Những Gập Ghềnh Trái Ngang Về Tình Cảm Tính Dục

print

Những Gập Ghềnh Trái Ngang Về Tình Cảm Tính Dục

Tác phẩm

 THƯƠNG CHO ĐẾN CÙNG ĐỜI LINH MỤC THỪA TÁC 2022

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS 

Phần Thứ Nhất

CÁC THÁCH THỨC CHO ĐỜI LINH MỤC THỪA TÁC  (tiếp theo)

Bốn

NHỮNG GẬP GHỀNH TRÁI NGANG VỀ TÌNH CẢM TÍNH DỤC

 

Ca Dao Việt Nam dạy rằng “Dập dìu kẻ trước người sau, sức riêng một ít góp vào lợi chung”. Là linh mục, chúng ta không chỉ nghĩ đến cho riêng mình, mà phải nghĩ tới đại cuộc của Giáo Hội, cụ thể cho các đàn em linh mục tương lai của chúng ta. Những suy tư, những kiểm điểm và những dự phóng của chúng ta đều có mục đích kép, vừa cho chúng ta hôm nay vừa góp phần với Giáo phận và Chủng viện đào tạo cho các đàn em của chúng ta.

 Trong định hướng ấy, ĐTC Phanxicô dạy: “Đừng sợ hãi, đừng lừa dối cuộc sống, mà chấp nhận đời sống thực tại như đang xẩy ra và tìm biện pháp giải quyết, phải đương đầu ngay và Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta. Hãy đến với Chúa Giêsu, Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta, cả những lúc khó khăn tăm tối nhất của đời sống. Chúng ta có thể lầm lẫn, nhưng Chúa mãi ở bên chúng ta và nhắc cho chúng ta hãy trở lại bước đi cho đúng đường”[1]. Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tại quá khứ của mình, để từ đó kiểm điểm vượt lên, điều chỉnh sự trưởng thành nhân bản toàn diện và tái định hướng đời sống độc thân khiết tịnh và sứ vụ linh mục của mình trong những gập ghềnh tình cảm và tính dục, đồng thời góp phần tích cực đào tạo các đàn em của chúng ta, vì giới trẻ ngày nay rất mong manh trước những tấn công đa dạng của thế gian, ma quỉ và xác thịt.

I. Những Gập Ghềnh Tình Cảm và Tình Dục

1. Trước khi vào Chủng Viện/Dòng Tu

Chúa kêu gọi và tuyển chọn một người từ trong bối cảnh cụ thể đã sống và lớn lên. Cuộc khảo sát trên 30 trường Đại Học, Cao Đẳng Việt Nam cho thấy 51,4% sinh viên cho rằng “sống thử trước hôn nhân là hiện tượng phổ biến” và được coi là “bình thường”[2]. Cộng thêm hiện tượng sinh viên tầm gửi liên quan đến các góa phụ và góa phu, tình nhà trọ, nạn phá thai ở Việt Nam bị xếp hạng nhất thế giới. Sống trong một bối cảnh xã hội thiếu vắng Thiên Chúa, buông thả luân lý và hưởng thụ khoái lạc nhục dục như thế, các sinh viên, học sinh Công giáo, kể cả các dự tu nam nữ trong thời gian đi học đi làm ở ngoài xã hội cũng không thể không chịu ảnh hưởng.

Người trẻ ngày nay lại trưởng thành sớm về mặt sinh học nên chuyện tình cảm yêu đương không thể tránh. Cần giúp ứng sinh hiểu và sống tốt cuộc đời mình trước khi đi vào lựa chọn đời sống hôn nhân hay đời sống linh mục/tu sĩ đúng như Chúa muốn và Giáo hội dạy[3], thẳng thắn trực diện với những cản trở Giáo luật[4] và chiến đấu để lượng sức mình mà điều chỉnh cuộc sống và sứ vụ ơn gọi, tiếp tục hay chuyển hướng.

Nếu chỉ là chuyện tình cảm và tình yêu đơn thuần thì nên dần dần chấm dứt, một khi đã chọn lựa đời tu[5]. Nếu lỡ có chi hơn thế mà không đến đỗi mắc ngăn trở thì càng phải cương quyết dứt khoát, triệt để biến đổi lật sang trang đời mới, đứt đuôi nòng nọc. Kể cả hai bên cùng đi tu thì càng phải biến đổi và thăng hoa lên, nếu không thì phải xuất tu kết bạn với nhau, để tránh những hệ lụy sau này. Không thể chấp nhận những hẹn hò giấu diếm mối quan hệ tình cảm sâu nặng với chiêu bài coi nhau như bạn bình thường. Giáo Hội đã quá đau khổ, bị thiệt hại vì chuyện này và đang nỗ lực chấn chỉnh thanh lọc ‘không khoan nhượng’ ngay từ bước tuyển lựa và đào tạo đầu tiên[6].

