Giá Cao Phải Trả Để Làm Môn Đệ  Chúa

print

Giá Cao Phải Trả Để Làm Môn Đệ  Chúa

Chúa Nhật 23 Thường Niên C 04.09.22

vo ha

I. “Hợp quần gây sức mạnh. Đoàn kết thì sống. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao…”. Đó là những lời hay ý đẹp từ Ca Dao Tục Ngữ của tổ tiên dân Việt đã lưu truyền dạy con cháu từ ngàn xưa tại Á Đông. Bên trời Tây cũng có những câu mang ý nghĩa tương tự như “‘không ai là một hòn đảo” … Con người muốn tồn tại và phát triển, thì sống với nhau vì nhau và cho nhau. Lịch sử thăng trầm của nhân loại và đất nước, chứng minh câu trên luôn đúng.

Qua lãnh vực tôn giáo, vị Giáo  Chủ nào khi xuất hiện trên đời, cũng chiêu mộ chọn lựa môn đệ và huấn luyện chung. Một số còn được huấn luyện riêng như Phêrô, Giacôbê và Gioan, gọi là “giáo ngoại biệt truyền”  với mục đích  thừa hành sứ mệnh của tôn giáo mình. Chúa Giêsu cũng đã có 72 (con số nhiều) môn đệ vòng ngoài (Lc 10,1-12) đặc biệt 12  sứ đồ vòng trong khi còn tại thế.  Những vị nầy  lại tiếp tục chọn lựa những thế hệ kế tiếp cho Đạo Thánh Chúa tồn tại và phát triển vì tình yêu côi nguồn sung mãn của Chúa phải được chia sẻ cho mọi con người dương thế mọi nơi mọi thời.

Lời Chúa trong bài Phúc Âm Chúa Nhật 23 Thường Niên C  nầy, đưa ra những điều kiện, như những cái giá phải trả thật cao khi muốn làm môn đệ Chúa. Những cái giá nầy xem ra quá nghiêm khắc, ngược đời, có khi bị hiểu lầm là làm chia rẽ tình ruột thịt từ trong gia đình, ra tới làm hại sức mạnh đoàn kết quần chúng nhân dân?

Nhưng “ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự gì Thiên Chúa muốn?”. Vậy  ta cùng đọc chính văn những dòng Lời Chúa  bên dưới cùng xin ơn thêm soi sáng cho câu hỏi trên trong Sách Khôn Ngoan.

 

II. Lời Chúa

Bài Ðọc I: Kn 9, 13-18 “Ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn? Vì những ý tưởng của loài phải chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn. Vì xác hư nát làm cho linh hồn ra tì trệ và căn nhà bụi đất làm cho lý trí hay lo lắng nhiều điều ra nặng nề.

Chúng tôi ước lượng cách khó khăn các việc dưới đất, và khó nhọc tìm thấy những sự trước mắt. Còn những sự trên trời, nào ai khám phá ra được?

Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống.

Như thế, mọi đường lối những kẻ ở dưới đất được sửa lại ngay thẳng, và loài người học biết những sự đẹp lòng Chúa.

Vì, lạy Chúa, những ai sống đẹp lòng Chúa từ ban đầu, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan.

 

Bài Ðọc II: Plm 9b-10. 12-17 “Con hãy tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Philêmon.

Con thân mến, Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, cha nài xin con cho Ônêsimô, đứa con cha đã sinh ra trong xiềng xích.

Cha trao nó lại cho con. Phần con, con hãy đón nhận nó như ruột thịt của cha. Cha cũng muốn giữ nó lại để thay con mà giúp đỡ cha trong lúc cha bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý con, nên cha không muốn làm gì, để việc nghĩa con làm là một việc tự ý, chớ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa con một thời gian để rồi con sẽ tiếp nhận muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với cha, huống chi là đối với con, về phần xác cũng như trong Chúa. Vậy nếu con nhận cha là bạn hữu, thì xin con hãy đón nhận nó như chính mình cha vậy.

 

 Phúc Âm: Lc 14, 25-33 “Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng:

 “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.

“Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: ‘Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi’.

“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng?

 Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà.

Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

 

III. Đôi dòng Ghi Chú và Tâm Tình

Trước hết, Bài Đọc 1 trích 5 câu từ Sách Khôn Ngoan gồm 19 chương trong Kinh Thánh Cựu Ước được Công  Giáo chấp nhận. Vị ký lục của sách nầy là một người Do Thái không rõ tên,  am tường lịch sử Do Thái và văn hóa Hy-lạp, sống tại Alexandria 2000 ngàn năm trước (Ai-cập hiện nay). Sách được viết trong chừng những năm 200-50 TCN. Nhưng Vua Sa-lo-mon sống 800 năm trước đó, được cho là tác giả để làm tăng  giá trị.

