu tiên này còn có tính cách toàn diện ở mọi cấp từ giáo dân đến giáo hoàng, ở mọi việc từ trong Giáo Hội đến ngoài thế giới, nhất là Đức Phanxicô nhắm đến cải tổ về phong cách hiện hữuvề lối sống (manière d’être). Ưu tiên sau cùng là số 9 mới lo gỡ nút các vấn đề như hôn nhân đồng tính, kết hôn không lễ cưới, ly dị rồi tái hôn, trong một Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt từ ngày 5-19 tháng 10 năm 2014. Như vậy Giáo Hội còn phải cải cách dài dài (Ecclesia semper reformanda). Vì thế trong bài này, xin chọn ưu tiên số 1 là: chấm dứt lối sống giáo sĩ trị (En finir avec le cléricalisme).

  1. Tại sao chọn chia sẻ về ưu tiên số 1:chấm dứt lối sống giáo sĩ trị ?

2.1. Vì chính Đức Phanxicô đã bày tỏ ý muốn như vậy. Trong một bài phỏng vấn dài do tạp trí văn hóa của Dòng Tên thực hiện và đăng tải 19-09-2013, ngài nói rõ ràng: “Những cải cách về cơ cấu và tổ chức là chuyện phụ thuộc. Cuộc cải cách đầu tiên phải là cải tổ về cách hiện hữucách sốngvề lối sống (manière d’être). Các thừa tác viên của Phúc Âm phải là người đi tiên phong làm ấm nóng lên tấm lòng của mọi người, đối thoại và đồng hành với họ, đi xuống trong đêm đen của họ, trong tối tăm của họ, mà không để mình hư hỏng”. Đức Phanxicô đã dùng kinh nghiệm của một tu sĩ Dòng Tên, môn đệ của nhà tu đức Inhaxiô, để thúc đẩy các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân đi vào chiều sâu của đời sống Kitô hữu. Giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân có sống đúng tinh thần Phúc Âm mới mong Phúc Âm hóa người khác được. Ta đã có dịp thấy rõ hậu quả của lối sống xa rời Phúc Âm gây tai hại biết chừng nào cho công cuộc Phúc Âm hóa của Giáo Hội. (Xem bài Tìm hiểu tại sao Tân Phúc-Âm-hóa, của tác giả)

2.2. Vì lối sống giáo sĩ trị đã ăn rễ sâu “thâm căn cố đế” từ lâu trong Giáo Hội, cần ưu tiên chấm dứt. Ngày nay trong xã hội, người ta vẫn nói đến lối sống gia trưởng, trưởng giả, gia đình trị, con ông cháu cha, bao cấp… còn trong Giáo Hội, ngay từ thế kỷ IV-V thánh Hiêrônimô đã cảnh báo là “khi Giáo Hội cùng với vua chúa chinh phục được quyền bính và giàu sang thì chính là lúc các nhân đức Kitô giáo thoái lui”. Sau thời kỳ được tử vì đạo, những Kitô hữu muốn sống đúng lý tưởng Phúc Âm đã chọn đời tu dòng để xa lánh thế gian.  Đến cuối thế kỷ VIII Giáo Hội đã trở thành một xã hội phong kiến, và “virus” phong kiến xâm nhập tổ chức Giáo Hội. Đến thế kỷ XVI, phong trào Phục hưng nổi lên muốn thế tục hóa và chống giáo sĩ, mọi người trong Giáo Hội mong chờ giáo sĩ tu sĩ trở về với lối sống theo Phúc Âm: yêu thương, khiêm tốn, khó nghèo…. thì lại thấy các giáo sĩ và tu sĩ trở thành địa chủ, quý tộc, sống lối sống giáo sĩ trị, gia đình trị. Trong suốt 75 năm (1447-1521) các Giáo Hoàng sống trưởng giả, theo lối sống gia đình trị, con ông cháu cha, duy nghệ thuật, xa hoa, đồi bại, tham nhũng, gây tội ác công khai… đưa Giáo Hội lên tới “đỉnh của gương xấu và nhục nhã”… khiến cho một nửa dân số Kitô hữu Âu châu theo linh mục Lutêrô, ly khai khỏi Giáo Hội. Mặc dầu Công đồng Trentô (1545) đã cải cách để tái Phúc Âm hóa trong suốt 400 năm tiếp theo, nhưng rồi Giáo Hội cũng vẫn phải họp Công đồng Vatican II (1963) để cập nhật với thế giới đang vượt xa khỏi Giáo Hội. Tuy nhiên, sau Công đồng Vatican II 50 năm, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô và Phanxicô còn muốn dứt khoát giải phóng Giáo Hội khỏi những cái cứng nhắc, đã đeo bám Giáo Hội từ thời xa xưa, đặc biệt là lối sống giáo sĩ trị. Và vào đầu tháng 10-2013, Đức Phanxicô đã quyết định lập nhóm G8 gồm 8 Hồng y làm cố vấn giúp ngài khẩn cấp cải cách Giáo Hội. Tôi rất cảm phục tấm lòng nhiệt thành và can đảm của Đức Phanxicô dám bắt tay vào việc đầy khó khăn, tế nhị và cần thời gian lâu dài này.