Bộ Tu sĩ nêu rõ: “Trong số những ứng sinh vào đời tu, ngày càng có không ít thanh niên đã có những kinh nghiệm thương đau trong lãnh vực vừa kể trên đòi phải được thanh lọc và uốn nắn lại[7]. Và HĐGMVN chỉ thị: “Ngay từ đầu, các chủng viện, học viện hay cơ sở đào tạo của Giáo Hội không được nhận người có tiền sử, nghi vấn hay khuynh hướng cá nhân liên quan đến tội phạm này[8]. Tuy nhiên, ĐTC Phanxicô kêu gọi sự biện phân các trạng huống: “Tôi lưu ý đến sự thiếu trách nhiệm về việc biện phân trong công cuộc đào tạo linh mục. Quả vậy, chúng ta thường có nguy cơ quen với “trắng và đen” theo điều được luật định. Về mặt nguyên tắc, chúng ta khá là đóng kín đối với việc biện phân. Một điều rõ ràng ngày nay, trong một số chủng viện, người ta thường trở về việc thiết lập một sự cứng nhắc bị tách lìa khỏi việc biện phân các trạng huống” (x.Tv 50, 12-15).

Những ai “bén mùi chùi chẳng sạch” phải chiến đấu nặng nề hơn, cần sống tâm tình thống hối về những bất xứng trong quá khứ và quyết tâm sống dấn thân trọn vẹn trong hiện tại và nỗ lực hơn trong tương lai, với ơn Chúa. Tuy nhiên, nếu cứ phải chiến đấu quá nặng nề và quá dai dẳng thì không nên tiếp tục, kẻo sau này ngựa theo đường cũ sẽ thiệt hại cho công cuộc dưỡng giáo và truyền giáo của Giáo hội. Vì thế, những vị có lập trường thực tiễn cứng rắn đòi phải loại ngay những dự tu đã có quan hệ thể xác.

2. Khi đã vào Chủng Viện/Dòng Tu

a. Đối với những người mắc lỗi trong quá khứ

Trong tinh thần biện phân các trạng huống của ĐTC Phanxicô, hy vọng các ứng viên đã được thanh lọc, biến đổi, uốn nắn, và có đủ các điều kiện cùng phẩm chất cần thiết để được đào tạo và tự đào tạo nên những ứng sinh tốt lành thánh thiện, trong đường hướng “mỗi vị thánh đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai”, “tội thì tha và lỗi thì sửa” và “lỗi một thời chứ không phải lỗi suốt đời”, và đã sửa được, nhờ sự chăm sóc và đồng hành sâu sát, nâng đỡ, kiểm chứng trong một thời gian đủ dài lâu của chính đương sự và của những người có trách nhiệm đào tạo, nhất là vị linh hướng. Còn những người không sửa, hoặc sửa mà không sửa được, kể cả tuy đã sửa được nhưng vụ việc đã quá công khai gây gương xấu, thì phải cho chuyển hướng ơn gọi và ra đi.

 

HĐGMVN chỉ thị: “Trong quá trình đào tạo, phải loại trừ tức khắc những trường hợp được phát hiện[9]. Và cẩn thận hơn: “Khi một giáo sĩ hay tu sĩ muốn chuyển tịch hay chuyển nơi làm việc mục vụ, vị Bề trên của giáo phận hay tu hội tiếp nhận phải liên hệ trực tiếp với vị Bề trên cũ của đương sự, để không tiếp nhận những ai có xu hướng dễ dàng phạm tội[10]. ĐTC Phanxicô cũng nhấn mạnh: “Người tội lỗi được chấp nhận, nhưng không thể chấp nhận những người ung thối, hư hỏng[11].

b. Đối với những người mới mắc lỗi

Thực tế có không ít người sau khi đã vào Chủng viện/Dòng Tu vướng phải chuyện tình cảm, khi đi nghỉ phép, đi mục vụ và các công tác khác, đến nay vẫn chưa thể nào dứt được. ĐTC Phanxicô chia sẻ về mối tình tuổi trẻ của ngài lúc đã vào Chủng viện và chỉ dẫn: “Tôi phải nghĩ lại những gì mình đang làm. Tôi vẫn còn là chủng sinh, nên tôi vẫn còn tự do, tôi có thể gói ghém đồ đạc và về nhà. Tôi phải ngẫm nghĩ về chọn lựa của mình… nếu sợ sẽ không thể trung thành với dấn thân này thì nên rời Chủng viện… đi về bình an, thà trở nên một Kitô hữu tốt hơn là  một linh mục tồi[12].

c. Hai lập trường hiện nay

Nhiều vị Thẩm quyền và nhà đào tạo đưa ra lập trường loại bỏ ứng sinh nào đã có quan hệ tình dục. Nhưng một lập trường khác mềm dẻo hơn cho rằng ứng sinh nào đã dứt bỏ được hoàn toàn và còn riêng tư kín đáo thì có thể cho tiếp tục, với phương châm “tội thì tha và lỗi thì sửa – lỗi một thời không phải lỗi suốt đời”, mà đã sửa được cách bền vững, được trải nghiệm bởi chính đương sự và được chứng thực bởi những người có trách nhiệm đào tạo cùng thẩm quyền. Trường hợp tuy đã sửa được nhưng đã quá công khai thì cũng phải dứt khoát từ chối.