Sách có mục đích chính là giáo dục tôn giáo, bằng cách sưu tập những lời hay ý đẹp của Do Thái và thêm của khắp vùng Trung Đông, qui chiếu về Thiên Chúa là cội nguồn khôn ngoan. Sự Khôn Ngoan còn được thần thánh hóa như là chính Thiên Chúa.

 5 câu trong bài đọc 1 trên, dạy con người rằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt quá trí khôn con người. Vì con người là thụ tạo bằng bùn đất, nay còn mai mất, làm cho trí óc trì trệ, lu mờ.  Những việc trước mắt dưới đất còn chưa biết hết . Thí dụ, có ai thấy, dù là chỉ là vật chất, không khí hay gió. Còn những việc trên trời – hay đời sau –  thì làm sao biết.

Nên nhờ sự khôn ngoan Chúa ban và Thánh Thần, Thần Thiêng, Thần Khí  ta mới biết ý định của Thiên Chúa – chỉ phần nào thôi.

 Trong Cựu Ước, ít khi đề cập Thiên Chúa Ngôi Ba. Riêng câu 18 tiên báo về Thánh Thần là nguồn tài trí của ơn khôn ngoan. Người  là Ngôi Vị mà Chúa Giêsu sẽ mạc khải rõ hơn khi đến trần gian. 

Chính Thánh Thần là Hơi Thở cùng là Thần Trí đưa dẩn  con dân Chúa tới đường nẻo khôn ngoan mới trong bài Phúc Ngôn.

 

Qua Bài Phúc Âm,   trước hết, “đám đông cùng đi với Chúa Giêsu” gồm dân chúng, cách riêng các môn đệ lúc đó và cũng bao gồm các môn đệ sau nầy nữa. Đa số theo Chúa vì động lực danh lợi thú. Như giải thoát dân khỏi ách nô lệ Roma, còn mình thì được một chổ nào đó khi nước Israel được tái lập.

 Biết rõ tâm tư của đa số, Chúa Giêsu ngoảnh lại bảo họ những điều kiện để làm môn đệ của Thầy cũng như công dân dặc biệt của đất nước không thuộc về thế gian nầy (Gn 18:37).

Theo bản Phúc Âm  Anh Ngữ   câu  26 “If anyone comes to me and does not hate father and mother, wife and children, brothers and sisters—yes, even their own life—such a person cannot be my disciple. Nếu ai đến với Ta mà không “ghét” cha mẹ, vợ con,  anh chị em, cả mạng sống, thì không đáng làm môn đệ Ta. “Ghét” ở đây là thành ngữ Do Thái gốc Semit (con Ông No-e thời Lụt Cả)  diển tả yêu ít hơn. Vì Chúa Giêsu vẫn tôn trọng điều răn thứ 4 Thảo Kính Cha Mẹ. Nhưng nếu có xung đột nội bộ, do kẻ ngộ người còn bị mê trong gia đình, thì ai khôn ngoan phải chọn lựa Chúa, Lời Chúa và luật của Chúa trên hết.

 

Ý thứ ba, là trong cuộc đời nầy, ai cũng gặp chướng ngại,  nghịch cảnh, khảo đảo, khổ luỵ lớn nhỏ.  Kitô Giáo gọi những điều bất như ý nầy  là Thánh giá. Có ai muốn Thánh giá trong đời mình? – Bình thường, chỉ ráng vác khi Thánh giá tới mà  không hay ít phàn nàn là hay lắm rồi.

Nhưng theo Chúa Giêsu, là đi ngược dòng thế gian, đi trên con đường hẹp Thánh Giá để tới đất nước không thuộc về trần gian của Thiên Chúa. Nên Chúa phải báo trước:

 “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta”. Như người leo núi cần được trang bị thêm cây gậy chống đi, vượt lên,  thêm bảo hộ.  Trên đường trọn lành, thánh giá cũng cần như vậy. Như trong kinh đi đàng thánh giá: người nhơn đức (được) ban ơn thêm sức; kẻ tội kiên, cải dữ về lành. 