  1. Chấm dứt lối sống giáo sĩ trị là chấm dứt cái gì?

Đây là trọng tâm của vấn đề. Ở trên đã nói đến lối sống gia trưởng, gia đình trị, trưởng giả, giáo sĩ trị…. tất cả đều có quan hệ chặt chẽ với nhau. Theo từ điển Việt Nam của nhà xuất bản Khoa học Xã hội, lối sống gia trưởng là có tư tưởng hay tác phong của người đứng đầu, người lãnh đạo, tự coi mình là có mọi quyền hành, tự ý quyết định mọi việc, coi thường quyền dân chủ của những người khác. Lối sống gia đình trị là chia nhau giữa những người cùng trong gia đình nắm hết mọi quyền hành, mọi cương vị trong bộ máy nhà nước. Lối sống trưởng giả là những người xuất thân từ bình dân, nhờ buôn bán kinh doanh mà giàu có, nên thích chạy theo thời mà chẳng có lý tưởng gì, chỉ bận lo cho tiện nghi vật chất, cho bản thân mình. Lối sống giáo sĩ trị hay giáo sĩ hóa, theo từ điển Larousse là người “ lợi dụng chức giáo sĩ, coi mình như có quyền can thiệp vào mọi việc chung” sống theo lối sống gia trưởng, trưởng giả…

Và Đức Phanxicô còn muốn giúp ta hiểu rõ và sâu hơn về tai hại của lối sống giáo sĩ trị hay giáo sĩ hóa. Ngay khi còn làm Hồng y (2012) ngài đã tỏ ra gớm ghiếc lối sống giáo sĩ trị và đả kích những  lạm dụng quyền hành của các linh mục, có khi xâm phạm tự do cá nhân người khác, có khi quá độc tài vì tự ái cao. Từ bảy tháng qua, ngài nhiều lần lên tiếng chê trách các linh mục, và chê trách lối sống muốn quản lý cả việc cho lãnh các bí tích với não trạng của nhân viên quan thuế. Ngài dựa theo Phúc âm để nêu lên hai vấn đề thực tế trong lối sống giáo sĩ trị cần phải được dứt khoát từ bỏ, đó là: lối sống đạo đức giả và lối sống phù phiếm hai mặt (nước đôi) theo thế gian.