Còn ứng sinh nào làm chuyện đó khi đã vào Chủng viện/Dòng Tu thì càng phải thẳng tay sa thải hơn. Đó là điều phải lẽ, nhưng làm sao biết và xử lý được hết một cách công bằng là một vấn đề lớn được đặt ra, vì họ thường cố tình che giấu để đạt cho được mục đích và hoài vọng thăng tiến bản thân. Thật rất đáng buồn và quan ngại là có một số ứng sinh bất chấp lương tâm và cả gan đi nước đôi tiếp tục chùng lén quan hệ thân xác[13], thậm chí có con cái[14], mà vẫn tìm mọi cách để tiến tới mong làm linh mục cho bằng được, giấu diếm mọi người, giấu cả cha linh hướng. May câu chuyện cuối cùng cũng bị đổ bể. Do đó vấn đề rất quan trọng được đặt ra là việc đào tạo lương tâm ngay chính và đồng hành phải thật sâu sát cả Tòa Trong lẫn Tòa Ngoài, không chỉ trong Chủng viện/Dòng Tu, mà còn phải mở rộng ra trong các môi trường sống khác như gia đình, bạn bè đồng nghiệp, giáo xứ quê hương, giáo xứ tập vụ, giáo xứ cha bảo trợ… mới mong hiểu biết sâu sát và toàn diện về ứng sinh được. Trong việc này, sự tích cực hợp tác của các cha xứ rất quan trọng và cần thiết.

d. Một câu chuyện thật

Cháu và một chủng sinh đã quen biết nhau. Lúc đó anh rất quan tâm tới cháu… và tình cảm đã nảy sinh giữa hai anh em, kể từ đó cho đến bây giờ. Lúc đầu chỉ là sự quan tâm, nhưng cho đến một năm nay, anh ấy luôn đòi hỏi cháu việc được ngắm nhìn thân xác cháu. Cháu không đồng ý, nhưng thực sự cứ mỗi lần gặp nhau ở đâu, chỉ cần không có người là anh ta nhào vô cháu, có những hành động đụng chạm vào cháu. Cháu đã cố đẩy anh ra, nhưng cháu không thể kêu lên vì cả hai đang tu, mà kêu lên thì…. anh ấy đã sờ vào ngực cháu và vào chỗ kín của cháu, lúc đó cháu cũng cố gắng để đẩy anh ấy ra,… Ông ơi, cháu cũng không thể kêu lên. Trong những khi anh ấy đòi hỏi như thế, cháu chỉ trả lời rằng nếu có yêu nhau thật lòng thì hãy về với nhau thì cháu mới có thể làm điều đó.

Khi có tình cảm như vậy, chủng sinh đó muốn cháu cho anh ấy nhìn ngắm thân thể của cháu và rất nhiều lần anh ấy năn nỉ, nhưng cháu dứt khoát nói không và tất nhiên cháu chẳng bao giờ làm điều đó, cho dù chính bản thân cháu nhiều khi cũng bị kích thích ham muốn mỗi khi anh ấy đòi hỏi như thế, vì cháu nghĩ rằng nếu có thương nhau thì hãy thôi không tu và về lấy nhau thì lúc đó mới làm chuyện đó cách bình an và đẹp lòng Chúa. Cháu đã rất nhiều lần muốn chấm dứt tình cảm này, và càng sau khi học ông xong, cháu lại muốn mình dứt khoát hơn nữa, nhưng cháu cũng thấy khó khăn. Ông ơi, nếu thực sự anh ấy chấp nhận từ bỏ ơn gọi để hai đứa về chung sống thì cháu cũng chấp nhận, nhưng vì cháu biết anh ấy cũng không hoàn toàn muốn thế nên cháu biết mình không thể hành động một cách dại dột như thế.

Nhưng ông ơi, tại vì đã có tình cảm và vì anh ấy cứ hay nhắc đến những đòi hỏi kia, nhiều khi kích thích sự ham muốn của cháu, cháu muốn hỏi ông là trong hoàn cảnh này, cháu có lỗi phạm điều răn thứ 6 và lỗi ở mức nào? Hôm qua, khi cháu và anh ấy nhắn tin cho nhau qua mạng xã hội, vì bản thân cháu lúc đó có sự ham muốn, cơ quan sinh dục của cháu lúc đó có chảy ra những chất nhờn, cháu đã nói với anh ấy là cháu đang có ham muốn với anh, và anh ta đề nghị cháu bóc hết ra. Mặc dù lúc đó cháu thực sự có cảm giác ham muốn, nhưng cháu biết cháu không thể làm điều đó. Anh ấy luôn nói rằng anh ấy cũng yêu cháu, nhưng việc về với nhau thì anh ấy e ngại những khó khăn trong cuộc sống của hai đứa. Đó là lý do mà anh ấy không sẵn sàng để về. Anh ấy van xin cháu hãy là người giúp anh ấy khi anh ấy gặp khó khăn trong đời tu.