Thêm nữa, Chúa Giêsu còn đưa ra hai câu truyện như hai dụ ngôn dạy đời, dạy đạo. Dụ ngôn thứ nhất là ai muốn xây cái tháp thì phải có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, để khỏi bị thói đời chê cười vì khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi.

 

Dụ ngôn thứ hai là một ông vua, phải biết người biết ta, mới dám đương đầu với bên kia. Nếu thấy mình yếu thế , thì đi cầu hoà. 

Gọn hơn,  muốn làm môn đệ của Chúa hay theo Chúa, cấp tu hay ngoài đời,   phải có dự tính, phải chuẫn bị, phải sẳn sàng chấp nhận mọi thánh giá làm nẻo thần vững vàng,  là  con đường theo Chúa, không những bằng lòng mà còn lại vui lòng nữa.

Cuối cùng, Chúa đòi hỏi môn đệ phải từ bỏ tất cả của cải mình có, để xứng đáng làm môn đệ của Người. Tức là, coi nhẹ của cải đời nầy và xử dụng chúng như đầy tớ tốt để phục vụ.

 Khi không vướng bận của cải, là lúc  tự biến cải cho mình nên gọn nhẹ mà chuyên tâm tu luyện để phục vụ tha nhân cách bình đẳng. Đây cũng là đòi hỏi rốt ráo, giúp phó thác cuộc đời đói no, vinh nhục, sống chết …trong tay quan phòng của Thiên Chúa.

 

Trở lại bài đọc 2, Thánh Phaolô trình bày và biện hộ  cho nô lệ Ônêsimô, trước đó  đã trốn khỏi nhà chủ và còn lấy đi số tiền (?).

Bên trên là một trích đoạn từ thư riêng Thánh Phaolô viết đang lúc bị cầm tù vì rao giảng Chúa Giêsu, gởi ông Philêmon đã trở tại Kitô giáo qua vị Thầy Phaolô, cũng như nhắn nhủ anh chị em tín hữu hội họp tại nhà ông nầy. Là cộng sự viên quí mến và quan trọng của Thánh Phaolô tại Côlôsê, ông Philêmon khá giả, đạo đức, giúp đỡ và là chủ của người nô lệ  Ônêsimô.

Trong thư, Thánh Phaolô không ép buộc, nhưng mong ước chủ nhân Philômon nhận lại  Ônêsimô như người nhà và đối xử  với anh trong tình bác ái  và huynh đệ của Chúa Giêsu  Kitô. 

Tình yêu Chúa  Giêsu giúp anh chị em tín hữu đổi mới tương quan  tốt đẹp bình đẳng giữa nhau, thêm giữa chủ và nô lệ.

Nhân học thư Thánh Phaolô viết cho ông Philêmon, làm thế hệ sau nhớ chút chuyện xưa về Đức cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (1909–1988). Người khuyên các Linh mục địa phận việc thứ nhất là ráng đi một đàng nước ngoài, học nhiều sàng khôn. Còn việc thứ hai là cố gắng trả lời mọi thư từ gởi tới, do kính trọng nhân phẩm người gởi trong tinh thần bình đẳng không phân biệt cao thấp thân sơ, dù thời trước là thư giấy dán tem.

 

IV. Xin Dâng Lời Cầu

Loài người chúng con là vật mọn phàm hèn, không thể biết ý định của Chúa, nếu Chúa không đi bước trước mở màng và gởi Thánh Thần tới soi sáng.

Xin Chúa hướng dẩn và bảo vệ Hội Thánh trong những công việc từ thiện bác ái và cũng thêm đòi hỏi công lý cho mọi người, cách riêng cho những thành phần thấp cổ bé miệng.

Xin cho những nhà cầm quyền các nước trên trần thế  tìm ra phương cách hữu hiệu chống tệ nạn lạm dụng sức lao độg khai thác con người cách bất công về vật chất cũng nhu tinh thần.

Xin cho mọi Kitô hữu biết chung tay góp phần xây dựng xã hội để mọi người được sống đúng với  phẩm giá của mình

Xin cho mọi thành viên trong Họ chúng con can đảm đón nhận mọi gian nan thử thách là thánh giá và bền tâm đi theo Chúa  đến cùng.

Xin Chúa giúp chúng con luôn hiên ngang xưng mình là Kitô hữu, để những người chưa biết Chúa, nhận ra Chúa đã yêu thương họ, nhờ lề lối sống đạo của chúng con

 Xin thêm sức mạnh cho chúng con, bằng lòng với những thánh giá  Chúa gởi tới để thánh hoá chính mình . Amen.