3.1. Chấm dứt lối sống đạo đức giả. (l’hypocrisie)

Đức Phanxicô dựa vào đoạn Phúc Âm của Thánh Maccô để nói về lối sống này. Thánh Maccô vốn thích viết ngắn gọn, nhưng về vấn đề này ngài lại nói rất dài (xem Mc 7, 1-23). Chúa Giêsu đã trả lời những kẻ bất bình vì thấy Người ăn uống với kẻ tội lỗi và thu thuế rằng: những người thu thuế và ngoại tình sẽ vào thiên đàng trước các ông. Những người này thuộc hạng cặn bã xã hội thời đó. Còn những kẻ đã bất bình với Người thì Người không chịu nổi và bảo họ rằng: ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả. Nói rõ ràng hơn thì chính những người đã bất bình là những người đã giáo sĩ hóa Giáo Hội, đã làm cho Giáo Hội Chúa trở thành tổ chức giáo sĩ trị, họ nắm giữ truyền thống của họ mà hủy bỏ lời Thiên Chúa. Đức Phanxicô đã thú thật ngài phải buồn mà nói như vậy, ngài xin tha thứ cho ngài vì đã tố cáo họ, hoặc xỉ nhục họ. Ngay trong giáo sĩ chúng ta có những linh mục không rửa tội cho con cái các người mẹ độc thân, lấy cớ rằng con cái họ được thụ thai do cha mẹ không có phép hôn phối. Chính họ đã giáo sĩ hóa Giáo Hội. Họ là những kẻ làm cho Dân Chúa xa lìa ơn cứu rỗi. Và còn có một cô gái rất tội nghiệp, đáng lẽ cô phá thai là hết chuyện, song cô đã can đảm để sinh con ra tử tế, nhưng rồi phải đi hết xứ này qua xứ kia để xin cho con được rửa tội. Vì thế Đức Phanxicô nói: những người nhiệt tình tìm cho có người theo đạo, những giáo sĩ làm cho sứ điệp Phúc Âm trở thành giáo sĩ trị, Chúa Giêsu đã phải gọi họ bằng những lời sau đây: “từ tấm lòng các ngươi phát xuất những tư tưởng xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7, 21-23). Chúa Giêsu đã đánh giá họ như thế đó. Người tố cáo họ. Giáo sĩ hóa Giáo Hội là đạo đức giả theo Pharisiêu. Giáo Hội nào dạy rằng: cứ đi vào lối này chúng tôi nói cho biết luật phải giữ, ai không đi vào lối này thì không được gì cả, Giáo Hội nào dạy như thế là Pharisiêu. Còn Chúa Giêsu chỉ cho ta con đường khác: đi ra. Đi ra để làm chứng, để tới gần anh chị em mình, để chia sẻ, để đặt vấn đề. Để nhập thể. Chúa Giêsu chống lại chủ nghĩa ngộ đạo giả hình của Pharisiêu, rồi Người đi ra đến giữa đám đông gồm những người thu thuế và tội lỗi.

 Việc Đức Phanxicô chống lại lối sống đạo đức giả, hay lối sống giáo sĩ trị không phải là phủ nhận chức tư tế thừa tác nhưng là quay về với bản chất thực sự của chức ấy. Việc mà Giáo Hội đang cần hôm nay là có khả năng chữa lành các vết thương, là làm cho tấm lòng mọi tín hữu được ấm lên, là lối sống gần gũi, lối sống niềm nở với nhau. Ngài nói: tôi nhìn Giáo Hội như một “bệnh viện dã chiến” sau trận đánh nhau. Đức Phanxicô kêu gọi đi đến với những người đang cảm thấy bị bỏ rơi, và ngài từ chối tập trung vào những vấn đề liên quan đến phong tục hoặc tình dục. Ngài mời các chủ chiên “mang lấy trong mình mùi chiên” (giảng trong lễ Dầu 2013). Theo Đức Giám Mục Anphong Nguyền Hữu Long thì “chiên ở đây trước hết phải hiểu là chính Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa, là Đấng thánh thiện, tốt lành, khiêm nhu, yêu thương, phục vụ…rồi sau mới là chiên trong đoàn chiên mình, có chiên ngoan, có chiên ghẻ, có đủ thứ mùi…”. Chủ chiên cần phải luôn gần gũi gặp gỡ Chiên Giêsu, cũng như gần gũi gặp gỡ các chiên trong đàn chiên của mình, và dứt khoát từ bỏ lối sống giáo sĩ trị, lối sống đạo đức giả, trưởng giả.

