Các Loại Mục Tử
Cn 4 Phục Sinh C
Tập 1 của bộ sách “Phúc Âm trong dụ ngôn”, Cha Nguyễn Tầm Thường suy niệm về dụ ngôn “Mục Tử Nhân Lành”, với 8 đoản khúc xuyên suốt 117 trang sách từ trang 8 đến trang 125. Thật nhiều kiến thức thú vị bổ ích và những suy tư sâu sắc.
Chương 34 sách tiên tri Êdêkien đã báo trước về các loại mục tử khác nhau. Tất cả các loại mục tử này đã xảy ra trong thời Chúa Giêsu. Các mục tử bất xứng này còn được loan báo rộng rãi trong lời của tiên tri Isaia (56, 10-11) và Giêrêmia (10, 21-22; 50,6).
Chương 34 của sách Êdêkien dành riêng nói về các loại mục tử nhà Israel. Có thể chia ra thành ba mục đề:
- Mục tử làm thuê
- Mục tử tốt lành
- Loan báo Đức Kitô
Chăn chiên là chủ đề từ Cựu Ước đến Tân Ước nói rất nhiều và rất chi tiết.
- Mục tử làm thuê (Ed 34,1-10)
Mục tử làm thuê chỉ nghĩ đến mình. Bình tâm mà nói, trong Giáo Hội, chắc không ai là mục tử làm thuê. Nhưng từ mục tử tốt lành, ma quỷ gieo vào lòng nhiều thứ ham muốn, vì thiếu nhiệt thành cho phần rỗi các linh hồn, họ bị rơi vào cạm bẫy một cách kín đáo. Trở lại lời khuyên của Phaolô viết cho Timôthê, người ‘con ông sinh ra trong đức tin’: “Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6,7-10). Có nhiều thứ ham muốn khác, Phaolô không chọn. Không hiểu tại sao Phaolô lại viết cho Timôthê, lòng ham muốn tiền bạc là cội rỗi mọi điều ác.
Tiền là một nhu cầu rất cần. Khi nói “nhu cầu” thì không thể thiếu. Thí dụ, không khí là nhu cầu, nước là nhu cầu. Đó là nhu cầu tuyệt đối. Không có những nhu cầu này, người ta chết. Nhưng nhu cầu cũng lại có lúc cần, lúc không. Thí dụ, vượt biên, lênh đênh trên biển, hết lương thực thì một ly nước trị giá cả cây vàng. Đến bờ, nước cho không biếu không.
Nhu cầu và lòng ham muốn hoàn toàn khác nhau. Nhu cầu là điều cần, ham muốn là điều muốn thêm. Từ nhu cầu bước qua ham muốn là ranh giới vô hình. Nó mong manh như sợi chỉ. Trong cuộc sống, người ta có khuynh hướng biện minh ham muốn là nhu cầu. Người ta chỉ thấy cái cần, không thấy cái dư. Ở đây Phaolô nói lòng ham muốn tiền bạc, chứ không nói tiền bạc là cội rễ sự ác.
Từ một mục tử tốt lành có thể trở thành vừa tốt vừa xấu, khó có thể nhận ra tính chất kẻ làm thuê. Vì thế, có thể nói không có mục tử làm thuê trong Giáo Hội. Nhưng nếu dựa vào những đặc tính trái ngược với vị mục tử nhân lành trong Phúc âm Gioan: không hy sinh cho đoàn chiên, để cho chiên tán loạn, không thiết gì đến chiên; với một trong ba đặc tính này thì mục tử đó có chất làm thuê. (Phúc Âm trong dụ ngôn, trang 109-110).
Chúa Giêsu còn cho thấy tính tương phản của hai loại mục tử. Mục tử thật và mục tử giả. Mục tử thật luôn hết mình vì đàn chiên. Mục tử giả chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử thật thì hy sinh cho đàn chiên. Mục tử giả chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử thật luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Mục tử giả chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình, sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.
- Mục tử tốt lành (Ed 34,11-22).
Thánh Kinh mô tả :
– Yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: “Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40, 11).
– Yêu quý từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: “Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc” (Mt 18, 12-13).
– Lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: “Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ” (Ed 34, 14).
– Làm cho chiên được sống no ấm, hạnh phúc: “Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23,1); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: “Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (23, 4).
– Tinh thần trách nhiệm đối với đàn chiên rất cao: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng” (Ed 34,16).
– Cứu thoát, giải phóng đàn chiên: “Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên” (Dc 9,16).
- Đức Kitô Vị Mục Tử Tốt Lành
Êdêkien loan báo mục tử tốt lành sẽ đến (Ed 34,23-31).