Cháu thực sự đau lòng và e ngại khi biết anh ấy có những suy nghĩ lệch lạc như thế ông ạ. Cháu chỉ biết dâng anh ấy cho Chúa và xin Người biến đổi suy nghĩ của anh ấy. Thời gian này, đứng trước những điều này, cháu thấy mình gặp nhiều khó khăn và khủng hoảng. Ông ơi, tất cả mọi thứ đang đổ dồn về và hành hạ cháu. Cháu thấy mình tội lỗi và bất xứng. Cháu thấy mình đáng trách quá. Xin ông giúp cháu, cháu đang cố gắng cầu nguyện và cậy nhờ ơn Mẹ Maria giúp sức. Cháu cũng đã quyết định ở lại đời tu, nhưng cũng không phải là dễ ông ạ, cháu đang cố gắng và phó thác mọi sự cho Chúa và xin Người hướng dẫn cháu. Ông ơi, vậy cháu có phạm lỗi không ông? Sáng nay cháu không dám lên rước lễ ông ạ, xin ông giúp cháu!

Trong ấn bản của nhật báo Osservatore Romano ra ngày 2-3/10/2018, Hồng Y Giuseppe Versaldi, Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Công Giáo cho biết cần phải cập nhật tiến trình đào tạo để phân định một cách thích hợp cho các ứng sinh; phải phân biệt các ứng sinh phù hợp với chức thánh qua trung gian của việc “thẩm định sâu kỹ” các hành vi có tính nguy hiểm. Các nhà đào tạo trong chủng viện phải có khả năng “nhìn thấy các dấu hiệu báo động”, chứ không chỉ nhìn thấy triệu chứng bệnh lý cuối cùng nơi chủng sinh. Ngài lấy làm tiếc việc đào tạo chủng sinh ngày nay “chưa đủ”, cần phải cập nhật[15].

3. Trong suốt dòng đời sống sứ vụ mục vụ

Có những trường hợp vấp ngã không ai ngờ trước được do hoàn cảnh, do các mối liên hệ mới kết nối trong các hoạt động mục vụ, nhất là trong những lúc gặp thử thách, thất bại, buồn phiền: có người suốt từ nhỏ rất tốt, nhưng mới ra làm mục vụ được một thời gian ngắn đã ngã ngựa, có người tới tuổi trung niên, có người tới tuổi hồi xuân, thậm chí có người tóc đã hai màu![16] Phải thành thật nhìn nhận đó là những lúc suy thoái, thiếu trưởng thành và tha hóa của cuộc đời dâng hiến, rơi vào ngõ cụt, là con đường đi hoang của chiên lạc, cần phải quay lại và điều chỉnh ý thức trưởng thành để tiếp bước tốt hơn con đường đã chọn.

Là chiên lạc, đừng trốn chạy, nhưng hãy để cho Bề trên và anh em tìm gặp được và đưa về lại đàn chiên thánh thiện của Chúa. ĐTC Phanxicô tỏ lập trường: “Linh mục nào cho tôi hay đã sa ngã, nhưng muốn ăn năn, tôi sẵn sàng giúp ông chỗi dậy. Có linh mục chỗi dậy được, có linh mục không… Chỗi dậy là làm việc đền tội, duy trì việc độc thân của mình. Sống hai mặt là điều chẳng tốt đẹp gì cho ai cả. Tôi không thích lối sống ấy vì nó giả dối, bởi thế tôi thường nói: ‘nếu không thắng vượt được, thì nên quyết định ra đi”[17].

Chúng ta không thể tránh khỏi có những lúc mệt mỏi chán nản, thử thách đau khổ, đừng quên đường đến với Chúa, Ngài luôn vẫn đứng cuối đường chờ đợi để tha thứ và đỡ nâng chúng ta. Hãy chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, Ngài đang mời gọi và chờ đợi chúng ta “hỡi tất cả những ai mệt nhọc và mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho, tâm hồn các ngươi sẽ được bình an”. Chúa không chỉ nói tới bổ sức thể lý, mà cả tâm hồn bình an nhờ được tha thứ tội lỗi. Hãy trao trút cho Chúa mọi nỗi lòng như thánh Phêrô khuyên[18]. Và cũng hãy chạy đến với Mẹ Maria, “hãy để Mẹ hướng dẫn, hãy đưa tay cho Mẹ dắt dìu, hãy sống yên hàn dưới sự dẫn dắt của Mẹ; chính Mẹ sẽ chăm sóc và tiên liệu mọi sự cho chúng ta, sẽ mau mắn cứu giúp, đáp ứng những nhu cầu hồn xác, đẩy lui những khó khăn phiền toái cho chúng ta[19].