3.2  Chấm dứt lối sống phù phiếm hai mặt (nước đôi) theo thế gian (la frivolité)

Về vấn đề này Đức Phanxicô đã dựa vào lời thư của thánh Giacôbê để suy niệm. Thánh Giacôbê khuyên: “ anh em hãy giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian” (Gc 1, 27) Đức Phanxicô cho rằng nếu lối sống của Pharisiêu phô trương giữ luật tỉ mỉ và sống đạo đức giả thì đó chính là lối sống giáo sĩ trị, giáo sĩ hóa, đã gây thiệt hại cho chúng ta. Lòng ham mê thế gian là một tai họa gậm nhấm, ăn mòn lương tâm Kitô hữu. Chính vì thế thánh Giacôbê phải nói: anh em đừng để thế gian làm nhơ bẩn. Trong những lời từ biệt sau bữa tiệc ly, Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha cứu các môn đệ khỏi tinh thần thế gian, nghĩa là khỏi lối sống phù phiếm về đàng thiêng liêngPhù phiếm là viễn vông, xa rời thực tế, không có nội dung đích thực; người phù phiếm là người ít nghiêm chỉnh, ít chú tâm, nhẹ dạ, ham thích những chuyện tầm phào, vu vơ. Tai họa xấu hơn cả gây thiệt hại cho Giáo Hội chính là khi giáo hội rơi vào lối sống phù phiếm về đàng thiêng liêng, như Đức Hồng Y De Lubac đã chỉ cho thấy. Đó là tai họa xấu hơn hết mà Giáo Hội có thể phải đau khổ gánh chịu, nó xấu hơn cả chuyện các Giáo Hoàng công khai sống bê bối thời Trung cổ (xem số 2.2 ở trên). Lối sống phù phiếm về đàng thiêng liêng này cốt tại chỗ vẫn làm cái gây ấn tượng tốt, vẫn sống như những người khác, tôn trọng giờ giấc, tuân giữ luật lệ, nhưng là giữ lấy lề; có phong cách tốt nhưng lại có thói quen xấu. Nó không phải chỉ là một hành động nhưng là một tình trạng cá nhân và xã hội có tính nội tại; nếu quen sống như vậy dần dần dẫn đến chỗ sống tầm thường nguội lạnhsống hai mặt (nước đôi). Xưa Chúa Giêsu nói họ thờ hai chủ: vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của (xem Mt 6,7). Nay ta phải kể thêm hai chủ khác là: tửu (rượu) và sắc (phụ nữ). Đức Phanxicô gọi họ là Kitô hữu “bị hồ tinh bột” (amidonné) nghĩa là giống như vải được hồ tinh bột để trở nên cứng. Ngài kể một câu chuyện:

-Thưa cha, con là người rất công giáo, con gia nhập hội đoàn này hội đoàn kia.

-Con nói cho cha biết trong nhà con có người làm không?

-Thưa cha có.

– Thế con trả lương cho họ thế nào: đàng hoàng hay theo chợ đen?

– Ồ thưa cha, nếu bắt đầu đặt ra vấn đề này, thì dĩ nhiên …

Đây đúng là một vấn đề. Và nếu đi xa hơn nữa ta hiểu là họ đã sống lối sống hai mặt (nước đôi) kinh khủng. Những  Kitô hữu kiểu này, những Kitô hữu theo lối Pharisêu này là những người gây tai hại lớn nhất cho Dân Chúa. Vì thế Chúa Giêsu nói với dân chúng: ”Những gì họ nói thì anh em hãy làm hãy giữ, vì họ nói những diều tốt, nhưng đừng bắt chước họ, đừng làm những gì họ làm (xem Mt 23,3) bởi vì họ hai mặt. Và Chúa Giêsu đánh giá họ bằng hai tiếng rất trúng. Tiếng thứ nhất được Chúa lặp lại nhiều lần là đạo đức giả. “Nhưng thưa cha, con rước lễ hằng ngày, con làm nhiều việc lắm”. Chúa Giêsu trả lời: “con đạo đức giả vì con làm cho có vẻ, nhưng con lại sống khác” (xem Mt 23,1-29). Tiếng thứ hai là cái mả sơn vôi trắng, giống như những mồ mả đẹp đẽ hoành tráng bề ngoài mà ta biết bên trong nó chứa cái gì: hôi thối. Đó là những Kitô hữu bề ngoài (xem Mt 23, 27-32). Sách giáo lý mới cho người trẻ Youcat cũng lưu ý đặc biệt đến lối sống đạo đức hai mặt này (xem câu 347 và giải thích cũng như chứng từ kèm theo).