Đức Kitô khẳng định căn tính của Ngài là Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Đức Kitô lựa chọn lên tiếng kết án những bất công cho dân oan. Chúa đã kích mạnh mẽ nhóm Pharisiêu là những mục tử tôn giáo làm khổ dân vì các Lề Luật tôn giáo họ đặt ra. Trước những ngày sắp bước vào thương khó, Chúa đuổi những người buôn bán trong đền thờ cũng là đương đầu với thế lực “nhóm lợi ích” này. Ai có được những chỗ buôn bán tốt trong đền thờ nếu không là con ông cháu cha, là người nhà những kẻ có thế lực? Làm sao các Tư Tế có thế lực này tự do buôn bán mà không cần lính Roma bảo kê rồi đóng thuế? Vì thế, Chúa đụng vào thế lực này là đụng vào cái chết. Như sách Công vụ Tông đồ (4,27) khẳng định là Hêrôđê đã cùng Philatô gặp nhau trong thành để bàn định bản án cho Đức Kitô. (sđd trang 77).
Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành với những nét đặc trưng sau đây:
- Vị Mục Tử Tốt Lành hết lòng yêu thương những người thuộc về mình. Vì yêu thương nên Ngài quan tâm đến mọi người và đến từng người. Càng quan tâm thì càng biết tường tận: biết họ muốn gì, họ cần gì, họ có thể gặp phải những nguy cơ cạm bẫy hay thử thách nào.
- Vị Mục Tử Tốt Lành luôn đi đầu, đi trước, hướng dẫn, lãnh đạo đoàn chiên, đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi khổ cực cho người thuộc về mình. Mục Tử Tốt Lành đem chiên đến những miền an toàn, có suối mát có cỏ xanh, cho chiên được ăn uống no nê, được nghỉ ngơi thoải mái. Chiên sẽ tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng. Mục Tử Tốt Lành dám hy sinh mạng sống vì chiên.
- Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để yêu thương, chăm sóc, quy tụ mọi con chiên. Ngài biết tên từng con chiên như Cha Ngài biết Ngài (Ga 10,14-15). Ngài gọi tên từng con chiên và dẫn đi (Ga 10,3). Mục Tử sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên: “Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13). Chúa Giêsu đã chứng tỏ Ngài là vị Mục Tử Tốt Lành, vị chủ chăn không bao giờ hèn nhát thấy sói tấn công chiên mà bỏ trốn, nhưng Ngài luôn cứu vớt, tập họp, chăn dắt (Ga 10,9.16).
“Khi có một mục tử tốt, đàn chiên sẽ tăng trưởng và lắng nghe người ấy. Người chăn chiên tốt cũng biết lắng nghe đàn chiên, hướng dẫn và chăm sóc đàn chiên. Và đàn chiên biết cách phân biệt giữa các mục đồng, đàn chiên tin cậy mục tử tốt lành. Chỉ có người chăn chiên trông giống Chúa Giêsu mới đem lại sự tự tin cho đàn chiên…” (ĐTC Phanxicô, 03/05/2020).
Chúa nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và ơn gọi Tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những mục tử tốt lành. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước. Mục tử tốt lành luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, vị mục tử tốt lành gần gũi biết rõ đàn chiên, yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hiến mạng vì đàn chiên. Từ đó, vị mục tử tốt lành biết nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao đặc biệt là cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.
Linh mục là Mục tử, người chăm sóc phần hồn các tín hữu. Một sứ mạng rất cao quý. Linh mục noi gương Chúa Giêsu Mục Tử Tối Cao, tận tình phục vụ tha nhân qua công việc mục vụ với đức ái mục tử. Đây là linh đạo của linh mục giáo phận.
Hãy cầu nguyện cho các Linh mục được trở nên những mục tử như Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đàn chiên. Trong bài giảng Lễ Dầu năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các linh mục : “Cha mời gọi các con điều này, các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên. Người chăn chiên thì có mùi chiên, làm cho cái mùi ấy thành cái mùi thực, giống các người chăn chiên ở giữa đoàn chiên của các con. Mùi của chiên chỉ có được bằng cách sống các thực tại đời sống hàng ngày của họ, các bối rối khó khăn của họ, các niềm vui của họ, các gánh nặng và các hy vọng của họ”.
Cha sở Gioan Vianney là bổn mạng các Linh mục. Hôm nay ngày cầu nguyện cho các mục tử, xin ngài giúp anh em linh mục chúng con luôn biết sống theo gương sáng mục tử của ngài. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An