4. Cách ứng xử đúng đắn: Chia tay

Trước những gập ghềnh tình cảm và tình yêu chen lấn vào con đường ơn gọi đó, cần phải dứt khoát điều chỉnh chia tay:

Cả hai đồng thuận, khi thấy không thể duy trì một mối tình “ngõ cụt” như thế, dù có cảm nhận đau khổ, mất mát… Hãy để thời gian giúp chữa lành.

Khi người bỏ ta, dù bị sốc và tổn thương, hãy cắt đứt liên lạc, xóa hẳn số điện thoại. Giải tỏa tâm trí, thanh thản vượt lên cho một khởi đầu mới[20].

Khi ta bỏ người, dù đã rất đắn đo cân nhắc, vẫn cảm thấy mất mát tiếc nuối. Hãy coi đó chỉ là nhất thời và hãy để quá khứ ngủ yên.

Đừng nhập nhằng nước đôi: Không thể có thứ “bạn bình thường” khi đã quan hệ thân xác rồi phải chia tay, vì “tình cũ không rủ cũng tới” và “bén mùi chùi chẳng sạch”. Tình yêu có thể đến sau tình bạn, nhưng tình bạn đơn thuần không thể có sau tình yêu. Nếu ai như vậy thì nên tự động rút lui, đừng để Bề trên phải đau đầu khi có đơn thư tố cáo và phải can thiệp sa thải[21].

Hãy để “đứt đuôi nòng nọc”[22]: Cần phải dứt khoát để bản thân và người có trách nhiệm thấy ta đã đứng lên được, hoàn toàn thay đổi và kiên trì trên con đường mới[23]. Tuy nhiên, khi tình cờ gặp lại, hãy cư xử cách tao nhã có văn hóa và cao thượng, nhưng hãy lịch sự từ chối, không nể mất lòng nhận lời đi riêng với nhau tới những nơi trước đây đã từng tới, chuyện vãn lâu giờ, nhắc lại những kỷ niệm và những việc đã qua. Nhớ thực hành 5 yếu tố cần thiết trong các mối tương quan khác phái.

Chuyện gì làm riêng tư một mình thì có Chúa biết, nhưng chuyện gì làm giữa hai người thì rồi ra người khác cũng biết, không biết được hôm nay thì mai kia cũng sẽ biết. Có thể vì nhân đạo, họ không nói hoặc chưa nói đó thôi, chứ Giáo luật buộc lương tâm tín hữu phải trình báo[24]. Và phía người nữ sẽ không giữ kín mãi được đâu và rồi chính nàng sẽ làm ra chuyện. Nếu cả đôi bên đều cùng đi tu thì tới một lúc nào đó lương tâm thức tỉnh, bên nữ sẽ bộc bạch hết với người có trách nhiệm, dù có dặn nhau “sống để dạ thác mang theo”, và người có trách nhiệm ấy sẽ làm ra lẽ[25].

II. Biết Quản Lý Giới Tính Của Mình

Tất cả các nhà tâm lý học và bác sĩ chuyên khoa đều đồng ý rằng giới tính chạm đến mọi chiều kích tâm lý, thể xác và tâm hồn con người. Không phải vì chọn đời sống độc thân khiết tịnh mà linh mục không có ham muốn tình yêu hay không có những lôi cuốn tính dục, và không bao giờ bị phụ nữ thu hút, vì linh mục cũng có một thể xác, có tính nhạy cảm, có những ước muốn giới tính. Chúng ta đón nhận những cảm xúc đến với mình, nhưng phải cân nhắc: ơn gọi của tôi là gì, ơn gọi của người kia là gì, điều tôi ước muốn trong thâm sâu là gì? Người thực sự trưởng thành nhân bản ý thức rằng sống độc thân khiết tịnh hay hôn nhân đều là một cuộc chiến đấu. Quan hệ tình dục mang lại niềm vui cho đôi vợ chồng, còn thiếu vắng điều ấy là một vết thương, nhưng linh mục biết biến vết thương của mình thành của lễ hiến dâng, và từ đó làm trổ sinh hoa trái thiêng liêng cho mình và cho đoàn chiên.

Chúng ta phải biết phân biệt giới tính và quan hệ tình dục. Giới tính nằm trong tương quan với kẻ khác: bị cuốn hút bởi đối tượng khác ta, bổ sung cho ta, yêu ta và đón nhận tình yêu của ta. Xung năng tình dục không phát xuất từ giới tính song từ tùy mối quan hệ: Người sống đôi bạn kết nối quan hệ với vợ/chồng của mình, trong khi linh mục kết nối với Chúa, với Giáo Hội và với các linh hồn.