Tóm lại, chấm dứt lối sống giáo sĩ trị là chấm dứt lối sống đạo đức giả, lối sống gia trưởng, trưởng giả, gia đình trị, con ông cháu cha (phe phái), đồng thời cũng phải chấm dứu lối sống phù phiếm, hai mặt, lối sống này còn tệ hại hơn lối sống bê bối công khai của nhiều giáo sĩ trung cổ, bởi vì không những là lối sống đạo đức giả mà còn giống như mồ mả sơn vôi.

  1. Để kết.

Tôi được nghe ở đầu một cuốn băng nhạc kể lại chuyện trao đổi giữa ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

– Khánh Ly: Thưa anh Trịnh Công Sơn  mấy chục năm trước anh đã nhắc nhớ em, sống trong đời sống cần phải có một tấm lòng, dù không để làm gì, dù chỉ để gió cuốn đi. Hôm nay sau gần 20 năm anh em gặp lại ở một nơi không phải quê hương của mình, em thực sự muốn biết đối với anh  điều gì quan trọng nhất.

Trịnh Công Sơn: Tấm lòng. Tất cả từ ngàn xưa tới ngàn sau, sống với nhau phải có một tấm lòng, nghĩa là sống tốt với nhau. Và sau này ở Việt Nam còn có một câu hay hơn nữa đó là lối sống tử tế với nhau, tử tế nghĩa là phải có một tấm lòng với người khác. Không có tấm lòng thì không thể tồn tại được…

 Người Việt Nam thường nói đến tấm lòng, cõi lòng, lòng dạ….  được coi là biểu tượng của mặt tâm lý, tình cảm, ý nghĩ, ý chí sâu kín đối với  người, đối với việc… và cũng hay nói đến đau lòng, bận lòng, lòng vàng, lòng son dạ sắt, đồng thời cũng nói tới lòng lang dạ thú… Ngày nay người ta vẫn hết lòng ca tụng lòng mẹ, có người Việt Nam nào không biết 7 câu thơ ca tụng lòng mẹ trong bài hát “Lòng Mẹ”  của nhạc sĩ Y Vân. Và mới đây, nhà xuất bản Vatican đã phát hành cuốn sưu tầm bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mang đầu đề” “Chỉ có tấm lòng mới cứu được chúng ta” (Editions Parole et Silence, 2013) ; trong đó Đức Phanxicô chia sẻ một câu ngắn gọn “ Chỉ có tấm lòng son sắt, khiêm tốn, không phù phiếm nhưng kiên vững trong các xác tín cũng như trong việc hiến thân cho nguời khác mới có thể cứu chúng ta” (sách kể trên trang 55). Như vậy muốn Tân Phúc-Âm-hóa chính mình, gia đình mình, xã hội và Giáo Hội, cần phải dứt khoát dành ưu tiên số một cho việc chấm dứt lối sống giáo sĩ trị, chấm dứt lối sống đạo đức giả, chấm dứt lối sống phù phiếm hai mặt, (nước đôi). Bởi vì không phải quyền bính, giàu sang, trưởng giả, sống phù phiếm hai mặt, mà chỉ có tấm lòng vàng, tấm lòng son sắt như tấm lòng Chúa Giêsu mới có thể cảm hóa lòng người.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nêu gương cho chúng ta về nhiệt tình luôn mới mẻ để canh tân giáo hội, và chọn lựa những phương thức mới hữu hiệu là lập nhóm 8 Hồng y để cộng tác với ngài trong việc Tân Phúc-Âm-hóa, đồng thời còn bày tỏ trong chính đời sống giáo hoàng của ngài, lối sống theo đúng tinh thần Phúc Âm, luôn gần gũi, gặp gỡ, yêu thương, khó nghèo, phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khổ, đang gặp cảnh khó khăn.

 Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con nên giống Thánh Tâm Chúa. Amen.

print