Chúng ta cũng phải biết tiếp nhận và quản lý giới tính của mình cùng với những dục vọng của nó để có thể tự do đối với chúng. Trong việc quản lý ấy, khi có một tình cảm quá sâu xa đè nặng thì nên chia sẻ với người đủ vững để lắng nghe, hầu có thể đối diện với vấn đề. Phải tìm lại tình yêu với Chúa Kitô và với Giáo Hội, sau khi trải qua một giai đoạn thiếu nhiệt tình, bằng cách thay đổi hẳn cách sống và làm việc để tìm lại niềm vui phục vụ. Sứ vụ, lòng quảng đại và đời sống nội tâm thiêng liêng là những yếu tố mang lại thế quân bình cho chúng ta. Ngoài ra, chúng ta còn phải dành thời gian cho những sinh hoạt giải trí lành mạnh của thể dục, thể thao nữa.

Những khó khăn trong đời sống độc thân khiết tịnh có thể đưa đẩy một số linh mục tìm những thứ bù trừ, chăm sóc quá đáng đời sống thể lý được thoải mái (ngủ nghỉ, ăn nhậu), hay lao vào những giải trí ảo trên các mạng xã hội, xem phim ảnh sex… Chúng ta nên đề cập thẳng cách thực tế những vấn đề ấy với các chủng sinh/linh mục trẻ, để họ có thể tận hiến đời họ tốt hơn. Có một số linh mục có đời sống tình dục ẩn giấu (đó là lúc sự trưởng thành nhân bản toàn diện bị thiếu hụt = maturité manquée), nhưng rất nhiều linh mục khác sống rất tốt đời sống độc thân khiết tịnh của mình.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy: “Cần phải giáo dục cho các ứng sinh biết quí chuộng đức khiết tịnh và sự độc thân, cần giúp họ đào sâu kiến thức về kỷ luật Giáo Hội liên quan đến những vấn đề này”. Và HĐGMVN khuyến cáo: “Cần phổ biến và học tập tài liệu của Giáo Hội liên quan trong các cơ sở của Giáo Hội như Chủng viện, Dòng tu, các trung tâm đào tạo, các trường công giáo, hầu nâng cao ý thức của mọi người về tác hại trầm trọng của tội phạm này và dứt khoát xa tránh[26].

III. Những Nguyên Lý Hướng Dẫn

Trong tinh thần của sự trưởng thành nhân bản toàn diện, chúng ta tìm thấy trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng của ĐTC Phanxicô từ số 222-237 các nguyên lý hướng dẫn để phân định các giá trị trong đời sống và sứ vụ linh mục của chúng ta:

  1. Thời Gian Lớn Hơn Không Gian: Chúng ta phải luôn hướng tới sự thành toàn trong tương lai hơn là để mình bị bó chặt trong những giới hạn trước mắt. Như ông chủ trong Dụ Ngôn Cỏ Lùng (Mt 13, 24-30) kiên nhẫn trước kẻ thù ban đêm xâm nhập gieo cỏ lùng gây tai họa, chúng ta đừng mù quáng chạy theo những kết quả tức thời, hãy làm như ông chủ khôn ngoan: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt, tôi sẽ bảo thợ gặt gom cỏ lùng lại mà đốt đi, còn lúa thì thu vào kho lẫm cho tôi”. Cứ quảng đại gieo hạt giống Tin Mừng, thế nào cũng “có những hạt rơi vào đất tốt sinh hoa kết quả 100, 60, 30” (Mt 13, 4-9).
  2. Thực Tế Lớn Hơn Ý Tưởng: Ngôi Lời Nhập Thể thành xác phàm với hình hài cụ thể chứ không chỉ là ý tưởng trừu tượng. Nguyên lý này thúc đẩy chúng ta đem tinh thần Phúc Âm thẩm thấu vào đời sống thật hằng ngày của chúng ta, tránh mọi thứ giáo điều có nguy cơ giới hạn và bẻ cong thực tại theo khuôn mẫu có sẵn, đồng thời giúp chúng ta có thái độ uyển chuyển thích nghi hơn là quá cứng nhắc.
  3. Toàn Thể Lớn Hơn Từng Phần: Nhiều khi chúng ta chỉ chú trọng vào một khía cạnh mà quên đi tính toàn thể và toàn vẹn của sứ điệp Phúc Âm, chỉ chú trọng cá nhân mà quên đi cộng đoàn, chỉ chú trọng giáo xứ của mình mà quên đi những cơ cấu lớn hơn, như giáo phận, Giáo Hội và thế giới.
  4. Hiệp Nhất Lớn Hơn Xung Đột: Nguyên lý này thúc đẩy chúng ta tìm kiếm hiệp nhất hơn là dấn mình vào khác biệt và xung đột, đồng thời biết vượt lên xung đột để nhìn nhận và tôn trọng lẫn nhau. Chúa Thánh Thần trong Lễ Ngũ Tuần đã hiệp nhất các ngôn ngữ khác biệt để mọi người cùng hiểu tiếng nói của các tông đồ (x.CV 2, 1-11). Ngài là Đấng tạo nên những độc đáo, nhưng đồng thời cũng chính Ngài làm nên sự hài hòa, hiệp nhất. ĐTC Phanxicô nói: “Không có sự tự do nào lớn hơn khi để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, không tìm cách vạch kế hoạch và kiểm soát mọi sự từng chi tiết, trái lại để cho Ngài soi sáng, hướng dẫn, điều khiển và dẫn đưa chúng ta đi đâu tùy ý Ngài. Chúa Thánh Thần biết rõ điều gì cần, ở đâu và lúc nào. Hiệu quả mầu nhiệm là như thế”[27].
  5. Thiên Chúa Lớn Hơn Người Phàm: Khi Hội Đồng Do Thái triệu tập Phêrô và Gioan vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa thì hai ông đáp lại: “Trước mặt Thiên Chúa, xin hỏi nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (x.CV 4, 18-20). Lần khác, họ nghiêm cấm các Tông đồ rao giảng Danh Chúa Kitô, thánh Phêrô và các Tông đồ đã đáp lại rằng “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5, 28-29).
  6. Vĩnh Cửu Lớn Hơn Tạm Thời: Người kitô hữu phải biết giải đáp ba câu hỏi lớn “Con người bởi đâu mà đến? Làm gì trên trần gian này? Và rồi sẽ đi về đâu?” Và trong nhận thức đó hiểu được cái vĩnh cửu lớn hơn cái tạm thời: Mong gì trên cõi đời này, tạm thời vĩnh cửu, chọn thì cái sau. Chúng ta chia sẻ tâm tình ấy của thánh nữ Mônica khi con bà là thánh Augustinô trở lại sống đời thánh hiến: “Con ơi, riêng phần mẹ, mẹ chẳng còn lấy chi làm vui thích trên trần gian này nữa, chẳng còn biết làm gì nơi đây, cũng chẳng biết còn lý do nào mà ở lại đây. Mẹ chẳng còn trông mong gì trên đời này nữa. Trước đây, lý do duy nhất khiến mẹ ước mong được nán lại thêm một chút trong cuộc sống này là để nhìn thấy con thành một Ki-tô hữu trong Hội Thánh Công Giáo trước khi mẹ nhắm mắt lìa đời. Thiên Chúa đã ban cho mẹ quá lòng mẹ mong ước, mẹ còn đang được thấy con khinh chê hạnh phúc trần gian mà làm tôi tớ phụng sự Người. Bây giờ mẹ ở đây làm gì nữa ?”[28]

Với nguyên lý hướng dẫn này, chúng ta nỗ lực sống thánh trong hiện tại bằng việc năng nghĩ đến lúc phải ra đi về với Chúa, như các nhà tu đức dạy “muốn sống thánh thì hãy năng nghĩ đến cái chết” vì không ai biết được lúc nào Chúa vạch đường ranh giới chấm dứt cuộc đời mình; nếu thân còn mang tội mà chết thì sẽ đi về đâu trong cõi đời đời?

Trong chiều hướng phân định này, ĐTC dạy phải có một tiêu chí định hướng đúng đắn để hướng dẫn chúng ta phân định đúng sai, qua ba trụ cột[29]:

Cầu nguyện là bầu khí đang gọi mời, đang làm cho chúng ta hít thở, đồng thời đang tân tạo lời mời gọi đó. Không có bầu khí này, chúng ta không có khả năng trở nên những con người sống đời dâng hiến lành thánh. Đối với Mẹ Têrêsa Calcutta, hai giờ đồng hồ cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày là điều không ai có thể lấy mất của mẹ: Người ta kể lại rằng khi Mẹ đến Việt Nam và đang gặp Đức Tổng Bình thì có một chị đến nhắc nhỏ vào tai Mẹ “đến giờ Chầu Thánh Thể”, Mẹ vội từ biệt Đức Tổng và về ngay phòng trọ để thực hiện Giờ Chầu Chúa. Không ai có thể sống đời thánh hiến và phân định những gì đang xảy ra mà không thỏ thẻ với Chúa mỗi ngày.

Nghèo khó là tường luỹ che chắn bảo vệ chúng ta khỏi lây nhiễm tinh thần thế tục, vì sự dữ đi vào lòng người ngang qua những túi tiền. Phải nhìn nhận đang có hiện tượng tục hoá bậc tu trì, nhiều người sống đời thánh hiến giờ đây trở nên quá thế gian. Khó nghèo còn là bà mẹ giữ cho chúng ta nên người tu trì hơn, dạy chúng ta biết đặt mọi của cải mình có nơi Thiên Chúa. Khi bắt đầu mê tiền thì đó là dấu đang đi đến rất gần cái chết tinh thần.

Nhẫn nại giúp chúng ta có khả năng mang lấy khổ đau. Không nhẫn nại, đời sống thánh hiến sẽ không được trợ lực và sẽ nửa vời, vì những “cuộc nội chiến” sẽ xảy ra, chúng ta không thể gánh vác lẫn nhau và rồi sẽ mạnh được yếu thua. Sự nhẫn nhịn không chỉ để tránh được những cuộc cãi vã vốn là một gương mù gương xấu, mà còn giúp mỗi người biết phân định hơn. Nhờ nhẫn nhịn, chúng ta có thể kiên bền theo Chúa Giêsu, chứ không rút lui vì kiệt sức khi thử thách xảy đến.

[1] Trích bài giảng lễ của ĐTC Phanxicô ngày 13/4/2013.

[2] Chúng ta biết việc quan hệ tình dục trước khi kết hôn là hành vi xúc phạm tới giới răn thứ sáu, là tội gian dâm. Tội này trái nghịch cách nghiêm trọng với nhân phẩm và tính dục của con người. Ngoài ra, nó còn liên quan tới một người khác nữa và cũng có thể là một gương xấu công khai nghiêm trọng khi làm băng hoại giới trẻ (xem GLCG 2353).

[3] Xem bài Tự Do Tự Nguyện Sống Luật Độc Thân Thánh Hiến.

[4] GL 1024-1052.

[5] Trường hợp một chủng sinh năm cuối và một em Nhà Tập sắp khấn.

[6] Theo CWNews 26.03.2010, ĐGH Biển-Đức XVI đã rất kiên quyết và dứt khoát trong việc xử lý những trường hợp lạm dụng tính dục.

[7] Bộ Tu Sĩ, Huấn thị Những chỉ dẫn về việc huấn luyện các Dòng, 2/2/1990 số 88-89.

[8] HĐGMVN, Những nguyên tắc liên quan đến tội phạm lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên nơi những nhân sự thuộc quyền Giáo Hội Công Giáo Việt Nam số 5.

[9] HĐGMVN, Những nguyên tắc… số 5.

[10] Ibid, số 5.

[11] CNS 3-1-2014.

[12]http://phanxico.vn/2016/09/11/tinh-yeu-tuoi-tre-cua-duc-ratzinger-va-cac-duc-giao-hoang-khac/

[13] Trường hợp đã xảy ra giữa một thầy năm cuối và một tập sinh sắp khấn.

[14] Trường hợp đã xảy ra với một chủng sinh thần học III.

[15] http://phanxico.vn/2018/10/03/lam-dung-tinh-duc-hong-y-versaldi-muon-tham-dinh-sau-ky-cac-chung-sinh/

[16] Xin xem phần nói về tình bạn khác phái của linh mục/tu sĩ.

[17] ĐTC Phanxicô phát biểu hôm 5/4/2013, theo CNA/EWTN News.

[18] 1 Pr 5,7.

[19] Trích thư của thánh Mắc-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê – Bài đọc 2 Kinh Sách lễ thánh Mắc-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê, linh mục, tử đạo.

[20] Xem Câu chuyện người em gái nuôi từ chối lời cầu hôn của ông anh chủng sinh.

[21] Xin xem các biện pháp đối với tệ nạn lạm dụng tình dục.

[22] Cóc đẻ trứng dưới nước, nở ra nòng nọc. Khi nòng nọc biến thái, đứt đuôi thành cóc thì lên sống trên khô. Cóc không xuống sống dưới nước, nếu lỡ bị rơi hay bị ném xuống nước, cóc sẽ vội vã tìm cách lên khô. Sự dứt khoát đoạn tuyệt với các tình huống tình cũ cũng phải như thế.

[23] Nửa Chừng Xuân: “Đường anh anh đi, đường em em đi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi, đã quyết không mong sum họp nữa, bận lòng chi nữa lúc chia phôi”.

[24] GL 1043.

[25] Câu chuyện của một thầy thần học năm cuối và một em Nhà Tập, và từ đó bốn, năm anh nữa tự ý xin về.

[26] HĐGMVN, Những nguyên tắc liên quan đến tội phạm lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên nơi những nhân sự thuộc quyền Giáo Hội Công Giáo Việt Nam số 7 và số 19.

[27] Niềm Vui Tin Mừng, số 280.

[28] Trích sách Tự thuật của thánh Âu-tinh, giám mục – Bài đọc 2 Kinh Sách lễ thánh Mônica.

[29] ĐTC Phanxicô phát biểu trong cuộc gặp gỡ các đại diện Dòng Tu tại Hội Nghị Quốc Tế ngày 4/5/2018 tại Rôma.